Tĩnh lặng – Gốc tư duy tích cực

Chào các bạn,

Mọi con đường tu tập đều nhằm đưa đến Tĩnh lặng – gốc của Tư duy tích cực. Tĩnh lặng thì tích cực vô biên và không còn tiêu cực.

Thấy được Phật tính của mình, thành Phật, đến Niết Bàn, là Tâm tĩnh lặng. Niết Bàn là lửa đã tắt.

Sống trong Chúa là bình an, không còn lo sợ, bực bội, hờn giận… Đó là tĩnh lặng.

Bát Nhã Tâm Kinh nói: “Trong Không chẳng có gì cả” (“Cho nên trong Không chẳng có sắc, chẳng có thọ tưởng hành thức; chẳng có mắt tai mũi lưỡi thân ý; chẳng có màu sắc, âm thanh, mùi thơm, vị nếm, xúc cảm và các pháp; chẳng có nơi để nhìn, cho đến chẳng có nơi để ý thức; chẳng có vô minh, cũng chẳng có chấm dứt vô minh; cho đến chẳng có già chết, cũng chẳng có chấm dứt già chết; chẳng có khổ, nguyên nhân khổ, sự diệt khổ, và con đường diệt khổ; chẳng có trí tuệ, cũng chẳng có đạt [trí tuệ giải thoát].”

Hán việt: Thị cố không trung vô sắc, vô thọ tưởng hành thức; vô nhãn nhĩ tỉ thiệt thân ý; vô sắc thanh hương vị xúc pháp; vô nhãn giới, nãi chí vô ý thức giới; vô vô-minh, diệc vô vô-minh tận; nãi chí vô lão tử, diệc vô lão tử tận; vô khổ tập diệt đạo; vô trí diệc vô đắc.)

Nhưng Bát Nhã Tâm Kinh lại kết: “Qua rồi, qua rồi, qua bờ rồi, qua bờ hết rồi, giác ngộ rồi, vậy đó!” Nếu trong Không chẳng có gì hết, thì làm gì có bờ này, bờ kia, làm gì có sông có bè, để mà “qua bờ”.

Vậy là sao?

Vậy nghĩa là, khi ta đã đạt tĩnh lặng rồi, đạt Niết Bàn rồi, tức là đi được từ bờ si mê vượt sông đến được bờ giác ngộ rồi, ta nhận ra ta cũng chỉ là ta – cũng đói bụng, cũng bệnh, cũng buồn ngủ, cũng phải ngủ, cũng thấy cuộc đời tham sân si, cũng sống cùng nhân thế – chỉ một điều là ta tĩnh lặng – sống như mọi ngày, làm việc như mọi ngày – với tâm tĩnh lặng, không xung động nhảy choi choi theo hỉ nộ ái ố ai lạc dục. Và đây là Tâm nguyên thủy tinh tuyền mà ta đã bị tham sân si che nên không thấy, bây giờ thấy lại.

Cho nên mới nói: Qua bờ rồi mới biết là chẳng có bờ để qua. Ta vẫn là ta, ta đã chẳng đi đâu cả, đã chẳng vượt qua dòng sông nào cả, mọi thứ chỉ là một hành trình ảo tưởng, để vượt qua mọi ảo tưởng của tâm trí.

Người tĩnh lặng thì cũng ăn, ngủ, cuốc đất, trồng khoai, nấu ăn… như người không tĩnh lặng.

Tĩnh lặng chẳng thay đổi gì đời ta cả. Chỉ thay đổi tâm ta, từ cái nhìn vọng động về cuộc đời, đến cái nhìn tĩnh lặng về cuộc đời.

Nhưng cái nhìn tĩnh lặng về cuộc đời làm ta cảm thương thế nhân đang ngụp lặn trong bể khổ tham sân si, và do đó ta hồi hướng mọi công đức cũng như mọi tư duy và việc làm của ta vào việc giúp thế nhân thoát khổ. Đó là tích cực vô biên.

Thế mới hiểu tại sao Tĩnh lặng là gốc rễ của Tư duy tích cực.

Những điều khác chỉ là tiểu tiết không cần quan tâm, như: Ta làm gì để thế nhân thoát khổ? Ta sống cách nào để cứu độ thế nhân?

Nhân duyên, Trời, đưa ta đến đâu ta làm việc đến đó. Bồ tát chỉ cần biết từ tâm với thế nhân, làm gì thì mỗi ngày sẽ đến với nhu cầu của nó.

Các bạn, đó là tại sao trong khoa học Tư duy tích cực của chúng ta, chúng ta luôn lấy Tĩnh lặng làm gốc.

Chúc các bạn luôn Tĩnh lặng.

Mến,

Hoành

© copyright 2016
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

Một suy nghĩ 10 thoughts on “Tĩnh lặng – Gốc tư duy tích cực”

  1. Em cám ơn bài viết của anh.
    Em hiểu những điều anh nói và rất muốn đạt được tĩnh lặng nhưng em vẫn chưa làm được. Tâm của em vẫn còn bị ảnh hưởng của môi trường bên ngoài. Em biết mình cần tu tập thêm nữa.

    Thích

  2. Tĩnh lặng là gốc, là nền của tâm.
    Ta nói gì, làm gì cũng được, nhưng phải luôn luôn đứng trên cái nền tâm tĩnh lặng.

    Thường xuyên quan sát tâm mình xem có tĩnh lặng không, có lẽ đó là việc làm quan trọng nhất?

    Thích

  3. Hi Nhi,

    Tĩnh lặng 100% mọi lúc mọi nơi thật sự là khó đạt. Cho nên nếu có lúc mất tĩnh lặng trên đườg tu tập cũng là chuyện thường. Cố gắng thường xuyên và trò chuyện hằng ngày với Thượng đế thì em sẽ tiến nhanh hơn.

    A. Hoành

    Thích

  4. Em cảm ơn anh về bài viết này ạ, thật rất là hay và hữu ích. Và nhân tiện, em cũng có một thắc mắc đã lâu về một câu kinh trong giáo lý nhà Phật, mong anh chỉ giúp em ạ. Trong kinh Kim cang có một câu: Ưng vô sở trụ, nhi sanh kỳ tâm. Em đọc kinh này tới đây là bị bế tắc ạ, em cảm ơn anh nhiều và chúc anh nhiều sức khỏe anh nha.

    Thích

  5. Chào bạn Trung Tín,

    Có rất nhiều bài viết có sẵn trên DCN liên quan đến câu mà bạn thắc mắc, bạn có thể đọc mấy bài này nhé:

    https://dotchuoinon.com/2015/03/02/khong-tru-vao-dau/
    https://dotchuoinon.com/2015/01/16/khong-chap-nga-khong-chap-nhan/
    https://dotchuoinon.com/2013/08/06/vo-chap/
    https://dotchuoinon.com/2016/04/20/tinh-lang-nhanh-hay-cham/
    https://dotchuoinon.com/2016/01/22/tam-linh-la-gian-di/

    Thân mến.

    Thích

  6. Dạ vâng, em cảm ơn anh và chị đã nhiệt tình chỉ bảo. Do em mới chặp chững trên con đường TDTC ạ, nên những câu hỏi của em còn sơ cơ, mong mọi ngừơi thông cảm nha. Em cảm ơn anh Hoành và gia đình ĐCN ạ.

    Thích

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s