Stress từ đâu?

Chào các bạn,

Có lẽ các bạn đã nhận ra là phần nhiều stress ta có là từ người khác mang đến: cách ứng xử bất công của họ, cách nói năng bất lịch sự của họ, cách họ kiêu căng, cách họ xem thường ta khi nói chuyện, cách họ suy nghĩ lạc hậu, cách họ chỉ huy hay đòi hỏi ta… Và chữ “họ” đây có thể là bất kỳ ai trên đời, từ bố mẹ, anh chị em, đến người yêu, bạn bè, nhân viên cùng phòng, sếp…

Nhưng các vị thầy sẽ nói: Stress của bạn là từ trong đầu bạn, chẳng do ai mang đến.

Đương nhiên là các thầy nói đúng. Stress là do trong đầu ta. Có người chửi mắng ta thì ta vẫn có thể bình thường như đang ngắm mây trời, hoặc nổi điên đòi đốt nhà họ. Cũng chỉ một câu chửi đó từ một người đó, nhưng người nghe thì có thể có đủ mọi phản ứng khác nhau, tùy theo tâm tính và mức độ tĩnh lặng của người nghe.

Điều này rất quan trọng trong việc luyện tâm. Rất nhiều người thích chỉ vào nguyên nhân bên ngoài: “Nó làm vậy thì Phật trên bàn thờ cũng nhảy xuống, đừng nói là tôi.” Nhưng thực sự đó là ngớ ngẩn. Tất cả những gì bên ngoài ta đều không có năng lực điều khiển cái đầu của ta, trừ khi ta tình nguyện làm nô lệ cho những thứ bên ngoài. Trong trường hợp đó, ta nổi điên vì một chàng lái xe giành đường và chửi thề ỏm tỏi, nổi nóng với bà bán hàng rong qua đường quá chậm làm ta phải chờ, tức giận vì một khách hàng gọi điện thoại phàn nàn… Cứ thế hết chuyện này đến chuyện kia làm ta nổi khùng cả ngày như con vụ.

Nhưng đó là vì bạn tình nguyện làm nô lệ cho mọi nguyên nhân bên ngoài. Nếu bạn quyết định, chẳng điều gì làm tôi nóng và stress được, tôi luôn bình thản và bình an với mọi điều, thì đương nhiên là bạn sẽ làm chủ đầu bạn, và không còn làm nô lệ cho ai hay cho điều gì nữa.

Đương nhiên là bạn cần luyện tập tâm tính một chút để đạt được mức tĩnh lặng hoàn toàn, hay hầu như hoàn toàn. Nhưng điều đó là hoàn toàn có thể. Trước nay, có thể bạn đã sống kiểu phản xạ, đụng chuyện gì cũng nổi lòng tham, lòng sân, lòng si, một cách tự nhiên như là trời sinh ra thế. Nhưng “nhân chi sơ tánh bổn thiện”, chúng ta sinh ra đều có bản tính thiện hảo. Tham sân si từ từ đến là do ta học thiên hạ xung quanh hơn là bản tính trời sinh.

Cho nên, nếu các bạn hiểu được điều này, thì các bạn có thể tự luyện tập hàng ngày để hàng phục tâm mình. Không khó như thiên hạ tưởng. Nếu bạn đã thấy đường, và quyết tâm hàng phục tâm mình, thì đương nhiên là sẽ được.

Ngày trước, trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Long Nữ 8 tuổi thành Phật chỉ trong vài giây đồng hồ. Thiền tông Ngũ tổ Huệ Năng, không biết đọc không biết viết, nghe hàng xóm đọc Kinh Kim Cang đến câu “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” thì liền đại ngộ. Chúa Giêsu nói muốn vào cửa thiên đàng thì hãy như trẻ em. Tất cả những điều này đều nói lên một điều: Giác ngộ, nối kết với Thiên Chúa, không là việc gì khó khăn như thiên hạ nói. Chỉ là bạn muốn để trái tim của bạn tinh tuyền hay không, hoặc cứ mãi đưa rác từ ngoài vào.

Chúng ta thích đọc, thích nói, và thích hỏi “luật”: Em làm thế này có đúng không? Hoặc thế kia có đúng không? Tức là chúng ta chạy trốn con đường thật, chi để tìm công thức, và để tranh luận với nhau với hằng trăm công thức cho hằng trăm trường hợp.

Các bạn: Khiêm tốn với mọi người có dễ không? Thành thật với mọi người có dễ không? Yêu thương mọi người có dễ không?

Nếu bạn nói “không” thì đi ngủ đi, cho đến khi nào bạn nói “dễ”, hoặc “Nếu em cố gắng thì dễ.” Lúc đó bạn mới có thể đến gần cánh cửa giác ngộ.

Chúc các bạn giác ngộ.

Mến,

Hoành

© copyright 2016
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

Một suy nghĩ 4 thoughts on “Stress từ đâu?”

  1. Tuyệt vời quá ! “Tất cả những gì bên ngoài ta đều không có năng lực điều khiển cái đầu của ta, trừ khi ta tình nguyện làm nô lệ cho những thứ bên ngoài.”. Cám ơn anh Hoành rất nhiều !

    Thích

  2. Anh Hoành đã vạch ra cho chúng em con đường rất rõ ràng: Tâm là chủ, luôn luôn và trong mọi điều kiện; quyết tâm, kiên trì đi trên con đường đó. Em sẽ cố gắng, dù đôi lúc vẫn còn xao động.

    Thích

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s