04/07/2015 09:36 GMT+7
TT – 20 năm sau cuộc chiến khốc liệt, quan hệ Mỹ – Việt Nam mới được bình thường hóa. Sự kiện này đã góp phần thúc đẩy Việt Nam đổi mới kinh tế thành công…
![]() |
Ông Lê Văn Bàng gặp John Kerry – một thượng nghị sĩ thân thiện với VN – Ảnh tư liệu Lê Văn Bàng |
Kỳ 1: Trong vòng vây cấm vận
20 năm sau cuộc chiến khốc liệt, quan hệ Mỹ – Việt Nam mới được bình thường hóa. Sự kiện này đã góp phần thúc đẩy Việt Nam đổi mới kinh tế thành công, mở cánh cửa toàn diện ra thế giới.
Nhưng để đi đến được sự đổi thay lịch sử này là cả những đêm dài đầy rẫy bất đồng, chông gai, bế tắc tưởng chừng không thể vượt qua. Và đó là những câu chuyện bây giờ mới kể, của những người trong cuộc…
Ngày 5-8-1995, lá cờ đỏ sao vàng đã tung bay trên đại sứ quán đầu tiên của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở Washington, Hoa Kỳ.
Nhưng trước khi đến được đoạn kết này, hai nước đã phải trải hành trình rất dài, đầy màu xám của khác biệt, chiến tranh, hận thù và cấm vận…
Kissinger nghe Nam quốc sơn hà ở Hà Nội
“Tôi có một kỷ niệm không thể quên vào mùa xuân năm 1973 khi dẫn đoàn cố vấn Mỹ Henry Kissinger vào thăm Bảo tàng Hà Nội, trong chuyến ông sang làm việc với ông Lê Đức Thọ.
Sau khi nghe thông dịch bài thơ “Nam quốc sơn hà Nam đế cư/ Tuyệt nhiên định phận tại thiên thư/ Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm/ Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư” của danh tướng Lý Thường Kiệt, Kissinger đã lặng người một lát, rồi nói nội dung bài thơ này cũng là điều khoản 1 khẳng định độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam của Hiệp định Paris”.
Với nhà ngoại giao kỳ cựu Lê Văn Bàng, nguyên đại sứ Việt Nam đầu tiên tại Mỹ, thì năm 1973 được xem là cột mốc đặc biệt trong mối quan hệ hai nước. Mỹ rút quân, sau đó tiến hành chính sách bao vây, cấm vận khắc nghiệt với Việt Nam.
Nhắc nhớ chương quan hệ hậu chiến với Mỹ, nguyên phó thủ tướng, bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm kể bước ngoặt năm 1975 không làm thay đổi nhiều chính sách của Mỹ với Việt Nam.
Đặc biệt, việc tăng cường bao vây, cấm vận với Việt Nam sau chiến tranh được Chính phủ Mỹ xem như một phần trong chiến tranh lạnh và thế giới hai cực. Vừa trải qua bom đạn khốc liệt, Việt Nam lại càng phải đối mặt với nhiều khó khăn trong vòng vây của Mỹ.
Có một chuyện thú vị kể rằng từ bốn thế kỷ trước, tổng thống Hoa Kỳ Thomas Jefferson lúc ấy còn là đại sứ tại Pháp (1784 – 1789) đã quan tâm đặc biệt giống lúa ở nước Việt xa xôi.
Qua hoàng tử Cảnh, con vua Gia Long đang ở Pháp, ông muốn đưa giống lúa Việt về Mỹ nhưng bất thành. Chuyện này được xem như một trong những khởi mốc “duyên nợ” Việt Nam – Hoa Kỳ suốt mấy trăm năm. Từ thời điểm Bùi Viện sang Mỹ hội kiến tổng thống Ulysses Simpson Grant năm 1874, Việt Nam – Hoa Kỳ đã có lúc manh nha giao thương, rồi đồng minh chống phát xít. Tuy nhiên, một lần nữa lịch sử đổi dòng. Từ nửa cuối thế kỷ 20, mối quan hệ này rẽ bước khắc nghiệt: chiến tranh! |
“Tôi nhớ ngay sau năm 1975, chúng ta có thông qua kênh Liên Xô gửi một thông điệp đến Mỹ: Việt Nam sẵn sàng bình thường hóa quan hệ với Mỹ trên cơ sở hai bên cùng tôn trọng nhau. Nhưng chính phủ tổng thống Gerald Ford không trả lời, vì thông điệp được gửi đi không chính thức” – ông Nguyễn Mạnh Cầm kể.
Đặc biệt, nước Mỹ còn dùng quyền phủ quyết để ngăn chặn Việt Nam gia nhập Liên Hiệp Quốc. Nhưng khoảng một năm sau, tháng 5-1976, tổng thống Ford lại bất ngờ đề nghị Quốc hội Mỹ tạm cho ngừng chính sách cấm vận sáu tháng để tìm cách đối thoại với Việt Nam.
Ngay sau đó, bộ trưởng ngoại giao Mỹ Kissinger gửi một bức thư cho quốc vụ khanh Việt Nam, đề nghị hai bên có thể gặp gỡ, trao đổi về vấn đề bình thường hóa quan hệ hai nước.
Phía Mỹ đưa ra lộ trình ba bước, nhấn mạnh Việt Nam phải thực hiện hồ sơ đầy đủ về trao trả hài cốt và lính Mỹ mất tích trong chiến tranh.
Theo ông Nguyễn Mạnh Cầm, trước lộ trình này của Mỹ, Việt Nam cũng đưa ra yêu cầu của mình, nhắc Mỹ phải bồi thường chiến tranh với số tiền 3,25 tỉ USD.
Yêu cầu này dựa trên một thỏa thuận được ký thành văn bản giữa ông Lê Đức Thọ và Kissinger vào tháng 1-1973 với nội dung Mỹ sẽ viện trợ để Việt Nam phục hồi kinh tế.
Lộ trình bình thường hóa vẫn giậm chân tại chỗ khi phía Mỹ đòi thực hiện các yêu cầu của mình để bình thường hóa quan hệ xong mới bàn đến chuyện viện trợ (Mỹ không chịu dùng từ bồi thường).
Còn Việt Nam vẫn khẳng định lập trường Mỹ phải bồi thường chiến tranh mới bàn đến chuyện bình thường hóa…
Tảng băng lạnh lẽo giữa hai nước Việt – Mỹ vẫn kéo dài suốt nhiệm kỳ 1974 – 1977 của tổng thống Ford. Vị tổng thống đầu tiên và duy nhất cho đến nay được hiến pháp Mỹ công nhận là lãnh đạo quốc gia không phải thông qua bầu cử sau khi Nixon phải từ chức vì vụ nghe lén Watergate.
Năm đầu tiên làm tổng thống, Ford không tái can thiệp quân sự vào chiến trường Việt Nam trong tình cảnh đồng minh Việt Nam cộng hòa bại trận. Nhưng sau đó, ông vẫn chủ trương siết chặt cấm vận toàn diện với Việt Nam hậu chiến.
![]() |
Cựu bộ trưởng Bộ Thương mại Lê Văn Triết – Ảnh: QUỐC VIỆT |
Những ngày khó khăn
Theo cựu bộ trưởng Bộ Thương mại Lê Văn Triết, sự cấm vận gay gắt của Mỹ đã làm Việt Nam đối diện rất nhiều khó khăn sau năm 1975.
Hầu bao viện trợ cho miền Nam suốt 20 năm đứt hẳn. Sự giúp đỡ của khối XHCN cũng sụt giảm rất nhanh sau chiến tranh. Tình trạng càng nan giải khi trong nước bị một số chính sách sai lầm nghiêm trọng trong kinh tế, đặc biệt là ở khu vực nông nghiệp và thị trường.
“Có đêm, tôi vừa lên giường chợp mắt lúc gần 1g sáng thì nhận điện thoại của một lãnh đạo yêu cầu cách chức ngay tham tán thương mại ở Liên Xô. Mặc dù biết trước tình hình nhưng tôi vẫn hỏi tại sao. Vị lãnh đạo ấy trả lời rằng tham tán thương mại này không hoàn thành được việc “chạy” sắt thép, phân bón, thuốc trừ sâu, lương thực từ Liên Xô.
Tôi vâng, vâng, nhưng không thực hiện yêu cầu này, vì thật lòng nếu tôi ở hoàn cảnh ông ta cũng không thể làm gì” – đến giờ ông Lê Văn Triết vẫn nhớ kỷ niệm khó quên thời bị cấm vận, con đường duy nhất của Việt Nam chỉ là phía Liên Xô.
Sau này, ông Triết có hỏi cụ thể chuyện của tham tán thương mại ấy thì được nghe sau nỗ lực bất thành ông ta phải điện về nước báo tin “bó tay”! Liên Xô cũng đang chìm ngập trong khó khăn, không thể viện trợ được như trước cho Việt Nam.
Vị tham tán đành đề xuất giải pháp chữa cháy là trong nước cố gắng vét số ngoại tệ cực kỳ khan hiếm thời ấy để nhập tạm những mặt hàng hết sức thiết yếu như phân bón, thuốc trừ sâu.
Ở lĩnh vực ngoại giao, sự cấm vận của Mỹ cũng làm Việt Nam bị nhiều khó khăn. Ông Võ Anh Tuấn, nguyên đại sứ tại Liên Hiệp Quốc, kể: “Ngày 19-9-1975, đơn gia nhập Liên Hiệp Quốc của Việt Nam dân chủ cộng hòa và Cộng hòa miền Nam Việt Nam được 123 phiếu thuận áp đảo, chỉ 9 phiếu trắng gồm Mỹ, Israel.
Thế nhưng, cuối tháng 9, khi Hội đồng Bảo an họp xét đơn, Mỹ đã dùng quyền phủ quyết trong lúc 14 lá phiếu còn lại đều thuận. Đến tháng 8-1976, Mỹ lại phủ quyết lần nữa”.
Ông Võ Anh Tuấn vẫn nhớ tuy là đoàn ngoại giao nhưng Việt Nam vẫn gặp rất nhiều trở ngại trên đất Mỹ.
Cán bộ, nhân viên ngoại giao Việt Nam chỉ được phép đi lại trong phạm vi bán kính 25 dặm tính từ trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York.
Ai muốn ra ngoài tầm kiểm soát đó buộc phải xin phép từng trường hợp. Mọi hành động của đoàn ngoại giao Việt Nam đều bị FBI theo dõi sát sao. Bất cứ chiếc xe nào chở cán bộ ngoại giao Việt Nam lăn bánh đều có xe FBI bám theo.
______________
Tổng thống Ford thất cử nhiệm kỳ 2. Jimmy Carter, Đảng Dân chủ, lên lãnh đạo nước Mỹ. Ông hé mở lộ trình mới để bình thường hóa quan hệ với Việt Nam.
Kỳ tới: Tín hiệu Jimmy Carter
Tín hiệu Jimmy Carter
TT – “Có một số nguồn nghiên cứu cho rằng VN để lỡ bước bình thường hóa quan hệ với Mỹ từ năm 1977 khi Jimmy Carter, Đảng Dân chủ, mới lên làm tổng thống.
![]() |
“Có ý kiến cho rằng VN đã để mất cơ hội năm 1978, nhưng sự thật không đơn giản như vậy” – nguyên phó thủ tướng, bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm – Ảnh: QUỐC VIỆT |
Sự chậm chân gần 20 năm thật đáng tiếc. Nhưng sự thật không thể đơn giản như vậy khi nhìn vào bàn cờ địa chính trị của các nước lớn, đặc biệt là những vấn đề VN với khu vực lúc ấy” – nguyên phó thủ tướng, bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm nhìn nhận lại thời kỳ này.
Tảng băng Ford tan chảy
Mùa xuân năm 1977, Jimmy Carter lên làm tổng thống Mỹ sau cuộc đua tranh cử nước rút với người đương nhiệm Gerald Ford. Thống đốc tiểu bang Georgia bước vào tòa Bạch Ốc thủ đô Washington với nhiều đổi thay trong thái độ và hành động với thế giới song cực đương thời.
Thông qua kênh Liên Xô như chính VN từng làm trước đây, ông ta đã gửi thông điệp về một kế hoạch bình thường hóa quan hệ có vẻ khá mềm dẻo gồm ba bước với VN: 1/ Phía VN thông báo cho Mỹ tin tức về những người Mỹ mất tích trong chiến tranh (MIA). 2/ Mỹ đồng ý để VN gia nhập Liên Hiệp Quốc đồng thời thiết lập quan hệ ngoại giao. 3/ Mỹ có thể đóng góp khôi phục VN qua phát triển thương mại, cung cấp trang thiết bị và các hình thức hợp tác khác.
Theo ông Nguyễn Mạnh Cầm, chỉ ba tháng sau khi nhậm chức, Jimmy Carter đã gửi một phái đoàn đặc biệt do thượng nghị sĩ Leonard Woodcock làm trưởng đoàn lần đầu sang thăm VN thời hậu chiến.
Cùng đi với vị thượng nghị sĩ, chủ tịch Liên hiệp Công đoàn xe hơi này còn có các nhân vật quan trọng như thượng nghị sĩ Mike Mansfield, Charles Yost, Sonny Montgomery…
Ngày 16-3-1977, chiếc C141 không quân Mỹ hạ thấp độ cao đáp xuống sân bay Gia Lâm, Hà Nội. Rải rác bên dưới, những hố bom chưa kịp san lấp vẫn còn toang hoác dấu hiệu chiến tranh tàn khốc.
Tại sân bay, thứ trưởng Bộ Ngoại giao lúc ấy là ông Phan Hiền đón đoàn. Sau đó, buổi làm việc chính thức giữa ông Phan Hiền và Woodcock đã diễn ra khá dài, nhưng chưa đạt được kết quả mong đợi.
Đoàn Mỹ nhấn mạnh vấn đề tìm hài cốt và người Mỹ mất tích. Phía VN nhắc lại yêu cầu Mỹ phải có trách nhiệm khắc phục hậu quả chiến tranh theo như ký kết giữa Kissinger và Lê Đức Thọ năm 1973.
Ngoài những buổi làm việc chính thức, thượng nghị sĩ Woodcock còn gặp bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh và đến chào xã giao Thủ tướng Phạm Văn Đồng.
Về sau, vị thượng nghị sĩ Mỹ này kể lại có nhiều ấn tượng đặc biệt ở Hà Nội dù tiến trình thảo luận bình thường quan hệ giữa hai nước còn lắm bất đồng.
Tuy kết quả làm việc tại Hà Nội chưa được như mong đợi, nhưng ông Phan Hiền vẫn lặp lại chủ trương VN sẵn sàng tích cực giải quyết vấn đề hài cốt và người Mỹ mất tích theo tinh thần nhân đạo.
Có hai chuyện đặc biệt khác cũng diễn ra ngay sau các buổi làm việc ngoại giao. Đoàn Mỹ rất xúc động khi được phía VN trao cho 12 bộ hài cốt quân nhân Mỹ ngay trong chuyến đi này.
Lúc chuẩn bị lên máy bay, chính Woodcock còn nhờ ông Phan Hiền giúp một việc đặc biệt: đại tá Paul Mather, thành viên chính thức trong phái đoàn này, có một người yêu VN bị kẹt lại ở Sài Gòn sau năm 1975. Viên sĩ quan ấy thiết tha mong mỏi phía VN tìm lại cô gái đã hứa hôn cho mình.
Ông Phan Hiền mỉm cười, gật đầu. Chiếc C141 màu xám của không lực Mỹ chao cánh rời Hà Nội, bay ra Biển Đông, đem về được 12 chiếc quan tài lính Mỹ cùng niềm hi vọng của viên sĩ quan có người yêu Việt.
Nguyên đại sứ đầu tiên tại Mỹ Lê Văn Bàng kể ông có nhớ chỉ một thời gian ngắn sau, phía VN đã tìm được cô gái này và cho phép đoàn tụ với người yêu ở Mỹ.
Đó là thái độ rất thiện chí và tình cảm của VN dù lộ trình bình thường hóa quan hệ hai quốc gia xa cách đôi bờ Thái Bình Dương vẫn còn đầy chông gai phía trước…
![]() |
Đại diện Ngân hàng Nhà nước VN tham dự Hội nghị tài chính thế giới tại Manila năm 1976 trong tình hình bị Mỹ cấm vận gay gắt – Ảnh tư liệu |
Những cuộc đàm phán căng thẳng
Ngay sau khi đoàn nghị sĩ Mỹ đến Hà Nội, ông Phan Hiền đã bay sang Paris để tiếp tục ba vòng đàm phán tiếp theo trong năm 1977.
Cùng đi với ông còn có các nhà ngoại giao Trần Quang Cơ, Lê Mai, Hà Huy Tâm, Bùi Xuân Ninh… Phía Mỹ do trợ lý bộ trưởng ngoại giao Richard Holbrooke dẫn đoàn.
Lộ trình tiến tới bình thường hóa được đề xuất các bước đi cụ thể hơn. Mỹ đề nghị thiết lập ngoại giao vô điều kiện giữa hai nước, rồi Mỹ sẽ bỏ kiểm soát xuất khẩu và tài sản cho VN.
Còn VN vẫn kiên trì yêu cầu Mỹ phải thực hiện hứa hẹn đã ký ở Hiệp định Paris là khắc phục hậu quả chiến tranh, mới bình thường hóa quan hệ. Ngoài ra, phía Mỹ còn đề nghị nhanh chóng lập văn phòng liên lạc ở thủ đô hai nước trước khi có thể bình thường hóa quan hệ.
Một đoạn hồi ký của ông Trần Quang Cơ đã nêu rõ quan điểm của Chính phủ Mỹ lúc này với VN: “Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Andrew Young đã nói rõ điều đó: Chúng tôi coi VN như một Nam Tư ở châu Á, không phải là một bộ phận của Trung Quốc hay Liên Xô mà là một nước độc lập. Một nước VN mạnh và độc lập là phù hợp với lợi ích quốc gia của Mỹ”.
Tuy nhiên, trong lúc các vòng đàm phán đang tiếp diễn ở Paris, phe chống “bắt tay” với VN ở Quốc hội Mỹ cũng có những hoạt động căng thẳng. Họ tìm cách thông qua thành công một đạo luật sửa đổi về viện trợ nước ngoài do các nghị sĩ Đảng Cộng hòa bảo trợ với số lá phiếu thuận áp đảo 266/131.
Nội dung ghi rõ ngăn cấm Chính phủ Mỹ không được đàm phán đền bù chiến tranh, viện trợ hoặc bất cứ một hình thức chi trả nào với VN.
Đặc biệt, sang tháng 6-1977 trong khi VN vẫn giữ quan điểm Mỹ phải bồi thường chiến tranh tại vòng đàm phán Paris, thì phe Cộng hòa ở Hạ viện Mỹ lại thông qua thành công đạo luật viện trợ được sửa đổi tiếp theo: hủy bỏ lời hứa của Nixon viện trợ 3,25 tỉ USD cho VN.
Đoàn đàm phán Richard Holbrooke và Chính phủ Mỹ xem như bị phía lập pháp “chặt chân” trong khả năng tìm giải pháp tiệm cận với yêu cầu của VN…
Đặc biệt, những nhà ngoại giao VN cũng nhìn thấy rõ chiều hướng ở Quốc hội Mỹ bất lợi hẳn cho lập trường đàm phán của mình.
Theo ông Nguyễn Mạnh Cầm, trước diễn biến ấy, đoàn đàm phán Mỹ đã nói rõ những khó khăn, bất khả thi về thực hiện viện trợ cho VN vì vướng mắc luật pháp của họ.
Trong khi đó, phía VN bắt đầu có những điều chỉnh nội dung đàm phán trên cơ sở thuận lợi cho cả hai nước.
Ngày 11-7-1978, tại vòng đàm phán ở Tokyo, ông Phan Hiền tuyên bố VN sẽ bỏ tất cả điều kiện tiên quyết để tiến tới bình thường hóa quan hệ hai nước. Khúc mắc “gói bồi thường 3,25 tỉ USD” được tháo gỡ. Phía Mỹ cũng xác nhận trước quốc hội họ rằng VN đã xóa bỏ yêu cầu trước đây.
Lộ trình tiến đến sự “bắt tay” thật sự giữa hai cựu thù có vẻ sáng hơn. Tháng 11-1978, thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch đi New York với hi vọng thực hiện bước đàm phán cuối cùng với Richard Holbrooke.
Bất ngờ một bước ngoặt lịch sử mới lại diễn ra. Ông Nguyễn Cơ Thạch cử ông Trần Quang Cơ nán lại New York để tiếp tục những nỗ lực ngoại giao, nhưng bàn cờ địa chính trị các nước lớn đã thay đổi, và tình hình VN với khu vực cũng đổi thay…
____________
VN phản công Khmer Đỏ và đưa quân tình nguyện sang giúp nhân dân Campuchia. Đặng Tiểu Bình đi Mỹ, tuyên bố sẽ “dạy cho VN một bài học”…
Kỳ tới: Tảng băng mới
QUỐC VIỆT
Tảng băng mới
TT – “Những nỗ lực đàm phán để tiến tới bình thường hóa quan hệ giữa hai quốc gia Việt – Mỹ có lúc tưởng sáng sủa, có lúc lại lâm vào bế tắc.
>> Kỳ 1: Trong vòng vây cấm vận>> Kỳ 2: Tín hiệu Jimmy Carter
![]() |
Đại sứ Võ Anh Tuấn phát biểu tại Hội đồng Liên Hiệp Quốc – Ảnh tư liệu VÕ ANH TUẤN |
Nhưng nhiệm kỳ tổng thống Đảng Dân chủ Jimmy Carter cởi mở hơn người tiền nhiệm Gerald Ford. Việt Nam đã gia nhập thành công Liên Hiệp Quốc ngay trong thời gian này”- nguyên đại sứ Việt Nam đầu tiên tại Mỹ Lê Văn Bàng tâm sự.
Tình hình có thể đột phá nếu không xuất hiện các yếu tố địa chính trị bất ngờ…
Việt Nam vào Liên Hiệp Quốc, Mỹ không phủ quyết
Lần giở những tấm ảnh lịch sử đặc biệt đã ố màu thời gian, cựu đại sứ Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc Võ Anh Tuấn vẫn chưa quên kỷ niệm mà ông chính là người trong cuộc.
“Sau nhiều nỗ lực đầy khó khăn, Việt Nam đã gia nhập Liên Hiệp Quốc ngày 20-9-1977. Có thể khẳng định thái độ của Mỹ rất quan trọng trong vấn đề này, vì các lần trước chính việc phủ quyết của Mỹ đã trực tiếp làm thất bại nỗ lực của Việt Nam dù đa số lá phiếu khác đều thuận”- ông Tuấn kể.
Tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, nghị quyết kết nạp Việt Nam được 106 nước “bảo trợ” với số lượng áp đảo tuyệt đối. Sang Hội đồng Bảo an, 41 nước trong và ngoài hội đồng phát biểu ủng hộ Việt Nam. Lá phiếu thường trực quan trọng của Mỹ không còn dùng quyền phủ quyết.
“Đúng 16g (giờ New York), chủ tịch Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nam Tư Lazar Mojsov gõ nhẹ búa lên bàn và tuyên bố phiên họp toàn thể bắt đầu.
Ông chậm rãi và long trọng đọc một văn bản ngắn gọn nhưng mang ý nghĩa to lớn đối với tổ chức quốc tế toàn cầu này: Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc nhất trí quyết định kết nạp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam vào Liên Hiệp Quốc”- ông Võ Anh Tuấn kể cả hội trường vang lên tiếng vỗ tay chào đón thành viên thứ 149.
Quốc kỳ Việt Nam được kéo lên giữa bầu trời New York, tung bay cùng 148 lá cờ khác ở trụ sở Liên Hiệp Quốc.
Tổng thư ký Kurt Waldheim trang trọng tuyên bố: “Ngày 20-9-1977, ngày mà Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết kết nạp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, là ngày có ý nghĩa trọng đại không chỉ đối với nhân dân Việt Nam mà còn đối với cả Liên Hiệp Quốc.
Sau cuộc chiến đấu lâu dài và gian khổ giành độc lập tự do, nhân dân Việt Nam sẽ tham gia vào những cố gắng của Liên Hiệp Quốc nhằm thiết lập hòa bình và công lý trên thế giới”.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh trân trọng đáp lời: “Mấy chục năm qua, tuy chưa tham gia Liên Hiệp Quốc, nước Việt Nam bằng xương bằng máu đã góp phần xứng đáng vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam sẽ hợp tác chặt chẽ với các thành viên khác của Liên Hiệp Quốc, phấn đấu không mệt mỏi nhằm thực hiện các mục tiêu cao cả”.
Đặc biệt, chỉ ít ngày sau, ngày 5-10-1977, tổng thống Mỹ Jimmy Carter đã chúc mừng Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc nhân sự kiện ý nghĩa này.
![]() |
Hàng triệu người Campuchia đã bị tàn sát dưới chế độ diệt chủng của Khmer Đỏ. Ngay năm 1975, quân Khmer Đỏ đã tấn công Phú Quốc, chiếm đảo Thổ Chu và thảm sát hơn 500 người Việt trên hòn đảo này – Ảnh tư liệu |
Bước ngoặt
Trong lúc các nhà ngoại giao Việt Nam Phan Hiền, Nguyễn Cơ Thạch đang nỗ lực ở Paris, New York, Tokyo để xây dựng con đường phát triển thời hậu chiến cho đất nước, thì tình hình biên giới Tây Nam ngày càng nóng bỏng với sự đánh phá, tàn sát người Việt của quân Khmer Đỏ.
Thực tế này đã gây trở ngại rất lớn cho lộ trình bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ.
“Đây là cuộc chiến không thể tránh khỏi! Việt Nam vừa bước ra khỏi hai cuộc chiến tranh khốc liệt, kéo dài với bao xương máu, đổ nát, không ai mong muốn lại có cuộc chiến mới này”- thiếu tướng Ngô Huy Phát, Bộ Quốc phòng, người đương thời của dòng lịch sử đầy máu lửa này, tâm sự.
Theo ông, ngay từ năm 1975, Khmer Đỏ dưới sự lãnh đạo của Pol Pot và sự tiếp tay của Trung Quốc đã đánh phá các tỉnh biên giới phía Nam. Khởi đầu là tàn sát dân thường ở các hòn đảo, rồi lan dần lên biên giới đất liền. Cường độ đánh phá ngày càng ác liệt và man rợ khủng khiếp.
Cuối năm 1978, trước tình thế bắt buộc không thể tránh khỏi, Việt Nam phải phản công quân Khmer Đỏ và đưa quân tình nguyện sang giúp nhân dân Campuchia khỏi nạn diệt chủng.
Đặc biệt, ngày 3-11-1978, tổng bí thư Lê Duẩn ký Hiệp ước hòa bình và hữu nghị với tổng bí thư Liên Xô Leonid Brezhnev.
Hiệp ước gồm 9 điều, trong đó điều 6 thỏa thuận nếu một bên bị tấn công hoặc đe dọa tấn công thì hai bên sẽ lập tức trao đổi ý kiến với nhau nhằm loại trừ mối đe dọa đó và áp dụng các biện pháp thích đáng có hiệu lực để đảm bảo hòa bình, an ninh của hai nước.
Cũng trong năm này, Việt Nam gia nhập COMECON, Hội đồng Tương trợ kinh tế của các quốc gia thuộc khối xã hội chủ nghĩa.
Trước những diễn biến mới đó, chuyến công cán ngoại giao quan trọng của thứ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đến New York không gặt hái được kỳ vọng mong đợi. Trợ lý bộ trưởng ngoại giao Mỹ Richard Holbrooke vẫn giữ thái độ lịch sự ngoại giao nhưng đã thay đổi lập trường đàm phán.
“Trước những chuyển biến mới, chính phủ Jimmy Carter hoãn lộ trình bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, dù trước đó Mỹ là nước chủ động đề xuất nhiều giải pháp cởi mở và Việt Nam cũng đồng ý vô điều kiện”, theo ông Nguyễn Mạnh Cầm.
Mỹ đặt lại điều kiện Việt Nam phải làm rõ ba vấn đề: 1/ Phải làm rõ sự thù địch của Việt Nam với Campuchia, 2/ Thực chất Hiệp ước hòa bình và hữu nghị Việt Nam với Liên Xô ra sao. 3/ Vấn đề thuyền nhân.
Trong trật tự thế giới hai cực Yalta, việc Liên Xô và Việt Nam ký hiệp ước hữu nghị là bình thường như bao quốc gia đã thực hiện.
Tuy nhiên Mỹ, Trung Quốc và một số nước đã cho rằng Việt Nam đã “mở bàn đạp” cho Liên Xô đặt chân vào địa bàn chiến lược Đông Nam Á. Hạm đội Thái Bình Dương luôn sẵn sàng ở quân cảng hiểm yếu Cam Ranh.
Đặc biệt, sự trợ giúp tích cực của Trung Quốc cho đội quân Pol Pot và thái độ thù địch ngày càng căng thẳng hơn với Việt Nam đã đẩy Mỹ chọn lựa ván bài chính trị mới – ván cờ địa chính trị đầy quyền lợi thực dụng của nước lớn.
Điều này được chính tổng thống đương nhiệm Jimmy Carter khẳng định trong hồi ký của mình: “Bước đi với Trung Quốc có tầm quan trọng tối cao, cho nên sau vài tuần đánh giá, tôi quyết định hoãn cố gắng về Việt Nam cho đến khi hiệp định của chúng ta ký với Bắc Kinh”.
Từ góc nhìn độc lập, hai học giả Úc là Grant Evans và Kelvin Rowley trong cuốn sách Redbrotherhood at war (Chiến tranh giữa những người anh em đỏ) cũng nhìn nhận sự xoay chiều của Chính phủ Mỹ bất lợi cho Việt Nam.
Hai tác giả là giảng viên đại học này không chỉ dựa vào tư liệu mà đi thực tế ở Thái Lan, Việt Nam và các nước Đông Dương để tìm kiếm bản chất sự thật.
Giải thích bước ngoặt chính sách ngoại giao của Mỹ đối Việt Nam, họ khẳng định: “Lý do thật sự ngoài sự thù địch chống cộng đối với chính phủ Hà Nội, một nhân tố có tầm quan trọng ngày càng tăng là họ sợ việc bình thường hóa với Việt Nam làm tổn thương mối quan hệ đang phát triển với Trung Quốc”.
Đầu tháng 1-1979, Mỹ ký Hiệp định thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. Cuối tháng này, Đặng Tiểu Bình đi Mỹ, hội kiến tổng thống Jimmy Carter và tuyên bố sẽ “dạy cho Việt Nam bài học”…
_____________
“Không quan hệ ngoại giao. Không buôn bán. Không viện trợ”. Đó là chính sách cứng rắn đối với Việt Nam của Ronald Reagan khi trở thành chủ nhân tòa Bạch Ốc.
Kỳ tới: Siết chặt đinh ốc
QUỐC VIỆT
Siết chặt đinh ốc
TT – Vượt lên cuộc tranh cử nóng bỏng năm 1980 để đánh bại tổng thống Jimmy Carter vừa mới ngồi ghế chỉ được một nhiệm kỳ, Ronald Reagan bước vào Nhà Trắng.
![]() |
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch và tướng Vessey tại Hà Nội tháng 8-1987 – Ảnh tư liệu |
Vị tân tổng thống Mỹ thuộc Đảng Cộng hòa này đã thay đổi rất nhiều chính sách của người tiền nhiệm. Vừa tăng cường chạy đua vũ trang với Liên Xô, Reagan vừa đóng băng thêm mối quan hệ mới le lói với VN.
“3 không” của Reagan
“Trong hai nhiệm kỳ của tổng thống Reagan, tiến trình bình thường hóa quan hệ với VN bị gián đoạn, hầu như không có sự trao đổi gì. Thậm chí Reagan tuyên bố rõ ràng là sẽ chống việc bình thường hóa cho đến khi có xác nhận VN đã rút hết quân khỏi Campuchia và có sự hợp tác đầy đủ về MIA, người Mỹ mất tích trong chiến tranh ở VN” – nguyên phó thủ tướng, bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm nhớ lại thời kỳ băng giá khi Reagan lên cầm quyền.
Vấn đề VN đưa quân vào Campuchia được Mỹ đặt ra rất nặng nề và không đúng thực tế. Còn chương trình MIA thì VN đã hợp tác tích cực từ trước trên tinh thần nhân đạo. Tuy nhiên, chính sách “siết chặt đinh ốc” với VN của chính phủ Reagan vẫn ngày càng căng thẳng.
Trong phiên điều trần trước Tiểu ban Đông Á và Thái Bình Dương, thượng nghị sĩ John H. Holdridge khẳng định lập trường chống VN: “Vấn đề trung tâm trong chính sách của Mỹ đối với VN là sự chiếm đóng Campuchia và đó là điều tại sao chúng ta phải duy trì sức ép với Hà Nội. Chúng tôi sẽ tiếp tục quá trình cô lập ngoại giao và tước đoạt kinh tế cho đến khi Hà Nội rút quân, bầu cử tự do và chấm dứt can thiệp từ bên ngoài”.
Theo nguyên bộ trưởng Bộ Thương mại Lê Văn Triết, chính phủ Reagan đã thi hành chính sách “3 không” với VN: không quan hệ ngoại giao, không viện trợ, không buôn bán. VN gặp nghịch cảnh cứu mình, cứu bạn mà phải mang tiếng xâm lược, bị tăng cường cấm vận.
Tình hình trong nước lúc ấy tràn ngập khó khăn. Hàng loạt chính sách kinh tế không thành công, đồng thời là sự giảm sút viện trợ nghiêm trọng từ các nước xã hội chủ nghĩa.
Ông Triết kể: “Có những chuyến đi ký nghị định thư trao đổi hàng hóa với các nước anh em truyền thống rất căng thẳng. Ta chẳng có gì giao cho họ và họ cũng chẳng có gì giao cho ta. Phía Liên Xô nói thẳng họ cũng rất khổ, rất thiếu thốn, chẳng thể tiếp tục viện trợ cho VN như trước”.
Chính sách “siết chặt đinh ốc” làm VN kiệt quệ kinh tế và cô lập ngoại giao của chính phủ Reagan đến gần cuối nhiệm kỳ hai có chút làn gió mới. Đầu tháng 8-1987, tướng John Vessey, cựu chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hoa Kỳ, làm đặc phái viên của tổng thống Reagan, bay sang Hà Nội thảo luận về các vấn đề nhân đạo mà hai bên cùng quan tâm. Trong đó, đặc biệt là tìm kiếm tù binh chiến tranh và quân nhân Mỹ mất tích POW/MIA.
Theo ông Nguyễn Mạnh Cầm, tướng Vessey đã liên tiếp mấy lần sang VN với cùng mục đích này. Bay trên chiếc C141 của không lực Mỹ, viên tướng về hưu đến Hà Nội vào cuối mùa xuân.
Ngắm sông Hồng xuôi chảy dưới chân cầu Long Biên, Vessey ưu tư bước vào thủ đô của quốc gia đã từng ở bên kia chiến tuyến. Cùng đi với ông còn có đại tá Andre Sauvageot, một nhà VN học sành sỏi tiếng Việt trong lục quân Mỹ và từng là cố vấn cho chính quyền Sài Gòn suốt 10 năm.
Tướng Vessey làm việc với nhà ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, gặp gỡ một số tướng lãnh quân đội. Đặc biệt, ông còn gặp cả Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Sau này đại tá Sauvageot kể lại đoàn Mỹ có tình cờ nghe được nỗi niềm của một số người dân Hà Nội rằng: Tại sao lại phải bỏ công sức đi tìm hài cốt lính Mỹ trong khi còn hàng trăm ngàn bộ đội vẫn đang vùi lấp xương cốt đâu đó?
Tuy nhiên suốt quá trình làm việc chính thức với phía đại diện VN, đoàn Mỹ đều nhận được thiện chí trong vấn đề này. Đó là quan điểm nhất quán ngay từ đầu của VN trên tinh thần nhân đạo.
Chỉ một năm sau, tướng Vessey lại bay đến Hà Nội với nội dung công việc như lần trước, mang theo cả nỗi niềm mong đợi của người dân Mỹ có con em còn nằm đâu đó ở VN lẫn thái độ chỉ trích căng thẳng của phe chống bình thường hóa quan hệ.
Hồi ký của thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trần Quang Cơ kể rằng suốt nhiệm kỳ tổng thống Reagan, điều kiện tiên quyết của Chính phủ Mỹ với VN luôn là “tảng băng” Campuchia. Đồng thời tốc độ và phạm vi bình thường hóa quan hệ hai nước tùy thuộc vào sự hợp tác của VN trong giải quyết vấn đề POW/MIA…
Sự “mặc cả” của Reagan gây khó khăn rất lớn cho VN trong khi chính phía VN đã bỏ yêu cầu tiên quyết về trách nhiệm bồi thường chiến tranh của Mỹ.
Mặc dù năm 1976 ông Phan Hiền tuyên bố: “Hoa Kỳ đóng góp vào việc hàn gắn vết thương chiến tranh ở VN là nghĩa vụ không thể chối cãi xét về mặt pháp lý Hiệp định Paris cũng như đạo lý, lương tri và con người”.
![]() |
Tổng thống Bush phát biểu về vấn đề tìm kiếm hài cốt lính Mỹ ở VN năm 1992. Đứng sau tổng thống là hai thượng nghị sĩ luôn ủng hộ VN: John Kerry và John McCain – Ảnh: AP |
Tia sáng mới ở đường hầm
Mùa xuân năm 1989, tân tổng thống George H. W. Bush vào tòa Bạch Ốc thay Reagan. Tình hình địa chính trị thế giới biến động rất lớn với sự tan rã của khối xã hội chủ nghĩa Đông Âu, VN thực hiện công cuộc đổi mới và tình hình Campuchia biến chuyển rõ rệt.
“Đầu năm 1989, tổng bí thư Nguyễn Văn Linh sang tham dự lễ kỷ niệm 10 năm Quốc khánh Cộng hòa nhân dân Campuchia và tuyên bố VN sẽ rút hết quân. Một số chính sách cứng rắn thời Reagan đã được tổng thống Bush điều chỉnh. Việc trao đổi lộ trình bình thường hóa quan hệ với VN được nối lại. Tháng 8-1990 tại Liên Hiệp Quốc, đại sứ Trịnh Xuân Lãng gặp gỡ phó trợ lý ngoại trưởng Mỹ Kenneth Quinn. Ông ta là người Mỹ gốc Việt” – ông Nguyễn Mạnh Cầm nhớ lại.
Nội dung trao đổi tập trung quanh vấn đề Campuchia. Khoảng một tháng sau, thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Mai tiếp tục gặp gỡ trợ lý bộ trưởng ngoại giao Richard Solomon…
Những tia sáng lạc quan rọi xuống đường hầm băng giá mà chính phủ tiền nhiệm Reagan đã tạo ra với VN. Chính sách ngoại giao của chính phủ mới không còn bị vướng mắc ở tảng đá không đúng sự thật “VN xâm lược Campuchia”.
Giữa năm 1990, ngoại trưởng Mỹ James Baker tuyên bố Hoa Kỳ rút lui ủng hộ chiếc ghế của Campuchia dân chủ tại Liên Hiệp Quốc và sẵn sàng đối thoại trực tiếp với VN về vấn đề Campuchia.
Đến tháng 10-1990, bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch sang làm việc ở Hội đồng Liên Hiệp Quốc đã gặp gỡ ngoại trưởng Baker. Hai bên đồng ý thúc đẩy nhanh hơn nữa việc bình thường hóa giữa hai quốc gia.
Tháng 4-1991, Mỹ công bố Roadmap, bản lộ trình bốn bước với VN. Ông Nguyễn Mạnh Cầm kể: “Đảm nhiệm chức vụ bộ trưởng Bộ Ngoại giao thay ông Nguyễn Cơ Thạch, tháng 10-1991 tôi bay sang Paris dự hội nghị quốc tế cuối cùng về vấn đề Campuchia, trên cơ sở đó ký kết hiệp định lập lại hòa bình ở đất nước này. Baker cũng có gặp tôi. Ông ta đề nghị VN tiếp tục tích cực giải quyết vấn đề nhân đạo MIA. Tôi cũng đề nghị Mỹ phải bãi bỏ sự cấm vận với VN”.
Thời gian này Mỹ đã thực hiện các chính sách mềm dẻo hơn như thực hiện gói viện trợ cho người tàn phế bởi chiến tranh, nới lỏng quy định cấm công dân Mỹ vào VN, đặc biệt là bãi bỏ hạn chế liên lạc viễn thông với VN. Từ đây, người Việt ly hương đã có thể xúc động nghe được tiếng nói của người thân bên kia bờ Thái Bình Dương…
__________
Kỳ tới: Sóng gió từ tài liệu mật của KGB
Họ nói rằng VN đưa phi công Mỹ sang Liên Xô, có cả sĩ quan KGB làm chứng. Câu chuyện MIA trở nên nặng nề…
QUỐC VIỆT
Sóng gió từ “tài liệu mật của KGB”
TT – “Có một tài liệu dày vài chục trang được tung ra viết rằng tướng Trần Văn Quang từng báo cáo với Bộ Chính trị của VN về việc bí mật đưa phi công Mỹ từ Hà Nội sang Liên Xô”
“Thậm chí họ còn khẳng định bản tài liệu này có nguồn gốc từ cơ quan tình báo Liên Xô KGB. Nó như một cú sét giáng vào dư luận Mỹ”, nhiều năm đã trôi qua, cựu đại sứ VN đầu tiên tại Mỹ Lê Văn Bàng vẫn nhớ sự kiện đặc biệt này.
![]() |
Máy bay trực thăng đưa chuyên gia Mỹ và lao động Việt Nam đến một điểm cao trên núi ở tỉnh Quảng Ninh để tìm hài cốt lính Mỹ – Ảnh: Hoài Linh |
Thông tin “giật gân” về tù binh Mỹ
Tổng thống Bill Clinton, Đảng Dân chủ, chính thức bước vào tòa Bạch Ốc thủ đô Washington ngày 20-1-1993. Ngay từ đầu ông gây ấn tượng với VN vì khi còn là sinh viên Đại học Oxford đã lánh nghĩa vụ quân sự để không phải tham chiến ở VN.
Ngay từ đầu nhiệm kỳ Tổng thống Bill Clinton, tháng 1-1993, Ủy ban báo cáo về vấn đề POW/MIA, tìm kiếm tù binh chiến tranh và quân nhân Mỹ mất tích của Thượng viện Mỹ đã đưa ra báo cáo khẳng định rằng không có bất cứ bằng chứng nào cho thấy có thể còn tù binh Mỹ đang bị giam giữ ở VN và Đông Nam Á.
Tuy nhiên, thực tế diễn biến trong dư luận Mỹ vẫn hết sức phức tạp. Ông Lê Văn Bàng kể: “Chính phủ Bill Clinton đang có những bước đi tích cực với VN, đột nhiên lại có những “tài liệu mới” về tù binh Mỹ mất tích ở VN.
Một người là giáo sư Stephen Morris bất ngờ công bố tài liệu mật nói rằng tướng Trần Văn Quang đã từng báo cáo với Bộ Chính trị về vấn đề đưa tù binh Mỹ sang Liên Xô”.
Để “củng cố sự thật 100%” tài liệu này, Morris tuyên bố lấy được trong một chuyến công tác ở Matxcơva, Nga.
Đặc biệt lại xuất hiện thêm nhân vật Kalugin, sĩ quan KGB lưu vong ở Mexico, phụ họa “hình như là có tài liệu mật đó”.
Trong dư luận Mỹ còn rộ thông tin cho rằng Liên Xô muốn tiếp cận phi công Mỹ qua nguồn tù binh VN để tìm hiểu máy bay chiến đấu và kỹ thuật tác chiến của không lực đối phương…
Mặc dù rất vu vơ như vậy nhưng hai chính phủ VN và Mỹ phải mất suốt mấy tháng để xác minh nguồn “tài liệu mật” này. Quốc hội Mỹ cử nhóm điều tra sang Việt Nam, Nga để xác minh. Tướng Vessey, đặc phái viên của Tổng thống Bill Clinton, bay sang Hà Nội để “đối chất” với thượng tướng Trần Văn Quang.
Kiểm tra doanh trại quân đội
Theo cựu đại sứ Bàng, có nhiều đề nghị hết sức nhạy cảm từ Mỹ. Thậm chí có lần phía Mỹ còn yêu cầu được kiểm tra tầng hầm ở một nơi tôn nghiêm tại trung tâm Hà Nội để xem có giấu tù binh Mỹ dưới đó không. Phải đến lãnh đạo cấp cao nhất quyết định, yêu cầu nhạy cảm này mới được thực hiện.
Có những nghị sĩ Mỹ rất thân thiện sau khi đi thực tế ở VN như John McCain, John Kerry, nhưng có những nghị sĩ luôn gây khó khăn dù chưa từng đến hoặc đã đến VN nhiều lần. Họ đưa ra lập luận chắc chắn vẫn còn quân nhân Mỹ mất tích ở VN.
Khi ông Bàng còn làm đại sứ ở Liên Hiệp Quốc đã từng gặp thượng nghị sĩ Bob Smith, một người của Đảng Cộng hòa luôn gây khó khăn cho VN.
Ông Bàng hỏi thẳng: “Nếu ngài có chứng cớ quân nhân Mỹ còn đang ở đất nước chúng tôi thì hãy cho một thông tin để tôi báo về Hà Nội làm rõ ngay”. “Được rồi. Tôi có một thông tin mà tôi mới nhận được đây. Tôi sẽ đích thân đi kiểm tra. Các ông có cho đi không?” – Bob Smith trả lời. Ông Bàng vẫn vui vẻ: “Chúng tôi hoan nghênh ngài đến VN để làm rõ những gì còn nghi ngờ”.
Không lâu sau đó, nghị sĩ Bob Smith bay đến Hà Nội. Ông ta yêu cầu được kiểm tra đột xuất một doanh trại quân đội ở Quân khu 9, miền Tây Nam bộ.
Nhiều vị lãnh đạo quân đội VN rất khó chịu chuyện này vì cho rằng đã đáp ứng quá nhiều yêu cầu phía Mỹ. Tuy nhiên, cuối cùng họ vẫn đồng ý để Bob Smith vào nơi đóng quân của mình. Rồi ông nghị sĩ trở về tay không…
Ông Lê Văn Bàng kể rằng Thủ tướng Võ Văn Kiệt có lần tâm sự hết sức chân tình với các nhà báo Mỹ đến VN để trao đổi về vấn đề MIA: “Ở Việt Nam có hàng chục ngàn gia đình có người thân bị mất tích. Tôi cũng là một nạn nhân. Trực thăng Mỹ đã giết 300 người trong một trận càn dọc sông Sài Gòn, vợ và con trai, một con gái của tôi đã mất trong trận càn đó. Tôi có thể thấu hiểu nỗi đau của các gia đình Mỹ có người thân bị mất tích trong chiến tranh… Tôi cũng mong muốn người dân Mỹ hiểu được hoàn cảnh chúng tôi trong vấn đề này. Chúng tôi xin mời bất cứ người nào nghi ngờ còn tù binh Mỹ sống ở Việt Nam hãy đến Việt Nam mà tìm hiểu”…
Tướng Quang nói gì về “tài liệu KGB”? Thượng tướng Trần Văn Quang trả lời Tuổi Trẻ ngay sau cuộc gặp tướng John Vessey, đặc phái viên của tổng thống Mỹ. * Thượng tướng có ý kiến như thế nào về cái gọi là “tài liệu Nga” đang được tranh luận ầm ĩ trên báo chí Mỹ? – Tôi xin tuyên bố đó là một tài liệu giả mạo, một sự bịa đặt. Bởi đơn giản là hoàn toàn không có chuyện đó. Đồng thời đó còn là một hành động thiếu đạo đức, gây nhức nhối trong tình cảm ở những gia đình có thân nhân mất tích trong chiến tranh Việt Nam, nhằm mục đích phá hoại tiến trình quan hệ hợp tác và tạo tâm trạng căng thẳng giữa hai nước. * Những người tung tài liệu này ra cho rằng ông đã viết nó tại Hà Nội và báo cáo Bộ Chính trị vào tháng 9-1972… – Ồ, không đúng. Trong suốt thời gian chiến tranh, khi thì tôi ở B2 (các tỉnh Nam bộ cũ), khi thì ở B4 (các tỉnh Quảng Trị – Thừa Thiên – Huế), mãi đến năm 1973 tôi mới ra ngoài này chữa bệnh. Năm 1972 tôi đang là tư lệnh mặt trận B4 và vào thời điểm đó tôi đang công tác trong Nam, chứ không phải ở Hà Nội. * Và đó cũng là điều mà thượng tướng trình bày với tướng J. Vessey hồi nãy? – Vâng. Tôi đã nói với tướng J. Vessey là trong suốt thời gian chiến tranh, tôi chưa hề làm một báo cáo nào về tù binh Mỹ. Đơn giản là tôi không phải là người phụ trách về vấn đề đó và đó không thuộc quyền hạn của tôi. Thứ hai là trong suốt thời gian từ 1961 – 1973, đặc biệt là vào năm 1972, tôi không công tác ở Hà Nội và cũng không phải là phó tổng tham mưu trưởng. Xin nói thêm là trong suốt cuộc chiến tranh, tôi chưa có cuộc tiếp xúc nào với tù binh Mỹ cả. Tôi phụ trách công tác địch vận thời kỳ chống Pháp và có gặp nhiều tù binh Pháp. Còn sau này đối với tù binh Mỹ thì không. Về dư luận bịa đặt là tù binh Mỹ còn bị giam giữ ở Việt Nam, tôi cho rằng không có cách bác bỏ nào khác hơn là bằng chính sự thật vậy. * Trong cuộc tiếp xúc với thượng tướng, ý kiến của tướng J. Vessey thế nào? – Trong cuộc gặp vừa rồi, tướng J. Vessey có nói với tôi hai điều. Một là nội dung tài liệu đó không được chính xác. Thứ hai, ông biết rõ vào thời điểm đó tôi không ở Hà Nội. Trước khi chia tay, tướng J. Vessey có tuyên bố với tôi là “chúng ta đã hiểu nhau hơn và cuộc gặp gỡ đã đạt được kết quả”. Và đó cũng là ý kiến của tôi. BÙI THANH thực hiện, ngày 19-4-1993 |
________________________
Kỳ tới: Bản tuyên bố lúc 5 giờ chiều
QUỐC VIỆT
Bản tuyên bố lúc 5 giờ chiều
TT – Ngày 3-2-1994, vị tổng thống thứ 42 của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ chính thức tuyên bố bãi bỏ lệnh cấm vận với VN, mở cơ quan liên lạc ở hai nước.
![]() |
Thủ tướng Võ Văn Kiệt và ông Lê Văn Triết gặp Tổng giám đốc Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT) Mike Moore, trước khi Mỹ bình thường hóa quan hệ với VN – Ảnh tư liệu Lê Văn Triết |
>> Kỳ 1: Trong vòng vây cấm vận>> Kỳ 2: Tín hiệu Jimmy Carter>> Kỳ 3: Tảng băng mới>> Kỳ 4: Siết chặt đinh ốc>> Kỳ 5: Sóng gió từ “Tài liệu mật của KBG”
“Những lần tôi về nước đều dành cả ngày để báo cáo vấn đề ở Mỹ. Nhưng đến cuối giờ chiều, Thủ tướng Võ Văn Kiệt lúc ấy vẫn vỗ vai tôi: Nếu đêm nay không mưa thì 20g cậu sang nhà tôi, còn nếu mưa thì đến lúc 19g. Nhớ nha, tôi muốn nghe cậu báo cáo thêm” – cựu đại sứ Lê Văn Bàng đến giờ vẫn nhớ kỷ niệm đó.
Áp lực đổi mới
“Tôi nhớ lúc ấy căng thẳng lắm. Khối xã hội chủ nghĩa Đông Âu không còn để mà VN nhìn sang. Tiến trình Mỹ xóa bỏ cấm vận thì vẫn chưa có kết quả. Đất nước lại đang đổi mới, nếu Mỹ vẫn khóa chặt cửa thế giới với VN thì làm sao thành công được” – nguyên bộ trưởng Bộ Thương mại Lê Văn Triết kể.
Ở Pháp, có lần ông Võ Văn Kiệt và ông Triết đến thăm nhà nguyên phó thủ tướng Việt Nam cộng hòa, tiến sĩ Nguyễn Văn Hảo. Gặp nhau tại nhà riêng, họ đã chia sẻ tình hình đất nước rất nhiều.
Nhưng ông Triết nhớ nhất ý ông Hảo tâm sự: VN nên đẩy nhanh việc mở rộng quan hệ với quốc tế ngay sau khi Mỹ xóa bỏ cấm vận, đừng khu hẹp mình lại như trước đây. Quan điểm VN làm bạn với thế giới phải đi vào thực chất, không nên dừng lại ở khẩu hiệu.
Ngoài ông Hảo, ông Kiệt và ông Triết cũng gặp ông Trần Văn Thình, người Pháp gốc Việt, nguyên trưởng phái đoàn thường trực của Liên minh châu Âu bên cạnh các tổ chức quốc tế tại Geneva.
Hai nội dung ông Thình tư vấn được Chính phủ VN lúc ấy rất quan tâm là phải chấp nhận một số điều kiện để Mỹ bỏ cấm vận và nhanh chóng nâng cao vị trí của khối kinh tế tư nhân.
Một dịp gặp lại ông Triết tại Hà Nội, ông Thình vẫn nhắc lời khuyên này và nhấn mạnh nếu Mỹ không bỏ cấm vận thì sẽ không thể làm gì được…
Trong lúc ấy, tình hình Mỹ cũng đang có những biến chuyển rất nhanh trong chính sách đối với VN. Các vướng mắc POW/MIA được giải quyết.
Đó là câu trả lời rõ ràng cho sự đòi hỏi của Tổng thống Bill Clinton khi mới vào Nhà Trắng: “Ưu tiên cao nhất của Mỹ trong giải pháp đối với VN là đạt được một sự thống kê đầy đủ về các tù binh và người Mỹ mất tích. Quan hệ Mỹ – Việt sẽ hoàn toàn tùy thuộc vào tiến bộ thêm nữa của Việt Nam về vấn đề POW/MIA”.
Đặc biệt, khúc mắc tài sản Chính phủ Mỹ còn để lại Sài Gòn sau năm 1975 với số tiền kiểm khoảng 200 triệu USD cũng đã được giải quyết.
Vượt qua những khó khăn thực tế lẫn rào cản đầy chủ ý, chính phủ Bill Clinton liên tiếp mở những cánh cửa quan trọng đối với đất nước từng bên kia chiến tuyến. Ngay trong năm 1993 một loạt tập đoàn lớn của Mỹ lần lượt vào VN. Các văn phòng đại diện của Bank of America, Hãng thuốc lá Philip Morris, Công ty Vatico, Hãng máy tính IBM, Công ty thiết bị Caterpiller…
Nguyên trưởng đoàn đàm phán thương mại Việt – Mỹ Nguyễn Đình Lương kể về một sự kiện đặc biệt quan trọng: ngày 2-7-1993, Tổng thống Bill Clinton tuyên bố Hoa Kỳ sẽ không còn phản đối các nước trong cộng đồng quốc tế hỗ trợ VN trả các khoản nợ quá hạn của Quỹ Tiền tệ quốc tế.
Ngay lập tức kết quả vượt quá cả mong đợi. Đại diện 22 nước tham dự Hội nghị quốc tế Paris về tài trợ cho VN đã cam kết các khoản viện trợ không hoàn lại và cho vay ưu đãi đối với VN số tiền 1,86 tỉ USD.
Ngoài ra, thành viên Câu lạc bộ Paris cũng đồng ý giãn nợ, đồng thời giảm bớt 50% giá trị trực tiếp của các khoản nợ được hoãn.
Đến giờ ông Lê Văn Bàng vẫn chưa quên cột mốc lịch sử ngày 6-10-1993: ông Phan Văn Khải, phó thủ tướng VN lúc ấy, đã bay sang Mỹ gặp gỡ Ngoại trưởng Warren Christopher.
Trong buổi gặp gỡ đặc biệt này, phía Hoa Kỳ tuyên bố giữa Mỹ và VN không còn tình trạng chiến tranh, Mỹ không còn coi VN là kẻ thù.
![]() |
Ông Nguyễn Cơ Thạch phát biểu tại buổi lễ do Công ty Vatico tổ chức, ngay sau khi tổng thống Mỹ tuyên bố chấm dứt cấm vận VN. Bên phải là James Rockwell, giám đốc công ty Mỹ đầu tiên được cấp phép tại VN – Ảnh tư liệu |
Bản tuyên bố lúc 5g chiều 3-2-1994
Ba tháng sau, đúng ngày 27-1-1994, bước ngoặt lịch sử lại diễn ra ở Thượng viện Mỹ khi 62/38 lá phiếu của các thượng nghị sĩ đã thuận theo yêu cầu của Tổng thống Bill Clinton: bãi bỏ lệnh cấm vận đối với VN.
Cựu đại sứ Bàng kể: “Mới trước đó ít hôm, tôi gặp một giáo sư Mỹ nghiên cứu về VN ở New York. Khi được hỏi liệu Mỹ sắp xóa bỏ cấm vận cho VN chưa, ông ta trả lời là chưa thể được vì phe chống cộng vẫn còn thế mạnh lắm”.
Và đến ngày 3-2-1994, vị tổng thống thứ 42 của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ chính thức tuyên bố bãi bỏ lệnh cấm vận với VN, mở cơ quan liên lạc ở hai nước.
“Bình minh ngày đặc biệt này, tôi đang ở New York thì nhận được điện từ Bộ Ngoại giao Mỹ mời về Washington gấp. Họ bảo rằng sẽ có một thông tin quan trọng cho ngài và đất nước ngài” – ông Bàng tâm sự đã lờ mờ hình dung về ngày mở bước ngoặt bang giao giữa hai nước nhưng vẫn chưa dám chắc.
Ông Bàng kể: “Tôi đến Washington vào buổi trưa và đang ngồi ăn cơm, trò chuyện với một người bạn là giáo sư đại học Mỹ thì Bộ Ngoại giao Mỹ lại gọi lúc 12g. Họ hẹn tôi chính xác 1g chiều đến văn phòng Bộ Ngoại giao. Tôi bỏ dở bữa cơm, đến hẹn sớm hơn vài phút.
Một nhân vật cấp cục trưởng của họ ra mời vào văn phòng với thái độ vừa vui vẻ lại vừa nghiêm trang khác thường. Ông ta nói: Tôi trịnh trọng tuyên bố cho ngài biết đúng 5g chiều nay, Tổng thống Bill Clinton sẽ có một tuyên bố rất quan trọng đối với VN”.
Rời Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Bàng về nhà bà Virginia Foote, một người bạn thân thiết với VN lúc ấy là chủ tịch Hội đồng Thương mại Mỹ – Việt.
5g chiều, họ hồi hộp mở tivi xem Tổng thống Bill Clinton tuyên bố chấm dứt cấm vận VN. Người bạn Mỹ bắt tay chia vui. Còn ông Bàng xúc động mà nước mắt cứ chảy ra. Ông xúc động gọi điện về cho bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm.
Khi lên đường sang nhận nhiệm vụ ngoại giao ở Mỹ, ông Bàng vẫn nhớ thư dặn dò của cố vấn Phạm Văn Đồng: “Bác biết tin cháu sang Mỹ thì quá muộn, cháu đi mất rồi. Bác chỉ dặn cháu cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, khi nào về nhớ gặp bác”.
Và nguyên chủ tịch nước Lê Đức Anh cũng căn dặn: “Cháu gặp người Việt bên đấy, bác biết là rất khó. Nhưng mà nếu đồng bào bên đấy có mắng cháu, có gây gổ thì cháu vẫn phải đứng lại, chân thành lắng nghe vì đồng bào cũng là người Việt”.
* 2-7-1993: Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton ủy quyền cho Quỹ Tiền tệ quốc tế tái tài trợ cho Việt Nam số tiền 140 triệu USD, mở đường cho việc các tổ chức quốc tế hỗ trợ tài chính cho Việt Nam.
* 14-9-1993: Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton cho phép các công ty Hoa Kỳ tham dự vào một số dự án phát triển được quốc tế tài trợ tại Việt Nam. * 3-2-1994: Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton thông báo quyết định bãi bỏ lệnh cấm vận thương mại đối với Việt Nam. * 28-1-1995: Hai nước mở văn phòng liên lạc. * 11-7-1995: Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton và Thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt thông báo quyết định bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước. |
__________
Kỳ tới: Lễ thượng cờ đặc biệt
Lễ thượng cờ đặc biệt
TT – Mùa hè năm 1995. Những tranh luận nóng bỏng về VN đã giảm nhiệt ở cả Thượng viện lẫn Hạ viện sau khi tổng thống Bill Clinton chính thức bỏ cấm vận đối với đất nước từng ở bên kia chiến tuyến.
![]() |
Ngoại trưởng Warren Christopher trong buổi lễ khánh thành đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội – Ảnh tư liệu: Chris Runckel |
Thượng nghị sĩ John Kerry phá tan những tảng băng cuối cùng về vấn đề tù binh và người Mỹ POW/MIA mất tích ở VN: “Sự kiểm kê của VN về vấn đề MIA là toàn diện nhất và kết quả nhất trong lịch sử các cuộc chiến tranh trên thế giới”.
Thời cơ phát triển
Nhắc nhớ bước ngoặt bang giao với Mỹ, nguyên bộ trưởng Bộ Thương mại Lê Văn Triết tâm sự ý nghĩa lớn nhất của sự kiện này là mở ra cánh cửa cho VN kết nối toàn diện với cực lớn của thế giới. Nó đồng nghĩa VN vào được thị trường lớn nhất thế giới và mở ra tương lai phát triển đất nước.
Ông Triết kể: “Năm 1994, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Boutros Boutros – Ghali đã mời VN dự Hội nghị phát triển thương mại của Liên Hiệp Quốc được tổ chức tại thành phố Columbus, tiểu bang Ohio, Mỹ.
Chính vị tổng thư ký này đã vui vẻ gặp riêng tôi bên lề hội nghị và nói sẽ thiết kế cho đoàn VN một buổi gặp gỡ đặc biệt với phía Mỹ để hai bên cùng bàn bạc những vấn đề cùng quan tâm”.
Nhiều năm đã trôi qua, ông Triết vẫn nhớ nhân vật đó là Ron Brown, bộ trưởng thương mại Mỹ. Vì buổi gặp gỡ được sắp xếp cận giờ nên ông Triết trực tiếp nhận lời mà không kịp báo cáo về Hà Nội. Phòng họp được sắp xếp kế bên khu vực hội nghị. Mặc dù rất bận rộn, nhưng ông Ghali vẫn đến sớm và lần lượt trang trọng giới thiệu phía VN với Mỹ và ngược lại để hai bên trao đổi với nhau rồi mới xin lỗi rời đi trước.
Ông Brown chủ động nói: “Tôi hân hạnh thông báo cho ngài biết sắp tới dự kiến tổng thống Bill Clinton sẽ tuyên bố xóa bỏ cấm vận với VN. Ý ngài thế nào? Và chính phủ ngài thế nào?”.
Ông Triết đáp lời cảm ơn và nói rằng đó cũng là mong mỏi của nhân dân, chính phủ của hai nước. Bộ trưởng Brown nói tiếp chắc chắn Mỹ sẽ sớm xóa bỏ cấm vận. Ông Triết nhẹ nhàng trả lời rằng điều bất hạnh lớn nhất giữa hai nước là để nổ ra cuộc chiến tranh vừa qua, giờ đây phải khép lại quá khứ để đi đến tương lai hòa bình và hợp tác cùng nhau…
Sau đó, ông Ron Brown đã mở tiệc chiêu đãi bộ trưởng Bộ Thương mại VN và nhắc đi nhắc lại ý hai nước cần nhanh chóng xúc tiến trao đổi thương mại ngay sau khi xóa bỏ cấm vận. VN rất cần mở ra thị trường lớn nhất thế giới như Mỹ, và Mỹ cũng thấy nhiều cơ hội đầu tư vào một đất nước VN đang tái thiết, phát triển sau chiến tranh.
Trên đường về nước, ông Triết bất ngờ nhận điện của Văn phòng Chính phủ yêu cầu về đến nơi phải đến gặp thủ tướng Võ Văn Kiệt ngay. Từ sân bay, ông Triết về thẳng Văn phòng Chính phủ, thấy các ông Nguyễn Mạnh Cầm và Võ Văn Kiệt đã ngồi đợi sẵn.
Ông Kiệt chăm chú lắng nghe từng lời và giao ngay các việc chuẩn bị quan trọng về ngoại giao cho ông Nguyễn Mạnh Cầm và thương mại với Mỹ cho ông Triết. Thủ tướng Kiệt nhấn mạnh: “Đây là thời cơ phát triển đất nước”.
![]() |
Đại sứ Lê Văn Bàng trình quốc thư lên tổng thống Bill Clinton – Ảnh tư liệu: Lê Văn Bàng |
Lá cờ VN ở thủ đô Mỹ
Ngày 11-7-1995, tổng thống Bill Clinton tuyên bố Mỹ chính thức bình thường hóa quan hệ với VN:
“Hôm nay tôi loan báo việc bình thường hóa các quan hệ ngoại giao với VN. Từ thời gian đầu của chính quyền này, bất kỳ sự cải thiện nào trong quan hệ giữa Hoa Kỳ và VN đều dựa vào sự tiến bộ đạt được về vấn đề những người Mỹ bị mất tích trong khi làm nhiệm vụ hay bị bắt làm tù binh.
Năm ngoái, tôi đã hủy bỏ lệnh cấm vận buôn bán đối với VN để đáp sự hợp tác của họ, và nhằm tăng cường những nỗ lực của chúng ta bảo đảm tìm kiếm hài cốt của người Mỹ mất tích và xác định số phận của những người mà hài cốt của họ vẫn chưa tìm thấy.
Việc làm này có tác dụng. Trong vòng 17 tháng, Hà Nội đã thực hiện những bước quan trọng giúp chúng ta giải quyết được nhiều trường hợp. 29 gia đình đã nhận được hài cốt người thân của họ và cuối cùng đã có thể mai táng trang trọng. Hà Nội đã trao cho chúng ta hàng trăm trang tài liệu rọi ánh sáng vào những gì đã xảy ra đối với người Mỹ ở VN…”.
Đó là một phần quan trọng trong bài phát biểu của tổng thống Bill Clinton. Ngày 12-7-1995, thủ tướng Võ Văn Kiệt đáp lại: “Tuyên bố của tổng thống Bill Clinton công nhận ngoại giao và thiết lập quan hệ bình thường hóa với VN là một quyết định quan trọng, phản ánh nguyện vọng của đông đảo các tầng lớp nhân dân Mỹ muốn khép lại quá khứ chiến tranh, xây dựng mối quan hệ bình thường, hữu nghị và hợp tác với VN. Quyết định này phù hợp với xu thế phát triển hiện nay của tình hình quốc tế, góp phần tích cực vào sự nghiệp hòa bình, ổn định và phát triển ở Đông Nam Á cũng như trên thế giới…”.
Sau bước ngoặt lịch sử này, Mỹ và VN thành lập đại sứ quán ở thủ đô hai nước. Ông Lê Văn Bàng kể, năm 1976 Chính phủ Mỹ đã chụp hình văn phòng đại sứ quán Việt Nam cộng hòa ở Washington và nói “đây là tài sản của các ông”. Nó là sự sòng phẳng giữa tài sản của Mỹ còn ở miền Nam VN sau năm 1975 và tài sản của VN (trước đó là của Việt Nam cộng hòa) ở Mỹ.
Nhiều năm nhắc chuyện này, ông Bàng vẫn nhớ: “Năm 1995, Mỹ trao chìa khóa tòa nhà đại sứ của chế độ cũ cho mình. Nó đã xuống cấp rất nhiều sau 20 năm đóng cửa. Công việc sửa chữa không khó khăn, nhưng ngày chính thức ra mắt đại sứ quán nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa VN lại có một vấn đề phức tạp phải tính toán, giải quyết”.
Ông Bàng kể hai việc quan trọng trong lễ ra mắt đại sứ quán là dựng bảng và thượng quốc kỳ. Tòa đại sứ cũ lại nằm sát bên đường trong khi tình hình lúc ấy vẫn còn một số người kịch liệt chống đối Mỹ “bắt tay” với VN.
“Lễ khai trương ấn định ngày 5-8-1995, thư mời đã gửi đến Bộ Ngoại giao Mỹ không thể thay đổi được. Trong khi đó, tình hình từ nhóm chống phá rất nguy hiểm mà tòa nhà lại nằm sát bên đường. Chúng tôi bàn với nhau là bằng mọi giá phải bảo đảm an ninh, thành công cho lễ thượng cờ, nhưng cũng không để xảy ra chuyện gì gây căng thẳng quá mức với những đồng bào người Việt còn hiểu sai về mình” – ông Bàng kể.
Sau khi tính toán các phương án, cuối cùng ông Bàng đã quyết định dời lễ khai trương, thượng cờ ở đại sứ quán VN lên sớm hơn một giờ so với thư mời. Giờ mời trong thư là 9g được đôn lên lúc 8g.
Thư mời cũng không được in lại, mà để cận ngày mới điện thoại thông báo cho khách biết sự điều chỉnh giờ giấc. Buổi sáng hôm ấy, bầu trời thủ đô nước Mỹ rất đẹp. Quốc kỳ VN được kéo lên tung bay phần phật trong gió.