Chào các bạn,
Chúng ta nói đến bốn điều tệ hại trong chỉ một loại vấn đề: Bốn điều tệ hại là thiếu uyển chuyển, thiếu sáng suốt, thiếu công bình và thiếu tự do trong tư duy của ta, trong chỉ một vấn đề là chủ nghĩa nhãn hiệu của ta.
Chủ nghĩa nhãn hiệu có nghĩa là ta tự cho ta một vài nhãn hiệu, và nhìn người khác với mót vài nhãn hiệu ta gắn cho họ.
Ví dụ: Tôi là người “trí thức trẻ, cấp tiến” còn anh ta là “Hồi giáo, quan chức, lạc hậu”. Vì tôi là trí thức trẻ nên tôi năng động, rành IT, biết nhiều về thế giới, và đương nhiên là tôi thích thay đổi và ủng hộ thay đổi. Anh ta là Hồi giáo đương nhiên là cực đoan, không thích lý lẽ, lại là quan chức thì thích hối lộ và tham nhũng, và lạc hậu, không rành IT và rất chống đổi mới.
Đó là vấn đề lớn của mỗi người chúng ta và là vấn đề cực lớn của thế giới—mỗi chúng ta kẹt cứng vào một định nghĩa ta tự cho chính mình và một định nghĩa ta gắn cho người đối diện. Cho nên cái nhìn của ta về người đối diện rất… vi tính. Ấn nút chọn tên người đối diện là ai, là ta có ngay bản nhận xét của ta về người đó thế nào.
Nhưng đó là:
• không uyển chuyển, vì người nào ta cũng nhận xét theo kiểu nhãn hiệu như nhau. Người nào mà Hồi giáo, quan chức và không rành vi tính là ta đều cho vào một sọt rác “Cực đoan, tham nhũng và lạc hậu.”
• không sáng suốt, vì ai cũng có thể thấy được nhận xét người kiểu vi tính như thế thì sai (nếu đúng thì ta đã dùng vi tính để lấy vợ gã chồng, chọn đối tác… hết rồi, cần chi quen biết, interview, references…)
• không công bình, vì vơ đũa cả nắm, ai cũng như ai nếu có cùng nhãn hiệu ta cho.
• không tự do, vì cái đầu của ta chẳng tự do suy nghĩ gì cả, bị cầm tù trong một công thức giản dị, như là Rôbô.
Đây là điều mà chúng ta gọi thường xuyên là “thành kiến” (prejudice), và nhà Phật gọi là “chấp” (attachment, vướng mắc trong những nhãn hiệu).
Nếu nhìn quanh ta các bạn có nhận thấy ai vướng mắc nặng nhất vào chủ nghĩa nhãn hiệu không?
Thưa, các vị chính trị cực đoan, tôn giáo cực đoan, đảng viên cực đoan, băng đảng cực đoan… Và bị bệnh thấp hơn một chút, là đại đa số chúng ta.
Cái nhìn chính xác về một một sự vật hay một người, phải là cái nhìn “như nó là”, “như anh ta/cô ta là”.
Đừng để cái nhãn nào che mắt mình. Nếu anh ta hiền từ nhân hậu thì nói là anh ta hiền từ nhân hậu, đừng để cái nhãn “Công giáo” của anh ta làm cho mình có thành kiến là anh ta hung dữ. Cô ấy đẹp thì khen cô ấy đẹp, đừng có thành kiến là làm công an thì không thể đẹp.
Cái nhìn như vậy, ta cũng có thể nhận ra ngay là cái nhìn công bình, sáng suốt và tự do, không bị điều gì che mờ con mắt. Và uyển chuyển, vì hôm nay ta khen anh ấy dễ thương nhân hậu, ngày mai ta vẫn có thể tranh luận với anh ấy rằng tư tưởng kinh tế của anh ấy phi lý và tồi đến mức giá trị không quá 3 xu.
Nhìn sự vật “như nó là” (as it is), nhìn mỗi người “như anh ta/cô ta là” (as s/he is), nói thì quá dễ, nhưng tại sao quá ít người làm được?
Thưa vì:
1. Thói quen giáo dục: Ở nhà bố mẹ thầy cô có thể nhồi đủ thức vào đầu ta từ hồi còn bé—như là con trai miền Trung hay dối trá, dân Hải Phòng du côn, Phật giáo là lạc hậu …
Dù là bạn đã được học điều gì từ bé, khi bắt đầu trưởng thành rồi là bạn cần phải “xét lại” (re-examine) mọi điều bạn học để biết điều gì đúng hay sai, và đúng sai đến đâu.
Quan trọng nhất là mỗi khi nhìn điều gì, nhìn ai, thì cũng phải tư duy như là mình mới nhìn lần đầu, xem xét mọi chi tiết trước khi kết luận. Không bao giờ mang kết luận có sẵn trong túi ra dùng. Các kết luận có sẵn, dù là kết luận do chính mình tạo ra trước đó, đều là nhãn hiệu.
2. Lười biếng và thiếu kiến thức: Người lười biếng, không suy tư và nghiên cứu để tìm sự thật, thường nhắm mắt nói theo đám đông nào quanh mình—gặp đám nào thì nói theo đám đó—cho chắc ăn.
3. Sợ băng đảng mất lòng: Mình là đảng viên và nói quyết định nào đó của đảng sai, thì có thể bị bạn bè và cấp chỉ huy cho là mình phản đảng, phản động, phản bội. Ông lớn nào trong đảng nói, cứ vỗ tay hoan hô là chắc ăn nhất.
Thành viên của một nhà thờ, một giáo hội, một tôn giáo, một lớp học, một trường học, một hội đoàn… cũng thường có thái độ đi theo băng đảng như thế.
Đó là vì sợ hãi, thiếu can đảm. Có lẽ là 99% các người mù mắt vì băng đảng là vì họ sợ hãi, không dám nói thẳng sự thật họ thấy, chỉ vì sự thật đó quá khác điều số đông trong băng đảng nói hàng ngày.
Cho nên muốn cái nhìn của ta được uyển chuyển, sáng suốt, công bình và tự do, tức là thoát khỏi nhãn hiệu, chúng ta phải có tư duy và quan sát/nghiên cứu độc lập một chút, và quan trọng nhất là CAN ĐẢM—dám đi một mình, nói một mình, tiếng nói mà mình tin là sự thật, dù là các bạn bè của mình trong băng nhóm, nhà thờ, nhà chùa, đảng phái, hội đoàn… của mình có thể chống đối.
Nếu bạn không có can đảm, bạn sẽ KHÔNG BAO GIỜ có được một cái nhìn uyển chuyển, sáng suốt, công bình và tự do.
Nhưng nói thế, không có nghĩa là bạn cứ đi một mình và phe lờ tất cả mọi người chung quanh mỗi khi bạn thấy bạn đúng.
Thường khi, lời nói là bạc, nhưng im lặng lại là vàng.
Rất nhiều khi ta bất đồng ý kiến với ai đó, nhưng ta không cần phải nói ra để khỏi gây bức xúc cho ai cả, vì đó là chuyện nhỏ, không quan trọng đủ để ta phải nói ra.
Rất nhiều khi ta có thể đồng ý với mọi người và chỉ cần trình bày điểm riêng của ta một cách rất tế nhị chẳng đụng chạm ai cả. Như là “Em thấy ý kiến của các anh chị đều rất đáng hoan nghênh, em chỉ có một chút băn khoăn về tổn phí. Em có cảm tưởng dự án này rất tốn kém. Không biết có ai tính toán ngân sách chưa.”
Chỉ khi nào ta thấy một chuyện thật quan trọng, và ta cần phải nói rất thẳng để mọi người đối diện vấn đề thẳng mặt, không chạy vòng vòng, thì lúc đó mới cần phải nói trực diện như thế. Và lúc đó thì phải can đảm, vì sự thật có thể mất lòng.
Thế nhưng, tại sao ta phải có được cái nhìn uyển chuyển, sáng suốt, công bình và tự do?
Thưa vì,
1. Như thế thì ta mới có cái nhìn chính xác về chính ta và mọi người mọi sự trên đời,
2. Và có thể làm các quyết định về đời ta, về mọi việc và mọi người—từ kết bạn cho đến kết người yêu, hôn nhân, quản lý công ty, chính trị–một cách chính xác,
3. Và thế giới có thêm một ngọn nến giữa bóng tối của những chiến tranh và tranh chấp của các nhãn hiệu.
Chúc các bạn một ngày can đảm và công bình.
Mến,
Hoành
© copyright 2012
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com
Cần một tư duy:
– Uyển chuyển như dòng nước (NƯỚC)
– Sáng suốt như ngọn nến (LỬA)
– Công bình như đất, chứa tất cả không ngoại trừ ai (ĐẤT)
– Tự do như gió, đi khắp nơi mà không dính mắc vào đâu (GIÓ)
Tứ Đại ấy đều có trong ta, đừng quên !
ThíchThích
Anh Hoành ơi,
Đâu là ranh giới giữa uyển chuyển và cứng nhắc? Em đã phải hỏi câu hỏi này cho em rất nhiều, vì có đôi lúc em không biết xử lí ra sao khi có những là cú va đập giữa 2 văn hóa (vùng- miền, nước anh- nước tôi, v.v…) hoàn toàn khác nhau.
Ví dụ em có gặp một anh gốc Sài Gòn và anh nói là con gái Bắc lúc nào cũng lắm thủ tục rườm rà, hỏi A mà cứ trả lời B. Nhưng thực ra, em thấy đâu phải vậy, mà bởi câu hỏi của anh quá sensitive khiến người ta không thể trả lời ngay được. Hay anh nói phở Hà Nội sao chán dữ, phở SG có thêm giá đỗ. Ủa, văn hóa mỗi nơi khác nhau mà sao anh cứ thích người ta phải giống anh?
Vậy là mặc dù em biết không phải tất cả những người SG đều không như anh chàng này nhưng mà những nhận xét đâu đó về người SG lại chạy về trong đầu em.
Hay có một thời em làm việc với chị giáo viên tiểu học trường công cũ, chị có quan điểm rất giống một giáo viên….30 năm về trước. Và những suy nghĩ của chị thì em thấy chẳng khác gì những giáo viên mà em “ấn tượng” suốt một thời em đi học tiểu học. Càng tiếp xúc nhiều, em có cảm giác là không chỉ mình chị mà nhiều giáo viên trường công khác mang một đặc điểm “na ná nhau”. Nhưng em rất sợ rơi vào trường hợp như anh Hoành nói, đó là khi em nói vậy, là em có prejudice mất rồi.
Vậy làm thế nào để mình không bị rơi vào cứng nhắc có định kiến hả anh nhất là với một người phản ứng không nhanh, không giỏi lí luận như em?
ThíchThích
Hi Thuận,
Thường thì người Nam có một số điểm chung chung (thế nên mới gọi “người Nam”). Người Bắc, người Mỹ, người Pháp… cũng thế. Cái chung chung đó là văn hóa, và ta học cross-culture để làm ngoại giao và thương mãi cũng là học cái chung chung đó.
Nhưng nên dùng cái chung chung đó như tà giả thiết tạm, để dẫn đường tạm. Mối người có một đặt thù riêng, ta phải nắm được cá tính của người đó để mà ứng xử. Chứ nếu lấy cái chung chung mà ứng xử thì làm sao phân biệt thầy và trò, Tư Ngố và nhà ngoại giao?
Muốn hiểu một người thì: (1) quan sát, chăm chú nghe, chăm chú nhìn. (2) Và hỏi: “Anh thích ăn phở Nam hay phở Bắc?” “Anh thích nước chè, xin lỗi, nước trà không?” “Trà gì? Thái Nguyên hay Bảo Lộc?”
ThíchThích
Hay cho câu nước, lửa, đất, gió. Thiên nhiên quả là bà mẹ, cũng là người thầy vĩ đại nhất.
ThíchThích