Phá bỏ rào cản tôn giáo

Chào các bạn,

Có một điều này có lẽ là tất cả mọi chúng ta đều nên quan tâm để suy nghĩ thêm thường xuyên. Đó là: Mọi lời dạy tốt đẹp cao qu‎ý nhất cho trái tim sâu thẳm của con người, mà chúng ta gọi là “tâm linh” đều nằm trong các tôn giáo. Ngoài các tôn giáo lớn ra thì không có giáo dục tâm linh. Nhưng cũng là một sự thật rằng không có gì gây chia rẽ và chém giết nhiều bằng tôn giáo trong lịch sử loài người. Đó đúng là một con dao hai lưỡi. Nhưng, tôn giáo không nên là như thế.

Trong khi chúng ta học về các quy luật sâu thẳm cho trái tim của chính ta, thì chúng ta nên luôn luôn đề cao cảnh giác: “Điều gì làm cho các tôn giáo đã hành xử rất tồi tệ, ngược lại hẳn các lời dạy khiêm tốn, nhân ái, nhẫn nhục… của nó?”

Mình nghĩ rằng, tôn giáo trở thành tồi tệ khi người ta dùng nó làm chính trị–để bảo vệ quyền lợi của giáo hội, để tấn công “kẻ xấu”, để ủng hộ chiến tranh và xâm lăng, để tận diệt các văn hóa và tôn giáo khác, để bảo vệ Chúa/Phật/Allah, để bảo giáo pháp, để thay trời hành đạo… nói chung là mọi việc có tính cách chính trị–bảo vệ quyền lợi của một đoàn thể, một lý thuyết, một tôn giáo… dù các từ ngữ dùng nghe cao siêu đến thế nào.

Tâm linh là trái tim con người. Các kinh nghiệm và giảng dạy tâm linh thực ra là chỉ để cho trái tim của mỗi chúng ta. Không phải để cho các qu‎ý vị làm chính trị nhảm nhí.

Dù có bạn nào muốn mang bách khoa tự điển và sách triết ra để chứng minh là chính trị là tốt, thì thực sự là đại đại đa số người trên thế giới vẫn cho rằng chính trị là tồi tệ, vì chính trị thường (không nhất thiết, nhưng thông thường vẫn) tạo ra chia rẽ, dối trá, và tội ác.

Và khi tôn giáo bỏ tâm linh để rơi xuống tầng chính trị, thì tôn giáo còn trở thành tồi tệ hơn chính trị 10 lần, vì sức động viên dữ dội của trái tim mù quáng của con người.

Cho nên các bạn:

1. Tâm linh là “khiêm tốn, thành thật và nhân ái”. Nếu bạn giảng dạy chia rẽ, chống báng, coi thường ai đó, tôn giáo nào đó, nhóm người nào đó, bạn đang đi lạc đường.

Thánh nhân không dạy GHÉT hoặc COI THƯỜNG ai cả. Ganh ghét, hận thù, kiêu căng không có trong tự điển của thánh nhân. Nếu bạn hay lãnh đạo tôn giáo của bạn có các lời lẽ và tư duy nghe đầy hận thù hay chia rẽ, là các bạn đang đi lạc đường. (Và điều này xảy ra hầu như là thường trực trong rất nhiều nhóm tôn giáo).

2. Nếu bạn chỉ đọc kinh sách của bạn mà không đọc ít nhất là một quyển kinh căn bản của đạo khác thì bạn đang đi lạc đường. Làm sao bạn có thể hiểu được hàng trăm triệu hay hàng tỉ người khác nếu không đọc quyển kinh họ đọc hàng ngày?

Ngay việc tránh đọc kinh của người khác đạo là bằng chứng rõ rệt nhất của sự chia rẽ trong lòng các bạn, dù bạn có thấy hay có hiểu điều đó hay không. (Và các qu‎ý vị tôn giáo không bao giờ khuyến khích bạn đọc kinh của đạo khác. Nhiều khi còn cấm, cho đó là đi lạc hay phản đạo!)

Chúng ta không nói đến một quyền kinh lặt vặt nào đó. Chúng ta nói về quyển kinh căn bản như Kinh Thánh Kitô giáo, Kinh Koran của Hồi Giáo, Tứ Diệu Đế và Bát Chánh Đạo của Phật giáo. Đây là những điều hàng tỉ người đã đọc và đã thực hành mấy nghìn năm nay, và đang tiếp tục đọc và thực hành, mà bạn không đọc, thì bạn trí thức kiểu gì? Làm sao bạn đủ sức hiểu được con người của thế giới nếu điều người ta đọc hàng ngày mà bạn không tham khảo? Làm sao hiểu được người Việt Nam nếu bạn không biết “cơm” là gì?

Ngoài vấn đề tôn giáo và tâm linh, chúng ta còn vấn đề kiến thức tối thiểu của người trí thức. Các bạn sẽ rất thiếu chiều sâu, cả chiều sâu tâm linh lẫn chiều sâu trí tuệ, nếu các bạn không hiểu được một chút căn bản của những thức ăn tinh thần mà hàng tỉ người trên thế giới đang ăn hàng ngày. Và bạn sẽ không đủ sức để chận đứng lạm dụng tôn giáo.

Người trí thức phải nắm vững mọi vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội, tôn giáo, giáo dục của đất nước, dù bạn học môn gì, làm nghề gì.

Chúc các bạn một ngày vui.

Mến,

Hoành

© copyright 2011
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

Một suy nghĩ 25 thoughts on “Phá bỏ rào cản tôn giáo”

  1. Đọc bài nầy, tôi xin ghi lại lời của Đat Lai Lat Ma 14 cũng ở Đọt Chuối Non (TĐH và TLTP) để các bạn xem cho tiện:
    HỎI: Thưa đức Lạt Ma, đạo nào hay nhất?
    Đáp: Đạo tốt nhất là đạo làm cho bạn đến gần với Thượng Đế nhất. Đó là đạo làm bạn thành người tốt hơn.
    HỎI: Điều gì làm tôi tốt hơn?
    ĐÁP: Bất kỳ điều gì làm bạn từ bi hơn, nhạy cảm hơn, vô chấp hơn, yêu mến hơn, từ thiện hơn, trách nhiệm hơn, đạo đức hơn. Đạo nào làm được vậy cho bạn, là đạo tốt nhất. Tôi không quan tâm đến đạo của bạn, hay bạn có theo đạo nào hay không. Điều thực sự quan trọng là tác phong của bạn trước gia đình, bạn bè, sở làm, cộng đồng và thế giới…

    Tôi (Thảo) còn đọc ở đâu đó, Đạt Lai Lạt Ma 14 có nói: “Tôn giáo của tôi là lòng từ ái”.

    Thích

  2. Hi anh Hoành, anh Thảo và mọi người,

    Em nghĩ chính trị là cái phản ánh giá trị đạo đức của xã hội và giữ cho xã hội có một cái trật tự nhất định.

    Do đó nếu chính trị được định hướng bởi các điều tốt đẹp được dạy trong tôn giáo thì tốt thôi. Và tôn giáo cũng nên “nhập thế” để ảnh hướng tới các quyết định chính trị.

    Đứng ở góc độ cá nhân, ta nên giữ cho trái tim mình trong sạch với tình yêu dành cho tất cả mọi người, mọi tôn giáo khác, mọi người lầm lỗi.

    Nhưng đứng ở khía cạnh xã hội, các tổ chức tôn giáo (ở đây tôn giáo đóng vai trò chính trị), dù không hoàn hảo như họ hiện hữu, là cần thiết bởi lẽ:

    * Bất kỳ khi nào có quyền lực, sẽ có sự lạm dụng quyền lực và tổ chức có quyền lực hơn sẽ bóp nghẹt tổ chức ít quyền lực hơn.

    Vậy cách tốt nhất để cho mọi người sống bình đằng và không nghiến nát lẫn nhau là cho tất cả mọi người quyền như nhau (democracy).

    Các tổ chức sẽ chơi với nhau như các đội bóng trên sân chơi. Và để các tổ chức chơi đẹp thì cần thứ tâm linh nguyên chất để gắn kết mọi người thành một cuộc chơi hài hòa không chơi xấu.

    Mọi thứ em nghĩ sẽ tồn tại trong sự hài hòa như thế.

    Trong tổng thể có quá nhiều thứ chia rẽ mọi người, thì tất nhiên gìn giữ tâm linh nguyên chất không chính trị là cần thiết và cần được đề cao. Nhưng nếu giá trị đạo đức không thành một thế lực chính trị mang nghĩa bạn bè, tâm linh nguyên chất có vẻ như chỉ ở trên lý thuyết.

    Em nghĩ như vậy không biết có đúng không?

    Hiển

    Thích

  3. Hi Hiển,

    Nếu đứng về phương diện tự do thì đương nhiên là các tôn giáo có quyền làm chính trị, nếu họ muốn. Tự do dân chủ mà.

    Nói về phương diện phát tiển tâm linh thì các tôn giáo LUÔN LUÔN trở thành tồi tệ khi dính dấp vào chính trị. Vì tâm linh là tầm cao hơn chính trị. Xuống tầng chính trị là các tôn giáo thường thành rất tồi. Lịch sử thế giới nếu có ngoại lệ là tôn giáo vẫn tốt đẹp khi rớ vào chính trị thì ta hầu như ta không thấy ngoại lệ đó ở đâu cả. Quy luật chung là tôn giáo thường trở nên tồi tệ khi làm chính trị. Và lịch sử Vn thì tội lỗi các tôn giáo làm chính trị vẫn tồn tại cho đến ngày nay. Ngay cả lịch sử Ki tô giáo. Lúc đầu bị bách hại thì tốt, khi Kitô giáo thành quốc giáo của Rome (khoảng thế kỷ thứ 4 với Emperor Constantine) là lúc bắt đầu the Dark Age của Châu Âu, kéo luôn đến phong trào thuộc đia cho toàn thế giới ở thế kỷ 16, 17. Các tôn giáo khác cũng đều có các kinh nghiệm tương tự, khi họ trở thành tổ chức chính trị.

    Người tâm linh có thể làm chính trị nếu họ muốn. Nhưng những tổ chức dạy tâm linh thì phải chọn thái độ: Một là lo cho trái tim các cá nhân và có thể có cơ hội tinh tuyền tiếp tục. Hai là làm chính trị và thành tồi tệ. Cơ hội để tôn giáo làm chính trị mà còn tốt thi có lẽ là nhỏ hơn 1/1.000.000 dù chúng ta muốn lý luận thế nào. Lịch sừ thế giới đã có chứng minh rất rõ. Và ngày nay, các cuộc chiến bạo động khắp nơi trên thế giới, đa số là lý do tôn giáo hay “tôn giáo và chủng tộc”–Sudan, Sri Lanka, Nam Thái Lan, Malaysia, Fiji, Do Thái Pestine, Al Qaeda, Miến ĐIện và Dân Karen..

    Ngày nay ta vẫn thấy các tổ chức tôn giáo làm chính trị. Họ có thể có tôn giáo, nhưng rất khó để thấy họ có tâm linh.

    Thích

  4. Hi anh Hoành,

    Nếu ta hiểu chính trị theo nghĩa là tranh giành quyền lực tối cao, ai sai ai đúng thì em cũng đồng ý rằng tôn giáo không nên làm chính trị theo nghĩa đó. Bởi lẽ chuyện ai sai ai đúng bên này bên kia chỉ là tạm thời và gây chia rẽ, trong khi tôn giáo làm việc với những giá trị tuyệt đối như tình yêu vô điều kiện.

    Nhưng nếu hiểu chính trị theo nghĩa là phục vụ những lợi ích nhất định, ví dụ như lo cho người nghèo, bảo vệ người bị áp bức, chống lại các tệ nạn xấu như bạo lực với phụ nữ, buôn bán con người, xóa bỏ chế độ nô lệ, đảm bảo công bằng xã hội…

    Thì ngoài các giá trị đạo đức trong tôn giáo ra, em chẳng biết xã hội loài người có chỗ nào dạy và đoàn kết con người để làm những việc đó.

    Tâm linh tức là cái tuyệt đối muốn tồn tại được cũng phải nằm trong cái tương đối nào đó như các công việc cụ thể mang giá trị nhân văn, và qua những việc nhân văn đó, mới truyền đi được các giá trị tâm linh.

    Cái làm người ta nhầm lẫn và hạ thấp tôn giáo xuống hạng tương đối như chính trị em nghĩ là do những người làm tôn giáo không biết dấu mình đi phía sau các hành động “chính trị”. Nếu biết ẩn mình đi phía sau cái hữu hình như Saint Paul nói: I determine to live a life hidden with God in Christ thì sẽ không bị vướng mắc hay bị chấp vào những cái cái hữu hình tạm thời và bị hạ thấp xuống một bậc.

    Hoặc cũng có thể các người làm tôn giáo hay tâm linh biết cách dấu mình đi nên tình yêu vẫn tồn tại quanh ta nhưng lịch sử không có ghi lại.

    Hiển

    Thích

  5. Hi Hiển,

    Làm việc từ thiện, giúp làm sạch xã hội là việc từ thiện. Nó trở thành chính trị khi người ta dùng các biến pháp quyền lực, áp lực và đấu tranh. Làm việc xã hội và từ thiện không là chính trị. Việc từ thiện là một hoạt động tâm linh. Chính trị là đấu tranh quyền lực.

    Chính trị thì cũng chẳng có gì sai cả. Nhưng ta phải biết được chính trị ảnh hưởng đến sức sống của tâm linh thế nào.

    Người có tâm linh hay tôn giáo làm chính trị là một chuyện. Nhà thờ, nhà chùa, giáo hội dùng quyền lực của mình trong đấu tranh quyền lực với những thế lực khác, thì lúc đó tôn giáo bắt đầu trở thành tồi tệ, chỉ vì trò chơi quyền lực. Bởi vì bản chất của đời sống tâm linh là “người ta tát con má này thì đưa thêm má kia” hay “nhẫn nhục đến mức có thể mất thân mình để chịu nhẫn nhục”. Bản chất của chính trị là “Không làm theo ý tớ thì tớ đánh.” Nó là lối sống phản tâm linh, cho nên nó bắt buộc sẽ hủy hoại đời sống tâm linh của một tổ chức tôn giáo.

    Quy luật chính trị thường phản quy luật tâm linh. Tâm linh là chịu đựng và nhẫn nhục là chính. Chính trị thì quyên lực và thắng thua là chính.

    Cá nhân thì được, vì cá nhân tâm linh cao vẫn có thể sống trong chính trị mà không bị hỏng. Nhưng một tổ chức (tôn giáo) thì khác, vì một tổ chức thì 99%, nếu không phải là 100%, là người trung bình, không đủ sức để giữ mình tinh khiết khi rớ vào chính trị. Cho nên xác suất là phải đến 99.99% là tổ chức tôn giáo sẽ thành tồi tệ khi chơi trò chính trị.

    Tôn giáo muốn mình còn tâm linh thì tránh xa chính trị như một tổ chức (để cá nhân ai thích làm thì làm). Tôn giáo mà làm chính trị thì đương nhiên là phải hỏng hoàn toàn về tâm linh. Ngoại lệ hiếm hơn mò kim đáy biển.

    Hiển, hãy nhìn lịch sử, ngay cả lịch sử hiện tại. Lý luận lòng vòng thì ích gì trước sự thật của lịch sử. Trong các vấn dề xã hội lý luận thường chẳng nghĩa lý gì cả. Sự thật và kinh nghiệm xã hội là câu trả lời.

    Nhưng anh có cảm tưởng Hiển dùng từ chính trị để chỉ các hoạt động từ thiện, nhân đạo và xã hội. Các hoạt động này là hoạt động tâm linh, không phải hoạt động chính trị theo nghĩa chính trị mà mọi người thường dùng. Ta muốn gọi nó là chính trị thì cũng được, nhưng sẽ confuse chính trị quyền lực (Chính trị) với từ thiện xã hội (tâm linh).

    Thích

  6. Hi anh Hoành,

    Em không có vấn đề gì với quan điểm của anh rằng tôn giáo không nên dùng quyền lực của mình như một tổ chức để tranh giành quyền lực tối cao.

    Ý của em về chính trị là theo nghĩa “giá trị đạo đức của xã hội” như em nói ở trên.

    Em đưa ví dụ về nhân đạo bởi thực tế em nghĩ là có một số tiền thuế nhất định, nhà nước dùng số tiền đó như thế nào?

    Việc dùng tiền đó ra sao là một vấn đề chính trị, hay ra một chính sách ra sao cũng là chính trị. Việc quyết định được định hướng bởi đạo đức của người ra quyết định.

    Hiển

    Thích

  7. Hi Hiển,

    Mình bị problem của terminology.

    Chính trị cần giá trị đạo đức xã hội. Và ta có thể nói giá trị đạo đức xã hội thường là từ tôn giáo mà ra (ngoại trừ vài trường hợp với những hệ thống đạo đức phi tôn giáo–đặt nền tảng trên utilitarianism chẳng hạn). Đúng như thế, Vì tôn giáo đương nhiên là cung cấp các giá trị đạo đức cho chính trị, cho nên anh mới nói tôn giáo nằm ở tầng cao hơn chính trị. Đó là tầng tâm linh, và nó cho chính trị các giá trị đạo đức.

    Khi tôn giáo rơi xuống ngang hàng với chính trị, tức là làm chính trị quyền lực hay nằm trong hệ thống quyền lực chính trị, là lúc tôn giáo trở thành vất đi. Và đây là điều ta cần nói vì nó là vấn đề rất lớn trong mọi thời đại, kể cả thời đại của chúng ta với đủ loại chiến tranh và mâu thuẫn xã hội, kể cả bạo động vì lý do tôn giáo, trên khắp thế giới hiện nay.

    Be careful với từ “chính trị” khi ta nói đến tôn giáo, vì hai cái này mà nhập nhằng với nhau thì tôn giáo thành vất đi. Và chính các quý vị lãnh đạo tôn giáo khắp thế giới không nắm vững được điều này, vì thế mà tại nhiều nơi ta có vấn đề lớn, kể cả chiến tranh tôn giáo do chính các tổ chức tôn giáo và lãnh đạo tôn giáo gây ra.

    Thích

  8. Tôn giáo nên trở về với “trái tim linh thiêng” (tâm linh). “Trái tim linh thiêng” của mọi người là trong sáng và giống nhau, nên tôn giáo – nên và phải – hướng về vô chấp, vô ngã, hướng về MỘT, Nếu có khác nhau, chỉ là khác nhau ở trên các con đường hướng về MỘT. Nên và cần có nhiều con đường khác nhau như thế!
    Ai cũng có thể làm chính trị với tư cách cá nhân, kể cả các tu sỉ – nhưng đối với các tổ chức tôn giáo – có lẽ là không nên – các tổ chức tôn giáo chỉ nên làm công tác xã hội.
    Ngược lại, các chính trị gia nên đến với tôn giáo – theo ý nghĩa là tâm linh – như tổng thống Mỹ đương nhiệm – gần đây thường đặt tay lên tim, khi đứng trước quốc kỳ và những lúc trang trọng.
    Mong rằng ngày càng có nhiều nguyên thủ, nhiều chính trị gia thường đặt tay lên tim, để lắng nghe lời mách bảo từ trái tim mình.
    Nhưng là lời mách bảo của trái tim tự do, trái tim từ ái, trái tim vì nhân dân và nhân loại, không phải là trái tim bị trói buộc bởi hẹp hòi, bị cưỡng chế bởi tham vọng quyền lực.
    Nếu thế, chắc chắn thế giới sẽ tốt đẹp hơn…

    Thích

  9. Vì chỉ là một nông dân, không hiểu biết nhiều về “chính trị”, nên tôi nghĩ có lẽ mình đã “ngây thơ về chính trị”.
    Về chính trị, ngây thơ chính là dốt.
    Về đạo đức, ngây thơ có là tốt? 🙂

    Thích

  10. Hi anh Hoành,

    Em vẫn chưa rõ ràng lắm nên có một ví dụ như sau.

    Trong xã hội có bất công, ví dụ như người da đen không được bình đằng như người da trắng. Xuất phát từ ý tưởng bình đẳng và yêu thương mọi người như nhau trong tôn giáo, một số người như Martin Luther King đã đấu tranh bằng bất bạo động cho quyền lợi của người da đen.

    Các nhà thờ khác hưởng ứng và kêu gọi ủng hộ cho người da đen.

    Vậy hiện tượng này gọi là một phong trào chính trị cho người da đen?

    Đứng ở khía cạnh tổ chức tôn giáo, các nhà thờ có nên tham gia ủng hộ cho phong trào chính trị kia không?

    Hay bản chất của hiện tượng đó là chính trị, nhưng có ảnh hưởng bởi một ý tưởng đạo đức cụ thể trong tôn giáo?

    Hiển

    Thích

  11. Tôi rất thích các câu hỏi của Minh Hiển, vì là một cơ hội cho tôi được hiểu biết thêm.
    Có một “định nghĩa” về chính trị làm tôi ngán ngẫm chính trị. Đó là câu nói của Mao Trạch Đông: “Chính trị là chiến tranh không đổ máu. Chiến tranh là chính trị có đổ máu”.
    Tôi hiểu đó có thể là một cách nhìn, nhưng đáng buồn là đó có thể không phải là cách nhìn của một người hoặc ít người…

    Thích

  12. Hi Hiển,

    Đấu tranh bất bạo động thực sự là một hành vi tâm linh nhiều hơn là chính tri thường tình. Gandhi chẳng hạn. Nó là một loại chính trị dựa trên tâm linh 100%–nhịn nhục và chịu đựng. Kẻ thù đánh cũng không đánh lại. Thế thì ta lại nói đến chính trị kiểu tâm linh100%. Nếu vậy thì rất tốt,.hoan hô chính trị kiểu này.

    Nhưng nếu vậy thì hãy nói đến chính trị bất bạo động 100 % để mọi người khỏi nhập nhằng về ý tưởng chính trị kiểu ăn thua đủ.

    Khi nói đến chính trị, thực sự là các quý vị tôn giáo nói đến ăn thua đủ. Và người đấu tranh bất bạo động chẳng bao giờ nói là họ làm chính trị,

    Thích

  13. Anh Hoành có thể giới thiệu giúp một vài địa chỉ web có các quyển kinh cơ bản (bằng tiếng Việt) của các tôn giáo lớn trên thế giới. Cám ơn anh nhiều.

    Thích

  14. Hi Cường,

    Trả lời rất nhanh cho Cường đây:

    Kinh thánh Ki tô giáo.

    Có một tí ti khác biệt giữa kinh thánh Tin lành và Công giáo, nhưng khác biệt đó hoàn toàn không đáng kể

    Link dưới đây

    http://www.vietchristian.c/cgi-bin/bibrowse2.exe?index=yes&bn=bd2011

    cho thấy Kinh Thánh là một quyển lớn bao gồm gồm 66 quyển nhỏ trong đó. Từ 1 (sáng thế k‎) đến 39 (Malaki) là Cựu ước. Tức là trước Chúa Giêsu. Đây cũng là phần chính của Thanh Kinh Do Thái.

    Từ 40 (Mat thi ơ) đến 66 (Khải Huyền) là Tân Ước, bắt đầu từ Chúa Giêsu.

    Khởi đầu chỉ nên đọc quyển 1 (Sáng Thế Ký), tức là sách về tạo lập thế giới. Và quyển 40 Mat-thi-ơ.

    Quyển 1, Sáng Thế Ký, là một quyển triết lý, tâm lý hay phân tâm (psychoanalysis) nói về hiểu biết của con người về nguồn gốc vũ trụ, sống chết, đúng sai, thướng đế tạo vật v.v… Nên dọc như là đọc sách triết lý và phân tâm học hơn là đọc theo kiểu sách lịch sử nói chuyện lịch sử.

    Quyển 40, 41, 42, 43 là bốn quyển sách về đời sống Chúa Giêsu, gọi là Gospel, Phúc Âm, Tin Mừng. Đây là bốn quyển quan trọng nhất trong toàn bộ Thánh kinh. Ba quyển đầu do Mathiơ (Matthew), Luca (Luke) và Mác (Mark) gần giống hệt nhau. Quyển thứ 4, do Giăng (John) viết, hoàn toàn khác 3 quyển kia và cực kỳ sâu sắc về thần học.

    Khởi đầu chỉ nên dọc quyển 40 (Mat thi ơ), gạt bỏ các chuyện có vẻ thần thoại ta thường thấy trong các sách tôn giáo, mà chú trọng về tâm linh—những lời dạy của Giêsu về cách sống của trái tim con người.

    Phật giáo

    Kinh Chuyển Pháp Luân (Tứ Diệu Đế và Bát Chánh Đạo)
    http://www.thuvienhoasen.org/D_1-2_2-76_4-3897_5-50_6-1_17-24_14-1_15-1/

    Kinh Pháp Cú (kinh chính của Phật giáo Nguyên Thủy, hay Tiểu Thừa)
    http://www.thuvienhoasen.org/D_1-2_2-69_4-8448_5-50_6-1_17-34_14-1_15-1/

    Bát Nhã Tâm Kinh (kinh chính của đại thừa). Đọc “Tiều luận về Bát Nhã tâm Kinh” của Trần Đình Hoành

    Click to access bat_nha_tam_kinh_vn_tdh.pdf

    Hồi Giáo.

    Tìm hiểu kinh Koran
    http://home.earthlink.net/~charlienguyen/tim_hieu_kinh_koran.htm

    Download Thiên Kinh Koran

    Click to access The_Holy_Quran_Vietnamese.pdf

    Surah 1, Al-Fatihah (Chương mở đầu, ngắn nhất)
    Surah 2, Al-Baqarah (Chương dài nhất trong Kinh Koran)

    Đã thích bởi 1 người

  15. Hi anh Hoành,

    Em đang có ý nghĩ tìm đọc kinh Koran thì gặp comment của anh ở đây. 😀 Em cám ơn anh.

    Em cũng cám ơn cuộc trao đổi giữa anh và anh Hiển. Nhờ vậy mà em hiểu thêm về chính trị và tôn giáo.

    Thích

  16. Em đang suy nghĩ về tâm linh và chính trị thì đọc lại được bài này (cảm ơn anh Hoành đã liên tục có những bài viết sâu sắc và Hương đã comment để mình tìm đọc lại 🙂 Em có một câu hỏi là cá nhân muốn theo con đường phát triển về tâm linh có nên tham gia vào chính trị không ạ? Hay việc đó cũng là do tùy duyên, vì một người khi trên con đường phát triển tâm linh sẽ biết mình phải làm gì trong mỗi hoàn cảnh nhất định? Tham gia vào chính trị có làm hạn chế phát triển tâm linh của cá nhân không ạ?

    Thích

  17. Hi Thu Hường,

    Anh nghĩ rằng những cá nhân có tâm linh sâu sắc nên tham gia chính trị vì họ sẽ làm cho chính trị dịu dàng hơn, sâu sắc hơn, và hiệu quả hơn.

    (Anh chỉ nói là một tổ chức tôn giáo thì không nên làm chính trị, vì họ sẽ quen đấu đá chính trị mà quên mất giáo huấn tâm linh con người. Một tổ chức thì nên nhắm vào đào tạo tâm linh cho các chính trị gia thì tốt hơn là tự tổ chức làm chính trị.

    Vậy có nghĩa là: Cá nhân có thể giữ mình được. Tổ chức mà hoạt động sai mục đích chính, thì sẽ bị lạc đường và hỏng ngay, vì tồ chức có nhiều người, đại đa số là đầu óc tầm thường, dễ đi lạc).

    Thích

  18. Dạ, như vậy có nghĩa là chính trị sẽ không đối nghịch lại sự phát triển tâm linh nếu cá nhân đã làm chủ được tâm mình phải không ạ. Dù vậy, như anh nói “chính trị thường (không nhất thiết, nhưng thông thường vẫn) tạo ra chia rẽ, dối trá, và tội ác.”, nên em đã có câu hỏi trên.
    Em cũng tin tưởng chính trị tốt nhất trên đời này là dựa trên tâm linh 100% như Gandhi, mọi đấu tranh phát triển đều ôn hòa nhưng kiên quyết.
    Em cảm ơn anh đã luôn trả lời những câu hỏi hơi trẻ con của em 🙂
    Em Hường

    Thích

  19. Hi anh Hoành,

    Giờ em mới đọc được bài này. Bấy lâu nay em rất lơ mơ giữa Tâm Linh và chính trị. Giờ đọc được bài này của Anh em đã hiểu được nhiều hơn đặc biệt là cuộc trao đổi của Anh và Anh Hiển.

    Em cũng cám ơn chị Hường đã comments để em có thể đọc được bài này.

    Em Tuấn.

    Thích

  20. Hi anh Hoành,

    Lời đầu tiên, cảm ơn anh rất nhiều về bài viết của anh.

    Từ nhỏ em được nuôi dạy theo giáo lý của đạo Phật. Khi đi du học ở nước ngoài em tình cờ chịu ảnh hưởng nhiều của đạo Tin Lành. Bạn bè em cũng có nhiều người theo đạo Hồi Giáo. Em bắt đầu tìm đọc các quyển Kinh căn bản và tìm hiểu sâu vào đời sống tâm linh của các tôn giáo. Nhưng càng biết nhiều, em lại càng cảm thấy rất băn khoăn về định hướng tôn giáo của mình. (Em còn khá trẻ và khó tìm được người để chia sẻ về những vấn đề này). Hi vọng nhận được lời khuyên của anh:

    1. Em nhận thấy tất cả các tôn giáo đều hướng tới những lời răn dạy, hướng thiện và sống tốt hơn. Nhưng giữa chúng vẫn tồn tại nhiều điểm khác nhau. Một trong số đó là: Trong khi đạo Phật nghiêng nhiều về triết lý sống thì đạo Thiên Chúa lại lấy tình yêu và niềm tin vào Chúa làm chỗ dựa tiên quyết. Em đã thử tìm cách dung hòa giữa hai Tôn giáo để tìm ra một cách sống hợp lý cho mình. Nhưng nếu làm như vậy, em lại không hoàn toàn dựa vào Chúa, không tin hoàn toàn vào Chúa nên nhiều khi cảm thấy rất mâu thuẫn. Anh có thể chia sẻ thêm về suy nghĩ/trải nghiệm của anh đối với các tôn giáo khác nhau được không ạ?

    2. Có một thời gian sống ở Việt Nam, em có ấn tượng rất xấu về sự xuống cấp về mặt đạo đức của một bộ phận không nhỏ người Việt (trong đó có những người giữ những vị trí lãnh đạo trong xã hội). Theo như đánh giá chủ quan của em thì giáo dục tâm linh ở nước mình không thật sự được coi trọng. Trong khi đó, một tôn giáo (nếu được tìm hiểu một cách sâu sắc và thực hành một cách đúng đắn) lại rất cần thiết cho sự phát triển của mỗi cá nhân nói riêng và cả xã hội nói chung. Anh có thể chia sẻ ấn tượng chủ quan của bản thân anh về vấn đề tôn giáo/đạo đức của xã hội Việt Nam hiện tại được không ạ?

    Không biết câu hỏi của em có làm phiền anh không? Dù sao thì cũng cảm ơn anh rất nhiều. Blog của anh rất có ý nghĩa với những người Việt trẻ tuổi như chúng em. 🙂

    Đã thích bởi 1 người

  21. Cảm ơn littlesparrow92 đã có 2 cấu hỏi rất hay.

    Anh trả lời câu dễ trước, tức là câu số 2. Việt Nam mấy mươi năm nay xuống cấp đạo đức dữ dội. Ngay trong các tôn giáo thì thường tập trung vào nghi lễ, hình thức, công thức… và thường thì chẳng tập trung vào tâm linh, vào trái tim linh thiêng của mỗi người.

    về câu số một thì em cứ làm gì em thấy thoải mái, em cứ tin Chúa 100% và ngồi thiền hít thở của nhà Phật, mà chẳng cần phải dung hòa gì cả. Lấy điều nào em thích của mỗi tôn giáo và dùng nó.

    Thích

  22. Hi littlesparrow92,

    (Chắc em sinh năm 92? Nhỏ mà giỏi quá ^^, chắc em nhỏ tuổi hơn chị).

    Hai câu hỏi của em rất hay và cũng là câu hỏi chị đã từng suy nghĩ. Chị cảm thấy trong nền giáo dục duy vật (và vô thần), rất nhiều người tin rằng tôn giáo là hoang đường và không cần thiết, tuy rằng họ không nhận ra đó là một dạng niềm tin, chỉ có điều ngược lại với những người tin vào một “Thiên Chúa tuyệt đối” thì nền giáo dục vô thần tin rằng “không có Thượng đế”, bản chất đều là “niềm tin vào sự tuyệt đối”, và bản chất của niềm tin là điều rất cá nhân, hơn nữa không thể xác nhận cũng như phủ nhận sự tồn tại của Thiên Chúa/Thượng đế, tuy vậy niềm tin đã đi theo hai hướng: Có và Không.

    Không may là, nước ta sau khi du nhập triết học duy vật và con đường chủ nghĩa xã hội, đã đi theo con đường phủ nhận Thượng đế, và chỉ tin vào những điều đạo đức thế tục. Chị đã từng nghĩ, nếu mà Thượng đế có thật, thì chẳng phải đất nước dân tộc mình xa Chúa nhất hay sao? Nhưng phần lớn thì không biết và không nghĩ đến điều đó, dù sao chị nghĩ những điều đạo đức cũng đã đủ để con người sống tốt nếu chúng ta thực sự nghiêm túc sống với lương tâm, và sẽ được dẫn đến Chúa như những người công chính khác.

    Chị có câu trả lời cho 2 câu hỏi em đưa ra để mình thảo luận thêm nhé:

    1. Em nhận thấy tất cả các tôn giáo đều hướng tới những lời răn dạy, hướng thiện và sống tốt hơn. Nhưng giữa chúng vẫn tồn tại nhiều điểm khác nhau. Một trong số đó là: Trong khi đạo Phật nghiêng nhiều về triết lý sống thì đạo Thiên Chúa lại lấy tình yêu và niềm tin vào Chúa làm chỗ dựa tiên quyết. Em đã thử tìm cách dung hòa giữa hai Tôn giáo để tìm ra một cách sống hợp lý cho mình. Nhưng nếu làm như vậy, em lại không hoàn toàn dựa vào Chúa, không tin hoàn toàn vào Chúa nên nhiều khi cảm thấy rất mâu thuẫn.

    Hai tôn giáo này đều hướng đến từ bi/ tình yêu đối với con người. Tin vào Nhân Quả trong nhà Phật và tin vào sự công bằng của Thiên Chúa, tình yêu của Chúa, thực ra rất gần nhau, không xa như nhiều người tưởng. Đạo Phật không chú trọng vào niềm tin mà nghiêng về trí tuệ và triết lý để chứng nhận được chân lý hiển hiện trong mọi vật/mọi pháp của đời sống, cũng giống như chứng nhận được God ở khắp mọi nơi (God is omnipresence). Như anh Hoành nói, em cứ chiệm nghiệm về những điều em cảm thấy tốt của mỗi tôn giáo và dùng nó.

    2. Có một thời gian sống ở Việt Nam, em có ấn tượng rất xấu về sự xuống cấp về mặt đạo đức của một bộ phận không nhỏ người Việt (trong đó có những người giữ những vị trí lãnh đạo trong xã hội). Theo như đánh giá chủ quan của em thì giáo dục tâm linh ở nước mình không thật sự được coi trọng. Trong khi đó, một tôn giáo (nếu được tìm hiểu một cách sâu sắc và thực hành một cách đúng đắn) lại rất cần thiết cho sự phát triển của mỗi cá nhân nói riêng và cả xã hội nói chung.

    Chị cũng cảm thấy nền tảng đạo đức thế tục đã không tạo nền tảng tâm linh đủ mạnh để con người chống lại cám dỗ, và do đó thực tế như em thấy “sự xuống cấp về mặt đạo đức của một bộ phận không nhỏ người Việt (trong đó có những người giữ những vị trí lãnh đạo trong xã hội)”. Nhưng tâm linh không phải là tôn giáo, nếu tôn giáo có đó mà không có những bậc thầy tâm linh thực sự sâu sắc, thấy đường, hiểu đạo thì cũng vô ích. Bởi vậy cho nên chị rất may mắn khi tìm được ĐCN và hiểu được thêm rất nhiều vấn đề tâm linh mà không cần phải theo một tôn giáo nào. Trong thời đại thông tin toàn cầu này, chị tin là người nào có tâm thì sẽ tìm được đường và tìm được thầy thôi, tâm linh là một vấn đề rất tinh tế, không phải cứ tố chức lớn, nghi lễ nhiều là hiệu quả nhiều hơn, phải không em?

    Chúc em ngày càng sâu sắc và phát triển tâm linh 🙂

    Thu Hường

    Đã thích bởi 1 người

  23. Em cảm ơn anh Hoành về bài viết.
    Cảm ơn các anh chị về những thảo luận phía trên.
    Từ ngày lên ĐCN thường xuyên, mỗi lẫn đọc mỗi bài viết ngắn, em lại có cảm giác như mình vừa tìm thấy, vừa có được điều gì đó mà mình đang thiếu, đang kiếm, và nó đến rất đúng lúc. Có lẽ em có duyên, hoặc là một sự trùng hợp ngẫu nhiên nhiều biến số mà em gặp được. Vừa thảo luận quan điểm của bản thân với chị Hương bên CVD về vấn đề các vị chức sắc tôn giáo có nên làm chính trị không. Thì mở mail thấy thông tin về bài viết này từ năm 2011 của anh Hoành. Và những gì đọc được từ những trao đổi của anh chị đã trả lời một câu hỏi rất quan trọng của em. Và em nhận ra mình đã đi đúng, có lẽ là tình cờ: Một người thực hành tôn giáo, thực hành nâng cao đời sống tâm linh (trí thông minh tâm linh), có thể làm chính trị được không?
    Và rất cảm ơn ý của anh Hoành: một người thực hành một tôn giáo hoàn toàn có thể làm chính trị, đặc biệt là làm chính trị với 100% tâm linh thì sẽ rất tốt cho đời, đẹp cho đạo; nhưng một tổ chức tôn giáo thì tuyệt đối không nên tham gia chính trị (có lẽ đúng hơn là chính trường – “tranh giành” (cạnh tranh) ảnh hưởng, quyền lực).
    Sẽ rất tuyệt vời nếu một người có mong muốn làm chính trị gia để tham gia quản trị đất nước (phải hiểu biết về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, khoa học…) mà dành thời gian để thực hành tâm linh, và để cho những “ý thức” tâm linh (đúng hơn là trái tim linh thiêng) của mình dẫn dắt những quyết sách, đường lối chính trị.

    Chúc cả nhà vui, thực hành tâm linh và quan tâm chính trị đất nước một cách sáng suốt!

    Thích

  24. Hôm nay em đọc lại comment trong bài này nghĩ ra thêm một ý về “niềm tin vào sự tuyệt đối”, các luồng tư tưởng đều gồm có hai phần, phần đầu là nền Tuyệt đối, phần hai là lý tưởng sống trong thế giới tương đối:

    – CNXH : Không có Thượng đế, Yêu con người
    – Thiên chúa giáo : có Thượng đế, Yêu con người
    – Phật giáo: Không (không có cũng không không), Yêu con người

    Chỉ vì cái tên của sự tuyệt đối này khác nhau trong khi phần con đường hoàn toàn giống nhau, vậy mà lại gây nên mâu thuẫn tôn giáo nhiều như vậy. Màn vô minh của con người đúng là không hề mỏng tí nào ạ 🙂
    Và thực ra tên của Tuyệt đối cũng đã có ngay trong con đường: God is Love.

    Nhưng để hiểu được và làm được đúng là cả đời người ạ, chỉ là biết được càng sớm thì càng gần hạnh phúc sớm hơn.

    em Hường

    Đã thích bởi 1 người

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s