Thằng Điểu San khóc đã mệt,cứ một chặp nó lại nấc lên,chốc chốc lại hờ hờ vài tiếng.Nó nằm bẹp,co quắp trên cái vạt nứa đen sạm mồ hôi của hàng chục con người,mấy đời trong căn nhà sùm sụp,mái tranh trùm sát mặt đất này.Ba tuổi mà vóc dáng nó chỉ như đứa trẻ mới qua một mùa suốt lúa. Nó đói.

Sau khi lót bụng bằng một chén cháo bắp lõng bõng lẫn với rau rừng, mè nó nấu trong chiếc ống nứa,cả nhà,tức là ông ngoại, bắp *,mè **và ba anh chị nó,từ sáng sớm đã đi vào rừng cả. Họ, và cả Bon lan ***, đi tìm đào củ chụp về ăn.
Cả bon đói. Gạo đã hết từ hai ba lần con trăng tròn bằng cái miệng cối rồi. Lúa bắp mới trổ cờ,gặp con lũ sớm nước rút chậm, thối ngọn hết.Nhà thằng Điểu San là còn may,vì có nhiều lao động,nên năm ngoái gieo nhiều bắp,may còn sót lại một ít trỉa không hết bữa trước.Chớ nhiều gia đình khác trong Bon từ lâu rồi, chỉ có củ chụp với rau rừng thôi.
Chiều buông tấm áo xám xuống dãy núi Jook Đa một lúc lâu.Đêm sắp bước qua khỏi rừng,mới thấy cả làng nối gót chân nhau lội qua suối Đăk Đa về. Lưng ai cũng cong xuống gần tới đầu gối vì gùi nặng. A ! Chắc chắn là nhiều củ lắm.
Bắp Man châm cành củi vô ống điếu rít mấy hơi đến giơ cả xương gò má lẫn xương hàm trên cặp má lõm xuống,rồi lại nhả cái tẩu ra nói với con rể:
– Phải phát cánh rừng dưới chân núi Jook Đa mà gieo lúa bắp thôi Băp Tân ạ.Mở cái rẫy mới may ra còn có cái mà ăn.Lúa nước thì lụt ăn, rẫy cũ thì trỉa 4-5 mùa rồi, đất không còn cái gì cho cây lúa cây bắp nó ăn mà lớn nữa đâu.Mấy nhà trong Bon hôm nay cũng bàn nhau ,muốn phát cái rừng đầu suối đấy.
Mè Tân vỗ vỗ vào cái lưng thằng Điểu San,ru cho nó ngủ,nói thêm :
– Phải đó Bắp Tân à. Mình không phát người ta cũng phát thôi.Cái rừng ấy nhiều cây to,đất nó ngon,tra lúa bắp tốt lắm đó. Gỗ ta bán cho mấy người xe cây. Còn có thêm tiền mua tôn lợp nhà nữa. Mái tranh bên bếp lửa phía kho lúa đã thủng rôi đấy. Trời mưa là dột như người đổ ống nước đó.
Bắp Tân ngồi trầm ngâm nãy giờ bên bếp lửa,lúc lắc cái đầu :
– Không được đâu Băp à . Xưa nay Băp vẫn nói cái rừng Jook Đa là rừng thiêng,ai đụng vô là Yang phạt.Sao bây giờ lại bảo tui phát đi ? Yang đâu chưa thấy,chớ mấy ông lâm trường với kiểm lâm phạt trước là chắc rồi đó.
– Ơ thì xưa nay vẫn thế.Ai đụng vô cái rừng đó là gây động tới các Yang. Thú dữ về bắt người,bắt heo gà luôn. Yang còn cho con nước to theo về lôi người đi nhiều lắm. Nhưng không phát cái rẫy mới thì lấy chỗ nào mà trỉa bắp,tra hạt lúa chớ? Đói miết. Mày không thấy mấy đứa con nít da bụng nó dính hết vô lưng rồi đó à?

Thằng Điểu Tân đang ngồi lấy con dao nhỏ như lá lúa,mà bén tựa nước,cạo vỏ củ chụp với em nó đầu hồi,lắng nghe câu chuyện từ nãy giờ của ông ngoại và cha ,cũng xen vào:
– Thày giáo cháu nói phá rừng là vi phạm lâm luật đó ông ạ. Thày với mấy chú ở lâm trường nói nhiều chữ lắm,cháu không biết hết là sao,nhưng bây giờ muốn bắn con chim,bẫy con cheo cheo cũng chẳng còn nữa.Đi xa thiệt xa như vô tận chỗ đào củ hôm nay,cũng chỉ có mấy con chim lích chích,nướng chưa thơm đã chui tọt vô cái bụng đói.Hết rừng chim với thú chúng nó bay đi ở chỗ nào hả ông?Hồi xưa đứa nào cũng có cái lồng chim với con nhồng thiệt đẹp biết nói,bây giờ làm gì còn chim mà đan lồng chớ.
– Mày không nuôi chim là do nhà trường vận động đừng có làm bẫy,chớ đâu phải tại không bắt được chim nuôi ?
Bắp Tân cao giọng mắng con sang chuyện khác,sợ nó làm ông ngoại buồn.Bắp Man chưa kịp trả lời thằng cháu thì bỗng có tiếng chân bước ngoài sân,rồi ai đó gọi to trong đêm :
– Bắp Man với cả nhà còn thức không ?
– Ai giống tiếng giám đốc Sơn hè ? Vô chơi đi.Còn thức thôi.
Sơn,giám đốc Công ty Phát triển rừng Quảng Mai và kỹ sư Lâm cán bộ khuyến nông khom người bước qua cái cửa thấp lè tè như chui vào cái tổ con tò vò.Cả hai người miệng lớn tiếng vừa cười vừa nói
– Chào già làng. Chào Bắp Tân, Mè Tân. Cả nhà ăn tối chưa ? Đang nói chuyện vui hả.?Ô ! Cháu Tân đang nấu củ đấy à ?
– Vui gì. Cũng chẳng dấu ông.Ông tới đây rồi thì mình nói cho biết luôn.Đang tính đi phát cái rừng ở chân núi Jook Đa mà làm rẫy đây giám đốc ạ. Đói hung rồi. Ăn củ chụp miết sôi cả bụng,con nít đâu có lớn nổi mà vui.
– Ây ! Rừng Jook Đa là rừng phòng hộ đầu nguồn ,chặt sao được già làng ơi. Già làng còn bàn chụyện đi phát rừng làm rẫy thì tụi con thua to rồi.
– Người Bu Na không chặt cái rừng ấy,thì cũng có người ở nơi khác đến chặt đốt hết thôi. Cây to quá mà.Tại sao đất rừng này người Mnông mình ở hàng bao đời nay,ông bà mình cũng sống chết ở đất này mình không được chặt,mà người nơi khác lại tự do muốn chặt chỗ nào cũng được,giám đốc nói mình nghe thử xem ?
Giám đốc Sơn cơi thêm cho ngọn lửa trong bếp sáng to hơn,rồi nhìn từ mặt già làng Băp Man sang Bắp Tân,tới Mè Tân,tới cả anh em thằng Tân đang ngồi đầu nhà ,chậm rãi nói :

– Rừng núi là tài sản quốc gia,không ai được tự do chặt phá.Phá rừng là vi phạm pháp lụật của nhà nước,kiểm lâm bắt được nhẹ thì phạt tiền,nặng là đi tù đó già làng ạ.Còn cánh rừng ở chân núi đó,giữ cho con suối Đăk Đa luôn luôn đầy nước.Nếu mình chặt hết cây,mùa mưa tới không có gì ngăn lại, nước chảy ào về xuôi hết. Vừa gây lũ lụt dưới đó,vừa gây hạn hán trên này,lại còn làm cạn kiệt nguồn nước ngầm nữa.Như mấy năm trước khô cháy hết,vài năm nay lại lũ lụt liên miên,già làng có nhớ không ?
– Mình nhớ ! Mình nghe nói cây cà phê các nơi chết hết. Con bò con trâu cũng không có cả vũng nước mà uống nữa.
Kỹ sư Lâm tiếp lời giám đốc Sơn :
– Mấy năm nay Tây nguyên mình không hạn thì lũ lụt,chuyện mà bao đời nay chưa thấy xảy ra,có đúng không già làng? Nguyên nhân cũng chỉ do phá rừng quá nhiều,quá nhanh mà ra thôi.Voi không còn có chỗ trú, không có lá cây ăn, kéo nhau xuống miền xuôi phá dữ lắm già làng ạ.Bắp vẫn nói là động rừng đó mà.
– Vậy để cho cả Bon chúng ta đói à ? Mà có phải một Bon đâu? Lại còn bọn trẻ nữa chớ.Chúng nó cũng phải nghỉ học theo Bắp Mè đi mà đào củ mới có cái ăn. Con chữ trong bụng đâu có làm no hả ông giám đốc?
– Thế già làng chưa biết rồi. Huyện đã cho xe chở về 3T gạo cứu đói giáp hạt cho bà con.Ngày mai mời các gia đình lên Cụng ty nhận. Cụng ty cũng đã xây dựng xong quy hoạch giao đất giao rừng cho dân rồi.Mỗi hộ sẽ nhận 20 ha ,có quyền chủ sở hữu sổ đỏ đàng hoàng.Rừng già, rừng đầu nguồn thì khoanh nuôi bảo vệ.Rừng bụi có thể chuyển mục đích sang trồng cao su,bời lời,điều.Cụng ty sẽ lấy vốn của chương trình 5 triệu ha rừng để cấp giống và trả công cho bà con trồng rừng. Ơ đất đó mình trồng thêm màu cũng được vài ba vụ trong lúc cây rừng chưa khép tán ,già làng ạ.

– Bọn cháu sẽ đưa giống bắp lai và đậu cao sản về cho bà con .Hướng dẫn tỷ mỉ kỹ thuật gieo trồng.Còn cho nợ phân vi sinh,đến mùa trả bằng đậu bắp nữa,được không già làng?
Giám đốc Sơn và kỹ sư Lâm thay nhau trình bày.Già làng Bắp Man cứ gật gật cái đầu búi tó lia lịa.Hai dái tai võng xuống thành vòng tròn, dấu vết của chiếc khuyên tai bằng ngà voi to tướng, cứ đong đưa,đong đưa.Thằng Điểu Tân nghe thủng câu chuyện nhảy cẫng lên :
– Hoan hô chú Sơn,hoan hô chú Lâm.Thế là hết đói rồi.Cháu lại được đi học,không phải đi đào củ chụp nữa. Để cháu đi báo cho thằng Điểu Kan biết chuyện này,rủ nó mai ra lớp luôn.
Thằng bé hớn hở chạy chân sáo ra khỏi nhà,bỏ lại em nó ngồi với đống củ chụp đang gọt dở.Câu hát gì không rõ nó ư ử trong miệng còn vương lại ngoài cửa.Già làng Bắp Man gõ chiếc tẩu thuốc xuống thành bếp kêu cành cạch:
– Ô ! Ô ! Nghe lọt lỗ tai đó. Mình cũng vẫn biết là phạm vô rừng cấm thì sẽ bị động rừng chớ. Các Yang sẽ cho thú lớn,cho con nước to về hại người ngay.Nhưng cái đói của lũ nhỏ còn đáng sợ hơn giám đốc à.Nay các cán bộ đã nói vâỵ thì ta cũng đồng ý thôi.Mè Tân mai đi lãnh gạo hé. Còn Bắp Tân phải rủ mấy đàn ông lên lâm trường nghe xem giao đất giao rừng thế nào. Giám đốc cứ yên tâm đi .Giao rừng của người Mnông,cho người Mnông giữ,làm sao mà mất được,mà cháy được ?
Bếp lửa reo vui.Nước trong nồi củ chụp sôi lóc bóc.Không khí trong nhà ấm áp vui vẻ hẳn lên.
Linh Nga Niê Kdăm