Be still and know that I am God

Chào các bạn,

“Hãy tĩnh lặng và biết ta là Chúa Trời” là lời Chúa nói trong Thánh vịnh 46 (Psalm 46:10). Đây có lẽ là câu quan trọng nhất cho lòng tin của chúng ta, và cũng là câu gần nhất với Phật pháp. Trong tên Phật Thích Ca Mâu Ni (Sakyamuni) thì Sakya là tên của dòng họ Sakya, muni (mâu ni) có nghĩa là một nhà thông thái tịnh mặc – tịnh mặc là tinh khiết và im lặng.

Trong Thiên Chúa gia, nếu bạn biết God và tin God, thì bạn luôn tĩnh lặng, không bồn chồn, không lo lắng, không sợ hãi bất kì điều gì. “Dù con đi qua thung lũng của bóng tối của sự chết, con sẽ không sợ sự dữ. Gậy và trượng của Ngài trấn an con. Chúa dọn bàn tiệc cho con trước mặt kẻ thù con.” (Psalm 23:5). Nếu bạn tin vào Chúa thì thế đó. Chúa bảo vệ bạn. Dù quân thù giáo mác lăm lăm, Chúa dọn bàn tiệc ăn uống cho bạn trước mặt quân thù bạn.

Đã giác ngộ thì tĩnh lặng. Đã nhận ra, đã biết Chúa của bạn, thì bạn tĩnh lặng. Hai khái niệm “giác ngộ” và “biết Chúa” hơi khác nhau một chút chi tiết trong nội dung, nhưng kết quả thì như nhau. Nếu bạn đã giác ngộ, đã biết, thì bạn tĩnh lặng.

Một đằng thì biết Không – cái nền tuyệt đối bao gồm tất cả, mọi thứ đến từ đó, ở trong đó, và đi về đó. Một đằng thì biết Chúa, hữu thể tuyệt đối, cũng hoàn toàn giống Không – mọi thứ đến từ đó, ở trong đó, và đi về đó – nhưng với một nhân cách của một “Người”. Đó là chi tiết khác nhau về nội dung, nhưng phần lớn của nội dung thì như nhau – nền tuyệt đối (absolute), sinh ra, nuôi dưỡng và bao bọc tất cả mọi thứ tương đối (relative) trong vũ trụ tương đối.

Nền tuyệt đối này Lão tử gọi là Đạo:

Đạo khả đạo phi thường đạo
Danh khả danh phi thường danh
Vô danh thiên địa chi thủy
Hữu danh vạn vật chi mẫu

(Đạo Đức Kinh)

Nghĩa là:

Đạo có thể gọi là đạo thì không là đạo mãi
Tên có thể gọi là tên thì không là tên mãi
Không tên là khởi đầu của trời đất
Có tên là mẹ của mọi vật

(Đạo Đức Kinh)

Đạo, tức là cái mà chúng ta gọi là Tuyệt đối.

Vô danh (Không tên), đó chính là Không của Phật gia, là khởi đầu của trời đất, vũ trụ.

Hữu danh (Có tên), đó chính là God – còn có tên trong Thánh kinh là “I Am Who I Am, Ta Là Ta”, là mẹ sinh ra mọi vật trong vũ trụ.

Chúng ta thấy, dù đó là Không, God, hay Đạo – nhiều từ khác nhau trong nhiều trường phái khác nhau – khái niệm “Tuyệt đối sinh ra, nuôi dưỡng, và chứa đựng mọi Tương đối” đã có sẵn trong hầu hết mọi nền văn hóa tâm linh lớn của thế giới. Đó là điều mà người ta gọi là “Tự nhiên” hay “Chúa đã tạo ra và cho con người với trí tuệ như thế.”

Trở lại với Psalm 46, tĩnh lặng là cái test để bạn biết, theo nhà Phật, bạn đã giác ngộ hay chưa, và theo nhà Thiên chúa, thì đó là cái test để biết bạn đã tin vào Chúa đủ chưa.

Nếu bạn đã biết, đã tin, thì bạn sẽ tĩnh lặng. Còn bồn chồn, lo lắng, sợ hãi vì bất kì lý do gì, là chưa biết, chưa ngộ, chưa tin.

Các trường phái tâm linh rõ ràng là lấy việc chúng ta “biết sống với chân lý về Tuyệt đối” làm nền tảng cho nghệ thuật sống, đồng thời cũng là cái test để ta biết ta đang đứng ở đâu trên con đường tâm linh.

Dù bạn thuộc trường phái tâm linh nào, thì cái test chung là: “Hãy tĩnh lặng, để biết.”

Chúc các bạn luôn tĩnh lặng.

Mến,

Hoành

© copyright 2022
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s