Chào các bạn,
Bài này tiếp theo bài Kiên trì hôm qua.
Ta không thể biết được chuyện gì sẽ xảy ra ngày mai. Tương lai luôn là một giỏ không biết lớn, chứa đựng rất nhiều điều ta không thể biết. “Dựa vào các điều không biết” tức là dựa vào những điều ta không biết đó.
Nhưng đã là không biết thì làm sao để “dựa vào các điều không biết được”?
À, có một điều chúng ta biết về các điều ta không biết trước, đó là: ta biết chắc “chúng sẽ đến”.
Trong chiến trận, các chiến binh rất rành điều này. Không biết kẻ địch sẽ tấn công lúc nào, với quân số bao nhiêu, hỏa lực mạnh đến đâu, quyết tâm đến đâu. Nhưng có một điều chắc chắc là quân địch sẽ tấn công một lúc nào đó.
Vậy thì công việc của mình là phải sẵn sàng để chống đỡ cuộc tấn công đó bất kì lúc nào.
“Sẵn sàng” để đón nhận tương lai chính là “dựa vào các điều không biết của tương lai”.
Bằng cách nào:
1. Kiên trì (tức là chăm chỉ, cần cù, nghiêm chỉnh) trong việc mình đang làm, và
2. Sẵn sàng đón nhận cơ hội của tương lai.
Ví dụ: Một cụ bà bán hàng rong quang gánh đã mấy năm nay, bán trái cây cho cả khu phố. Bà rất cần mẫn, đi qua khu phố đúng giờ mỗi ngày, buôn bán rất thành thật. Mọi người trong khu phố đều rất thân thiết với bà. Một ngày nọ, chị Hoa trong khu phố, nói chuyện với bà và nhờ bà dùng thời giờ gánh đi bán trong ngày để giúp chị lo cho nhà cửa, quét dọn, giặt giũ, linh tinh với số lương gấp đôi lợi tức bán hàng rong của bà mỗi ngày. Đây là một cơ hội đến từ tính cách làm việc chăm chỉ, cần cù, nghiêm chỉnh của bà, và bà có sẵn sàng đón nhận hay không lại là một việc khác.
Kiên trì với điều mình đang làm có nghĩa là chăm chỉ, cần cù, nghiêm chỉnh trong việc đó. Bạn không thể nói là kiên trì nếu bạn làm việc cẩu thả, chẳng có tâm huyết gì trong đó. Rất nhiều người tưởng họ kiên trì nhưng họ không kiên trì, vì cung cách làm việc không đặt phẩm chất của cách làm việc và phẩm chất của sản phẩm lên đầu. Kiên trì có nghĩa là làm việc hàng ngày, hàng tháng, hàng năm, với phẩm chất lao động cao nhất.
Cho nên kiên trì luôn luôn tạo ra năng lượng tích cực và ấn tượng rất mạnh về bạn đối với người khác, và đó là cánh cửa tạo ra cơ hội cho tương lai.
Một cô sinh viên làm tiếp viên trong nhà hàng, vui vẻ, nhanh nhẹn, thông minh, tế nhị… có thể được một ông chủ công ty để ý và mời cô vào thực tập trong hãng của ông.
Bạn làm việc gì đó tốt có thể được bạn bè giới thiệu đến một công ty lớn để bạn có thể làm cho công ty đó.
Các công ty luôn phàn nàn là tìm nhân viên giỏi rất khó. Chính vì vậy mà lãnh đạo các công ty khi gặp một người mà họ có ấn tượng tốt, họ sẽ tìm cách để mời người đó làm việc với mình.
Bạn kiên trì xây dựng một công ty nhỏ, một công ty lớn có thể mua lại công ty của bạn, và bạn có một số tiền lớn để đi du lịch và lập một công ty khác.
Cơ hội tương lai đến với chúng ta rất thường xuyên như thế. Và đa số các cơ hội tốt ở đời xảy ra như thế.
Nhưng những cơ hội đó đều sinh ra từ việc ta chăm chỉ, cần cù, nghiêm chỉnh, tức là kiên trì, với điều gì ta làm hôm nay.
Làm việc tốt hôm nay chính là tạo ra nhiều cơ hội cho bạn trong tương lai.
Đó là dựa vào những điều không biết ở tương lai.
Nhưng tại sao phải dựa vào những điều không biết ở tương lai?
Thưa, tại vì đó là động lực cho bạn kiên trì (tức là làm việc chăm chỉ, cần cù và nghiêm chỉnh) trong hiện tại. Bạn không biết tương lai sẽ có gì, nhưng bạn chắc rằng phần lớn là cơ hội tốt cho bạn, nếu hôm nay bạn kiên trì.
Chúc các bạn luôn chăm chỉ, cần cù và nghiêm chỉnh trong công việc.
Mến,
Hoành
© copyright 2014
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com
bài viết của anh Hoành hay quá, cám ơn anh rất nhiều. Lê Huy
ThíchThích
Hi anh ngày mới!
“tiên lượng” cho ngày mai ra sao cực kỳ lợi hại, nó giúp cho tính kiên trì có cơ sở và động lực vững chắc. Em rất chán em vì tính kiên trì kém, tuy vậy thỉnh thoảng em thấy “bộ tư duy” của em cũng tàm tạm khi cũng tiên đoán được 1 số điều trong tương lai (dù nhỏ). Cảm ơn anh vì đã truyền đạt những điều bổ ích.
Cảm ơn DCN
ThíchThích
Bài viết hay quá anh a. Cám ơn anh.
ThíchThích