Khen

Chào các bạn,

Đối với người Việt chúng ta thì có lẽ những ngôn từ được sử dụng tần tiện nhất, tần tiện đến mức keo kiệt, là những lời khen. Rõ là “Lời nói không mất tiền mua, tự do mà nói miễn đừng có khen.”

Đến sở làm thấy cô bạn mặc chiếc áo đẹp, mới mở miệng “Trời, hôm nay Vân đẹp quá” là mấy quí vị cùng phòng đã bắt đầu nheo nheo mắt… “Hmm… coi bộ bắt đầu thả câu.” Về nhà mới khen thằng con trai chưa hết một câu, bà chủ đã “Anh cứ làm hư con. Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi. Cứ như vậy con cái nó lên ngồi trên đầu.” (Quí vị ơi, quý vị có ghét thì xin cho một hộp sô-cô-la, nhất là loại made in Switzerland. Mình hứa là sẽ không leo lên đầu quí vị). Ở trường thì dễ được ăn bạt tai hơn là được một lời khen. Đi làm, mình làm việc giỏi đến mức văn phòng của mình mọi việc trôi chảy, chẳng có xì-căng-đan gì bao giờ, thì chẳng ai thèm để ý. Hơi có ai đó phàn nàn bậy bạ, thì cả nước nhào vô dũa.

Nếu mỗi ngày, tổng số từ ta nói trong ngày chia ra đúng 50% khen và 50% chê, thì đó đã là quản lí và giáo dục “nửa mùa.” Nếu chê 75% và khen 25%, đó là quản lí và giáo dục bằng stress. Nếu khen 75% và chê 25%, đó là quản lí và giáo dục bằng mạch nha. Trong văn hóa “thương cho roi cho vọt” của ta, tăng lời khen lên đến mức nửa mùa là đã khó khăn lắm rồi, nói chi là mạch nha. Bạn có muốn ông hàng xóm mang cái roi mây bóng lưỡng đến đét thẳng tay mấy cái vào mông bạn, rồi mở miệng cười huyềnh huệch, khoe chiếc răng vàng lấp lóe, “Tôi yêu chị lắm chị ơi ,” không? Thế thì tại sao bạn lại tin rằng bạn có thể đem thủ thuật đó áp dụng cho con cái, thân nhân, bạn bè?

Khuyến khích em
Khuyến khích em

Mà mình cũng không hiểu truyền thống “thương cho roi cho vọt” này đến từ đâu. Một lần, đã lâu lắm rồi, trong một buổi cà-phê đàm trong một quán nhậu—đây là sự thực, vào quán nhậu nhưng gọi cà-phê—một người bạn của mình lý giải: “Tôi nghĩ có lẽ đó là từ văn hóa Phật giáo. Làm như vậy để tập cho trẻ con biết dẹp cái tôi của mình xuống.” Mình trả lời ngay là mình không thấy Phật giáo có “mùi” đó, chứ đừng nói là có “rễ”. Phật học rất coi trọng nhân cách của mỗi cá nhân và dạy người ta rằng “mỗi người chúng ta, kể cả những người xem ra tệ hại nhất, đều có Phật tánh trong lòng, đều là Phật-đang-thành, và nhất định là một ngày nào đó—kiếp này hoặc một kiếp sau nào đó–sẽ đắc đạo thành Phật.” Lý thuyết vô ngã của nhà Phật dạy chúng ta đừng chấp vào cái ngã của mình, đừng kiêu căng hợm hĩnh, chứ không nói là phải coi thường, chà đạp và đánh đập nó. Hơn nữa, giáo dục nhà Phật là tự giáo dục, tự giải thoát, chứ không phải do người khác cầm cây đập.

Theo mình nghĩ, chắc chắn là khi mấy chú ba bên Trung quốc sang đô hộ tiền nhân ta mấy ngàn năm về trước, nếu các chú thông minh một tí (và dĩ nhiên là các chú rất thông minh), chắc chắn là các chú phải tay thì quất roi vào dân bản xứ, miệng thì “Ngộ ái lị a. Ngộ ái lị a.” Đến thời các anh Phú-lang-sa thì nhất thiết phải là tay thì bạt tai miệng thì “je t’aime.” Nhất định phải là như vậy, vì bản chất chính trị của đô hộ và nô lệ hóa phải là như thế. Và nếu ngày nay ta vẫn còn yêu quí phương pháp vừa bạt tai vừa “I love you” này thì đó phải là hội chứng Stockholm.

Có lẽ là không cần nói nhiều thì chúng ta ai cũng biết tầm quan trọng của tính tự trọng trong việc phát triển năng lực hoạt động và khả năng sáng tạo của con người. “Tự trọng” là tự tôn trọng mình. Tức là mình phải thấy mình có cái gì đó đáng tôn trọng. Mà làm sao thấy được cái gì đáng tôn trọng trong mình khi mình cứ bị phê phán, roi vọt, hằng ngày? Cách thông thường nhất để chúng ta thấy được cái hay của mình là nhờ người khác vạch ra: “Trời, mắt chị đẹp quá”, “chiếc áo này hợp với chị quá”, “chị thông minh quá cỡ”, “chị giỏi ngoại giao quá.” Dù là người lớn hay là trẻ em, rất khó để phát triển tánh tự trọng khi tối ngày chỉ được nghe đến cái yếu của mình mà chẳng thấy ai nói mình có điểm nào hay cả.

Khuyến khích
Khuyến khích

Dĩ nhiên là lời ta khen làm cho người được khen tích cực và yêu đời hơn. Nhưng đối với những người thực tập tư duy tích cực, lời khen lại còn quan trọng nhiều hơn nữa, vì lời khen tặng người khác ảnh hưởng trực tiếp đến tư duy của chính ta. Thứ nhất, lời ta khen người khác sẽ cho chính ta biết rằng ta tự tin. Bởi vì chỉ có người tự tin mới khen người khác, người không tự tin thì ghen ghét và thường bới móc cái yếu của người khác. Thứ hai, chỉ có người đủ tích cực trong tư duy mới thấy được nhiều cái hay cái đẹp của người khác để mà khen. Nếu không đủ tư duy tích cực thì không thể thấy cái gì hay đẹp cả. Thứ ba, khen người khác tức là nâng người ta lên, mà nâng người khác lên đương nhiên có nghĩa là giảm ta xuống. Nghĩa là, chỉ có người khiêm tốn trong lòng mới hay khen người khác. Thiếu khiêm tốn thì rất khó mà khen. Thứ tư, càng yêu nhiều người chung quanh, ta càng thấy nhiều điều hay đẹp của họ và càng muốn tán dương họ bằng lời. Các cặp tình nhân đều như thế. Đó là bản tính con người. Vì vậy nếu ta ít khen, hãy tự hỏi: “Thực sự là mình có yêu ai chung quanh mình không đây?” Vì vậy , trước khi lời khen tác động như là một phương cách giáo dục và quản lí đối với người khác, ngay lúc còn ở dạng tư tưởng trong đầu ta, trước khi nói ra, lời khen dành cho người khác đã là phương thuốc thần diệu cho chính ta và là thước đo cho chính ta. Khen người nhưng thực ra là để luyện tập tâm mình.

Ở trên, chúng ta có nói đến giáo dục và quản lí mạch nha với 75% khen và 25% chê, nhưng đó chỉ là mức thấp. Đến mức quản lí tuyệt đỉnh thì chỉ còn 100% khen, và chẳng còn tí nào chê hết. Ví dụ: Người cộng sự của mình hơi yếu về quản lí thời gian, mình có thể nói: “Em rất hay, rất analytical, giỏi communication, giải quyết mọi vấn đề rất nhanh chóng và chính xác. Nếu em quản lí thời gian hay hơn một tí, làm cho việc sử dụng thời gian có hiệu quả hơn, thì năng xuất của em sẽ còn tăng thêm được rất nhiều.” Ta vẫn có thể khen trong khi giúp người cộng sự thấy được khuyết điểm của họ.

Trong tư duy tích cực, chê là tiêu cực, không cần dùng đến, không nên dùng đến. Hơn nữa, đây là một điểm quan trọng khác mà người tư duy tích cực cần lưu ý: Chê thường là phản ánh tính tiêu cực của người nói. Nếu ta chê, mà không biết dùng lời khen để vạch ra khuyết điểm, thì, một là, khả năng sử dụng lời nói của ta còn yếu, hai là, ta còn rất tiêu cực trong tư duy. (Tuy nhiên quản lí là một nghệ thuật. Trong trường hợp nào đó, với một người nào đó, có thể là chê thẳng mặt, thì người đó mới “nhập tâm” lúc đó. Nhưng đây là ngoại lệ, mà đã là ngoại lệ thì có nghĩa là chỉ nên có một năm một lần).

Để kết thúc, chúng ta có thể làm một trắc nghiệm về chiều sâu của vấn đề một tí. Nếu bạn đã từng cầu nguyện với Chúa, với Phật, với trời đất, với bất kỳ ai đó, bạn cầu nguyện đại khái như thế này, “Ngài là đấng toàn năng, biết tất cả mọi điều, đầy lòng yêu thương đối với chúng con. Xin ngài cho chúng con được bình an, qua được cơn khủng hoảng tài chánh toàn cầu này nhanh chóng,” hay là như thế này, “Thôi đi ông ơi. Ông làm ăn kiểu gì mà thế giới cứ tùm lum đủ mọi chuyện lộn xộn hằng ngày. Dzậy mà còn ngồi chễm chệ trên đó”?

Các đấng tối cao không cần được khen mà ta vẫn cứ khen. Ta khen các ngài là vì các ngài cần nghe, hay vì ta cần tỏ lòng tôn kính?

Ta khen mọi người vì mọi người cần nghe, hay ta cần tỏ lòng quan tâm và quí mến họ?
<a href=" 17-2-2009.

Bài cùng chuỗi:
Khen
Muốn đươc khen

© copyright 2024
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

Leave a comment