17 triệu lao động Việt Nam thu nhập dưới chuẩn nghèo

 
VnExpressTheo Tổ chức Lao động quốc tế, khoảng 17 triệu lao động Việt Nam có thu nhập quá ít ỏi dưới chuẩn nghèo 2 USD một ngày và khoảng 23 triệu người khác đang sống mấp mé trên ngưỡng đó.

Ông Phú Huỳnh, chuyên gia kinh tế lao động, Tổ chức Lao động Quốc tế (Văn phòng khu vực Châu Á-Thái Bình Dương) cho biết, kinh tế Việt Nam tăng trưởng chậm lại từ khi khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra năm 2008. Trong lúc vật lộn với bất ổn kinh tế vĩ mô, Việt Nam tiếp tục phụ thuộc nhiều vào ngoại thương. Xuất khẩu chiếm khoảng 90% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) – tỷ lệ cao hơn rất nhiều so với các láng giềng ASEAN là Indonesia, Philippines và Thái Lan. Nhưng với nhu cầu suy yếu từ các đối tác thương mại chủ chốt, triển vọng tăng trưởng của Việt Nam vẫn không chắc chắn.

lao-dong-1804-1386848949.jpg
Chuyên gia kinh tế lao động của ILO cho rằng, chìa khóa để thúc đẩy động lực mở rộng tầng lớp trung lưu là tạo ra nhiều việc làm có chất lượng hơn song song với việc tăng năng suất lao động và tiền lương. Ảnh: Hồng Khánh.

“Để phục hồi, Việt Nam cần cân bằng lại nền kinh tế theo hướng tiêu thụ nội địa mạnh hơn. Điều này sẽ góp phần bù đắp sự thay đổi trong các thị trường xuất khẩu và giúp tăng trưởng bền vững hơn”, ông Huỳnh nói.

Một bước đi cốt yếu để làm bệ đỡ cho thị trường nội địa Việt Nam là tăng tốc độ mở rộng tầng lớp trung lưu. Bằng chứng trên thế giới cho thấy tầng lớp trung lưu gắn liền với tiếp cận tốt hơn với việc làm được trả lương đều đặn, đầu tư nhiều hơn cho sức khỏe và giáo dục, và tiêu dùng hộ gia đình cao hơn.

Nghiên cứu gần đây của Tổ chức Lao động Quốc tế về tầng lớp kinh tế và thị trường lao động ở khu vực đang phát triển của châu Á-Thái Bình Dương cho thấy lực lượng lao động trung lưu của Việt Nam đang tăng lên. Từ chỗ chỉ có một triệu lao động thuộc tầng lớp trung lưu vào năm 2000, con số đó giờ đây được ước tính khoảng 13 triệu, tức một phần tư lực lượng lao động.

Tuy vậy, bất chấp tiến bộ ấy, khoảng 17 triệu lao động vẫn có thu nhập quá ít ỏi nên không vượt lên được chuẩn nghèo 2 USD một ngày. Khoảng 23 triệu người khác đang sống mấp mé trên ngưỡng đó và vẫn rất dễ bị tái nghèo trong những lúc khủng hoảng kinh tế, xã hội hay môi trường.

Chuyên gia kinh tế lao động của ILO cho rằng, chìa khóa để thúc đẩy động lực mở rộng tầng lớp trung lưu là tạo ra nhiều việc làm có chất lượng hơn song song với việc tăng năng suất lao động và tiền lương. Cần phải đảm bảo có được các chính sách đúng đắn và thể chế vững mạnh.

Để đạt được điều đó, các biện pháp nhằm tăng tốc thay đổi trong cơ cấu kinh tế của đất nước đóng vai trò quyết định. Điều này sẽ tạo ra các cơ hội mới cho gần 25 triệu lao động Việt Nam đang làm việc trong ngành nông nghiệp năng suất thấp để chuyển dịch sang các việc làm tốt hơn trong ngành công nghiệp và dịch vụ, nơi sử dụng 4/5 số lao động trung lưu.

“Điều này cũng sẽ đòi hỏi phải đầu tư nhiều hơn cho việc cải thiện tiếp cận và chất lượng giáo dục và đào tạo, nhất là cho phụ nữ và thanh niên nông thôn. Với kỹ năng và trình độ được nâng cao, người nghèo Việt Nam có thể cạnh tranh tốt hơn để kiếm việc làm có kỹ năng, mang lại tiền lương cao hơn”, ông Huỳnh khẳng định.

Xuân Hoa

Một suy nghĩ 4 thoughts on “17 triệu lao động Việt Nam thu nhập dưới chuẩn nghèo”

  1. “Để phục hồi, Việt Nam cần cân bằng lại nền kinh tế theo hướng tiêu thụ nội địa mạnh hơn. Điều này sẽ góp phần bù đắp sự thay đổi trong các thị trường xuất khẩu và giúp tăng trưởng bền vững hơn”,

    Đây là chiến lược kinh tế bền vững, mình đã nói nhiều cả mười mấy năm trước trên VNForum và VNBiz forum.

    Xuất khẩu thì đương nhiên là tốt, nhưng không bền vững, vi lệ thuộc vào nền kinh tế các nước ngoài và kinh tế thế giới.

    Kình tế nội địa luôn phải là “cái gốc” của mình, rồi từ đó mới phát triển ra ngoài.

    Đằng này phe ta cứ bỏ nền kinh tế nội địa cho hàng Trung quốc, nhất là hàng lậu Trung quốc!

    Các quý cụ làm chính sách kiểu nonsense thế này (nonsense vì không có gốc) thì nền kinh tế có nhiều chao đảo và dân tình cực khổ khi có chao đảo như thế.

    Mà tư vấn thì đa số các vị nghe như vịt nghe sấm. Phải đợi đến khi sự việc xảy ra các vị mới hiểu. Không đủ sức mường tượng chuyện tương lai để làm chính sách lúc này.

    Thích

  2. Em cảm ơn comment của anh Hoành về vai trò kinh tế nội địa.

    Khi em học học về môn các quá trình sản xuất có nói đến sản xuất các mặt hàng như mỳ chính và sản xuất giấy và bột giấy nước thải, chất thải ô nhiễm kinh khủng (ví dụ chất thải cty Vedan đầu độc sông thị vải).

    Em vẫn nhớ là đã hỏi thầy là tại sao ô nhiễm thế mình không nhập cho rồi. Thầy nói là nhập thì đắt hơn và dù có rẻ hơn nhưng tự chủ được mặt hàng nào là tốt cái đó. Nhập thì vẫn có tác động môi trường của hàng nhập. Lúc đó em cũng vẫn chưa hiểu gì về nội địa hay xuất khẩu. Trong bài thầy cũng nói là ta dùng công nghệ của nước ngoài nhưng các nước Nhật Bản, Đài Loan ngừng sản xuất cái này ở nước họ lâu rồi và đẩy hết sang VN sản xuất.

    Thích

  3. Thêm nữa, về nhập khẩu. Em mới đọc tin này về giá tiêu dùng điện và gas của các nước Châu Âu. Chỗ em ở Lisbon của Portugal có giá sau tax đứng trong top 3 most expensive ở Châu Âu trong khi thu nhập và mức sống thấp từ 2-4 lần so với các nước Bắc Âu. Mới đầu em cũng thấy hơi lạ nhưng nghĩ lại thì hợp lý vì Portugal không có tự chủ về năng lượng và nhập hoàn toàn dầu mỏ và gas 50% giá điện, gas, petro là tax. Cho nên họ cần phải đẩy thật mạnh kinh tế năng lượng tái tạo nội địa mới thoát khỏi tình trạng phục thuộc này cũng như thoát khỏi khủng hoảng kinh tế
    http://www.bbc.co.uk/news/business-25200808

    Thích

  4. Hi Hằng,

    Thực sự thì công nghệ tối tân hay không thường là không quan trọng trong tính toán kinh tế. Công nghệ nào mà giá thành thấp là được. Thường thì các nước phất triển có giá lao động cao, nên công nghệ thường phải tự động hóa nhiều hơn để giảm tổn phí lao động. Các nước có giá nhân công rẻ như VN, thì dùng nhiều nhân công tốt hơn là dùng nhiều máy móc tự động.

    Còn việc xử lý chất thải là một chuyện khác. Công nghệ nào thì cũng phải có cách xử lý chất thải cho sạch môi trường.

    Thích

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s