Tân Nhạc VN – Ca Khúc Vượt Thời Gian – “Cánh Hoa Yêu”, “Dừng Bước Giang Hồ”, “Ngàn Thu Áo Tím”, “Tiễn Bước Sang Ngang”, “Gió Mùa Xuân Tới”, “Một Thuở Yêu Đàn”, “Nhạc Sầu Tương Tư”, “Hai Phương Trời Cách Biệt”

Đọc các bài cùng chuỗi, xin click vào đây.

Chào các bạn,

Hôm nay mình giới thiệu đến các bạn các ca khúc “Cánh Hoa Yêu”, “Dừng Bước Giang Hồ”, “Ngàn Thu Áo Tím”, “Tiễn Bước Sang Ngang”, “Gió Mùa Xuân Tới”, “Một Thuở Yêu Đàn”, “Nhạc Sầu Tương Tư”, “Hai Phương Trời Cách Biệt” của Nhạc sĩ Hoàng Trọng.

Nhạc sĩ Hoàng Trọng (1922 – 1998) là một nhạc sĩ được mệnh danh là “Vua Tango” của Âm Nhạc Việt Nam. Ông tên thật là Hoàng Trung Trọng, sinh năm 1922 tại Hải Dương. Năm 1927 gia đình ông chuyển về sống tại Nam Định.

Nhạc sĩ Hoàng Trọng bắt đầu học nhạc từ năm 1933 qua người anh trai là Hoàng Trung Quý. Từ năm 1937, Nhạc sĩ Hoàng Trọng học nhạc tại trường Thầy Dòng Saint Thomas Nam Định. Đến năm 1941, ông tiếp tục nghiên cứu âm nhạc qua sách vở và học hàm thụ từ một trường ở Paris. Cũng thời gian ở Nam Định, khoảng 1940 ông có mở một lớp dạy nhạc.

hoangtrong1

hoangtrong_Cánh Hoa Yêu1

hoangtrong_Cánh Hoa Yêu2

Năm 15 tuổi, ông cùng các anh em trong gia đình Hoàng Trung An, Hoàng Trung Vinh và một số bạn bè như Đan Thọ, Đặng Thế Phong, Bùi Công Kỳ… lập một ban nhạc. Ban đầu ban nhạc không có tên và gần như chỉ để giải trí. Năm 1945 ông mở phòng trà “Thiên Thai” ở Thái Bình, và bạn nhạc từ ấy mang tên “Thiên Thai”. “Thiên Thai” trình diễn ở đó mỗi tối và hoạt động tới năm 1946, khi chiến tranh Việt – Pháp bùng nổ.

Cuối thập niên 1930, Tân Nhạc Việt Nam bắt đầu hình thành, Hoàng Trọng cũng có sáng tác đầu tay “Đêm Trăng” được viết năm 1938, khi ông mới 16 tuổi. Một số bản nhạc tiếp theo của ông đã được Phạm Duy trình bày trên sân khấu của gánh hát Đức Huy, trong đó có “Tiếng Đàn Tôi”, một trong những bản Tango đầu tiên của Việt Nam. Một bản nhạc tiền chiến nổi tiếng khác của Hoàng Trọng thời gian đó là “Một Thuở Yêu Đàn”.

Vì chiến tranh, ông di chuyển khỏi Nam Định, qua phủ Nho Quan, Phát Diệm và cuối cùng định cư tại Hà Nội năm 1947. Thời gian đó ông đã viết bài “Phút Chia Ly”, một nhạc phẩm tango giá trị, do NS Nguyễn Túc đặt lời. Cũng trong khoảng thời gian ở Hà Nội, NS Hoàng Trọng liên hệ với những nghệ sĩ của đài phát thanh như Mộc Lan, Minh Diệu, Mạnh Phát, Châu Kỳ… nhờ đó các nhạc phẩm của ông được phổ biến. Hoàng Trọng cũng viết cuốn “Tự Học Hạ Uy Cầm”, tích lũy từ những kinh nghiệm dạy đàn trước đó, và được nhà xuất bản Thế Giới phát hành.

Nhạc sĩ Hoàng Trọng.
Nhạc sĩ Hoàng Trọng.

hoangtrong_Dừng Bước Giang Hồ1

hoangtrong_Dừng Bước Giang Hồ2

hoangtrong_Dừng Bước Giang Hồ3

hoangtrong_Gió Mùa Xuân Tới1

hoangtrong_Gió Mùa Xuân Tới2

hoangtrong_Hai Phương Trời Cách Biệt

Năm 1950, nhạc sĩ Hoàng Trọng gia nhập quân đội. Ông là trưởng ban Quân Nhạc Bảo Chính Đoãn trình diễn mỗi tuần tại một vườn hoa cạnh Bưu Điện Hà Nội (vườn hoa Indra Gandi?) và trong chương trình Tiếng Nói Bảo Chính Đoãn của đài phát thanh Hà Nội. Khoảng thời gian này, ông viết nhiều bài hát, trong đó có “Gió Mùa Xuân Tới. Năm 1953 tên tuổi Hoàng Trọng thực sự nổi tiếng với “Nhạc Sầu Tương Tư”, ca khúc đó được trình diễn thường xuyên trên đài phát thanh khi ấy. Năm đó ông còn viết một bản tango khác là “Dừng Bước Giang Hồ”.

Năm 1954, NS Hoàng Trọng di cư vào miền Nam, sống trong hoàn cảnh gà trống nuôi 3 con: Hoàng Nhạc Đô, Hoàng Cung Fa, Hoàng Bạch La. Tại Sài Gòn, ông thành lập những ban nhạc trình diễn trên đài phát thanh Sài Gòn, đài Quân Đội, đài Tiếng Nói Tự Do và đài Truyền hình Việt Nam. Những ban nhạc của ông hoạt động đến tận 1975, từng mang nhiều tên khác nhau như “Hoàng Trọng”, “Tây Hồ”, “Đất Nước Mến Yêu”… đặc biệt từ năm 1967 với tên “Tiếng Tơ Đồng”. Ban hợp xướng “Tiếng Tơ Đồng”, với các ca sĩ, nhạc sĩ danh tiếng của Sài Gòn thời đó, đã trình bày nhiều ca khúc tiền chiến giá trị.

Khoảng thời gian ở Sài Gòn, NS Hoàng Trọng sáng tác rất mạnh mẽ, nhiều ca khúc nổi tiếng như “Ngàn Thu Ấo Tím”, “Lạnh Lùng”, “Bạn Lòng”, “Mộng Lành”, “Tiễn Bước Sang Ngang”, “Ngỡ Ngàng”… Trong khoảng 200 nhạc phẩm của Hoàng Trọng, ông chỉ tự đặt lời khoảng 40 bài. Số còn lại được sự giúp đỡ của nhiều nhạc sĩ khác như Hồ Đình Phương, Hoàng Dương, Nguyễn Túc, Quách Đàm, Vĩnh Phúc… Trong giới nhạc sĩ Việt Nam, Hoàng Trọng viết tango nhiều và được xem như người thành công nhất với danh hiệu “Vua Tango”.

Hoàng Trọng và ban Tiếng Tơ Đồng trong buổi phát hình trên THVN năm 1968.
Hoàng Trọng và ban Tiếng Tơ Đồng trong buổi phát hình trên THVN năm 1968.

hoangtrong_Ngàn Thu Áo Tím

hoangtrong_Nhạc Sầu Tương Tư1

hoangtrong_Nhạc Sầu Tương Tư2

hoangtrong_Nhạc Sầu Tương Tư3

hoangtrong_Tiển Bước Sang Ngang1

hoangtrong_Tiển Bước Sang Ngang2

Ông cũng tham gia viết nhạc phim, một vài phim có tiếng như “Xin Nhận Nơi Này Làm Quê Hương”, “Giã Từ Bóng Tối”, “Người Tình Không Chân Dung”, “Sau Giờ Giới Nghiêm”, “Bão Tình”. Với nhạc trong bộ phim “Triệu Phú Bất Đắc Dĩ”, NS Hoàng Trọng đã được giải thưởng Văn Học Nghệ Thuật của Việt Nam Cộng Hòa trong năm 1972 – 1973.

Sau 1975 NS Hoàng Trọng chỉ sáng tác một vài ca khúc và không phổ biến. Bản cuối cùng của ông là “Chiều Rơi Đó Em”.

Năm 1992 NS Hoàng Trọng sang định cư tại Hoa Kỳ và ông qua đời ngày 16 tháng 7 năm 1998.

Dưới đây mình có bài:

– Hoàng Trọng: Người Nhạc Sĩ Chân Thành

Cùng với 26 clips tổng hợp các ca khúc “Cánh Hoa Yêu”, “Dừng Bước Giang Hồ”, “Ngàn Thu Áo Tím”, “Tiễn Bước Sang Ngang”, “Gió Mùa Xuân Tới”, “Một Thuở Yêu Đàn”, “Nhạc Sầu Tương Tư”, “Hai Phương Trời Cách Biệt” do các ca sĩ xưa và nay diễn xướng để các bạn tiện việc tham khảo và thưởng thức.

Mời các bạn.

Túy Phượng

(Theo Wikipedia)

hoangtrong2

Hoàng Trọng: Người Nhạc Sĩ Chân Thành

(Ca sĩ Quỳnh Giao)

Người nhạc trưởng đang điều khiển dàn nhạc. Hai hàng lệ làm nhoè mắt ông khiến ông không nhìn rõ được dòng nhạc. Nhưng ông có cần nhìn rõ đâu, bởi nó -dòng nhạc- có trong ông đã lâu lắm rồi, nó là xương là máu của ông mà!… Những người nhạc sĩ đang cắm cúi đàn, đều là những người đã làm việc với ông từ hơn hai thập niên trước, có người là bạn của ông từ nửa thế kỷ qua. Người ngồi dương cầm là nhạc sư Nghiêm Phú Phi, cộng tác với Hoàng Trọng từ bao lâu rồi nhỉ, có lẽ là từ khi mới du học bên Pháp về, vào đầu thập niên 50. Nơi hàng ghế đầu của dàn violons có Đan Thọ, bạn của ông từ ngày ở ngoài Bắc, trong ban nhạc Bảo An, người đã trình tấu những đoạn ad-lib có phong điệu tzigane bất hủ cho nhưng bài tango trác tuyệt của Hoàng Trọng. Tiếng đàn Đan Thọ vẫn như xưa: lả lướt mềm mại, nhưng khuôn mặt ông, cũng như của nhạc sĩ Hoàng Trọng, đã đầy nếp nhăn… Cạnh đó vẫn dàn violons có Phạm Văn Phúc, Trần Nhật Hiền, có Nguyễn văn Mô, có violoncelle Cao Thanh Tùng, những sinh viên trường nhạc ngày xưa từng cộng tác với ông khi vừa tốt nghiệp. Những mái đầu rất xanh ngày đó, nay đã ngả muối tiêu…

Hai người ca sĩ nhìn về phía khán giả, tức là quay lưng về phía dàn nhạc đang trình bầy song ca bản Lạnh Lùng, bài hát ông viết từ mùa Đông 1946. Đó là bài song ca ông soạn cho một nam và một nữ. Người nữ ca sĩ đang hát, nhìn về phía khán giả, nhưng không nhìn thấy gì trước mắt cả, mà chỉ thấy lại khung cảnh cũ, đã mấy chục năm qua. Nàng thấy lại phòng thu thanh nóng bức, đầy khói thuốc lá. Nàng nghe lại tiếng cười nói vui nhộn và thân mật của những người ca sĩ xung quanh, mà nàng gọi họ bằng cô, bằng chú. Ngày ấy nàng mới 16, 17 thôi. Cô bé vừa chạy thục mạng gọi xich lô đến đài cho kịp giờ thu, trên áo dài trắng còn mang huy hiệu trường Gia Long. Cuốn sách nhạc nàng viết tay những bài hát mình yêu thích còn nằm trong cặp, để trên bàn.

Cô Kim Tước vừa ký tặng nàng bài Đừng Xa Nhau của Phạm Duy, lời đề tặng là “tặng Trang bài của tôi đang yêu thích”. Cô Mộc Lan thì đề tặng bài Lặng Lẽ của Lâm Tuyền với lời thủ thỉ “tặng cháu bài của cây si cổ thụ”. Chị Mai Hương thì tặng bài Chú Cuội với lời đề “tặng Trang bài hát đầu tiên của chị”. Ngay trang đầu tiên của tập nhạc là bài hát do người trưởng ban đề tặng: “tặng cháu bài chú viết từ mùa đông năm cháu vừa chào đời”. Nàng thích làm sao lời đề tặng! Vì nó cho thấy rõ sự ý nhị kín đáo mà lại đầy tình cảm của ông. Ông mà đề năm 1946, thì cũng thường thôi, có phải không? Bài hát đó mang tên Lạnh Lùng…

Người nữ ca sĩ chớp mắt, cố không để tâm trí mình đi quá xa, xa cái khung cảnh hiện tại, cô đang trình diễn trên sân khấu nhạc hội tại rạp Le Petit Trianon ở San Jose, miền Bắc California, kỷ niệm một đời phụng sự âm nhạc của Nhạc Sĩ Hoàng Trọng. Chính ông nắn nót viết lời nhắn, về hát cho ông…”Lần cuối đây”, ông nhấn mạnh với nét chữ đã ngả nghiêng.

Không cần phải kể thêm, chắc độc giả đã đoán cô học trò đó chính là kẻ viết bài này…

Thấm thoát đã hơn 30 năm, kẻ từ khi nhạc sĩ Hoàng Trọng mời tôi hát cho ban Tây Hồ thay thế cho Mẹ. Tôi phải nói sao cho đủ lòng biết ơn của tôi đối với ông, khi mình còn là một đứa bé con 15 tuổi đã được hát với toàn người lớn. Người nhỏ thứ nhì sau tôi là chị Mai Hương cũng mới lập gia đình. Có chồng là thành người lớn rồi, tôi nghĩ vậy.

Hát cho ban Tây Hồ là hạnh phúc lớn của tôi lúc đó, mặc dù, cùng lúc hoặc sau đó, các nhạc sĩ khác cũng lần lượt mời tôi cộng tác hát trên đài phát thanh Sài Gòn như: Văn Phụng, Nghiêm Phú Phi, Hoàng Lang, Võ Đức Tuyết, Vũ Thành, Đan Phú, Y Vân, Võ Đức Thu, Anh Ngọc, Phạm Duy, Nhật Bằng, Hoàng Nguyên (trong ban nhạc mà trưởng ban là nhạc sĩ Anh Việt, cũng có mặt tại San Jose ngày hôm đó). Và dĩ nhiên cả ban nhạc của Dương Thiệu Tước nữa chứ.

Năm 1962, là năm mà đất nước đất nước còn tương đối yên ổn. Thời kỳ này chính quyền ông Diệm để ý và nâng đỡ nhiều sinh hoạt về văn hóa. Nơi trường nhạc người ta thấy có mời nhạc trưởng người Đức qua dậy và điều khiển dàn hoà tấu của trường nhạc. Vào năm trước đó, nhạc trưởng Otto Solhner đã hoà âm và điều khiển dàn nhạc của trường trong bài “Con Đường Cái Quan” của Phạm Duy, có đi lưu diễn ở Đà Lạt. Khi ấy tôi mới 14, lần đầu đi hát với người lớn, nhưng vẫn với tên Đoan Trang của mình trong Ban Thiếu Nhi.

Cái tên Quỳnh Giao ra đời khi nhạc sĩ Hoàng Trọng mời tôi hát thay cho Mẹ.

Ban đầu, tên tôi là Quỳnh Dao với chữ “D” mới đúng, nhưng Hoàng Trọng cứ ghi là Quỳnh Giao với chữ “G”. Thành thử cũng chính ông là người làm tôi phải giữ tên mình là Quỳnh Giao với chữ “G”, nhất là khi có truyền hình, generique bao giờ cũng ghi chữ G mặc dù tôi có dặn và các chú Phạm Duy, Anh Ngọc, Hoàng Lang đều ghi là Dao…Ông bướng lắm đấy!

Lúc bấy giờ, Chủ sự phòng Văn Nghệ của đài là Vũ Thành. Vốn là Nhạc sĩ chân chính và cẩn trọng, ông chú ý đến phẩm chất nghệ thuật nên dành nhiều đặc ân cho các nhạc sĩ có chân tài như Hoàng Trọng, Nghiêm Phú Phi, Văn Phụng, Nhật Bằng. Ông xin trả thù lao rất cao cho phần hòa âm công phu, nhờ đó mà các ca khúc nghệ thuật của chúng ta được thăng hoa và tồn tại mãi trong lòng người yêu nhạc. Và ông vua tango Hoàng Trọng còn là vua hòa âm thời đó. Ông hòa âm cho dàn nhạc đã hay mà viết cho hợp ca càng xuất sắc. Hát bè phụ của ông là dùng hết công phu để nâng giọng solist, để làm nổi giọng chính. Bè ông viết không rườm rà mà đan lượn uyển chuyển đầy nghệ thuật. Hát trong ban của ông, ngoài đơn ca, tôi còn song ca, tam ca, hợp ca, rồi phụ họa, bài nào cũng tân kỳ và độc đáo. Vì vậy mà tôi thường háo hức trước ngày thu thanh, như chờ ngày hội vậy. Tính ông cẩn thận, thường đưa bài trước để tập dượt, ngoài xấp bài hát còn kèm miếng giấy nhỏ ghi chú, mà giờ đây tôi như còn thấy rõ trước mắt:

1/ Mưa trên phím ngà (đơn ca)
2/ Tình Xuân (tam ca) QG bè nữ 1
3/ Thương về quê cũ (hợp ca)
4/ Bạn Lòng (song ca vơí An)
5/ Thiên Thai (phụ hoạ)

Cứ như thế hàng tuần, Hoàng Trọng lái chiếc lambretta mầu xám, áo chemise mầu xám hoặc xanh, chứ không có mầu nào khác, đến đài phát thanh. Ông luôn luôn đến đài trước giờ đã định. Hát xong, cả ban rủ nhau đi ăn phở 44, tôi nhớ là ông không ăn hành ngò, bị tôi ghẹo là ăn như đi tu. Gương mặt ông nghiêm nghị trong dáng u buồn, khi nào trêu ông cười được thì chúng tôi vui suốt buổi. Ông luôn đón nghe và thu thanh lại chương trình của mình, nên ca sĩ nào lỡ hát sai thì nơm nớp lo! Cô Mộc Lan hay đòi đứng cạnh tôi, nhờ tôi đếm mesure trước cho đỡ hồi hộp. Ông cứ đòi thu đi thu lại một bài hát cho thật hoàn toàn làm chú Anh Ngọc có lần đòi “bỏ của chạy lấy người, thà mất tiền còn sướng hơn, chứ hát nhọc quá”, khiến mọi người được dịp cười ầm. Hoàng Trọng rất thích chụp hình, nên cứ bắt tụi tôi làm người mẫu cho ông huấn nghệ. Đôi khi để trả thù cho những lúc ông nghiêm nghị, tôi lè luỡi làm trò. Bức hình buồn cười ấy, năm 1992, sang Mỹ, ông đưa tôi xem lại. Cười đâu không thấy, tôi chỉ thấy cay cay nơi con mắt…

Vào thời kỳ bắt đầu có truyền hình, Hoàng Trọng lập Ban Tiếng Tơ Đồng, mỗi lần đi thu mất cả một ngày thật vất vả cho giới nghệ sĩ chúng tôi. Ông chọn và mua vải bắt may đồng phục cả nam lẫn nữ, và thành phần ca sĩ thì mời thật đông. Chúng tôi biết chắc là ông lỗ vốn. Vậy mà Hoàng Trọng say mê, không mỏi mệt, ngay cả giây phút cuối cùng trên sân khấu ở San José mà tôi kể ở đoạn trên, ông vẫn say mê. Nhìn bàn tay ông run rẩy, tôi chỉ sợ ông sẽ ngất ngay lúc ấy… Hát xong tôi chào khán giả quay lại nắm tay cám ơn ông. Tôi thấy hai hàng lệ ông tuôn rơi mà mình chợt nghẹn ngào. Hôm đó, tôi không thốt được lời cám ơn ông…

Các ca nhạc sĩ đều từ giã ông để về ngay sáng hôm sau. Riêng tôi vì đến từ xa, đã ở lại đến tối hôm sau mới đi Virginia. Buổi sáng chủ nhật đó, vợ chồng Hoàng Cung Fa, con trai ông đưa tôi đến thăm ông và dự định ở chơi cho đến giờ tôi ra phi trường. Vừa vào nhà, không khí đã có vẻ u buồn: người vợ hiền bé nhỏ của ông cho biết cả đêm qua Hoàng Trọng không ngủ được, và vừa nôn hết thức ăn ra rồi. Tôi vẫn cố hồn nhiên, cười cười: “ chắc là chú vui quá vì đã xong chương trình hôm qua, nên mới không ngủ được chứ gì?” tôi trêu tiếp: “và lúc chị Tâm hát xong bài ‘Chiều Rơi Đó Em’ cháu mới hết lo, chỉ sợ chú cảm động quá mà ngất đi đấy chứ!”.

Tôi nói đùa mà như tự trấn an mình, vì lúc đó chú than là hơi bị khó thở. Cả nhà bàn bạc không biết có nên đưa đi nhà thương hay không, vì nhà thương đã có hẹn là thứ năm mới vào khám để hôm sau mới mổ tim. Người con trai tên Út mới 17 tuổi mà chững chạc như người lớn, đột nhiên thưa với mẹ là nên đưa cha đi nhà thương ngay. Nét mặt cậu giống hệt chú Hoàng Trọng của tôi lúc trẻ, nên càng nhìn mình càng thấy xót xa. Cô gái út tên Kim Mi mới 12 tuổi xinh thật là xinh, mà hầu cha cũng thật là giỏi, đang ngơ ngác đứng nhìn. Cung Fa và Bạch La, là hai người con lớn từ xa đã về dự ngày nhạc hội của cha. Bạch La và Phước cùng hai con về từ bên Đức, còn Cung Fa và Dung về từ Virginia. Cả nhà lo lắng, ủ rũ. Mọi người chờ chú vào nhà trong thay áo, rồi đi hai xe đưa chú vào nhà thương Palo Alto. Tôi ngồi xe do chị Thu Tâm lái, nhìn chị, tôi thương cảm hết sức và hiểu được tình yêu của hai người. Tình yêu của họ có lẽ bắt đầu bằng sự cảm phục về tài, và tồn tại bằng sự chia sẻ nghệ thuật trong những năm cô đơn và đau buồn của người nhạc sĩ sau 75.

Tôi thấy họ đẹp vô cùng, và tôi cũng thấy được cái hạnh phúc cuối cùng của chú Hoàng Trọng. Tôi ngồi ghế ngoài phòng đợi với Phước và Bạch La, khi hai mẹ con đưa chú vào phòng khám, mà lờ mờ nghĩ rằng có thể đây là lần cuối tôi được nhìn thấy chú…

Trở về Virginia vài ngày, tôi gọi điện thoại hỏi thăm, thi gặp ngay giọng của Dung, người con dâu trả lời, tôi giật mình lo sợ: Dung và Fa đã về Virginia rồi, nay lại có mặt ở đó, nghĩa là tình hình không khả quan, có khi bệnh tình đã nguy ngập. Dung nói “chị gọi vào nhà thương cho cha em đi, chắc ông vui lắm đó. Mấy hôm nay cha nói mớ toàn tên bài hát và có nhắc đến tên chị nữa đó”. Tôi nghẹn ngào xin số của nhà thương. Gọi vào gặp chị Thu Tâm, và được chuyển ngay cho Hoàng Trọng. Tôi hỏi thăm và cố nói vui: “Chú ơi, ráng khỏe lại nhé, mình còn làm vài chương trình nữa chứ!” Hoàng Trọng chỉ ừ ừ cám ơn, giọng thều thào như qua tấm lá chắn. Tôi lại hỏi: “Chú ơi, cháu muốn hát một bài tango của chú, chú khuyên bài gì, Tình Trăng được không?”. Tôi nghe như có niềm vui: “Ừ, hát Tình Trăng thì hay lắm, chưa hát đĩa bài ấy đấy.”

Vài tuần sau thì mẹ tôi gọi từ quận Cam của Cali, báo cho biết chú Hoàng Trọng vừa ra đi. Sau đó Nguyễn Thành Vân (người song ca với tôi bản Lạnh Lùng ở San Jose) gọi báo tin, kèm lời than “trời ơi! ai biểu ông làm chương trình nhạc làm chi, mệt quá ổng mới vào nhà thương đó.” Tôi an ủi Vân: “không đâu, ông có được niềm vui sau cùng đó, Vân à”.

Sống với âm nhạc cả một đời, chú đặt tên cho con toàn là nốt nhạc: Hoàng Nhạc Đô, Hoàng Cung Fa, Hoàng Bạch La, Hoàng Thiên Út (tức khóa Đô trong nhạc) chứ không phải út ít như nghĩa thường, và Hoàng Kim Mi. Ông chỉ thiếu Ré và Sol vốn là chữ khó dùng để đặt tên được vì nghe không thuận tai. Còn nốt Si thì tôi trộm nghĩ đó chính là tên của ông: Hoàng Trọng là người si mê âm nhạc đến tận cùng, và ông gắn bó với nhạc cho tới hơi thở cuối cùng.

Hoàng Trọng viết nhạc từ thời còn thanh niên cho tới gần đây, và tôi ít thấy nhạc sĩ nào có trí nhớ hơn ông. Sau 1975, phần lớn các nhạc sĩ mất hết tài liệu và tác phẩm của mình. Người nào may mắn có tác phẩm trình bày trong tape, được người khác mang theo khi di tản, thì mới còn mong ghi lại lời ca ý nhạc của mình. Nhưng, nhạc thì không quên được, chứ lời thường bị quên. Phần lớn các nhạc sĩ còn phải hỏi ca sĩ về lời của bài hát mình viết. Các nhạc sĩ như Văn Phụng, Ngọc Bích, Tuấn Khanh, v..v..thường gọi chúng tôi hỏi lời bài hát, Cô Châu Hà cũng còn quên lời nhạc của chú Văn Phụng, và mẹ tôi không nhớ lời các ca khúc Dương Thiệu Tước bằng chính tôi, vì mình vẫn hát mãi… Chính các ca sĩ chúng tôi đã tiếp tục đem lại sự sống cho các ca khúc và giữ chúng tồn tại ở ngay trong tim mình. Cho nên, với thời gian thì quên lời là sự thường, đó là trường hợp chung. Chỉ riêng chú Hoàng Trọng thì có lẽ ông quên tất cả để chỉ nhớ nhạc, nhớ lời.

Khi qua Mỹ năm 1992, Hoàng Trọng mang theo một cuốn sách nhạc nhỏ, giấy rất xấu, tự chép tay tất cả các tác phẩm của mình, từ bài đầu tiên cho đến về sau, từ lời tim óc của mình đến lời ca của người khác, với đầy đủ năm sáng tác nữa… Ông đã in lại tặng cho vài người trong chúng tôi mấy bản chép tay thật tỉ mỉ công phu đó. Đối với tôi, đây là món quà vô giá.

Là một ca sĩ đã hát nhạc của ông từ mấy chục năm nay, tôi biết nói gì để cảm ơn Hoàng Trọng?

Tánh ông ít nói, nên xưa nay tôi cũng ít có dịp thố lộ sự tri ân của mình. Từ nay, tôi chỉ còn lẩm nhẩm lại bài “Nhạc Sầu Tương Tư” để nghe tiếng lòng ấp úng của ông trước nhan sắc của một giai nhân Hà Nội thời trước, hay Lạnh Lùng để thấm thía với tình quê hương dạt dào trong lòng ông. Ai đó có nói là người Việt mình thương nơi chôn nhau cắt rốn đậm đà hơn các sắc dân khác. Tôi thấy đúng vì vẫn rưng rưng mỗi khi hát bài Lạnh Lùng, Chiều Tha Hương, hay Buồn Nhớ Quê Hương, Chiều Về Thôn Xưa, hoặc Đường Về… Những tuyệt tác trên nhịp điệu tango của Hoàng Trọng có một phong thái rất mới mà cũng rất Việt Nam. Nó có nét Tây Phương về nhịp điệu, mà lại rất Á Đông trong nét nhạc. Đông phương mà sang trọng chứ không bình dân quê kệch. Các ca khúc Mộng Ban Đầu, Mộng Ngày Hồi Hương hay Tình Trăng… nghe ròn rã nhịp điệu mà vẫn gợi lên hình ảnh đằm thắm của quê hương.

Khi Hoàng Trọng yêu màu xanh, ông làm những bài xanh ngát hương đời và niềm tin. Những Mộng Đẹp Ngày Xanh, Khúc Ca Mầu Xanh, hay Thanh Bình Nhạc Khúc… chan chứa tình người và những hy vọng tươi đẹp cho đất nước. Ông đã làm cho lũ bạn trường Gia Long của tôi mê màu tím khi sáng tác Tôi Vẫn Yêu Hoa Màu Tím, Ngàn Thu Áo Tím hoặc Cánh Hoa Yêu…Tuổi hoa niên của chúng tôi có bị ảnh hưởng bởi dòng nhạc của ông, dòng nhạc mơ mộng mà chân thật như con người đó, ít nói, ít cười mà đằm thắm và đam mê kín đáo.

Thưa chú Hoàng Trọng,

Giờ đây, hồi tưởng lại cả một đoạn đường sáng tác của chú, từ miền Bắc tới trong Nam và trong những ngày cuối của cuộc đời trên đất Mỹ, cháu thật kính trọng lòng say mê và phục vụ âm nhạc nơi chú. Những người có may mắn để biết, làm việc và sống gần chú đều yêu thương và quý trọng chú. Có một điều rõ ràng hơn cả, là chú không bao giờ giả dối, làm dáng, cường điệu. Ngay cả sự vụng về của chú cũng là điều làm cháu yêu quý chú. Cháu biết ơn chú mà cũng biết là chú không cần cháu nói ra điều đó. Chú thấy không, đến phút cuối cháu cũng chỉ nắm tay chú mà không nói lên được điều gì cả. Cháu chỉ mong là chú hiểu cháu và nghe được lời cám ơn của cháu, bây giờ và mãi mãi.

Giờ đây, ở nơi đó, chú có biết không, cháu vẫn còn nghe vẳng bên tai câu hát mà cháu có lúc đùa nghịch, bắt bẻ chú, vì chú dùng chữ “mà” lập đi lập lại nhiều lần:

Mà mơ, mà nhìn lên cõi trời cao,
Mà ngùi thương những năm nào,
Mà mong tìm một ánh sao…

Xin vĩnh biệt ánh sao.

oOo

Ngàn Thu Áo Tím – Danh ca Thái Thanh:

 

Ngàn Thu Áo Tím – Ca sĩ Ý Lan:

 

Ngàn Thu Áo Tím – Ca sĩ Lệ Thu:

 

Ngàn Thu Áo Tím – Ca sĩ Mai Thiên Vân:

 

Dừng Bước Giang Hồ – Ca sĩ Khánh Ly:

 

Dừng Bước Giang Hồ – Ca sĩ Trần Thái Hòa:

 

Dừng Bước Giang Hồ – Ca sĩ Kiều Nga:

 

Dừng Bước Giang Hồ – Ca sĩ Cẩm Ly & Minh Tuyết & Lam Trường & Cảnh Hàn:

 

Cánh Hoa Yêu – Ca sĩ Thanh Thúy (thu âm trước 1975):

 

Cánh Hoa Yêu – Ca sĩ Bảo Yến:

 

Cánh Hoa Yêu – Ca sĩ Thạch Thảo:

 

Tiễn bước sang ngang – Ca sĩ Nguyễn Hưng:

 

Liên khúc Mộng ban đầu & Tiễn bước sang ngang – Ca sĩ Thiên Kim & Nguyên Khang:

 

Gió Mùa Xuân Tới – Ca sĩ Hà Thanh:

 

Gió Mùa Xuân Tới – Ca sĩ Hồng Nhung:

 

Gió Mùa Xuân Tới – Ca sĩ Mai Khôi & Đồng Lan:

 

Một Thuở Yêu Dần – Ca sĩ Lệ Thu:

 

Một Thuở Yêu Dần – Ca sĩ Hoàng Oanh:

 

Nhạc Sầu Tương Tư – Ca sĩ Lệ Thu (thu âm trước 1975):

 

Nhạc Sầu Tương Tư – Ca sĩ Ánh Tuyết:

 

Nhạc Sầu Tương Tư – Ca sĩ Thu Phương:

 

Nhạc Sầu Tương Tư – Ca sĩ Lam Trường:

 

Hai Phương Trời Cách Biệt – Ca sĩ Thanh Lan (thu âm trước 1975):

 

Hai Phương Trời Cách Biệt – Ca sĩ Yến Vĩ (thu âm trước 1975):

 

Hai Phương Trời Cách Biệt – Ca sĩ Thanh Thúy:

 

Hai Phương Trời Cách Biệt – Ca sĩ Quốc Đại:

 

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s