- 3 bài do admin (PTH) sưu tầm từ 3 nơi, không phải là 1 chuỗi bài của 1 tờ báo.
- Admin đặt tiêu đề: “Mây tre đan của người Thái và người Đan Lai (Nghệ An) xuất ngoại – 3 bài“.
***
NA – 07/03/2022
Nghệ An: Về làng nghề mây tre xuất ngoại
Có một thời nghề đan lát ở bản Diềm, xã Châu Khê, huyện Con Cuông (Nghệ An) đã suy tàn. Vậy mà hiện nay nghề truyền thống ấy đã hồi sinh, không chỉ giúp bà con bản Diềm có thêm thu nhập, mà những sản phẩm từ mây tre đan đã vượt ra khỏi “luỹ tre làng”, vươn ra xuất ngoại.
Mây tre đan ra nước ngoài
Bản Diềm xã Châu Khê, huyện Con Cuông (Nghệ An) nằm lọt thỏm giữa đại ngàn, khu vực biên giới Việt – Lào. Nơi đây có hơn 153 hộ đồng bào dân tộc Thái và người Đan Lai sinh sống. Theo lời người dân trong bản, tận dụng nguồn nguyên liệu từ rừng với các loại cây mây, tre, bà con bản Diềm đã tạo ra những vật dụng phục vụ cho cuộc sống thường ngày như rổ, rá, thúng, mủng…và mang bán khắp nơi. Tuy nhiên, có thời điểm làm ra không bán được, vì thế nhiều người trong bản đã phải đổi nghề để mưu sinh.
![]() |
Bà Hoa (áo xanh) – được xem là người tiên phong đưa sản phẩm bản Diềm ra nước ngoài |
Bàn tay khéo léo của bà con đã dần giúp những sản phẩm ngày một nức tiếng và vang danh ra tận thị trường các nước Đức, Pháp, Nhật…“Tuy nhiên, được thành tựu đó, các sản phẩm của bà con cũng trải qua thăng trầm khắc nghiệt” – bà Lang Thị Hoa (59 tuổi) – Chủ nhiệm hợp tác xã (HTX) mây tre đan bản Diềm chia sẻ thời khó của nghề làm mây tre đan. Những cánh rừng tre rộng bạt ngàn bị thu hẹp dần, nguyên liệu dần khó khăn.
Nguồn nguyên liệu khan hiếm, sản phẩm làm ra không bán được. Nhiều người dân bỏ nghề. Và để duy trì nghề sống, bà Hoa tự mày mò đến khắp mọi nơi từ tìm nguyên liệu, học thêm cách làm mới. Bà Hoa tâm sự: “cả đời gắn bó với nghề, bỏ thì tiếc. Nên cũng phải mày mò khắp nơi để quyết tâm giữ nghề. Chỉ lo sau này lớp trẻ không nối nghề”.
Vừa tranh thủ hoàn thiện chiếc khay đựng trái cây, bà Lang Thị Hoa chia sẻ: “Ngày trước, ở bản Diềm già, trẻ, gái trai hầu như ai cũng biết đan. Sống giữa núi rừng, nguyên liệu đan rất sẵn, từ cây luồng, cây giang đến sợi mây chỉ cần bước ra sau núi. Các vật dụng trong nhà chủ yếu do mọi người tự đan lát, vừa tiết kiệm được chi phí, vừa an toàn khi sử dụng”.
Mãi đến năm 2016, thực hiện việc khôi phục và phát triển nghề, làng nghề truyền thống, HTX mây tre đan bản Diềm được thành lập với 17 thành viên ban đầu. Đây chính là bước đánh dấu sự phục hồi và đi lên mạnh mẽ của làng nghề.
![]() |
Không chỉ du khách nước ngoài, sản phẩm làng nghề còn được ưa chuộng trong nước. |
Từ bàn tay khéo léo, sáng chế ra những sản phẩm chất lượng, đẹp mắt của các nghệ nhân, sản phẩm đan lát làng nghề bản Diềm dần khẳng định được chỗ đứng trên thị trường. Theo lời bà Lang Thị Hoa, các sản phẩm truyền thống mỹ nghệ làng nghề bản Diềm dần có mặt tại các Hội chợ Thương mại lớn, buổi triển lãm từ trong tỉnh đến ở Hà Nội, Đà Nẵng, Sài Gòn… và được nhiều người biết đến.
Hằng năm, ngoài thị trường trong nước, bản Diềm còn xuất ngoại vài đợt hàng với số lượng lên đến hàng trăm sản phẩm. Qua đôi bàn tay khéo léo của bà con trong bản lành nghề, từ cây tre, cây luồng, cây mét…. kết hợp đã trở thành chiếc bàn, chiếc khay, chiếc ghế… chắc đẹp và đa dạng mẫu mã. Sức sống mới bừng lên ở làng nghề đan lát bản Diềm…
“Bà con giờ đan lát quanh năm. Mỗi sản phẩm với giá từ 30.000 đến cả triệu đồng tùy mẫu mã. Tính hết chi phí vận chuyển và nhập nguyên liệu, bà con cũng đủ trang trải cuộc sống. Các đơn hàng xuất khẩu có giá trị cao gấp 3-4 lần so với các đơn hàng khác. Ví như cái mâm ở trong nước có thể bán được 3 triệu đồng nhưng nếu xuất khẩu có thể bán lên được 6-7 triệu đồng. Có tiền ai cũng thích làm, cả gia đình tôi cũng vậy thôi. Nhưng giữ được nghề và tạo việc làm ăn cho bà con nghèo địa phương mới là điều quan trọng nhất với tôi” – bà Hoa hào hứng.
Sinh kế cho người nghèo
Ở bản Diềm, chúng tôi dễ dàng cảm nhận được nhịp sống của người dân nơi đây đang rất nhộn nhịp. Trong đó, chỉ riêng cơ sở làm chổi tại nhà bà Hoa hàng chục lao động đang miệt mài làm việc để kịp giao chuyến hàng sắp tới để dự thi và qua Đức.
Đôi tay vừa thoăn thoắt đan, bà Hoa vừa kể chuyện từ khi mới lên 8 lên 10 đã biết phụ gia đình đan lát. Sau này lớn lên sống với nghề, có những thời điểm, “làng nghề gặp khó, tôi đã bỏ cả việc nhà để đi khắp nơi xin mở lớp tập huấn kỹ thuật đan lát cho bà con, tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Nơi nào tổ chức hội chợ hàng thủ công nghiệp, tôi đều gồng gánh tìm đến để trưng bày các mặt hàng của tổ mình với hy vọng khách hàng biết đến. Tôi đã từng có mặt tại Hà Nội và Đà Nẵng thậm chí vào tận Sài Gòn để giới thiệu sản phẩm. Ngoài ra còn lên tận các bản làng ở các huyện miền núi như Tương Dương, Kỳ Sơn tìm gặp các nghệ nhân đan lát để học hỏi thêm kỹ thuật, kinh nghiệm về truyền lại cho bà con…” Bà Hoa nói.
![]() |
Sản phẩm từ cây tre, cây mét đã giúp bà con bản Diềm từng bước thoát nghèo |
Hiện tại làng nghề mây tre đan bản Diềm có 52 hộ với 54 người chủ yếu là người già trong bản. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên thu nhập cũng giảm, mỗi người có thể kiếm được 3-3,5 triệu đồng/tháng. Theo bà Lang Thị Hoa, trước đây mỗi tháng làng nghề xuất khẩu khoảng 500 sản phẩm, tuy nhiên do dịch Covid-19, sản phẩm xuất khẩu giảm đi một nửa. Mỗi tháng hợp tác xã cũng thu về cho bà con từ 250-300 triệu đồng. Gia đình bà Hoa và một người con cũng tham gia làm nghề mây tre đan, thời điểm chưa có Covid-19 thì mỗi tháng gia đình thu nhập khoảng 10-15 triệu đồng. Nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 hàng không xuất được nên chủ yếu bán nội địa vì thế thu nhập của gia đình còn khoảng 7-8 triệu đồng/tháng.
Bà Vy Thị Nội (73 tuổi)- một trong những người theo nghề đan từ ngày còn bé, vẫn đôi tay thoăn thoát xâu những sợi mây rất điêu luyện để tạo nên những sản phẩm khá tinh tế. Theo bà Nội, nếu ngày nào làm cật lực thì khoảng 2-3 ngày có thể xong được một sản phẩm bán được từ 2 đến 3 trăm ngàn đồng.
Cũng theo bà Nội – sản phẩm của bà con làm ra đều là đan lát thông thường, nên khó tiếp cận thị trường. Nghĩ là làm – bà cùng bà Hoa đã từng bước đưa hoa văn, họa tiết của các mặt hàng thổ cẩm trên khăn, váy áo của người Thái sang đan lát. Bà còn tận dụng nguyên liệu tự nhiên sẵn có ở trong rừng về giã và nấu lên, nhuộm nan thành các màu sắc khác nhau để làm thành họa tiết nhiều màu sắc, rồi phối màu lên bề mặt sản phẩm. Những chiếc mâm, rổ rá và các vật dụng khác có hoa văn, họa tiết thực sự nổi bật và bắt mắt, không hề có hoá chất khiến khách hàng và du khách rất thích. Từ đó sáng kiến được toàn tổ triển khai và số lượng sản phẩm bán ra tăng lên rõ rệt. Những chiếc đĩa đựng hoa quả, mâm cơm, bàn trà…với đủ hình dạng, hoa văn lần lượt ra đời.
Từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo đã tạo cơ hội cho Hợp tác xã mây tre đan bản Diềm. Năm 2018, những đơn đặt hàng từ nước ngoài như Đức, Pháp, Nhật…bắt đầu đến với bà con bản Diềm. Thời điểm đó, mỗi tháng có 3-5 đơn hàng với hàng trăm sản phẩm đã đem lại thu nhập đáng kể, giúp họ yên tâm gắn bó với nghề.
Trao đổi về kế sinh nhai ở địa phương, ông Vi Văn Quý – Phó Chủ tịch UBND huyện Con Cuông- cho biết: ” HTX mây tre đan bản Diềm đang trên đường xuất ngoại bắt đầu mang về lợi nhuận kinh tế cho bà con. Tuy nhiên quy mô còn rất nhỏ”.
Hướng tới tương lai làng nghề, ông Quý chia sẻ thêm: “Con Cuông có lợi thế về nguồn nguyên liệu. Tuy nhiên, để gìn giữ, phát huy làng nghề mây tre đan này, thời gian tới chính quyền địa phương sẽ tạo điều kiện cho các cơ sở nhỏ và vừa vay vốn; đồng hành cùng bà con mang sản phẩm xuất khẩu chính ngạch. Đồng thời, chúng tôi kết hợp đào tạo nghề nhằm nhân rộng ra cho bà con, để họ làm được những sản phẩm đẹp mang tính cạnh tranh, tăng thêm thu nhập, nâng cao đời sống”.
Hoàng Trinh
***
Tinh xảo chiếc phươn mây của người Thái
Thứ hai, ngày 25/07/2016 – 08:52
(Baonghean.vn) – Trong gia đình của đồng bào Thái, Khơ Mú ở các huyện miền Tây Nghệ An như Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong… không thể thiếu chiếc mâm. Chiếc mâm gọi theo tiếng Thái là ‘phươn’, nó dùng để ăn cơm là chủ yếu, ngoài ra mần còn được dùng để bày các đồ vật, thức vật cúng tế tổ tiên.
![]() |
Bằng đôi tay khéo léo, cùng với việc tận dụng nguồn nguyên vật liệu sẵn có, từ xa xưa, đồng bào Thái và Khơ Mú đã biết đan lên những chiếc mâm để gia đình sử dụng. |
![]() |
Những chiếc mâm hết sức bền và đẹp mắt, hầu hết người đan đều sử kiểu nan nong 3 để đan mặt của mâm. Vật liệu chính là cây tre trơn (cây mét). |
![]() |
Bộ mâm ăn của đồng bào gồm có chiếc mâm và những chiếc ghế bằng mây. |
![]() |
Ngày nay, người dân còn đan những chiếc mâm để đem bán cho những người ở khắp nơi trên đất nước và cả nước ngoài. Chiếc mâm cũng được đan theo nhiều kiểu loại. |
![]() |
Chiếc ghế và chiếc mâm sử dụng những vật dụng có độ bền hàng trăm năm như tre, mây… |
![]() |
Nhiều người dân bản còn sống chủ yếu vào nghề đan lát. Đặc biệt đồng bào Khơ Mú có kỹ năng đan tinh xảo nhất. |
![]() |
Những chiếc mâm được bày bán ở các chợ vùng cao, vào các hội chợ hay thỉnh thoảng bắt gặp ở vỉa hè của các phố huyện miền núi. |
![]() |
Vào những ngày bình thường hay là gia đình có tiệc, có khách, chiếc mâm không chỉ mang ý nghĩa chỉ là vật dụng mà nó còn có cả bề dày về nét văn hóa của đồng bào vùng cao. |
Hồ Phương – Đình Tuân
***
Nhóm mây tre đan bản Diềm và hành trình vượt khó
- Báo dân sinh
14:12 – 25/01/2017
Chúng tôi vào thăm bản Diềm vào một buổi sáng cuối năm. Cuối năm, nhiều công việc bề bộn nhưng tại trung tâm sinh hoạt của Nhóm mây tre đan bản Diềm, các hội viên vẫn đang rất hăng say đan lát. Nhiều mẫu hoa văn mới được đưa ra thảo luận để đan. Và dường như họ quên mất tết đang đến rất gần.
Không khí đan lát của các thành viên trong nhóm rất sôi nổi.
Từ trung tâm xã Châu Khê, đi khoảng 8km đường đất đá gồ ghề, chúng tôi đến bản Diềm, một bản vùng sâu biên giới Việt – Lào, nơi sinh sống của hơn 100 hộ đồng bào người Thái, người Đan Lai . Người dân bản Diềm sống chủ yếu dựa vào khai thác lâm sản phụ nên đời sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn.
Với đồng bào ở đây. Họ luôn muốn lưu giữ lại giá trị tốt đẹp mà cha ông để lại, duy trì và phát triển nghề mây tre đan. Chị Lang Thị Hoa, Trưởng nhóm mây tre đan bản Diềm, cho biết: “Câu lạc bộ được thành lập từ tháng 6/2013. Có 22 thành viên, đều là người trong bản, người già cao tuổi neo đơn, không đi lao động ngoài trời được. Người nhiều tuổi nhất là ông Vi Văn Duyên, 81 tuổi, ít tuổi nhất là chị 52 tuổi. Nghề thì có lâu đời hàng trăm năm rồi. Trước đây chỉ làm đồ dùng trong gia đình thôi. Sau này mới làm để bán”.
Các sản phẩm của nhóm có hoa văn rất tinh xảo.
Trước đây người dân ở đây đã được một số chương trình, dự án hỗ trợ đào tạo nghề mây tre đan nhưng không duy trì và phát huy được nghề. Chị Hoa, kể: “Trước đây có dự án tài trợ tập huấn nhưng thu nhập thấp. Chỉ được 20 ngàn một ngày thôi. Sau đó xin lớp tập huấn của dự án khác, lúc này bà Vi Thị Nội, mới sáng kiến nghiên cứu hoa văn dựa trên các tấm thổ cẩm ngày xưa. Nên từ đó sản phẩm bán được cao hơn. Bây giờ thu nhập đã lên một ngày hơn trăm ngàn rồi”.
Câu lạc bộ chủ yếu là phụ nữ, người có hoàn cảnh khó khăn. Hiện tại các thành viên trong nhóm có việc làm thêm đều đặn và có thu nhập khoảng hơn 3 triệu/ tháng. Có được thành công đó là cả một quá trình vượt khó, sáng tạo của bà con nơi đây.
Sản phẩm rất đa dạng, có cả mâm cơm, rổ, rá, giỏ đựng xôi, vỏ ruột phích nước…
Bà Vi Thị Nội, 63 tuổi, cười tươi, cho biết: “Văn hoa đầu tiên tui sưu tầm được là Đao tèm, có nghĩa là ngôi sao. Bây giờ sưu tầm được 12 hoa văn rồi. Thổ cẩm thì Đan bằng kim chỉ dễ hơn. Còn Đan thì khó lắm. Trước đây mỗi ngày chỉ đan được một cái rá. Bây giờ được 4 cái/ ngày rồi. Bây giờ nhiều thành viên nhóm đã sưu tầm hoa văn rồi, được nhiều kiểu lắm”.
Ông Lương Văn Long, 61 tuổi, là người chuyên đan hoa văn bằng chữ. Ông đã sưu tầm được 4-5 hoa văn. Đan thành nhiều chữ như Đảng cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm, Nhóm mây tre đan bản Diềm…, cho biết: “Một số thành viên thì làm ở nhà. Đan theo hoa văn của người khác sưu tầm. Người mô đan được thì đan, người không đan được thì làm các công đoạn như vót mây, tre. Tui thấy đan không khó nhưng ban đầu các thành viên không biết làm để làm chi.
Nhiều người đến tận nơi xem và mua sản phẩm.
Ban đầu cũng không có tiền mua nguyên vật liệu. Đi chặt trong rừng về làm. Nhất là vỏ cây săng vì và cây phang để nhuộm giang đan. Loại cây này làm được thuốc bổ máu. Cây săng vì làm được thuốc đau bụng.
Khi tham gia nhóm, các thành viên tạo thêm thu nhập, họ còn còn hỗ trợ lẫn nhau trong cuộc sống thường ngày, tình làng nghĩa xóm được gắn kết hơn. Đặc biệt, nhóm đã thành lập ra quỹ Tương trợ. Hàng tháng, sau khi quyết toán tiền công của mỗi người trong nhóm, mỗi người sẽ đóng góp 20.000 đồng vào quỹ Tương trợ. Và quỹ này sẽ lần lượt cho các thành viên trong nhóm vay để phát triển sản xuất hoặc giải quyết các công việc khó khăn trong gia đình. Nhóm ban đầu chỉ có mấy người sau thấy có thu nhập nên có nhiều hội viên gia nhập như bây giờ. Giờ sản phẩm bán nhiều nơi như Hà Nội, các hội chợ, quầy sản phẩm lưu niệm của vườn Quốc gia Pù Mát.
Hoa văn Đao tèm do bà Vi Thị Nội sưu tầm trên thổ cẩm cổ.
Chị Hoa cho biết thêm: “Các thành viên trong nhóm rất vui khi tham gia nhóm. Hiện tại hàng hóa của nhóm sản xuất ra ngày càng nhiều và hàng sản xuất đến đâu tiêu thụ hết đến đó và thu nhập ngày càng được tăng lên. Sản phẩm của nhóm được mọi người dân trong huyện biết đến, và đã tham gia một số hội chợ và lễ hội lớn trong và ngoài tỉnh. Đến nay, nhóm đã đi vào hoạt động ổn định và thường xuyên kết nạp thêm các thành viên mới”.
Sản phầm bằng chữ do ông Lương Văn Long đan.
Chủ tịch UBND xã Châu Khê, Nguyễn Ngọc Luyến, cho biết: “Sản phẩm làm ra không đủ để bán, khó khăn thì nhiều, đang đề nghị huyện hỗ trợ máy vót. Nhưng hỗ trợ rồi thì nhà xưởng không có, bảo vệ không, vốn không. Xã đã làm hồ sơ thành lập hợp tác xã. Cả huyện chỉ có nhóm đó thôi”.
Ông Lô Văn Thao, Phó chủ tịch UBND huyện Con Cuông, cho biết: “Sắp tới chúng tôi sẽ bàn để hỗ trợ máy vót cho nhóm đó. Nhân lực thì nếu phát triển sẽ có phương án về nhân lực. Bà con có sáng tạo thế là tốt rồi. Huyện sẽ đề nghị tỉnh hỗ trợ thêm”.
HOÀNG TÙNG