Chào các bạn,
Kinh nghiệm quản lý lớn nhất mà mình học được là từ kinh doanh Việt kiều. Mình nói Việt kiều là vì mình quan sát phần lớn ở Việt kiều Mỹ. Nhưng thực chất phải nói đó là Việt Nam, người Việt, vì kiểu đó là kiểu của người Việt cả trong và ngoài nước. Chỉ gọi là Việt kiều vì họ ra nước ngoài có thêm cái cầu sau lưng (kiều là cầu) 🙂 (Nhưng, lại nhưng, gọi là Việt kiều là gọi sai mà thành đúng, vì chẳng ai thèm sửa. Hoa kiều là người Hoa ở Việt Nam, Thái kiều và người Thái ở Việt Nam. “Người Việt ở nước ngoài” là “Người Việt Nam ở nước ngoài” – từ chính thức của Bộ Ngoại Giao Việt Nam – không phải là Việt kiều. Nhưng mọi người trên thế giới đều dùng “Việt kiều” dù ai cũng biết là sai. Sai nhưng tiện thì thành đúng, còn cụm kia đúng nhưng lòng thòng, nói một miệng, ngọng cả lưỡi).
Các quý vị Việt kiều ở Mỹ có hai khuynh hướng, thường là đi kèm với nhau, học hành đỗ đạt và làm kinh doanh. Thường thì bố mẹ ở thế hệ đầu tiên thì kinh doanh vì không tiện để đi học (Thế hệ đầu tiên mà đi học như mình, dù đã có gia đình lúc đó, thì rất ít vì rất khó. Vừa đi học vừa lo kinh tế gia đình, mệt dã man! Kiếp sau không dại như vậy nữa), thế hệ thứ hai trở đi mới đi học nhiều. Các quý vị làm kinh doanh thì rất nhiều người làm quán ăn, vì ở đâu trên thế giới thiên hạ cũng cần ăn một ngày 3 lần. Phần còn lại thì các loại quán tiện nghi cho cộng đồng người Việt – áo quần, làm đẹp, chợ thức ăn, máy móc các kiểu, các dịch vụ thuế má, chuyển tiền và hàng hóa về VN, v.v… Nói chung là các quán hàng nhỏ phục vụ cho cộng đồng người Việt. Nhiều năm sau thì có một số người phất lên mạnh và phát triển sang cộng đồng chính của Mỹ.
Và kiểu làm kinh doanh của các vị, các chuyên gia được đào tạo chính thống như mình cảm thấy rất kinh hoàng. Các vị nói muốn mở nhà hàng, nói chuyện với cả nhà – bố mẹ và mấy đứa con – thế là đi thuê chỗ mở nhà hàng. Chẳng có khảo sát thị trường, dù là đương nhiên cũng có quyết định là chỗ này làm được, chỗ kia không được. Chẳng có kế hoạch chiến lược gì ráo. Chiến lược duy nhất là mở ra, làm việc vợ chồng con cái chảy máu mũi, và hy vọng là có nhiều người ăn và thành công. Thuê chỗ cũng chẳng hỏi luật sư, dù là hợp đồng thuê nhà của các shopping center thường là do luật sư của chủ center viết có lợi cho chủ chứ chẳng lợi cho người thuê, và dài cả chục trang, chẳng chỉ là nửa trang. Kế hoạch kinh doanh và kiếm tiền thế nào cũng chẳng có, nên chẳng mượn tiền ngân hàng được; nhưng đã có một chút tiền dành dụm của cả gia đình, cóc cần ngân hàng. Chẳng có ước lượng và tính toán gì về thị trường, có bao nhiêu người có thể ăn với giá nào, và trừ chi phí thì mình có thể còn lại bao nhiêu. Đương nhiên là quý vị có ước tính trong đầu, nhưng toàn là các con số tưởng tượng, chẳng có một căn bản khoa học gì để chính xác. Và về quản lý thì chưa ai biết làm nhà hàng hay quản lý nhà hàng, vợ chồng con cái cứ túa vô làm, rất không chuyên nghiệp. Các chuyên gia như mình thường rất kinh sợ: “Tại sao quý vị không nhờ một luật sư xem qua hợp đồng, tốn cùng lắm là 200 đô, thay vì sau này có thể kiện tụng tốn chừng vài chục ngàn đô cho một vụ kiện?
Well, các quý vị làm ăn như thế. Và, ngược lại với tư duy của các chuyên gia, đa số các quý vị thành công, và có một số người thành công rất lớn. Làm sửng sốt cả người Mỹ thời đó là sao dân Việt qua Mỹ thành công trong thương trường và học đường kinh khủng vậy. Mình nhớ ngày kỷ niệm 10 năm dân Việt qua Mỹ, báo Time từ ngoài bìa đi vào trong nói về phép lạ thành công của người Việt.
Và sự thành công của các hộ kinh doanh gia đình nhỏ lẻ và không chiến lược như thế làm cho các chuyên gia chính thống, như mình, học được bài học khiêm tốn – “Kiến thức của cậu chẳng cần.” Nhưng câu hỏi là tại sao họ thành công được? Làm sao họ khắc phục được tất cả mọi khó khăn và ignorance (những thứ không biết) để mà chiến thắng vèo vèo như thế?
Câu trả lời là họ đoàn kết – bố mẹ con cái hè nhau làm việc hùng hục, chẳng cãi nhau bao giờ, trong nhà người nào giỏi thì có nhiều ý kiến nhất và mọi người làm theo. Chẳng cãi cọ, bố mẹ còn đó, các con cũng rất kỷ luật và nhiệt tình với nhau, hoàn toàn không có tranh đua ganh tị như nhân viên trong các công ty lớn.
Các bạn đó là bài học đoàn kết, teamwork, chiến đấu và chiến thắng lớn nhất mà mình được học tận mắt. Bạn chẳng cần kiến thức, sách vở, hay kế hoạch gì cả. Bạn cứ đoàn kết thật chặt chẽ và làm việc hùng hục như trâu, thì kinh nghiệm, kiến thức, và tiền sẽ đến sau.
Và mình nhìn lại lịch sử VN. Chúng ta cũng đã từng rất nhiều lần chiến đấu chống ngoại xâm kiểu đó. Và chiến thắng.
Việt Nam vô địch!
Chúc các bạn luôn là vô địch.
Mến,
Hoành
© copyright 2022
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com
Dạ anh,
Đọc bài này của anh em càng tin rằng lòng người là yếu tố quyết định thành công lớn nhất, sau đó mới đến chiến lược, chiến thuật, phương pháp… Có đầy đủ các phương tiện, cách thức vận hành mà lòng người không có (không đoàn kêt) thì kết quả không đạt được gì cả.
Chúng em cảm ơn anh.
ThíchThích
Xin cảm ơn
ThíchThích
Hi anh,
Em cũng nghĩ là dù là tinh thần đoàn kết quyết định đến phần lớn thành bại, nhưng có cả hai từ đầu thì vẫn tốt hơn chứ anh nhỉ? Sự chuẩn bị (kiến thức, kế hoạch, tài chính…) và đoàn kết.
Kiến thức đến khi mình bắt đầu làm, kế hoạch được lập trên đường mình đi. Nhưng nếu có thể làm cho con đường đi được trơn tru và dễ dàng hơn thì tốt hơn nhiều anh nhỉ.
Vì có khi có những cú ngã, mà nếu đau quá. Sẽ khó để đứng dậy để đi tiếp, hoặc phải dừng.
Dù mọi thứ mình làm đều cho mình kinh nghiệm, và kinh nghiệm chiến đấu nào cũng có giá trị.
e, Thắng
ps: em tóm tắt theo ý hiểu và làm rõ suy nghĩ chút thôi anh ạ.
ThíchThích
Hi Thắng,
Đương nhiên là mình càng có nhiều thứ thì càng tốt cho mình. Có gì là lạ?
Nhưng biết được điều gì quan trọng SỐ 1, điều gì quan trọng SỐ 2, điều gì quan trọng SỐ CHÓT… đó mới là điểm quyết định toàn bộ con đường hành động của mình (từ khởi đầu cho đến thành công). Mọi thứ không có giá trị ngang nhau.
Đoàn kết thành một khối chặt chẽ sẽ cho người ta đủ mọi thứ sau đó: kiên trì, kinh nghiệm, và kiến thức.
Chẳng điều gì cho được mọi thứ như vậy. Ví dụ có kiến thức, nhưng kiến thức không tự nó tạo đoàn kết được, và thường là kiến thức có thể chống đoàn kết, vì ông nào cũng xem là mình giỏi và không phục nhau.
Nhưng đoàn kết thì SẼ tạo kinh nghiệm và kiến thức, vì team làm việc tốt lâu thì đương nhiên có cả lố kinh nghiệm và kiến thức. Và có ngã thì cũng khó chết vì một team cùng ngã và cùng đứng dậy.
A. Hoành
ThíchĐã thích bởi 1 người
Hi anh,
Cảm ơn anh trả lời sâu sắc, em hiểu rõ hơn nhiều rồi ạ.
Chúc anh cuối tuần vui.
e. Thắng
ThíchThích