Ấn đền Trần (5 bài)

Danh sách bài do admin (PTH) tự sắp xếp.

***

Chủ Nhật, 05/02/2023, 09:57

Ảnh: Ngủ gật, vật vờ cả đêm dưới mưa chờ mua ấn đền Trần 

5h sáng BTC mới phát ấn nhưng từ 1h sáng 5/2, rất đông người có mặt tại khuôn viên đền Trần (Nam Định) chờ mua ấn. Họ đứng, ngồi vật vờ,  ngủ tại điểm xếp hàng bất chấp mưa nặng hạt.

Sau khi lễ khai ấn diễn ra xong, tại khuôn viên đền Thiên Trường, đền Trùng Hoa, đền Cố Trạch (TP. Nam Định) rất đông người ngồi, ngủ ngay tại điểm phát ấn chờ đền giờ mua ấn dưới cơn mưa

Theo quan niệm, nếu mua được ấn đền Trần sau giờ khai ấn sẽ đem lại nhiều may mắn, tài lộc và công danh nên rất nhiều người nên rất đông người dân địa phương, du khách thập phương chịu rét, “đội mưa”, thức thâu đêm để mua ấn

Những người chờ đợi mua ấn cho biết, họ đến từ các tỉnh xa như Thanh Hóa, Lào Cai, Hải Dương, thậm chí tận Cà Mau…

Nhiều người tranh thủ ăn tạm xôi, bánh mì… chờ mua ấn. Họ cho biết, chen nhau vào bên trong đền lúc 0h30 phút (ngày 5/2 – tức 15 tháng Giêng) để dâng hương, cầu khấn và ngồi chờ luôn tại chỗ

Nhiều người đã ngủ gật ngay tại chỗ trong giá rét, mưa phùn

Một số người lại đứng cả đêm sợ mất chỗ

Người dân ngồi, ngủ vật vờ mọi ngách ngách trong khuôn viên đền Trần

Đền 4h30 sáng, hàng trăm du khách tập trung tại sân thiên trường để chờ BTC phát ấn. Năm nay phát ấn từ 5h sáng

Mọi người xếp hàng trong trật tự

 Đúng 5h sáng, du khách được mua ấn.T uy được BTC nhắc nhở du khách không chen lấn, xô đẩy trong quá trình mua ấn nhưng nhiều người không tuân thủ khiến nơi phát ấn lộn xộn, tranh cãi…

Nhiều người mua xong nhưng không có lối ra do dòng người xô đẩy từ phía dưới lên, phải giơ cao ấn để thoát ra ngoài

Lực lượng an ninh rất vất vả ổn định trật tự tránh xô đẩy

Ấn tuy phải có tiền mới mua được nhưng không quy định cụ thể giá. Người xin ấn có thể cầm một vài trăm nghìn để lấy cả tập chục chiếc

 BTC  không giới hạn phát ấn, mỗi người đều được phát từ 1- 2 tờ. Sau khi được mua ấn, người dân cầm ấn khấn giữa sân đền Thiên Trường

Dòng người kiên nhẫn chờ mua ấn dưới cơn mưa 


HỒNG PHÚ
 
***
 

Vẫn phải “mua ấn” đền Trần?

 
 
24/02/2013 15:30 GMT+7
 
(TNO) Mặc dù Ban tổ chức nói rằng ấn đền Trần sẽ được phát miễn phí nhưng thực chất người phát ấn lại căn cứ theo số tiền công đức của người “xin” mà phát nhiều hay ít.

>> Hàng ngàn người lao vào giành ấn, cướp lộc ở đền Trần

Tù 6 giờ sáng nay 24.2 (tức 15 tháng giêng), người dân sau khi đi khai ấn đều quay trở lại đền Trần đợi phát ấn. Nhiều người ở xa, không thuê được phòng nghỉ đã ngồi chờ suốt đêm để đợi đến giờ phát ấn.

 Xếp hàng trật tự vào nhà Giải vũ mua ấn
 Xếp hàng vào nhà Giải vũ xin ấn

 Sung sướng khi lấy được ấn "thiêng" đền Trần
Vui mừng khi lấy được ấn “thiêng” đền Trần

Mặc dù thông báo trước là sẽ bắt đầu phát ấn từ 7 giờ sáng nhưng từ 6 giờ 30 phút, nhà đền đã mở cửa đồng loạt 3 nhà Giải vũ để phát ấn.

Ngay khi mở cửa nhà Giải vũ, dòng người đã chen lấn đổ xô đến. Tuy nhiên, với lực lượng tập trung rất đông, công an Nam Định đã yêu cầu người dân xếp hàng, sau đó đi theo các hàng cọc sắt để vào nơi phát ấn.

  Lễ tạ khi lấy được ấn

  Lễ tạ khi lấy được ấn
Lễ tạ khi lấy được ấn

Đến 7 giờ cùng ngày quang cảnh phát ấn đã đi vào trật tự. Những người đi lấy ấn đều tuân thủ quy định xếp hàng, cầm sẵn tiền trên tay để đợi đến lượt.

  Gương mặt ngỡ ngàng, lo lắng của người dân khi nhà đền thông báo hết ấn lúc 8h sáng
Gương mặt ngỡ ngàng, lo lắng của người dân khi nhà đền thông báo hết ấn lúc 8 giờ sáng

Và đợi chờ, mong ngóng...
Và đợi chờ, mong ngóng…

Lúc 8 giờ, nhà đền thông báo hết ấn, nhiều người ngỡ ngàng, thậm chí lo lắng. Sau gần 30 phút, nhà Giải vũ được bổ sung ấn, tiếp tục phát cho mọi người.

Theo phản ánh của nhiều người dân và quan sát của Thanh Niên Online  thì tại các bàn phát ấn, thực chất người xin ấn vẫn phải đưa tiền mới được nhận ấn. Theo đó 1 chiếc ấn giấy “có giá” khoảng 10.000 – 15.000 đồng. Nếu đưa 100.000 đồng sẽ được phát 10 chiếc ấn, đưa 20.000 đồng chỉ được đưa 1 chiếc ấn.

Người dân hả hê ra về khi lấy được ấn
Người dân mãn nguyện ra về khi lấy được ấn

Nhà Giải vũ đền Cố Trạch phát ấn cho người đặt mua trước rất thoáng đãng
Nhà Giải vũ đền Cố Trạch phát ấn cho người đặt mua trước rất thoáng đãng

Một số người xếp cuối hàng sốt ruột nên đành chọn phương án mua ấn của các hàng nước và cò mồi ở cổng đền Trần.

Điểm đáng lưu ý là trong khi nhà Giải vũ tại đền Thiên Trường đông cứng người đợi đến lượt lấy ấn thì tại nhà Giải vũ đền Cố Trạch khá thông thoáng, ít người.

Hơn 11h, dòng người đợi mua ấn vấn dông nghịt trước nhà Giải vũ đền Thiên Trường
 Hơn 11 giờ, dòng người đợi lấy ấn vẫn đông nghịt trước nhà Giải vũ đền Thiên Trường

Đến 11 giờ 30 phút, dòng người xếp hàng đợi đến lượt nhận ấn tại các nhà Giải vũ vẫn đông nghịt.

Trao đổi với Thanh Niên Online trưa 24.2, ông Nguyễn Xuân Hoạt, Trưởng ban Quản lý khu di tích lịch sử văn hóa Đền Trần (Nam Định) khẳng định chủ trương của Ban tổ chức là phát ấn miễn phí, còn việc người dân vẫn đưa tiền cho người phát để nhận ấn là tùy tâm công đức mỗi người.

Tin, ảnhHoàng Long

***

“Giải thiêng” lá ấn đền Trần

 
 
02/02/2012 03:18 GMT+7
 
Lễ hội đền Trần những năm gần đây đã trở thành một trong những sự kiện văn hóa điển hình về… tính lộn xộn, làm sai lệch ý nghĩa tốt đẹp ban đầu.

Lễ hội đền Trần những năm gần đây đã trở thành một trong những sự kiện văn hóa điển hình về… tính lộn xộn, làm sai lệch ý nghĩa tốt đẹp ban đầu.

Giới học giả cho rằng để lễ hội đền Trần năm 2012 thành công và hạn chế được các bất cập như những năm trước thì công tác tuyên truyền nhằm “giải thiêng” những nhận thức sai lầm đóng vai trò quyết định.

Thanh Niên đã mời một số nhà khoa học cùng lên tiếng về vấn đề này. Người đầu tiên mà chúng tôi trò chuyện là GS Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa.

Xin GS cho biết bản chất của việc khai ấn thời Trần?

Hội đền Trần vốn là nghi lễ mang tính cung đình. Nghi lễ khai ấn vào thời Trần cũng là điều có thật. Vào thời Trần, chúng ta gần như có hai kinh đô: một là kinh đô Thăng Long, hai là Thiên Trường. Nó bắt nguồn từ việc các vị vua rút lui sớm, trở thành Thái thượng hoàng để cho con tập sự việc cầm quyền nhà nước. Các vị vua Trần sau đó lui về quê Thiên Trường, nơi phát tích của dòng họ Trần, nhưng vẫn theo dõi sát công việc của hoàng đế ở Thăng Long.

Thiên Trường càng trở nên đặc biệt hơn bởi cả ba lần chống quân Nguyên Mông, các vị vua Trần đều rời khỏi Thăng Long để lui về đó. Chính sử chép, đầu tháng giêng ngày mười tư, nhà vua từ Thăng Long về vấn an Thái thượng hoàng và nhân dịp đó làm lễ khai ấn. Việc khai ấn chỉ là việc mở đầu công việc triều đình hằng năm. Về bản chất, nó cũng tương tự như lễ khai canh, khai sơn (mở cửa rừng), mở hàng của người buôn bán, khai bút đầu xuân, động thổ vậy… Nó cầu mong một sự mở đầu tốt đẹp, một năm mới may mắn theo tâm thức “đầu xuôi đuôi lọt”.

Như vậy, hoàn toàn không có chuyện đây là nghi lễ ban thưởng công, chức tước như nhiều người tô vẽ?

Không hiểu tại sao sau này người ta tô vẽ lên chuyện đó là nghi lễ ban thưởng công, chức tước cho các quan lại. Thậm chí người ta còn gắn chuyện đó với việc ba lần đánh quân Nguyên Mông và ban thưởng chức tước cho những người có công thì thật phi lịch sử.

 
Chen lấn tại lễ hội đền Trần 2011 – Ảnh: Ngọc Thắng

Và nghi lễ khai ấn qua thời gian có biến đổi không, thưa ông?

Thời Trần, khai ấn thuần túy là một nghi lễ, chứ không có hội. Lịch sử chép thời đó, Thái sư Trần Quang Khải cho dạy cung nữ múa bài bông để đón vua vào những dịp này. Rõ ràng, khai ấn là một nghi lễ mang tính cung đình.

 
Chuyện làm “sống lại” lễ khai ấn đền Trần từ dân gian chính là xu hướng “nhà nước hóa” lễ hội”
 

GS Ngô Đức Thịnh

Sau khi nhà Trần sụp đổ, cơ cấu quyền lực hai nơi đã mất, không rõ trong những triều khác có làm lễ khai ấn không. Nhưng điều hay của khai ấn còn nằm ở chỗ dân gian vẫn lưu giữ nó. Sau khi nhà Trần mất, con cháu dòng tộc của nhà Trần vẫn còn lưu giữ phong tục đó của tổ tiên, nhưng không mang tính chất cung đình mà đã dân gian hóa. Khai ấn do đó chỉ còn là chuyện hằng năm người ta vẫn tổ chức nghi lễ. Trong đó, cái ấn được in ra và thường được phát cho bảy hoặc tám, chín đền phủ xung quanh. Chỉ thuần túy thế thôi chứ không có chuyện phát cho dân.

 

GS từng nói, thập niên 1990 lễ khai ấn đền Trần vẫn còn nguyên vẹn như từng có trong dân gian. Sau đó, ông có biết tại sao nó thay đổi không?

Những năm thập niên 1990 tôi xuống Nam Định thì thấy mọi chuyện vẫn nguyên vẹn. Nhưng sau đó, cùng với việc trùng tu quy mô lớn đền Trần, đất nước chúng ta đón nhận không khí cởi mở trong đời sống tín ngưỡng và lễ hội, tỉnh Nam Định muốn xây dựng nghi lễ đền Trần thành một lễ hội quy mô lớn của tỉnh, trong đó nghi lễ khai ấn là một trong những trọng tâm của lễ hội.

Chuyện làm “sống lại” lễ khai ấn đền Trần từ dân gian chính là xu hướng “nhà nước hóa” lễ hội, muốn đưa nó thành lễ hội tiêu biểu của tỉnh. Từ đó, người ta bắt đầu nghĩ cách cắt nghĩa sai tính chất ban đầu của nghi lễ này, giải thích sai ý nghĩa lịch sử và đưa ra tư tưởng phát ấn ban thưởng cho người có công.

Vậy theo GS, làm thế nào để trả đúng bản chất cho lễ khai ấn đền Trần?

Tôi vẫn nghĩ tốt nhất nên trả lễ khai ấn đền Trần về cho cộng đồng, cho nhà đền tổ chức. Việc khai ấn là của nhà nước đã được dân gian hóa rồi thì nên trả lại nó cho dân gian. Việc nhà nước địa phương can thiệp quá sâu sẽ tạo ảnh hưởng xấu cho lễ hội. Từ sau khi nhà Trần mất tới những năm 1990, lễ khai ấn vẫn tồn tại bình thường. Chỉ khi nhà nước can thiệp vào nó mới biến đổi lộn xộn như thế. Đó cũng là một bài học đối với việc làm thay đổi vai trò chủ thể của lễ hội truyền thống.

Đền Trần Thái Bình sẽ không phát ấn

Lễ hội đền Trần tại Khu di tích đền thờ các vua Trần (xã Tiến Đức, H.Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) sẽ diễn ra từ ngày 4-6.2 (13-15 tháng giêng). Ngày 9.2 sẽ diễn ra lễ giỗ thái tổ Trần Thừa. Đây là năm thứ ba UBND H.Hưng Hà tổ chức lễ hội đền Trần. Nhiều nghi lễ, sinh hoạt văn hóa truyền thống sẽ diễn ra trong lễ hội: tế mở cửa, lễ rước nước, lễ bái yết, thi cỗ cá, kéo co, pháo đất, hoạt cảnh chèo…

Trong buổi họp báo chiều 1.2, ông Nguyễn Hồng Chuyên – Chủ tịch UBND H.Hưng Hà – khẳng định ban tổ chức chưa từng cho biết lễ hội được truyền hình trực tiếp trên Đài truyền hình Việt Nam như nhiều báo đưa tin, ban tổ chức cũng không có ý định “cạnh tranh” với lễ hội đền Trần ở Nam Định hay đặt ra ý định mở rộng quy mô lễ hội.

Tuy nhiên theo ông, ban tổ chức đang cố gắng nâng cấp, trùng tu khu di tích, đưa thêm các sinh hoạt văn hóa dân gian để đáp ứng nhu cầu của khách thập phương. Năm nay sẽ không có việc phát ấn và không công bố số tiền thu được từ mùa lễ hội. Ông Chuyên cho hay ban tổ chức không bán vé vào cổng, không phát ấn, vì vậy số tiền có được là tiền cung tiến của khách thập phương, cũng chỉ đủ để duy trì việc tôn tạo các công trình nhỏ, trang trí, hoạt động văn hóa dân gian. 

Minh Ngọc

Ngô An
(thực hiện)

***
 

“Giải thiêng” lá ấn đền Trần: “Lãnh đạo đừng dự lễ khai ấn nữa!”

 
 
03/02/2012 03:57 GMT+7

Đó là đề nghị của PGS-TS Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo, khi nói về giải pháp giảm lộn xộn ở hội đền Trần (Nam Định).

Đó là đề nghị của PGS-TS Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo, khi nói về giải pháp giảm lộn xộn ở hội đền Trần (Nam Định).

Trao đổi với PV Thanh Niên, PGS-TS Nguyễn Quốc Tuấn nói:

Đầu tiên, theo tôi cũng phải gọi cho rõ đây không phải đền Trần mà là Thái miếu nhà Trần mới đúng.

Theo tôi, cho dù lịch sử có chép về điều này hay không thì việc người ta khai ấn và đóng ấn đã tồn tại. Nhiệm vụ của nhà nghiên cứu là phân định rõ sự liên tục của đời sống tâm linh tôn thờ vua Trần với việc đón nhận ấn đóng ở đó. Chúng ta không nên nhầm lẫn sự kiện lịch sử với những sinh hoạt tâm linh là sự tiếp tục của lịch sử trên phương diện tâm linh. Chính vì thế, không nên sa vào việc tìm trong thư tịch có chuyện đóng, phát ấn hay không. Thực ra đây là một lễ hội đã được chuyển hóa từ lịch sử thành tâm linh. Ấn của thời Trần là ấn của vua đóng chứ. Mặc dù vậy, tôi nghĩ lễ hội này đang được chuyển hóa một cách tiêu cực, nó cho ta hình dung lệch lạc nhiều hơn là đúng đắn.

 
Lễ khai ấn đền Trần 2011 – Ảnh: Ngọc Thắng

Sự lệch lạc đó theo ông được thể hiện như thế nào?

Nó thể hiện rõ nhất ở chỗ đã gây ra những tổn thất văn hóa.

Đầu tiên, nó thể hiện ở tổn thất hình ảnh, truyền thống. Nó tạo ra tâm lý cầu xin một cách phi lý. Thăng quan, tiến chức, làm giàu đều là nguyện vọng. Nhưng đặt trong không gian của việc xin ấn đền Trần thì nó lại thiếu động cơ trong sáng. Cầu xin như thế trong khi những nghi lễ này vốn để an dân. Lệch lạc đó làm tổn thương hình ảnh các vua Trần. Các vua Trần ở đây đâu phải người đi bán quan bán chức.

Thứ hai, nó tạo ra ảnh hưởng xã hội rất xấu. Bản chất lễ hội truyền thống là cộng cảm cơ mà. Nó phải tạo ra một vòng tay lớn kết nối cộng đồng chứ không phải là tranh đoạt như mấy năm qua tại đền Trần.

Tổn thương thứ ba thấy rất rõ là tạo ra dư luận trái chiều về truyền thống. Tự dưng truyền thống trở thành nơi tranh chấp về nhận thức, rằng nó tốt hay xấu, đúng hay sai. Việc đập một chùa đã là tổn thất, làm sai lạc di sản phi vật chất còn kinh khủng hơn.

Hiện Nam Định đã đưa ra giải pháp là sẽ chỉ phát ấn từ sáng mười lăm đến hết tháng giêng. Trong khi đó, giải pháp của Viện Văn hóa nghệ thuật là nên phát cả năm. Ông nhận định về hai giải pháp này như thế nào?

Tôi nghĩ hai giải pháp này đều có bản chất giống nhau là nhằm kéo giãn mật độ. Nhưng việc tránh tập trung người vào thời gian, không gian thiêng rất khó. Tự thân lễ hội phải hình thành trên các không gian thiêng, thời gian thiêng, bối cảnh thiêng. Nếu anh cứ khai ấn vào nửa đêm mười bốn, rồi bảo người dân cứ về nhà đi mai ông đến, hoặc tới 16, 17 tôi phát cho thì rất khó. Khi đó, người dân sẽ bảo: không, tôi cứ chờ đúng giờ thiêng. Tự thân lễ hội đã thành trên điều này. Những năm gần đây, lãnh đạo còn đến khai ấn thì giờ thiêng càng được khẳng định.

Nếu hoãn việc phát ấn đến sáng mười lăm, có thể người ta biết chờ đợi hơn nhưng chưa có gì khẳng định trật tự an toàn sẽ đảm bảo. Nếu giờ thiêng vẫn quy tụ ở khoảnh khắc đấy thì người ta vẫn chực chờ. Phát ấn quanh năm cũng không ổn vì dân gian đã hình thành chuyện đầu năm cầu cúng, cuối năm tạ lễ rồi.

Vậy theo ông, giải pháp cho hội đền Trần là gì?

Tôi nghĩ giải pháp quan trọng nhất là lãnh đạo phải gương mẫu, 3-4 năm liền không tham gia vào lễ khai ấn nữa. Có thể họ cũng có nhu cầu cá nhân nhưng phải xếp ra sau, để không tạo ra dư luận xã hội theo hướng tiêu cực. Nếu vẫn còn chuyện mười hai giờ đêm mời lãnh đạo đến đóng dấu như vinh dự của thời khắc đó thì sự đông đúc lộn xộn vẫn còn như cũ. Nếu lãnh đạo có tham gia, dân sẽ nói hà cớ gì họ không được đến. Như thế cũng là làm đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 rằng chấn chỉnh Đảng từ nền nếp sinh hoạt. Theo đó cán bộ phải gương mẫu, đảng viên càng gương mẫu, cấp cao càng phải gương mẫu trong sinh hoạt.

Chưa thấy sử sách ghi việc đóng, phát ấn ở đền Trần

“Nhiều nhà nghiên cứu khẳng định việc đóng, phát ấn ở đền Trần không thấy sử sách nào ghi lại cả. Kiểu đóng ấn ra giấy, hay vải phát, bán cho nhiều vạn người chỉ diễn ra ở đền Trần Nam Định trong thời gian gần đây thôi. Cứ cho là quả ấn xịn đi, là loại “ấn báu”, “ấn vua ban” (như quảng bá), là tục từ xưa đi, nhưng nếu vậy, chắc chắn nó cũng chỉ khuôn trong phạm vi hẹp mà thôi. Người ta làm ra cái ấn là để đóng vào chiếu lệnh, bằng sắc, công văn, sách vở, tác phẩm…  Có ai làm ra cái ấn để đóng suông vào cái chả có nội dung gì. Lại còn từ “lá ấn”, “ấn lộc” tôi thấy nó rất lạ tai! Ngày xưa có ai nói đến từ ấn lộc, ấn vua ban không? Có bao giờ đem “ấn vua ban”, đóng phát, bán cho hàng nhiều vạn người không? Ngay thời loạn, thời mạt cũng chưa thấy sử sách ghi nhận có chuyện đó.

Đến nay vẫn chưa thấy chuyên gia ấn chương nào đem uy tín chuyên môn của mình để đảm bảo đây là ấn cổ, ấn quý. Trong khi đó, bằng nhãn quan của người quan sát thông thường, người ta có thể thấy các bản ấn được phát, bán ở đền Trần gần đây có nhiều khả năng đóng từ một chiếc ấn được chế tác ở hàng chợ cách đây chưa lâu. Tôi nghĩ để giải tỏa mối ngờ vực của đại chúng, chiếc ấn ấy cần được chuyên gia ấn chương giám định, rồi công bố kết quả cho toàn dân biết. Nếu là đồ dởm thì phải dẹp đi, chúng ta chỉ nên bảo tồn cái gì là tốt đẹp, chân chính, là thuần phong mỹ tục mà thôi”.

Thạc sĩ  Phạm Văn Ánh – Viện Văn học

Ngô An
(thực hiện)

***

“Giải thiêng” lá ấn đền Trần: “Chỉ là chiếc ấn của nhà đền”

04/02/2012 07:30 GMT+7

Theo GS Nguyễn Văn Huy, việc đóng ấn đền Trần vốn chỉ là một truyền thống địa phương nay đã bị “phóng đại” về quy mô, ý nghĩa đến mức gây hệ lụy về tâm linh.

Theo GS Nguyễn Văn Huy, việc đóng ấn đền Trần vốn chỉ là một truyền thống địa phương nay đã bị “phóng đại” về quy mô, ý nghĩa đến mức gây hệ lụy về tâm linh.

>> “Giải thiêng” lá ấn đền Trần: “Lãnh đạo đừng dự lễ khai ấn nữa!”

Theo thời gian các nghi lễ văn hóa đều có thể biến đổi. Trường hợp biến đổi về ý nghĩa và quy mô phát ấn như ở đền Trần có phải là một biến đổi tiêu cực không, thưa ông?

Văn hóa luôn luôn biến đổi cho phù hợp với tâm lý và điều kiện sống ở mỗi thời đại. Các nghi lễ cũng có thể biến đổi. Những sự biến đổi đó phải thực sự do cộng đồng cùng nhau thảo luận và quyết định. Tránh hay giảm thiểu sự áp đặt càng nhiều càng tốt. Tuy nhiên dù biến đổi như thế nào thì vẫn cần giữ cho được cái tinh thần cơ bản, cái chất của các nghi lễ.

Các nghi lễ ở đền Trần bây giờ làm hoành tráng hơn, to hơn. Và người ta bây giờ hướng trọng tâm đến du lịch. Đền trước kia chỉ thỏa mãn cho nhu cầu cộng đồng nhỏ ở địa phương. Nay đối tượng của nhà đền đã thay đổi, chủ yếu là khách thập phương thuộc đủ các tầng lớp xã hội khác nhau. Đó là sự thay đổi và phát triển.

Nhưng sự phát triển này lại quá nhanh, quá lớn mà nhà đền và các cơ quan hữu quan không dự tính nổi. Trong sự biến đổi này có cả những mặt tiêu cực. Điều lớn nhất, tôi muốn nhắc ở đây như một bài học, là người ta đã làm sai lệch về ý nghĩa của ấn đền Trần dẫn đến một cuộc “chạy sô” của xã hội.

Chắc chắn đấy không phải là ấn tín của triều đình, của các vua Trần. Đây chỉ là chiếc ấn của nhà đền để thực hiện nghi lễ của mình. Nó cũng giống ấn đóng bùa treo khắp nhà cần trấn yểm sự cố hoặc các bùa cầu may mang theo người. Có thời gian việc đóng ấn ở đền Trần trong ngày khai ấn lại do các quan chức nhà nước từ cấp cao cho đến cấp tỉnh, huyện, xã thực hiện với ý nghĩa “khai ấn” mở đầu cho công việc của nhà nước. Việc làm sai lệch này trong nhiều năm dẫn đến nhiều hệ lụy về tâm linh mà bây giờ đang phải giải quyết.

Nhiều người đi xin ấn bức xúc khi bị đánh giá mang nặng tâm lý muốn “đánh quả”, “cầu quan chức”. Theo ông đánh giá như vậy có đúng không?

 
Bản ấn năm 2010 (trái) và năm 2011 – Ảnh: Ngọc Thắng

Như tôi nói ở trên, ban đầu ấn đền Trần chỉ là một biểu tượng cầu an cho cộng đồng địa phương, cho các gia đình trong khu vực. Nhưng để tuyên truyền, người ta đã “nâng cấp” ý nghĩa của ấn và việc khai ấn lên thành việc của triều đình nhà Trần, của lãnh đạo nhà nước đương đại. Do đó, một thông điệp ngầm về việc ấn đó mang lại quyền lực, sự may mắn về chức quyền cho người có được ấn trở thành điều hiển nhiên.

Điều đó lại phù hợp với tâm lý xã hội chạy đua lên các thang bậc khác nhau của chức quyền vốn gắn với bổng lộc. Các quan chức ở tỉnh, ở các tỉnh bạn và cả các ban ngành ở trung ương cũng đã từng nô nức về đền Trần đêm khai ấn chắc hẳn cũng chạy theo dòng thông điệp ngầm sai lầm này.

Nếu chỉ cầu an không thôi thì chẳng ai lại đi chen lấn đè bẹp nhau như chúng ta thấy. Những bức ảnh, các video clip đáng sợ và đáng buồn ghi lại không chỉ làm xấu hình ảnh của đất nước. Đáng suy nghĩ hơn, một bộ phận không nhỏ của xã hội đang nhắm mắt dựa dẫm vào những điều không thực để mưu cầu danh lợi. Không nên lợi dụng lịch sử và truyền thống để cổ súy cho những việc này.

Tôi nghĩ giải pháp không phát ấn vào đêm khai ấn là hợp lý. Có một cái ấn là nhu cầu thực cần được đáp ứng. Việc phát quanh năm sẽ tốt hơn là chỉ phát từ rằm đến hết tháng giêng. Ấn như một biểu tượng cầu may, cầu an cho những người hành hương đến đền Trần tại sao lại không phát được quanh năm? Đằng nào cũng chẳng ai có thể đóng hàng vạn ấn trong một đêm và chỉ một đêm vào giờ thiêng là giờ Tý. Tính thiêng không nằm ở đó, mà trước hết ở tâm. Linh thiêng ở cái tâm của ông thủ từ, người đóng ấn, người phát ấn và người nhận ấn trong không khí thiêng liêng của đền Trần. Nếu quan niệm như vậy thì việc phát ấn quanh năm là việc rất đáng nên làm. Ấn sẽ là một kỷ vật treo ở nhà sau một chuyến hành hương. Như thế, ấn sẽ là nét đẹp văn hóa chứ không phải là chiến tích có được sau một đêm xô đẩy, giành giật nhau.

Chữ gì được khắc trên bản ấn?

Các bản ấn năm 2010 chính giữa có bốn chữ “Trần miếu tự điển”, nghĩa là: “Điển lễ tế tự ở miếu Trần”, viền phía dưới khắc bốn chữ “Tích phúc vô cương”, nghĩa là “Ban phúc vô bờ”. Tuy nhiên, chữ “cương” (trong “Tích phúc vô cương”), phần bên phải khắc thiếu hẳn một nét “nhất”, phần bên trái khắc thiếu hẳn bộ “thổ”. Cho nên “Tích phúc vô cương” nghĩa là “ban phúc vô bờ” thành “tích phúc vô cường”, nghĩa là “ban phúc không mạnh” (!). Theo thạc sĩ Phạm Văn Ánh (Viện Văn học), bản ấn năm 2011 đã có đủ nét “Tích phúc vô cương” ở viền, nhưng những nét đậm lại bị mảnh và ngắn lại

Ngô An
(thực hiện)

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s