Tâm là chủ

Chào các bạn

Các bạn có lẽ đã nghe đến “tâm là chủ” nhiều lần rồi. “Tâm” viết đúng nhất là “tâm trí” tức là quả tim và đầu óc. Tim và óc luôn đi đôi với nhau và ra lệnh cho các cơ phận của ta làm việc.

Người tây phương trước kia luôn tách rời l‎ý trí và tình cảm, xem như hai điều này biệt lập nhau. Nhưng kể từ khi Daniel Goleman viết quyển Emotional Intelligence năm 1995, thì tình cảm được xem như là một phần quan trọng trong “thông minh” của con người, và l‎ý trí và tình cảm bắt đầu đi chung một tí ở trời Tây, nhưng vẫn không chặt chẽ và sâu sắc như chữ “tâm” ở trời Đông.

“Tâm là chủ” nghĩa là tâm ta là chủ của ta. Nếu tâm ta đang buồn, ta thấy điều gì cũng buồn và hành động ta buồn. Nếu tâm nóng giận như lửa, thì ta có thể đốt nhà hay giết người. Nếu tâm ta hòa ái, thì ta suy nghĩ và hành động dịu dàng với mọi người.

Dĩ nhiên, nếu bà chủ của ta cứ nhảy choi choi như khỉ–khi thì buồn như cha chết, lúc thì nóng giận sắp đốt nhà, khi thì mừng tưng tưng như trúng số độc đắc—thì ta cũng sẽ nhảy choi choi như khỉ, đó là chưa nói đến có lúc có thể sẽ đi ở tù. Cho nên đầy tớ phải biết cách rèn luyện bà chủ, để bà chủ lúc nào cũng bình tĩnh từ tốn như bà chủ.

Nhưng đã là chủ thì chẳng muốn đầy tớ chỉ huy và rèn luyện mình. Thành ra, việc luyện tâm luôn luôn gặp phản kháng từ bà chủ–Ôi, mấy việc này vô ích. Ôi, hơi đâu mà tốn thời gian. Ôi, cha mẹ sinh sao để vậy…

Nhưng dù sao đi nữa, thì đây là điều rất rõ ràng và căn bản mà mỗi chúng ta cần phải nhớ :

• Khi ta nóng giận về ai đó, ta “bình tâm” suy tính về vấn đề, tính cách trả đũa hữu hiệu, có chiến pháp chiến lược đàng hoàng.

• Khi ta thất tình, ta “bình tâm” nhận rõ vấn đề và thấy rằng đàn bà (hay đàn ông) là không đáng tin. Mai mốt cần cẩn thận. Còn anh chàng/cô nàng mặt mẹt phản bội mình thì coi như là không còn trên đời.

• Khi ta sợ hãi, thì ta “bình tâm” thu hình vào một góc, chẳng làm gì hết để tránh hiểm nguy.

Các bạn, những cái “bình tâm” trong 3 thí dụ trên, chẳng có một tí “bình” nào cả. Đó chỉ là ảo giác và tự lừa dối mình. Khi ta nóng giận, mọi suy tư của ta đều do một con tim đang cháy phừng phực chi phối; khi ta thất tình thì mọi suy tư đều do một con tim chới với hậm hực chi phối; khi ta sợ hãi thì mọi suy tư đều do một con tim kinh hoàng không can đảm chi phối.

Nói tóm lại: Khi tâm ta bị xung động—nóng giận, buồn rầu, sợ hãi, gian tham, kiêu căng—thì tất cả mọi suy tư và hành động của ta đều là nô lệ của một con tim đang bệnh hoạn thương tích.

Điều quan trọng mọi người chúng ta đều biết là những lúc ta bị xung động như thế ta cần phải thực sự “bình tâm” trở lại, để tâm ta có thể là một bà chủ bình tĩnh và sáng suốt.

Khi bị xung động, khi ta đang hụt hẩng, chán ngán, nghi ngờ mọi điều về chính mình và về mọi người… hay nóng giận, lửa bốc trong lòng… hay khi ta chán cả thế giới, khi ta không còn tin vào Thượng đế thần thánh hay công lý… khi ta không còn tin vào loài người… khi ta chỉ muốn quả đất nổ tung… khi ta tuyệt vọng… đó là khi tâm ta đang bị thương tích, bệnh hoạn… ta chẳng nên suy nghĩ và hành động gì cả (để khỏi phải làm bậy), và ta phải biết cách trấn an quả tim, vuốt ve quả tim, mang quả tim dần về chốn ngơi nghỉ bình an.

Nhưng, bạn không thể làm điều này (trấn an con tim) được, nếu bạn đã không thường xuyên luyện tâm hàng ngày. Cũng như học võ, khi gặp cướp muốn chống đỡ, thì chỉ có một cách là phải bỏ công tập võ hàng ngày cả mấy năm trước đó. Không thể thực hành ngay nếu chưa tập luyện bao giờ.

Cho nên các bạn cần nhớ các chân lý rất rõ ràng này:

(1) Tâm ta là chủ của ta.
(2) Tâm ta rất dễ bị xung động
(3) Khi tâm bị xung động thì cả tâm ta và ta trở thành nô lệ của cảm xúc trong tâm.
(4) Cho nên không nên làm gì cả khi tâm bị xung động—mọi suy tư và hành động lúc đó chỉ là nô lệ bất trí của cảm xúc.
(5) Muốn thoát ra khỏi vòng nô lệ đó, tâm ta phải được luyện tập thường xuyên để có nội công đủ để “bình tâm” mỗi khi bị tấn công.

Đây đúng là học võ chiến đấu. Và chỉ có một cách giỏi võ là tập thường xuyên, hàng ngày. Cách tốt nhất là mỗi giây trong ngày, bằng cách cẩn thận trong suy tư, lời nói và hành động từng lúc, thay vì chỉ phản ứng tự động theo cảm tính.

Tập cho tâm luôn luôn tĩnh lặng được trong mọi tình huống, dù là nhà mình đang cháy hay người yêu vừa mới qua đời. Đó là giữ cho tâm luôn là chủ tốt.

Chúc các bạn một ngày vui.

Mến,
Hoành

© copyright 2010
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

12 thoughts on “Tâm là chủ”

  1. Cám ơn anh Hoành. Những bài viết về luyện tâm của anh rất hay. Mỗi sáng đến cơ quan trước khi vào làm việc em toàn vào trang này đọc các bài viết của anh trước tiên. Em là người đang luyện võ nên thấy tất cả những bài viết của anh rất có giá trị. Vì luyện võ chính là luyện tâm, chí (ý chí) để tự vượt qua chính mình và dần tiến đến làm chủ mình.

    Chiến thắng chính mình luôn khó hơn chiến thắng kẻ thù phải không anh.

    Like

  2. Dĩ nhiên rồi, Thông. Anh thấy thắng địch thủ khó nhất thì cũng chỉ dễ bằng 1/10 cuộc chiến để thắng chính mình.

    Like

  3. Em thì thấy chả cần quan tâm tới việc thắng hay thua địch thủ bởi vì khi chiến thắng chính bản thân mình thì chẳng còn ai “đáng” hay “bị” gọi là địch thủ nữa! đúng không các anh?

    Like

  4. Hay lắm, Như Nguyệt!

    Nhưng con nhà võ nói chuyện với nhau thì luôn luôn có đối thủ (có lẽ “đối thủ” chính xác hơn “địch thủ”), vì tập võ là phải tập chiến đấu với bạn. Chiến đấu với bạn là cách để cả hai cùng cải thiện.

    Nhưng Như Nguyệt nói rất đúng, trong tư duy tích cực ta không có đối thủ nào ngoài ta.

    Like

  5. Cái này thì em xin mạn phép bác tdhoanh (xin loi vì em không biết chính xác tên bác là gì Hoanh hay Hoành hay Hoánh nên ghi thế cho tiện, hì) phản bác lại một tí: ta cũng không phải là đối thủ của ta mà chỉ đơn giản là ta nhưng chưa được nhận diên một cách chính xác nói cách khác chưa phải là chính mình nên không tin vào mình không yêu quý bản thân mình cho nên lúc đó nhìn đâu cũng thấy địch thủ, “kẻ thù” đáng ghét mà không biết “tâm bị xung động” nên tạo ra các ảo giác như thế. Cho nên trong tư duy tích cực phải khẳng định là không có đối thủ hay địch thủ mà chỉ có “thủ túc” mà thôi (có thể trong thực tế không được như thế nhưng tư duy tích cực mà phải nghĩ thế chứ! hì)

    Like

  6. Hi Như Nguyệt,

    Như Nguyệt nói rất phải. Nhưng đó là triết lý. Mà triết lý thì luôn luôn mông lung, nói đằng nào cũng đúng.

    Tùy theo mục đích của mỗi bài viết mà dùng ngôn ngữ thì ta mới chuyển tải được ý. Nếu lúc nào cũng triết lý thì khi nào cũng đúng, nhưng chẳng chuyển tải được gì cho ai cả. Viết như thế thì rất xìu và người đọc thường bị lạc lối.

    Trong việc luyện tâm, vấn đề rất rõ là mỗi chúng ta phải thấy là “luyện tâm là một cuộc chiến trường kỳ, cam khổ, để chiến thắng chính mình.” Mình phải chiến đấu với những yếu kém của mình như một đối thủ mà mình phải thắng. Và cuộc chiến này có thể kéo dài đến cả đời, cho đến lúc chết. (Mình chẳng nghĩ là có một loại giác ngộ có thể lấy đi hết được mọi thử thách và cám dỗ của đời người. Người giác ngộ mà còn sống là còn bị thử thách và cám dỗ).

    Lúc thắng rồi thì muốn nói gì đó thì nói–tìm lại được chính mình, tìm lại được chân tâm của mình, v.v….

    Nhưng lúc đang luyện tập, nếu ta không chiến đấu với những yếu kém của tâm ta như là chiến đấu với một đối thủ ta phải chiến thắng thì ta sẽ đi lạc đường.

    Cho nên ngôn ngữ là để chuyển tải được điều gì mình muốn, khi mình nói hay viết điều đó. Chứ triết lý thì thực ra nói đằng nào cũng đúng. Hôm nay viết một bài dùng từ thế này, ngày mai bài khác dùng từ ngược lại 100%, cả hai cùng đúng, vì ngữ cảnh khác nhau và mục đích khác nhau.

    Cho nên ta hiểu ý nhau trong môt ngữ cảnh là được rồi, không nên tranh luận nhiều quá về tử ngữ. Từ ngữ chỉ là chiếc áo bên ngoài. Mỗi người có cả chục cái áo khác nhau để mặc mà.

    Như Nguyệt khỏe nhé.

    Like

  7. Vâng cám ơn bác nhiều, nhờ các bài viết của bác mà em học hỏi được rất nhiều, ngay cả khi bác sử dụng cây gậy em cũng cố gắng sử dụng nó một cách có ích nhất!. Có thể em triết lý, nhưng không có ý định tranh luận với bác về từ ngữ. Chỉ nói thêm để bác hiểu và có thể đây cũng là cách luyện tâm! hy vọng là bác đừng hiểu nhầm ý và không để bụng, nhân tiện em tên Như Nguyệt không phải Thu Nguyệt, cám ơn rất nhiều!

    Like

  8. Không có gì, đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại, hì. Chúc bác một ngày thật vui, tâm tịnh, tinh yên, lòng phẳng lặng!!!!!! 🙂

    Like

  9. Anh Hoành,
    Em cám ơn các bài anh chia sẻ, rất thẳng thắn và có nhiều tình thương.
    Bài “Tâm là chủ” làm em nghĩ tới “tu là chuẩn.”
    Em chúc anh khỏe mạnh và an vui, luôn được gia ân với nguồn thánh thiện để phụng sự cuộc đời.

    Like

  10. Do nhân duyên hôm nay mình có đọc qua bài của các bạn. Mình cũng phản hồi lại đôi ba dòng có điều gì không hợp thì cũng mong mọi người bỏ quá cho.
    Trong mỗi chúng sinh (có con người) như Phật tuyên thuyết có một Phật tính vĩnh hằng (vô sinh vô diệt), một số người thì gọi là Tâm, một số tôn giáo hay truyền thống khác có thể gọi với tên khác. Chỉ có các chư Phật là trực nhận được còn tôi và các bạn ở đây thì cũng chỉ mơ hồ cảm nhận thôi. Chúng ta vẫn còn bản ngã (ảo tưởng về cái tôi và ảo tưởng về đối tượng do các giác quan đem lại coi như thực hữu) và phần đông trong chúng ta sẽ cố gắng tăng trưởng cái tôi này bằng nhiều cách, như học hỏi kiến thức ở trường, bạn bè xã hội v.v (Ý tôi không có nói học hỏi là không tốt mà tôi có ý là nếu mà tăng trưởng bản ngã thì không nên còn cảm thấy học hỏi rồi mà thấy mình càng yếu kém thì …). Nhưng chung quy lại chúng đều do các giác quan và đối tượng của các giác quan đem lại, rồi chúng ta ảo tưởng phân biệt tôi và các anh, các vật, các tư tưởng… Và chúng ta đi đến chiến đấu với đối tượng (địch thủ v.v…) nếu đối tượng đó gây ra cảm giác tức giận, bất an v.v… cho bản ngã thậm chí là chiến đấu với chính mình về thực tế thì không có ai (có gì) để chiến đấu.

    Like

  11. Cám ơn bạn Thượng.

    Thượng rất đúng.

    Bát Nhã Tâm Kinh nói: Sắc bất dị không không bất dị sắc.

    Dù là sắc và không chẳng khác nhau, người ta vẫn nói sắc và không là vì sao?

    Và tại sao Bát Nhã Tâm Kinh lại KẾT THÚC bằng câu chú:

    Gate Gate paragate paprasamgate bodhi svaha!
    Qua rồi, qua rồi, qua bở rồi, qua bờ hết rồi, giác ngộ rồi, vậy đó

    Nếu đã là “Không” thì làm gì có bờ nào để mà qua?

    Cho nên chưa qua bờ thì vẫn còn bờ để qua. Khi ĐÃ qua rồi thì mới biết là thực ra không có bờ.

    Khi chưa chiến thắng thì vẫn còn phải chiến đấu. Kihi ĐÃ thắng rồi thì mới biết là không có gì để chiến đấu (trong cuộc chiến kiểm soát “bản ngã” của mình, như thiền sư luyện trâu đen thành trâu trắng–không phải là chống lại người khác).

    Chưa là Phật thì hãy chiến đấu thắng bản ngã để qua bờ. Lúc đã là Phật, qua bờ rồi, sẽ thấy là thực ra không có bờ.

    Nhưng, bờ hay không, chẳng quan trọng bằng tu tập hàng ngày. Không nên nói là “không có bờ” để qua mà bỏ tu tập lúc này. (Rất rất nhiều người thích dùng ngôn ngữ Bát Nhã để không tu tập gì cả).

    Đối với người đã giác ngộ, đã là Phật, thì không cần nói. Vô ngôn. Vì chẳng có gì để nói.

    Đã phải nói thì nói “phải qua bờ.”

    Đó là nói “luyện tâm”, tức là hành xử với bản ngã của mình.

    Thượng còn nhắc đến “người khác”, thì cách tốt nhất là “yêu người như yêu chính mình” vì người với ta là MỘT, và MỘT đó là TÂM, là KHÔNG. Cho nên không có “ta versus người”.

    Nhưng bài này là nói đến luyện tâm chính ta, chúng ta không nên dồn dủ mọi thứ vào đây, để các bạn đọc bị mơ hồ.

    Thượng khỏe nhé.

    Like

Leave a comment