Đọc các bài cùng chuỗi, xin click vào đây.
Chào các bạn,
Phần giới thiệu của mình trong đề mục “Thơ Phổ Nhạc” trong Tân Nhạc Việt Nam đến các bạn hôm nay là hai thi khúc “Lệ Đá Xanh”, “Vang Vang Trời Vào Xuân” của Thi sĩ Thanh Tâm Tuyền và Nhạc sĩ Cung Tiến.
Thi sĩ Thanh Tâm Tuyền (1936-2006), tên thật là Dzư Văn Tâm, sinh ngày 13 tháng 3 năm 1936 tại Vinh. Ông là một nhà thơ, nhà văn nổi tiếng, được biết đến với những cách tân thơ ca táo bạo. Bút hiệu khác của ông: Đỗ Thạch Liên.
Năm 1956, lúc tròn 20 tuổi, ông đã nổi tiếng với tập thơ “Tôi Không Còn Cô Độc”, và năm 1957, lúc 21 tuổi, với tiểu thuyết “Bếp Lửa” (viết năm 1954) “mô tả khung cảnh Hà Nội trước 1954, với những người ra đi cũng như những người ở lại, cả hai đều bị giằng co bởi những chọn lựa miễn cưỡng, sự chia ly hay cái chết”. Thi sĩ Thanh Tâm Tuyền có ảnh hưởng lớn trên Văn Học Việt Nam giai đoạn 1956-1975 và cả những năm về sau này.
Năm 1952 (16 tuổi), ông dạy học tại trường Minh Tân (Hà Đông) và đăng những truyện ngắn đầu tiên trên tuần báo Thanh Niên (Hà Nội).

Năm 1954, ông hoạt động trong Tổng Hội Sinh Viên Hà Nội, cùng với Trần Thanh Hiệp, Nguyễn Sỹ Tế, Doãn Quốc Sỹ, chủ trương Nguyệt San Lửa Việt.
Năm 1955, ông vào Sài Gòn, cùng các bạn làm tờ Dân Chủ mà Thanh Tâm Tuyền và Trần Thanh Hiệp phụ trách phần văn nghệ. Mai Thảo gửi đến đoản văn “Đêm Giã Từ Hà Nội”. Thanh Tâm Tuyền “kinh ngạc”, mời tác giả đến toà soạn. Từ đó, “nhóm” có thêm Mai Thảo, chủ trương tuần báo Người Việt (tiền thân của tờ Sáng Tạo), với sự cộng tác của Lữ Hồ, Ngọc Dũng, Duy Thanh, Quách Thoại.
Tháng 10 năm 1956, Sáng Tạo ra đời. Từ 1956 đến 1960, Mai Thảo làm chủ bút. Năm 1956, hai mươi tuổi, Thanh Tâm Tuyền cho in cuốn sách đầu tay “Tôi Không Còn Cô Độc” (thơ), và năm sau “Bếp Lửa” (văn, 1957), hai tác phẩm đánh dấu sự thay đổi diên mạo văn học miền Nam, đến thời đó vẫn còn chịu ảnh hưởng nặng nề của lãng mạn tiền chiến.
Năm 1962, thi sĩ Thanh Tâm Tuyền nhập ngũ, 1966, giải ngũ, 1969, tái ngũ, ở trong quân đội đến 1975; cấp bực cuối cùng là Đại Úy trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.
Sau biến cố 30 tháng 4, 1975, ông bị đưa đi tù cải tạo 7 năm qua nhiều trại giam khắc nghiệt ngoài Việt Bắc. Ông ra tù năm 1982, và sang định cư tại Hoa Kỳ từ tháng 4 năm 1990 theo diện HO, gia đình ông sống ở tiểu bang Minnesota, Hoa Kỳ, ông giữ thái độ gần như ẩn dật.
Thi sĩ Thanh Tâm Tuyền qua đời lúc 11:30, ngày 22 tháng 03 năm 2006. Ông thọ 70 tuổi.
Một số thơ của ông đã được nhạc sĩ Phạm Đình Chương và Cung Tiến phổ thành những nhạc phẩm rất nổi tiếng như: “Bài Ngợi Ca Tình Yêu”, “Dạ Tâm Khúc”, “Đêm Màu Hồng”, “Lệ Đá Xanh”…

Nhạc sĩ Cung Tiến (sinh 27 tháng 11 năm 1938) là một nhạc sĩ nổi tiếng theo dòng nhạc tiền chiến. Ông được xem như nhạc sĩ trẻ nhất có sáng tác được phổ biến rộng với bài “Hoài Cảm” năm 14 tuổi. Mặc dù NS Cung Tiến chỉ xem âm nhạc như một thú tiêu khiển nhưng ông đã để lại những nhạc phẩm rất giá trị trong kho tàng âm nhạc Việt Nam như “Thu Vàng”, “Hương Xưa”, “Hoài Cảm”.
Ông tên thật là Cung Thúc Tiến, sinh tại Hà Nội. Thời kỳ trung học, NS Cung Tiến học xướng âm và ký âm với hai nhạc sĩ nổi tiếng NS Chung Quân và NS Thẩm Oánh. Trong khoảng thời gian 1957 đến 1963, NS Cung Tiến du học ở Úc ngành kinh tế và ông có theo tham dự các khóa về dương cầm, hòa âm, đối điểm, và phối cụ tại Âm Nhạc Viện Sydney.
Trong những năm 1970 đến 1973, với một học bổng cao học của Hội đồng Anh (British Council) để nghiên cứu kinh tế học phát triển tại Cambridge, Anh, ông đã dự các lớp nhạc sử, nhạc học, và nhạc lý hiện đại tại đó.
Về ca khúc, NS Cung Tiến sáng tác rất ít và phần lớn các tác phẩm của ông đều sau 1954, trừ bài “Thu Vàng”, “Hoài Cảm” được ông viết năm 1953 khi mới 14-15 tuổi, nhưng chúng thường được xếp vào dòng nhạc tiền chiến bởi cùng phong cách trữ tình lãng mạn. Tự nhận mình là một người nghiệp dư trong âm nhạc, viết nhạc như một thú tiêu khiển, NS Cung Tiến không chú ý tác quyền và lăng xê tên tuổi mình trong lĩnh vực âm nhạc. Các nhạc phẩm “Hoài Cảm”, “Hương Xưa” của ông được xếp vào những ca khúc bất hủ của Tân Nhạc Việt Nam.
Ra hải ngoại NS Cung Tiến viết nhạc tấu khúc Chinh Phụ Ngâm năm 1987, soạn cho 21 nhạc khí, được trình diễn lần đầu vào ngày 27 tháng 3, 1988 tại San Jose, California, Hoa Kỳ, với dàn nhạc thính phòng San Jose, và đã được giải thưởng Văn Học Nghệ Thuật Quốc Khánh 1988.
Năm 1992, NS Cung Tiến hoàn thành tập Ta Về, thơ Tô Thùy Yên, cho giọng hát, dẫn đọc, ngâm thơ và một đội nhạc cụ thính phòng. Năm 1993, với tài trợ của The Saint Paul Companies để nghiên cứu nhạc Quan Họ Bắc Ninh và các thể loại dân ca Việt Nam khác, ông đã soạn Tổ Khúc Bắc Ninh cho dàn nhạc giao hưởng. Năm 1997, ca đoàn Dale Warland Singers, đã đặt ông một bản hợp ca nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập ca đoàn nổi tiếng quốc tế này. Năm 2003, NS Cung Tiến đã trình làng một sáng tác nhạc đương đại “Lơ Thơ Tơ liễu Buông Mành” dựa trên một điệu dân ca Quan Họ. Ông là hội viên của Hội Nhạc Sĩ Sáng Tác ở Minneapolis, Minnesota, Hoa Kỳ.
Ngoài sáng tác, NS Cung Tiến còn đóng góp nhiều khảo luận và nhận định về nhạc dân gian Việt Nam cũng như nhạc Hiện đại Tây phương. Trong lãnh vực văn học, những thập niên 1950 và 1960, với bút hiệu Thạch Chương, NS Cung Tiến cũng đã từng đóng góp những sáng tác, nhận định và phê bình văn học, cũng như dịch thuật, cho các tạp chí Sáng Tạo, Quan Điểm, và Văn. Hai trong số các truyện ngắn ông dịch và xuất bản ở Việt Nam là cuốn Hồi ký viết dưới hầm của Dostoievsky và cuốn Một Ngày Trong Đời Ivan Denisovitch của Solzhenitsyn. Sau khi định cư tại Hoa Kỳ, ông có viết cho một số báo với bút danh Đăng Hoàng.
Thi khúc “Lệ Đá Xanh” (Thi sĩ Thanh Tâm Tuyền và Nhạc sĩ Cung Tiến)
Tôi biết những người khóc lẻ loi
Không nguôi một phút
Những người khóc lệ không rơi ngoài tim mình
Em biết không
Lệ là những viên đá xanh
Tim rũ rượi
Đôi khi anh muốn tin
Ngoài trời chỉ còn trời sao là đáng kể
Mà bên những vì sao lấp lánh đôi mắt em
Đến ngày cuối
Đôi khi anh muốn tin
Ngoài đời thơm phức những trái cây của thượng đế
Mà bên những trái cây ngọt ngào đôi môi em
Nguồn sữa mật khởi đầu
Đôi khi anh muốn tin
Ngoài đời đầy cỏ hoa tinh khiết
Mà bên cỏ hoa quyến rũ cánh tay em
Vòng ân ái
Đôi khi anh muốn tin
Ôi những người khóc lẻ loi một mình
Đau đớn lệ là những viên đá xanh
Tim rũ rượi.
Thi khúc “Vang Vang Trời Vào Xuân” (Thi sĩ Thanh Tâm Tuyền và Nhạc sĩ Cung Tiến)
Mặt trời hồng như trăng
Thức lòng ta buổi sớm
Gió núi thổi rộn ràng
Gọi nghe biển dậy song
Đứng vững không khuỵu chân
Trên mảnh đất nghèo khổ
Thở hít tận vô cùng
Ngây say đóa hồng rợ
Vang vang trời vào xuân
Ta bật kêu mừng rỡ
Ơi bạn bè xa xăm
Tim ta cũng cháy đỏ
Rực thắm bóng trăng ngàn.
Dưới đây mình có các bài:
– Nhớ nghĩ về Thanh Tâm Tuyền, những điều chợt đến…
– Thơ Thanh Tâm Tuyền
Cùng với 2 clips tổng hợp các thi khúc “Lệ Đá Xanh”, “Vang Vang Trời Vào Xuân” do hai ca sĩ Khánh Ly và Quỳnh Giao diễn xướng để các bạn tiện việc tham khảo và thưởng thức.
Mời các bạn,
Túy Phượng
(Theo Wikipedia)

Nhớ nghĩ về Thanh Tâm Tuyền, những điều chợt đến…
(Trần Thanh Hiệp)
Đau như thú dữ cháy rừng
Ta đập vỡ hình hài và thức giấc
(TTT)
Vang vang trời vào xuân
Ngày ấy, dưới vòm trời xám đen của trại tù cải tạo trong một khu rừng, sâu thẳm cây trút lá*, ở miền Bắc Việt Nam,Trần Kha bỗng nghe thấy Vang vang trời vào xuân. Hôm nay, trên thành phố Roseville vùng Minnesota Vạn hồ của nước Mỹ, khi xuân trở về trên cánh gió lạnh thì Thanh Tâm Tuyền vừa nằm xuống trong giấc ngủ không thức dậy. Nhà thơ thôi không nói gì nữa. Mùa xuân như cũng nín lặng.
Tôi đã có nhiều dịp nghĩ lan man về cái chết của nhiều người, kể cả chính tôi. Nhưng chưa hề bao giờ tôi nghĩ tới cái chết của Thanh Tâm Tuyền. Anh là một tác giả không chút bận tâm về cái chết, tuy rằng các nhân vật của anh thường rung động với một cường độ rất mãnh liệt. Với anh, chết là chuyện tự nhiên, tất nhiên của đời sống, chuỗi hành trình bốn chặng tiếng phật giáo gọi là vòng luân hồi sinh, lão, bệnh, tử. Chết ở khắp nơi, ở trước mặt chúng ta, ở sau lưng chúng ta, Sartre viết thế. Trong văn thơ Thanh Tâm Tuyền, cái chết không mang màu sắc siêu hình, không có bóng đen ghê rợn của Tử thần, với lưỡi hái trên tay, trùm phủ. Chết không để tìm lối thoát cho một bế tắc, như ở các nhân vật của Nhất Linh. Thanh Tâm Tuyền không lý luận về cái chết, anh bình thản và lạnh lùng nhìn nó, thấy nó không ngăn cách với anh, tôi thèm sống như thèm chết, giữa hơi thở giao thoa. Ở cuối đường thì ngủ cô đơn trên giường bệnh hay sẽ nằm mãi mãi ngoài nghĩa địa vẫn chẳng có gì khác lạ…
Sống hay chết chẳng có gì khác lạ, Thanh Tâm Tuyền không muốn bè bạn bận tâm về sức khỏe của mình. Cách đây không lâu, anh gọi tôi nhiều lần qua đường dây viễn liên, cho tôi biết đầy đủ chi tiết về tình trạng hôn mê kéo dài của anh Nguyễn Sỹ Tế sau khi mổ tim, về tác phẩm trường thiên cuối đời Mây Trắng Bốn Phương của anh Tế và những giờ phút cuối củng lúc anh Tế nhắm mắt. Cũng như trước đây, anh đã kể lại rành rẽ cho tôi tại sao Ngọc Dũng mau lẹ ra đi vì ung thư phổi. Nhưng tuyệt nhiên anh không đả động gì tới chuyện anh mới vào nhà thương khám bệnh, bác sĩ tìm ra anh bị ung thư phổi và dự đóan anh chỉ còn sống thêm chừng sáu tháng nữa. Trong cuộc trao đổi vui buồn lẫn lộn với anh về chuyện sống chêt của bạn bè, tôi không thấy có cảm giác gì khác thường về người đối thoại ở đầu dây bên kia. Quả thật tôi không hề nghi ngờ đã có thể có thay đổi đột ngột nào về sự sống của Thanh Tâm Tuyền. Cho đến không lâu sau, sáng ngày 22 tháng 3, gần trưa giờ Paris, tôi nghe qua diện thoại, chị Tâm nghẹn ngào nói vắn tắt anh Tâm “đang hấp hối trên giường bệnh”. Thế là trong cùng ngày – “nó”, chính “nó đấy, cái chết – đã xảy ra sớm hơn ba tháng. Tôi nghe rõ nhưng không tin, hay đúng hơn, chẳng muốn tin sự khám phá bất chợt của mình (chữ khám phá Thanh Tâm Tuyền rất ưa dùng trong lúc chúng tôi chuyện trò thời chúng tôi làm báo Sáng Tạo; tôi không thể chấp nhận được cái chết minh chứng cho sư toàn thắng của bất công trong cuộc đời, tại sao Thanh Tâm Tuyền lại phải trả giá cho bất công?). Câu thơ của Đỗ Phủ Thiên nhai cố nhân thiểu (cuối trời thưa bạn cũ) từ lâu tôi không còn nhớ bỗng trở lại ám ảnh tôi…
Đập vỡ hình hài và thức giấc.
Cùng một lứa bên trời lận đận, chúng tôi dăm ba người gốc miền Bắc miền Trung, tuổi khác nhau trên dưới ba mươi nhưng không quá cách biệt, vì tình cờ do chiến tranh, đã gặp nhau vào một thời điểm – năm 1954 – và ở một nơi không định trước của miền Nam – Saigon. Trong môt bài đăng trên Tạp chí Thơ, tưởng nhớ Mai Thảo đã khuất, Thanh Tâm Tuyền viết về cuộc gặp gỡ tình cờ này, tôi trích lại một đọan ngắn:
“Khu lều bạt Thăng Long nơi tạm trú của Sinh viên Hà Nội di cư, nằm ngay trung tâm thành phố, trên đất Khám Lớn Sai Gon cũ, tháo dẹp. Sinh viên chuyển vào Đại Học Xá Minh Mạng, dù công trình xây cất chưa hoàn tất. Đặc san Lửa Việt của HSVDHHN [Hội Sinh Viên Đại Học Hà Nội], do anh Trần Thanh Hiệp làm Chủ nhiệm, anh Nguyễn Sĩ Tế làm Chủ bút, sau số Xuân Chuyển Hướng cũng ngưng xuất bản.
Bấy giờ là năm 1955. Di cư đã đến hồi vãn cuộc. Hà Nội khuất biệt từ tháng 10 năm trước. Sai Gon vẫn còn xô bồ những mới mẻ, những hứa hẹn trong con mắt người di cư.
Chúng tôi – các anh Trần Thanh Hiệp, Nguyễn Sỹ Tế, Doãn Quốc Sĩ và tôi – gặp nhau, cùng làm việc, quen dần nhau qua mấy số Lửa Việt – nơi đã in vở kịch Trắng Chiều của anh Tế viết khi còn ở Hà Nội, các truyện ngắn Chàng Nhạc Sĩ, Gìn Vàng Giữ Ngọc của anh Sỹ và một vài bài thơ của tôi – đồng ý cần có một tờ báo của mình để viết cho sướng tay, để may ra đóng góp được cái gì cho công việc chung.
Trong khi chờ anh Hiệp tìm kiếm nguồn tài trợ, chúng tôi nhận hợp tác với nhật báo Hòa Bình của anh Vũ Ngọc Các, làm trang Văn Nghệ hàng tuần cho tờ báo. Tôi được giao phó công việc đầu bếp lo việc sắp xếp bài vở cho trang báo vì rảnh thì giờ nhất và được nết chịu khó đọc.
Nhờ trang báo này mà tôi gặp thêm bạn (…)
Mai Thảo gửi đến chúng tôi Đêm Giã Từ Hà Nội
Tôi nhận được một bao thư dày cộm, không địa chỉ người gửi, trong đựng xấp bản thảo đánh máy. Bút hiệu Mai Thảo hoàn toàn xa lạ với tôi.
Liếc nhìn dòng chữ đầu tiên của bài gửi, tôi giật mình kinh ngạc:
Phượng nhìn xuống vực thẳm: Hà Nội ở dưới ấy (…).”
Thanh Tâm Tuyền gặp Mai Thảo, anh em chúng tôi cho Tạp chí Sáng Tạo ra đời. Biến cố này đã chấm dứt giai đoạn mở đường, trong đó, chúng tôi mỗi người một cách, hung hăng coi trời bằng vung, chẳng khác gì những chàng hiệp sĩ Don Quichotte, làm báo, in báo, bán báo, viết văn, làm thơ, vẽ tranh, soạn kịch v.v…Chúng tôi sôi nổi phiêu lưu đi tìm một xứ Viễn Tây ở miền đất mới của nước non cũ. Thật ra sự ngông cuồng này cũng chỉ là những biểu hiện của sự tự do trời cho, tức là vào thời điểm những xiềng xích cũ bị chặt đứt chưa được xiềng xích mới thay thế.
Con sông Bến Hải chia đôi đất nước thật đó, nhưng cùng lúc lại ngăn được làn sóng độc tài đỏ phương Bắc không tràn ngập phần còn lại của đất nước ớ phía Nam. Bộ máy cai trị ở miền Nam thì chưa lắp ráp kịp để chiếm đóng xã hội. Trong một chừng mục nào đó, lịch sử miền Nam tạm thời bỏ trống cho dân chúng. Mấy anh em chúng tôi nắm lấy thời cơ, kịp thời tiếp thu tình trạng ưu đãi lịch sử hiếm có này để hình thành một dạng thức tự do vừa cho cá nhân, vừa cho xã hội.
Chúng tôi hăm hở sáng tác. Xin nghe lại tiếng kèn vào trận của Nguyễn Sĩ Tế «…chính trị không còn là một đặc quyền của một thiểu số, một ‘quả cấm’ đối với đa số ». Thơ Thanh Tâm Tuyền vang lên đanh thép lời tuyên ngôn « Đau như thú dữ cháy rừng. Ta đập vỡ hình hài và thức giấc ». Doãn Quốc Sĩ căn dặn : « Gìn vàng giữ ngọc ». Trần Thanh Hiệp đặt vấn đề «…nghệ thuật không phải chỉ là sự diễn tả tâm tình, hay là sự thần phục thực tại, hay là sự tuyên truyền chính trị, hay là sự cuồng loạn hư vô (…) chỉ có thể hiểu nghệ thuật bằng y cứ vào sự vận động biện chứng của chính nghệ thuật trong vận dộng của lịch sử (…) nghệ thuật là một nhận thức của đời sống (…) một tác động của con người để chinh phục thân phận của chính mình (…) sự giao tranh đưa lại sự giải phóng tự giác và giải phóng xã hội để đạt tới một ‘toàn thể nhân tính’(…). Nghệ thuật bây giờ là sự tiêu hủy để sáng tạo. Là sự thống nhất tiêu hủy và sáng tạo ». Đoạn tuyệt với mọi công thức ước lệ cũ, dứt khóat như vậy, dù lòng chẳng vui sướng gì. Làm mới lại hình thức cho văn học nghệ thuật, một điều đương nhiên. Nhưng còn phải giải phóng luôn cả văn học nghệ thuật khỏi kìm kẹp ý thưc hệ của chính trị nữa. Sáng Tạo tự nguyện đi tiên phong tiếp tục ở miền Nam hành động của Nhân Văn Giai Phẩm ở miền Bắc công khai đối đầu với chính quyền độc tài cộng sản. Và có điều kiện để tiến xa hơn nữa, bằng tác phẩm, Sáng Tạo chĩa mũi tấn công vào đồn lũy toàn trị. Thái độ lên đường để tiến công dủ ngắn ngủi này – đầu thập niên 60 Sáng Tạo tự ý im tiếng – đã mang ý nghĩa một chiến thắng giữa cuộc đời mà ngòi bút trên tuyến đầu Thanh Tâm Tuyền trao tặng Quách Thoại ở bên kia thế giới.
Đoạn kết luận sau đây, do Thanh Tâm Tuyền đưa ra và Mai Thảo ghi lại, của 4 cuộc thảo luận thân mật năm 1962 giữa anh em chúng tôi, có thể coi như một đoạn di chúc tinh thần chung của Sáng Tạo:
«Cùng với nhau bỏ những ám ảnh quá khứ, để nhìn vào thực trạng, khơi mở con đường tiến tới nghệ thuật hôm nay. Có thể thế hệ sau chúng ta sẽ làm lại hành động này với thế hệ chúng ta. Và chúng ta chấp nhận đó là một hành động tất yếu cho sự tiến hóa của nghệ thuật.
Nghệ thuật là một vận động biện chứng của hủy diệt và sáng tạo»
Người thi sĩ với 21 khuôn mặt
Hãy cho anh khóc bằng mắt em
Những cuộc tình duyên Budapest
…
Hãy cho anh chết bằng da em
Trong dây xích chiến xa tội nghiệp
Anh sẽ sống bằng hơi thở em
Hỡi những người kế tiếp
Người thưởng ngoạn ở miền Nam những năm giữa thập niên 50 rất yêu những câu thơ lộng lẫy này của Thanh Tâm Tuyền. Nhưng không phải mọi câu thơ khác của anh đều dễ thương như thế. Lê Huy Oanh, một người yêu thơ, thích đọc thơ của nhiều người từ khi còn mười ba, mười bốn tuổi, đã bỏ công nghiên cứu về thơ, công khai thú nhận rằng “lối thơ Thanh Tâm Tuyền đã giày vò, hành hạ óc thưởng ngọan” của ông, “khiến ông khổ sở đến độ có ác cảm” với thơ Thanh Tâm Tuyền. Có người nhận xét rằng vì thơ mà Thanh Tâm Tuyền bị hiểu lầm suốt đời và không được đối xử xứng đáng khi còn sống. Bùi Vĩnh Phúc, người tự cho là hiểu và yêu thơ Thanh Tâm Tuyền, trong bài Thanh Tâm Tuyền, người thi sĩ ấy viết cách đây 20 năm, đã dùng tới 21 tính từ để bàn về thơ Thanh Tâm Tuyền cũng như về con người Thanh Tâm Tuyền. Kiêu căng, ngạo mạn, lạnh lùng, cô độc, cô đơn, cô lữ, lãng mạn, tha thiết, dằn vặt, yêu thương, khô khan, bùng cháy, mệt mỏi, hoài nghi, thất vọng, siêu hình, trong sáng, rắc rối, phức tạp, xót xa, phẫn nộ… nếu Bùi Vĩnh Phúc còn kể thêm nhiều nữa chắc cũng chưa hết. Tôi cho rằng ông đã không quá lời. Chính Thanh Tâm Tuyền cũng viết trong bài Nỗi buồn trong thơ hôm nay rằng “Mỗi tiếng, mỗi lời viết ra tôi đều thấy nó chứa đựng những hận thù, khinh bỉ, dày vò, đớn đau, tuyệt vọng, nhơ nhuốc, dối trá, hằn học, trơ trẽn, bệnh hoạn, xấc láo, thô bạo, cục cằn, tủi hổ, yếu đuối, bất lực, chết chóc”. Thơ mà xông xáo vào cuộc đời thì không thể đơn giản, đơn điệu được.
Vả lại người ta thường gọi thi sĩ là cây đàn muôn điệu. Đàn là nhạc khí chỉ có dây và cung bậc. Phải có nhạc công thì đàn mới thành điệu. Thơ, ngoài chữ nghĩa còn phải kể đến người làm thơ nữa. Và sau cùng, điệu tùy thuộc vào nhạc công. Cứ theo dòng suy tư của Bùi Vĩnh Phúc, muốn hiểu thơ Thanh Tâm Tuyền cần nhận diện ông qua 21 khuôn mặt. Thanh Tâm Tuyền, cũng trong Nỗi buồn của thơ hôm naynhìn nhận rằng tất cả những lời trách cứ đối với thơ anh đều có lý. “Xua đưổi Hồn thơ muôn đời (…), người làm thơ hôm nay chỉ là tên ăn mày lẫn giữa đám đông khốn cùng với một mẩu tự do sót lại” . Đám đông bị cuốn đi trong cơn lốc tối tăm khủng khiếp (…) để hiện lên cô đơn trong từng kẻ một. Anh, người làm thơ hôm nay, quay lưng lại với Nghệ thuật [Thi sơn, Tượng trưng, Siêu thực v.v..] ngoảnh mặt với Thiên nhiên [Lãng mạn], không chỉ nhìn trông từ ngôi cao vĩnh viễn mà muốn có mặt và cùng cô đơn,[cùng với đám đông], cô đơn hơn ai hết….[để mọi người ai cũng hết cô độc]…Thơ chỉ muốn bước sâu vào ý thức thăm thẳm (…) đưa người ta đi tìm sự thực. Anh biết rất rõ vì sao thơ anh khó đọc, khó hiểu. Người đọc bị thơ anh lay động nên hốt hoảng, không nhận ra đâu là Thơ, đâu là Nghệ thuật, đâu là Thiên nhiên, đâu là Tình ái. Nhưng không vì thế mà anh uốn nắn lại thơ mình để đổi lấy tên gọi thi sĩ. Anh đã khước từ tên gọi này, trả nó lại cho Nghệ thuật, cho Thiên nhiên, cho Tình Ái những thứ người đời tôn sùng là vĩnh viễn. Anh không làm thơ để nói chí hay nói tình. Anh đi theo vận hành của ý thức trong cơn cuồng nộ khám phá sự thực ở trong hiện tại. Anh dứt khoát lựa chọn rồi. Và sẽ không thay đổi lựa chọn. Ngay từ đầu, khi in tập thơ đầu tay Tôi Không Còn Cô Độc, anh thẳng thắn loan báo như thế. Có điều cách nói của anh lại càng làm cho người đọc hiểu lầm thêm. Rằng anh là vị Hoàng đế trong đất thơ của anh, người đọc không bị ép buộc phải đọc, phải chấp nhận. Cung điện của anh bỏ ngỏ để ra vào tự do.
Ở đây tôi là vị hoàng đế đầy đủ quyền uy
Bởi vì người vào đất đai của tôi người hoàn toàn tự do
Để cai trị tôi có những luật lệ tinh thần mà người phải thần phục
Nếu người muốn nhập lãnh thổ.
Người hoàn toàn tự do
Và có thể ném cuốn sách ra cửa sổ
Như thế rõ ràng giữa anh và người đọc không có sự hiểu lầm nhau. Chỉ không tìm hiểu nhau mà thôi. Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, từ khi anh chọn con đường làm thơ của riêng anh mà anh đã mô tả trong bài viết Nỗi buồn trong thơ hôm nay. Anh đã sáng tạo ra một không gian thơ, một phong cảnh thơ chưa từng thấy trong văn học tiếng Việt. Hay dở ra sao, điều này đến nay vẫn chưa ai định rõ được, nhất là nhiều hiểu lầm vẫn còn đó. Chắc phải đợi cho đến khi có người giải mã được thơ anh. Tôi nghĩ rằng đằng sau 21 khuôn mặt mà Bùi Vĩnh Phúc đã hài ra, chỉ có một Dzư Văn Tâm, một Thanh Tâm Tuyền bằng xương bằng thịt dưới một khuôn mặt duy nhất thôi. Khuôn mặt của một lòng thương tự nhiên, thứ tình người tự phát, hay là lòng trắc ẩn mà Mạnh Tử đã đưa lên hàng một trong bốn giềng mối của luân lý loài người. Nhìn dưới góc độ ngoài chữ nghĩa như thế thì Dzư-Văn-Tâm-Thanh-Tâm-Tuyền-Trần Kha là một nhà thơ rất đơn giản với một lòng thương vô nhiễm, vô hạn, ngay cả trong cơn cuồng nộ. Không phải tôi muốn nói rằng anh là một sản phẩm của nho giáo khi tôi nhắc lại ý kiến của Khổng Tử trong sách Luận ngữ Chỉ có người người có đức nhân mới biết yêu người, ghét người. Tôi nhấn mạnh, biết ghét người một cách chính đáng trong cáihiện tại của áp bức, của bất công, bất luận toàn trị hay tự do.
Cái chết mang lại sự sống
Bùi Giáng đã kết thúc bài thơ Thức giấc và về Quách Thoại bằng hai câu:
Tôi bưng mặt khóc bên thềm
Khi người thi sĩ êm đềm ra đi.
Chúng ta có thể coi như Bùi Giáng mấy chục năm trước khóc Quách Thoại nhưng đã vô tình khóc Thanh Tâm Tuyền, khi anh còn sống. Thanh Tâm Tuyền đã êm đềm ra đi lúc mùa xuân vừa tới. Nghe những lời thương tiếc anh là nghe tiếng nói tình cảm . Với Thanh Tâm Tuyền tất cả chỉ là ảnh tượng. Trong thơ anh, ảnh tượng có địa vị thống soái, ý thức, ý chí, kiến thức thậm chí cả vần điệu đều hiện ra bằng ảnh tượng. Baudelaire cho tôi cái nhìn để nghĩ về cái chết của Thanh Tâm Tuyền.
C’est la mort qui console, hélas, et qui fait vivre.
Cái chết, than ôi, đã mang lại niềm an ủi và tạo nên sự sống. Đây chỉ là những ảnh tượng trong đầu tôi. Có thể khi anh nằm xuống, Thanh Tâm Tuyền đã gián tiếp làm cho những người bị coi là hèn mọn, bị cuộc đời bạc đãi – chính là đám đông khổ đau – bất chợt khám phá ra rằng một nhà thơ đã từ bỏ hết để cúi xuống ở dưới ấy – vực thẳm – mà nói lời an ủi “những nỗi tuyệt vọng sầu thảm không được cứu vớt, những hồn chết dần trong thèm khát tương lai, những ràng buộc vô lý vào cuộc đời lạ mặt…”. Có thể ngày anh từ trần sẽ là ngày anh khai sinh, là ngày anh phục sinh – ngôn ngữ của anh – với cả một không gian văn thơ bây giờ anh đã xây dựng trong suốt hơn nửa thế kỷ. Muốn hay không muốn từ nay anh đã đi vào đại sảnh của văn học sử bằng cổng chính.
Một tờ báo lớn ở hải ngoại viết rằng cái chết của Thanh Tâm Tuyền là một mất mát lớn cho văn học. Một công thức nói, nghiêm chỉnh và nghi lễ. Nghĩ cho cùng, văn học Việt Nam không hẳn đã mất mát gì vì cái chết của Thanh Tâm Tuyền. Phải nói văn học ấy đã bị mất mát ngay từ khi Thanh Tâm Tuyền còn sống thì đúng hơn. Trong nước, những ông quan văn nghệ tự phong, đã ngang nhiên, sau khi bỏ tù anh, còn đóng vai ngự sử ngăn cản không cho tên tuổi anh được ghi vào danh sách những tác giả của một Từ Điển Văn Học.
Ở ngoài nước, một lần nữa lịch sử lại được “bỏ trống” cho người Việt Nam như ở miền Nam những năm 50. Nhưng Thanh Tâm Tuyền, người cầm bút xung kích sáng tạo văn nghệ từ những năm 50 dường như vẫn còn là một khách lạ. Tâp thơ của khuôn mặt văn hóa hàng đầu này của miền tự do đã chỉ là như tiếng vọng từ đâu xa vẳng đến. Có ai giải thích được tại sao có hiện tượng này không? Trong buổi phát thanh của Đài RFI ở Paris chiều thứ Bảy vừa qua, Thụy Khuê hỏi tôi Thanh Tâm Tuyền từ khi sang định cư ở Mỹ có ý muốn ở ẩn? (Đoạn trả lời của tôi hơi dài nên Đài không phát đi). Tôi đã nói với Thụy Khuê là không có chuyện Thanh Tâm Tuyền ở ẩn. Anh vẫn tiếp tục cuộc sống bình thường giữa thân nhân và bạn bè. Anh vẫn góp tiếng nói để tưởng niệm Mai Thảo, Ngọc Dũng, để tuyên dương Doãn Quốc Sĩ và tham gia thảo luận ở một trường Đại học ở miền Nam nước Pháp về văn học Việt Nam lưu vong. Nhưng anh có nói riêng với tôi rằng nếu anh không tìm được gì thật mới thì anh sẽ thôi hẳn không viết nữa. Tôi chắc anh đang dựng những ảnh tượng mới về con người, về đất nước. Những ngày bị lưu đày cải tạo anh đã thâu thập được ít nhiều khám phá để dựng những ảnh tượng mới này, có tên gọi rất lạ như “không sinh tồn”, “vô liên”, “không lịch sử” v.v… Anh lục lọi trong ký ức những kinh nghiệm làm thơ ngay tại trại giam. Anh đã luyện được cách sáng tác lưu động bằng ảnh tượng của thực tại. Anh đã tìm gặp lại được thơ, thơ của anh. Rồi lại làm thơ nhưng thơ như ở đâu xa. Vậy nếu có cách biệt giữa anh và cộng đồng người Việt ở hải ngoại, chung qui cũng ở nơi anh đã đứng sang bên lề cuộc sống trong môi trường hải ngoại để đổi mới ảnh tượng. Hay vì đã đổi mới ảnh tượng không chừng. Trong anh suối nguồn ảnh tượng đang đợi dịp tuôn trào.
Chiều trên phi trường anh bỗng nhớ em, nhớ chuyến đi xa hẹn ước.
Không bao giờ nữa.
Câu kết này của bài thơ Chiều trên phi trường của anh như chiếc màn nhẹ nhàng tư từ buông xuống trên sân khấu. Những gì xảy ra sau đó? Không bao giờ nữa. Anh và em đã đi chuyến đi xa hẹn ước? Hay đã chẳng có chuyến đi nào? Hay đi mà không trở lại? Hay anh đi một mình không có em, Liên chỉ còn là một tên gọi trống trơn, một ảnh tượng về em, về cuộc đời? Tôi liên tưởng tới hình ảnh sáng ngày thứ Bảy 25-03-2006, linh cữu anh, trên vai sáu người bạn, Cung Tiến, Tô Thùy Yên, Cung Trầm Tưởng, Nguyễn Cao Đàm, Nguyễn Ngọc Diễm và Vũ Xuân Châu đã được đưa ra nghĩa trang Roselawn trên đường Larpenteur, Roseville, nơi nằm sau cùng của anh. Có phải anh đi chuyến đi xa hẹn ước? Liên đêm mặt trời tìm thấy… Không bao giờ nữa… Hắn rũ bỏ ký ức mà đi… thơ anh ngân vang trong thinh không.
(Trần Thanh Hiệp – Paris, 22-03-2006)
_______
[*] Những đoạn chữ nghiêng không ghi xuất xứ là để trích dẫn thơ Thanh Tâm Tuyền.
(Thi Vũ Võ Văn Ái)
Siêu thực, tượng trưng, xã hội, ba nguồn mạch khác nhau cùng chảy vào phá nước thi ca Thanh Tâm Tuyền. Ở phá nước lợ và xoáy trốt ấy, người đọc thơ vừa gian nan vừa lý thú như chiếc thuyền nan tìm lối ra biển. Đọc thơ không còn là chuyện thanh thản, êm ái, vì phải giác đấu vô cùng tận với chữ nghĩa, câu kéo Thanh Tâm Tuyền. Người chủ soái dòng thơ tự do của nhóm Sáng Tạo.
Thực ra, thơ tự do đã khởi phát từ thời cách mạng mùa thu 45. Ở những giai kỳ lịch sử, khi tâm hồn toàn thể quần chúng bị xáo trộn dữ dội, thi ca — dự báo của ý thức và tư tưởng — lại lột xác đi tìm ngữ thức mới bộc lộ. Suốt bốn năm (45-49) cao trào cách mạng và kháng chiến sục sôi, hình thức thơ tiền chiến bể vụn như chiếc phẫu thủy tinh hết dung chứa nổi khối lượng đường phèn rỏ chảy. Như con sông trong xanh lặng lờ bỗng thác nguồn tuôn lũ lụt, dềnh lan hai bờ, dềnh ngập làng mạc ven sông. Ý, chữ, câu, cuồn cuộn tung thơ, chảy thành dòng cuồng nhiệt xôn xao. Bài thơ cứ thế dài lênh, thoáng, đầy, theo những chuỗi chữ so le bất tận. Thời điểm loạn ly ấy, người ta không thể nói ngắn, không thể viết đằm. Ngọn núi lửa đang phun không có kiến trúc.
Ngoài lý do lịch sử, còn sự kiện một số người mãi đòi hỏi chỗ đứng. Đội ngũ làm thơ đông lên, và trẻ. Họ phải có mặt để nói lên tâm thức thời đại. Họ không muốn, hoặc chưa thể, làm những bài thơ đã đạt vị kiểu tiền chiến. Sự cần thiết có mặt, có danh, khiến họ nỗ lực khai phá một thể thức diễn đạt mới. Người thì cố chôn dìm, người nhắm vượt lớp thi nhân đi trước. Thơ tự do ra đời. Ý lực phủ nhận thơ tiền chiến đã được nổi đuốc bởi nhiều thi sĩ trong giai đoạn đầu cuộc kháng chiến giành độc lập (45 – 49) còn nồng tình tự dân tộc và chưa bị mác-xít hóa. Nhiều tác phẩm thành công khai lối cho thơ tự do. Đó là trường hợp của những Hoàng cầm, Hữu Loan, Quang Dũng, Văn Cao, Nguyễn Đình Thi, Trần Dần, Hồng Nguyên… Nhưng ở những người này và thời đó, thơ tự do chảy xuống từ thượng lưu ca dao.
Trường hợp Thanh Tâm Tuyền khác.
Thơ tự do của Tuyền không bắt nguồn từ ca dao, mà đến từ những tư trào cách mạng trong thi ca và văn học Tây phương. Thi ca như trí tuệ chiếu phá vào bản thể chữ. Thơ không chỉ nhìn vào đoàn thể, thế giới, đất nước, thể chế chính trị, thơ nhắm ngó vào con người thành phố qua màn lọc triết lý hiện sinh. Con người tự giết mình thường trực để sống. Nghịch lý đấy, nhưng là con người thực của Tuyền, mẫu thi nhân thời đại mới : không thỏa hiệp, không luồn cúi, bợ đỡ, sống vỡ bờ từng giây, từng phút, từng hơi thở, từng ý nghĩ, từng thao tác, cử chỉ. Thi sĩ là kẻ nổi loạn. Nhưng không phản loạn. Nổi loạn trước đạo đức giả, gian dối, trước bất công, ngu muội, trước độc tài, phi nghĩa.
Người đọc thơ cũng thế. Chưa dám thoát ly điệu sống tầm thường cầu an, chưa dám nổi loạn, cách mạng, thì khó theo kịp tiếng trống gọi của thi ca để lên đường qua sông.
Cuộc sống hiện tại mà mọi người công nhận vốn đã là cảnh độ mường tượng trong não trí thi nhân trước kia, lúc thế nhân còn chê trách hay cười diễu, chống đối.
Thi nhân luôn đi trước thời đại. Hắn báo hiệu, như một ngọn đèn pha quét vào u minh. Cũng vì thế, kẻ đọc thơ Thanh Tâm Tuyền ngày nay dễ bị dội ra. Với họ, còn quá sớm để cảm thấu ngữ điệu mới với những hình ảnh bất thường dày đặc trong thơ:
Đêm giao thừa thế kỷ mưa rơi sao
mái sáng đường nằm chiêm bao biển giận dỗi
bàn tay mây mắt trăng môi nhiệt đới
chiến tranh còn những khoảng đất hoang
cửa sổ đập lên cao cánh chim én mùa xuân
ôm vào lòng bãi cỏ vườn hoa bầy sao rụng
ai hỏi anh ngoài hàng dậu
lãng mạn lập thể siêu thực dã thú đa đa
tôi mở những trái cây vườn nhà
cử chỉ trữ tình tinh khiết
những bước đi văn nghệ chim sẻ
màu ngói nâu dựng vực mắt nâu
tôi ru chim ngủ trong cổ họng
mặt trời kêu xuống thái dương những màu ánh sáng thơm
tim kinh ngạc
đời tạo câu cười thiên nhiên mai
hy vọng đứng ra ngoài ô ngục ngực bâng khuâng
lần gặp gỡ thứ nhất
rồi kỷ niệm kim khí thủy tinh hành hạ
đau xé trời đêm không sao bánh máy quay vũ khí
tôi chổi từ giam cầm chim đẹp trong rừng tóc
dù tiếng hót đã chọn mấy hàm răng
người bộ hành cô đơn chờ đêm để lên đường
về quá khứ
chim bay vào trận mưa sao.
(toàn bài Chim, trong Tôi không còn cô độc)
Phải xua đuổi, gột rửa mười lăm thế kỷ đọc thơ Việt, mới yêu thích được bài trích trên đây. Thơ hết là những vóc nhạc gọn, tròn. Những câu dài ngắn so le, hết mang ý nghĩa của dấu chấm, dấu phết. Toàn những hình ảnh họp chợ trong bài thơ. Và hình ảnh này là bản đồ của thế giới tiềm thức, nếu không là siêu thực. Nơi quá khứ bí ẩn đang chói lọi. Nhưng cũng có thể là hình ảnh báo hiệu sẽ hiện ra trong tương lai trên trái đất hay nơi tinh cầu nào. Hình ảnh hiện ra theo lối so sánh, hay đồng hóa. Mỗi hình ảnh thoát vượt bài thơ để lập thành một bài thơ mới. Thơ trong thơ. Và thơ điêu khắc ra hình ảnh, nơi phát nguồn cho ý. Từng hình ảnh khai triển không gian và thời gian nó để tạo từng khí hậu, từng động lực vận chuyển ý tưởng. Người đọc thơ là kẻ đứng trước cảnh vật hùng vĩ hay bi thương. Đôi mắt bắt một loạt sự vật đồng đẳng. Sự vật chen chúc sự vật. Từ đó tia ra những ý tưởng, những giao cảm, những liên hệ, những nhận thức. Thi ca thành sân khấu diễn tập những khởi đầu các thân phận dưới thế. Mọi hình ảnh hiện ra đều mới, và lần đầu. Trong dòng thi ca ấy, Thanh Tâm Tuyền đòi hỏi người đọc thoát ly quá khứ, cắt lìa kiến thức, thiên kiến, trước khi bước vào vườn thơ Tuyền. Tuyền cũng đã tự yêu sách mình như vậy: giết cái ta tha hóa từng phút để phục sinh mà sống thơ hay sống đời:
Tôi buồn khóc như buồn nôn
ngoài phố
nắng thủy tinh
tôi gọi tên tôi cho đỡ nhớ
thanh tâm tuyền
buổi chiều sao vỡ vào chuông giáo đường
tôi xin một chỗ quỳ thầm kín
cho đứa nhỏ linh hồn
sợ chó dữ
con chó đói không màu
tôi buồn chết như buồn ngủ
dù tôi đang đứng bên bờ sông
nước đen sâu thao thức
tôi hét tên tôi cho nguôi giận
thanh tâm tuyền
đêm ngã xuống khoảng thì thầm tội lỗi
em bé quàng khăn đỏ ơi
này một con chó sói
thứ chó sói lang thang
tôi thèm giết tôi
loài sát nhân muôn đời
tôi gào tên tôi thảm thiết
thanh tâm tuyền
bóp cổ tôi chết gục
để tôi được phục sinh
từng chuỗi cuộc đời tiếp nối
nhân loại không tha thứ tội giết người
bọn đao phủ quỳ gối
giờ phục sinh
tiếng kêu là kinh cầu
những thế kỷ chờ đợi
tôi thèm sống như thèm chết
giữa hơi thở giao thoa
ngực cháy lửa
tôi gọi khẽ
em
hãy mở cửa trái tim
tâm hồn anh vừa sống lại thành trẻ thơ
trong sạch như một lần sự thật.
(toàn bài Phục sinh, trong Tôi không còn cô độc)
Ba mươi chín câu thơ với những ngữ danh thường nhật của trái đất: phố, nắng, tôi, chiều, sao, chuông, đứa nhỏ, linh hồn, chó, sông, nước, tội lỗi, chó sói, cổ, nhân loại, người, đao phủ, tiếng kêu, kinh cầu, thế kỷ, hơi thở, ngực, lửa, cửa, tâm hồn, sự thật. Ngần ấy chữ xích lại cùng nhau bằng mấy động từ cũng cũ như trái đất : gọi, vỡ, xin, thao thức, hét, lang thang, giết, gào, bóp cổ, tha thứ, chờ đợi. Thế rồi giữa sự lập lại muôn đời của nhân sinh ấy, Tuyền hiện ra với Nghệ thuật đen (1) của mình, đưa bộ ba thèm muốn của loài người — thèm giết, thèm chết, thèm sống — sang bước ngoặt mới. Bước ngoặt này đánh dấu cuộc khủng hoảng thế kỷ, nơi con người không biết làm gì khác ngoài bốn cử điệu buồn khóc, buồn nôn, buồn chết, buồn ngủ. Âm ngữbuồn bâng khuâng, man mác, bỗng vợi xuống, ngã vào vực đáy vô tận hư vô. Đơn vị người cường toan ra giọt lệ, nôn mửa, tử thần, hay giấc ngủ. Người thiếu mặt ở cuối con đường buồn.
Nếu chỉ có thế, Tuyền đã chết. Bài thơ thành vô vọng như tiếng chim chiều cản núi hoàng hôn. Không. Tuyền đòi hỏi phục sinh. Ba mươi chín câu thơ dàn binh bố trận không để đánh phá cuộc đời, hay tự kỷ tôn vinh, mà để gọi lên một tiếng, đón tiếp một người, tụng ca một sắc diện thiếu vắng giữa cuộc sống, và biệt tăm nơi tâm thức: Em. Một chữ thôi. Mang đầy hình và dáng. Chữ ấy nằm ở dòng thứ ba mươi sáu. Trơ trọi. Nhưng đã là vị thế trung tâm. Em là trọng tâm của bài thơ. Không có chữ ấy, bài thơ đổ vỡ. Nhưng thiếu cái kiến trúc trùng điệp bi thảm của ba mươi lăm dòng trên, thì chữ ấy khó hiện ra trọn vẹn và toàn thể như một thi ngữ, chứ không là từ ngữ thiếu máu, liệt nghĩa, gọi kêu vô vọng nơi đời sống mỗi ngày.
1. Tiếng gọi, tiếng kêu, mà cũng là tiếng cứu. Xòa ầm như sấm nắng mặt trời vứt xuống vùng đen thẳm. Đó là ý nghĩa phục sinh. Tuyền bóp cổ giết một Tuyền ngu muội, đạo đức giả, tàn ác, chán chường, để sống lại thành trẻ thơ — con người mới — trong sạch như một lần sự thật. Làm gì có một con người riêng biệt, cố định, mang tên Thanh Tâm Tuyền từ đầu đời tới cuối đời ? Làm gì có một tế bào không thay không chết ? Đã có rất nhiều Tuyền trong một Thanh Tâm Tuyền liên lỉ chuyển biến, chuyển hóa qua dòng sống. Tuyền chết đi để sống lại. Nếu Tuyền không giết Tuyền để phục sinh trong sạch, thì đời và xã hội cũng sẽ giết Tuyền một cách bẩn thỉu và hèn mạt bằng những mạng lưới biến chất hay tha hóa. Có ai tránh thoát đâu. May thay EM là đầu mối cho những lần tái sinh. Em là Người Tình hay em là một lần Sự Thật — chân lý — thì cũng thế.
Em
hãy mở cửa trái tim
tâm hồn anh vừa sống lại thành trẻ thơ
trong sạch như một lần sự thật.
(Phục sinh, bđd.)
Sự phân đôi nhập một. Khổ nạn của đời người biến tan. Niềm tha hóa đãnhân hóa để kết tinh vào tình yêu và trí tuệ như nhất.
Nghệ thuật đen (1) mà Tuyền kêu gọi chính là phản ứng nổi loạn khi chưa gặp Em, khi Em chưa mở cửa. Tuyền nổi loạn chống các nhà đạo đức, người văn minh, và những người mác-xít : Ba hạng người chỉ nhìn thấy vấn đề trên bình diện xã hội.(…) Lối giải thích văn chương nghệ thuật bằng xã hội chỉ giữ người ta đứng ở bên ngoài mà la lối hò hét với những thiên kiến và chỉ nạt nộ được những kẻ yếu bóng vía hay vô ý thức (1).Nghệ thuật đen Tuyền tuyên dương là khởi nguyên của ý thức là mầm mống của thay đổi, của sáng tạo (…) là điều kiện cho một nhận thức sâu xa hơn về đời sống, rũ bỏ những huyễn ảnh của kẻ bấy lâu ngồi trong hốc đá chỉ nhìn những bóng chiếu in trên vách mà tưởng là sự thật. (…) Mỗi tác phẩm nghệ thuật là một sự khởi đầu. (…) Nghệ thuật là một lời kêu gọi, không là lời thuyết minh. (…) Nghệ thuật đen chính là cái ý thức siêu hình trước những cảnh ngộ trong đời sống hôm nay, là biểu thị sự tự do của những con người bằng xương bằng thịt trong những tình thế có thực của kiếp người, là lời kêu gọi cất lên cùng mọi người trong cuộc hành trình lịch sử phải sống. Bởi đó nó bi đát phẫn nộ, nó xuồng xã dục tình, nó vô luân trắng trợn” (1).
Với Nghệ thuật đen Tuyền nói lên phản ứng nổi loạn của người thanh niên trước một xã hội sống bằng chiến tranh và tan vỡ vì chiến tranh những năm 50. Dù được mạo danh dưới những lý tưởng thần thánh nào. Tuy nhiên Tuyền khá lúng túng khi giải thích chữ siêu hình trong ý thức siêu hình mà Tuyền sử dụng như lực đối kháng của thi ca. Ta khó trách. Cần nhớ Tuyền viết Nghệ thuật đen năm 24 tuổi, viết Nỗi buồn trong thơ hôm nay năm 20 tuổi, viết Nhân nghĩ về hội họa năm 20 tuổi. Thế đã kinh khiếp. Sức đọc, sự hiểu biết thẩm thấu tiến trình văn học thế giới, và lực suy tư tổng hợp tới độ lập thuyết của Tuyền khá dị thường. Qua ba bài viết này. Đây là ba bài viết xác định con người ý thức của Tuyền, hiếm thấy trong giới thanh niên đồng lứa cùng thời.
Tuyền là thi sĩ lớn. Nhưng con người lập thuyết lấn át con người thơ khi Tuyền làm thơ. Đó là bi kịch của Tuyền. Dù bi kịch đó hùng tráng. Bằng cớ Tuyền đã đi trọn vẹn đường thơ mình, đánh được một mốc văn học. Nhưng những kẻ cuồng vọng Tuyền, làm thơ theo lối Tuyền, đều thất bại. Họ chẳng có bài thơ nào được để lại trong trí nhớ thi ca như Tuyền.
Khi Tuyền viết:
Những đêm nào chiến tranh đã quên
Con mắt đen niềm im lặng
Anh vẫn đi hoài trong thành phố
Cô đơn
Trưa nắng cháy
Vào sâu trong ghẻ lạnh
Với máu trong tim
Chảy nhanh như máy móc đau ốm
Ở cuối đêm
Em rũ tóc nói những lời mê sảng
Những ám hiệu
Của mặt biển đen không
Tình yêu tuyệt vọng
(trích Đêm, trong Liên đêm mặt trời tìm thấy)
thì thi ca Việt đã thực sự rẽ lối. Thi ca từ giã tháp ngà xuống đường đi bên với người thanh niên thất tình, thất đời, thất chí nơi xã hội vong tính. Nơi đó mộng mị không thể hiện hữu. Dòng thơ tiền chiến mất khí thế cứu tinh. Dù vẫn y một hoàn cảnh đôi lứa thất tình, như thuở thơ Phạm Hầu:
Yêu đương đến tất cả chiều mơ mộng
Buồn nhẹ nhàng trong làn khói thu không
Buồn miên man trên đầu tóc rối bòng
Và vơ vẩn bên đôi người vô tội
Nàng và tôi, nhánh sầu chung rễ cội
Kề vai nhau khi lệ với chiều rơi
Khi giọt sương âu yếm nhỏ lên người
Nàng và tôi là hai dòng lệ nối.
(Chiều buồn, Phạm Hầu)
Cùng Phạm Hầu ấy, cùng một tình yêu xa cách, nhớ nhung, tan vỡ trong dòng thơ tình yêu tiền chiến khát khao, ray rứt nhưng nhẹ nhàng:
Chẳng biết trong lòng ghé những ai ?
Thềm son từng dội gót vân hài
Hỡi ôi, người chỉ là du khách
Giây phút dừng chân vọng hải đài
…
Lòng xiêu xiêu hồn nức hương mai
Rạng đông về thức giấc hoa nhài
Đưa tay ta vẫy ngoài vô tận
Chẳng biết xa lòng có những ai ?
(Vọng hải đài, Phạm Hầu)
Nhưng thời đại chúng ta bây giờ, với lòng này, tình này, ta còn yêu được một cảm giác xưa chăng ? còn đeo theo hình bóng giai nhân đã ngũ thập niên tiền… ? Bởi thế mới phải có thơ hôm nay. Như thơ Thanh Tâm Tuyền, khi Tuyền viết:
Anh xé tóc em cùng những cành lá chết
Mùa thu
Ghi thương tích nơi cườm tay
Khóa chặt
Anh xô ngã em từ chóp đỉnh hạnh phúc
Khuôn mặt vỡ tan
Như cẩm thạch
Như nước mắt
Như muôn đời
Không hối hận
Con đường anh phải đi
Trần truồng dã thú
Đón anh ở cuối đường
Hố sâu vĩnh viễn
Không có em.
(trích Đêm, trong Liên đêm mặt trời tìm thấy)
Qua hai tập thơ đã xuất bản, Tôi không còn cô độc (1956) và Liên đêm mặt trời tìm thấy (1964), Tuyền chứng minh bằng thơ sự lập thuyết văn học của mình. Càng về sau Tuyền càng ít làm thơ, chuyên qua văn. Văn Tuyền có nhiều chất thơ. Nhưng thơ Tuyền nhiều lúc đậm chất văn. Đây là nghịch lý của những nhà thơ nghiêng theo bán cầu não trái — lý trí, trí tuệ.
Sau năm 64, không còn tập thơ nào khác ra đời. Ngoại trừ một số bài cho in báo, chủ yếu trên tạp chí Văn vào những năm 70. Vẫn còn nguyên lối dụng chữ độc đáo, bật ảnh, và xoáy ý:
Ta nghe cỏ xanh um thầm níu giải chân đê lập cập
Trống dội vang triều nước đục bạt ngàn
Cây gạo già trơ đã buông rơi những bông đẫm máu
(Người hành khất trở về, Vấn Đề, Xuân Nhâm Tý 72)
Đá vách ngún mây kiêu bạc hống
Nhập nhòa tiếng ngậm bặt tang thương
(trích Đỉnh non xa, Giai phẩm Văn 3.9.74)
Vẫn em rừng lũng khuya trốt lộng
Ngút đen mắt lạc ruổi tin sương
…
Vẫn em dáng cây nghiêng nẻo khuất
Sương muộn ham mê thức lá buồn
(trích Vẫn em, Giai phẩm Văn 9.11.73)
Im tượng gỗ. Tiếng chân ai thoát chạy
Bỗng bâng khuâng thang cấp lượn mơ hồ
…
Kẻ lạ mặt bỗng đêm mai hoảng thức
Thấy ngôi nhà bằn bặt cháy như tim
…
Đồi bập bềnh trôi trên lũng biển trắng
Mái nhà ôm, nhô nóc hú gào người
…
Tình rầu rĩ kêu tiếng trầm cay đắng
Bóng vang hư, thoáng lịm như không
(Ngôi nhà đỏ, trăng hồng, Giai phẩm Văn 27.11.72)
Bây giờ lối phá nhạc trong thơ đã bớt. Các khổ câu so le không còn. Tuyền bắt đầu viết những đoạn thơ bốn câu, bảy hay tám chữ đều đặn. Như bài Ngôi nhà đỏ, trăng hồng sáng tác năm 72 là một ví dụ. Bài này gồm 6 biến khúc với 40 đoạn thơ bốn câu bảy hay tám chữ. Chẳng những thế, các dấu phết dấu chấm bắt đầu hiện ra trên thơ Tuyền, rất chi cẩn thận. Hết là thơ tự do, vì là thơ mới. Thơ mới ở đây lại chẳng thơ mới chút nào như thời tiền chiến. Vì nó chính là thơ tự do trở về nằm trong khuôn thơ mới. Như vì vua bỏ cung điện về nghỉ trong gian nhà cỏ góc núi. Sự kiện khá quan trọng đối với một nhà lập thuyết thơ tự do như Tuyền. Hồn đông phương như vừa chớm trong tâm tư mê hoặc tây phương kia ? Bị Tây phương mê hoặc là phải, một đất nước rộng trên ba trăm nghìn cây số vuông, cả một giống dân năm mươi mấy triệu người, một truyền thống văn minh bốn nghìn năm… bỗng dưng đưa ra làm sân đấu cho hai trào lưu Tây phương tư bản – cộng sản. Thử hỏi còn ai dám không a dua theo ? Thử hỏi còn giọng nói nào dám cất lên và khác đi ? Chỉ cậy trông vào người thi sĩ — kẻ ca hát muôn đời. Nhưng ai là thi sĩ trong nghĩa đó ?
Ta thử đọc những dòng thơ biến chuyển này của Tuyền. Vì nó báo động sự chuyển thức trong thi ca Tuyền, điều sẽ thấy rõ hơn ở giai đoạn sau 75, khi Tuyền bị đi tù cải tạo. Rõ hơn nữa, một ngày đẹp trời nào, khi ta được đọc hết sáng tác Tuyền trong giai đoạn Rừng đen màu địa ngục ấy.
Ngôi nhà đỏ trên đồi trăng hồng hạ.
Hạ nồng nàn quyến rũ môi hôn,
Gọi mưa mùa tắm gội xanh cỏ lá,
Dập tắt sầu thiêu đốt, phả du hương.
Mưa ngày qua, mưa ngày nay, xám ngắt.
Cửa đóng cài, cửa ẩm nước cô đơn.
Gõ lên đi ngón tay cung khờ khạo.
Nép đầu say, tóc rối mộng thầm.
Ngồi xuống ghế mộc bầy riêng lẽ.
Chiều bên vườn gợn sóng nắng sơ thu.
Im tượng gỗ. Tiếng chân ai thoát chạy.
Bỗng bâng khuâng thang cấp lượn mơ hồ.
Trèo dốc đứng, vội vàng hơi thở hụt.
Bậc đá mòn rợp tối phân vần.
Hồn đá níu thiên thu chót vót,
Ghì ôm sầu chớp sấm dội ngàn.
Theo lối khác. Giẫm dấu chân người lạ
Đất trượt trơn. Cây cối rõi trông tìm.
Trăng hồng sáng ngân nga lửa lạnh.
Nhà lao đao. Đồi rào rạt ngoan nằm.
Kẻ lạ mặt bỗng đêm mai hoảng thức,
Thấy ngôi nhà bằn bặt cháy như tim
Đồi giông gió lay trăng hồng lả thiếp.
Và hàm hồ buột giấc khóc êm.
Ngôi nhà đỏ trên đồi trăng hồng lạ.
Chiều úa tàn, trời tím buổi tinh sương,
Nắng hớn hở — nắng trong veo như mắt —
Mỉm cười xa, phố thấp, vẫy chàng.
Mái nghiêng cúi, ngói nâu đời cũ xỉn.
Trổ bông xưa, phơi đóa mộng dị kỳ.
Mộng vời vợi, chuỗi mưa điên xối xả.
Xuôi theo mưa giọt lệ chia lìa.
Tường ấp ủ hơi dồn nghìn giấc chết.
Nắng như trăng nhóm lửa bơ vơ.
Gương mặt héo chập chờn sau giậu đổ
Khuất dung nhan trong dáng ơ hờ.
…
Ngôi nhà đỏ trên đồi trăng hồng lả.
Trời vàm sông, bến quạnh gió mù tăm,
(Nước thao thức lòng sâu cuồn cuộn hút)
Nàng trở về lạc nẻo đêm rằm.
Những trận mưa, những trận mưa tầm tã
Đẩy trôi trăng ra biển im hơi.
Những giọt sương, những giọt sương giả lả
Lá khép thu, nương náu, kinh hời.
(trích Ngôi nhà đỏ, trăng hồng, bđd.)
Hôm ta từ núi cao đi xuống
Trời phả sương mê lạnh nhạt hờn
Đá vách ngủn mây kiêu bạc hống
Nhập nhòa tiếng ngậm bặt tang thương.
Trắng phếu sườn non ngày mới chớm
Một đóa trăng tàn lẩn lút bay
Mùa hiu hắt thổi hoang vu quyện
Lòng ta tạnh vắng như cỏ cây.
Dưới ngọn đèo xa loé nắng xưa
Phiêu bạt rừng già dìu dặt mưa
Triều lũng dựng xanh chốn gió đáy
Mang mang giọng điệu trí câm mù
Ta nhớ sau lưng núi thanh thản
Biếc ngây như lệ của đêm điên
Ta nhớ rằng ta không nhớ nữa
Như cây trơ trụi mùa hưu miên
Như phiến gỗ nặng thả theo nước
Bập bềnh trôi nổi ta về xuôi
Như lau lách mọc chen bờ bãi
Phất phơ tóc bạc lả theo trời.
(toàn bài Đỉnh non xa, bđd.)
Hơi thơ đã lạ. Đã chuyển. Có chút hơi hám Tô Thùy Yên trong một vài tứ, trong đôi chỗ cấu trúc biện chứng của thơ ?
Dẫu đã phục sinh thành con người mới, trẻ, ngang với sự thật từ năm 56 qua tập Tôi không còn cô độc, nhưng đến tập Liên đêm mặt trời tìm thấyin năm 64 (tuy sáng tác giai đoạn 56 – 60), một Thanh Tâm Tuyền đoan quyết vẫn chưa bước lên cuộc hành trình mới…
Vứt mẩu thuốc cuối cùng xuống giòng sông
Mà lòng mình phơi trên kè đá
(trích Bao giờ, Liên đêm mặt trời tìm thấy)
Vẫn còn cô đơn trong những chuyến đi chung
Nếu đã đi từ Hà nội xuống Hải Phòng hay sang Bắc Ninh
Nếu đã đi từ Sàigòn xuống Vĩnh Long hay lên Thủ Dầu Một
Chuyến xe vẫn chỉ thuộc một mình
Như kẻ say rót rượu lấy mà uống
Cho vui thêm cuộc hành trình
(trích Bao giờ, bđd.)
Cái gì, hay một nỗi em, đã trói Tuyền ?
Thời gian cháy tàn những đầu thuốc lá
Đừng trói anh vào trần gian bằng mắt em nhìn kia
(trích Đêm, bđd.)
khiến Tuyền
Đêm thức dậy mở mắt mắt đã mù
(Đêm, bđd.)
đành cứ phải
Chia tay cho ta đi như một loài cỏ cây điên dại
Như một hồn lang thang không gặp được bóng mình
(trích Thức giấc trong Liên đêm mặt trời tìm thấy)
cho tới ngày Tuyền thực sự tỉnh thức sau cơn phục sinh:
Đau như thú dữ cháy rừng
Ta đập tan hình hài và thức giấc.
(trích Thức giấc, bđd.)
Sự thức giấc của Tuyền, và một số khá đông văn nghệ sĩ ở miền Nam, dường như có liên hệ xa gần với chính biến 1963. Lúc ấy, nguồn hứng đến từ văn học Tây phương xem chừng đã cạn, đã khó phát triển trong một xã hội rực lửa chiến chinh tàn khốc. Phía văn hóa mác xít thì chỉ đẩy thanh niên xuống chiến hào, xua văn nghệ sĩ làm công cụ tuyên truyền. Văn học bí lối. Bỗng cao trào tranh đấu chính trị của Phật giáo mang tới vũ khí chưa từng xuất hiện từ đầu thế kỷ : Sinh thức mới cho văn học và tư tưởng. Nhiều văn nghệ sĩ chưa là phật tử, nhưng dấu vết của sinh thức phật khá căng trong tác phẩm họ. Bước ngoặt này thấy rõ qua thơ văn những Bùi Giáng, Doãn Quốc Sỹ, Nguyễn Đức Sơn, Vũ Khắc Khoan, Nghiêm Xuân Hòng, Tô Thùy Yên, v.v… Hẳn nhiên có cả Thanh Tâm Tuyền.
Là thi sĩ lớn. Nhưng Thanh Tâm Tuyền xem ra ít coi trọng thơ. Đối với Tuyền, thơ chỉ là một phương tiện để biểu thị sức sống sục sôi trong trái tim nổi loạn và cách mạng của Tuyền. Một lần biên thư cho tác giả, Tuyền tâm sự:
“Thú thật với anh hồi ấy còn trẻ tôi chẳng bao giờ coi thơ là cái gì quan trọng cả nên thái độ đối với thơ không chỉnh, chừng biết ra thì thái độ ấy hóa thành tật quen”. (Thư riêng viết ngày 27.7.73)
Tôi e đó là sự thật. Thật ngay trong cả những bài thơ chính yếu đưa Tuyền lên tột đỉnh thi sĩ.
Trái lại, ở giây phút xúc động, chấn kích, chân thành nhất của đời Tuyền, thơ Tuyền mềm mại, gợi cảm, xoáy lộng hồn người đọc. Tiếc thay, những giây phút ấy, những bài thơ ấy không nhiều. Có lẽ vì Tuyền quá ham xuống đường khuấy động, ham phất ngọn cờ nghĩa cho văn học suy tư. Hay ham viết văn ? Tạm dẫn hai trong dòng thơ ấy:
Mây đục đậu bên bờ cửa sổ
người nằm ôm chăn mỏng nhớ đời
bệnh viện thành công viên khuất nẻo
người ngủ một mình đợi chúng tôi
trời cao trời cao xin xanh biếc
hơi thở rất tròn quanh vành môi
không trách chúng tôi nhiều quên lãng
cửa ngoài chưa thỏa vút tiếng cười
còn thương những kẻ đau rỏ máu
những chuyện hôm qua chuyện núi đồi
mai kia thân thể hoang từng mảnh
nằm đây rồi cũng rõi mây trời
Thoại ơi Thoại ơi không biết khóc
nhưng giòng nước mắt ướp mặn môi
không chết trần truồng không thể được
chúng tôi đập vỡ những hình hài
cuộc sổng phải thừa như không khí
cuộc sống phải thừa như sớm mai
đường hanh bệnh viện dòn tiếng bước
chúng tôi vào giữa lúc Thoại ngồi
xin trao thi sĩ vòng hoa tặng
chúng ta đã thắng giữa cuộc đời
(toàn bài Gửi Quách Thoại, trong Tôi không còn cô độc, 1956)
Còn gì chăng ?
Tôi bưng mặt khóc bên thềm cửa
Trời đất rưng rưng
Em không để cầm tay
Khi người thi sĩ ấy chết trơ trụi
Không một lời trối trăn, từ biệt
Mắt khép không đợi vuốt
Nửa đêm
Còn gì chăng ?
Tôi ngồi khóc bên bờ sông trôi mãi
Em bỏ đi
Những người thân nhất đều hắt hủi
Giữa xứ sở đau thương tôi chịu đọa đày
Khi người thi sĩ ấy đã gặp
Người tình ngàn đời là vô cùng
Trong hồn đất
Còn gì chăng ?
Tôi bẻ nhỏ và tôi than thở
Em bỏ đi
Em cũng chẳng trở về
Nhưng vì sao rụng bỗng đầy lề nhân gian
Người thi sĩ bay vào miền đất lạ
Không nhớ mảy may biển gió cát muôn trùng
Ở đấy tôi còn mở mắt
Dìu linh hồn lang thang.
(toàn bài về Quách Thoại, trong Liên đêm mặt trời tim thấy, 1964)
Gần đây nhất, bị giam hãm ở các trại tập trung cải tạo vùng Việt Bắc vào những năm 79, dòng thơ nhất quán ấy lại lộ ra. Ta ngỡ như Đổ Phủ lột xác đi vào ngôn ngữ Việt. Và ta mừng cho tinh hoa Việt chưa lấm lem Cộng sản còn rực. Trên mọi căm thù vặt vảnh.
Đang đọc lại bài viết đưa in sách, tôi mua được tập thơ vừa xuất bản ỏ hải ngoại của Thanh Tâm Tuyền : “Thơ ở đâu xa”gồm 58 bài làm trong thời gian mười mấy năm đi tù cải tạo qua các trại Long giao, Yên báy, Lao cay, Vĩnh phú.
Đáng là thơ đại biểu cho ba triệu người tù miền Nam sau 75. Thơ Tuyền đang làm nhạt thếch loại thi tù than oán, gào thét hay thị uy, tố cáo, của một số thi sĩ cách mạng dưới thời thuộc Pháp. Thời Pháp thuộc có tra khảo với nhục hình. Nay dưới chế độ cách mạng, người tù chịu thêm sự lăng nhục và khủng bố tinh thần qua mỗi ngày ngày.
Thế mà người tù Thanh Tâm Tuyền vẫn tự tại tiêu dao
Hồn viển vông chẳng chút oán sầu
(Ngã trên núi Việt Hồng khi đi vác nứa)
Đầm mình trong hạnh của ẩn mật
Mắt hoen nhòa hứng giọt thiên thâu
(bđd)
Mắt chẳng nhòa nước mắt đâu. Thiên thu rịn cơn tinh đẩu đấy. Chưa một lần nào Tuyền đấu tố kẻ hành hạ mình. Cũng không tả chốn ngục tù, cảnh bạc đãi. Chỉ nói phớt những lần đói, đôi lần vấp ngã điếng thân. Còn lại: một hồn thơ bát ngát, một thiên nhiên thầm thỉ, với nỗi nhớ đầy và dịu hình ảnh vợ con cùng bằng hữu.
vẫn mãi lãng du bóng tràng xanh
dù đêm lốc tới thúc quật chôn dấp
vẫn lầm lũi bóng tù khổ sai và trâu
trong ánh chớp xé rọi luống cày
(Thơ tặng bạn đi cày)
Vài khi Tuyền nao lòng, tuy khá hiếm
Lưu đầy trên đất Bắc
Còn qua bao cửa ngục ?
Đây quê mình quê người ?
Tuyền khác chi núi
Đứng vững không khuỵu chân
Trên mãnh đất nghèo khổ
(Vang vang trời vào xuân)
Nỗi chết đến với kẻ tử tù ư ?
Hắn tự chôn theo gió đáy trời
(Sinh nhật trên đồi sắn)
Trái tim tiêu dao tưởng chừng gỗ đá của hắn vẫn la đà
Đá thấy chim thoát từ lòng đá
Chim thấy đá rời từ lòng chim
(Chim – Đá – Minh mạc)
Hào khí, bất khuất, vô úy là dáng vóc người thi sĩ ấy. Hẳn là thế. Tuyền đã hùng tráng hư vô hóa kẻ thù, và ngự ngai trên đầu bọn đao phủ. Nhân tính đã thắng bạo hành.
Hóa ra ngoài những bài thơ lập thuyết, vẫn có một mạch ngầm thơ Việt trong tâm Tuyền xanh ngát ? Thơ kín mật dưới lũng Rừng khi sự tàn bạo hay đau khổ ngao du trên từng thớ thân đau tướt của thi nhân.
(Thi Vũ Võ Văn Ái)
oOo
Lệ Đá Xanh – Ca sĩ Khánh Ly:
LK Vang Vang Trời Vào Xuân, Giàn Thiên Lý Đã Xa – Ca sĩ Quỳnh Giao: