“Thuộc về” nhóm nào?

Chào các bạn,

Trước đây mình đã viết bài Tư duy tích cực – “Thuộc về” cuộc đời, tựu trung nói rằng nếu chúng ta muốn vui vẻ tích cực sống đời này thì ta phải cảm thấy “thuộc về” cuộc đời. Nếu ta luôn cảm thấy lạc lỏng, “sai chuồng” hay, nói như các triết gia, “vong thân” (alienation), ngay trong cuộc đời này, thì rất khó cho ta tích cực được với đời.

Hôm nay chúng ta đi sâu hơn một tí với khái niệm “thuộc về” (sense of belonging), đặt cá nhân vào cơ cấu xã hội cụ thể để khảo sát ý niệm “thuộc về” của mỗi cá nhân trong xã hội.

Mỗi chúng ta có thể “thuộc về” nhiều nhóm khác nhau—gia đình ta, công ty ta, nhà thờ ta, các hội đoàn ta gia nhập, các nhóm bạn ta hay bù khú với.

Mỗi “nhóm” người như vậy là một “môi trường”, cho phép ta ra khỏi cái vỏ nhỏ bé của mình, để dung hòa vào môi trường rộng hơn với mọi người chung quanh.

Nhưng như ta thường thấy, các “nhóm môi trường” này, trong khi cho chúng ta cơ hội để phát triển cá nhân rộng ra, cũng có thể là những hàng rào tù ngục kiên cố nhốt ta lại bên trong và ngăn cách ta với thế giới bên ngoài. Ví dụ: Vài người Hồi giáo có thể cho rằng Thiên chúa giáo là quỷ dữ và tội lỗi, người Hải Phòng thì cho là dân Hà Nội không thành thật, người Bắc thì cho rằng dân Nam thô lỗ, người Việt thì cho rằng người Trung quốc không tin được, người Kinh thì cho là người dân tộc thiểu số kém thông minh…

Đây là vấn nạn của thế giới. Những vườn chơi dấu ái của thế giới thật nhiều tình yêu cho các người trong vườn, cùng một lúc cũng là nhà tù ngăn cách mọi người với cả một vũ trụ rộng lớn bên ngoài.

Tại sao vậy?

Thưa, tại vì chúng ta quen thói quen suy tư phân cách hơn là suy tư hòa hợp. Không những “quen” thói quen, chúng ta còn “ép” nhau suy tư một kiểu.

Cho nên, nếu người Việt mà nói là Trung quốc đúng ta sai là phản quốc, công giáo mà nói Đức Giáo Hoàng sai và Tiên Tri Mohammed đúng là phản đạo, đảng viên mà nói Đảng sai là phản quốc (oops, phản đảng hay phản quốc? :-))

Chúng ta đã thấy được các phi lý và u mê của suy tư thường tình của con người chưa?

Nếu tôi học lớp 10B thì chẳng lý do gì tôi không yêu các lớp khác trong trường, dù rằng nếu lớp tôi đá bóng với các lớp khác tôi sẽ hò reo ủng hộ lớp tôi. Nếu tôi yêu gia đình tôi thì chẳng lý do gì tôi không thể yêu các gia đình khác. Nếu tôi yêu nước tôi thì chẳng lý do gì tôi chẳng yêu các nước khác. Nếu tôi yêu dân tôi thì chẳng lý do gì tôi không thể yêu các dân tộc khác.

Trong dòng tiến hòa của con người, những đầu óc si mê đã và đang tiếp tục dùng những nhóm “tương trợ của các cá nhân” (supporting groups) như những nhà tù giam cầm chính những cá nhân đó. Nhiều bộ lạc man dã khi xưa cũng sống theo cách đó—thấy người khác bộ lạc là tấn công và bắt về, quay làm bữa ăn tối. 🙂 Ngày nay ta không còn ăn tối bằng “chiến binh rô ti” nữa, nhưng tư tưởng phân cách và kỳ thị thì chắc cũng chỉ cải tiến hơn các bộ tộc man dã thời cổ đại khoảng 1cm.

Vì vậy chúng ta cần tự hỏi lòng mình và thay đổi cái nhìn mới mẻ hơn, mới cở 3500 năm trước. Sách Cựu Ước nói rằng tất cả loài người là anh em do Thượng đế tạo ra, với bố mẹ là Adam và Eva. Một ngàn năm sau đó, Phật Thích Ca dạy, tất cả chúng ta là Một, là những làn sóng phù du của đại dương Sự Thật gọi là “Không”. Và vài ngàn năm trước đây, tổ tiên chúng ta cũng đã dạy tất cả người Việt đều là anh em từ một mẹ trăm con.

Thánh nhân đã luôn luôn muốn mở rộng đầu óc chúng ta, muốn đưa ta ra khỏi tù ngục của chính chúng ta xây dựng, cho ta chấp cánh bay cao, như những quả tim tự do trong bầu trời Sự Thật. Nhưng vài ngàn năm sau, chúng ta đã theo tiền nhân được đến đâu? Con hơn cha là nhà có phước, con vẫn thua cha sau vài ngàn năm là…?

Cho nên, nếu yêu mình và yêu gia đình, thì vẫn yêu được các gia đình khác, yêu được làng xóm, yêu được các làng xóm khác, yêu được thành phố, yêu được các thành phố khác, yêu được đất nước, yêu được các đất nước khác, yêu được dân tộc, yêu được các dân tộc khác, yêu được loài người, yêu được các chủng loại khác, yêu được thú vật, yêu được cây cỏ núi rừng, yêu được các thiên hà xa thẳm…

Tâm ta rộng mở được đến đâu?

Chúc các bạn một ngày vui.

Mến,

Hoành

Bài liên hệ: “Thuộc về” thế giới, Tư duy tích cực – “Thuộc về” cuộc đời.

© copyright 2009
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

One thought on ““Thuộc về” nhóm nào?”

  1. Cảm ơn anh Hoành 🙂

    Mỗi người sinh ra đều bị trói trong một khuôn khổ nào đó về suy nghĩ, lối sống, thành ra để keep open-minded, không thành kiến là cả một quá trình, như luyện võ vậy. Em thấy vẫn còn nhiều lúc bị stuck vào một cách nhìn nhỏ hẹp lắm, vì các lực xung quanh lớn quá, nó cứ cuốn mình đi theo thôi 🙂

    Anh khỏe nhé 🙂

    Like

Leave a comment