Tân Nhạc VN – Thơ Phổ Nhạc – “Ave Maria” – Hàn Mặc Tử & Hải Linh

Đọc các bài cùng chuỗi, xin click vào đây.

Chào các bạn,

Hôm nay mình giới thiệu đến các bạn trường ca “Ave Maria” (“Song Lộc Triều Nguyên”, “Dâng Lời Cảm Tạ”, “Tấu Lạy Bà”) của Thi sĩ Hàn Mặc TửNhạc sĩ Hải Linh.

Thi sĩ Hàn Mặc Tử hay Hàn Mạc Tử tên thật là Nguyễn Trọng Trí – sinh ngày 22 tháng 9, 1912 – mất ngày 11 tháng 11, 1940 – là một thi sĩ nổi tiếng, khởi đầu cho dòng thơ lãng mạn hiện đại Việt Nam, ông là người khởi xướng ra “Trường Thơ Loạn”.

Hàn Mặc Tử cùng với Quách Tấn, Yến Lan, Chế Lan Viên được người đương thời ở Bình Định gọi là “Bàn Thành Tứ Hữu”, nghĩa là “Bốn Người Bạn Thành Đồ Bàn”.

Ông sinh ở làng Lệ Mỹ, Đồng Hới, Quảng Bình; lớn lên ở Qui Nhơn, tỉnh Bình Định trong một gia đình theo đạo Công giáo, ông được rửa tội tại Nhà thờ Tam Tòa với tên thánh là Phanxicô. Tổ tiên của ông gốc họ Phạm ở Thanh Hóa. Cố tổ ông là cụ Phạm Chương vì liên quan đến quốc sự, gia đình bị truy nã, nên người con trai là Phạm Bồi phải di chuyển vào Thừa Thiên, Huế đổi họ Nguyễn theo mẫu tánh. Sinh ra ông Nguyễn Văn Toản lấy vợ là Nguyễn Thị Duy (con cụ Nguyễn Long, ngự y có danh dưới triều Vua Tự Đức), sinh hạ được 8 người con:

1- Nguyễn Bá Nhân (tức nhà thơ Mộng Châu) cũng là người dìu dắt Hàn Mặc Tử trên con đường thơ văn.
2- Nguyễn Thị Như Lễ.
3- Nguyễn Thị Như Nghĩa.
4- Nguyễn Trọng Trí (tức thi sĩ Hàn Mặc Tử).
5- Nguyễn Bá Tín (người dời mộ Hàn Mặc Tử từ Quy Hòa về Ghềnh Ráng vào ngày ngày 13 tháng 2 năm 1959).
6- Nguyễn Bá Hiếu;
7- Nguyễn Văn Hiền
8- Nguyễn Văn Thảo.

Thi sĩ Hàn Măc Tử.
Thi sĩ Hàn Măc Tử.

hanmactu_Anh chị em của HMT

Thi sĩ Hàn Mặc Tử mang vóc mình ốm yếu, tính tình hiền từ, giản dị, hiếu học và thích giao du bè bạn trong lĩnh vực văn thơ. Do cha ông là Nguyễn Văn Toản làm thông ngôn, ký lục nên thường di chuyển nhiều nơi, nhiều nhiệm sở, nên ông cũng đã theo học ở nhiều trường khác nhau như Sa Kỳ (1920), Qui Nhơn, Bồng Sơn (1921-1923), Pellerin Huế (1926).

Hàn Mạc Tử, Lệ Thanh, Phong Trần là các bút danh khác của ông. Ông có tài năng làm thơ từ rất sớm khi mới 16 tuổi. Ông cũng đã từng gặp gỡ cụ Phan Bội Châu và chịu ảnh hưởng khá lớn của vị chí sĩ này. Ông được cụ Phan Bội Châu giới thiệu bài thơ “Thức Khuya” của mình lên một tờ báo. Sau này, ông nhận một suất học bổng đi Pháp nhưng vì quá thân với cụ Phan Bội Châu nên đành đình lại. Ông quyết định vào Sài Gòn lập nghiệp, năm ông 21 tuổi; lúc đầu ông làm việc ở Sở Đạc Điền.

Về sau đến Sài Gòn, ông làm phóng viên phụ trách trang thơ cho tờ báo Công Luận. Khi ấy, bà Mộng Cầm ở Phan Thiết cũng làm thơ và hay gửi lên báo. Hai người bắt đầu trao đổi thư từ với nhau, và ông quyết định ra Phan Thiết gặp bà Mộng Cầm. Một tình yêu lãng mạn, nên thơ nảy nở giữa hai người.

Theo gia đình Hàn Mặc Tử, thì vào khoảng đầu năm 1935, họ đã phát hiện những dấu hiệu của bệnh phong trên cơ thể ông. Tuy nhiên, ông cũng không quan tâm vì cho rằng nó là một chứng phong ngứa không đáng kể. Cho đến năm 1936, khi ông được xuất bản tập “Gái Quê”, rồi đi Huế, Sài Gòn, Quảng Ngãi, vào Sài Gòn lần thứ hai, được bà Bút Trà cho biết đã lo xong giấy phép cho tờ Phụ Nữ Tân Văn, quyết định mời Hàn Mặc Tử làm chủ bút, bấy giờ ông mới nghĩ đến bệnh tật của mình. Nhưng ý ông là muốn chữa cho dứt hẳn một loại bệnh thuộc loại “phong ngứa”, để yên tâm vào Sài Gòn làm báo chứ không ngờ đến một căn bệnh nan y.

Năm 1938 – 1939, Hàn Mặc Tử đau đớn dữ dội. Tuy nhiên, ở bên ngoài thì không ai nghe ông rên rỉ than khóc. Ông chỉ gào thét ở trong thơ của ông mà thôi. Trước ngày Hàn Mặc Tử vào trại phong Quy Hòa, Nguyễn Bá Tín – em ruột của nhà thơ cho biết tình trạng bệnh tật của anh mình như sau: Da anh đã khô cứng, nhưng hơi nhăn ở bàn tay, vì phải vận dụng sức khỏe để kéo các ngón khi cầm muỗng ăn cơm. Bởi vậy, trông như mang chiếc “găng” tay bằng da thô. Toàn thân khô cứng.

hailinh_HMT

Ông Nguyễn Bá Tín, trong một chuyến thăm Bệnh viện Quy Hòa, có đến thăm bác sĩ Gour Vile. Bác sĩ nói rằng: “Bệnh cùi rất khó phân biệt”. Giới y học (thời đó) chưa biết rõ lắm. Tuy triệu chứng giống nhau, nhưng lại có nhiều thứ. Ông bác sĩ quả quyết bệnh cùi không thể lây dễ dàng được. Nhiều thông tin cho rằng, một hôm Hàn Mặc Tử đi dạo với bà Mộng Cầm ở lầu Ông Hoàng (Phan Thiết), qua một cái nghĩa địa có một ngôi mộ mới an táng thì gặp mưa. Bỗng ông phát hiện ra từng đốm đỏ bay lên từ ngôi mộ. Sau đó ông về nhà nghỉ, để rồi sớm mai ông phát hiện ra mình như vậy. Đó là căn bệnh do trực khuẩn Hansen gây nên.

Trước đây vì thành kiến sai lầm rằng đây là căn bệnh truyền nhiễm nên bao nhiêu bệnh nhân đã bị hất hủi, cách ly, xa lánh, thậm chí bị ngược đãi, thì ông cũng không ngoại lệ. Lúc này, gia đình ông phải đối phó với chính quyền địa phương vì họ đã hay tin ông mắc căn bệnh truyền nhiễm, đòi đưa ông cách ly với mọi người. Sau đó gia đình phải đưa ông trốn tránh nhiều nơi, xét về mặt hiệu quả chữa trị thì đúng là phản khoa học vì lẽ ra cần phải sớm đưa ông vào nơi có đầy đủ điều kiện chữa trị nhất lúc bấy giờ là Bệnh Viện Phong Quy Hòa..

Trong câu chuyện với người em của thi sĩ Hàn Mặc Tử, bác sĩ Gour Vile cũng nói rằng kinh nghiệm từ các trại cùi, không có bệnh nhân nào chỉ đau có từng ấy năm mà chết được. Ông trách gia đình Hàn Mặc Tử không đưa ông vào trại phong sớm. Và bác sĩ cho rằng, Hàn Mặc Tử chết là do nội tạng hư hỏng quá nhanh do uống quá nhiều thuốc tạp nham của lang băm trước khi nhập viện phong Quy Hòa.

Ông bỏ tất cả quay về Qui Nhơn vào nhà thương Quy Hòa (20 tháng 9 năm 1940) mang số bệnh nhân 1.134 và từ trần vào lúc 5 giờ 45 phút rạng sáng 11 tháng 11 năm 1940 tại nhà thương này vì chứng bệnh kiết lỵ, khi mới bước sang tuổi 28.

Cuộc đời của ông có duyên với 4 chữ Bình: sinh tại Quảng Bình, làm báo Tân Bình, có người yêu ở Bình Thuận và mất tại Bình Định. Ông được biết đến với nhiều mối tình cùng với nhiều người phụ nữ khác nhau đã để lại nhiều dấu ấn trong văn thơ của ông. Có những người ông đã gặp, có những người ông chỉ giao tiếp qua thư từ, và có người ông chỉ biết tên như Hoàng Cúc, Mai Đình, Thương Thương, Ngọc Sương, Thanh Huy, Mỹ Thiện.

Nguyễn Trọng Trí làm thơ từ năm mười sáu tuổi lấy hiệu là Phong Trần rồi Lệ Thanh. Đến năm 1936, khi chủ trương ra phụ trương báo Saigon mới đổi hiệu là Hàn Mạc Tử, sau ông lại đổi thành Hàn Mặc Tử. “Hàn Mạc Tử” nghĩa là chàng trai đứng sau bức rèm lạnh lẽo, trống trải. Sau đó bạn bè gợi ý ông nên vẽ thêm Mặt Trăng khuyết vào bức rèm lạnh lẽo để lột tả cái cô đơn của con người trước thiên nhiên, vạn vật. “Mặt Trăng Khuyết” đã được “đặt vào” chữ “Mạc” thành ra chữ “Mặc”. Hàn Mặc Tử có nghĩa là “chàng trai bút nghiên”.

Nhạc sĩ Hải Linh.
Nhạc sĩ Hải Linh.

Hải Linh (1920-1988) là một nhạc sĩ và nhạc sư Công giáo. Ông được đánh giá là một trong “Những tên tuổi lớn của nền Thánh Nhạc Việt Nam đã được đào tạo về Âm Nhạc và Thánh Nhạc tại nước ngoài” có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của Thánh Nhạc Việt Nam.

Ông tên thật là Trần Văn Linh, sinh ngày 4 tháng 10 năm 1920, trong một gia đình Công giáo ở Giáo phận Phát Diệm, Ninh Bình. Tên thánh của ông là Phanxicô. Trong cuộc đời mình, ngoài 2 bút danh thường dùng là Hải Linh, Minh Đệ, ông còn dùng nhiều tên khác như Phanxico Assisi Trần Văn Đệ, Trần Văn Trị.

Thuở nhỏ, ông theo học ở trường Thử ở Trung Linh (Nam Định). Năm 16 tuổi, ông vào học ở Tiểu Chủng Viện Ninh Cường. Đến năm 18 tuổi, ông học tại trường Thầy Giảng (Bùi Chu) và sau đó được giữ lại để dạy Pháp văn và âm nhạc tại trường. Thời gian này, ông bắt đầu sáng tác một số bài hát đạo cũng như đời.

Ngày 1 tháng 5 năm 1951, ông theo học nhạc tại Viện Giáo Nhạc thuộc Học Viện Công Giáo Paris (Institut Catholique de Paris), đồng thời học sáng tác tại Nhạc Viện César Frenck do giáo sư Guy de Lioncourt làm giám đốc. Ông tốt nghiệp hạng ưu năm 1956 tại đây với luận án “La Couleur Vietnamienne dans le chant Grégorien”. Năm 1956, ông trở về Việt Nam, dạy hợp ca tại Viện Quốc Gia Âm Nhạc. Ông còn thành lập “Ca Đoàn Hồn Nước” nhằm thực hiện hoài bão của mình là trình tấu sống động các tác phẩm được soạn ra bằng một lối viết thoáng mỏng theo tinh thần Á Đông.

Ca đoàn Hồn Nước và Nhạc trưởng Hải Linh.
Ca đoàn Hồn Nước và Nhạc trưởng Hải Linh.

Năm 1961, ông nhận được học bổng sang nghiên cứu âm nhạc, giáo dục tại Đại Học Ohio (Hoa Kỳ). Từ năm 1970 đến năm 1975, ông dạy nhạc tại Đại Học Đà Lạt và tham gia Ủy Ban Thánh Nhạc toàn quốc. Từ năm 1973 đến đầu năm 1975, ông làm Phân Khoa Trưởng của Phân Khoa Âm Nhạc Viện Đại Học Đà Lạt.

Sau năm 1975, ông không tham gia các hoạt động âm nhạc công khai dù vẫn sáng tác và dạy nhạc trong cộng đồng Công giáo tại Việt Nam. Ông đã hướng dẫn 2 lớp nhạc trưởng tại nhà thờ Huyện Sỹ, đường Bùi Chu, quận 1, cho đến khi xuất cảnh sang Hoa Kỳ.

Ngày 8 tháng 5 năm 1986, ông xuất cảnh theo diện đoàn tụ gia đình tại New Orleans (Louisiana, Hoa Kỳ). Tại Mỹ, ông trở lại hoạt động âm nhạc trong cộng đồng người Việt tại Mỹ với việc mở các lớp nhạc trưởng ở nhiều tiểu bang khác nhau: New Orleans (Louisiana), California, Portland (Oregon), Missouri, Texas…); đồng thời, ông tập luyện cho nhiều ca đoàn ở nhiều nơi khác nhau để hát trong nhiều dịp lễ.

Nhạc sĩ Hải Linh là một trong những “tác giả sáng tác Thánh Nhạc tiền phong trong những ngày đầu tiên khai sinh nền Thánh nhạc Việt Nam”. Một số tác phẩm của ông đã được đưa vào “Tuyển tập Thánh Ca Việt Nam” (quyển I), công trình chào mừng Năm Thánh 2010, kỷ niệm 50 năm thiết lập Hàng Giáo Phẩm tại Việt Nam.

hailinh2

Đánh giá về sự nghiệp sáng tác của Nhạc sĩ Hải Linh, Linh mục An-rê Đỗ Xuân Quế, nguyên Trưởng Ban Thánh Nhạc Giáo Phận Thành Phố Sài Gòn nhận xét:

“Nhạc sĩ Hải Linh là người có thực tài và đã đem tài năng ra để phụng sự nền Thánh nhạc trong suốt đời Ông, đặc biệt trong ba thập niên 40, 50 và 60 lúc nền Thánh nhạc Việt Nam còn trong giai đoạn khai sáng. Ông là một trong những người có công đầu trong giai đoạn khai sáng ấy và đã đào tạo được một số môn đệ sáng tác ca khúc và điều khiển ca đoàn giỏi tiếp tục nối nghiệp ông”.

Giáo sư Trần Văn Khê nhận xét về ông:

“Hải Linh đã học nhiều điều trong dân ca và đem ra áp dụng trong nhạc Công giáo, tức Thánh ca, rất thành công vì có được màu sắc dân tộc”.

Nhạc sĩ Phạm Duy đánh giá những tác phẩm tiêu biểu của ông là một trong những “Viên Ngọc quý giá nhất của Dân tộc Việt”.

Ngoài việc sáng tác và giảng dạy âm nhạc, ông còn là một nhạc trưởng điêu luyện và thuần thục trong rất nhiều chương trình lớn. Tháng 7 năm 1986, tại Hội Nghị Thánh Nhạc Hoa Kỳ, trước khoảng 800 ca nhạc sĩ, nhạc công Hoa Kỳ, nhạc trưởng Hải Linh đã điều khiển Ban Hợp Ca Việt Nam gồm 80 ca viên. Sau phần biểu diễn, Chủ Tịch Hội Nghị Thánh Nhạc Hoa Kỳ, Linh mục Virgil C. Funk đã có nhận xét: “Tôi không có một lời nào xứng đáng để ca tụng tài năng nghệ thuật của ông. Tất cả đều được đặt dưới bàn tay điêu luyện của ông…”.

Trong sự nghiệp âm nhạc của mình, ông đã sáng tác hơn 300 tác phẩm, với nhiều bản hợp xướng được biết đến. Nhạc phẩm “Hang Bê Lem”, ông sáng tác năm 1945, được cho là một trong những tác phẩm Thánh Ca “bất hủ”. Nhạc phẩm này được nhiều người biết đến do lời nhạc gần gũi, giản dị, trong sáng trong lòng mọi người.

Một số nhạc phẩm Công giáo khác của ông được biết đến:

• Hang Bê Lem
• Bài ca khải hoàn
• Nữ vương Hòa Bình
• Bến Thiên Đàng
• Ra đời
• Chúa Khải Hoàn
• Tán tụng hồng ân
• Chúc tụng Thánh Giuse
• Tiếng nhạc oai hùng
• Tình Chúa yêu tôi
• Hồng ân Thiên Chúa
• Trường ca Ave Maria
• Khúc ca mặt trời
• Trường ca Các tạo vật
• Khúc nhạc Cảm tạ
• Trường ca Ngợi khen
• Ngài là Thiên Chúa (Te Deum)
• Vinh danh Thiên Chúa
• Nhân chứng đức tin
• Yêu con đời đời.

Ngoài ra, ông còn là tác giả của 3 tập tài liệu đào tạo Nhạc Trưởng:

• Ngũ cung (tiếng Anh).
• Couleur Grégorien dans le chant Vietnamienne (tiếng Pháp).
• Tìm hiểu nhạc Ngũ Âm.

Ông qua đời ngày 6 tháng 1 năm 1988 tại bệnh viện Fountain Valley, Los Angeles, (CA) vì một cơn nhồi máu cơ tim.

Thi phẩm, “Ave Maria” (Thi sĩ Hàn Mặc Tử)

Như song lộc triều nguyên: ơn phước cả,
Dâng cao dâng thần nhạc sáng hơn trăng.
Thơm tho bay cho đến cõi Thiên đàng
Huyền diệu biến thành muôn kinh trọng thể.
Và Tổng lãnh Thiên thần quỳ lạy Mẹ
Tung-hô câu đường hạ ngớp châu sa.
Hương xông lên lời ca ngợi sum hòa:
Trí miêu duệ của muôn vì rất thánh.

Maria! Linh hồn tôi ớn lạnh,
Run như run thần tử thấy long nhan,
Run như run hơi thở chạm tơ vàng…
Nhưng lòng vẫn thấm nhuần ơn trìu mến.

Lạy Bà là Đấng tinh tuyền thánh vẹn
Giàu nhânđdức, giàu muôn hộc từ bi,
Cho tôi dâng lời cảm tạ phò nguy
Cơn lâm lụy vừa trải qua dưới thế.
Tôi cảm động rưng rưng hai dòng lệ:
Dòng thao thao như bất tuyệt của nguồn thơ.
Bút tôi reo như châu ngọc đền vua,
Trí tôi hớp bao nhiêu là khí vị…
Và trong miệng ngậm câu ca huyền bí,
Và trong tay nắm một vạn hào quang…

Tôi no rồi ơn võ lộ hòa chan.
Tấu lạy Bà, Bà rất nhiều phép lạ,
Ngọc Như Ý vô tri còn biết cả,
Huống chi tôi là Thánh thể kết tinh
Tôi ưa nhìn Bắc đẩu rạng bình minh,
Chiếu cùng hết khắp ba ngàn thế giới…
Sáng nhiều quá cho thanh âm vời vợi,
Thơm dường bao cho miệng lưỡi khong khen.
Hỡi Sứ thần Thiên Chúa Gabriel,
Khi người xuống truyền tin cho Thánh nữ,
Người có nghe xôn xao muôn tinh tú,
Người có nghe náo động cả muôn trời?
Người có nghe thơ mầu nhiệm ra đời
Để ca tụng, – bằng hương hoa sáng láng,
Bằng tràng hạt, bằng Sao Mai chiếu rạng,
Một đêm xuân là rất đỗi anh linh?

Đây rồi! Đây rồi! Chuỗi ngọc vàng kinh.
Thơ cầu nguyện là thơ quân tử ý,
Trượng phu lời là Tông đồ triết lý,
Là Nguồn Trăng yêu mến Nữ Đồng Trinh
Là Nguồn Đau chầu lụy Nữ Đồng Trinh.

Cho tôi thắp hai hàng cây bạch lạp,
Khói nghiêm trang sẽ dân lên tràn ngập
Cả Hàn giang và màu sắc thiên không,
Lút trí khôn và ám ảnh hương lòng
Cho sốt sắng, cho đê mê nguyền ước…

Tấu lạy Bà, lạy Bà đầy ơn phước,
Cho tình tôi nguyên vẹn tợ trăng rằm,
Thơ trong trắng như một khối băng tâm,
Luôn luôn reo trong hồn, trong mạch máu,
Cho vỡ lở cả muôn ngàn tinh đẩu,
Cho đê mê âm nhạc và thanh hương,
Chim hay tên ngọc, đá biết tuổi vàng,
Lòng vua chúa cũng như lòng lê thứ
Sẽ ngây ngất bởi chưng thơ đầy ứ
Nguồn thiêng liêng yêu chung Mẹ Sầu Bi
Phượng Trì! Phượng Trì! Phượng Trì! Phượng Trì!
Thơ tôi bay suốt một đời chưa thấu,
Hồn tôi bay đến bao giờ mới đậu
Trên triều thiên ngời chói vạn hào quang?

hailinh7

“Trường ca Ave Maria” (Nhạc sĩ Hải Linh)

hailinh_Trường Ca Ave Maria1

hailinh_Trường Ca Ave Maria2

hailinh_Trường Ca Ave Maria3

hailinh_Trường Ca Ave Maria4

hailinh_Trường Ca Ave Maria5

Dưới đây mình có các bài:

– AVE MARIA ! Kinh Kính Mừng Bằng Thơ Của Thi Sĩ Hàn Mặc Tử
– Hàn Mặc Tử và Chúa
– Hồn Nhạc Bất Tử, Thiên Tài Hải Linh (1920-1988)
– Đưa Nhạc Vào Thơ – Một Ngón Tài Hoa Của Hải Linh
– Nhớ Hải Linh

Cùng với 8 clips tổng hợp “Trường ca Ave Maria” (“Song Lộc Triều Nguyên”, “Dâng Lời Cảm Tạ”, “Tấu Lạy Bà”) do các ca đoàn hợp xướng để các bạn tiện việc tham khảo và thưởng thức.

Đặc biệt mình gửi đến các bạn clip ca khúc “Hang Belem” do Ca đoàn Hồn Nước diễn xướng dưới sự điều khiển của Nhạc trưởng Hải Linh.

Mời các bạn,

Túy Phượng

(Theo Wikipedia)

hailinh6

AVE MARIA ! Kinh Kính Mừng Bằng Thơ Của Thi Sĩ Hàn Mặc Tử

(LM Antôn Nguyễn Trường Thăng)

Lâu nay tôi ít vào mạng Dũng Lạc. Hôm nay tình cờ thăm viếng tôi mới biết hôm qua 11 tháng 11 là ngày “ sinh nhật trên trời” ( dies natalis) ( ngày qua đời theo cách nói công giáo ) của thi sĩ công giáo Hàn Mặc Tử tức ngày 11 tháng 11 năm 1940, một ngày trong tháng Các đẳng linh hồn, tưởng niệm những người quá cố.

Lúc đó tôi còn ở đâu trong “ba ngàn thế giới” của Thi sĩ Hàn Mặc Tử (HMT).

“Huống chi tôi là Thánh-thể kết tinh
Tôi ưa nhìn Bắc đẩu rạng bình minh,
Chiếu cùng hết khắp ba ngàn thế-giới…”

Vì tôi chỉ chào đời vào ngày mồng 9 Tết Nhâm Ngọ, 1942!

Hàn Mặc Tử, một thi sĩ đáng khâm phục trong số các thi sĩ “tiền chiến” và “tiên tiến” trong phong trào Thơ Mới Việt Nam. Càng đáng yêu hơn khi ông trao cho đời những vần thơ công giáo mến Chúa, kính Mẹ Maria và thương người.

Cách đây hai năm ngày 3 tháng 9 năm 2008, nhóm yêu thơ Đà Nẵng đã mời nhiều bạn thơ nhiều miền đất nước tập trung về quán của anh chị NĐL, hình như để tưởng niệm sinh nhật lần thứ 96 của thi sĩ HMT (22 tháng 9 năm 1912). Hôm đó, tôi đang ở Sài Gòn nhưng nhận được lời mời, tôi cũng cố đáp chuyến bay đêm cuối cùng để sáng hôm sau có mặt ở Đà Nẵng và được nghe những anh chị em ngoài công giáo nghĩ gì, nói gì về nhà thơ tài hoa nầy. Rất tiếc tôi không còn nhớ những chi tiết quan trọng trong buổi nói chuyện hôm ấy. Ban tổ chức hứa sẽ cho tài liệu cuộc họp mặt, nhưng …chỉ hứa nên cũng dễ quên vì cuộc sống cơm áo gạo tiền. Cả một buổi sáng, rất nhiều vị đăng đàn và nói rất nhiều cái hay cái đẹp, kể cả “nổi bất hạnh”, “mệnh bạc” của thi sĩ. Tôi lắng nghe và lắng nghe rất chăm chú từng lời của các diễn giả, khâm phục sự hiểu biết và những nhận xét vô cùng thâm thúy về thơ văn thi sĩ. Cuối cùng, ban tổ chức cho tôi một cơ hội để phát biểu cảm tưởng. Tôi nhớ đại khái: hoàn toàn khâm phục và quý trọng những tình cảm của tất cả các vị dành cho HMT. Chỉ có một điều tôi không “ nhất trí” đó là cái nhìn quá bi quan, tuyệt vọng, bạc mệnh, cùng đường của thi sĩ. Đứng về phương diện con người mà xét, cũng như qua những vần thơ đượm máu và nước mắt, hình như thi sĩ bị “đọa đày”, “trời ở không cân” với con người “tài hoa mệnh bạc” nầy.

Nhưng dưới cái nhìn của một người công giáo, tôi không nghĩ vậy. Qua những gì đã đọc về những ngày cuối đời của thi sĩ, về những vần thơ siêu thoát đã viết, không thể vội xét và đánh giá nội tâm con người qua vài câu chữ bề ngoài. Có thể vào giai đoạn đầu, HMT hy vọng ở y khoa, thuốc men, ở tình người nhưng một khi thấy rằng không còn gì để cậy nương vào thế giới nầy khi “người tình rồi xa, bạn bè rồi quên”, người thân vắng bóng, thi sĩ đã quay về thế giới đức tin. Như Đức Giêsu Kitô đã cầu xin Chúa Cha “Xin cho con khỏi uống chén đắng nầy”…HMT cũng van xin như thế, cũng tìm phương liệu kế như bất cứ con người nào. Nhưng rồi, khi không còn bám víu vào đâu được nữa, thi sĩ cũng chấp nhận như Chúa Giêsu “nhưng đừng theo ý con, một theo ý cha”. Kể từ giờ phút đó, tuy đau đớn thân xác hoành hành nhưng tâm hồn tràn đầy an bình và hy vọng một “trời mới đất mới” đang đến. Thượng thanh khí và nhiều bài thơ, câu thơ như toát lên niềm vui dâng hiến đó. Bài văn Pháp ngữ cuối cùng viết đêm thứ Tư ngày 24 tháng 10 năm 1940, hai tuần trước khi lìa đời, kính tặng các nữ tu Phan Sinh truyền giáo cho thấy một trời yên bình, không chút gì chua xót, phiền não mà vô cùng siêu thoát. Các nữ tu xinh đẹp kia dâng hiến cả cuộc đời cho nhưng con người đau khổ, họ đâu phải là những kẻ cùng đường, “chán đời đi tu”, chàng thi sĩ “đồng trinh” Hàn Mạc Tử sẽ dùng tinh huyết đau thương của mình để lại những đứa con tinh thần ngàn đời còn ngưởng mộ.

Đức tin, đức cậy trông và đức mến của Hàn Mạc Tử vào những giờ phút cuối đời đã vươn cao, bay mãi như cánh chim phượng hoàng cho đến khi “đậu trên triều thiên vạn hào quang”.

Tôi có cảm giác như vậy dù chưa đọc và phân tích hết các bài thơ của HMT để chúng minh cho những gì mình vừa khẳng định.

Tôi xin ghi ra đây một bài thơ tiêu biểu, bài AVE MARIA mà có lẻ chỉ có người em Nguyễn Bá Tín, hơn ai hết có đủ thẩm quyền để bình giải.

Ave Maria

Như song lộc triều nguyên ơn phước cả
Dâng cao dâng, thần nhạc sáng hơn trăng
Thơm tho bay cho đến cõi thiên đàng
Huyền diệu biến thành muôn kính trọng thể.
Và Tổng lãnh thiên thần quỳ lạy Mẹ
Tung hô câu dường hạ ngớp châu sa
Hương xông lên lời ca ngợi sum hòa
Trí miêu duệ của muôn vì Rất Thánh
Maria! Linh hồn tôi ớn lạnh
Run như run, thần tử thấy long nhan
Run như run hơi thở chạm tơ vàng.
Nhưng lòng vẫn thấm nhuần ơn trìu mến
Lạy Bà là Đấng tinh tuyền thánh vẹn
Giàu nhân đức, giàu muôn hộc từ bi
Cho tôi dâng lời cảm tạ phò nguy
Cơn lâm luỵ vừa trải qua dưới thế.
Tôi cảm động rưng rưng hai hàng lệ
Giòng thao thao bất tuyệt của Nguồn thơ
Bút tôi reo như châu ngọc đền vua
Trí tôi hớp bao nhiêu là khí vị…
Và trong miệng ngậm câu ca huyền bí
Và trong tay nắm chặt nạm hào quang
Tôi no rồi ơn vỏ lệ hòa chan
Tấu lạy Bà, Bà rất nhiều phép lạ
Ngọc như ý vô tri còn biết cả
Huống chi tôi là Thánh Thể kết tinh…
Tôi ưa nhìn Bắc đẩu rạng bình minh
Chiếu cùng hết, khắp ba ngàn thế giới
Sáng nhiều quá cho thanh âm vời vợi
Thơm dường bao cho miệng lưỡi không khen
Hỡi sứ thần Thiên Chúa Gabriel
Khi người xuống truyền tin cho Thánh nữ
Người có nghe xôn xao muôn tinh tú
Người có nghe náo động cả muôn trời
Người có nghe thơ mầu nhiệm ra đời.
Để ca tụng bằng hoa hương sáng láng
Bằng tràng hạt, bằng sao mai chiếu rạng
Một đêm xuân là rất đỗi anh linh.
Đây rồi, đây rồi, chuỗi ngọc vàng kính
Thơ cầu nguyện là thơ quên tử ý
Trượng phu lời và Tông đồ triết lý
Là nguồn trăng yêu mến Nữ Đồng Trinh
Là nguồn đau chầu lạy Nữ Đồng Trinh
Cho tôi thắp hai hàng cây bạch lợp
Khói trang nghiêm sẽ dâng lên tràn ngập
Lút trí khôn và ám ảnh hương lòng
Cho sốt sắng cho đê mê nguyện ước
Tấu lạy Bà, lạy Bà đầy ơn phước
Cho tình tôi nguyên vẹn tơ trăng rằm
Thơ trong trắng như một khối băng tâm
Luôn luôn reo trong hồn, trong mạch máu
Cho vở lở cả muôn ngàn tinh đẩu
Cho đê mê âm nhạc thanh hương
Chim hay tên ngọc đá biết tuổi vàng
Lòng vua chúa cũng như lòng lê thứ
Sẽ ngây ngất bởi chưng thơ đầy ứ
Nguồn thiêng liêng yêu chuộng Mẹ sầu bi.
Phượng Trì, Phượng Trì, Phượng Trì, Phượng Trì
Thơ tôi bay suốt một đời chưa thấu.
Hồn tôi bay đến bao giờ mới đậu.
Trên triều thiên ngời chói vạn hào quang.
(Sao lục nguyên bản)

Bài thơ viết vào năm nào trong đời? Tôi chưa tìm được thông tin nhưng có lẻ sau khi HMT đã lâm bệnh nan y vào sau năm 1935.

Ông Nguyễn Bá Tín có nhắc về một tai nạn tắm biển tại vùng biển Sa Kỳ và hình như HMT được cứu sống vì Mẹ Maria thân hiện ra cứu anh. Thi sĩ sợ hãi vì sắp chết nhưng tôi không đồng ý HMT sợ hãi vì chiêm ngắm Mẹ. Những ai một lần nhìn thấy Mẹ sẽ không còn quyến luyến gì trên cỏi đời như cô Bernadette Soubirous ở Hang Massabielle “Ai thấy Mẹ một lần chỉ mong được chết để được nhìn ngắm lại”. Và báo chí cũng nói nhiều về nhưng người từ cỏi chết trở về, không bao giờ sợ chết nữa vì họ biết còn có một đời sau tuyệt diệu hơn cỏi trần. Người ta không còn sợ khi biết rõ có đời sống mai hậu hạnh phúc và bình an.

Ông Bá Tín ghi:

“Tình cảm Anh rất bén nhạy. Những xúc động mạnh rất ảnh hưởng đến tình thần Anh. Rõ ràng nhất là những thay đổi tính tình sau tai nạn suýt chết ở bờ biển (nói ở chương II) mà tôi đã được chứng kiến.

Có thể là một ảo ảnh kỳ lạ in sâu vào tâm trí Anh mà gia đình nghĩ Anh đã được trông thấy Đức Mẹ hiện ra với Anh, khiến Anh xuất thần sợ hãi. Đó là giây phút Anh đã chết đi mà sống lại và mỗi lần nghĩ đến Anh run sợ đến ớn lạnh. Anh đã ghi lại cảm giác đó trong Ave Maria.

…Một thứ run rẩy toàn thân, khi Anh cảm ứng với hiện tượng mà ánh sáng lạ nào đó đã làm mờ hẳn mắt Anh. Và tôi đã trông thấy đôi mắt Anh lạc thần ngơ ngác.

Maria! Linh hồn tôi ớn lạnh
Run như run, thần tử thấy long nhan
Run như run hơi thở chạm tơ vàng.”
Lẻ ra ông phải ghi thêm câu kế tiếp:
Nhưng lòng vẫn thấm nhuần ơn trìu mến
Lạy Bà là Đấng tinh tuyền thánh vẹn
Giàu nhân đức, giàu muôn hộc từ bi
Cho tôi dâng lời cảm tạ phò nguy
Cơn lâm lụy vừa trải qua dưới thế.
Tôi cảm động rưng rưng hai hàng lệ
Giòng thao thao bất tuyệt của Nguồn thơ
Bút tôi reo như châu ngọc đền vua
Trí tôi hớp bao nhiêu là khí vị…
Và trong miệng ngậm câu ca huyền bí
Và trong tay nắm chặt nạm hào quang
Nhưng lòng vẫn thấm nhuần ơn trìu mến.

Phần sau, người em Nguyễn Bá Tín đã lý giải cho chúng ta những từ, những tình cảm của thi sĩ với Mẹ Maria chẳng hạn hai từ Phượng Trì trong tác phẩm “Hàn Mặc Tủ, Anh tôi”.

“Hôm ấy, hai anh em chúng tôi đi xem một cuốn phim Tàu “Hỏa thiêu hồng liên tự”. Nội dung là một câu chuyện kiếm hiệp được dựng lên trong bối cảnh mà vua Càn Long lợi dụng các môn phái võ hiệp để đánh phá ngôi chùa Hồng Liên, một cứ điểm quan trọng nhằm chống lại triều đình Mãn Thanh thời bấy giờ.

Xong trận chiến, Cam Phượng trì người anh hùng lỗi lạc, phái Nga Mi, lên đỉnh núi cao, nhìn xuống chiêm ngưỡng chiến công đã đạt. Anh rùng mình khi thấy bao nhiêu bạn bè anh bị tàn sát. Buồn rầu quay gót phi thân lên ngọn núi lấy đà dùng thuật phi hành bay mãi lên cao cho đến khi mất dạng.

Một nữ hiệp là Diệp Tiểu Thanh, vốn yêu mến anh chạy theo tìm. Tiếng nàng gọi: Phượng Trì, Phượng Trì… vang dội khắp nơi mà con phượng hoàng vĩ đại đó không quay lại.

Hai tiếng Phượng Trì ám ảnh anh Trí một cách kỳ lạ say đắm, đến nỗi đêm sau Anh đi một mình xem chiếu lại. Anh xuýt xoa khen ngợi liền mấy hôm. Anh nói “Phượng Trì, cái tên thật là tuyệt, nghe như bay lên! Bay lên cao! Hay quá”.

Hai tiếng đó đã tạo cho Anh một ý niệm bay về trời mà trong bài thơ Ave Maria ở đoạn cuối, Anh lập lại bốn lần, một cách gắn bó ước ao tha thiết.

Phượng Trì, Phượng Trì, Phượng Trì, Phượng Trì
Thơ tôi bay suốt một đời chưa thấu.
Hồn tôi đến bao giờ mới đậu.
Trên triều thiên ngời chói vạn hào quang.

Đoạn cuối bài thơ này, anh Trí đã phỏng theo bài hát rất quen thuộc hồi đó trong nhà thờ. Bài Au Ciel! Au Ciel (Cantiques de la Jeunesse) mà cũng là bài hát trong gia đình, cha tôi đã dạy các con hát với cây đàn harmonium nhỏ.

Au Ciel, Au Ciel

Coupet:
J’irai la voir un jour
Au ciel dans ma patrie
Oui j’irai voir Marie
Ma joie et mon amour

Refrain:
Au ciel, Au ciel, Au ciel
J’irai la voir un jour
Au ciel, Au ciel, Au ciel
J’irai la voir un jour

(Đại ý: trên trời nơi quê hương tôi, tôi có ngày gặp lại mẹ Maria, niềm hoan lạc và yêu mến của tôi). Anh có vẻ rất thích chí, khi tìm được hai chữ Phượng Trì để thay thế Au ciel, au ciel mà Phượng Trì lại rất gần gũi với biểu tượng Phượng Hoàng của anh, âm điệu lại nhịp nhàng ăn khớp với bản thánh ca nhịp 6/8 đó.

Khẩu khí Phượng Hoàng được ông Trần Thanh Mại cho là siêu phàm tiên cốt. Nói về lối dùng chữ của Hàn Mặc Tử ông Mại viết:

“Tài nghệ diễn tả ấy sở dĩ tài tình là vì thi sĩ có một khoa dụng ngữ tuyệt phẩm dồi dào. Nó dung hòa được danh từ xưa và nay, những ngôn pháp Á và Âu, lại ảnh hưởng cả hai nguồn văn hóa Phật giáo và Thiên Chúa giáo.

“Anh thỉnh thoảng đưa vào thơ những chữ mà người đọc bất thần bị lúng túng, nếu không đọc trọn bài thơ để nắm vững ý chính của Anh.

Cũng như khi Anh viết Ave Maria, Anh cũng mở đầu bằng câu chào mừng:

Như song lộc triều nguyên ơn phước cả.

Đây là một lời chúc tụng đặc biệt Á Đông mà Anh táo bạo dùng để thay thế lời sứ thần Gabriel khi xuống truyền tin Thánh nữ:

“Kính mừng Bà đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng Bà”.

Anh Trí cho câu song lộc triều nguyên cũng có một ý nghĩa cao trọng như thế mà lại còn có màu sắc Đông phương, gần gũi hơn với dân tộc.

Thời bấy giờ, người ta cố đưa tinh thần dân tộc vào trong các lĩnh vực văn chương mỹ thuật để dần dần tiến sâu vào mục tiêu chánh trị, xã hội.

Bởi vậy cho nên, khi viết Ave Maria Anh cũng đã làm một chút cách mạng bằng những ngôn từ đặc biệt mà Anh nói là Kinh kính mừng riêng của Anh dâng cho Đức Mẹ Việt Nam.

Bốn chữ “Song lộc triều nguyên” này Hàn Mặc Tử mượn trong khoa Tử vi đẩu số có từ đời Đại Tống bên Tàu, nói về Đại Quý cách của người được Trời ban cho nhiều ân sủng cao trọng không ai bằng:

– Song lộc là Hóa lộc và Lộc tồn đều là Phúc lộc tính
– Hóa lộc nói về lợi lộc trần thế và vinh quang.
– Lộc tồn là sao Thiên lộc, lộc bởi trời vô tận, có một ý nghĩa thiêng liêng ơn phù trợ và cứu giải.

Ngoài ra còn ban ơn thông tuệ và văn chương uyên thâm quán thế.

– Triều là hướng về, chầu về
– Nguyên là bản mệnh.

Hàn Mặc Tử rất thích bộ sao này, vì chính Anh cũng có bộ sao đó trong bản số. Mặc dầu không đắc sách lắm nhưng Anh rất hãnh diện và tin tưởng sẽ được nhiều ơn phù trợ bởi Trời.

Vì vậy mà lòng Anh tràn ngập nỗi vui sướng hồ hởi như là đã được Mẹ nhận lời lòng biết ơn và yêu mến của Anh.

Cho nên suốt bài thơ, Anh không hề bày tỏ một lời nào bi lụy có thể làm mất đi nét trong sáng huyền diệu mà Anh dâng lên.

Như song lộc triều nguyên ơn phước cả
Dâng cao dâng, thần nhạc sáng hơn trăng
Thơm tho bay cho đến cõi thiên đàng
Huyền diệu biến thành muôn kính trọng thể.

Anh tự hào có đầy đủ ơn thánh mà Mẹ đã biết rồi. Trí khôn Anh cũng thừa hưởng thần trí của các vị thánh, cho nên Anh tự xem Anh cũng là Thánh:

…Tôi no đầy ơn vỏ lộ hòa chan
Tấu lạy Bà, Bà rất nhiều phép lạ
Ngọc như ý vô tri còn biết cả
Huống chi tôi là Thánh Thể kết tinh…

Nhớ lại một hiện tượng trên bờ biển xa xưa, mà ánh sáng chói lòa đã làm cho Anh Trí ớn lạnh run rẩy đến lạc thần vì mơ hồ có Mẹ đến quá gần:

Maria! Linh hồn tôi ớn lạnh
Run như run, thần tử thấy long nhan
Run như run hơi thở chạm tơ vàng.
Nhưng lòng vẫn thấm nhuần ơn trìu mến

Anh xúc động đến rơi lệ và thì thầm cảm tạ ơn phù trợ Mẹ đã cứu thoát Anh trong tai nạn đó.

Lạy Bà là Đấng tinh tuyền thánh vẹn
Giàu nhân đức, giàu muôn hộc từ bi
Cho tôi dâng lời cảm tạ phò nguy
Cơn lâm lụy vừa trải qua dưới thế.

Rồi say sưa cuồng mạn, so sánh bài thơ Anh, kinh Kính Mừng của Anh, đang bay đến cõi Thiên Đàng hiệp với lời chúc tụng của thiên sứ Gabriel:

Hỡi sứ thần Thiên Chúa Gabriel
Khi người xuống truyền tin cho Thánh nữ
Người có nghe xôn xao muôn tinh tú
Người có nghe náo động cả muôn trời
Người có nghe thơ mầu nhiệm ra đời.

……

Giòng thao thao bất tuyệt của Nguồn thơ
Bút tôi reo như châu ngọc đền vua
Để ca tụng bằng hương hoa sáng láng
Bằng tràng hạt bằng sao mai chiếu sáng
Một đêm xuân là rất đỗi Anh linh.

Vì bài thơ này là tràng hạt mân côi đầy tình yêu mến Mẹ.

Đây rồi, đây rồi, chuỗi ngọc vàng kính
Thơ cầu nguyện là thơ quên tử ý

……

Cho tình tôi nguyên vẹn tơ trăng rằm
Thơ trong trắng như một khối băng tâm…

Trong trạng thái xuất thần, bài Ave Maria đưa Anh đi rất xa trong cõi trời mênh mông mơ ước, pha trộn mộng và thực với những hình ảnh quen thuộc của Đức Trinh Nữ, của sứ thần Gabriel. Những kinh kính mừng trong tràng hạt vang dội mãi không đứt trong đầu óc Anh: Ave, Ave, Ave…

Ave Maria! Reo như châu ngọc thơm tho như hoa hương, sáng như thất bảo, làm xôn xao tinh tú, náo động muôn trời và vạn vật.

Ave Maria dài bất tận mà “thơ tôi bay suốt một đời chưa thấu…”

Chưa bao giờ, có bài thơ nào mà Anh biểu lộ được hết tiêu phong đạo cốt như trong bài Ave Maria mà Anh nói là bài thơ đắc ý nhất trong cuộc đời Anh.

Phải chăng thân xác phàm tục Anh bị hủy hoại tàn phá, như phá đi một thứ rào cản, cho tần trí Anh được khai thông, mà hiện tượng tâm thần bện hoạn chỉ là những giây thần kinh bén nhạy giúp Anh rung cảm dễ dàng trước những hình ảnh tuyệt với trong cõi mộng bao là mà bài Ave Maria đã ghi lại khi Anh lần hạt mân côi.

Những ngôn từ thế tục cũng được Anh nâng cao và thánh hóa như những lời chúc tụng cao trọng vì chính Anh cũng tự nhận là Thánh”.

Rất may trong cuốn sách viết sau đó: Hàn Mặc Tử trong riêng tư. Ông Nguyễn Bá Tín viết rõ hơn về bài AVE MARIA

“Bài thơ này Hàn lấy ý trong kinh Kính mừng, một bài kinh mà suốt mấy năm trường, ngày đêm anh đọc không biết bao nhiêu lần, khi lần tràng hạt Mân Côi. Cho nên ý nghĩa bài kinh anh đã thuộc nhập tâm, không có thể định nghĩa trái đi được. Anh nói đây là kinh Kính mừng của riêng anh”.

Ave Maria là lời chào mừng Bà Maria, khi sứ thần Gabriel đến báo tin Bà được Thiên Chúa cho làm mẹ Ngôi Hai ra đời.

Ave là tiếng latin cũng như tiếng Việt là Chào Mừng. Hàn Mặc Tử mở đầu bằng câu chúc tụng theo cung cách Á Đông:

Như song lộc triều nguyên ơn phước cả

Chữ Lộc ở đây có nghĩa là tài lộc ân sủng, nói chung là phước lộc. Song Lộc định nghĩa theo sách Đẩu số Trung Hoa, là Thiên Lộc và Hóa Lộc (Lộc trời đất) hiểu theo ân sủng của trời đất.

Chữ Triều là hướng về, chầu về
Chữ Nguyên là nguyên thể, bản thể

Câu chúc tụng này, Hàn muốn nói Ân phước Trời và Đất đổ xuống cho Bà. Câu mở đầu này rất sát nghĩa: Kính mừng Bà đầy ơn phước đã chứng minh:

Kính mừng Maria đầy ơn phước.

Không còn nghi ngờ gì nữa. Bài Ave Maria chính là kinh Kính mừng bằng thơ của HMT.

Qua những phát hiện ấy và những tâm tình yêu mến nồng nàn của thi sĩ với Mẹ Maria, chúng ta không thể nào chấp nhận nhưng ý nghĩ tuyệt vọng, nguyền rủa cuộc đời, chống lại Thiên ý như nhiều người thêu dệt theo trí tưởng tượng qua các bài viết, âm nhạc, sân khấu và điện ảnh.

Thi sĩ HMT bao lần đã nói về tràng hạt Mân Côi trong các bài thơ. Tràng chuỗi của chàng không chỉ dừng lại trên đôi tay. Tình yêu Mẹ của chàng không đọng lại trên lời kinh mà bao la như biển trời bát ngát, như vũ trụ bao la.

Hãy cầu nguyện bằng trăm kinh mây gió.
Hãy dâng cho một tràng chuỗi trăng sao

Qua những vần thơ tuyệt bút Ave Maria của thi sĩ HMT, tôi có cảm tưởng F. X Nguyễn Trọng Trí có thể có một chỗ đứng sánh ngang với thánh Bênađô (thế kỷ 12). Thánh Grignon de Monfort (thế kỷ 18) và thi sĩ Paul Claudel (thế kỷ 20), Boris Pasternak (Trinh nữ và Biển Đỏ trong Bác sĩ Jivago) về tình yêu đối với Mẹ Maria.

THÁNH BÊNAĐÔ DE CLAIRVAUX.
THÁNH BÊNAĐÔ DE CLAIRVAUX.

 

THÁNH GRIGNON DE MONFORT.
THÁNH GRIGNON DE MONFORT.

Tuổi trẻ mê lầm cùng với đám bạn chạy theo những “câu thơ tội lỗi” nhưng bệnh tật đã giúp chàng tỉnh ngộ, gột rửa dưới Sông Hằng Ân Phúc Cứu Thế Đức Giêsu Ki tô để quay về với mối tình bất diệt Thiên Chúa và Mẹ Maria.

“Vì vậy đêm nay, dưới bầu trời bình yên như nguyệt bạch, anh sửa soạn một tâm hồn thật trong trắng như một người ngoan đạo dọn mình sám hối, tỉnh thức và cầu nguyện trắng đêm để dâng lên muôn kinh thơm tho ca ngợi Thiên Chúa”. (Nguyễn Bá Tín)

Trời hôm nay bình an như nguyệt bạch
Đường trăng xa, ánh sáng tuyệt vời bay
Đây là hương quý trọng thấm trong mây
Ngời phép lạ của đức tin kiều diễm
Câu tán tụng không khen lòng cả phiếm
Bút Xuân thu mùa nhạn đến vừa khi
Khắp mười phương điềm lạ trổ hoài nghi
Cây bằng gấm và lòng sông bằng ngọc
Và đầu hôm một vì sao mới mọc
Ở phương Nam mầu nhiệm biết ngần mô
Vì muôn kính dồn dập cõi thơm tho
Thêm nghĩa lý ánh sáng trong như thất bảo
Ta chấp tay lạy quỳ hoan hảo
Ngửa trông cao cầu nguyện trắng không gian
Để vừa dâng vừa hiệp bốn mùa xuân
Nở một lượt giàu sang hơn Thượng Đế
Đã no nê, đã bưa rồi, thế hệ
Của phường trai mê mẩn khí thanh cao
Phượng hoàng bay trong một tối trăng sao
Mà ánh sáng không còn khiêm nhượng nữa
Đương cầu xin, ọc thơ ra đường sữa
Ta ngất đi trong khoái lạc hồn đau
Nhịp song đôi này đây cung cầm nguyệt
Ướp lời thơ thành phước lộc đường tu
Tôi van lơn thầm nguyện Chúa Giêsu
Ban ơn xuống cho mùa Xuân hôn phối
Xin thứ tha những câu thơ tội lỗi
Của bàn tay thi sĩ kẽ lên trăng
Trong bao đêm xao xuyến vũng sông Hằng
(Đêm Xuân cầu nguyện)

Hãy bay đi, bay lên cao nữa hỡi con phượng hoàng HMT, khổ đau chính là nhiên liệu đẩy chàng lên khung trời Thượng Thanh khí nơi không còn mùa thu, mùa đông mà chỉ là Mùa Xuân Vĩnh Cửu!

Ave Maria!
Kính mừng Maria!

Mẹ đã đưa chàng thi sĩ “đồng trinh” từ Bến Mê đến Bến Phúc.

Noi gương chàng, xin Mẹ cũng “cho tình con nguyên vẹn tợ trăng rằm. Thơ trong trắng như một khối băng tâm” để sau con đường gió bụi trần gian, chúng con “con cháu Evà” không được là phượng hoàng tung cánh như chàng thì cũng là những con chim sẻ bay về Thiên cung để được đậu “Trên triều thiên ngời chói vạn hào quang” của Mẹ Hiền Maria.

TÔI CẢM ĐỘNG RƯNG RƯNG HAI HÀNG LỆ.
GIÒNG THAO THAO BẤT TUYỆT CỦA NGUỒN THƠ.
(ĐÁ CHỒNG GHỀNH RÁNG… SAO GIỐNG CHÀNG THI SĨ TÀI HOA)

(LM Antôn Nguyễn Trường Thăng – Hội An, ngày 12 tháng 11 năm 2010. Viết nhân ngày giỗ lần thứ 70 của Thi sĩ Hàn Mặc Tử.)

Tham khảo:
http://www.dunglac.org/index.php?m=module3&v=detail&ib=104
http://www.dunglac.org/index.php?m=module3&v=detail&ib=105

hailinh_HMT1

Hàn Mặc Tử và Chúa

(Lê Văn Lân – Mùa Phục Sinh 2005)

Hàn Mặc Tử: một kiếp khổ đau!

Cách đây 65 năm, vào buổi trưa ngày 11 tháng 11 năm 1940, một người nằm xuống sau nhiều năm tháng đau đớn, nứt nở thi.t da. Ông ta là bệnh nhân của trại cùi Qui Hòa mang số hiệu 1314. Trên cây Thánh giá trồng trên mộ phần của ông, ghi hàng chữ Phêrô Phanxico Nguyễn Trọng Trí. Đây chính là nhà thơ Hàn Mặc Tử.

Ông vừa giống lại vừa khác thế nhân chúng ta. Giống ở chỗ cùng mang kiếp nhân sinh, với thịt xương và một cấu trúc thần kinh cao đẳng, biết ăn, biết ngủ, biết cảm xúc, biết tư duy. Nhưng khác ở chỗ: Thế nhân chết đi thì rơi vào quên lãng, tĩnh mịch còn Hàn Mặc Tử chết rồi nhưng tiếng thơ còn mãi! Chúng ta chết rồi, linh hồn có thể còn khắc khoải chưa biết về đâu vì không trang bị .một niềm tin tưởng siêu linh, còn Hàn Mặc Tử thuở sanh tiền đã đối đầu và tôi luyện trong niềm đau khổ cực điểm nên linh hồn đã được thăng hoa trong một niềm tin vào Chúa!

Hàn Mặc Tử: Một linh hồn vượt hẳn cõi nhân gian!

Nhìn lại phong trào thơ mới ở Việt Nam khoảng 1932-1945, sự xuất hiện của tiếng thơ dồi dào và sâu đậm nhất trong khuynh hướng nói về cõi Chết, về siêu hình, nhất là về Chúa thì độc nhất có Hàn Mặc Tử .

Tập Thơ Điên của HMT khiến người đọc bỗng hoàn toàn rời khỏi cái thế giới thực tại của thế nhân đến nỗi Hoài Thanh trong cuốn Thi nhân Việt Nam phải thảng thốt viết rằng:

Một tác phẩm như thế, ta không thể nói hay hay dở, nó đã ra ngoài vòng nhân gian, nhân gian không có quyền phê phán. Ta chỉ biết trong văn thơ cổ kim không có gì kinh dị hơn…Ta chỉ biết ta đương đứng trước một người sượng sần vì bệnh hoạn, điên cuồng vì đã quá đau khổ trong tình yêu…

Ông Hoài Thanh thú nhận rằng ông phải bỏ ra ròng rã “ngót một tháng trời “để đọc toàn bộ thơ của HMT và ông “đã mệt lả” (sic) (tr.205) . Kể ra thật đúng khi ta tìm gập rất nhiều câu thơ như sau:

Hồn của HMT không những chỉ vơ vưởng trong cõi vô hình mà nhiều lúc đã:

Cười như điên sặc sụa cả mùi trăng…
Gào thét một hồi cho rởn óc
Cả thiên đàng, trần gian và địa ngục
(Hồn là ai?)
Hồn có lúc lạc vào nơi
thiên sầu, địa thảm giới Lâm bô,
có lúc lại bay ra Ngoài vũ trụ để:
Tắm gội trong nguồn ánh sáng,
Ca những điệu ngọc vàng cao sang sảng.

Hoặc có lúc tinh khiết, nhẹ nhàng ngoài mức ngôn ngữ phàm tục:

Thượng thanh khí tiết ra nguồn tinh khí
Xa xôi đồi trăng mọc nước Huyền vi
Đây miên trường, đây vĩnh cửu, tề phi
(Đừng cho lòng bay xa)

Hàn Mặc Tử: một viên kim cương trong giòng thơ Kitô giáo ở Việt Nam!

Hàn Mặc Tử đã sống đạo, chết đạo và sáng tác thơ Đạo một cách tha thiết khiến nhiều người cho Tử là một “nhà thơ tôn giáo”, nhưng thực sự Tử đã vượt hẳn lên cái mục đích “truyền bá đức tin” của những thừa sai và giáo đồ trong giai đoạn tiên khởi ở Việt Nam. Thơ của HMT là một sự cảm nghiệm độc đáo! Đọc thơ Tử, người ta bèn thấy nguồn đạo trong thơ Tử không hạn hẹp với ý nghĩa một tôn giáo mà là một cái gì thuộc về hoàn vũ (universel).

Hoài Thanh trong cuốn Thi Nhân Việt Nam (1941) nhận định rất đúng rằng:

“Hàn Mặc Tử và Chế Lan Viên, cả hai đều chịu rất nặng ảnh hưởng Baudelaire và qua Baudelaire, ảnh hưởng nhà văn Mỹ Edgar Poe, tác giả tập Chuyện lạ. Có khác chăng là Chế Lan Viên đã đi từ Baudelaire, Edgar Poe đến thơ Đường, mà Hàn Mặc Tử đã đi ngược lại từ thơ Đường đến Baudelaire, Edgar Poe và đi thêm một đoạn nữa cho gặp Thánh Kinh của đạo Thiên Chúa.

Chính nhờ Thánh kinh và tinh thần Tin Mến Cậy sốt sắng vào Thiên Chúa. thơ Hàn Mặc tử đưa người đọc gần Chúa vô cùng!

HMT vướng vào bệnh cùi lúc tuổi còn trẻ đang lúc yêu đời. Bệnh này như một đi.nh mệnh đã đọa đầy Hàn Mặc Tử trong một vũng đau thương tuyệt vọng:

…Tôi vẫn còn đây hay ở đâu?
Ai đem tôi bỏ dưới trời sâu?
(Những giọt lệ)

…Thân tàn ma dại đi rồi
Rầu rầu nước mắt bồi hồi ruột gan
(Muôn năm sầu thảm)

Hàn Mặc Tử trong bài “Hồn là ai” đã tự mô tả cái hành hạ thể xác bằng giọng thống thiết sau:

…Áo tôi là một thứ ngợp hơn vàng
Hồn đã cấu, đã cào, nhai ngấu nghiến
Thịt da tôi sượng sần và tê điếng
Tôi đau vì rùng rợn đến vô biên…

Dựa vào sự phát triển của bệnh cùi trong đời ông, ta thấy ba giai đoạn tương ứng trong thi nghiệp của ông:

1) Giai đoạn tiền bệnh: trước năm 1936 (nghĩa là trước lúc vô bệnh viện Qui Hòa (1937), đánh dấu bằng những tập “Đường luật” và “Gái Quê”với một giọng trong sáng, nồng thắm, yêu đời cuồng nhiệt, một khí lực phương cương dồi dào tính dục trong lứa tuổi đôi mươi.

2) Giai đoạn bệnh phát lộ đánh dấu bằng tập thơ “Đau Thương”, “Thơ Điên” nên tiếng thơ thống thiết, cực kỳ bi thảm như một con chim biết rằng mình sắp chết. Thiên kiến của người đời xa lánh mình cọng vào đó sự đau khổ vì tình duyên trắc trở đã làm HMT càng đau khổ:

Lòng ta sầu thảm hơn mùa lạnh
Hơn hết u buồn của nước mây
Của những tình duyên thường lở dở
Của lời rên xiết gió heo may

3) Giai đoạn cuối cùng của Hàn Mặc Tử được định mốc bằng tập thơ “Xuân Như Ý”. Khi ý thức rằng mình không còn hy vọng sống lâu HMT càng tìm nguồn giải thoát cho linh hồn khắc khoải qua tôn giáo và những khải thị siêu phàm. Giọng thơ không còn rên rĩ, mà thanh thoát, thăng hoa.

Vào bệnh viện Qui Hòa, thi nhân đã tập được đức tính an vui trong nguồn đau khổ. Trong một lá thơ gửi cho ông bạn thân là Trần Thanh Địch, Tử kể lại rằng mỗi ngày đều đều ông liên lỉ ít nhất năm sáu lần vừa đọc kinh vừa ngâm thơ.

Nhưng ba tháng sau, cơ thể quá suy kiệt và thêm bị chứng kiết lỵ nên vài ngày thì tạ thế (ngày 11 tháng 11 năm 1940 hưởng dương 29 tuổi).

Trên giường bịnh, biết mình sắp chết, tâm hồn thi nhân vẫn vô cùng sáng suốt và giữ một thái độ bình thản như sốt sắng viết một bản kinh nguyện bằng tiếng Pháp là La Pureté de l’âme. (Sự thanh khiết của linh hồn) để dọn mình về với Chúa.

Nhà văn TRẦN THANH ĐỊCH bạn chí thân của Hàn Mặc Tử và tác giả Lê Văn Lân.
Nhà văn TRẦN THANH ĐỊCH
bạn chí thân của Hàn Mặc Tử và tác giả Lê Văn Lân.

Lý tưởng Thiên Chúa giáo trong thơ Hàn Mặc Tử

Trên chủ trương sáng tác thi văn của ông, Hàn Mặc tử đã khẳng dịnh lý tưởng Thiên Chuá giáo của mình:

“Đức Chúa trời tạo ra trăng, hoa, nhạc, hương là để cho người đời hưởng thụ, nhưng người đời u mê phần nhiều không biết tận hưởng một cách say sưa, và nhân đấy chiêm nghiệm lẽ mầu nhiệm, phép tắc của Đấng Chí tôn. Vì thế, trừ hai loài trọng vọng là “ thiên thần” và “ loài người”, Đức Chúa Trời phải cho ra đời một loài thứ ba nữa: “ loài thi sĩ”! Loài này là những bông hoa rất quí và rất hiếm, sinh ra đời với một sứ mạng rất thiêng liêng: Phải biết tận hưởng những công trình châu báu của Đức Chúa Trời đã gây nên, ca ngợi quyền phép của Người, và trút vào linh hồn người ta những nguồn khoái lạc đê mê, nhưng rất thơm tho tinh sạch. (Thư gửi cho Trọng Miên: Quan niệm về Thơ).

Đọc thơ của HMT, người ta đã tìm thấy Thánh Kinh, cho nên lời thư viết trên này chỉ là phu diễn cái ý cốt tủy cho rằng thế gian này tạo ra do lòng yêu và vinh quang của Thiên Chúa.”Chính cái chìa khóa tình yêu đã mở tay Thiên Chúa tạo dựng các loài” (thánh Thomas d’Aquin). Sự sáng tạo là điều Chúa muốn như là một sự ân tứ dành cho con người, như là một tài sản chuyển đạt và giao phó cho con người thụ hưởng (Car la création est voulue par Dieu come un don adressé à l’homme, comme un héritage qui lui est destiné et confié.–Catéchisme de l’Église Catholique 1997).

Nhưng theo Tử, thì con người phàm tục thế gian ít khi hiểu đưôc và mang ơn “loài thi sĩ” nếu không nói là vô tình bạc đãi khinh khi.

Qua biểu tượng Máu và Hồn, Tử đã vô tình dự phóng bản ngã của mình trênhình ảnh của Chúa Giêsu trong gương cứu chuộc trong buổi Tiệc Ly với lời nói cuối cùng với các môn đệ trên bánh thánh và rượu nho:

“Này đây là Mình ta, hãy cất lấy mà ăn. Này đây là chén Máu ta, hãy cất lấy mà uống”.
Hàn Mặc tử, khi viết tựa cho tập Tinh Huyết của Bích Khê đã viết rằng:

“Sáng tạo là điều kiện cần nhất, tối yếu của thơ, mà muốn tìm nguồn cảm xúc mới lạ, không chi bằng đọc sách về tôn giáo cho nhiều. Như thế, thơ văn mới trở nên trọng vọng, cao quí, có một ý nghĩa thần bí.

Đọc nhiều thơ của HMT, người ta thấy tràn ngập nào là ánh sáng, nào là hương, nào là hoa, nào là châu báu, nào là tiếng nhạc, nào là lời kinh… ít ai ngờ đó là khung cảnh trang hoàng để phụng vụ trong những giáo đường Công giáo trong thực tế mà trí tưởng tượng phong phú của thi nhân đã chuyển hóa ra thành những lời thơ trọng vọng… Ngay cả những lời thơ trùng trùng điệp điệp về sự vãi máu, nôn khạc huyết ra từ cổ họng của HMT, biết đâu chẳng đã được gợi hứng từ hình ảnh con chim bồ nông mổ ngực để máu vọt ra cho đàn chim con xúm lại mà uống; hình này thường được chạm trên cánh cửa của Nhà Tạm đựng Mình Thánh Chúa trên bàn thờ của giáo đường (Chim bồ nông – pélican là loài thủy điểu, khi bắt được mồi thường nuốt tạm và chứa trong cái bìu da ở cổ họng để đem về cho bày con mổ vào họng mình ra mà ăn. Do đó, có truyền thuyết là chim bồ nông tự mổ ngực mình ra để lấy máu nuôi con.

Thánh Thomas d’Aquin trong Vần thơ Thánh vịnh (Rhythmus Sancti) đã dùng hình ảnh chim này mà ca vịnh Thánh thể như hình Chúa Giêsu đổ huyết ra vì nhân loại. Còn Alfred de Musset, nhà thơ Pháp (1810-1857) đã thi vị hóa hình ảnh bồ nông như thân kiếp của thi nhân làm thơ bằng máu lệ của mình trong một bài thơ danh tiếng.

HMT lấy hứng về thi liệu từ Kinh thánh và những bài kinh nguyện của tín đồ Công giáo để xây dựng tứ thơ của mình.

Bài Thánh Nữ Đồng trinh trứ danh của HMT đã diễn đạt lại ý tứ của kinh Kinh Mừng quen thuộc của người Công giáo với một giọng vô cùng thành khẩn:

…Lạy Bà là Đấng tinh tuyền thánh vẹn,
Giầu nhân đức, giầu muôn hộc từ bi,
Cho tôi dâng lời cảm tạ phò nguy
Cơn lậm lụy vừa trải qua dưới thế
Tôi cảm động rưng hai hàng lệ
…Tấu lạy Bà, lạy Bà đầy ơn phước,
Cho tình tôi nguyên vẹn tựa trăng rằm

Theo Linh mục Phan Phát Hườn, bài AVE MARIA của Hàn Mặc Tử mà trong đó có các đoạn thơ trên đây đã gây một xúc cảm sâu xa trong tâm hồn người đọc, công giáo hay không công giáo. Đọc bài thơ này người ta liên tưởng tới bài LA VIERGE À MIDI của Paul Claudel, hai bài thơ đều nói về Trinh nữ Maria nhưng hai giọng văn khác hẳn. Đọc lên bài thơ của Claudel ta chia sẻ những tâm tình của một người vô thần sau khi đã quay về với Chúa, tỏ tình rất mực đơn sơ với Trinh Nữ. Đọc lên bài Ave Maria của Hàn Mặc Tử, ta cảm được, ta sờ được, ta thấy được sự cao sang của Trinh Nữ.

Trong thi ca của HMT, người ta còn bắt gặp một ý thơ khác lấy từ Kinh Tin Kính như:

Ngày tận thế là ngày tán loạn
Xác của Hồn, Hồn của Xác y nguyên.

HMT lại mang cái thị kiến của thánh Yoan trong sách Khải huyền về thành thánh Yêrusalem: “ánh quang của thành tỏa ra tựa hồ minh châu cực quí, như ngọc thạch bóng lộn ánh lưu ly…vào bài Xuân Đầu tiên của mình qua câu:

…Trái cây bằng ngọc vỏ bằng gấm
Còn mặt trời kia tợ khối vàng
…Trên chín tầng diêu động cả trân châu
Dường sống lại muôn ngàn hoa phẩm tiết.

Niềm khổ đau cứu độ

Khảo sát về thơ Hàn Mặc Tử, chúng ta nhìn thấy một thiên tài. Bệnh hoạn và nghi.ch cảnh chỉ là những tác nhân duyên khởi đã bức bách thiên tài này sáng tác ra nhiều bài thơ kỳ lạ như những hạt cát khiến những con trai dưới biển sanh ra những hạt trân châu.

Với Hàn Mặc Tử, sự đau đớn về thể xác, niềm tủi cực về tinh thần cũng gây ra một phản ứng điên đảo khiến ông cười, nói, gào, thét lung tung để giải thoát tâm tư. Nhưng ông không hề loạn trí, nghĩa là điên thực sự mà nói năng không mạch lạc theo luận lý. Tập “Thơ Điên” là sự chuyển hoá sự đau khổ qua một “hiện tượng thoái hồi” như là một phản ứng chống đỡ tự nhiên để giữ quân bình lành mạnh cho trí óc.

Hàn Mặc Tử, cũng như bao thi nhân vĩ đại có điểm độc đáo phi thường là đau khổ không dìm sâu họ xuống bùn đen mà đưa họ lên cao lên cao gần Thượng Đế.

Ở Hàn Mặc Tử, thể xác đau đớn ê chề nhưng linh hồn thì thăng hoa trong sáng nhờ đôi cánh của tôn giáo được chắp vào trí tưởng của thi nhân.

Hàn Mặc Tử trong tận cùng đau khổ của thế gian đã tự ví mình: khi xưa ta là chim phượng hoàng, Vỗ cánh bay chín tầng trời cao ngất”; ý tứ mình “cao cường hơn ngọn núi”; hồn mình “chơi vơi trong khí hậu chín tầng mây”

Trong bài viết Mùa Chay: Suy nghĩ về Đau Khổ trong Nguyệt san Đức Mẹ Hằng Cứu giúp số 223, tháng 03- 2005, tác giả Thế Hùng đã viết:

“Chúa Giêsu là gương mẫu sống động cho những người đau khổ” Chúa Giê su không cho chúng ta một câu trả lời trừu tượng về vấn nạn đau khổ.Hơn thế, Ngài cho chúng ta một câu trả lời sống động và một gương mẩu để đi theo. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã chỉ ra điều này một cách rõ nét trong Tông Thư năm 1984 “Salvicifi Doloris” (Ý nghĩa về Đau khổ con người theo Kitô giáo). Ngài viết rằng khi có ai hỏi Chuá Kitô tại sao con người phải đau khổ, người đó “không thể không chú ý đến Người đặt câu hỏi vì chính Người đó cũng đau khổ và ao ước trả lời câu hỏi đó từ chính thập giá, từ con tim đau khổ của Người… Chuá Kitô không giải thích một cách trừu tượng lý do vì sao có đau khổ, nhưng trước hết, Ngài nói:

Hãy theo Ta! Qua cuộc đau khổ của con, con hãy dự phần vào công cuộc cứu rôĩ thế giới. Dần dần khi cá nhân đo vác lấy thập giá mình, trong tinh thần liên kế với thập giá Chuá Kitô, ý nghĩa cứu độ của đau khổ sẽ hiện ra trước mắt người đó”

Hàn Mặc Tử lại dự phóng sự đau khổ của mình như hình ảnh cứu chuộc của Chúa GiêSu: qua một hiện tượng “tự đồng hoá” (identification) với Chuá Kitô về tuẫn đạo (Martydom). HMT đã tự gán cho mình vai trò làm Thi Nhân đã đổ hết bao nhiêu nguồn máu lệ, đã từng uống mật đắng cay trong khi miệng vẫn tươi cười sốt sắng. (Thay lời Tựa – Xuân Như Ý). Trong bài Nguồn Thơm, HMT đã nhiệt tình tôn vinh những người đã vác Thập gía theo chân Chuá Giêsu:

Đây, thi sĩ của đạo quân Thánh giá
Nửa đêm nay vùng dậy để tung hô
Để sớt cho cả xuân, xuân thiên hạ
Hương mến yêu là lộc của lời thơ

Hàn Mặc Tử lại còn tha hóa tình cảm của mình khi mơ đến một “mùa Xuân Thái Hòa” của “năm muôn năm, trời muôn trời” cho cả và thiên hạ.

Linh hồn của con người đau khổ thường hay lên gần Chúa. Đó là tâm trạng của Hàn Mặc Tử trong những ngày cuối cùng bệnh hoạn, khổ đau trong trại cùi Qui Hòa. Hàn Mặc Tử đã thị kiến đến một mùa Xuân Như Ý:

“Vinh quang Chúa cả trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm”.Câu thánh vịnh về mùa Giáng Sinh này đã khơi nguồn cho Hàn Mặc Tử khi viết như sau:

Tứ thời xuân! Tứ thời xuân non nước!
Phút thiêng liêng nhuần gội áng thiều quang
Thiên hạ bình, và trời tuôn ơn phước
Như triều thiên vờn lượn khắp không gian
(Nguồn thơm)

Ý thơ của Hàn Mặc Tử trong tập Xuân Như Ý khai triển một cách kỳ diệu vô cùng. Tử cho rằng mình giống Khổng Tử khi chép kinh Xuân Thu với một cảm hứng dào dạt:

Ngời phép lạ của đức tin kiều diễm
Câu tàn tạ không khen long cả phiếm
Bút Xuân Thu mùa nhạc đến vừa khi
(Đêm xuân cầu nguyện)

Sự thăng hoa của Hàn Mặc Tử được kết tinh bằng hình ảnh của một thiên đường đầy vẻ đẹp tuyệt vời mà con người không còn than khóc, đau khổ nữa, một thiên đường đầy: “Nhạc thơm, hương ấm, mộng ngọc, hoa trinh bạch, đàn ly tao, tranh tuyệt phẩm”.

Câu nói của thi sĩ Pháp Alfred de Vigny: “Những khúc hát tuyệt vọng nhất là những khúc hát đẹp vô vàn.”phải chăng rất đúng khi áp dụng vào trường hợp của nhà thơ vô cùng khổ đau Hàn Mặc Tử.

Như là một lời kết, chúng ta hãy nghe Linh mục Phan Phát Hườn nhận định rằng:

Hàn Mặc Tử bằng thi thơ của mình muốn nói lên điều mà ông TIN, điều mà các nhà thần học đã tốn biết bao nhiêu mực, bao nhi u giấy từ hế kỷ này qua thế kỷ khác nói về sự kiện lịch sử Chúa xuống thế làm người, về mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể trong cung lòng của Trinh Nữ Maria. (Đức Tin trong thơ Hàn Mặc Tử – Tựa cho cuốn Hàn Mặc Tử: Đau Khổ và Thơ của Lê văn Lân)

Với tâm tình của người yêu thơ Hàn Mặc Tử, bài viết này xin được xem như một nén tâm hương cho một thi hào đã dùng những đau khổ và máu lệ của mình mà nhào nặn ra biết bao lời thơ đẹp và sâu săc tuyệt vời như những hạt kim cương.

(Lê Văn Lân – Mùa Phục Sinh 2005)

Ca trưởng Hải Linh.
Ca trưởng Hải Linh.

Hồn Nhạc Bất Tử, Thiên Tài Hải Linh (1920-1988)

(Hòa Giang Đỗ Hữu Nghiêm)

1. Tuổi Thơ Nhạc

Phanxicô Assisi Trần Văn Linh được hạ sinh ngày 4/10/1920 và về cõi thiên thu ngày 6/1/1988.

Cậu Trần Văn Linh chảo đời ngày 4 tháng 10 năm 1920 tại Ứng Luật, Phát Diệm (Ninh Bình), một vùng quê bạt ngàn do Nguyễn Công Trứ hướng dẫn lập nên và lần đầu đón nhận Tin Mừng do Thánh Phanxicô Xaviê được lịch sử Giáo Hội Việt Nam nhắc đến thế kỷ 16. Sau đó, từ thế kỷ 17, Thừa Sai Đắc Lộ, Dỏng Tên từng truyển giảng có hiệu quả với nhiểu tu sĩ linh mục thuộc nhiều dòng tu khác nhau. Cậu ra đời đúng ngày lễ kính Thánh Phanxicô thành Assisi, nên song thân theo truyển thống đạo đức tốt lành của người Việt Nam Công Giáo là chọn ngay vị thánh mừng lễ hôm đó làm Thành bổn mạng cho cậu. Ngày này khác với ngày tháng ghi trong giấy khai sinh là 30/10/1920.

Cậu là người con thứ 2 của ông bà Trần Đức Minh và Nguyễn Thị Lan (người trong thôn làng, xứ đạo thường gọi là cố Chánh Minh). Gia đình của cậu có 4 con trai và 3 con gái. Ngoài cậu là anh thứ hai, cậu có người em là Trần Đức Hoan về sau bước lên bàn thánh làm linh mục. Thân phụ có năng khiếu sinh sống bằng nghề đắp tượng, thân mẫu làm bà ”quản” phụ trách dâng hoa, ngắm lễ, dâng hạt… tại nhà thờ Lưu Phương, Phát Diệm. Chính lời kinh, tiếng hát du duơng thánh thót của thân mẫu và bàn tay điêu khắc nghệ thuật tinh vi của thân phụ đã là những nhân tố di truyền, tác thành nên một thanh niên Hải Linh giàu cảm hứng, biết rung cảm, say mê đắm đuối trong suối nhạc, nguồn thơ, như người đang xuất thần

2. Con Đường Đi Vào Nhà Chúa, 1931 – 1934

Năm 1931, cậu được gia đình dâng cho Chúa tại Giáo xứ Đại Đê (Bùi Chu) do Cha già Trác dìu dắt bảo trợ trong tình thương yêu. Cha già còn có tên về sau là Trần Đức Trị.

Trong giai đoạn 1932-1934: cậu được nhận vào tu học ở Trường Thử Trung Linh (Bùi Chu). Thiên tài âm mnhạc của cậu bộc lộ rất sớm Cậu tỏ ra say mê và có năng khiếu về âm nhạc, coi âm nhạc là nguồn sống. chưa hiểu gì về nhạc lý nhưng đã bắt đầu sáng tác theo nguồn gợi hứng tự nhiên.

Cậu tiếp tục gia nhập Tiểu Chủng Viện Ninh Cường, 1935-1936 (Bùi Chu) sau khi mãn trường thử. Học xong hết chương trình Tiểu Chủng Viện cậu được chỉ định giúp xứ An Bài (1937-1938).Hai năm sau thấy nằng lực và sở trường của thầy, Bề Trên giáo phận chuyển thầy làm Giáo sư trường Thầy giảng Bùi Chu (1940-1945).

Con đường sáng tác khởi đầu từ đây. Năm 1944, ca khúc ra mắt đầu tiên ”Mẹ ơi! đoái thương xem nước Việt Nam” trùng hợp với phong trào ca nhac dân tộc tràn làn khắp miền Bắc, từ Hà Nội bành trướng như cơn lũ trong những thanh niên say sua ânm nhạc như Thiên Phụng, Hùng Lân, Nguyễn Khắc Xuyên Hoài Đức.

Xuống đến miệt trung châu Bắc Phần, cùng với Vũ Minh Trân sáng tác và xuất bản Tuyển Tập Ca Vịnh về Đức Mẹ Đặc biệt về dâng hoa. Người ưa vãn dân hoa kinh Đức Mẹ không thể quên bài Au Paradis được sáng tác trong thời gian này.

Cùng với Vũ Minh Trân và nhiều bạn hữu thành lập nhạc đoàn Sao Mai. Đóng góp cho Nhạc Đoàn Sao Mai này gồm các Thầy như:

Nguyễn Quang Lãm,
Thăng Ca (Ngô Duy Linh),
Thiên Hương (Lê văn Tế),
Võ Thanh (Vũ Đình Trác),
Thiên Phước Hồ Khanh (Trần Thái Hiệp),
Hương Trinh (Trần Thiện Cẩm),
Đinh Vương Tịnh,
Đinh Vương Trung,
Đỗ Văn Qúy,
Phạm Liên Hùng.

3. Phong Trào Sáng Tác Thánh Nhạc Nở Rộ, 1945 – 1950

Giáng Sinh 1945 rộn ràng chào đón cầu nguyện vànố nức thưởng thức sáng tác Thánh ca bất hủ Hang Belem. Be Lem mở màn cho phong trào sáng tác phong phú kèo dài suốt 42 năm, gần nửa thế kỷ với các bạn nhạc khác như tác giả Cao Cung Lên, Vào Trong Hang Đá, … trong Cung Thánh Hợp Tuyển của một số nhạc sĩ Hà Nội và một loạt thánh ca Giáng sinh lam nức lòng người . Hang Belem đã được chính Minh Châu Đỗ Minh Phúc (người vợ của ông hiện còn sống trong tuổi già với con cháu ở tiểu bang Kentucky) lo ấn loát kiêm phát hành.

Hải Linh gởi lên thủ đô Hà Nội một số bản để phổ biến, đồng thời chính tác giả đem theo bản nhạc về Phát Diệm. Thánh lễ nửa đêm Giáng Sinh, chính Hải Linh điều khiển Hội Ca Vịnh Nhà Thờ Chính Tòa Phát Diệm hợp xướng Hang Belem.

Cũng chính trong Thánh Lễ này, Linh mục Giám đốc Đại chủng viện Phát Diệm Phạm Ngọc Chi (sau này làm Giám Mục) điều khiển các Đại Chủng Sinh Phát Diệm hợp xướng bản Tìm Hang Đá của Linh mục Phương Linh mới sáng tác trước đó ít ngày. Ngay sau Thánh lễ, cha giàm đốc Phạm Ngọc Chi tìm gặp Thầy Hải Linh với lời khen ngợi đầy chân thật:

“…bản nhạc của Thầy là một tuyệt tác. Hãy tiếp tục nghiên cứu âm nhạc và sáng tác thêm…”.

Kể từ đó, tác giả bản nhạc bất hủ này đã lôi cuốn cha Phạm Ngọc Chi lưu ý đến.

Thực sự thiên tài Hải Linh đã vùi đầu say sưa vào nghiên cứu âm nhạc, sáng tác thêm một số nhạc phẩm nổi tiếng: Chiến Sĩ Phúc Âm, Tiếng Nhạc Oai Hùng, Hương Quê, Thanh Niên Ca, Xuân Bính Tuất. Tất cả những nhạc phẩm này được phổ biến rộng rãi và được quần chúng tín đồ đón nhận nồng hậu, và trở thành bất tử trong dòng thánh nhạc Công Giáo.

4. Du Học Sinh Âm Nhạc Tại Nước Ngoài, 1950 – 1956

Sau khi Giám Mục Hồ Ngọc Cẩn từ trần năm 1948, thì năm 1950: Tòa Thánh bổ nhiệm Đức Cha P.M. Phạm Ngọc Chi phục vụ Giáo Phận Bùi Chu kế vị. tách lập với giáo phận Thái Bình. Lãnh nhận sứ mệnh mục vụ mới tại địa phận, công việc đầu tiên Ngài thi hành là tuyển chọn 50 tu sĩ, chủng sinh đi du học ngoại quốc về các ngành chuyên biệt khác nhau. Thầy Hải Linh là một trong số những chủng sinh được cử đi học về âm nhạc tại Roma. Tuy nhiên, trước khi đi Roma, thầy Hải Linh lên Hà Nội gặp Thẩm Oánh và một số nhạc sĩ để bàn thảo một đường hướng mới.

Học tại Âm Nhạc Viện ở Roma chỉ một thời gian ngắn, rồi sau đó Thầy Hải Linh qua Paris (Pháp, cư ngụ chung nhà với Linh Mục Lương Kim Định tại 21 Rue Beaurepaire, Paris X. Suốt 6 năm thụ huấn tại Trường Âm Nhạc Cesar Franck (một trường nổi tiếng chuyển huấn luyện về sáng tác) và Học Viện Institute Gregorien De Paris (chuyên giảng dạy về Bình ca). Tốt nghiệp các văn bằng Composition Musicale, Chef De Choeur, Diplome De Chant Gregorien với luận án “La Couleur Vietnamienne Dans Le Chant Gregorien” Màu Sắc Việt Nam Trong Bình Ca.

Theo Linh Mục Nhạc sĩ Hoàng Kim, Giáo sư Guy De Lioncourt, Giám Đốc Nhạc Viện Cesar Franck đã nói:

“…trong suốt cuộc đời dạy học của tôi, tôi chỉ gặp được 2 thiên tài: đó là Hải Linh và Kishio Hirao (Trưởng ban nhạc Đài phát thanh Tokyo, Nhật Bản)”.

Chính trong thời gian này, Trường ca Ave Maria ra đời. Thiên tài âm nhạc Hải Linh đường như được Chúa quan phòng để găp được Hàn Mặc Tử trong dòng suối thơ nhạc thần bí xuất thần. Người viết về Hải Linh đã may mắn đơn ca “Như Song Lộc Triều Nguyên…Ơn Phước Cả…” trong Trường Ca Ave Maria với các ca viên của Ca đoàn Trùng Dương dưới quyền điều khiển của ca trưởng Trần Văn Quí, một cựu sinh viên của Dòng Chúa Cứu Thế tại nhà nguyên Regina Pacis số 42 đường Tú Xương Sàigòn trược sự hiện diện chủ tọa của chính Giám Mục Khâm Sứ Toà Thánh Tại Việt Nam Cộng Hoà vào Mùa Giáng Sinh năm 1965. Tất cả những sáng tác sau này đều không ra ngoài trong hai chủ đề cơ bản: Tôn Vinh Thiên Chúa và Tán Tụng Quê Hương.

5. Phục Vụ tại Nhạc Viện Sàigòn, 1956 – 1960

Trở về Việt Nam, nguồn suối của thi hừng âm nhạc dân tộc, Thầy Hải Linh phụ trách giảng dạy Hợp ca tại Nhạc viện Sài gòn. Chính trong thời gian này, Ca Đoàn Hồn Nước xuất hiện với nhiều nhạc phẩm được sáng tác: Ra Đời – Đà Lạt Trăng Mờ – Duyên Kỳ Ngộ – Chuỗi Cười – Tiếng Thu – Hò Non Nước – Nhạc Việt – Cóc Quân – Chinh Phụ Ngâm – Cung Đàn Bạc Mệnh – Lòng Mẹ – Nữ Vương Hòa Bình.

Mùa Giáng Sinh năm 1957, Ca Đoàn Hồn Nước ra mắt lần đầu trình diễn tại rạp Thống Nhất (Sài gòn), nhất là với trường ca Ave Maria dưới quyền điều khiển của Nhạc sư Hải Linh.

Năm 1958, Ca Đoàn Hồn Nước chính thức ra mắt tại Thảo Cầm Viên Sài gòn. Đà Lạt Trăng Mờ được trình tấu với phần nhạc đệm do Ban Nhạc Đại Hòa Tấu New York Của Nhạc Trưởng Sherman cũng đặt dưới quyền điều khiển của Nhạc sư Hải Linh.

Năm 1959, Nhạc Trưởng Hải Linh điều khiển Ca Đoàn Hồn Nước trong Thánh Lễ Đại Trào Đại Hội Thánh Mẫu Toàn Quốc do Hồng Y Agagianian chủ tọa. Bài Nữ Vương Hòa Bình được giải nhất trong dịp này.

6. Thâm Cứu, Trao Đổi về Giáo Dục Âm Nhạc tại Hoa Kỳ, 1961 – 1970

Năm 1961 đi Hoa Kỳ trao đổi thâm cứu về Âm Nhạc và Giáo Dục. Tại đây, Nhạc sư Hải Linh có dịp ra mắt nhạc giới Hoa Kỳ thể hiện nghệ thuật điều khiển hợp ca thiên phú, độc đáo và tinh vi, được các Nhạc trưởng, nhạc công và thính giả Hoa Kỳ hết lời ca ngợi. Trong thời gian này, Nhạc Sư được mời giảng dậy một số giờ tại Viện Ngôn Ngữ Đông Phương ở California.

7. Trở Lại Việt Nam Với Nhiệm Vụ Mới, 1970 – 1975

Năm 1970 Nhạc Sư Hải Linh rời Hoa Kỳ qua Paris (Pháp) rồi về thẳng Sài gòn theo lời mời của Hội Đồng Giám mục Việt Nam để thực hiện những dự tính về Âm Nhạc.

Giáo sư Âm Nhạc tại Trường Sư Phạm,Viện Đại học Đà Lạt (1970 – 1975). Phát triển và đưa Ca Đoàn Hồn Nước tới trình độ nghệ thuật tinh vi điêu luyện hơn. Hoàn tất huấn luyện 40 lớp Ca Trưởng tại Sài gòn và Đà Lạt. Thực hiện xong băng nhạc một giờ hợp ca 1 & 2.

Năm 1972, Đại Hội Thánh Nhạc Toàn Quốc khai diễn tại trường Lasan Taberd, Saigon do Ủy Ban Thánh Nhạc, Hội Đồng Giàm Mục Việt Nam, tổ chức. Nhạc sư Hải Linh điều khiển Ca Đoàn Hồn Nước và Ca Đoàn Đại Hợp Xướng Liên Tu Sĩ. Nhạc Sư trở lại bục điều khiển ở Việt Nam sau 12 năm vắng bóng đã đem lại niềm tin tưởng, phấn khởi cho nhiều giới yêu chuộng nghệ thuật Âm Nhạc, nhất là nhạc trưởng tại các csa doàn xú đạo. Thời gian này, có thêm nhiều sáng tác mới: Thằng Bờm – Ra Khơi – Ngài Là Thiên Chúa ((Kinh Te Deum)…

8. Âm Thầm Huấn Luyện Ca Trưởng Các Ca Đoàn Giáo Xứ, 1975 – 1986

Trong tình hình mới sau 30/4/1975, Nhạc Sư âm thầm kiên trì tiếp tục giảng dạy sáng tác, huấn luyện ca trưởng tại tư gia, nhất là các giáo xứ vùng Sàigòn Gia Định. Nhạc Sư vẫn có thêm nhữn q sáng tác thánh nhạc đặc sắc: Hồng Ân Thiên Chúa – Tán Tụng Hồng Ân – Bến Thiên Đàng – Khúc Ca Mặt Trời – Trường Ca Các Tạo Vật – Vinh Danh Thiên Chúa – Yêu Con Đời Đời – Con Bướm Trắng – Tình Nước Non – Hoan Ca Mùa Trường Xuân – Chúa Khởi Thắng – Bộ Lễ Nữ Vương Hòa Bình – Chúc Tụng Thánh Giuse – Hòa Tấu Khúc Chuông Hòa Bình…

Các mùa Giáng Sinh 1976, 1977, 1978 đều hướng dẫn cho các môn sinh tổ chức những chương trình cầu nguyện Thánh ca tại các trung tâm sinh hoạt công giáo Sài gòn. Đặc biệt, mùa Giáng Sinh 1979, nhờ sự giúp đỡ của cha sở Nhà thờ Huyện Sĩ, Nhạc sư Hải Linh đã tổ chức một Đêm Thánh Ca Giáng Sinh mang tầm mức quy mô và rộng lớn.

Tôi có may mắn đến thăm người cháu là một cựu tu sĩ dòng Salêdiêng Việt Nam, đang thụ huấn lớp Ca Trưởng của Nhạc Sư Hải Linh tại Nhà Thờ Huyện Sĩ. Nhạc Sư luôn luôn lạc quan và kiên trì say mê những buổi huấn luyện như vậy trước khi rời bỏ Việt Nam.

Sau đó, Nhạc Sư tiếp tục tổ chức những buổi cầu nguyện Thánh ca tại Dòng Phanxicô Đakao (Sài gòn) nhân dịp Kỷ Niệm 800 Năm Sinh Nhật Thánh Tổ Phụ Dòng. Trường ca Các Tạo Vật (bản dịch của Linh mục Vũ Đình Trác) được hoàn thành và trình tấu dịp này.

Mùa Giáng Sinh 1980, khi đang huấn luyện hướng dẫn các ca trưởng, các môn sinh để tổ chức Đêm Cầu Nguyện Thánh Ca Thần Nhạc Lên Ngôi, quy tụ hầu hết các ca đoàn lớn tại Sài gòn thì biến cố đau thương xảy tới: Vụ Án Đắc Lộ (Dòng Tên) đã làm tê liệt hầu hết các ca đoàn.

Biến cố nói trên chỉ xảy ra trước Giáng Sinh 1980 có một tuần lễ.

Kể từ sau biến cố này, Nhạc sư Hải Linh âm thầm rút vào bóng tối. Tuy nhiên vẫn tiếp tục dạy sáng tác và ca trưởng cho từng nhóm nhỏ do các giáo xứ gởi đến. Nhạc Sư vẫn tiếp tục hoàn chỉnh hai tác phẩm bất hủ:

a. Lối Viết Thoáng Mỏng
Đây là tác phẩm trình bày một chiều hướng sáng tác độc đáo, toát lên nét đẹp thanh thoát nhẹ nhàng của nền văn hóa Á Đông, đặc biệt là Việt Nam. Tác phẩm trình bày lối viết nhạc Việt không cầu kỳ, rườm rà, đồ sộ, hoành tráng với những nhạc cụ lớn lao như nhạc Tây phương.

Theo nhạc sư nhận định, thế giới ngày nay đang đi tìm một cái gì nhẹ nhàng thanh thoát đáp ứng với nguyện vọng thâm sâu của tâm hồn sau những giẩy phút cảm thấy bấn loạn và bất an. Trong những giờ dạy sáng tác, Nhạc sư Hải Linh luôn luôn nhấn mạnh đến yếu tố này cho các môn sinh.

b. Trình Tấu Sống Động.
Nội dung tác phẩm này hướng dẫn phương cách điều khiển một Ban Hợp Ca sao cho đạt tới một trình độ nghệ thuật tinh vi, diễn tả được cái hồn của bản nhạc.

Cả hai tác phẩm này hiện nay đang được thảo luận và tìm phương tiện để ấn hành cùng với những nhạc phẩm của Nhạc sư Hải Linh.

9. Sinh Hoạt Trở Lại Ngắn Ngủi Tại Hoa Kỳ, 1986 – 1987

Sau khi hoàn tất mọi thủ tục, nhạc Sư Hải Linh trở lại Hoa Kỳ. Đáp xuống phi trường San Francisco hồi 8 giờ tối ngày 19 tháng 5 năm 1986. Với giúp đỡ chuẩn bị và sắp xếp của Linh Mục Nhạc sư Ngô Duy Linh, ngay hôm sau, hồi 10 giờ 30 tối ngày 20 tháng 5 năm 1986, Hải Linh đặt chân tới New Orleans, ngụ tại căn nhà số 3876 Eastview Dr., Harvey, Louisiana (nơi đây có các Cha Ngô Duy Linh, Vũ Hân, Phạm văn Tuệ).

Chưa kịp nghỉ dưỡng sức vì chỉ 2 tuần sau, Hải Linh đã lăn xả tập dượt nhanh vội cho Ca Đoàn Hợp Tuyển Việt Nam Tại New Orleans, kịp trình diễn Thánh ca trong Hội Nghị Thánh Nhạc Hoa Kỳ vào chiều ngày 1/7/1986. Đây là buổi điều khiển đầu tiên sau 16 năm rời Hoa Kỳ.

Trong buổi trình diễn này, Nhạc sư Hải Linh đã được 800 ca nhạc sĩ, nhạc công Hoa Kỳ tán thưởng nồng nhiệt. Đây là thành phần cử tọa nghiêm chỉnh, chọn lọc, với một trình độ âm nhạc điêu luyện nhuần nhuyễn. Sau khi trình diễn, Linh mục Giám đốc Ủy Ban Phụng vụ Thánh nhạc Hoa Kỳ, cha Virgil C. Funk đã khiêm tốn đến chào mừng Nhạc sư Hải Linh:

“…tất cả đều dưới bàn tay của ông. Tôi không biết phải dùng những lời cho xứng đáng. Ông nên đưa ca đoàn Việt Nam đi trình diễn Thánh ca trên nước Mỹ. Chúng tôi sẽ giúp đỡ ông…”.

Từ tháng 8 năm 1986 tiếp tục mở những lớp huấn luyện ca trưởng tại khắp các tiểu bang ở Hoa Ky: New Orleans, California, Portland Oregon, Dòng Đức Mẹ Đồng Công Missouri, Dallas-Fort Worth (Texas). Trong thời gian này, Hai Linh nhiệt tình tham gia sáng tác những bản Thánh Ca chuẩn bị cho đại lễ tôn phong, Kính Mừng Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, Bài Ca Khải Hoàn.

Mùa Giáng Sinh 1986, hướng dẫn và cố vấn cho các buổi trình diễn Thánh ca Giáng Sinh tại California. Ngoài ra, điều khiển ca đoàn La Vang tại Portland, Oregon trong Thánh lễ Đại trào cho kỳ hành hương 1986, 1987.
Nhân dịp Giáo Phận Thái Bình mừng Kỷ Niệm 50 Năm Thành Lập, nhạc sư Hải Linh qua Houston, Teaxas gặp gỡ tiếp xúc và hướng dẫn các ca đoàn tại đây. Đã có chương trình mở lớp huấn luyện ca trưởng tại vùng Houston.

Tháng 7/1987 rời Portland, Oregon về Missouri giúp Ban Thánh Nhạc và mở lớp ca trưởng tại Dòng Đức Mẹ Đồng Công. Điều khiển Ca Đoàn Tổng Hợp trong Thánh Lễ Đại Trào Ngày Thánh Mẫu Tháng 8/1987.

Dịp Thanksgiving cuối tháng 11/1987, mở lớp ca trưởng tại Dallas-Fort Worth. Rời Dallas-Fort Worth trong một tâm trạng phấn khởi và tươi vui. Chuẩn bị cho lớp ca trưởng tại Houston theo yêu cầu của giới trẻ tại đây…

Theo lời mời của Linh mục Nhạc sư Ngô Duy Linh, Nhạc sư Hải Linh đã nhận lời hướng dẫn phần nghệ thuật các Thánh ca trong Thánh lễ đêm Giáng Sinh tại họ Đức Mẹ Lên Trời, Avondale, Louisiana. Điều Khiển Cộng Đồng Hợp Xướng Bản Hang Bê Lem. Đây la lần điều khiển và đệm phong cầm cuối cùng trong cuộc đời. Hang Be Lem đã mở đầu cuộc đời sang tác của Nhạc Su thề nào thì Hang Be Lem cũng tiễn đưa nhạc sư về cõi thiên thu như vậy. Hải Linh là một huyền nhiệm cho nền ca nhạc của giáo hp65i và dân tộc Việt Nam.

10. Cuộc Tiễn Đưa Về Thế Giới Bên Kia, 1988

Hồi 5 giờ chiều ngày 5 tháng 1 năm 1988 rời New Orleans đi Los Angeles, California Chuẩn Bị Tập Hát Dịp Lễ Phong Thánh. Trước khi tới Los Angeles, máy bay ngưng ở Dallas một thời gian ngắn, gặp và nhắn nhủ anh em nhóm Dallas-Fort Worth.

Đêm 5/1/1988 tới Los Angeles trong một lúc mệt mỏi vì tuổi đã cao và phải ngồi trên máy bay lâu giờ. Trải qua một đêm trằn trọc, mất ngủ… vì say mê âm nhạc, quên mọi sự.

Ngày 6/1/1988, mệt mỏi và muốn tới phòng mạch Bác sĩ. Sau những giây phút đau đớn dồn dập, Nhạc sư Hải Linh từ trần như quên mình sẽ rời bỏ mọi vinh hoa thế gian hồi 6 giờ 30 chiều (giờ địa phương) tại bệnh viện Fountain Valley, California, hưởng thọ 68 tuổi.

Linh cửu được đặt tại Nhà Quàn, Hội Việt Nam Tương Tế (Nghĩa Trang Melrose Abbey, 2302 South Manchester, Anaheim, California).

Thánh lễ tiễn đưa cử hành vào lúc 5 giờ 15 chiều thứ Tư ngày 13 tháng 1 năm 1988 tại Thánh đường Saint Callistus (Cộng đoàn Tam Biên) 12921 Lewis St., Garden Grove, California.

Linh cửu được không vận về New Orleans, Louisiana trên chuyến bay số 798 Delta Airlines. Máy bay rời Los Angeles hồi 12:20PM (giờ địa phương) tới New Orleans lúc 5:44PM (giờ địa phương) ngày 14 tháng 1 năm 1988.
Thánh lễ cầu nguyện được cử hành tại Westside Funeral Home, Westbank Expressway, Marrero, Louisiana vào hồi 5 giờ chiều ngày 15 tháng 1 năm 1988.

Hồi 9 giờ sáng ngày 16 tháng 1 năm 1988 chuyển linh cửu từ Westside Funeral Home tới Thánh Đường Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, Avondale, Louisiana (nơi cha Ngô Duy Linh làm quản nhiệm). Phần cầu nguyện Thánh Ca tưởng niệm và Thánh lễ đồng tế trọng thể đã được diễn tiến từ 10 giờ đến 12 giờ 30 trưa. Sau đó, chuyển linh cửu ra nghĩa trang Avondale. Phần mộ tọa lạc tại:

Restlawn Park Cemetery
Garden of Family Devotion
Block H, Square G
Plot 22, Lot 2

11. Những Suy Niệm Về Một Thiên Tài Thay Cho Kết Luận

Một Hải Linh từ lúc đi tu đến lúc chết không hề làm linh mục, nhưng các hoạt động của anh được mọi người quí mến và cộng tác chặt chẽ với sinh hoạt thánh ca phụng vụ trong cac thánh đường và ca đoàn. Con người ấy không đi tu mà sống một cuộc sống tu hành và sống tràn lan hết mình cho mọi người. Hải Linh đã hiển thân trọn vẹn cho mọi người đến lúc chết, mà quên mình bất tử trong lòng Giáo Hội và Dân Tộc Việt Nam. Các Thánh Tử Đạo Việt Nam sẽ là những vị thánh nhớ đến Hải Linh trong Trường Ca Thiên Thu với Ca Đoàn Thiên Thần Nhạc Sĩ trên trời, ca tụng Thiên Chúa muôn đời. Hải Linh đã ra đi thật nhẹ nhàng, như một nhà tu thực thụ, không bịn rịn chuyện vợ con![/align:69ca5526c4]

Tham khảo tư liệu và kinh nghiệm sống với Hải Linh ở Việt Nam để tổng hợp lại, xong ngày 14/12/2006.

Xin cám ơn những người đã giúp đỡ và đóng góp cho tôi xây dựng bải khảo luận này cách này hay cách khác.

http://www.catruong.com/nhacsi/ns_hailinh1.htm
Oakland, CA. ĐHN ghi lưu ngày 4/12/2006.
Bắt đầu xây dựng lại ngày 12/12/2006.
Gia Nhân
Nguồn: http://www.gpnt.net/diendan/

Ca trưởng Hải Linh.
Ca trưởng Hải Linh.

Đưa Nhạc Vào Thơ – Một Ngón Tài Hoa Của Hải Linh

1. Đọc “Kinh Thi” – một trong Ngũ Kinh của Trung Quốc xưa – mới thấy vai trò quan trọng của ngôn ngữ như thế nào. Người Trung Quốc gọi đó là “nhạc phủ”, bao gồm những bài thơ ngắn được phổ nhạc (dệt nhạc) thành bài ca để hát lên cùng với sự thể hiện cử điệu của thân mình (vũ) và nhạc khí hòa theo. Thí dụ:

Tương tống Lao Lao chử
Trường giang bất ưng mãn
Thị nùng lệ thành hử
Tạm dịch là : Tiễn nhau qua bến Lao Lao,
Chốn Trường Giang ấy có bao giờ đầy
Bồi hồi giọt lệ thương ai
Nước giòng sông vẫn tuôn dài mênh mông.

Nhạc từ, ca từ hay lời hát (paroles, lyrics) là một yếu tố quan trọng trong ca khúc, quyết định tính chất nghệ thuật diễn cảm của ca khúc đó. Khác với một cầm tấu khúc hay một hòa tấu khúc chỉ cần được diễn tấu bằng các nhạc khí. Một ca khúc phải được con người mở miệng hát lên bằng tiếng, được qui ước theo tiết tấu, cao độ, trường độ và cường độ của phần nhạc. Lời hôn phối với nhạc để tạo ra một khúc ca hoàn chỉnh. Người nhạc sĩ có nhiều cách để làm ca từ: tự viết lời, phổ thơ hoặc hợp tác với một ai đó đặt lời… Đem thơ phổ thành nhạc, biến lời thơ trở thành nhạc từ là cách làm khá phổ biến trong âm nhạc Việt Nam. Chỉ riêng trong phương thức phổ thơ cũng đã có đến năm bảy cách, đại để là : phổ thơ, lời thơ, ý thơ, trích thơ, cảm hứng từ thơ v.v… Như vậy, mặc nhiên ta khẳng định mối quan hệ ruột –thịt- không- thể- cách- ly giữa thơ và nhạc. Thi ca là thế đấy. Ngôn ngữ thi ca là ngôn ngữ nghệ thuật, được chọn lọc, được thăng hoa và tự bản chất rất giàu nhạc tính. Khi phổ thành ca khúc, tùy vào tài năng và ngón nghề riêng của nhạc sĩ, bài thơ có thể được giữ nguyên vẹn cả về âm, vần, luật, bố cục hoặc có thể sửa đổi, thêm bớt chút đỉnh mà vẫn giữ được cái phần hứng, phần hồn của thơ. Nhưng dù ở một góc độ nào, bằng cung cách nào đi chăng nữa thì các ca khúc thuộc dạng ấy đều ít nhiều sử dụng lời hoặc ý của nhà thơ. Cái lời cái ý gợi hứng, dẫn dắt nhạc sĩ làm ra giai điệu, cung bậc chứ không phải giai điệu, cung bậc sản sinh ra lời thơ, ý thơ. Trật tự, qui trình ấy không thể đảo ngược, ngoại trừ khi ca khúc được cưu mang và sinh thành cùng một lúc trong tâm hồn người sáng tác. Trường hợp vừa là nhạc sĩ vừa là nhà thơ không phải là không có. Phạm Duy, Trịnh Công Sơn là những điển hình của điển hình. Dĩ nhiên còn một số trường hợp khác đáng được nhắc tới nữa. Nói không ngoa. Nếu chép riêng lời trong toàn bộ nhạc khúc của hai tác giả trên, sẽ được những từ, cụm từ, đoạn thơ, bài thơ mang giá trị cao về mặt văn học nghệ thuật. Cái mảng “tình ca” bất hủ của Phạm Duy và cái mảng “nhân sinh” vời vợi của họ Trịnh. Cứ nhẩm đọc lặng lẽ – không cần đàn hát – thế giới ngôn ngữ của họ, sẽ bắt gặp vô vàn âm sắc, hình tượng, tư tưởng, cảm nghiệm y như khi ta đến với tiểu thuyết, phim ảnh, kinh kệ. A. de Musset, P. Claudel, Apollinaire, R. Tagore, những bậc thầy kỳ vĩ của nhân loại, những biểu tượng sáng ngời về mối quan hệ tương giao giữa thi và ca.

2. Từ một tiền đề trên, tôi muốn tách bạch Hải Linh ra làm hai : Một Hải Linh – Thánh ca khởi hành từ cảm hứng riêng tư để rồi dừng lại ở nguồn suối Thánh Kinh và một Hải Linh – văn học, đồng điệu đồng cảm với một số tác giả tác phẩm văn học, đặc biệt là thơ của Nguyễn Du, Đoàn thị Điểm, Hàn Mặc Tử, Lưu Trọng Lư và cả đến những bài ca dao, đồng dao trong kho tàng văn học truyền khẩu dân gian. Vâng, tôi muốn nói đến cái tài hoa của Hải Linh trong lãnh vực “phổ thơ”, thơ đời, thơ tình và thơ đạo, điều mà xưa rày chưa ai đề cập khi tìm hiểu nghiên cứu và đánh giá về sự nghiệp của ông. Có lẽ do cái bóng của ông phủ xuống khu vườn thánh ca VN mấy chục năm lớn quá, rộng quá chăng ? Nay, xin mời bạn cùng tôi điểm lại xem cái ngón tài hoa ấy phát tiết như thế nào.

Có một điều trùng hợp rất lý thú là Hải Linh chào đời đúng vào ngày lễ thánh Phanxicô Assisi, vị đại thánh tổ sư của môi trường, kẻ rao giảng về chủ thuyết “thiên nhiên như một quyển sách mở”. Nhấn mạnh chi tiết này để khẳng định rằng yếu tố thời gian, không gian có ảnh hưởng, tác đông trên con người ông. Chẳng thế mà – có lẽ do cảm hứng từ “Bài ca vũ trụ” của thánh bổn mạng mình – nhiều lần trong chỗ riêng tư, ông đã thổ lộ tâm tình với các môn sinh ca trưởng, ca viên: “Vũ trụ bao la với muôn giải thiên hà, với mặt trời, mặt trăng, tinh tú, với trời mây, sông biển, núi rừng, chim muông và con người, tất cả là một bản hợp ca không ngừng ngợi khen Chúa Trời “. Người ta dễ dàng tìm ra giải đáp với những câu hỏi “Tại sao Hải Linh nặng lòng với thi ca” đến thế ? Liệu có một nhà thơ trong con người ông chăng ? Không hẳn. Nhưng chắc chắn Hải Linh phải là người đồng hội đồng thuyền – Nous sommes embarqués – mà tâm hồn ông cũng vô cùng nhạy cảm như thanh kim khí diapason òa vỡ ngân vang kia. Phải rung động lắm, ông mới bước vào sự nghiệp sáng tác qua cánh cửa “ca vãn dâng hoa”, mảng thơ Nôm của dân gian nhà đạo. Lúc ấy buổi hừng đông của tân nhạc và thánh nhạc Việt Nam (1940-1945). Phải “tiền duyên nặng nợ” lắm với các vốn ngũ cung đã thành máu thịt, Hải Linh mới hào hứng tìm thầy học đạo để rồi ra trường với luận án tốt nghiệp đậm đặc mùi vị dân tộc “Màu sắc nhạc Việt trong bình ca” tại Nhạc viện César Franck (1956). Hiện tượng có thể đổi thay, mà bản chất thì không bao giờ. Khi con phượng hoàng vỗ cánh bay lên trời cao, ấy là lúc nó hót líu lo vang động, tự do và thanh thản. Sự hình thành ca đoàn Hồn Nước (1957) – với tôn chỉ “Tôn vinh Thiên Chúa và tán tụng Quê Hương – suốt những thập niên 60 và 70 đã là những chứng từ rõ nét nhất.

3. Thật may mắn và tình cờ. Những năm trọ học ở Tiểu chủng viện Phanxicô Xavie Bùi Chu, những năm ở giảng đường Đại Học Văn Khoa Sàigòn và làm nghề “gõ đầu trẻ” tại trường Nguyễn Bá Tòng, tôi có dịp được mắt thấy tai nghe “người thật-việc thật” về Hải Linh, về ca đoàn Hồn Nước và cả những công đoạn tập tành, chuẩn bị ở hậu trường. Phải thành thật nhìn nhận rằng đây là thời điểm sung mãn nhất của người ca trưởng – nhạc sĩ Hải Linh. Bên cạnh cái hậu phương lớn gồm Đức Cha Pet. Phạm Ngọc Chi, cha Trần Đức Huynh, cha G. Đinh Cao Thuấn, Lm. Nhạc sĩ Ngô Duy Linh (chỉ huy ban hợp xướng Chim Việt) v.v, tôi nghĩ (chắc không đến nỗi không chấp nhận được) còn một nhân vật khá quan trọng đã cộng tác chặt chẽ, đã đồng hành với ông khi đến với văn học VN. Đó là cha Pet. Vũ Đình Trác với bút hiệu Võ Thanh, tác giả ca từ của một số bài thánh ca do chính Hải Linh viết nhạc, hòa âm. Sở dĩ tôi nhắc tới chất xúc tác này là vì tôi biết rất rõ mối quan hệ mật thiết giữa hai người với nhau trong suốt quá trình sáng tác và biểu diễn những năm 1957-1970. Tại sao chỉ có một Hải Linh – Thánh ca nhỉ ? Tài năng ấy – ví như tiếng đàn của Tư Mã Tương Như với đôi tai thẩm âm và tâm hồn đồng điệu của Trác Văn Quân – nếu giao duyên cùng Nguyễn Du, Đoàn Thị Điểm, Hàn Mặc Tử v.v… thì hay biết mấy. Thế là cặp uyên ương “thơ nhạc” ấy lên đường, ra khơi. Hàng loạt tác phẩm ra đời và ca đoàn Hồn Nước, vào thời điểm đó, đã hoàn thành xuất sắc cái chức năng chuyển tải những thông điệp của thơ nhạc đến với công chúng.

Hãy nói về bài ca “chủ đạo” của Hồn Nước trước đã. Thú thật, tôi khẩu phục tâm phục cái thế giới ngôn ngữ của bài ca này. Tôi không dám bàn tí gì về âm nhạc đâu đấy nhé. Nghe Hồn Nước hát, cả hồn bé bỏng của tôi tan loãng ra, chỉ thấy hiu hắt đó đây lời gọi thuở nào của trời mây non nước. Bốn chục năm qua rồi, tôi vẫn còn mường tượng ra một chùm ngôn ngữ kỳ ảo: “Lắng nghe Hồn Non Nước. Nước non bao là tình. Chập chùng tranh Việt ai tô. Thóang trông còn nhớ thuở xưa tung hoành”. Còn bài “Nhạc Việt” nữa. Bao nhiêu luyến láy, ngân nga trong dấu giọng của tiếng Việt đã được Hải Linh khắc họa đến từng chân tơ kẽ tóc. Thương quá những từ điệu VN: à mà, là, chứ, tình bằng… Tôi đọc lại nguyên văn thế này: “Nhạc Việt, nhạc Việt hệ thống (tình bằng) có năm cung (fa, sol, la, đô, rê). Nắn (a) theo (à mà theo là) năm dấu (rê đô la đô rê) tiếng (a) chung, tiếng (a) chung của giống (a) nòi (fa sol fa đô rê). Đủ mầu (mà tình lại) đủ sắc (chứ mà ) đủ hơi (fa sol la đô rê). Tả tình (à mà tình là) tả ý (chứ mới) tả đời (chứ đời là đời) Việt Nam (rê mi fa sol si). Buồn trông khói lửa chiến chinh. Buồn lòng chinh phụ, xót tình chinh phu. Buồn khi hạn hán thiên cơ. Buồn nghe nức nở mơ hồ giọt thu”. Năm 1958, nhân ngày giỗ (22.9) đại thi hào Nguyễn Du, lần đầu tiên truyện Kiều được phổ nhạc. Trước đây cha ông ta chỉ bói Kiều và lảy Kiều, nay hát Kiều. Tài tình quá. Nguyễn Du và Hải Linh cùng “kể lể”: Trăm năm trong cõi người ta, để rồi bắt sang những tâm sự chết người của “cung đàn bạc mệnh”:

Khúc đâu Tư Mã Phượng cầu…
Khúc đâu Hán Sở chiến trường…
Kê khang này khúc Quảng Lăng…
Thiệt lòng mình, cũng nao nao lòng người…

Hóa ra, khi gặp thi ca, tài năng âm nhạc của Hải Linh bỗng xuất thần. Những lựa chọn của ông khiến ta phải suy nghĩ. Tại sao cả mấy trăm câu song thất lục bát của Chinh Phụ Ngâm, Hải Linh chỉ dừng lại ở “Trống Tràng thành lung lay bóng nguyệt” hoặc “Chốn Hàm Dương chàng còn ngoảnh lại… Khói Hàm Dương cách Tiêu Dương mấy trùng…” Nhưng có lẽ cuộc hội ngộ trùng phùng tâm đắc nhất đã diễn ra giữa thơ Hàn Mặc Tử và nhạc Hải Linh. Họ gặp nhau trong một đức tin, giữa trời mới đất mới, giữa cõi thánh thiêng của Chúa Trời, của ơn Cứu Rỗi, của mùa Xuân Nhập Thể, của Mẹ Sầu bi và của cả tiếng gọi âm thầm mà mãnh liệt của trái tim. Thơ và nhạc ở đây đã chan hòa vào nhau như ánh sáng và hơi nóng của ngọn lửa, chắp cánh cho nhau, bay lên, bay lên chín cõi thiên đàng. Tôi ghi lại phần lời thơ của Hàn Mặc Tử để mời bạn cố hình dung, nhớ lại nguồn nhạc vô biên của Hải Linh trong từng trường hợp.

Ai hãy làm thinh, chớ nói nhiều
Để nghe dưới đáy nước hồ reo
Để nghe tơ liễu run trong gió
Và để xem trời giải nghĩa yêu
(Đà Lạt trăng mờ)

Maria, linh hồn tôi ớn lạnh
Run như run thần tử thấy long nhan
Run như run hơi thở chạm tơ vàng
Nhưng long vẫn thấm nhuần ơn trìu mến
(Ave Maria)

Còn nhiều, ở nhiều bài khác của Hàn Mặc Tử : Ra đời, Tấu lạy Bà, Duyên kỳ ngộ. Của Lưu Trọng Lư, Y Vân nữa. Nghệ thuật muôn đời không phải là kỹ thuật. Phổ thơ là một nghệ thuật đòi hỏi người nhạc sĩ phải- có – tâm – hồn thơ – như – nhà thơ, là – nhà – thơ. Tiếp xúc với ca dao, với Nguyễn Du, Đoàn Thị Điểm, Hàn Mặc Tử, Lưu Trọng Lư…, Hải Linh giúp chúng ta đến gần và yêu mến văn học, yêu mến thi ca hơn. Điều này không phải ai cũng làm được. Xin cảm ơn người ca trưởng – nhạc sĩ tài hoa Hải Linh.

(Ngoại ô, 1.1.1998
http://www.hailinhquehuong.net/)

Nhạc sĩ Hải Linh.
Nhạc sĩ Hải Linh.

Nhớ Hải Linh

(GS Kim Định)

Nhớ Hải Linh là nhớ tới thời chúng tôi sống an vui ở Paris, nơi đất khách quê người chẳng quen ai, nhưng cứ sống như chim trời cá nước : không hề đặt vấn đề học bổng học biếc chi cả, mặc cho bên nhà cứ gửi sang hết nhóm chủng sinh này đến nhóm nữ tu kia, trên mười mấy mạng, không hề từ chối. Hễ bên nhà đủ sức gửi thì bên này cũng đủ sức đón nhận.

Chính trong bầu khí AN VI đó mà HẢI LINH được gửi sang Rome học Nhạc. Nhưng chỉ ít lâu, Hải Linh ngỏ ý muốn qua Pháp là tôi chấp nhận liền. Lúc ấy, chúng tôi đã tậu được một apartment 3 phòng ở 21 Beaurepaire, thuộc quận 10 tại Paris. Tôi để Hải Linh ở một phòng và Hải Linh bắt đầu đi học Nhạc tại trường Cesar Frank. Còn rảnh thì giờ nào thì phân tích các bài dân ca. Lúc ấy tôi đang đi tìm Triết Đông nên rất thích thú nghe Hải Linh nói về Nhạc, vì tôi gặp thấy trong dân nhạc nhiều điểm giống với Triết Đông. Chẳng hạn Nhạc Việt theo hệ thống ngũ cung thì Triết Đông căn cứ trên Ngũ Hành… Nhạc là Nữ Vương Nghệ Thuật. Vì bản tính nghệ thuật là HÒA mà NHẠC thì HÒA từ trong bản tính, nên ta quen nói Hòa Âm, Hòa nhạc, Hòa tấu…

Triết cũng là Nữ Hoàng các Khoa Học vì khi đi được đến cùng cực thì đạt THÁI HÒA cũng là đạt thập thành, đạt đủ 4 đức tính của nền Triết là VĂN – LÝ – MẬT – SÁT. Do vậy mà tôi không chuyên về Nhạc cũng rất thích nói chuyện với Hải Linh về Nhạc.

Tôi thường giục Hải Linh tìm ra trong Nhạc Việt xem cơ cấu nào đặc trưng tương tự như của Nhật Bản : nghe là biết được âm nhạc của Nhật liền, không lẫn đi đâu được. Hải Linh nói có nhưng vì mình có đến 3 Miền nên không nổi bật lên như thế được.

Trong thời gian này, Hải Linh bắt đầu sáng tác những nhạc phẩm như: Nhạc Việt, Chinh Phụ Ngâm, Cung Đàn Bạc Mệnh… có những câu láy mà Hải Linh lướt trên piano được, còn người học thành tài không sao diễn tả nổi.

(GS Kim Định)

oOo

Trường ca Song Lộc Triều Nguyên, Ave Maria – Ca đoàn Suối Việt:

 

Trường ca Song Lộc Triều Nguyên, Ave Maria – Ca đoàn Hương Kinh:

 

Trường ca Song Lộc Triều Nguyên, Ave Maria – Ca đoàn Nhà Nguyện Đan Viện Xito Thánh Mẫu Thiên Phước:

 

Dâng Lời Cảm Tạ – Ca đoàn khuyết danh:

 

Dâng Lời Cảm Tạ – Ca đoàn Magnificat:

 

Tấu Lạy Bà – Ca sĩ Hoàng Oanh:

 

LK Tấu Lạy Bà – Ca sĩ KhánhLy, QuangThành:

 

Tấu Lạy Bà – Ca sĩ Mai Thiên Vân:

 

Hang Belem – Ca đoàn Hồn Nước – Nhạc sư Hải Linh điều khiển:

 

Leave a comment