Chủ nhật đỏ Đắk Lắk: Đại học Tây Nguyên – Ea Kar

Chủ nhật đỏ Đại học Tây Nguyên: Hiến máu vui như đi … diễn thời trang

Đã nhiều lần là điểm hẹn trong chương trình Chủ Nhật Đỏ tại Đắk Lắk, nhưng chưa có lần nào mảng trang phục hiến máu lại được Hội sinh viên trường Đại học Tây Nguyên đầu tư kỹ lưỡng như năm nay.

Máu nào cũng quý

Từ 12 giờ trưa anh Bùi Ngọc Tân-Bí thư Đoàn trường Đại học Tây nguyên đã đến thực hiện thủ tục xét nghiệm để hiến máu trong Chủ nhật Đỏ (CNĐ). Đây là lần thứ 5 anh hiến máu. Anh cho biết Đoàn trường và Hội Sinh viên đã huy động hơn 100 tình nguyện viên (TNV) làm các công tác hậu cần.

Trang phục hiến máu cho thấy sinh viên Đại học Tây Nguyên đa sắc tộc

Xếp hàng cùng với sinh viên chờ tới lượt hiến máu, PGS-TS Nguyễn Thanh Hưng- Trưởng khoa Sư phạm Đại học Tây Nguyên vui vẻ cho biết đây là lần đầu tiên ông đi hiến máu. “Không khí thiện nguyện và cách tổ chức chương trình rất thú vị! Nhất định sang năm tôi cũng tiếp tục tham gia CNĐ”.

Con trai thầy tựa nói lớn lên cháu cũng hiến máu như bố

Còn thầy Phan Huy Tựa, giảng viên Quốc phòng- An ninh có trên 10 lần hiến máu, và đã liên tục tham gia cả 5 lần CNĐ tại trường. Mỗi lần đi hiến máu, thầy Tựa thường dắt theo con nhỏ để cháu trực tiếp cảm nhận về tác dụng, ý nghĩa của mỗi giọt máu cho đi. Vợ thầy đang công tác tại huyện Buôn Đôn cũng rất nhiệt tình tham gia hiến máu. Cháu Phan Huy Phong con trai thầy Tựa nói với phóng viên :“Hiến máu là tốt! Máu nào cũng quý, vì cứu được người. Khi nào đủ tuổi, cháu sẽ xung phong”.

Nhà thi đấu của trường thành nơi hiến máu khá lý tưởng

Là người hiến túi máu đầu tiên cho chương trình CNĐ Đắk Lắk 2019, anh Nguyễn Minh Hiền (41 tuổi, nhân viên Bưu điện TP. Buôn Ma Thuột) cho biết: Bắt đầu hiến máu từ thời sinh viên, đến nay nay anh không nhớ nổi mình đã hiến bao nhiêu lần. Do đặc thù công việc bận rộn, di chuyển liên tục nên hễ biết chỗ nào tổ chức hiến máu mà anh rảnh là “nhảy” vào hiến ngay. Lần CNĐ này nhân tiện đến giao thư cho Ban đại diện báo Tiền Phong khu vực Tây Nguyên, anh tranh thủ hỏi lịch trình, địa điểm cụ thể, sắp xếp ngay thời gian để tham gia, cẩn thận nhịn ăn để bảo đảm “cho máu sạch”. Cách đây vài hôm, trong lúc vào bệnh viện chăm người thân, chứng kiến một trường hợp một bệnh nhân lìa đời vì loại máu hiếm không có sẵn, anh đau lòng và mong góp máu mình để thúc đẩy phong trào hiến máu ngày càng lan tỏa.

Thầy Timothy Scott Shapiro với fan hâm mộ

Vừa xuất hiện đã được hoan nghênh nhiệt liệt, thầy Timothy Scott Shapiro người Mỹ – Tổ trưởng Tổ Tiếng Anh của trường đa cấp Tiểu học-Trung học cơ sở-Trung học phổ thông Hoàng Việt vui vẻ chào mọi người bằng tiếng Việt, rồi cho biết vừa được trường gửi email báo tin chiều nay có CNĐ, anh OK ngay. Đây là lần thứ hai thầy Timothy tham gia CNĐ, lần trước cũng hiến máu CNĐ tại trường ĐHTN. Timothy chia sẻ: Hiến máu là một nghĩa cử tốt đẹp. 5 năm làm việc, dạy học rồi cưới vợ tại Đắk Lắk, anh ngày càng gắn bó với vùng đất này, muốn định cư lâu dài tại đây, nơi có thời tiết dễ chịu, đường sá thuận tiện, và nhất là có tổ ấm nhỏ tràn đầy tình yêu.

Nhà báo hoàng thiên nga khai mạc chương trình CNĐ Đắk lắk 2019 tại trường Đại học Tây Nguyên

Khi tình nguyện viên lên sàn diễn

Sinh viên năm thứ nhất Khoa Kinh tế Nguyễn Thị Huyền Linh tiết lộ đây là lần thứ 3 cô đi hiến máu, đã chẳng yếu đi lại còn tăng cân. Còn sinh viên năm cuối Và Đức Thắng (người Mông ở xã Quảng Tâm, huyện Tuy Đức, Đắk Nông) đã có hơn 7 lần hiến máu và 1 lần hiến tiểu cầu. Thắng kể: Lúc đó, em nhận được điện thoại từ CLB hiến máu nhân đạo trường ĐHTN thông báo có một bệnh nhân bị sốt xuất huyết đang cấp cứu, rất cần một bạn nam to khỏe hiến tiểu cầu. Em nhận lời, lập tức có một bạn TNV khác đến đưa em lên bệnh viện làm thủ tục xét nghiệm. Lần đầu cho tiểu cầu, Thắng hơi căng thẳng. Nhưng trước những ánh mắt đầy vẻ cầu khẩn, hàm ơn của người nhà bệnh nhân, em đã cảm nhận được vai trò, ý nghĩa của sự “cho đi”, cứu được bệnh nhân qua cơn nguy kịch.

Sinh viên Đại học Tây Nguyên trình diễn trang phục thổ cẩm truyền thống

Mã Văn Sòng, dân tộc H’Mông, sinh viên năm 2 Khoa kinh tế ngành Quản trị kinh doanh năm trước đã bị “hụt” CNĐ do đến muộn, mà lượng máu chương trình thu được đã vượt chỉ tiêu, nên năm nay quyết tâm hiến cho bằng được đợt CNĐ này. Sòng là thành viên CLB hiến máu nhân đạo trường ĐHTN nên mỗi khi có đợt tổ chức hiến máu, anh đều đảm nhận vai trò tình nguyện viên tháo vát phục vụ.

Tham gia góp máu với điểm CNĐ đầu tiên tại Đắk Lắk còn có đoàn cán bộ, nhân viên Agribank chi nhánh Đại học Tây Nguyên. Chị Nguyễn Thị Phượng, đại diện nhóm chia sẻ: Đoàn có 5 thành viên, tất cả đều tham gia hiến máu mỗi năm từ 2 lần trở lên tại các chương trình do Agribank phối hợp với các đơn vị khác tổ chức trên địa bàn tỉnh.

Tại buổi lễ, anh Nguyễn Ngọc Hoàng – Phó Bí thư Tỉnh đoàn Đắk Lắk đã trao bằng khen của Trung ươn Đoàn cho thạc sĩ Vũ Nhật Phương, Phó Bí thư Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên trường ĐHTN. Ban Tổ chức chương trình khen thưởng các tập thể, cá nhân xuất sắc trong phong trào hiến máu tình nguyện, và đặc biệt còn có 5 giải thưởng tập thể và cá nhân về thành tích vận động sinh viên các dân tộc tích cực hiến máu trong trang phục truyền thống. Đến 17h ngày 12/1, Chủ Nhật Đỏ 2019 tại điểm trường ĐHTN kết thúc với 643 đơn vị máu đã được hiến.

H’Jôl Ayun, sinh viên năm 2 lớp Thú y K17A đi hiến máu lần 2, được bình chọn vào danh sách Tình nguyện viên hiến máu mặc trang phục truyền thống đẹp nhất. Cô chia sẻ: Nhà em ở buôn Đrao xã CưDliêM’nông, huyện Cư Mgar. Lần báo Tiền Phong về Cư Mgar tổ chức CNĐ 2017, nhiều hình ảnh của đồng bào đi hiến máu và cổ vũ CNĐ đã được đăng trên các báo tiếng Việt và tiếng Anh. Em rất tự hào về điều đó, nên khi nghe Hội Sinh viên trường phát động, em đăng ký hiến máu ngay. Em thấy mặc trang phục thổ cẩm không bất tiện gì khi hiến máu, mà còn thấy mình đẹp hơn. Trong túi quà, em thích nhất bộ sách hay. Thích từ cuốn Đắc nhân tâm đến Khuyến học, và Không bao giờ thất bại …

Trưởng ban tổ chức CNĐ Đắk lắk 2019 trao cúp pha lê tri ân cho chủ tịch hội sinh viên trường Đại học Tây Nguyên

Chủ Nhật Đỏ Đắk Lắk 2019 tổ chức tại 5 điểm : 1- Đại học Tây Nguyên, bắt đầu lúc 12h thứ Bảy ngày 12/1/2019, tại Nhà thi đấu trường ĐHTN; 2- Huyện Ea Kar, 7h sáng Chủ nhật ngày 13/1/2019, tại Nhà Văn hóa Trung tâm huyện; 3- Trường Cao đẳng Sư phạm, 7h ngày thứ Năm 17/1/2019, Nhà thi đấu của trường; 4- Trường CĐ Công nghệ Tây Nguyên, 7h ngày thứ Sáu 18/1/2019, Nhà đa năng của trường; 5- Huyện Krông Năng, 7h sáng Chủ nhật 20/1/2019, tại Nhà Văn hóa trung tâm và trường Bồi dưỡng chính trị huyện.

Nhóm Phóng viên Tây Nguyên

 

Chủ nhật đỏ Ea Kar: Sẽ thành ngày hội Đoàn kết các dân tộc

Không phải là huyện đông nhất hay giàu nhất trong 15 huyện-thị-thành tỉnh Đắk Lắk, nhưng suốt 3 năm qua Ea Kar đã là huyện dẫn đầu toàn tỉnh về phong trào hiến máu tình nguyện. Ý nghĩa của nghĩa cử hiến máu cứu người tại đây đã lan truyền rộng khắp, được đồng bào các dân tộc buôn làng vùng sâu, vùng xa nồng nhiệt tham gia.

Ban tổ chức CNĐ với đại úy Nguyễn Thanh Phương người hiến máu lần thứ 16

Cán bộ gương mẫu, nhân dân sẽ theo

Năm 2019, huyện Ea Kar tiếp tục đăng cai tổ chức Chủ nhật Đỏ (CNĐ) với sự gương mẫu đi đầu của cán bộ lãnh đạo Đảng, chính quyền, ban ngành, đoàn thể các cấp, khiến đồng bào phấn khởi rủ nhau hiến máu rất đông vui.

Bà Nguyễn Thị Hoa chủ tịch hội Chữ Thập Đỏ huyện phát báo Tiền Phong

Nằm dọc trục quốc lộ 26, Ea Kar có 160.000 dân thuộc 21 dân tộc, 14 xã 2 thị trấn. Xã xa nhất của huyện là Cư Bông, cách trung tâm huyện gần 50 km vẫn có 100 người đi hiến máu. Bà Nguyễn Thị Huệ, Phó chủ tịch Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) xã kể: Từ 5h sáng, cả đoàn đã cơm nước xong xuôi, lên đường hiến máu. Đi đầu là dàn lãnh đạo xã gồm: Phó chủ tịch HĐND, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó chủ tịch UBND, Bí thư Đoàn thanh niên, Trưởng Công an…Theo lịch thì trưa nay Chi bộ thôn 20 họp tổng kết, nhưng Bí thư Đảng ủy xã Phan Quốc Đương chỉ đạo phải gác hội họp để ưu tiên đi hiến máu. Thế là cả trăm người cùng chạy xe máy lên huyện. Vợ chồng ông Đương cùng cậu con trai hiến máu trước.

Dòng họ M’Lô cùng đi hiến máu

Xã Cư Yang cách huyện 40km cũng có hơn 70 xe máy chở người đến CNĐ. Ông Nguyễn Hùng Lâm 56 tuổi, Chủ tịch Hội CTĐ xã cho biết bố con ông cùng hiến máu, con là sinh viên hiến ở Đà Nẵng, còn bố hiến ở Đắk Lắk. Đoàn hiến máu có 2 thanh niên Sán Chỉ, là dân tộc rất ít người sinh sống trên Tây Nguyên. Về Đắk Lắk, vào xã vùng sâu sống gần 40 năm ông ít được đọc báo, nên được tặng tờ Tiền Phong Chủ nhật in rất đẹp, cựu cán bộ xã đội này cất ngay để về cho vợ xem.

Nhóm cán bộ chiến sĩ công an huyện Ea Kar hiến máu đầu tiên

Tranh thủ hiến máu từ sáng sớm là nhóm cán bộ chiến sĩ Công an huyện. Đại úy Nguyễn Thanh Phương 34 tuổi, Bí thư Đoàn cơ sở Công an huyện cho biết đây là lần thứ 16 anh hiến máu. Nhà có 2 anh em. Em gái anh-đại úy Nguyễn Thị Phương Thanh, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ văn phòng Cơ quan điều tra Công an tỉnh cũng đã hiến máu nhiều lần. Với CNĐ 2019, Công an huyện có 40 đồng chí, cả chỉ huy cấp Đội và Chủ tịch Công đoàn đều tham gia. Thiếu úy Lê Văn Hoàng cũng hiến từ khi còn là sinh viên trường Cao đẳng Cảnh sát, nay đi hiến máu lần thứ 13.

Điểm hiến máu CNĐ Ea Kar

Anh Nguyễn Văn Vinh trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Ea Kar cùng vợ là chị Nguyễn Thị Thu Hằng chuyên viên phòng Nội vụ đưa con nhỏ xem cha mẹ cùng hiến máu. Anh kể lần đầu anh hiến máu với CNĐ cách đây 3 năm, khi đang là Bí thư chi bộ kiêm Trưởng đài Truyền thanh-Truyền hình huyện. Cảm nhận sâu sắc ý nghĩa CNĐ, anh về bàn và được cả tập thể nhất trí đưa “chế độ CNĐ” vào quy chế. Theo đó, cứ mỗi lần đi hiến máu, người hiến sẽ được “thưởng” 300.000đ trích từ quỹ tăng thu nhập từ nhuận bút của Đài.
Ai cũng có thể góp phần cho đất nước đẹp hơn.

Đồng bào các dân tộc huyện Ea Kar ngồi chờ hiến máu

Khoảng sân rộng trước Trung tâm Văn hóa huyện Ea Kar chật kín người ngồi chờ làm thủ tục xét nghiệm. Vợ chồng anh Võ Sĩ Trọng-Chị Phạm Thị Biên từ thôn 9, xã Ea Pal chở theo con gái, ngồi chờ đến lượt gọi tên. Anh Trọng đã 13 lần hiến máu, trong đó 6 lần hiến tại CNĐ. Vợ anh cũng đã 5 lần hiến. “Xã tôi cách trung tâm huyện từ 25-27km, có 150 người đi hiến máu. Đóng góp cho cộng đồng cách này thì ai cũng làm được.”-Anh Trọng nói.

Tình nguyện viên đem trống đi cổ vũ hiến máu

Trong màu áo lam, sư cô Thích Quảng Sáng cho biết bà hay tin về CNĐ khi cùng một đoàn từ thiện trao quà cho dân nghèo, liền đăng ký. Đây là lần hiến máu thứ 11 của sư cô. Còn vợ chồng ông Trương Đức Kiến (64 tuổi) Chủ tịch Hội CTĐ xã Cư Ni thì hiến máu nhiều lần tới nỗi không nhớ ra con số. Do tuổi đã cao, vợ chồng ông bà rất “vất vả phấn đấu” rèn luyện sức khỏe mới đủ điều kiện được lấy máu. Xã Cư Ni đợt này có 350 người tham gia CNĐ. “Hai con tôi đang công tác ở TP Hồ Chí Minh, năm nào cũng hiến máu 2-3 lần, rồi gửi giấy chứng nhận về để tôi có cơ sở đi vận động, làm cho đất nước đẹp hơn. Vì thế, xã tôi rất đông người đăng ký hiến máu” – Ông Kiến tự hào kể.

Vợ chồng anh nguyễn văn vinh trưởng phòng VH&TT huyện Ea Kar cùng hiến máu

Nhiều nhóm đồng bào dân tộc thiểu số đến hiến máu với cả gia đình, dòng họ, như nhóm 10 người dòng họ Mlô ở buôn Moa, xã Cư Huê do chị H’Sinh Mlô (34 tuổi) dẫn đầu; Nhóm họ Niê ở buôn Ga, xã Ea Kmut do chị H’Dji Niê đại diện v.v… Ai cũng mặc trang phục truyền thống rất đẹp. Nhiều nhóm đồng bào còn xin chụp ảnh với Ban tổ chức CNĐ để về phóng to treo ở phòng truyền thống.

Nắng quá rồi nhưng nhiều người vẫn muốn chụp thêm ảnh lưu niệm

Có những lãnh đạo xã “quán triệt” tình nguyện viên nhịn ăn để máu hiến thật sạch, nên xã Ea Ô cách huyện khoảng 20km có 300 người cùng nhịn đói đến xét nghiệm. Ông Phạm Văn Chương thôn trưởng thôn 3A 55 tuổi đã hiến máu 25 lần cho biết Ea Ô trích kinh phí hỗ trợ tiền xăng 50 nghìn đồng cho mỗi tình nguyện viên. Bà Trần Thị Sen 65 tuổi Chủ tịch Hội CTĐ xã Ea Kmút cũng bụng rỗng dẫn đầu 350 người chạy xe máy tới điểm hiến máu.

Vui không sợ nắng

Ngành Giáo dục huyện cũng huy động được nhiều giáo chức tham gia. Thầy Trần Hữu Minh hiệu trưởng trường tiểu học La Văn Cầu xã Ea Sar hiến máu lần thứ 13, cho biết cả 35 cán bộ nhân viên trường đều muốn hiến máu tại CNĐ, nhưng một số người đành ở nhà vì phải chia đều lượng máu hiến trong năm. Thầy Phan Huy Tuân phó hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm vui vẻ nói: Hy vọng ai nhận được dòng máu của mình cũng khỏe mạnh và chơi cờ tướng cừ khôi, vì mình đã nhiều năm đoạt giải vô địch cờ tướng của tỉnh Đắk Lắk.

Ông Nguyễn văn Hà phó bí thư chủ tịch UBND huyện nhận cúp Chủ Nhật Đỏ từ nhà báo Hoàng Thiên Nga

Đến 16h40’ ngày 13/1 chương trình CNĐ Ea Kar 2019 kết thúc với 1.286 đvm thu được. Ông Nguyễn Văn Hà- Phó Bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện nhận cúp pha lê CNĐ từ nhà báo Hoàng Thiên Nga- Trưởng BTC CNĐ Đắk Lắk 2019. Ông khẳng định: Chủ nhật Đỏ là chương trình thiện nguyện có cách tổ chức rất tuyệt vời, vô cùng hiệu quả trong việc khơi dậy tinh thần thiện nguyện hết mình cho cộng đồng trong dân chúng. Sang năm huyện Ea Kar sẽ đầu tư để CNĐ trở thành ngày hội Đoàn kết các dân tộc, tăng cả ý nghĩa lẫn giá trị cống hiến.

Nhóm phóng viên Tây Nguyên

 

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s