Con người Giêsu

Chào các bạn,

Nhân mùa Giáng Sinh,  tức là mùa mừng sinh nhật Chúa Giêsu, mình muốn chia sẻ với các bạn một tí về con người hấp dẫn này.  Đây là một trong hai người có ảnh hưởng mạnh nhất trên tư duy của mình.  Người kia là Phật Thích Ca.  Các điều thú vị về Chúa Giêsu mình sắp chia sẻ ở đây là lấy trực tiếp từ Thánh Kinh, mặc dù có một số điều rất ít người để ý đến và nhắc đến.

Bài này đặc biết chú trọng đến khía cạnh con người của Chúa Giêsu.  Khía cạnh Con Chúa hay Chúa Con thì ta tạm gác qua một bên, vì  thực sự là chẳng có gì hấp dẫn để bàn.  Đã là Chúa rồi thì có 5 ngàn cánh tay, 10 ngàn con mắt, đi một giây 20 triệu năm ánh sáng, cũng chỉ là chuyện thường, chẳng có gì đáng ngạc nhiên. 🙂

Cuộc đời con người của Chúa Giêsu là một cuộc đời nhiều hấp lực.  Đó là cuộc đời của một người rất người, với đầy đủ những vết bùn trong gia phả, cùng những xúc cảm, khổ đau, và nước mắt của con người.  Và là một người rất gần gũi với những người ở tận đáy xã hội.

Từ phần này về sau, chúng ta chỉ dùng tên Giêsu trong bài, như cách dùng trong các bản Thánh Kinh nguyên thủy tiếng Hebrew và Hy Lạp, để nhấn mạnh tính cách “con người” của Chúa Giêsu.

Tổ tiên mờ ám

Phúc Âm của Matthew ghi lại chi tiết gốc gác của  Giêsu, bắt đầu từ Abraham, tổ phụ của dân Do Tháí, đến  Giêsu, 42 đời cả thảy.  (Matthew 1:1-17)  Trong gia phả của chế độ phụ hệ này, theo truyền thống Do Thái thời đó, chỉ có tên đàn ông, và đương nhiên là đàn ông Do Thái.  Thuở đó, và ngay cả đến ngày nay cũng vẫn còn khá đúng, người Do Thái chỉ lập gia đình với người Do Thái và bị cấm lấy người “ngoại đạo”, cho nên gia phả chỉ có người Do Thái là chuyện đương nhiên.  Tuy nhiên trong số 42 đời trong gia phả Giêsu, Matthew có kèm theo tên 4 người phụ nữ được xem là có ảnh hưởng quan trọng trong lịch sử Do Thái: Tamar, Rehab, Ruth và Bathsheba.  Điều thú vị về các phụ nữ này được giải thích trong phiên bản Thánh Kinh cho Sinh Viên (Student Bible), New International Version:

“Tổ Tiên Mờ Ám:  Gia phả Matthew ghi lại khác với nhiều gia phả Do Thái vì có ghi tên phụ nữ, mà đó lại là chọn lựa một nhóm phụ nữ đáng ngạc nhiên.  Tamar, không phải người Do Thái, lừa và quyến rũ bố chồng, rồi sinh ra cặp con song sinh ngoài hôn thú (Genesis 38);  Rahab, cũng không phải người Do Thái, đã từng là một gái làng chơi (Joshua 2:6); Ruth, không phải người Do Thái, lớn lên như là một người theo tà đạo (Ruth 1-4); và vợ của Uriah, bà Bathsheba, phạm tội ngoại tình với vua David (2 Samuel 11-12).   Nhiều người đàn ông trong gia phả cũng có dĩ vãng   đen tối; nói chung tổ tiên của  Giêsu biểu lộ rất rõ rằng Thượng đế có thể dùng đủ mọi loại người để làm việc.”

Con hoang

Thánh Kinh nói Mary, mẹ  Giêsu, thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần,  khi còn đồng trinh.  Và  Giêsu không phải là con thật của Joseph, chồng của Mary.  (Matthew 1:18-21).

Nói theo thói thường của trần thế, đó gọi là con hoang, không có cha.

Kẻ tị nạn từ lúc mới sinh ra

Vừa mới sinh ra, đã bị vua Do Thái là Herod tìm giết, vì Herod nghe nói đất Do Thái mới sinh ra một vị vua, và Herod không muốn ai tranh giành ngôi vua với mình.  Thế là Joseph và Mary phải khăn gói quả mướp, nửa đêm mang Giêsu chạy sang Ai Cập tị nạn.  (Matthew 2:13-15).

Nghèo và thất học

Joseph và Mary nghèo đến nỗi phải sinh  Giêsu trong chuồng gia súc và đặt con trên máng cỏ của gia súc.  (Luke 2:6-7).  Bố Joseph làm thợ mộc.  (Matthew 13:55). Và  Giêsu cũng theo bố làm nghề thợ mộc (Mark 6:3).  Chẳng ở đâu trong Thánh Kinh nói  Giêsu có học hành bằng cấp gì cả.

Ưu ái với người thất học,  người xấu , người tội lỗi, người thù địch

  • Trong số 12 người đệ tử thân cận nhất, 4 người đầu tiên là ngư phủ–Peter, Andrew. James, John (Mattew 4:18-22).  Matthew là người thu thuế.  (Matt 9:9-13)  Vào thời đó, người thu thuế còn thấp hơn cả gái làng chơi, vì bị xem là phản quốc.  Những người thu thuế làm việc cho chính quyền La Mã, tức là chính quyền thực dân đô hộ, thu thuế của dân Do Thái tức là đồng bào họ, giữ lại một phần huê hồng bỏ túi, phần còn lại chuyển cho nhà nước La Mã.
  • Giêsu ăn uống trong nhà của chàng thu thuế Matthew, với các người thu thuế khác và “ những người tội lỗi”.  Thánh Kinh chỉ nói “người tội lỗi” mà không nói rõ tội gì, nhưng ta có thể mường tượng được trộm cắp, lừa bịp, lưu manh, bỏ nhà thờ, chống Thượng đế, không theo lề luật đạo đức…  (Matthew 9:9-13).

Đây là những loại người mà người đứng đắn không được chung đụng, đến nỗi các lãnh đạo tôn giáo buộc tội  Giêsu là “ăn uống với những kẻ thu thuế và người tội lỗi”.  Và  Giêsu trả lời: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, nhưng người bệnh cần.” (Matthew 9:12).

  • Một lần khác  Giêsu gặp một người phụ nữ Samaritan cạnh giếng nước và nói chuyện với bà ta.  Người Samaritan và người Do Thái không liên hệ nhau.  Người Do Thái xem người Samaritan là ngoại đạo tội lỗi và không nói chuyện với người Samaritan.  Hơn nữa, các vị thầy tôn giáo Do Thái thường không nói chuyện riêng với phụ nữ ngoài đường.  Vì vậy đệ tử  Giêsu ngạc nhiên khi thấy  Giêsu nói chuyện riêng với phụ nữ, mà lại là phụ nữ Samaritan .  (John 4:27)

Và bà này lại là một người có vấn đề rất lớn theo tiêu chuẩn thời đó, vì  Giêsu biết bà ta đã có đến 5 đời chồng, và hiện đang sống với một ông không phải là chồng!

Dù vậy  Giêsu vẫn ưu ái bà ta đên mức đứng giảng cho bà ta một lúc, rồi sau đó tiết lộ với và ta: “Ta là Đấng Cứu Thế [mà dân Do Thái đang mong đợi]” (John 4:26).   Đây là người duy nhất Giêsu nói câu đó, cho đến  khi bị đưa ra tòa.

  • Người La Mã, nhất là lính La Mã, được xem là kẻ thù của dân Do Thái.  Nhưng khi một sĩ quan La Mã đến nhờ  Giêsu cứu người nhà đang bị bệnh nặng, Giêsu liền chữa người đó.  (Matt 8:5-13)

  • Một người phụ nữ bị bắt về tội ngoại tình, phải bị xử tử bằng cách ném đá theo luật Do Thái.   Giêsu đã cứu bà ta bằng cách hỏi những người sửa soạn ném đá: “Ai là người không có tội thì hãy ném viên đá đầu tiên.”  Nghe câu hỏi, mọi người bỏ ra về.  (John 8-5-11)

Trọng phụ nữ

Vào thời mà phụ nữ bị coi thường,  Giêsu rất tôn trọng và ưu ái phụ nữ,  và xử với phụ nữ bình đẳng với đàn ông.  Điều này hầu như không thể có vào thời đó.

  • Khi một người đàn bà góa ở Nain khóc lóc vì con vừa chết, Giêsu thương tình và cứu con bà sống lại. (Luke 7:11-15).
  • Vào một ngày Sabbath, tức là ngày nghỉ hàng tuần dành riêng cho Thượng đế, mà ngày nay ta gọi là ngày Chúa Nhật, ngày không ai được phép làm việc gì cả,  Giêsu chữa bệnh khòm lưng cho một người phụ nữ đã bị bệnh đó 18 năm, ngay trong đền thờ Do thái giáo, trước mặt bao nhiêu giáo dân và giáo sĩ.  Đây là phạm luật Do Thái công khai trước mắt toàn thể mọi người. (Luke 13:10-17). (Vậy thì bị xử tử đóng đinh cũng là phải!).
  • Hai chị của  Lazarus, người đã chết và được Giêsu cứu sống lại, là Martha và Mary rất thân với Giêsu.  Khi Giêsu đến nhà thăm, Martha thì nấu nướng, nhưng Mary thì ngồi ngay dưới chân  Giêsu để nghe nói chuyện.   (John 11:5, Luke 10:38-39).
  • Chúng ta đã nói đến thái độ đặc biệt của  Giêsu với người phụ nữ Samaritan bên giếng nước bên trên.
  • Một người đàn bà bị bệnh xổ huyết 12 năm, sờ vào người  Giêsu và được Giêsu chữa lành, dù là với thời đó bà ta được xem là “không sạch” và không ai nên đụng bà ta hoặc cho bà ta đụng vào.  (Mark 5:22-34)
  • Tương tự như vậy,  Giêsu sờ vào xác đứa con gái của Jairus, được xem là “không sạch” vì là xác chết, để cứu cô bé sống lại.  (Mark 5:41).
  • Rất nhiều phụ nữ theo nghe  Giêsu giảng đạo và dùng tiền của họ để lo cho  Giêsu.  Trong số đó có   “Joanna vợ của  Cuza, quản gia của vua Herod; Susanna; và nhiều phụ nữ khác.” (Luke 8:3)
  • Khi  Giêsu bị bắt và bị hành hình, hầu hết môn đệ nam biến mất, nhưng một số phụ nữ đi theo cho đến nơi hành hình, tận chân thánh giá trên đồi Golgotha, gồm:

1. Mary Magdalene (theo phúc âm Matthew, Mark, and John)

2. Mary mẹ của James and Joses (phúc âm  Matthew and Mark)

3. Mẹ của các người con của Zebedee (phúc âm Matthew)

4. Salome (phúc âm Mark) – Nhiều học giả cho rằng Salome có lẽ là phụ nữ số 3, mẹ của các người con của Zebedee.

5. Mary, mẹ  Giêsu (phúc âm John)

6. Mary, vợ của Clophas (có lẽ là anh em của  Joseph, ba dượng của  Giêsu) (phúc âm của John)

7. Chị/em (không tên) của Mary, mẹ của  Giêsu  (phúc âm của John) – Nhiều học giả cho rằng đây có lẽ cũng là người số 6, vợ của Clophas.

8. “Người Môn Đệ Được Yêu Mến”, không tên, nhưng đa số người tin rằng đó chính là John (phúc âm John)

(Xin xem Who Was At The Cross?)

Tức là 7 người phụ nữ và một môn đệ nam.

  • Trong số các môn đệ nữ, đặc biệt nhất là Mary Magdalene, người đứng tên số một trong danh sách 8 người trên, ngày nay là nữ thánh trong giáo hội công giáo và chính thống giáo, với ngày 22 tháng 7 là ngày lễ thánh.  Đây là người phụ nữ nổi bật nhất trong số những người theo  Giêsu .

Mary Magdalene ngồi xem một môn đệ Giêsu tên Joseph tẩn liệm Giêsu vào mồ (Matthew 27:61).  Ba ngày sau, sáng chúa nhật, Mary Magdalene dẫn vài phụ nữ đến mộ để xức dầu cho Giêsu (Mark 16:2) và một thiên thần cho họ biết Giêsu đã sống lại (Mark 16:6).  Mary và các phụ nữ về kể lại với các đệ tử của Giêsu (Luke 24;10).   Sau đó Giêsu hiện ra, lần đầu tiên, với Mary Magdalene (John 20-14) và bảo nàng về báo cho các môn đệ khác.

Đây là một việc rất lạ thường, vì thời đó tiếng nói của đàn bà không có giá trị và đàn bà không được phép làm nhân chứng, nhưng  Giêsu  lại nhờ Mary làm nhân chứng việc mình sống lại với các đệ tử khác.

Các học giả nghiên cứu về Mary Magdalene cho thấy nhiều bằng chứng Mary là môn đệ rất quan trọng của  Giêsu, hơn tất cả các môn đệ khác, và cao hơn hay ít ra là cũng đồng hàng với đại đệ tử Phêrô.  Tuy nhiên, nhiều học giả cho rằng vài trăm năm sau khi Giêsu chết, giáo hội trọng nam đã làm một cuộc cách mạng đưa Mary và phụ nữ xuống hàng thứ yếu.  Xem Mary Magdalene cùa Susan Haskins

Trong các phúc âm thời giáo hội Thiên chúa giáo mới khai sinh, các “Phúc âm Gnostic” (Gnostic Gospels) đã bị giáo hội loại bỏ như là không chính thống.  Một trong những Phúc âm Gnostic là Phúc âm của Mary Magdalene.  Theo phúc âm này thì Mary Magdelene là môn đệ gần gũi và học được nhiều nhất từ  Giêsu, trên cả Phêrô. (Xem Phúc âm Mary Magdalene).

Nhiều tình cảm, dễ khóc

Khi Giêsu thấy hai bạn Mary và Martha, hai chị của Lazarus, và gia tộc, buồn khóc vì Lazarus đã chết, Giêsu khóc.  Và sau đó cứu sống Lazarus.  (John 11:35)

Khi nhìn Jerusalem và tiên đoán Jerusalem sẽ bị trừng phạt và phá rụi vì đã không chấp nhận mình, Giêsu khóc.  (Luke 19:41).

Trước giờ bị bắt, Giêsu cầu nguyện một mình trong vườn Gethsemane, muốn các đệ tử cùng thức với mình vì “thầy buồn đến mức có thể chết được” (Matthew 26:38), nhưng các đệ tử ngủ hết!  Giêsu buồn đến nỗi máu rỉ ra từ chân lông trên hai tay. (Luke 22:44)

Trước lúc tắt thở trên thập tự giá, Giêsu than lớn: “Chúa ơi, Chúa ơi, sao người lại bỏ rơi con?” (“Eloi, Eloi,lama sabachthani?”) (Matthew 27:46)

Thường đến nơi thanh vắng cầu nguyện một mình

“Rất sớm vào buổi sáng, khi trời còn tối, Giêsu thức dậy, ra khỏi nhà và đến một nơi thanh vắng, cầu nguyện.  Simon và các bạn đi tìm, và khi họ tìm thấy Giêsu, họ la lên: ‘Mọi người đang đi tìm thầy!’” (Mark 1:35-37).

“Giêsu lùi vào nơi hoang dã cầu nguyện.”  (Luke 5:17)

Đêm trước ngày giảng Bài Giảng Trên Đồi, “Giêsu lên núi cầu nguyện, và liên tục cầu nguyện cả đêm với Thượng đế.”  (Luke 6:12)

Tình yêu là cốt tủy của lời giảng

Giêsu giảng:

  • “Yêu Chúa, Thượng đế của bạn, với cả trái tim, cả linh hồn, cả khối óc của bạn… Và yêu láng giềng của bạn như yêu chính bạn.”  Matthews 22:37-38.
  • “Yêu kẻ thù của bạn và cầu nguyện cho những người bắt bớ bạn, để bạn có thể là con của Cha ở trên trời.”  (Matthew 5:44-45).


Tha thứ

Trên thập giá, Giêsu cầu nguyện cho những kẻ hành hình mình, “Lạy cha, tha thứ cho họ, vì họ không biết họ làm gì.”  (Luke 23:33-34)

Con người của Giêsu là đó.

Một con người với tất cả những tâm tình yếu kém của con người.  Một con người rất người, và một tình yêu mênh mông vô tận, tự mang trên vai trọng trách làm  sạch mọi quả tim của nhân loại…

Với lời than cuối cùng vọng vang qua hơn 2 ngàn năm lịch sử:  “Chúa ơi, Chúa ơi, sao người lại bỏ rơi con?”

Đó là người mà mình cảm thấy rất gần gũi, rất gần hơn một thần linh.

TĐH

5 thoughts on “Con người Giêsu”

  1. Hi Anh Hoành ! Cảm ơn anh đã bỏ công sưu tầm và diễn giải về Chúa Giê su . Mầu nhiệm giáng sinh và cứu chuộc nhân loại chúng ta không sao hiểu thấu .Nhưng ở đây điềugần gủi nhất mà mọi người cảm nhận được là tình yêu bao la của Trái Tim Chúa Giê su và chân lý của Ngài tồn tại hơn hai ngàn năm là chân lý yêu thương .
    Nguyện xin Tình yêu Chúa Giê su ngự tri trong tâm hồn nhận loại để mọi người nhận biết Chúa là Chúa muôn loài và được hưởng nguồn ơn cứu độ của ngài .
    A Men .
    HP

    Like

  2. Chào anh Hoành!
    Tôi vừa mới được đọc vài bài của anh! Rất cảm ơn anh về những lời chia sẻ nối kết những niềm vui đến mọi tâm hồn. Ang đang làm việc loan báo tin mừng đi khắp muôn nơi một cách thật sốt sắng. Cảm ơn anh! Chúc anh đón Giáng Sinh an lành trong tình yêu của Chúa Hài Đồng.

    Like

  3. Thường đến nơi thanh vắng cầu nguyện một mình

    “Rất sớm vào buổi sáng, khi trời còn tối, Giêsu thức dậy, ra khỏi nhà và đến một nơi thanh vắng, cầu nguyện. Simon và các bạn đi tìm, và khi họ tìm thấy Giêsu, họ la lên: ‘Mọi người đang đi tìm thầy!’” (Mark 1:35-37).

    “Giêsu lùi vào nơi hoang dã cầu nguyện.” (Luke 5:17)

    Đêm trước ngày giảng Bài Giảng Trên Đồi, “Giêsu lên núi cầu nguyện, và liên tục cầu nguyện cả đêm với Thượng đế.” (Luke 6:12)

    Nếu chỉ xét về mặt con người, có lẽ thói quen dậy rất sớm và khi rảnh rỗi thường tìm nơi hoang vắng để suy nghĩ/cầu nguyện đã khiến Đức Giêsu trở thành người rất khôn ngoan và sáng suốt.

    Like

  4. Cám ơn HP, Phương Thủy và An đã chia sẻ.

    Mình nghĩ là An nói rất đúng. Những phút tĩnh tâm thường giúp người ta thấy mọi sự sâu đến nhiều lần hơn bình thường. Mình chẳng biết một vị thầy lớn nào mà không dùng nhiều thời giờ để thiền hay cầu nguyện.

    Chúc mọi Giáng Sinh an bình 🙂

    Liked by 1 person

Leave a comment