Độc đáo chợ dừa nổi Bến Tre – Kỳ 1: Dừa – thứ gì cũng là tiền
TT – HÙNG ANH – 30/12/2022 12:34 GMT+7
Sông Thom do người Pháp đào năm 1905, dài 15km chảy cắt ngang cù lao Minh qua hai huyện Mỏ Cày Nam – Mỏ Cày Bắc, Bến Tre.

Một góc chợ dừa nổi sông Thom – Ảnh: H.A.
Trên thủy lộ trọng yếu nối liền sông Hàm Luông và Cổ Chiên này có một chợ nổi độc nhất vô nhị cả nước, bởi chợ chỉ mua bán duy nhất mặt hàng trái dừa khô mà giúp nhiều người trở thành tỉ phú…
Sông Thom mùa này nước đầy, chảy êm đềm. Anh Tám Hùng, tức Võ Văn Hùng, thương lái chuyên mua bán dừa khô ở chợ dừa nổi sông Thom, giải thích:
“Từ hồi tháng 7 khi dừa khô rớt giá còn 2.000 – 3.000 đồng/trái, các vựa làm cầm chừng để giữ mối nên chợ hơi thưa người. Dừa lên giá là lại mua bán đông nghịt, ngày đêm huyên náo tiếng người, tiếng máy ghe”.
Chợ dừa lớn nhất miền Tây
Anh Tám Hùng là dân cố cựu ở Vĩnh Khánh (xã An Thạnh, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre), nơi có chợ dừa sông Thom nổi tiếng. Năm 1990, hơn 20 tuổi, anh Tám đã sắm được ghe đi buôn dừa trái, đến nay có thâm niên 32 năm trong nghề.
“Tui nhớ hồi trước năm 1990, trên sông Thom khu vực này, ghe tàu các tỉnh tụ về mua bán lúa gạo và trái dừa khô nhưng quy mô không lớn như nay.
Sau năm 1990, nghề làm chỉ xơ dừa có mặt ở Vĩnh Khánh, kéo theo các điểm thu mua dừa khô, lột vỏ dừa, sơ chế các sản phẩm từ trái dừa. Từ đó hình thành chợ chuyên mua bán dừa trên sông Thom lớn nhất và nổi tiếng nhất nước”, anh Tám Hùng vui vẻ kể.
Sau năm 2000, các cơ sở sản xuất chỉ xơ dừa mọc lên như nấm ở hai bên bờ sông Thom. Nhu cầu thu mua vỏ dừa khô tăng chóng mặt, tàu ghe chở vỏ dừa từ các tỉnh khác cung ứng không kịp nên hai bên bờ sông Thom (xã An Thạnh, huyện Mỏ Cày Nam và xã Khánh Thạnh Tân, huyện Mỏ Cày Bắc) có rất nhiều cơ sở thu mua, chế biến dừa khô.
Mỗi ngày, hàng trăm ghe tải loại lớn chở trái dừa khô còn nguyên vỏ từ Trà Vinh, Vĩnh Long, Tiền Giang, Cần Thơ và các tỉnh khác tụ tập về đây mua bán.
Hiện tại, bờ sông Thom phía An Thạnh có hàng trăm điểm thu mua, chế biến các sản phẩm từ trái dừa khô và cung cấp vỏ dừa cho hơn 50 cơ sở, công ty, doanh nghiệp chế biến chỉ xơ dừa và các sản phẩm từ chỉ xơ dừa.
Phía bờ sông thuộc xã Khánh Thạnh Tân có hơn 30 cơ sở chế biến chỉ xơ dừa và hơn trăm điểm thu mua, chế biến các sản phẩm từ dừa và cung ứng vỏ dừa đang hoạt động.
Bình quân, mỗi cơ sở thu mua dừa ở chợ tiêu thụ 4-5 thiên dừa khô/ngày (khoảng 6.000 trái). Lúc cao điểm, những cơ sở lớn tiêu thụ đến 12.000 trái dừa khô/ngày đêm.
Theo ước tính của các chủ vựa, mỗi năm có khoảng 150 triệu trái dừa khô được mua bán ở chợ dừa sông Thom. Chợ hầu như hoạt động không có giờ giấc, khi nào ghe chở dừa nguyên liệu cập vào bến thì chủ vựa điện thoại gọi nhân công tập trung làm việc.
Từ chợ nổi dừa và những “xóm nghề dừa” ở An Thạnh và Khánh Thạnh Tân, đến nay chợ dừa và nghề chế biến dừa khô, làm chỉ xơ dừa đã lan ra các xã lân cận như Tân Hội, Đa Phước Hội, Thành Thới B… của huyện Mỏ Cày Nam và các xã huyện Mỏ Cày Bắc, trên đoạn sông dài khoảng 7km.

Sau khi lột vỏ, dừa gáo được phân loại để xuất khẩu – Ảnh: H.A.
Chẳng bỏ đi thứ gì
Nghe tôi hỏi thăm cung cách mua bán ở chợ dừa sông Thom, anh Nguyễn Văn Nam – người chuyên thu mua dừa khô ở Trà Vinh, Vĩnh Long, Cần Thơ… – cười khà khà nói:
“Tui đem dừa đến chợ này mua bán đã hơn chục năm, thấy chủ dừa và chủ vựa hầu như chỉ sử dụng chữ tín thông qua mối quan hệ quen biết lâu năm để giao dịch. Vậy mà tui chưa thấy cảnh chủ vựa, lái dừa mất lòng nhau vì chuyện mua bán”.
Anh Nam kể thêm, hồi mới đến chợ dừa sông Thom mua bán, anh “hết hồn” vì hai bờ sông có hàng trăm điểm thu mua dừa khô, điểm nào nhìn cũng giống nhau nhưng hầu như chẳng nơi nào có treo bảng hiệu.
Người ta chỉ nói vựa ông A, bà B, chú Hai, cô Bảy… ở chỗ đó, chỗ đó. Sau nhiều lần đi trật địa chỉ, anh Nam nhận thấy mỗi vựa thu mua dừa khô ở sông Thom đều có hàng chục chủ ghe (đồng thời là thương lái mua bán dừa) là mối ruột cung cấp dừa trái. Khi đến chợ, các chủ ghe phải tự nhớ vị trí vựa để cập đúng bến.
Trước đây, chủ vựa và thương lái thỏa thuận giá thu mua dừa trái tùy theo địa phương, ví dụ dừa Bến Tre mua giá khác, dừa Trà Vinh, Vĩnh Long và các tỉnh Nam sông Hậu mua giá khác. Mấy năm gần đây do giá dừa khô lên xuống thất thường nên thương lái và chủ vựa thỏa thuận mua dừa theo chất lượng (độ dày mỏng, tỉ lệ dầu và độ béo của cơm dừa) và trọng lượng trái.
“Ghe chở dừa lên tới vựa, thương lái nói dừa miệt nào, chất lượng ra sao thì chủ vựa tin như vậy, đếm trái trả tiền.
Nếu lái dừa nói một đàng mà chất lượng một nẻo thì lần sau đừng mong tới chợ dừa làm ăn, bởi chủ vựa chỉ cần alô một tiếng là lái dừa đó bị tất cả các vựa trong vùng tẩy chay.
Mà thương lái ở miền Tây đi buôn dừa khô với số lượng lớn, không bán được ở chợ dừa sông Thom thì biết bán cho ai?”, anh Nam cho biết.
Theo anh Tám Hùng, hiện nay ở chợ dừa sông Thom không có món gì từ trái dừa khô bị bỏ đi, tất cả đều bán được tiền. Dừa khô nguyên trái đưa lên vựa, giá cả tùy thời điểm, có lúc lên đến 6.000 – 6.500 đồng/trái.
Vỏ dừa lột ra, các cơ sở chế biến chỉ xơ dừa thu mua hết, lúc cao điểm giá vỏ dừa lên đến 1 triệu đồng/thiên (1 thiên bằng 1.200 vỏ). Dừa đã lột vỏ (dân trong nghề gọi là dừa hột) được phân loại, trái lớn đạt tiêu chuẩn cho xuống ghe chở ra cảng Bến Tre đóng container xuất khẩu sang Trung Quốc, giá gấp rưỡi giá mua dừa còn vỏ.
Còn trái nhỏ được các cơ sở chế biến lấy cơm dừa cung cấp cho các doanh nghiệp sản xuất nước cốt dừa, cơm dừa nạo sấy với giá hơn 10.000 đồng/kg. Vỏ lụa còn dính phần cơm dừa mỏng sau khi gọt được bán với giá 5.000 đồng/kg cho các cơ sở ép dầu dừa.
Riêng phần nước dừa được cho vào từng thùng 30 lít để bán cho các cơ sở sản xuất thạch dừa, nước màu dừa với giá 10.000 đồng/thùng. Phần vỏ gáo dừa thì bán cho các cơ sở sản xuất than.
Đưa tôi đi dọc bờ sông Thom xem các vựa thu mua dừa hoạt động, anh Tám Hùng vui vẻ cho biết hiện tại các cơ sở chế biến dừa và sản xuất chỉ xơ dừa của An Thạnh và Khánh Thạnh Tân thu hút, giải quyết công ăn việc làm ổn định cho hơn 2.000 người ở trong xã và các địa phương lân cận với thu nhập từ vài trăm ngàn đồng đến gần 1 triệu đồng/ngày.
“Ở đây dễ kiếm tiền, chỉ cần siêng năng, chịu khó làm việc. Thanh niên trai tráng, phụ nữ, người lớn tuổi đều có việc làm phù hợp, thu nhập từ 200.000 đồng đến 500.000 – 700.000 đồng/ngày. Ở chợ dừa sông Thom, có nghề kiếm tiền nhẹ nhàng, nhưng cũng có những nghề dù đổ mồ hôi, công sức để kiếm tiền nhưng phải hết sức cẩn thận vì chỉ cần sơ sẩy là đổ máu”, anh Tám Hùng nói.
Tỉnh Bến Tre hiện có khoảng 77.000 hec ta dừa, chiếm hơn 40% diện tích dừa cả nước, sản lượng 670.000 tấn trái. Riêng huyện Mỏ Cày Nam, nơi có chợ dừa sông Thom, diện tích dừa là 17.000ha, chiếm hơn 77% diện tích đất của huyện, là địa phương có diện tích đất trồng dừa lớn thứ nhì tỉnh Bến Tre sau huyện Giồng Trôm.
————————–
Cây nầm có lưỡi giống cây mác vót (loại dao nhà vườn miền Tây) dài hơn 20cm, cán bằng gỗ, mũi nhọn, sắc bén để lột vỏ dừa nhưng cũng dễ… lấy máu người.
***
Độc đáo chợ dừa nổi Bến Tre – Kỳ 2: Nghề hay ‘đổ máu ăn tiền’
TT – HÙNG ANH – 31/12/2022 10:45 GMT+7
Mặt trời gần đứng bóng, đống dừa khô trước mặt vợ chồng chị Nguyễn Ngọc Lý và anh Lương Văn Nhàn (ấp Vĩnh Khánh, xã An Thạnh, huyện Mỏ Cày Nam, Bến Tre) chỉ còn khoảng trăm trái.

Anh Nguyễn Văn Hậu khéo léo dùng cây cạy tách cơm dừa
Vừa lau mồ hôi chảy ròng ròng trên mặt, chị Lý vừa cười nói: “Vợ chồng đi lột dừa từ hồi 12h khuya. Bữa nay, lột đống dừa này được 15 cò, vợ chồng tui có 750.000 đồng tiền công. Muốn làm thêm, nhưng hết dừa để lột, buổi chiều kiếm việc khác làm”. Dân địa phương quen gọi “cò dừa” là 200 trái.
Lột dừa, nghề “đổ máu ăn tiền”
Vợ chồng chị Lý đều là “lính mới” trong nghề lột vỏ dừa, nghề được xem có tiền công cao nhất ở chợ dừa sông Thom. “Vợ tui quê gốc Vĩnh Khánh, còn tui quận 8, Sài Gòn. Hồi đó vợ tui lên Sài Gòn làm thuê, rồi gặp tui cũng đi làm mướn, nên duyên vợ chồng.
Cuối năm 2021, ở thành phố làm mướn khó khăn nên vợ chồng tui khăn gói về Vĩnh Khánh kiếm việc làm. Còn khỏe mạnh, tụi tui học nghề lột dừa vì tiền công cao. Học nghề gần 3 tháng, mấy lần đổ máu vì chạm vào lưỡi nầm sắc bén, tụi tui cũng quen tay, quen nghề, đi lột dừa đã được nửa năm”, anh Nhàn kể.
5 phút nghỉ mệt, vợ chồng chị Lý lại thoăn thoắt cắm những trái dừa vào mũi cây nầm bén nhọn để lột vỏ. Khoảng 10 giây với 4 thao tác dứt khoát ấn trái dừa vào mũi nầm sắc bén rồi bật ngược ra phía trước, vỏ trái dừa bị chị Lý tách làm 5 múi quăng ra một chỗ. Phần gáo dừa (dừa hột), chị Lý ném qua chỗ thương lái đang phân loại, cân ký đưa xuống ghe chở ra cảng để đóng container xuất khẩu hoặc chuyển đến các điểm sơ chế cơm dừa.
Chị Hai Liên, người có thâm niên gần 10 năm nghề lột dừa, cho biết vợ chồng anh Nhàn “lính mới” lột được 15 cò dừa trong 12 tiếng đồng hồ là rất khá. “Những người lột dừa lâu năm ở chợ dừa sông Thom, mỗi người có thể đạt 10-12 cò trong 12 giờ làm việc. Mỗi cò dừa là 200 trái, tiền công lột vỏ 50.000 đồng/cò.
Lột dừa là nghề tốn nhiều sức lực, nhưng phụ nữ tham gia đông vì tiền công cao so với các nghề khác ở chợ dừa. Tuy nhiên, nghề lột dừa thường đối mặt nguy hiểm rình rập từ lưỡi nầm sắc bén, dễ bị thương tật, đổ máu. Mười thợ lột dừa thì hết mười người từng nhiều lần đổ máu vì lưỡi nầm, dù họ có trang bị găng tay bảo hộ cỡ nào”, chị Liên nói.
Theo chị Liên, cây nầm là dụng cụ chính của nghề lột dừa. Nó có lưỡi giống như cây mác vót (loại dao nhà vườn miền Tây Nam Bộ), lưỡi dài hơn 20cm, cán bằng gỗ, mũi nhọn, sắc bén. Không ai nhớ cây nầm do bậc tiền nhân nào sáng chế, ra đời năm nào, nhưng dụng cụ này có mặt khắp xứ dừa Bến Tre, phục vụ đắc lực cho nghề lột vỏ dừa.
Bước vào nghề này, việc đầu tiên là người thợ phải đến lò rèn đặt làm cây nầm phù hợp với chiều cao thân thể (thường là lưỡi nầm phải cao ngang thắt lưng người thợ sau khi cắm chặt xuống đất), với giá 650.000 đồng, sử dụng khoảng 4-5 năm thì thay lưỡi mới. Trước đây, cây nầm được thợ lột dừa cắm trực tiếp xuống đất, nhưng mấy năm nay những người thợ truyền tai nhau kỹ thuật gắn chặt vào tấm gỗ dày.
“Cây nầm gắn trên tấm gỗ có nhiều lợi thế như không bị nghiêng ngả như khi cắm xuống đất, giúp người thợ đứng vững chãi, thủ thế chịu một chân vào cây nầm khi lột dừa nên ít mất sức, tai nạn ít xảy ra như lúc cắm nầm dưới đất”, chị Liên kể.
Tưởng dễ ăn, anh bạn cùng đi với tôi xin anh Nhàn cho lột thử trái dừa. Leo lên tấm ván đứng thủ thế, nhưng mới cắm trái dừa vào cây nầm tách vỏ nhát đầu tiên thì anh bạn chúi nhủi, cái lưỡi nầm suýt cắm thẳng vào cạnh sườn. Mọi người đều xanh mặt.
Anh Phạm Văn Minh, thợ lột dừa, cho biết nhiều du khách tham quan chợ dừa, thấy chị em phụ nữ lột dừa ào ào bằng cây nầm nên tưởng dễ ăn, xin làm thử. Nhưng sau khi nhiều người bị đứt tay, đổ máu vì lưỡi nầm sắc bén, hiện nay các cơ sở lột dừa rất ngại cho du khách thử.

Mỗi ngày vợ chồng anh Nhàn, chị Lý lột vỏ được 3.000 trái dừa – Ảnh: HÙNG ANH
Những nghề kiếm tiền nhẹ nhàng ở chợ dừa
Những người thợ lột dừa cho tôi biết, ở chợ dừa nổi sông Thom, trái dừa khô trước khi được chế biến thành các sản phẩm khác phải qua tay 3 người thợ: lột vỏ dừa, cạy cơm dừa và gọt dừa. Nghề lột vỏ dừa nguy hiểm và sử dụng nhiều sức lực, trong khi cạy cơm dừa và gọt dừa được xem là nghề kiếm tiền nhẹ nhàng.
Anh Nguyễn Văn Hậu, thợ cạy cơm dừa, cho biết trước đây anh là thợ lột dừa. Do công việc cực nhọc, anh chuyển sang nghề cạy cơm dừa đã hơn hai năm.
“Trái dừa khô sau khi chẻ ra làm hai thì chuyển cho thợ cạy cơm. Dụng cụ làm việc chủ yếu của thợ là cây cạy, một loại dao cán bằng gỗ, lưỡi dài, nhỏ, có phần mũi cong và khá sắc bén, trên lưỡi cạy có phần tay cầm được bọc vải. Cây cạy được các lò rèn sản xuất, giá bán 170.000 đồng, xài được 2-3 năm. Nhờ có cây cạy mà năng suất làm việc của thợ cạy cơm dừa tăng gấp 5-6 lần so với trước”, anh Hậu vui vẻ nói.
Với tay lấy nửa trái dừa, anh đưa mũi cây cạy vào phần tiếp giáp giữa gáo và cơm dừa rồi xoay tròn gáo dừa. Trong vài giây, cơm dừa và gáo dừa tách rời nhau. Phần cơm dừa được anh Hậu chuyển sang phía thợ gọt dừa, phần gáo đưa ra ngoài để chủ vựa bán cho các lò than.
“Cạy cơm dừa không tốn nhiều sức lực nhưng đòi hỏi sự khéo léo. Nếu làm giỏi, mỗi ngày một thợ cạy có thể làm được 6 cò dừa (1.200 trái), tiền công chủ vựa trả 50.000 đồng/cò. Còn trung bình mỗi ngày thợ cạy xử lý 4-5 cò dừa. Nghề này không có giờ giấc nhất định, chủ vựa điện thoại lúc nào thì đi cạy lúc đó”, anh kể.
Giơ bàn tay trái mang găng tay bảo hộ lên, anh Hậu cho biết nếu không có găng thì bàn tay và các ngón tay dễ bị tổn thương do thường xuyên tiếp xúc với phần lưỡi cạy khá bén.
Gần đó, hàng chục phụ nữ ngồi lọt thỏm giữa những chiếc rổ lớn đựng cơm dừa. Đó là những người thợ gọt dừa. Chị Phạm Thị Hằng, thâm niên hơn 3 năm trong nghề, cho biết chị đi gọt dừa từ 3h sáng đến 11h thì sắp xong việc, số lượng cơm dừa đã gọt hơn 400kg.
“Thợ gọt dừa chủ yếu dùng dao bào gọt bỏ lớp vỏ lụa màu nâu của phần cơm dừa. Việc này nhẹ nhàng nên tiền công cũng… nhẹ, gọt 1kg cơm dừa thành phẩm thợ được chủ vựa trả công 1.000 đồng. Những người thợ giỏi, trong ngày có thể gọt được 500-600kg cơm dừa”, chị Hằng cho biết.
Cơm dừa sau khi gọt bỏ vỏ lụa được bán cho các doanh nghiệp sản xuất nước cốt dừa hoặc cơm dừa nạo sấy với giá 10.000-15.000 đồng/kg tùy thời điểm. Riêng phần vỏ lụa còn dính lớp cơm dừa mỏng, các cơ sở ép dầu dừa thu mua với giá 5.000 đồng/kg.
Theo anh Võ Văn Hùng (Tám Hùng), thương lái có thâm niên 32 năm mua bán ở chợ dừa, ước tính mỗi năm các vựa dừa sông Thom cung ứng cho thị trường hơn 10.000 tấn cơm dừa đã được gọt sạch.
Tôi hỏi ở chợ dừa sông Thom có bao nhiêu người làm nghề lột vỏ dừa, trong đó bao nhiêu thợ lột dừa là phụ nữ? Chị Liên cười xòa, nói: “Không thể biết được, cũng không nghe ai nói, chỉ biết là nhiều lắm. Từ An Thạnh qua Khánh Thạnh Tân rồi các địa phương lân cận, chỗ nào có mua bán dừa là chỗ đó có thợ lột dừa vì thu nhập cao”.
*****
Kỳ tới: Biến tấu từ nước dừa khô một thời đổ bỏ
Trước đây, quá trình chế biến cơm dừa có thứ rất bổ dưỡng nhưng bị xem phế phẩm là nước dừa khô. Sau này nhờ hai sản phẩm nổi tiếng của Bến Tre là thạch dừa và nước màu dừa, hàng triệu lít nước dừa khô không còn bị đổ bỏ uổng phí…
***
Độc đáo chợ dừa nổi Bến Tre – Kỳ 3: Biến tấu nước dừa khô một thời đổ bỏ
TT – HÙNG ANH – 01/01/2023 12:03 GMT+7
Ở các vựa thu mua, chế biến dừa khô dọc đôi bờ sông Thom, tôi thấy thợ lột vỏ, cạy cơm, gọt dừa, người nào cũng có chiếc bình lạnh đựng nước uống. Tôi cứ đinh ninh thợ hằng ngày lăn lóc cùng trái dừa thì nước giải khát trong bình phải là nước dừa.

Nhưng anh Phạm Văn Minh có thâm niên gần 10 năm làm đủ nghề ở chợ dừa sông Thom, cười khà khà: “Trong bình là trà đá. Không phải chủ cấm thợ uống nước dừa, nhưng ngày nào thợ cũng chạm, ngửi mùi nước dừa, ngán gần chết, ai uống cho vô”.
Chất bổ một thời đổ ngập sông
Anh Minh kể sau năm 2000 dừa khô từ các nơi đưa về những vựa thu mua dọc sông Thom được xử lý rất gọn: phần vỏ cung cấp cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chỉ xơ dừa; phần gáo dừa (dừa hột), chủ vựa cho xuống ghe chở ra sông Hàm Luông bán cho những chiếc tàu vận tải chở đi xuất khẩu sang Trung Quốc.
Sau một thời gian, do dừa hột xuất khẩu bị áp nhiều tiêu chuẩn khắt khe hơn, nên số lượng dừa không thể xuất ngoại tồn đọng khá lớn ở các vựa dừa, trong khi thị trường nội địa không tiêu thụ kịp.
Từ đó những doanh nghiệp, cơ sở chế biến sản phẩm từ cơm dừa khô xuất hiện, giúp các chủ vựa dừa ở sông Thom giải quyết số lượng dừa hột không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.
“Theo tôi nhớ thì hồi đó người ta chỉ lấy hai thứ từ trái dừa khô là những sợi chỉ trong vỏ dừa và phần cơm dừa để chế biến ra các sản phẩm khác. Những phần còn lại của trái dừa đều bị xem là phế phẩm, trong đó có nước dừa bổ dưỡng”, anh Minh cho biết.
Theo anh, chẻ một trái dừa hột nặng 1kg để lấy cơm dừa chế biến có thể thu được từ 250 gam đến 300 gam nước dừa nguyên chất, tùy theo phần cơm dừa dày hay mỏng.
Nếu tính bình quân mỗi năm chợ dừa sông Thom mua bán khoảng 150 triệu trái dừa, trong đó 50% đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, 50% còn lại lấy cơm dừa phục vụ chế biến, thì số lượng nước dừa khô thu được rất lớn.
“Ai cũng biết nước dừa rất bổ dưỡng, nhưng một người bình thường không ai có thể uống nước dừa khô mỗi ngày để thay nước thường.
Có nhiều thợ lột dừa, gọt dừa lúc mới vào làm cứ tưởng nước dừa khô dễ uống, uống càng nhiều càng bổ, nhưng chỉ sau mấy ngày thì nhìn thấy nước dừa đã phát hoảng. Cho nên những người thợ làm việc lâu năm ở các vựa dừa dọc sông Thom hầu như ai thấy nước dừa cũng ngán”, anh Minh kể.
Trong khi đó, chị Cúc, thợ gọt dừa, cho biết điều đặc biệt của nước dừa khô là khó bảo quản. Nước dừa lấy ra khỏi gáo, để ngoài môi trường tự nhiên từ hôm trước qua hôm sau (khoảng 12 tiếng, thường gọi nước dừa qua đêm) là mùi vị chua loét, không thể sử dụng vào việc gì, phải… đổ bỏ.
Vì vậy mà trước khi nước dừa khô được sử dụng làm nguyên liệu để sản xuất thạch dừa và nước màu dừa, lượng nước dừa bị hư hỏng, đổ ra sông Thom khá nhiều.
“Hồi đó người ta chỉ xác định thủ phạm làm nước sông Thom đen kịt vì ô nhiễm suốt nhiều năm là mụn dừa, một phế phẩm trong quá trình sản xuất chỉ xơ dừa, không ai chú ý đến số lượng khá lớn nước dừa khô bị thiu đổ ra sông mỗi ngày cũng góp phần ô nhiễm.
Nhưng nhiều năm nay, nước dừa khô không còn là phế phẩm. Mỗi ngày đều có xe tải đến các cơ sở chế biến cơm dừa thu mua nước dừa khô với giá 10.000 đồng/thùng 30 lít. Tuy giá rẻ nhưng nước dừa không còn bị đổ bỏ lãng phí như trước”, chị Cúc kể.

Thành sản phẩm có ích
Chị Cúc cho biết gần chục năm trước chị có thời gian làm thợ trong một cơ sở sản xuất thạch dừa thô. Do sức khỏe kém và công việc nặng nhọc nên chị Cúc chuyển qua nghề gọt dừa.
“Nước dừa khô từ vựa phải được đưa đến cơ sở sản xuất thạch dừa trong vòng 12 giờ để tránh bị thiu, chua. Trước khi sản xuất, nước dừa phải được lọc sạch để loại bỏ tạp chất, chủ yếu là bụi xơ dừa lẫn lộn trong quá trình đập vỡ gáo dừa để lấy nước”, chị Cúc kể.
Nước dừa sau khi lọc, được bổ sung các chất dinh dưỡng, sau đó đun sôi và để nguội. Sản xuất một mẻ thạch dừa thô phải trải qua 17 công đoạn khác nhau, trong đó công đoạn quan trọng nhất là quá trình lên men.
Quá trình lên men nước dừa kéo dài từ 15 đến 20 ngày ở nhiệt độ thích hợp, đảm bảo vệ sinh. Sau khi được lên men, nước dừa khô sẽ hình thành những tảng thạch dừa thô có màu vàng ngà. Bình quân cứ 3 lít nước dừa khô có thể thu được 1kg thạch dừa thô nguyên chất.
Theo anh Minh, những năm gần đây thạch dừa Bến Tre là sản phẩm có tiếng, được thị trường trong nước và xuất khẩu ưa chuộng. Hiện tại giá bán 1kg thạch dừa thô dao động từ 70.000 đồng đến 75.000 đồng.
Nhờ vậy mà lượng nước dừa khô khổng lồ ở các vựa dừa dọc sông Thom hết cảnh bị xem là phế phẩm.
Theo các tài liệu khoa học, thạch dừa có tên gọi Nata de Coco, xuất xứ từ Philippines. Đây là sản phẩm dạng gel thực phẩm thu được từ quá trình lên men nước dừa già (dừa khô). Thạch dừa gần như trong suốt, dai và thường được dùng làm kẹo hoặc dùng kèm với đồ uống và sử dụng làm nguyên liệu trong các loại thực phẩm.
Các nghiên cứu cho thấy thạch dừa là thực phẩm có lợi cho sức khỏe vì giàu chất xơ, ít calo, không chứa cholesterol và tốt cho hệ tiêu hóa, nên được nhiều người ưa chuộng.
Anh Minh cho biết ngoài sản xuất thạch dừa, một phần nước dừa khô ở chợ dừa sông Thom được bán cho các cơ sở sản xuất nước màu dừa, một sản phẩm nổi tiếng của xứ dừa Bến Tre.
“Sản xuất nước màu dừa từ nước dừa khô tốn nhiều công sức, củi lửa và tỉ lệ sản phẩm thu được rất thấp. Tuy nhiên hiện nay giá bán nước màu dừa Bến Tre nguyên chất khá cao, khoảng 250.000 đồng/lít”, anh Minh nói.
Theo chủ một cơ sở sản xuất nước màu dừa ở Bến Tre, muốn có được 1 lít nước màu dừa, cần khoảng 20 lít nước dừa khô, tương đương 60-80 trái dừa, tùy lớn nhỏ, nhưng phải lấy nước dừa còn tươi, không bị chua. Nước dừa sau khi lọc sạch, cho trước 10 lít vào nồi, nấu trong 2 giờ.
Sau đó cho thêm 4 lít nước dừa vào nồi, tiếp tục nấu trong 2 giờ. Cuối cùng, cho toàn bộ nước dừa còn lại vào, nấu với lửa nhỏ trong 6 giờ, đến khi thấy nước dừa trong nồi đã cạn và chuyển sang màu cánh gián là hoàn thành.
Tổng cộng, một mẻ nước màu dừa 1 lít cần thời gian nấu ròng rã 10 tiếng, dân gian hay gọi là “thắng nước màu”. Trong quá trình thắng nước màu nguyên chất, tuyệt đối không cho nước lã vào nấu chung với nước dừa. Điều quan trọng với nghề “thắng nước màu” dừa là người thợ phải luôn túc trực bên bếp để canh lửa, không để mẻ nước màu bị khét.
Do nước màu dừa Bến Tre nguyên chất có hương vị thơm ngon, màu sắc bắt mắt, cộng thêm quá trình sản xuất tốn nhiều thời gian, công sức và chi phí nguyên liệu đun nấu (củi, than) nên có giá bán rất cao trên thị trường.
—————————–
Hơn 20 năm qua, chợ dừa sông Thom có được cảnh ghe tàu đông đúc, nhà vựa san sát mua bán sầm uất, chủ yếu là nhờ ăn theo nghề làm chỉ xơ dừa. Có người đã thành tỉ phú…
Kỳ tới: “Xóm chỉ vàng” từ vỏ dừa khô vất bỏ
HÙNG ANH
***
Độc đáo chợ dừa nổi Bến Tre – Kỳ cuối: Thành tỉ phú từ vỏ dừa vất bỏ
TT – HÙNG ANH – 02/01/2023 15:37 GMT+7
Theo ước tính của anh Trần Văn Bình, hiện tại ở xã An Thạnh có hơn 50 cơ sở, doanh nghiệp, công ty sản xuất chỉ xơ dừa và các sản phẩm từ chỉ xơ dừa.

Làm sản phẩm chỉ xơ dừa – Ảnh: HÙNG ANH
Giữa trưa, trời đang nắng chang chang bỗng âm u, chuyển mưa. Anh Tư Bình (Trần Văn Bình, ấp Vĩnh Khánh, xã An Thạnh, huyện Mỏ Cày Nam, Bến Tre) lao ra khoảng sân rộng đang phơi đầy ắp chỉ xơ dừa vàng óng, la lớn: “Ê! Coi chừng trời mưa nghen, mớ nào khô rồi thì gom đậy kín, để mắc mưa ướt, mất công phơi lại, cực thân”.
“Xóm chỉ vàng”
Đứng nhìn mấy chị nhân công đang nhanh tay cào, gom đống chỉ xơ dừa đã phơi khô rồi phủ bạt ni lông che mưa, anh Bình nói: “Nghề này khỏe nhất là mùa nắng, sáng đem chỉ xơ dừa ra phơi, đến chiều là khô đạt chuẩn”.
Anh Bình kể nghề làm chỉ xơ dừa xuất khẩu xuất hiện ở ấp Vĩnh Khánh từ sau năm 1990, đến nay đã trở thành nghề chủ lực giúp nhiều người hái ra tiền ở địa phương.
Theo ước tính của anh Bình, hiện tại ở xã An Thạnh có hơn 50 cơ sở, doanh nghiệp, công ty sản xuất chỉ xơ dừa và các sản phẩm từ chỉ xơ dừa.
Chỉ xơ dừa sử dụng nguyên liệu là những chiếc vỏ dừa khô phế phẩm, nên khi các cơ sở sản xuất chỉ xơ dừa mọc lên thì kéo theo hàng trăm vựa thu mua dừa khô mở ra dọc hai bờ sông Thom để cung cấp vỏ dừa khô nguyên liệu cho nghề làm chỉ.
Nhiều cư dân ấp Vĩnh Khánh quả quyết người đầu tiên đem nghề chỉ xơ dừa về ấp là ông Sáu Nhu (Nguyễn Văn Nhu, sinh năm 1960). Trước năm 1990, ông Sáu Nhu chèo ghe đi mua bán gáo dừa, vỏ dừa từ Bến Tre sang Trà Vinh, Vĩnh Long, Tiền Giang.
Những năm lặn lội mua bán các phế phẩm từ trái dừa, ông học được nghề làm chỉ xơ dừa từ những vỏ dừa khô bị quăng bỏ. Sau đó, sản phẩm bán được giá cao nhờ xuất khẩu.
Sau khi ông Sáu Nhu mở cơ sở sản xuất chỉ xơ dừa ăn nên làm ra, nhiều người trong xóm đến học hỏi rồi dần dà hình thành xóm chỉ xơ dừa Vĩnh Khánh.
Người ta kể hồi đầu tiên ông Sáu Nhu đến một công ty chuyên sản xuất, thu mua chỉ xơ dừa xuất khẩu ở thị xã Bến Tre xin học nghề và hợp tác cung cấp chỉ xơ dừa, nhưng bị nơi này thẳng thừng từ chối.
Dù tức trong bụng, ông Sáu Nhu vẫn dằn lòng xin được đi xem quy trình sản xuất chỉ xơ dừa để mở mang tầm mắt. Về nhà, ông đem những điều mắt thấy tai nghe ghi nhớ được trong đầu, thuê thợ vườn chế tạo, lắp ráp máy móc để đập vỏ dừa, kéo chỉ.
Lúc đó, ấp Vĩnh Khánh chưa có điện, tất cả máy móc của ông Sáu Nhu đều phải sử dụng động cơ dầu diesel. Riêng chiếc máy tước chỉ, ông Sáu lắp động cơ diesel D 15 thay mô tơ điện, vừa dễ sử dụng vừa dễ di chuyển khắp nơi, công suất đạt 500kg chỉ/ngày trong khi chi phí lắp ráp và hoạt động chỉ bằng 50% máy sử dụng điện.
Trong nhiều năm, các loại máy đập vỏ dừa, đánh chỉ, tước chỉ xơ dừa sử dụng dầu diesel do ông Sáu “sáng chế” được mọi người sử dụng rộng rãi. Đến khi điện lưới kéo về ấp, các loại máy chạy dầu “nghỉ hưu” và được thay thế bằng động cơ điện.
Anh Bình cho biết nghề làm chỉ xơ dừa gồm nhiều công đoạn. Đầu tiên, vỏ dừa khô được cho vào máy đập, đánh tơi. Sau đó, cho vỏ dừa đã đập vào máy quay để đánh, tước lấy những sợi chỉ vàng óng từ xơ dừa.
Chỉ xơ dừa phải được phơi khô trước khi đóng thành kiện để cung ứng cho các nhà máy sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ chỉ xơ dừa như thảm, nệm… để xuất khẩu. “Muốn có 1 tấn chỉ xơ dừa nguyên liệu, cần đến 8 thiên vỏ dừa khô (9.600 vỏ).
Tùy theo quy mô sản xuất, nếu điều kiện thời tiết thuận lợi và nguồn nguyên liệu dồi dào, mỗi ngày một cơ sở sản xuất chỉ xơ dừa có thể cho ra lò từ 5 đến 10 tấn chỉ khô.
Theo chỗ tui biết, mỗi năm làng nghề chỉ xơ dừa dọc sông Thom cung cấp hơn 40.000 tấn chỉ nguyên liệu cho các doanh nghiệp sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu. Nếu tính giá thấp nhất là 3.000 đồng/kg chỉ xơ dừa nguyên liệu, hằng năm những chiếc vỏ dừa khô phế phẩm mang lại cho “làng chỉ vàng” sông Thom hơn 120 tỉ đồng”, anh Bình nói.
Bà Nguyễn Thị Châu, thợ phơi chỉ, cho biết ở “làng chỉ vàng” sông Thom, đàn ông có sức vóc thì vận hành máy đập vỏ dừa, máy đánh sợi, tách chỉ, đóng kiện chỉ xơ dừa thành phẩm.
Riêng thợ phơi chỉ xơ dừa phần lớn là phụ nữ, bởi đây là nghề nhẹ nhàng với công việc chủ yếu là cào, trở cho chỉ mau khô.
“Phơi khô 1 tấn chỉ nhận tiền công 270.000 đồng. Mùa nắng, mỗi ngày một nhân công có thể phơi khô 1,5 tấn chỉ xơ dừa. Mùa mưa vất vả hơn, nhiều khi 2-3 ngày mới phơi khô 1 tấn chỉ”, bà Châu nói.

Một sân phơi chỉ xơ dừa ở Vĩnh Khánh – Ảnh: Hùng Anh
Chuyện “dòng sông đen” thành sông sạch
Nhưng “xóm chỉ vàng” sông Thom cũng từng có thời gian dài trả giá cho sự giàu có. Trở lại quá khứ, từ trước năm 2010, khi “xóm chỉ vàng” làm ăn phát đạt, cư dân sinh sống bên dòng sông Thom đã la làng vì tình trạng ô nhiễm rất nghiêm trọng kéo dài do mụn dừa – phế phẩm trong quá trình sản xuất chỉ xơ dừa.
“Trong nhiều năm, nước sông Thom trở nên đen ngòm, bốc mùi hôi do hằng ngày phải hứng chịu hàng trăm tấn mụn dừa từ các cơ sở sản xuất chỉ xơ dừa đổ xuống.
Các cơ quan hữu trách liên tục kiểm tra và xử phạt, nhưng chủ cơ sở chấp nhận đóng tiền phạt để đổ mụn dừa xuống sông vì tiền phạt nhẹ hều và họ không có cách nào để giải quyết mụn dừa” – anh Võ Văn Hùng, cư dân xã An Thạnh, nhớ lại.
Theo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bến Tre, khoảng 3,3 thiên vỏ dừa khô (4.000 vỏ) sau khi tách lấy chỉ sẽ cho ra 1 tấn mụn dừa phế thải.
Mỗi năm, các cơ sở, doanh nghiệp chỉ xơ dừa Bến Tre thải ra môi trường hơn 140.000 tấn mụn dừa (hơn 50% từ chợ dừa sông Thom), gây ô nhiễm nghiêm trọng, khiến các cơ quan hữu trách rất đau đầu.
Gần đây, chính quyền và các cơ quan hữu trách của Bến Tre đã có nhiều chính sách ưu đãi để các doanh nghiệp biến mụn dừa phế thải vô giá trị trở thành sản phẩm hữu ích cho cuộc sống.
Đó là việc ứng dụng các giải pháp kỹ thuật loại bỏ các chất có hại trong mụn dừa, biến mụn dừa thành các sản phẩm đất sạch, giá thể thay thế đất, phân hữu cơ chất lượng cao… phục vụ các làng hoa kiểng, nhân giống cây trồng ở Chợ Lách (Bến Tre), Sa Đéc (Đồng Tháp) và xuất khẩu.
Theo ông Đặng Văn Cử (Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bến Tre), mụn dừa là chất phế thải có giá trị 0 đồng/kg nhưng khi trở thành nguyên liệu sản xuất thì được thu mua với giá 2.300 đồng/kg.
Lúc mụn dừa được xử lý trở thành đất sạch, làm khô và ép thành viên đạt tiêu chuẩn xuất khẩu thì có giá bán 4.200 đồng/kg.
Sản phẩm đất sạch sau khi phối trộn thêm các vi sinh vật hữu ích, các loại khoáng vi lượng và đa lượng, các vật liệu hữu cơ chất lượng cao thì trở thành phân bón hữu cơ cao cấp. Sản phẩm này được cung ứng cho các khu nông nghiệp công nghệ cao, xuất khẩu, trồng rau an toàn, trồng hoa kiểng… với giá bán 50.000 – 60.000 đồng/kg.
Khi mụn dừa không còn gây ô nhiễm, dòng sông Thom lại trở nên trong lành. Anh Hùng cho biết chợ nổi sông Thom chỉ mua bán một mặt hàng là trái dừa khô, từ vỏ dừa đến gáo dừa đều được tận dụng nên hầu như không còn rác thải từ nghề chế biến dừa xả xuống dòng sông như những năm trước.
Người dân Bến Tre chịu ơn cây dừa biết bao nhiêu…
“Những chiếc tàu du lịch hoạt động trên chợ nổi sông Thom đều có giỏ đựng rác, du khách ý thức giữ vệ sinh, không ném rác xuống sông. Riêng cư dân sống dọc hai bờ sông, rất nhiều người bị ám ảnh chuyện con sông một thời nước đen kịt bốc mùi hôi hám, chẳng còn ai xả rác xuống sông vì trên bờ có xe đi lấy rác”, anh Hùng tâm sự.