Lord of the Dance – Cry of the Celts

Chào các bạn,

“Lord of the Dance” là một chương trình ca vũ nhạc Ai-len (Ireland) do một vũ sư Michael Flatley người Mỹ gốc Ireland sáng tạo và là vũ công chính. Nhạc của chương trình này do nhạc sĩ Ronan Hardiman viết.

Michael Flatley nổi tiếng nhờ vũ đoàn Riverdance, một vũ đoàn về vũ Ai-len, nhưng bất đồng ý kiến với ban giám đốc về nghệ thuật trình diễn–Michael muốn trình diễn trong những sân rộng thay vì hạn hẹp trong các hí viện cổ điển–cho nên Machael rời Riverdance và thành lập Lord of the Dance. Cả Riverdance và Lord of the Dance đều nổi tiếng quốc tế về vũ Ai-len.

Bài vũ sau đây có tên là Cry of the Celts (Tiếng Thét Của Người Celts, tổ tiên người Ai-len ngày nay) do Michael Flatley và toàn ban trình bày.

Chúc các bạn một ngày nhiều nhịp chân 🙂

Hoành
.

Lord Of the Dance – Cry of the Celts [Michael Flatley]

Mỗi ngày một việc thiện

Chào các bạn,

Tất cả mọi vị thầy của tất cả mọi môn học trên thế giới đều xác nhận với bạn là muốn nhuần nhuyễn môn học của họ, bạn phải luyện tập hàng ngày. “Thường xuyên” là yếu tố quan trọng nhất cho tinh tấn, dù đó là toán, hội họa, khiêu vũ, võ thuật, tư duy tích cực, thiền…

Một trong những cách giản dị và dễ nhất để luyện tập tư duy tích cực, thiền tâm, và tâm nhân ái là “Mỗi ngày một việc thiện.”

Thực ra chúng ta đã thường làm mỗi ngày hơn một việc thiện rồi. Ta chỉ không nghĩ đến mà thôi. “Mỗi ngày một việc thiện”, hoặc cho chính mình hoặc cho người khác, chẳng làm ta nặng gánh thêm tí nào, ngoại trừ nó nhắc ta ‎ý thức đến điều ta làm mỗi ngày mà thôi.

Có rất nhiều việc thiện lớn nhỏ ta có thể làm mỗi ngày trong cuộc sống thường nhật:

1. Việc thiện cho mình:

• Nhịn hút một điếu thuốc lúc đang lên cơn thèm.
• Đang muốn nằm nướng, nhưng đứng dậy đi bơi.
• Đang lừ nhừ, làm một ly cà phê, mở của đứng uống cà phê nhìn mặt trời lên trên ngọn cây.
• Đi bộ một quãng sau khi ăn tối.
• Đang tức giận việc gì đó, mở nhạc nhẹ nghe và ngủ một giấc cho quên giận.

2. Việc thiện cho người khác:

• Nhường chỗ cho một phụ nữ trên xe bus.
• Đưa một cụ già qua đường.
• Cho một người ăn xin một tí tiền.
• Cho người hàng xóm mượn một đồ vật cần dùng.
• Tính mắng ai đó một câu, nhưng nuốt nước bọt rồi mỉm cười.
• Tính làm gì đó để đì ai đó cho hả giận, nhưng niệm (phật hay chúa) một câu rồi quyết định không làm.
• Nhặt một mảnh rác và bỏ vào thùng rác gần đó.
• Ai đó sửa soạn đánh nhau, nói vài lời can ngăn.

Đại loại là như thế. Việc thiện đầy dẫy quanh ta, chỉ cần mở mắt một tí thì thấy bao nhiêu là cơ hội để làm, mà lại chẳng tốn tí công sức gì của ta cả.

“Mỗi ngày một việc thiện” có ảnh hưởng rất lớn đối với chính ta và xã hội của ta. Việc thiện của ta có ảnh hưởng trực tiếp đến 3 nhóm người:

1. Người được ta giúp: Hoặc là họ nhận một điều thiện từ ta, hoặc là không nhận một điều ác từ ta, đó đều là điều tốt cho họ. Và họ sẽ nghĩ: “Ờ, thế giới này vẫn còn người tử tế.” Suy nghĩ như vậy là một năng lượng tích cực trong tâm của một người. Có cơ hội nó sẽ được nhân lên thành nhiều người.

2. Chính ta: Ý thức và hành động của “Mỗi ngày một việc thiện” là cách luyện tư duy tích cực và thiền rất hiệu quả. Có lẽ là ít có gì hiệu quả bằng, vì đây là luyện tập bằng hành động sống.

3. Những người nghe/thấy được việc thiện của ta: Như những người qua đường, nhìn thấy ta giúp một lão bà, họ sẽ nghĩ: “Ờ, thế giới này vẫn còn người tử tế”. Và năng lượng tích cực này trong họ sẽ được nhân lên khi có cơ hội.

Các bạn có thể thấy được sức mạnh của năng lượng tích cực này trên thế giới của ta nếu bạn chỉ làm một việc thiện một ngày, và cứ như thế cả đời không?

Mong các bạn nồng nhiệt tham dự vào “dự án cá nhân” này cho chính bạn, đồng thời chuyển message này đến bạn bè, mời gọi mọi người tham dự vào “dự án cá nhân” cho riêng họ; và như thế các “dự án cá nhân” của chúng ta đã là một “dự án xã hội”, cho thành phố, quốc gia, và thế giới chúng ta đang sống.

Chẳng có gì lớn lao. Nhưng ta chẳng nên quên là “Tiếng động của một cái khảy móng tay có thể rung động đến vô lượng thế giới.”

Các bạn thỉnh thoảng hãy đến ghi vào phản hồi của bài này một việc thiện nhỏ bạn đã làm, để chia sẻ ‎ý tưởng với các bạn khác. Đây là sống. Đây không phải là phong trào kéo dài một vài tháng. Đây là dự án sống cả đời. Và bạn đã thường làm rồi, chẳng có gì mới, chỉ là suy nghĩ có hệ thống hơn. Thế thôi.

Chúc các bạn một ngày vui. Đừng quên chuyển message này đi. Chúng ta đã có một link thường trực trên ĐCN về “Mỗi Ngày Một Việc Thiện”.

Mến,

Hoành

Viết bài cho Đọt Chuối Non

Chào các bạn,

Cám ơn cả nhà đã kiên nhẫn trong thời gian xáo trộn vừa qua.

Vì lý do bảo vệ an ninh cho ĐCN và cũng để tập trung năng lượng của chúng ta, sau đây là một vài điểm chính về chính sách mới về bài vở của Đọt Chuối Non.

1. Tất cả mọi bài đều phải nằm trong slogan của ĐCN–“Tư duy tích cực mỗi ngày”.

Các bài thơ và văn mà chúng ta thường đăng trên ĐCN, dù là hay nhưng thường không nằm trong mục đích tư duy tích cực mỗi ngày. Các bài này sẽ bị ảnh hưởng dưới chính sách mới.

Đa số các thiền thi và thánh thi được xem như đủ tiêu chuẩn tư duy tích cực.

Đa số các bài về văn hóa và lịch sử Việt Nam, được xem như đủ tiêu chuẩn tư duy tích cực.

Các bản nhạc thường nằm trong chuyên mục “Văn Hóa”, giúp ta hiểu biết thêm về văn hóa, cho nên nếu không tiêu cực và ủy mi, thì có thể chấp nhận được.

Tập trung ý hướng bài vở như thế này có thể làm giảm lượng bài vở rất nhiều, cho nên ĐCN sẽ phải chậm lại. Không sao, chúng ta cần quan tâm đến phẩm chứ không cần lượng.

2. Tạm thời, vừa để duy trì an ninh vừa để định hình cho đường hướng bài vở mới, mình sẽ là admin duy nhất. Xin các bạn gởi bài trực tiếp đến mình tại tdhoanh@gmail.com.

Tùy theo điều gì sẽ xảy ra, chúng ta sẽ tiếp tục thay đổi để quản lý ĐCN với các biện pháp tối ưu. Cho nên chính sách gì ta nói hôm nay chỉ có hiệu lực cho đến khi có thay đổi. Chẳng có gì vĩnh viễn. Planning on the move. 🙂

Chúc các bạn một ngày vui.

Mến,

Hoành

Chính thống

Thầy không bao giờ ấn tượng bởi bằng cấp hay cấp bậc. Thầy kiểm tra con người, chứ không phải chứng chỉ.

Thầy đã từng nói rằng, “Khi bạn có tai để nghe chim hát, bạn không cần nhìn vào bằng cấp của con chim đó”.

(Nguyễn Minh Hiển dịch)

.

Authenticity

The Master was never impressed by diplomas or degrees. He scrutinized the person, not the certificate.

He was once heard to say, “When you have ears to hear a bird in song, you don’t need to look at its credentials.

(Anthony de Mello)