Chào các bạn,
Các em học sinh Lưu trú sắc tộc của mình sử dụng đồ dùng vật dụng trong nhà Lưu trú rất nhanh hư, có một số loại đồ dùng vật dụng hư nhiều hơn cả đó là đồ dùng vật dụng thuộc về điện như: Phích cắm điện, công tắc điện, dây cắm nối cơm điện… Thứ đến các loại ổ khóa cửa, từ ổ khóa tự động cho đến các loại ổ khóa tra chìa bấm khóa bình thường, tiếp theo nữa là các van mở và khóa nước. Còn nhà vệ sinh thì khỏi nói, bị nghẹt liên tục.
Thời gian đầu mình rất bực và khó chịu vì các em đã hay quên lại đụng đâu hư đó, đụng vào thứ gì là hư thứ đó! Nhà Lưu trú có tất cả bốn mươi em và không em nào khá hơn em nào, nên những đồ dùng vật dụng trong nhà Lưu trú thay phiên nhau hư. Khi đã làm hư các em không báo cho mình biết là hư để sửa để thay, đợi đến lúc cần dùng mình cầm đến không dùng được bởi đã bị các em làm hư.
Thêm vào đó hỏi cả nhà không em nào chịu mở miệng ra nói cũng như chịu nhận đã lỡ làm hư. Mình nghĩ nếu không tìm cách khắc phục để tình trạng này kéo dài chắc mình điên mất!
Và để khắc phục mỗi tối trước khi học bài, mình dạy các em học ba mươi phút về môi trường chung quanh. Trong giờ học mình mang ra năm loại đồ dùng vật dụng thường dùng trong nhà, dạy cho các em biết tên của đồ dùng, cách sử dụng. Sau đó cho các em ôn đi ôn lại, gọi một số em lên kiểm tra.
Sau một thời gian ngắn được chỉ dạy cách sử dụng, đồ dùng vật dụng trong nhà Lưu trú bớt hư, và mỗi ngày nấu bếp mình cũng đỡ mệt vì các em không còn lầm lẫn, hoặc lấy không đúng những vật dụng mình cần khi nhờ như: Cái thớt, cái chảo hoặc cái cối giã ớt tỏi…
Các em cũng thường xuyên được mình dạy dỗ nhắc bảo phải biết cảm ơn, xin lỗi, thưa trình, xin phép và vệ sinh sạch sẽ. Chỉ một tháng sau các em dần đi vào nề nếp ổn định cho đến bây giờ sau gần bốn năm, các em học sinh mình vẫn giữ được nề nếp ngoan hiền lễ phép, nhờ vậy trong công tác đồng hành với các em mình cũng đỡ vất vả. Tuy vậy có điều mình luôn thắc mắc: Không hiểu sao các em luôn rất chậm trong xin lỗi và mãi đến lâu sau này mình mới hiểu ra.
Một lần các em Tổ Một trực nhà đã làm mẻ con dao cắt rau. Thứ Hai đầu tuần đến mình thấy nhưng mãi đến thứ Tư sau dùng cơm trưa các em Tổ Một đến gặp mình, em Giết nói:
– “Tổ mình đến xin lỗi Yăh đã làm mẻ con dao.”
– “Con dao đó thứ Hai đến Yăh đã thấy bị mẻ, nhưng sao mãi đến hôm nay các em mới đến báo?”
– “Vì xin lỗi phải tự nói rất khó.”
– “Mình làm sai thật thà đến xin lỗi có gì mà khó nói?”
– “Nếu Yăh hỏi từng câu mình theo câu Yăh hỏi để xin lỗi thì dễ. Còn Yăh im lặng để tự nói mình phải suy nghĩ cách người Kinh và sắp xếp câu nói cũng theo cách người Kinh. Ý mình nói khó nói là chỗ đó!”
Matta Xuân Lành