Chào các bạn,
Nghe là một nghệ thuật. Trên đời này có một nhóm nghệ sĩ bậc thầy về lắng nghe, đó là Chúa, Phật, Thượng đế, Ông Trời, Bồ tát…
(Có một vị Bồ tát có tên là Nghe những tiếng khóc của thế gian, đó là Bồ tát Quán Thế Âm. Quán là nhìn, Thế là thế gian, Âm là âm thanh. Quán Thế Âm là “nhìn âm thanh của thế gian”, tức là “nghe những tiếng khóc của thế gian”.)
Các vị chỉ lắng nghe thôi, chưa cần làm gì, mà cũng đủ làm vơi bớt rất nhiều khổ đau của thế gian.
Các vị lắng nghe – lắng nghe người, lắng nghe mọi điều.
Nghe để hiểu được những điều đang nghe và cả những điều không nói.
Chỉ nghe. Không thành kiến.
Chỉ nghe. Không phán xét, không phản ứng.
Chỉ nghe. Và không gì khác.
Khi Chúa, Phật, Thượng đế, Ông Trời, Bồ tát… là thầy ta, ta học theo thầy, học lắng nghe.
Nghe tiếng khóc của con người: người đau khổ, người phạm tội, người thân, kẻ thù… Nghe tiếng khóc của tất cả mọi người, đặc biệt là những người bị xã hội khinh miệt, chống báng, áp bức.
Nghe tiếng thầm thì của thầy. Khi Chúa Giêsu là bạn ta, ta lắng nghe bạn – Nghe những thủ thỉ thì thầm đầy tình yêu của bạn.
Nghe tiếng khóc của người là yêu người.
Yêu người thì nghe được tiếng lòng của người. Nghe rõ rồi mới biết làm gì để người vui, người bớt khổ. Chưa nghe kĩ mà đã làm, người không những không vui mà có khi bực thêm, và cả người lẫn ta có khi khổ thêm.
Có lẽ vì thấy Chúa Giêsu và Phật Thích ca thường đi giảng đạo nên học trò tưởng thầy giỏi nói mà học nói cho hay. Không biết thầy giỏi lắng nghe, trò học vất vả. Biết thầy giỏi lắng nghe, tập lắng nghe theo thầy, trò dễ tiến bộ.
Luyện tập tạo nên hoàn hảo – Practice makes perfect.
Chúc các bạn học vui.
Thu Hương
Hay đây bạn Hương. Đang muốn bỏ cuộc vì hết kiên nhẫn( một phần do sức khoẻ đi xuống vì thời tiết lạnh).
Cảm ơn vì bài viết đến đúng lúc.
ThíchThích