Nhà báo Hoàng Thiên Nga “lạt mềm buộc chặt”

02/03/2018 06:15

(HanoiTV) – Nhà báo Thiên Nga luôn bình tĩnh điều tra các vụ việc khó, kiên trì đưa lên mặt báo, bất chấp mọi đe dọa. Bởi chị bảo vệ lẽ phải theo cách “lạt mềm buộc chặt”.
Nhà báo Hoàng Thiên Nga xem xét đơn thư của bạn đọc sau Tết Mậu Tuất

Ngay sau tuần lễ nghỉ Tết Mậu Tuất, vừa trở lại công việc, nhà báo Hoàng Thiên Nga Trưởng ban đại diện báo Tiền phong khu vực Tây Nguyên đã bận rộn lọc thư bạn đọc nhiều “như bươm bướm”. Số lượng thư ngày càng nhiều theo năm tháng cho thấy mức độ tin yêu của người dân cao nguyên đối với nhà báo trọn đời đứng về phía lẽ phải.

Báo Tiền phong nhận định nhà báo Hoàng Thiên Nga là người nổi tiếng bền bỉ và kiên định trong đấu tranh chống tiêu cực.Chị đã giành được nhiều giải thưởng báo chí, trong đó có bốn giải báo chí Quốc gia.

Loạt bài “Tiêu cực trong đấu thầu dược phẩm”; “Lãng phí mua sắm trang thiết bị y tế tại ngành Y tế Đắk Lắk” của chị là “Tác phẩm báo chí chất lượng cao loại A năm 2015”, theo bình chọn của Hội Nhà báo tỉnh Đắk Lắk.

Hội Nhà báo Việt Nam đã tuyên dương, trao bằng khen về những thành tích xuất sắc cho nhà báo Hoàng Thiên Nga trong nhiều năm liền.

Trong hơn 22 năm theo nghiệp con chữ, những bài báo của người phụ nữ sắc sảo đã giúp bao người yếu thế hưởng ánh sáng công lý và cũng khiến nhiều kẻ làm sai đau đớn mất chức, mất của.

Lý giải sức mạnh nội lực vượt qua mọi sóng gió, đối mặt với các thủ đoạn bôi nhọ, vu khống của những kẻ nuôi ý đồ “xui nguyên giục bị” nhằm khiến nhà báo Hoàng Thiên Nga rời khỏi đội ngũ những người làm báo, chị chỉ nhẹ nhàng chia sẻ: “Tài sản tôi không màng. Sống chết tôi không sợ. Tôi chỉ cần công bằng cho dân chúng, đạo đức cho xã hội và bộ máy nắm quyền. Chẳng lẽ tôi đầu hàng chỉ vì một mảnh thẻ?”

Phóng viên (PV) HanoiTV Online có buổi trò chuyện với nhà báo Hoàng Thiên Nga (HTN) xung quanh chủ đề nữ nhà báo làm điều tra.

PV: Là một nhà báo điều tra nhiều năm kinh nghiệm và được công chúng công nhận, chị nghĩ sao về ảnh hưởng của nữ tính đối với công việc của mình, nhất là khi thực hiện những đề tài phòng chống oan sai? Ví dụ như vụ minh oan cho nam sinh lớp 12 bị tù oan Đỗ Quang Thiện?

HTN: Phụ nữ vốn linh hoạt, uyển chuyển, nhạy cảm, nên có lẽ dễ phát hiện những tiểu tiết bất thường khi xem xét, phân tích hồ sơ.

Năm 2013, khi đang học lớp 10, trên đường tan học về nhà, Thiện thấy một ông 67 tuổi nồng mùi bia rượu đã tự ngã xe máy vào xe của Thiện. Thấy ông nằm im trên đường, Thiện để xe máy của mình lại hiện trường, gọi taxi đưa ông vào viện. Sự nhầm lẫn hoặc cố tình nào đó trong hồ sơ điều tra đã khiến em bị khởi tố về tội gây ra tai nạn giao thông.

Trong suốt hơn hai năm, gia đình Thiện đã gửi hàng trăm bộ hồ sơ kêu oan khắp các cửa, mà Thiện vẫn bị Tòa án tỉnh Đắk Lắk xử phạt 9 tháng tù giam, buộc cha mẹ Thiện phải bồi thường hơn 56 triệu đồng cho “nạn nhân”.

Bố con Đỗ Quang Thiện gặp nhà báo Hoàng Thiên Nga gửi đơn xin minh oan tại Thành phố Hồ Chí Minh

Khi nhận hồ sơ kêu oan từ bố của Thiện, qua một đêm đọc kỹ, tôi phát hiện những tình tiết vô lý và quyết định chọn mũi đột phá từ phía hồ sơ bệnh án. Nhận được sự hợp tác từ lãnh đạo bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk trong việc “đào bới” hồ sơ lưu trữ từ 3 năm trước, tôi đã tìm thấy công văn (CV) 696.

Trong CV 696, hội đồng chuyên môn của Bệnh viện tỉnh đã trả lời chính thức với Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) thành phố Buôn Ma Thuột (TP BMT), là nguyên nhân đột quỵ của ông Thọ hoàn toàn do bệnh lý, không liên quan gì đến tai nạn giao thông.

Suốt ba năm, CV 696 bị lãng quên trong tập hồ sơ bệnh án. Vị luật sư mà cha mẹ Thiện cất công thuê từ thành phố Hồ Chí Minh lên bảo vệ Thiện qua hai phiên xét xử cũng không biết, khiến Thiện bị kết án 9 tháng tù giam. CV 696 có giá trị như một chứng cứ quan trọng, đủ để khẳng định Thiện vô tội!

Ngay trong ngày báo Tiền Phong đăng bài “Toà bỏ quên một chứng cứ quan trọng”, Phó Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao (TANDTC) Nguyễn Sơn đã ký ngay hai quyết định (QĐ): QĐ tạm đình chỉ thi hành án, và QĐ kháng nghị bản án hình sự phúc thẩm, cho phép Thiện được ra tù kịp về dự thi tốt nghiệp cuối cấp, và thi đại học.

Vì Chánh án TAND TP BMT (người từng ký lệnh bắt Thiện phải vào tù để thi hành bản án oan sai, bây giờ cũng là người có thẩm quyền đề nghị trại giam cho Thiện tại ngoại) khẳng định chừng nào nhận tận tay hai quyết định mà ông Nguyễn Sơn đã ký, thì mới ký lệnh thả Thiện, nên để Thiện kịp về khi thời hạn hoàn tất hồ sơ dự thi tốt nghiệp sắp hết, tôi đã phải điện thoại cho giám đốc Bưu điện tỉnh, giải thích tính chất cấp thiết và nhân văn của sự việc, thuyết phục ông cho nhân viên lục tung kho hàng tìm cho ra hai công văn của TANDTC đã bị xếp cất cuối tuần, chờ đầu tuần mới phát. Gần 9h đêm thứ bảy, nhân viên bưu điện phát tận tay ông Chánh án hai văn bản này.

Sáng chủ nhật, tôi điện thoại đến Chánh án, báo tin tôi biết đích xác ông là người ký phiếu nhận hai công văn đêm qua, giờ ông phải giữ lời thả Thiện ra ngay để em kịp về chuẩn bị thi sáng thứ hai đầu tuần. Ông Chánh án thực hiện lời hứa, dù ông cũng phải than phiền là suốt mấy mươi năm trong nghề, ông chưa từng thấy ai thả tù trong ngày chủ nhật…

PV: Thật ly kỳ. Có lẽ nếu không phải là nhà báo nữ “ lạt mềm buộc chặt” như chị, cánh nam giới cùng nghề trong trường hợp tương tự khó có thể tác nghiệp hiệu quả đến thế! Như vậy, phải chăng nữ tính có thể giúp công tác điều tra của nhà báo thuận lợi hơn?

HTN: Nữ tính trong công việc, ở phía tích cực, là cách thể hiện mềm mại nhẹ nhàng, kiên nhẫn, khiến người tiếp xúc khó từ chối hơn đối với nam giới, dù quan điểm của nhà báo nữ cũng hoàn toàn có thể cương quyết, mạnh mẽ, và kiên định tới cùng.

Phụ nữ cũng dễ từ chối các lời mời bù khú, ăn nhậu, bia rượu, vốn được một số nhà báo nam coi là “cơ hội moi tin”. Nhưng moi tin kiểu “vào hang bắt cọp” đó thường lợi bất cập hại. Dễ thất thố, dễ bị gài bẫy, dễ thỏa hiệp, dễ bị sập bẫy tiền nong “em út”. Vậy nên, tôi tin với các nữ nhà báo trong sạch, mọi ý đồ đe dọa hoặc dụ dỗ mua chuộc khó thành công hơn so các đồng nghiệp khác giới.

PV: Nữ nhà báo có nhiều thế mạnh làm điều tra nhưng số người theo đuổi lĩnh vực khó nhằn này rất khiêm tốn. Theo chị, những rào cản nào ngăn cản, hay làm giảm sự hào hứng của các nữ nhà báo với thể loại phóng sự điều tra?

HTN: Nữ giới làm báo điều tra vẫn gặp nhiều khó khăn, bất lợi so với nam giới. Nhiều cán bộ hoặc đối tượng điều tra mà nhà báo cần tiếp xúc vẫn mang tư tưởng trọng nam khinh nữ, thiếu tôn trọng phụ nữ, không đáp ứng đề nghị cung cấp thông tin hoặc bất hợp tác khi có yêu cầu.

Với những đề tài cần lặn lội rừng núi, vùng sâu, đường sá lầy lội, qua suối băng đèo, thể chất nam giới phù hợp hơn nữ giới, là điều dĩ nhiên.

Khi tôi muốn đi trải nghiệm khắp lưu vực sông Sê Rê Pôk để viết ký sự “Nghịch lý trên dòng sông chảy ngược”, có một đoạn 40 km đường sông từ Vườn Quốc Gia Yok Đôn xuôi về phía biên giới Campuchia, tôi đã phải nhờ Hạt Kiểm lâm bố trí cho xuôi dòng trên thuyền độc mộc, như cách đồng bào M’Nông vẫn thường di chuyển.

Nhà báo Hoàng Thiên Nga đi thực tế cùng lực lượng bảo vệ rừng thủy tùng

Ngày hẹn trước một tuần trời đang nắng, tới ngày đi thì mưa giông vần vũ, lòng sông duềnh lên cả mét, sóng xô ầm ào. Hạt kiểm lâm bố trí thêm một thuyền nữa đi kèm. Mặc sẵn áo phao, choàng thêm áo mưa cho đỡ ướt, ra giữa dòng hai chiếc thuyền chỉ còn như hai mảnh lá tre giữa dòng chảy cuồn cuộn.

Nhà báo Nguyễn Phương Liên (nay là Vụ phó Vụ Văn hóa Nghệ thuật – báo Nhân dân) từ Hà Nội vào đăng ký tham gia chuyến công tác này, để trải nghiệm núi rừng sông suối Tây Nguyên. Khi thuyền ghé vào đồn biên phòng giáp biên giới, lên bờ, chị vẫn chưa hết sợ, run rẩy nói : Cả đời, có cho kẹo mình cũng chả dám đi kiểu này thêm lần nào nữa!

Vào tháng 1/2018, sau khi nhà báo Hoàng Thiên Nga đăng bài về vụ trộm gỗ quý ở Vườn quốc gia Yok Đôn, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Nguyễn Quốc Trị khẳng định tính chất của vụ phá rừng này là đặc biệt nghiêm trọng. Đồng thời, yêu cầu các bên liên quan phối hợp điều tra.

Một chuyến khác, mình rủ một số PV nam trẻ mấy báo khác cùng đi tìm hiểu về một dự án định canh định cư rất kỳ dị. Nhà nước phải chi cả trăm tỉ đồng để đầu tư cho một buôn đồng bào Ê Đê chỉ hơn 30 hộ định cư giữa vùng lõi một khu bảo tồn. Rốt cục, đồng bào vẫn rất đói khổ, rừng vẫn bị phá, mà hằng ngày lực lượng kiểm lân đều phải chạy xe máy mấy chục cây số để tuần tra giữ rừng, rất cực nhọc.

Bọn mình muốn kiểm lâm cho trải nghiệm cảm giác khổ sở trên chặng đường tuần tra, và cái cách mà các học trò nhỏ vùng sâu có thể vượt rừng đi học. Kết quả, là sau những chặng đi bộ dài, tới lúc lên xe máy, đã có những chiếc xe máy chở nhà báo ngã lăn kềnh trên lưng dốc lởm chởm đá tảng, đổ máu, rách áo quần. Phóng sự đã đăng cách đây 8 năm. Mà tới bây giờ, bài toán giải ngân cho dự án định cư Lách Ló vẫn chưa xong.

Hoặc để thực hiện phóng sự “Độn thổ vào hang động núi lửa lớn nhất Đông Nam Á”, tôi và hai nữ PV tập sự trẻ đã phải lội bộ trầy trật trên nền đá mắc ma suốt chặng đường hơn 5km dưới cái nắng đổ lửa, tới nơi phải trèo xuống miệng hang sâu hun hút, lội hang trơn nhẫy nhiều chặng, rồi lại cuốc bộ suốt quãng đường về …

Những thử thách đó thường quá sức đối với nữ giới. Mà chúng tôi đâu có hầm hố, gân guốc chi lắm, đúng không?

Một nữ cử nhân báo chí khác đến xin cộng tác. Sau khi nghe hướng dẫn và gợi ý một số đề tài phóng sự điều tra, cô ấy về suy nghĩ mấy ngày rồi trở lại đăng ký đề tài “Xuyên rừng cùng lâm tặc”. Cô ấy trấn an để thuyết phục tôi cho phép cô nhập vai theo cách quá nguy hiểm, vì người yêu của cô đang là phụ lái cho cánh lâm tặc đó. Rốt cục, cô đã đi bốn ngày xuyên rừng, rồi đổ về một đống tư liệu theo lối gặp gì kể đó. Muốn mớ tư liệu sống động này trở thành phóng sự, tôi phải viết lại toàn bộ, ký tên cô để động viên một dũng khí, một tinh thần lăn xả vì nghề hiếm thấy.

Tất nhiên, để trở thành một phóng viên chính thức, nhà báo điều tra còn đòi hỏi phải giỏi kỹ năng viết lách, biểu đạt, chứ không chỉ cần cù chịu khó hay lăn xả thôi mà thành, dù chỉ cần thế đã đáng quý. Vì vậy, bây giờ người yêu cô đã thành chồng cô, bố của hai nhóc, cô vẫn còn trầy trật phấn đấu để vươn tới mảnh hợp đồng phóng viên.

Rất ít nhà báo nữ có thể đi thực địa kiểu đó.

Nhà báo Hoàng Thiên Nga trao học bổng Đọt Chuối Non cho học sinh hiếu học, hiếu thảo tỉnh Đắk Lắk

PV: Khó khăn dường như không chỉ xuất hiện trước khi viết bài mà còn kéo dài sau khi bài xuất bản. Tôi theo dõi các bài viết của chị và biết chị thường xuyên bị đe dọa, vu khống và thậm chí bị đốt ô tô. Chị đã đối mặt với những thách thức đó như thế nào?

Trong hơn hai thập kỷ làm báo, tôi đã viết nhiều loạt phóng sự điều tra dài kỳ. Ví dụ “Lật lại hồ sơ phạm pháp của một đại gia” gồm 3-4 loạt bài, tổng cộng lên tới 17 kỳ. Khi đó, tòa soạn tin phóng viên bằng sự xác tín, nhận bài kiểu “ăn đong”. Đăng bài hôm nay xong lại ngóng đến chiều mai phóng viên gửi bài kế tiếp ra.

Mỗi sáng, tôi chạy lòng vòng tiếp nhận thông tin, gặp gỡ nhân vật, chụp ảnh hiện trường, thu thập tư liệu. Chiều tôi đọc hồ sơ, phân tích đối chiếu xong bắt đầu gõ lia lịa. Đến tối, nhân viên bảo vệ phải về nhà, tôi nhờ cậu ấy khóa trái cửa văn phòng để viết xong, fax đi thông suốt rồi mới nhờ người nhà ra mở cửa chở về.

17 kỳ phanh phui hàng loạt dấu hiệu phạm pháp, tội ác, gieo oan sai. Các đối tượng bị phê phán đích danh không cãi được, đe dọa thì tôi không sợ, mua chuộc thì tôi không nhận, ngăn chặn tôi không xong, đã “phản pháo” bằng cách thuê hai thiếu niên lang thang đột nhập vào sân nhà tôi, tạt xăng đốt chiếc xe ô tô cũ đậu sát hiên nhà. Vụ đốt xe đó chấn động dư luận cả trong ngoài nước, được nhà chức trách khẳng định “có yếu tố khủng bố tinh thần nhà báo”.

Vụ đốt xe đó được Tổ chức bảo vệ nhà báo quốc tế gửi công điện cho Chủ tịch nước Trần Đức Lương, đề nghị điều tra xử lý nghiêm minh, bảo vệ nhà báo chống tiêu cực tham nhũng. Thời đó, Bộ trưởng Bộ Công an Lê Hồng Anh, Chủ tịch Nước Trần Đức Lương chỉ đạo tỉnh Đắk Lắk phải điều tra rốt ráo, xử lý nghiêm minh. Dù hai thiếu niên bị bắt ngay trong đêm đốt xe, nhưng dưới sự chỉ đạo điều tra của trung tá Lương Ngọc Lếp, Trưởng Công an TP BMT lúc bấy giờ, vụ án đã… chìm xuồng.

Có một trung tá, nhiều năm sau, gặp lại tôi tại Đắk Nông, nói ” Tôi còn nợ chị một vụ” – Vụ gì ? Vụ tụi nó đốt xe chị. Rồi sẽ có lúc tôi nói hết với chị, nhưng bây giờ thì chưa thể!

“Vì sao chưa thể?”, tới nay vẫn chưa ai trả lời tôi. Dù có những cán bộ điều tra đã kết bạn với tôi sau vụ đó.

Còn bây giờ, với các loạt bài điều tra, tòa soạn phải soát xét cẩn trọng hơn rất nhiều. Dứt khoát không có kiểu gửi kỳ nào in kỳ đó nữa, mà phải gửi cả loạt nhiều kỳ đã hoàn chỉnh ra. Tòa soạn kiểm tra khi nào kỹ lưỡng chặt chẽ xong, mới duyệt cho đăng.

Các đối tượng có dấu hiệu phạm pháp, tham nhũng, lợi ích nhóm bây giờ cũng ranh ma, xảo quyệt hơn xưa. Chúng có nhiều cách để hối lộ, mua chuộc khắp các cửa. Chúng còn có thể tấn công nhà báo bằng cách chửi bới, sỉ nhục, vu khống, chụp mũ, bôi nhọ, khủng bố tinh thần qua các facebook ảo, giả danh, bằng mạng xã hội thật giả khó xác minh.

Với loạt bài điều tra về các dấu hiệu tham nhũng trong đấu thầu thuốc và trang thiết bị y tế xảy ra tại Sở Y tế Đắk Lắk, tôi đã lãnh đủ các trò bẩn này. Hai trang Facebook và Fanpage do giám đốc Sở Y tế chỉ đạo lập ra có nhiều nội dung mạt sát, xúc phạm tôi đã bị UBND tỉnh ra lệnh đình chỉ hoạt động. Tuy nhiên, các trang mạng từng vu khống, bôi nhọ, chửi bới sỉ nhục tôi tới nay vẫn ngang nhiên hoạt động, mà cơ quan điều tra vẫn cho rằng rất khó buộc tội những kẻ có hành vi đó.

Gần đây, trên cả nước, có hai cuộc báo chí quyết liệt chiến đấu với hành vi phạm pháp, mà các thế lực bao che chống lại, nên sự việc dằng dai mãi, là vụ phân giả Thuận Phong và vụ dấu hiệu tham nhũng ở Sở Y tế Đắk Lắk. Tôi vào cuộc điều tra hai vụ này, viết rất nhiều bài, tới nay vẫn phải chờ xem Chính phủ thì chủ trương hành động, kiến tạo, liêm chính, nhưng bộ máy thực thi luật pháp thực hiện tới đâu.

Chương trình hiến máu Chủ Nhật Đỏ trên Tây Nguyên, do nhà báo Hoàng Thiên Nga tổ chức, được các địa phương và đồng bào tích cực hưởng ứng, như ngày hội văn hóa các dân tộc

PV: Chị đã khởi xướng và điều hành rất thành công chương trình học bổng Đọt chuối non của báo Tiền Phong dành cho những học sinh giỏi, hiếu học, hiếu thảo. Chị cũng tổ chức thành công nhiều hoạt động thiện nguyện khác, trong đó sự kiện hiến máu nhân đạo mang tên “Chủ Nhật Đỏ”. Đồng thời, cuộc đấu tranh của chị với cái xấu, cái ác vẫn luôn cam go, quyết liệt và không ngừng nghỉ. Vậy sức mạnh nào đã khiến chị bền bỉ theo đuổi sự nghiệp làm báo này suốt hơn hai mươi năm qua, và có lẽ đến hết nghiệp làm báo?

HTN: Một nhà báo điều tra yêu nghề sẽ không bao giờ chùm bước trước mọi thủ đoạn đe dọa, mua chuộc, khủng bố. Tuy nhiên, nhà báo điều tra yêu nghề có thể nản lòng khi thấy kỷ cương phép nước bị cả bộ máy buông lỏng, bị những cán bộ chức quyền tha hóa, sự lên tiếng của báo chí không được những người cầm quyền lắng nghe và tiếp thu nghiêm túc, để bảo vệ sự trong sạch và bình yên cho xã hội.

Vậy nên, để cân bằng mình, trong nghề nghiệp, tới nay tôi vẫn xoay vần ba mảng chính: (1) Điều tra chống tiêu cực tham nhũng; (2) Tìm vẻ đẹp và việc thiện để tôn vinh; (3) Xây dựng những chương trình thiện nguyện có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Vì nâng đỡ cái tốt, người yếu thế cũng là một cách để đẩy lùi cái xấu ra khỏi cộng đồng.

Tài sản tôi không màng. Sống chết tôi không sợ. Chẳng lẽ tôi đầu hàng chỉ vì một mảnh thẻ hay sao?

PV: Cảm ơn chị và chúc chị vững bước theo đuổi con đường cao quý mà chị đã chọn!

Thúy Bình

(Ảnh của nhân vật)

Một suy nghĩ 4 thoughts on “Nhà báo Hoàng Thiên Nga “lạt mềm buộc chặt””

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s