Kinh nghiệm và hiểu biết

Chào các bạn,

Chúng ta thường quyết định mọi chuyện vì cảm tính. Đương nhiên đây là một điều tốt, vì nếu ta cho một người hành khất một ổ bánh mì chẳng hạn, thì đó là vì cảm tính, vì ta cảm thấy thương người đó.

Hầu hết mọi quyết định của chúng ta trên đời đều là cảm tính: mỉm cười chào người hàng xóm, gọi điện thoại thăm bạn, cho tiền cứu trợ nạn nhân bão lụt, cố học để gia đình vui lòng… Hình như chẳng quyết định nào ở đời mà logic là chính. Cảm tính luôn làm chủ và logic chỉ hỗ trợ để làm cho cảm tính thêm sáng sủa và chính xác một chút mà thôi.

Chính vì vậy mà đời rắc rối. Anh gạt tôi, tôi nghỉ chơi với anh, tắt program, hết yêu, chấm dứt. Robot yêu kiểu đó. Nhưng con người thì đủ thứ, mắng mỏ, giận hờn, texting, điện thoại, xin lỗi, tặng hoa, nhức tim, bỏ thì thương vương thì tội…

Và càng trẻ thì cảm tính ta càng mạnh, càng nhiều.

Nhưng mà lớn tuổi hơn thì nhờ kinh nghiệm mà chúng ta điều khiển cảm tính dễ hơn. Gặp một người, có một chút vấn đề gì đó, và kinh nghiệm đã dạy mình đây là vấn đề không vượt qua được hoặc rất khó để vượt qua, gài số de sớm cho khỏi mệt. Nói với ai điều gì đó và biết là 5 năm nữa thì may ra anh này mới hiểu lời mình nói ngày nay, nên không cần cố cho anh ta hiểu hôm nay.

Chính vì vậy mà luôn có một khoảng cách tư duy giữa bố mẹ và con cái. Bố thấy điều đó là bất lợi cho con, nhưng cản cũng không được, nói thế nào con cũng làm. Bố con lại mắng nhau vô ích. Chi bằng để cho nó làm để nó học được bài học và khôn ra.

Trong phim “Xuân, hạ, thu, đông… và xuân”, sư thầy thấy chú tiểu từ nhỏ lớn lên làm nhiều điều không nên làm, thầy biết nhưng chẳng hề nói gì vì biết nói cũng vô ích. Chú tiểu lớn lên, yêu, bỏ tu, theo người yêu, ghen ghét, giết người, ở tù, ra tù, về lại chùa để tu, và thành sư thầy, lại nhìn một chú tiểu nhỏ làm những điều hồi bé mình làm, và cũng chẳng nói gì… Một vòng quay mới.

Khoảng cách tư duy này không chỉ do tuổi tác, nhưng chính là do kinh nghiệm. Hai người cùng tuổi nhau nhưng một người kinh nghiệm nhiều hơn trong vấn đề gì đó, thì đôi khi cũng không thể nói để người kia hiểu được, mà người kia phải chờ vài năm sau, thêm kinh nghiệm, mới hiểu được vấn đề.

Thường là, con cái nghĩ là hiểu được bố mẹ, trò nghĩ là hiểu được sư phụ, người chưa kinh nghiệm nghĩ là hiểu được người thầy, nhưng nếu mình biết là người kia thực sự chỉ hiểu được có 1/10 lời mình nói, thì cứ để vậy. Có thể người ấy cần 10 hay 20 năm nữa, hoặc không bao giờ, hiểu hết phần còn lại, hãy để đó cho nhân duyên. Ta chẳng thể làm hơn được. Ta chỉ có thể nói, còn hiểu đến đâu là việc của người nghe.

Cho nên, các bạn, khi bạn biết một điều, nói với một người, nhưng người ấy không hiểu, thì thôi. Nói một lần là đủ. Hiểu hay không là do duyên. Người ta không hiểu thì đừng cố bắc loa thét vào tai người ta.

Ngày xưa các thiền sư dạy học trò cũng thường nói một hai chữ, hay một hai câu ngắn, học trò hiểu thì hiểu không hiểu thì cũng là nhân duyên.

Rất đúng. Đừng cãi cọ.

Chúc các bạn an vui.

Mến,

Hoành

© copyright 2017
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

6 thoughts on “Kinh nghiệm và hiểu biết”

  1. Cảm ơn anh Hoành, em rất tâm đắc với bài này ạ

    Chúc anh một ngày an lành ạ

    Like

Leave a comment