
Chúng tôi, Vân Anh và Quế Chi, những kẻ thất nghiệp và đơn côi lại rất mải chơi, về nghe hát hội Lim vào một ngày trời gió rét căm căm. Vẫn còn nhớ câu “xe chúng tôi chênh vênh…” của một bài văn nọ, cảm thấy may mắn vì chặng đường đi khá thuận lợi, chỉ cần thẳng tiến từ cầu Chương Dương xuôi theo quốc lộ 1A, qua Gia Lâm, cầu Đuống, tiến vào Từ Sơn rồi đến vùng Tiên Du của xứ Kinh Bắc.
Hai bên cánh đồng, xuân còn nằm im trong đất đợi ngày gieo mạ mà trên đường người người nô nức. Đã thấy thấp thoáng bóng áo tứ thân mớ ba mớ bẩy khiến những đứa con vùng biển như tôi nao nao, xao xuyến lạ lùng. Làng chài ven biển quê tôi quanh năm nằm nghe sóng vỗ, dân tứ chiếng về đây lập làng lập xóm, tuổi thơ tôi không có cây đa, bến nước, sân đình. Tuổi thơ tôi đánh bạn với những dốc đê dứa dại, với hàng phi lao xanh rì, trầm lắng. Tôi khao khát một triền đê phủ xanh cỏ mượt thoai thoải hiền lành không góc cạnh. Tôi ước lắm được như các cô điệu đà chen nhau đi trẩy hội làng.
Không tham vọng nhiều lắm được thấy lại không khí hội Lim xa xưa như nhiều người đã từng ao ước và đã từng thất vọng, chúng tôi vui vẻ với những hình ảnh còn sót lại, với sự vắng bóng của các liền anh liền chị trẻ trung. Năm nay không có lễ rước kiệu nhưng hội vẫn đông như thường. Quả thật số người hát quan họ chỉ mang tính chất ví dụ, nhưng dẫu sao tiếng hát vẫn đến được với du khách nhờ kỹ thuật máy móc hiện đại.
Khi chúng tôi lại gần khán đài thì cũng là lúc chương trình của các cụ hát quan họ lời cổ. “Non í a là xanh nước biếc í a cũng có a hữu tình là hữu tình cảnh trí trong tranh.”. Dường như có ánh mắt tươi trẻ lung linh của người hát, có niềm vui đồng cảm của người xem khi ngượng nghịu bắt nhịp theo lời. Có phải xưa kia, bạn bè đến thăm nhà mời nhau chén nước miếng trầu rồi cùng nhau hát đối đáp để đến nay niềm ham thích văn nghệ vẫn được nối tiếp ở lớp trẻ chúng tôi khi tụ tập ở quán karaoke lành mạnh.
Vui nhất là các bạn nam thanh nữ tú còn rất thích được hóa thân trong trang phục quan họ mà nói như ngôn ngữ hiện đại thì đó cũng chính là một hình thức cosplay vẫn thường thấy ở Nhật Bản.
Bên trái khán đài là ngôi chùa với Nghi môn thâm nghiêm sừng sững thỏa sức cho khách phương xa về đây ước vọng. Quanh chùa, người đi hội thường dừng chân dưới những tán cây. Dịch vụ cho thuê chiếu không quá đắt đỏ với giá 20 nghìn một cái vô thời hạn nên rất hút khách. Họ ăn uống, nghe hát. Nếu vệ sinh hơn chút nữa thì cảnh tượng này thơ mộng không kém gì cảnh hội ngắm hoa đào của đất Phù Tang. Có lẽ tranh thủ những ngày tháng nông nhàn cuối cùng, họ tụ tập cùng nhau ngơi nghỉ, thưởng thức cảnh xuân trước khi bước vào một vụ cấy cày vất vả. Để ý thấy mặt ông nào cũng đỏ lựng hồng hào nhưng tuyệt nhiên chỉ có tiếng cười đùa nổ ra giòn giã, vui vẻ. Các bà các cô thong thả bày đồ ăn trong làn đã chuẩn bị từ nhà, nào xôi gà, bánh chưng, bánh cốm. Trẻ con thì chạy nhảy nô đùa, xán lại bên hàng bác tò he bên cạnh.
Phải “bon chen” một lúc lâu chúng tôi mới vào được vòng trong cùng đám đông tập trung trước trại quan họ của một thôn. Ở đây ngoài thưởng thức âm nhạc, người xem còn được giao lưu với các liền anh liền chị. Có những bác hát đối đáp, giao duyên nuột nà không kém gì nghệ sĩ chuyên nghiệp. Thế mới biết niềm say mê quan họ vẫn còn nồng nàn, vẫn còn da diết lắm. Thầm hẹn năm sau sẽ cố tập luyện một điệu để còn được giao lưu cùng với các anh chị.
Chúng tôi còn vòng ra sau đồi Lim để xem thuyền rồng du ngoạn ven hồ. Khách đứng xem và nghe hát không ngần ngại bày tỏ lòng yêu thích và ngưỡng mộ của mình bằng cách đặt vào chiếc nón ba tầm một vài đồng bạc. Những đồng bạc ấy có ý nghĩa và khích lệ truyền thống văn hóa rất lớn, thật khác xa với những trò cờ bạc đỏ đen núp dưới rất nhiều hình thức vẫn còn nhan nhản bên cạnh những giải trí lành mạnh như đánh đu, đập niêu, chọi gà, vẽ chân dung, thi nhảy bao bố….
Tuy nhiên đọng lại trong tôi vẫn là nghĩa tình đằm thắm, niềm trân trọng của người xem hội với dân ca, vẫn là tiếng hát ngọt ngào, giàu bản sắc và tinh thần phục vụ vô tư của các liền anh liền chị. Thầm hỏi lòng: Có thể nào không ngân nga í a tang tình trên con đường trở về quan họ?
***
Đã thuộc đường thuộc lối từ lâu thành phố Sơn Tây mảnh mai nằm ghé bên dòng Tích Giang thơ mộng nhưng mãi đến lần này tôi mới được chứng kiến lễ hội đền Và ở thôn Vân Gia, xã Trung Hưng, là một trong bốn cung thờ Thần Núi Ba Vì – Tản Viên Sơn Thánh, Đệ Nhất Phúc Thần trong Tứ bất tử của tâm thức dân gian Việt. Bạn bảo năm nay chính hội to lắm, rước kiệu qua sông 3 năm mới có…. Thế là lại “vội vã trở về, vội vã ra đi”, từ hội Lim xứ Đông ngược sang xứ Đoài mây trắng.
Trời vẫn mưa xuân rây rất hạt từ đêm trước, nằm trong chăn ấm mà vẫn nghe thấy tiếng nhạc phách vọng từ phía đền giục người chuẩn bị kiệu xe, áo tế để rước Ngài sang sông, vào đền Ngự Giội. Ngài ở đây tất nhiên là thần Sơn Tinh nhưng vì sao lại có những Tam vị, người thì bảo đó chính là hai người anh em họ của thần, người thì bảo là thờ cả Nguyễn Hiền nữa. Rồi vì sao đền và gò lại tên là Và? Thật khó mà lý giải ngay được. Chẳng mấy chốc, đã thấy ánh đèn sáng trưng giữa không khí thâm u của cánh rừng lim mà ngôi đền ẩn mình trong đó. Khói nhang vẫn nghi ngút, dòng người vẫn không kém đông, thật hiếm thấy vào thời khắc 3, 4 giờ này.
Có 3 kiệu chính nghe bảo là kiệu Quả, kiệu Văn, kiệu Ngai, mỗi kiệu có đến 8 tay đòn, mỗi tay đòn có 4 trai làng thay nhau khiêng. Kiệu Ngai rước pho tượng Tam vị đã được các cụ già trong làng làm lễ thay áo đội mũ từ chiều hôm trước. Nói là tượng thực ra chỉ tượng trưng bởi khúc gỗ đã được khắc chữ và “hô thần nhập tượng”, theo như người dân trong làng kể thì đã có nguyên vẹn từ xa xửa xa xưa. Kiệu đi hết con đường Cầu Trì, một bên làng xóm, một bên cánh đồng, qua dòng sông Tích, ngoặt đường Quang Trung, Lê Lợi rồi ra bến sông Hồng giáp vùng Vĩnh Phúc. Cùng chung một dòng phù sa bồi đắp mà tính cách con người mỗi vùng lại khác. Dường như thiếu nữ Sơn Tây lãng mạn bay bổng bao nhiêu thì con gái Vĩnh Phúc lại đằm thắm, dịu dàng bấy nhiêu.
Trên những con đường dài dặc khắp làng trên xóm dưới, lần lượt kiệu của 8 thôn nhập vào đoàn rước. Cho dù “mưa đầu ô” buôn buốt, người dân vẫn đứng hai bên đường chờ tung hoa, chui qua kiệu lấy khước, xem múa lân cho tiền. Nhà nhà hoan hỉ. Tôi cũng vui lây niềm vui được phủ đầy tâm hồn duyên hải trống vắng hình ảnh truyền thống của làng quê đồng bằng Bắc Bộ.
Hiếm có cuộc sang sông nào lại vui như rước thần về nơi thờ vọng. Chẳng cứ gì ngày xưa mà đến cả bây giờ vẫn có nhiều cô sang ngang lỡ bước, về thăm quê mẹ mà lại nước mắt tủi thân vì chuyến phà bị kẹt giữa lòng sông trong mùa nước cạn. Ngày hội nay, người bên này ngóng người bên kia, bờ bên này chờ bờ bên kia làm lễ xuống thuyền trong tiếng reo hò hoan hỉ, cờ xí rợp trời. Có đến mười chín thuyền tất cả, ba thuyền cuối phục vụ nhân dân mà vẫn không đủ. Hai bờ dường như gần lại, chẳng còn cảm giác cách trở đò giang như thường ngày.
Sang đến bên kia các kiệu được rước vào đền làm lễ tế, diễn lại tích xưa. Rằng: trong một lần dừng chân trên một quả đồi thấp ven dòng sông Tích, Đức Thánh Tản thấy xuất hiện đám mây ngũ sắc, Ngài cho đó là điềm lành bèn lập tại chỗ một hành cung. Nơi ấy là đền Và. Một lần, trên đường trở về đền Và từ bên kia sông Hồng, Ngài dừng chân bên xóm nhỏ và lựa lời nhờ một cô gái đang cắt cỏ quanh đấy gánh nước sông bằng đôi sọt để tắm giội. Cô gái bật cười vì nghĩ chàng trai đang đùa bỡn mình nhưng quả nhiên đôi sọt đựng được nước thật. Cô bèn chạy về loan báo với dân làng chuyện lạ, khi mọi người đến nơi thì người tắm đã đi mất để lại một vùng hương trầm phảng phất. Lại nghe nói, trước đó Ngài còn bày cho cô cách thay dao bằng liềm để cắt cỏ nhanh hơn. Tên đền là Ngự Giội ý muốn nhắc việc Ngài đã đến ngự và tắm giội ở đó.
Đến tận cuối chiều, thuyền kiệu mới thơ thới trở về đón ánh rằm đầu tiên giữa cảnh sông nước bao la bình lặng. Lòng người thanh thản trong cảnh trăng gió và sóng xuân dập dềnh.
Lễ hội đền Và không chỉ biểu hiện tín ngưỡng của người dân Việt mà còn ghi nhận nơi đây chính là một trong những mảnh đất cội nguồn đã tồn tại từ bao đời bên dòng sông Nhị.
***
Mùa lễ hội năm nay, báo chí rộ lên những hình ảnh người người chen lấn, giẫm đạp lên nhau để cầu an, cầu phúc. Không rõ từ bao giờ, mỗi khi chắp tay trước vong linh thần thánh, tôi không quen cầu ước điều gì nữa, tâm trí bỗng trở nên trống rỗng thảnh thơi, cảm nhận không khí thâm u huyền mặc chốn linh thiêng, thoát tục. Chính những trải nghiệm tuyệt vời và hành trình về với văn hóa, với truyền thống đã là một niềm may mắn lớn cho cả mùa xuân, cả một năm bắt đầu.
Quechi115
Có được những dịp dong chơi theo ngày tháng, theo thời gian như thế này thật sướng …
ThíchThích