Suy nghĩ và nói năng tích cực

Chào các bạn,

Đây là điều khó nhất trong tư duy tích cực, dù mình đã nói nhiều lần cách này hay cách khác, các bạn cần thường xuyên thực tập cho nhuần nhuyễn.

Khi suy nghĩ và nói năng ta chỉ dùng các từ và ý niệm tích cực, không dùng các từ và ý niệm tiêu cực.

Thay vì nói “Đừng xả rác” thì hãy nói “Giữ sân trường sạch.”

Thay vì nói “Chống tham nhũng” thì nói “Giữ guồng máy công minh”.

Thay vì nói “Con dốt toán quá” thì nói “Con viết văn hay quá”.

Thay vì nói “Mình nghèo quá” thì nói “Mình phải kiếm thêm nhiều tiền để chi dụng”.

Đương nhiên không đụng chạm gì đến các từ, các ý niệm, và các vấn đề tiêu cực, thì rất khó, vì lâu lâu ta cảm thấy cần chỉ ra những điều tiêu cực của ai đó hay của xã hội để giúp giải quyết vấn đề. Nếu phải như vậy, thì lâu lâu nói một chút thôi, phần còn lại hãy chú trọng vào suy nghĩ và ăn nói tích cực.

Các bạn cần nhớ là Luật Hấp Dẫn không biết văn phạm. Câu “Đừng xả rác” cũng hấp dẫn xả rác, dù có thể ít hơn một chút, nhưng cũng gần như câu “Hãy xả rác”. Hay “Con đừng ngu” và “Con ngu lắm” cũng hấp dẫn cái ngu gần như nhau.

Điều mình luôn bị sốc là: Nhiều người chính họ ít ăn nói tiêu cực, nhưng khi nói chuyện với người tiêu cực thì họ luôn miệng đồng ý với tiêu cực của người kia. Đây là có thể là cách nói chuyện bạn nghĩ là nói chuyện hay với mọi người, nhưng thực sự đồng ý với tiêu cực rất có hại cho cả mình và bạn đối thoại của mình. Bạn không cần phải nói “Tôi không đồng ý”, nhưng im lặng không hùa theo “Đúng, đúng…” là được. Và nếu có thể chuyển câu chuyện sang chuyện khác tích cực hơn thì nên làm. Nếu không chuyển được, thì cũng nên tìm cách ngưng câu chuyện và đi nơi khác để đầu bạn không bị tiêm nhiễm tiêu cực.

Chúng ta cần nhớ là có hai loại không khí để thở: trong lành và ô nhiễm. Chúng ta cần giúp cho bầu khí quyển có nhiều không khí trong lành.

Khi một người than thở với bạn về nhiều nỗi khổ, nỗi giận dữ, nỗi đớn đau của họ, dù lý do là người khác tạo ra hay chính họ tạo ra, một trong những cách tích cực nhất bạn có thể làm là nói: “Mình sẽ cầu nguyện cho anh/chị”. Câu nói này lập tức đổi bầu không khí tiêu cực thành tích cực (và bạn cần nhớ lời hứa, về nhà cầu nguyện cho anh/chị ấy). Trong truyền thống Tin Lành, người ta thường cầu nguyện cho nhau ngay tức thì lúc đó, chứ không đợi phải về nhà. Nếu được như vậy thì đang ở trong quán cà phê, cầm tay bạn hay bá vai bạn, cầu nguyện cho bạn một câu, sẽ giúp cho cả bạn và mình có năng lượng tích cực rất cao.

Và khi có người nào gần mình, thường là người trong gia đình, có thái độ tiêu cực thường xuyên, đừng chê họ tiêu cực (chê là chính mình tiêu cực), hãy luôn tĩnh lặng và tích cực, từ từ mọi người trong nhà sẽ tĩnh lặng và tích cực theo mình.

Nói chung là sống tích cực đòi hỏi rất nhiều kỷ luật, không dễ như chúng ta nghĩ. Tuy vậy có một điểm để các bạn tập trung vào: Tĩnh lặng. Nếu bạn luôn tĩnh lặng, bạn sẽ nhận ra đâu là tích cực, đâu là tiêu cực, và làm sao để sống tích cực và tĩnh lặng CHO mọi người.

Tĩnh lặng là đầu mối cho mọi thông thái.

Chúc các bạn luôn tĩnh lặng và tích cực.

Mến,

Hoành

© copyright 2016
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

Một suy nghĩ 11 thoughts on “Suy nghĩ và nói năng tích cực”

  1. Trong gia đình em có rất nhiều năng lượng tiêu cực, bàn đến chuyện A kế hoạch B hay nói cái đó khó lắm không làm được đâu, không thích người nào là chê tới bến, hay bảo ai đó phải làm thế này không được làm khác đi. Mỗi lần nói chuyện em mệt đến tức ngực. Lúc đầu em hay cãi lại và chống đối (dù chẳng ai nghe em). Em chuyển qua chuyện khác thì chuyện khác đó lại bị tiêu cực hoá nốt. Sau em chọn im lặng và cầu nguyện, qua thời gian cũng có chuyển biến dù rất chậm. Là người thân trong nhà em rất muốn liên lạc nói chuyện nhưng mỗi lần nói là trái tim em nhức nhối mệt nhọc không thở nổi. Nhiều lúc em giảm liên lạc thì bị trách móc là vô tâm. Thật là khó nghĩ!

    Em Hợp

    Thích

  2. Chị Hợp ơi,

    Em xin được chia sẻ câu chuyện với chị.

    Chuyện khó khăn như vậy nhưng chị đã và đang làm được (“Sau em chọn im lặng và cầu nguyện, qua thời gian cũng có chuyển biến dù rất chậm”).

    Em rất phục chị và xin được hiệp lực cầu nguyện cùng chị.

    Em Hương,

    Thích

  3. Hi chị Hợp và Hương, chuyện khó nghĩ vậy có lẽ xảy ra trong mọi gia đình.

    Em cũng như Hương, cầu nguyện với chị. Chị Hợp đang làm được và mọi chuyển biến sẽ ngày càng tốt lên 🙂 . Khi mình đủ tĩnh lặng có lẽ thấy được hay là đôi khi mình thiếu tĩnh lặng nên nhìn mọi chuyện hơi trầm trọng tiêu cực hơn 🙂

    Thích

  4. Hằng nói ý cuối làm mình bỗng sáng mắt ra đấy.

    Ừa, điều quan trọng là tĩnh lặng. Khi tĩnh lặng thì thấy mọi việc như nó là (as it is), khi mất tĩnh lặng thì thấy đời đầy giông bão.

    Vậy nên khi đứng trước vấn đề, mục tiêu số 1 là làm mình tĩnh lặng. Đạt được mục tiêu này thì mới nghĩ tiếp mục tiêu số 2 là giải quyết vấn đề.

    Đôi khi tĩnh lặng được rồi, mình không còn thấy vấn đề nữa nên cũng không có gì để giải quyết.

    Cám ơn Hằng đã nhắc mình nhé.

    Thích

  5. Hi Hợp,

    Ở đời có người tích cực, có người tiêu cực. Em thich ăn phở thì ăn phở, người nhà thích ăn hủ tiếu thì hãy để mọi người ăn hủ tiếu. Có sao đâu?

    Điều quan trọng là chính mình tĩnh lặng và không để điều gì làm mình căng.

    A. Hoành

    Thích

  6. Khi đối diện với hoàn cảnh khó khăn hay gặp ai đó đang có vấn đề, nói chung là tiêu cực. Anh Hoành đã chỉ rõ cái ĐÍCH đầu tiên phải làm được là giữ TĨNH LẶNG, sau đó mới giải quyết vấn đề.

    Vậy làm gì để giữ được tĩnh lăng? Mình thường hít thở vài lần sau đó cầu nguyện Chúa/Phật. Sau đó chính nặng lượng có được từ tĩnh lặng giúp ta giải quyết vấn đề.

    Khi có ai đó chỉ trích hay nói xấu bạn. Bạn làm gì? phản ứng lại, nói xấu lại…sẽ có nhiều cách phản ứng nếu mình chọn giải pháp phản ứng.

    Nhưng nếu mình chọn giải pháp không phản ứng, chỉ Tĩnh lặng, thì chỉ có một giải pháp duy nhất. Sau khi mình tĩnh lặng mình sẽ biết làm gì , nói gì là tốt nhất trên cơ sở là YÊU THƯƠNG một chiều!

    Bởi vì: “Chúa luôn chọn điều đơn giản”; Phật nói: “Độ mình, độ người”

    Sự Tĩnh lặng có liên quan với Tư duy tích cực!

    Cảm ơn bài viết của Anh Hoành.

    Chúc cả nhà “Tĩnh lặng cho mình, Tĩnh lặng cho mọi người”

    Tâm

    Thích

  7. Anh Hoành ơi,

    Cảm ơn anh vì luôn nhắc nhở chúng em:

    “Ở đời có người tích cực, có người tiêu cực. Em thích ăn phở thì ăn phở, người nhà thích ăn hủ tiếu thì hãy để mọi người ăn hủ tiếu. Có sao đâu?
    Điều quan trọng là chính mình tĩnh lặng và không để điều gì làm mình căng.”

    Em cầu nguyện cho những người tiêu cực được bình an. Cầu nguyện cho những người nhìn thấy tiêu cực được vững tâm.

    Cảm ơn các anh chị và các bạn đã cùng chia sẻ.

    Em Thọ

    Thích

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s