Chào các bạn,
Trong bài trước chúng ta nói đến giữ tĩnh lặng vĩnh viễn hay ít ra là thường xuyên. Đương nhiên là đối với nhiều người trong chúng ta đó là một tiến trình đào luyện tâm linh nhiều năm để có thể đến được mức đó.
Nhưng các bạn đừng quên rằng, những người có căn cơ trong chúng ta có thể đạt đến mức đó trong một tích tắc. Chính vì thế mà Phật gia có câu: Từ phàm phu đến Phật chỉ trong một sátna.
Trong truyền thống Tin lành, khái niệm “born again” (tái sinh trong Chúa) được nhấn mạnh rất thường xuyên, từ câu Chúa Giêsu nói: “Không ai có thể vào Nước Thiên Chúa trừ khi họ được sinh ra bởi nước và Thánh Linh… Ông đừng ngạc nhiên khi tôi nói, ‘Ông phải được tái sinh’”. (No one can enter the kingdom of God unless they are born of water and the Spirit… You should not be surprised at my saying, ‘You must be born again.’ John 3:5-7). Đây là một khái niệm chung cho mọi nhánh Kitô giáo, nhưng được chú trọng đặc biệt trong truyền thống Tin Lành.
Tái sinh là con người cũ chết đi và con người mới ra đời. Nhiều người có kinh nghiệm tái sinh này, như là khi gia nhập Tin Lành lúc đã trưởng thành và làm phép rửa; hoặc nhiều người thuộc gia đình Tin Lành từ nhỏ nhưng rất nông cạn, và một ngày nào đó bỗng nhận ra được Chúa Giêsu là cứu cánh của đời mình… Nói chung là có một chuyển biến lớn trong lòng đến mức người ấy đổi thành một người mới hoàn toàn trong cách sống và ứng xử.
Các kinh nghiệm born again cho chúng ta một vài nét phác thảo về kinh nghiệm đạt được tĩnh lặng hoàn toàn, dù rằng không phải ai born again cũng có được, nhiều người tĩnh lặng tinh tuyền chỉ được một thời gian ngắn rồi đâu lại vào đấy.
Nhiều vị thánh có kinh nghiệm như là gặp Chúa hay Đức Mẹ, kinh nghiệm nói chuyện với Chúa hay Đức Mẹ, và từ phút đó họ trở nên một người tĩnh lặng hoàn toàn.
Trong truyền thống Phật gia, chúng ta có khái niệm hốt nhiên đại ngộ, chỉ trong một tích tắc hiểu được tất cả mọi điều sâu xa mà trước đây nghĩ hoài không ra. Những điều sâu xa đạt đạo là – cái tôi là vô ngã (không tôi) như trong Bát Nhã Tâm Kinh, hoặc hoàn toàn không chấp (không trụ) vào đâu cả, như ngũ tổ Huệ Năng khi nghe đến câu “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” của Kinh Kim Cang thì liền đại ngộ.
Thực ra mà nói, điều quan trọng là ta quan tâm tìm “mặt trăng” của mình, chứ không phải là đại ngộ nhanh hay chậm. Còn ham nhanh hay chậm là còn tham, chẳng thể nào ngộ được.
Nhưng chúng ta nói ra đây 2 cách ngộ: Tiệm ngộ là ngộ từ từ, mỗi ngày một chút. Đốn ngộ là bỗng nhiên ngộ tất cả, thấy mọi sự tức thì. Nói vậy để nếu các bạn có cơ duyên đốn ngộ (hay tái sinh trong Jesus), chỉ trong một tích tắc mà nắm được nhiều chân lý sống thì đừng ngạc nhiên. Và các bạn khác cũng không nên đóng cánh cửa đốn ngộ của mình, dù là mình không cần phải ham muốn.
Chúc các bạn tĩnh lặng hoàn toàn.
Mến,
Hoành
Bài cùng chuỗi:
Tĩnh Lặng là tiên quyết
Tĩnh lặng luôn luôn
Tĩnh lặng nhanh hay chậm?
© copyright 2016
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com
Trong lòng mỗi người chúng ta đều có một “mặt trăng”, luôn luôn nhận được ánh sáng từ “mặt trời”.
Nhưng chỉ khi lòng ta trong sạch tĩnh lặng ta mới thấy được “mặt trăng” ấy.
“Tâm thanh, thủy nguyệt hiện”.
Cảm ơn anh Hoành đã nhắc đến “mặt trăng”.😃.
ThíchThích
Bình tâm ,tĩnh lặng học ….học thật sự mà tiến bộ chậm lắm anh Hoành ơi!
Em đang rất vui vì sát ngày có khoá thiền( khoá tu thiền như vậy vốn không sẵn ở Bắc Việt nam ạ) em vẫn đăng ký tham dự được,bắt đầu từ mai trên chùa Phật tích Bắc ninh ạ, chia vui với anh và các bạn ạ.
ThíchThích
Hi Quỳnh,
Đúng là học (lâu lâu một khóa hay chỉ đọc bài) thì rất lâu. Cách duy nhất để nhanh là thực hành các bài mình học trong mỗi phút trong ngày, mỗi ngày.
Chúc em luôn tinh tấn và có khóa học vui.
A. Hoành
ThíchThích