Biển Đông: Nhật, Hàn, Philippines thi nhau đuổi tàu TQ – TQ muốn tăng sức mạnh trên biển

Nhật, Hàn, Philippines thi nhau đuổi tàu TQ

Chỉ vẻn vẹn trong vòng một tuần, các tàu và máy bay Trung Quốc đã có những vụ đụng chạm với phía Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines.

‘Theo sát tình hình’

Hôm thứ tư, Nhật Bản đã điều máy bay đuổi hai máy bay quân sự Trung Quốc ở cách quần đảo tranh chấp giữa hai nước tại biển Hoa Đông chỉ 55km. Quần đảo này Nhật gọi là Senkaku còn Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.

Người phát ngôn chính phủ Nhật Bản Yukio Edano cho hay, Nhật sẽ không chính thức lên tiếng phản đối khi các máy bay Trung Quốc không tiến vào không phận nước này, nhưng ông cũng thể hiện quan ngại về sức mạnh quân sự đang ngày một gia tăng của Trung Quốc. Ông Yukio nhấn mạnh, Nhật sẽ theo sát tình hình. Hiện Bộ Ngoại giao Trung Quốc chưa đưa ra bình luận gì.

Quan điểm dùng sức mạnh trong các vấn đề chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc khiến nhiều nước lo ngại. Ảnh minh họa: defencetalk

Tháng 9 năm ngoái, quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất châu Á đã xuống mức thấp nhất trong nhiều năm sau vụ va chạm giữa một tàu cá Trung Quốc với hai tàu tuần tra Nhật Bản ở gần quần đảo tranh chấp.

Trong tháng 12, Nhật Bản – nước bị Trung Quốc soán ngôi á quân kinh tế thế giới 2010 – đã ban hành các chỉ dẫn về cải tổ chính sách quốc phòng. Theo đó, chính sách mới tập trung hướng tới nguy cơ nổi lên từ Trung Quốc.

Nguy cơ chạy đua vũ trang

Quan điểm dùng sức mạnh trong các vấn đề lãnh thổ của Trung Quốc cũng báo động nhiều nước khác trong khu vực.

Hôm thứ tư, Philippines đã triển khai hai máy bay chiến đấu (trong đó có một máy bay ném bom) để bảo vệ tàu thăm dò dầu khí của mình, sau khi tàu này đánh tín hiệu báo cáo việc bị hai tàu tuần tra Trung Quốc quấy nhiễu ở một khu vực tranh chấp tại Biển Đông.

Chính phủ Philippines hôm thứ sáu đã yêu cầu Trung Quốc giải thích về vụ việc này.

Theo hãng AP, người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc Ethan Sun đã tái khẳng định việc nước này tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, nhưng nói rằng, Bắc Kinh tuân thủ cam kết duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực, cũng như giải quyết các tranh chấp thông qua đàm phán hòa bình.

Hôm thứ sáu, lực lượng Phòng vệ bờ biển Hàn Quốc đã bắt giữ hai tàu cá cùng thủy thủ đoàn của Trung Quốc sau khi phát hiện những người này đánh cá trái phép tại vùng Đặc quyền kinh tế của Hàn Quốc, cách tây nam đảo Keokrulbiyeol ở vùng biển phía tây hơn 100km.

Một cảnh sát phía Hàn Quốc đã bị thương do các ngư dân Trung Quốc dùng vũ khí, một ngư dân Trung Quốc bị bắn vào chân. Bộ Ngoại giao Trung Quốc hiện chưa có phản ứng gì.

Trung Quốc đã thông báo kế hoạch ngân sách quốc phòng vào hôm thứ sáu. Theo đó, nước này sẽ tăng 13% chi tiêu quốc phòng trong năm nay. Tuyên bố này đã khiến nhiều nước láng giềng trong khu vực quan ngại. Theo giới phân tích, các quốc gia trong khu vực đã và sẽ tăng cường trang bị quân sự đối phó với sự lớn mạnh của Trung Quốc, đe dọa đẩy châu Á vào cuộc chạy đua vũ trang mới.

Gia tăng ảnh hưởng

Theo người phát ngôn Quốc hội Trung Quốc Lí Triệu Tinh, nước này dự kiến chi khoảng 601,1 tỉ nhân dân tệ (91,4 tỉ USD) cho quốc phòng trong năm 2011, tăng so với mức 533,4 tỉ nhân dân tệ năm ngoái.

Các chuyên gia quốc phòng nước ngoài cho rằng, chi tiêu thực tế cho quốc phòng của Trung Quốc cao hơn nhiều con số công bố. Theo ông Lí, ngân sách mới sẽ được sử dụng cho việc “phát triển vũ khí phù hợp”, huấn luyện và tài nguyên nhân lực. Đồng thời, ông Lí Triệu Tinh cũng khẳng định mức chi tiêu quốc phòng vẫn còn tương đối thấp trong tỉ lệ GDP và với ngân sách tổng thể. Ông này cũng bác bỏ quan ngại về nguy cơ với các nước láng giềng.

Ông Lí Triệu Tinh nhấn mạnh, chi tiêu quốc phòng chỉ chiếm 6% ngân sách quốc gia Trung Quốc – thấp hơn vài năm gần đây và thấp hơn nhiều so với Mỹ. “Chi tiêu quốc phòng Trung Quốc tương đối thấp trong thế giới”, ông Lí nói. “Chi tiêu ấy sẽ được sử dụng để đảm bảo độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và các nỗ lực của Trung Quốc sẽ không là mối đe dọa với bất kỳ quốc gia nào”.

Bonnie Glaser, nhà nghiên cứu cấp cao về chính sách an ninh Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế cho hay, mức chi tiêu mới đánh dấu việc Bắc Kinh đã trở lại với sự gia tăng hai con số vài năm gần đây trong ngân sách quốc phòng. “Nói chung, quân đội Trung Quốc đang gia tăng vị trí”, bà nói. “Chúng ta đã thấy khá nhiều bằng chứng về sự gia tăng ảnh hưởng của quân đội Trung Quốc trong hệ thống. Vì vậy, tôi sẽ ngạc nhiên nếu con số chi tiêu quốc phòng năm nay của họ chỉ tăng một con số”.

Theo Leslie Hull-Ryde, một người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Mỹ, chi tiêu gia tăng của Trung Quốc giúp Bắc Kinh xây dựng một “lực lượng hiện đại có khả năng thực hiện các hoạt động quân sự ở phạm vi lớn hơn”. Hull-Ryde nhấn mạnh rằng, Lầu Năm Góc không nên tin vào tỉ lệ 13% là đã thể hiện đầy đủ chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc, đồng thời khuyến cáo, Mỹ cần tiếp tục yêu cầu Trung Quốc “minh bạch hơn về khả năng, mục đích và tài nguyên dành cho các sứ mệnh quân sự”.

Trong vài tháng gần đây, các quan chức quốc phòng Mỹ, trong đó có Bộ trưởng Robert Gates đã khẳng định rằng, phần lớn đầu tư của Mỹ vào các trang thiết bị quân sự mới là để đối phỏ với việc đầu tư của Trung Quốc vào các loại vũ khí mới, kiểu như tên lửa chống hạm.

Quan chức và các học giả Trung Quốc đã cố gắng dịu giọng trong các tuyên bố để xóa bỏ những quan ngại về việc nước này ngày một quả quyết hơn trong các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ, hay Trung Quốc muốn thách thức ưu thế quân sự Mỹ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Trong tháng 1, Trung Quốc đã làm rúng động khu vực với tuyên bố bay thử loại máy bay tàng hình mới. Tuyên bố này đến sớm hơn dự kiến của Lầu Năm Góc. Trung Quốc cũng đang phát triển loại tên lửa đạn đạo chống hạm, có thể đe dọa các tàu hải quân Mỹ ở châu Á – Thái Bình Dương – nơi Mỹ vốn chiếm ưu thế.

Thái An (Theo Wall Street Journal)

 

Kỳ họp Đại hội Nhân dân Đại biểu tại Bắc Kinh hôm 5/2/2011
Lãnh đạo Trung Quốc nêu chủ đề tăng cường sức mạnh quân sự tại kỳ họp Đại hội Nhân dân Đại biểu ở Bắc Kinh

Ngay trước kỳ họp của Đại hội Đại biểu Nhân dân Trung Quốc, có kêu gọi từ chính giới nước này về nhu cầu tăng cường sức mạnh hải quân nhằm khẳng định chủ quyền biển.

Tờ Đại Công Báo xuất bản bằng tiếng Trung tại Hong Kong cuối tuần qua đăng phát biểu của Thiếu tướng La Viện từ Học viện Kỹ thuật Quốc phòng Trung Quốc nói Trung Quốc cần chú trọng “tăng cường sức mạnh trên biển”.

Tờ báo thân Bắc Kinh dẫn lời vị chuyên gia cao cấp, người cũng là đại biểu Quốc hội, nói quyền lợi hàng hải quốc gia là chủ đề quan trọng được chú ý đặc biệt trong các kỳ họp Lưỡng hội (tức Quốc hội và Hội nghị Chính trị hiệp thương nhân dân) gần đây.

Hai kỳ họp quan trọng bậc nhất trong chính trị Trung Quốc năm nay hiện đang diễn ra tại Bắc Kinh.

Thiếu tướng La Viện vạch ra các hoạt động cần làm, là tăng cường khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển đảo, đưa quân đóng trên các đảo Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, tùy điều kiện mà xây dựng cơ sở quân sự, nhà giàn trên các đảo, thậm chí là khẳng định chủ quyền bằng cách dựng cột mốc, cột cờ…

Ông La cũng kêu gọi tăng cường các hoạt động tuần tra trên biển.

Tuy ông thiếu tướng không liệt kê tên các hòn đảo mà Trung Quốc cần “khẳng định chủ quyền”, nhưng giới quan sát nói nước này đang tranh chấp nhiều đảo đá và rạn san hô trong Biển Đông với Việt Nam, Malaysia và Philippines.

Mới đây, các quốc gia liên quan trong khu vực đều đã lên tiếng phản đối việc Trung Quốc diễn tập quân sự hay tăng cường tàu tuần tra tại Biển Đông.

Thế nhưng phát biểu mới của đại biểu Quốc hội Trung Quốc cho thấy rõ hơn đường hướng của hải quân Trung Quốc.

Bên cạnh đó, Tướng La Viện cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật hải quân, trong có chế tạo tàu sân bay và sản xuất chiến đấu cơ tàng hình phục vụ hải quân.

Chi phí hải quân

Nhà giàn của Trung Quốc tại Biển ĐôngTrung Quốc sẽ xây thêm nhiều cơ sở để khẳng định chủ quyền

Trong bài diễn văn đọc tại phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội hôm 05/03, Thủ tướng Ôn Gia Bảo tuyên bố Trung Quốc sẽ “tiếp tục xây dựng quân đội hùng mạnh”.

Báo chí nước ngoài cho rằng Hải quân Trung Quốc được Chủ tịch Hồ Cẩm Đào cho binh chủng là “ưu tiên hàng đầu” của quá trình hiện đại hóa quân đội.

Hiện Trung Quốc đã nâng cấp các khu trục hạm và tuần dương hạm cũng như các chiến thuyền công kích và cũng có kế hoạch hạ thủy hàng không mẫu hạm đầu tiên vào năm nay, sớm hơn dự đoán của Hoa Kỳ.

Trung Quốc cũng có thể sẽ lên kế hoạch mua hai tàu sân bay tầm trung, 60 nghìn tấn theo mô hình tàu hạng Kuznetsov của Nga, mỗi chiếc trị giá trên 2 tỷ đô la.

Ngoài ra Trung Quốc đang xây tầu ngầm phóng được hỏa tiễn đạn đạo hạng Tấn (Jin-class), có thể bắn được tên lửa hạt nhân và có căn cứ ở đảo Hải Nam.

Trong kỳ họp Đại hội Nhân dân Đại biểu tại Bắc Kinh cuối tuần qua, Bắc Kinh loan báo tăng ngân sách quốc phòng với tỷ lệ kỷ lục 12,7% lên 91,7 tỷ đôla trong năm 2011.

Các quốc gia lân cận của Trung Quốc tại Á châu đều tỏ ra quan ngại trước việc tăng ngân sách quốc phòng hai chữ số này.

Nhật Bản đánh giá phần lớn tài chính sẽ được tập trung vào để tăng cường năng lực hải quân.

Ba thập niên nay, ngân sách quốc phòng Trung Quốc mỗi năm càng lớn, kéo theo các bước phát triển vũ bão trong công nghệ quốc phòng.

Tháng 1/2011, Trung Quốc cho ra mắt Bấm máy bay tàng hình đầu tiên của mình, khiến Hoa Kỳ, Nhật Bản và các nước trong khu vực nâng cao cảnh giác.

Quan ngại lớn nhất có lẽ là khả năng Bắc Kinh có thể sử dụng sức mạnh quân sự ở nước ngoài.

Ngoại trưởng Nhật Bản Seiji Maehara nhận xét sau khi ngân sách quốc phòng 2011 được Trung Quốc công bố, rằng đây là tỷ lệ chi tiêu rất lớn.

“Chúng tôi không thể không lo ngại về cách thức sử dụng ngân sách này.”

Dư luận phần đông đều cho rằng con số chi tiêu thực sự còn cao hơn ngân sách thông báo rất nhiều.

Tuy nhiên, quan điểm của phía Trung Quốc là tăng chi tiêu quân sự tương xứng với tăng trưởng kinh tế nên không thể xem là mất cân bằng được.

Họ cũng nêu ra chi phí quốc phòng của Hoa Kỳ là 553 tỷ đô la một năm, cao hơn nhiều so với Trung Quốc.

Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa thành lập năm 1927, hiện đã có quân số lớn nhất thế giới, chừng 2,3 triệu.

Quá trình hiện đại hóa quân đội được Trung Quốc bắt đầu đẩy mạnh từ sau cuộc chiến biên giới với Việt Nam năm 1979 và do tác động của các cuộc chiến ‘công nghệ cao’ ở vùng Vịnh Ba Tư mà Hoa Kỳ và liên quân tiến hành.

Bốn tàu ngầm của Trung Quốc trong một lần trình diễn

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s