Dầu Nga lách cấm vận ra sao? – 3 kỳ

Dầu Nga lách cấm vận ra sao? – Kỳ 1: Lách qua ‘khe cửa’ của châu Âu

TT – 20/04/2023 13:38 GMT+7 – BẢO ANH

Sau khi bị Liên minh châu Âu (EU) cấm cửa, dầu mỏ Nga tìm đến những khách hàng khác. Song bằng một cách nào đó, dầu mỏ Nga vẫn lách qua được khe cửa của châu Âu.

Tàu chở dầu Yang Mei Hu (Trung Quốc) đang đậu tại trạm dầu thô ở thành phố Nakhodka, Nga vào tháng 6-2022 – Ảnh: Reuters

Trong báo cáo hằng tháng vừa công bố hồi giữa tháng 4, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho biết hoạt động xuất khẩu dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ của Nga đã tăng trong tháng 3-2023 lên mức cao nhất kể từ tháng 4-2020, cụ thể đã tăng thêm 600.000 thùng mỗi ngày, lên tổng cộng 8,1 triệu thùng/ngày. Sự gia tăng này đã nâng doanh thu ước tính của Nga từ xuất khẩu dầu mỏ lên 12,7 tỉ USD vào tháng 3-2023.

Giới quan sát cho rằng trong bối cảnh các nước phương Tây áp dụng những biện pháp trừng phạt nhằm vào dầu mỏ Nga vì cuộc xung đột Nga – Ukraine, lẽ ra lượng dầu Nga xuất khẩu sẽ giảm đi. Vậy rốt cuộc lượng dầu xuất khẩu tăng đáng kể như trên đã cập bến nơi nào?

“Rửa” dầu

Tháng 12 năm ngoái, các nước phương Tây tiếp tục tấn công vào nguồn thu từ dầu mỏ của Nga với việc tung ra gói trừng phạt năng lượng lớn nhất từng được áp đặt đối với một quốc gia đơn lẻ. Lúc đó, châu Âu, vốn từng là “khách ruột” mua dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Nga, đã cấm nhập khẩu mặt hàng này.

Các nước châu Âu cũng cấm các đơn vị vận chuyển, bên cho vay và công ty bảo hiểm tạo điều kiện thuận lợi cho việc bán dầu thô của Nga cho các khách hàng khác, trừ khi dầu được bán dưới mức “giá trần” 60 USD/thùng do phương Tây đặt ra. Đây là một phần trong hàng loạt biện pháp mà châu Âu đưa ra để siết nguồn thu từ năng lượng Nga.

Vài tháng sau, nhiều người dường như nghĩ rằng phương Tây đã gặt hái được thành công to lớn. Tuy nhiên, nào ngờ bằng một phép màu nào đó, dầu Nga vẫn vào được châu Âu.

Theo báo The Independent ngày 19-4, trong báo cáo vừa mới công bố, Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và không khí sạch (CREA) ở Phần Lan cho biết EU vẫn là nhà nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất của Nga do những kẽ hở trong lệnh trừng phạt. Bởi vì khối này vẫn tiếp tục mua số lượng kỷ lục các sản phẩm dầu mỏ thông qua những bên thứ ba – những nước vốn là khách hàng lớn của dầu thô Nga.

CREA xác định có ít nhất năm quốc gia – gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và Singapore – đã xuất khẩu dầu Nga sang EU. Các quốc gia này tăng cường nhập khẩu dầu thô từ Nga sau khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra và bán các sản phẩm tinh chế cho các đối tác đang trừng phạt dầu mỏ Nga (EU, Úc, Nhật Bản, Vương quốc Anh, Canada và Mỹ).

Theo CREA, EU đã nhập khẩu các sản phẩm dầu mỏ có nguồn gốc từ Nga như trên trị giá 19,3 tỉ USD trong 12 tháng sau khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra. Kế đến là Úc (nhập số dầu mỏ trị giá 8,74 tỉ USD), Mỹ (7,21 tỉ USD), Vương quốc Anh (5,46 tỉ USD), Nhật Bản (5,24 tỉ USD).

Nếu so sánh với việc rửa tiền thì có thể ví von hành động trên là “rửa” dầu. Báo cáo trên nhận định: “Đây đang là cách hợp pháp để xuất khẩu sản phẩm dầu mỏ sang các nước đang áp lệnh trừng phạt lên dầu Nga do nguồn gốc sản phẩm đã bị thay đổi. Quá trình này tiếp tục đổ tiền vào quỹ chiến tranh của Nga”.

Phía Nga chưa lên tiếng về thông tin trên. Tuy nhiên, gần đây khi được hỏi về lệnh cấm vận phương Tây nhằm vào dầu mỏ Nga, Thứ trưởng Năng lượng Nga Pavel Sorokin nói: “Hầu hết các thị trường vẫn mở cửa (với dầu mỏ Nga). Ngành công nghiệp này của chúng tôi khá hiệu quả”.

Ông Oleg Usenko, cố vấn kinh tế của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, gần đây chia sẻ với báo Politico: “Tôi có một người bạn ở New York (Mỹ) vào những năm 1990. Người này phàn nàn rằng những con gián sẽ chui vào căn nhà của anh ta qua bất kỳ khe hở nào. Đó cũng chính là những gì Nga đang làm với nguồn năng lượng của mình”.

Tàu Sun Arrows đang lấy khí tự nhiên hóa lỏng từ dự án Sakhalin-2 tại cảng Prigorodnoye, Nga để chở đến Nhật hồi tháng 10-2021 – Ảnh: AP

 

Khó truy vết dầu thô

Trước khi báo cáo của CREA xuất hiện, ông Saad Rahim, chuyên gia kinh tế tại công ty thương mại đa quốc gia Trafigura, từng đánh giá: “Kể từ khi các nước phương Tây áp dụng các biện pháp trừng phạt, lượng dầu thô mà Nga xuất khẩu ít nhiều vẫn ổn định. Có thể dầu của Nga vẫn đang được bán cho EU và các quốc gia phương Tây thông qua các bên trung gian”.

Dầu thô là sản phẩm khó truy vết trên thị trường toàn cầu. Nó có thể dễ dàng được trộn lẫn với các lô hàng khác ở những quốc gia quá cảnh, từ đó tạo ra một lô dầu lớn hơn với nguồn gốc không thể xác định được. Quá trình tinh chế – cần thiết cho mọi ứng dụng trong đời sống – cũng loại bỏ mọi dấu vết về nguồn gốc của dầu thô.

Mạng lưới phức tạp gồm các công ty vận chuyển treo cờ của nhiều nước phủ thêm một lớp bí ẩn lên dầu thô. Một số bên đã bị cáo buộc giúp Nga che giấu nguồn gốc xuất khẩu dầu thô bằng nhiều cách khác nhau.

Câu hỏi đặt ra là dầu Nga có thể lọt qua lỗ kim bằng cách nào khác nữa hay không? Câu trả lời là: Có thể.

Một tuyến đường tiềm năng để dầu Nga đi vào châu Âu là thông qua Azerbaijan, quốc gia Tây Á giáp với Nga và là điểm khởi đầu của đường ống dẫn dầu Baku – Tbilisi – Ceyhan (BTC). Trong đó, cảng Ceyhan (Thổ Nhĩ Kỳ) là trung tâm cung ứng lớn mà từ đó dầu thô được vận chuyển đến châu Âu. Cảng này cũng tiếp nhận số lượng lớn từ Iraq thông qua đường ống dẫn dầu thô Kirkuk – Ceyhan.

Ông François Bellamy, thành viên của Ủy ban Công nghiệp, Nghiên cứu và Năng lượng thuộc Nghị viện châu Âu, đã đặt nghi vấn về đường ống trên trước Ủy ban châu Âu gần đây. Ông nói rằng dữ liệu cho thấy Azerbaijan đã xuất khẩu lượng dầu mỏ nhiều hơn 242.000 thùng mỗi ngày so với lượng sản xuất được từ tháng 4 đến tháng 7-2022 – mức chênh lệch lớn so với lượng dầu sản xuất trong nước (sản xuất với mức 648.000 thùng/ngày vào tháng 2-2023 và đang giảm đi).

“Làm thế nào mà một quốc gia có thể giảm sản xuất và tăng xuất khẩu cùng một lúc?” – ông Bellamy đặt vấn đề.

Ủy ban châu Âu thông tin họ đang nỗ lực khắc phục những kẽ hở trong các gói trừng phạt nhằm vào Nga và đã bổ nhiệm cựu đại sứ EU tại Mỹ David O’Sullivan làm đặc phái viên có nhiệm vụ giải quyết hành vi lách luật.

Nga sản xuất, xuất khẩu dầu lớn ra sao?

Nga là thành viên của nhóm OPEC+, bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác. Nga là nhà sản xuất dầu thô lớn thứ hai trong số các thành viên OPEC +, chỉ đứng sau Saudi Arabia, chẳng hạn bơm hơn 9,7 triệu thùng mỗi ngày trong tháng 10-2022, theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA).

Nga cũng là nước xuất khẩu các sản phẩm dầu mỏ lớn nhất thế giới ra thị trường toàn cầu và là nước xuất khẩu dầu thô lớn thứ hai sau Saudi Arabia. Trước khi áp lệnh trừng phạt, các quốc gia châu Âu thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã nhập khẩu 34% lượng dầu của họ từ Nga vào tháng 11-2021 (thời điểm Nga xuất khẩu 7,8 triệu thùng mỗi ngày).

****************

Những tháng qua các nước phương Tây đã hợp lực siết chặt nguồn thu từ dầu mỏ của Nga bằng nhiều cách từ cấm vận cho tới áp giá trần, trong khi Nga cũng tung ra các đòn đáp trả. Hiện nay một số nhà kinh tế đề xuất áp giá trần 30 USD/thùng để gây khủng hoảng cho Nga. Trong lúc đó, châu Âu cũng phải tìm các nguồn cung khác để lấp khoảng trống mà Nga để lại.

>> Kỳ tới: Ngăn dầu Nga “loang” ra thế giới

***

TT – 21/04/2023 08:17 GMT+7

Dầu Nga lách cấm vận ra sao? – Kỳ 2: Ngăn dầu Nga ‘loang’ ra thế giới

NGỌC ĐỨC – BẢO ANH

Các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào dầu mỏ Nga nằm một phần trong nỗ lực hạn chế các nguồn thu của Matxcơva để phục vụ cuộc chiến ở Ukraine.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen (trái) và Phó chủ tịch Josep Borrell công bố đề xuất áp mức giá trần với dầu mỏ Nga vào ngày 28-8-2022 – Ảnh: EPA-EFE

Dù đã có một số thông tin về việc dầu mỏ Nga vẫn chui qua được khe cửa châu Âu bất chấp lệnh cấm vận (đọc lại kỳ 1), nhưng Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen vừa qua tự hào tuyên bố châu Âu không còn phụ thuộc vào Nga về dầu mỏ và khí đốt. Cuộc xung đột Nga – Ukraine đã khiến Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Anh và các đồng minh phải cấm cửa dầu Nga.

Quá trình “cai” dầu Nga khó khăn

Nhưng để châu Âu “cai” dầu mỏ Nga, đó không phải là quá trình dễ dàng. Các lệnh cấm vận của châu Âu đối với dầu mỏ Nga bắt đầu ngay từ năm 2014 (thời điểm Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ của mình), nhưng chỉ giới hạn quanh việc hạn chế xuất khẩu trang thiết bị, công nghệ phục vụ khai thác dầu khí. Do đó, theo số liệu của Ủy ban châu Âu, trong năm 2021, Nga vẫn chiếm đến 27% lượng dầu nhập nhập khẩu của EU.

Trong những ngày đầu sau khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra, EU vẫn duy trì thái độ dè chừng như trên. Tuy nhắm vào ngành năng lượng Nga ngay từ ngày 25-2-2022, gói trừng phạt thứ hai của EU vẫn chỉ xoay quanh việc cấm bán trang thiết bị.

Theo Hãng tin Reuters, phải đến ngày 4-5-2022, Ủy ban châu Âu mới đề xuất cấm nhập khẩu dầu từ Nga. Tuy nhiên, đề xuất này lập tức vấp phải sự phản đối của một số quốc gia thành viên. Với vị trí địa lý không giáp biển, Hungary, Cộng hòa Czech và Slovakia không thể nhanh chóng tìm ra nguồn dầu thay thế.

Do đó, với lệnh cấm nhập khẩu dầu từ Nga được EU ban hành ngày 3-6-2022, ba nước trên vẫn được mua dầu thông qua đường ống Druzhba. EU cũng cho phép Ba Lan và Đức làm điều tương tự, song cả hai nước đều tuyên bố sẽ tự nguyện không sử dụng đường ống này.

Bên cạnh đó, Bulgaria cũng có thể tiếp tục nhập dầu Nga bằng đường biển đến hết năm 2024. EU cho phép Croatia nhập mặt hàng VGO đến hết năm 2023 để phục vụ công nghiệp lọc dầu.

Các nước còn lại trong khối sẽ không được sử dụng đường biển để mua dầu thô của Nga từ ngày 5-12-2022 và các sản phẩm dầu mỏ từ ngày 5-2-2023.

Song song lệnh cấm nhập khẩu, EU cũng ban hành lệnh cấm công ty các nước thành viên cung cấp bảo hiểm hàng hải và tài chính đối với việc vận chuyển dầu từ Nga trên biển đến các nước ngoài khối.

Hai động thái trên được cho là đòn giáng mạnh lên nền kinh tế Nga. Theo số liệu của Hội đồng châu Âu, vì hầu hết hoạt động vận chuyển dầu của Nga được thực hiện bằng đường biển nên gói cấm vận này tác động đến 90% số dầu Nga xuất sang châu Âu.

Song phía Mỹ lo ngại việc EU cấm cung cấp bảo hiểm cho dầu Nga sẽ làm biến mất 1 triệu thùng dầu thô khỏi thị trường mỗi ngày, ảnh hưởng nghiêm trọng đến giá dầu thế giới. Do đó, theo Đài CNN, trong nhiều tháng, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã đề xuất nới lỏng các lệnh cấm vận bằng cách áp mức giá trần với dầu Nga.

Bằng cách này, các nước phương Tây sẽ vừa đảm bảo được nguồn dầu có mặt trên thị trường vừa hạn chế được số tiền Nga thu về từ mặt hàng xuất khẩu này.

Đến ngày 3-12-2022, EU công bố mức giá trần đối với dầu thô Nga sẽ là 60 USD/thùng. Đến ngày 4-2-2023, EU, nhóm G7 (Anh, Canada, Đức, Pháp, Ý, Nhật Bản và Mỹ), Úc đưa ra hai mức giá trần với các sản phẩm dầu mỏ bắt nguồn từ Nga, gồm mức 100 USD/thùng đối với các sản phẩm cao cấp của Nga như dầu diesel và mức 45 USD/thùng đối với các sản phẩm giá rẻ hơn như dầu nhiên liệu.

Quốc kỳ Nga tung bay phía trên một nhà máy diesel tại mỏ dầu Yarakta ở vùng Irkutsk, Nga – Ảnh: Reuters

 

Nước Nga có tả tơi?

Trong những tuần trước khi Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine vào tháng 2-2022, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tìm cách ngăn chặn cuộc chiến khi cảnh báo Tổng thống Nga Vladimir Putin về “những hậu quả kinh tế mà ông ấy chưa từng thấy”.

Và sau khi Nga nổ súng trên lãnh thổ Ukraine vào ngày 24-2-2022, Mỹ và các đồng minh đã tung ra một loạt biện pháp trừng phạt và hạn chế thương mại nhằm làm tê liệt khả năng tài trợ cho chiến dịch quân sự của Nga, cô lập nền kinh tế của xứ sở bạch dương và gây áp lực lên giới tinh hoa thân cận với ông Putin.

Tác động ban đầu của các biện pháp trừng phạt trông có vẻ trí mạng, khiến đồng rúp của Nga giảm mạnh, hệ thống ngân hàng rung chuyển và nhiều công ty trên khắp thế giới ngừng xuất khẩu các hàng hóa thiết yếu sang Nga.

Về dầu mỏ Nga, theo đánh giá của Hội đồng châu Âu, trong nửa đầu năm 2022, Nga được hưởng lợi từ giá nhiên liệu hóa thạch ngày càng tăng trên thị trường toàn cầu, nhưng các biện trừng phạt của EU nhằm vào dầu mỏ nhập khẩu từ Nga – có hiệu lực vào tháng 12-2022 – đã hạn chế nguồn thu của Nga.

Dữ liệu từ Cơ quan Năng lượng quốc tế cho thấy doanh thu từ dầu mỏ của Nga đã giảm hơn 1/4 vào tháng 1-2023 (so với tháng 1-2022). Mức giảm trong tháng 2 thậm chí còn đáng kể hơn (hơn 40%). Trong tháng 3-2023, dù hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Nga đã tăng và doanh thu ước tính đạt 12,7 tỉ USD, nhưng mức doanh thu này vẫn giảm 43% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, tháng 2-2023, báo Washington Post (Mỹ) đánh giá thực tế Nga vẫn kiên cường hơn nhiều bên mong đợi nhờ vào hoạt động xuất khẩu dầu khí, sự điều hành khéo léo của Ngân hàng Trung ương Nga và sự phục hồi gần đây trong hoạt động thương mại của nước này với Trung Quốc cũng như các nước khác.

Các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã làm tổn thương sâu sắc nền kinh tế và quân đội Nga, đồng thời gây ra xích mích giữa giới tinh hoa, nhưng vẫn không đủ để thay đổi những tính toán của ông Putin và chấm dứt chiến tranh.

“Thay vì tăng trưởng, Nga chứng kiến sự suy giảm, nhưng chắc chắn không phải là sụp đổ và càng không phải là thảm họa. Chúng ta không thể nói rằng nền kinh tế Nga đang bị đánh tả tơi, bị phá hủy, hoặc nói ông Putin thiếu tiền để tiếp tục cuộc chiến của mình” – ông Sergey Aleksashenko, cựu phó chủ tịch Ngân hàng Trung ương Nga, phát biểu trong một cuộc thảo luận ở Washington (Mỹ) hồi tháng 1.

Ông James O’Brien, người đứng đầu Văn phòng Điều phối các lệnh trừng phạt của Bộ Ngoại giao Mỹ, nhận định các lệnh trừng phạt của phương đang đáp ứng mục tiêu của họ là làm cạn kiệt tài chính và công nghệ mà Nga cần để phục vụ quân đội. Tuy nhiên, ông cho rằng các biện pháp này chỉ là “công cụ để chấm dứt chiến tranh”.

Bị trừng phạt nhiều nhất trong lịch sử nhân loại?

Chỉ việc hơn 3.000 cá nhân và tổ chức bị Mỹ nhắm mục tiêu trừng phạt, có thể Nga đã phải đối mặt với nhiều lệnh trừng phạt hơn bất kỳ quốc gia nào “trong lịch sử nhân loại”. Đây là nhận định của một nhóm nhà kinh tế và chuyên gia về Nga viết trong báo cáo được tổ chức phi lợi nhuận Free Russia Foundation công bố vào tháng 1-2023. Bất chấp một số điểm yếu về kinh tế, Nga vẫn tiếp tục cuộc tấn công quân sự ở Ukraine.

*******************

Trong khi các nước phương Tây cấm cửa dầu mỏ Nga thì Trung Quốc và Ấn Độ – hai quốc gia đông dân nhất thế giới – cùng chạy đua gom dầu giá rẻ của Nga. Trong tháng 3-2023, Trung Quốc và Ấn Độ nhập khẩu tới 91% lượng dầu thô Nga xuất khẩu. Dầu Nga vẫn loang mạnh khắp khu vực Trung Đông, Bắc Mỹ, Mỹ Latin và châu Á.

>> Kỳ tới: Tiếp nhận vết loang dầu của Nga

***

TT – 22/04/2023 09:28 GMT+7

Dầu Nga lách cấm vận ra sao? – Kỳ cuối: Tiếp nhận ‘vết loang dầu’ của Nga

BẢO ANH

Mất đi “khách ruột” là Liên minh châu Âu (EU), nhưng dầu từ Nga liền tìm được nhiều khách hàng mới. “Vết loang” dầu Nga vẫn hiện diện khắp Trung Đông, Mỹ Latin và châu Á.

Một kho chứa dầu tại cảng thành phố Chu Hải, miền nam Trung Quốc – Ảnh: REUTERS

Tuần này, Pakistan trở thành quốc gia mới nhất mua dầu thô của Nga với giá chiết khấu. Quốc gia Nam Á này đã đặt lô dầu Nga giá rẻ đầu tiên theo thỏa thuận ký kết giữa Islamabad và Matxcơva, với một lô hàng dự kiến cập cảng Karachi vào tháng 5-2023.

Diễn biến này cho thấy dầu mỏ của Matxcơva vẫn tìm được khách hàng bất chấp loạt biện pháp trừng phạt của phương Tây vì xung đột Nga – Ukraine.

Vắng mợ chợ vẫn đông?

Nhiều số liệu công bố trong các tháng qua cho thấy Nga đã chuyển hướng xuất khẩu dầu mỏ sang các khu vực khác sau khi EU, Mỹ, Anh và các đồng minh cấm cửa mặt hàng này nhằm hạn chế nguồn thu tài trợ cho cuộc chiến của Nga ở Ukraine.

Những cái tên nổi bật tiếp nhận vết loang của dầu Nga là Trung Quốc (nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới) và Ấn Độ (nước nhập khẩu dầu lớn thứ hai ở châu Á). Đặc biệt, Trung Quốc sở hữu các nhà máy lọc dầu có khả năng xử lý dầu nhiên liệu thành các sản phẩm có giá trị cao hơn như dầu diesel và xăng.

Theo số liệu của Hãng tin Reuters và các nhà giao dịch công bố trong tuần này, tính đến tháng 4-2023, Ấn Độ và Trung Quốc đã mua phần lớn dầu thô của Nga với mức giá cao hơn cả giá trần (60 USD/thùng) mà phương Tây đã áp đặt. 

Dữ liệu mới nhất từ Hãng Refinitiv Eikon cho thấy các lô dầu Urals của Nga được chuyển đi trong nửa đầu tháng 4-2023 hầu hết hướng đến các cảng của Ấn Độ và Trung Quốc. 

Theo tính toán của Hãng tin Reuters, tính đến nửa cuối tháng 4, Ấn Độ nhập hơn 70% số dầu cung cấp bằng đường biển này và Trung Quốc chiếm khoảng 20%.

Trước đó, dựa trên dữ liệu từ Công ty phân tích năng lượng Vortexa, Hãng tin Anadolu Agency cho biết Trung Quốc và Ấn Độ đã nhập khẩu tới 91% lượng dầu thô xuất khẩu của Nga trong tháng 3-2023. 

Dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ xuất khẩu của Nga đạt tổng cộng 6,75 triệu thùng/ngày trong tháng 3. Trong đó, lượng dầu thô xuất khẩu của nước này đạt 3,38 triệu thùng/ngày – mức cao nhất được ghi nhận trong 10 tháng qua.

Lượng dầu thô mà Trung Quốc nhập từ Nga đạt 1,65 triệu thùng/ngày trong tháng 3, vượt Ấn Độ, trở thành nước mua dầu thô lớn nhất của Nga. Hồi tháng 2, Trung Quốc nhập 1,1 triệu thùng dầu thô mỗi ngày từ Nga.

Trong khi đó, Ấn Độ đã mua lượng lớn dầu thô với giá chiết khấu của Nga kể từ xung đột Nga – Ukraine nổ ra. Các lô dầu thô từ Nga đưa đến Ấn Độ đã tăng từ 68.000 thùng/ngày vào tháng 3-2022 lên 1,43 triệu thùng/ngày vào tháng 3-2023, tức tăng hơn 20 lần. 

Gần đây, nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất của Nga Rosneft và Tập đoàn Dầu mỏ Ấn Độ đã ký thỏa thuận nhằm tăng đáng kể nguồn cung dầu và đa dạng hóa các loại dầu giao cho Ấn Độ.

“Cả hai quốc gia này hiện đang nhập 90% lượng dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Nga. Đây là con số không bàn cãi, bởi vì tỉ lệ thậm chí còn tăng nhiều hơn khi tính thêm vào các đường ống dẫn dầu đến Trung Quốc” – nhà phân tích Matt Smith tại công ty theo dõi hàng hóa Kpler nói với báo The Independent.

So với các điểm đến xuất khẩu dầu thô nói trên, điểm đến xuất khẩu các sản phẩm dầu mỏ khác của Nga đã có sự thay đổi khác biệt. Trong khi châu Âu là khu vực duy nhất chứng kiến sự sụt giảm trong nhập khẩu các lô sản phẩm dầu của Nga thì khu vực Trung Đông, Bắc Phi, Mỹ Latin và châu Á đã tăng nhập khẩu các sản phẩm dầu mỏ từ Nga kể từ tháng 2-2022.

Các sản phẩm dầu mỏ mà Trung Đông nhập từ Nga đã tăng từ 54.000 thùng/ngày vào tháng 3-2022 lên 387.257 thùng/ngày vào tháng 3-2023. Khu vực Bắc Phi chứng kiến mức tăng từ 35.215 thùng/ngày vào tháng 3-2022 lên 318.564 thùng/ngày vào tháng 3-2023. 

Khu vực Mỹ Latin đã nhập 133.561 thùng/ngày các sản phẩm dầu mỏ từ Nga trong tháng 3-2023, tăng so với mức 93.780 thùng/ngày vào tháng 3-2022, theo Hãng tin Anadolu Agency.

Các tàu chở hàng ở vịnh Nakhodka, gần thành phố cảng Nakhodka (Nga) trong ảnh chụp vào tháng 12-2022 – Ảnh: REUTERS

 

Hút khách hàng vì giá rẻ

Nga đã tránh tác động từ các biện pháp của phương Tây bằng cách chuyển hướng xuất khẩu dầu thô sang các nước khác, khai thác khả năng tiếp cận các cảng dầu trên các vùng biển khác nhau, các đường ống rộng lớn, đội tàu chở dầu lớn và thị trường nội địa lớn.

“Nga vẫn là thế lực đáng gờm trên thị trường năng lượng toàn cầu. Đối đầu với một người chơi lớn như vậy không hề dễ dàng chút nào” – ông Sergey Vakulenko, học giả năng lượng tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình quốc tế ở Washington (Mỹ), nhận định.

Hồi tháng 3, Bộ trưởng Năng lượng Nga Nikolay Shulginov cho biết nước này đã xoay xở để chuyển hướng hoàn toàn lượng dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ vốn bị ảnh hưởng do lệnh cấm vận của EU và các nước G7 sang các nước châu Á, châu Phi, Mỹ Latin và Trung Đông.

Do giá trần và các biện pháp trừng phạt khác của phương Tây, dầu thô Urals – loại dầu hàng đầu của Nga – thường được giao dịch ở mức chiết khấu hơn 30% so với dầu thô Brent trong những tháng gần đây. 

Bộ Tài chính Nga cho biết giá dầu thô Urals của Nga đạt mức trung bình 47,85 USD/thùng trong tháng 3-2023, thấp hơn gần hai lần so với tháng 3-2022, thời điểm giá trung bình đạt 89,05 USD/thùng.

Cả Trung Quốc và Ấn Độ đã công khai bác bỏ việc tham gia chính sách giá trần của phương Tây. Hai quốc gia tỉ dân này giữ thái độ trung lập về chính trị đối với cuộc chiến ở Ukraine.

Giáo sư Sanjay Kumar Kar tại Viện Công nghệ dầu khí Rajiv Gandhi (RGIPT) ở Ấn Độ chỉ ra dầu mỏ Nga “tốt cho nền kinh tế Ấn Độ”. Trong khi đó, Nga đang được hưởng lợi từ nhu cầu sử dụng nhiều dầu mỏ của Ấn Độ và Trung Quốc. Nói cách khác, đây là một tình huống đôi bên cùng có lợi.

“Có thể nói rằng một số khách hàng lớn ở châu Á, đáng chú ý nhất là Ấn Độ và Trung Quốc, là những bên được hưởng lợi chính từ lệnh trừng phạt của phương Tây (với dầu mỏ Nga)” – ông Ole Hansen, trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa tại Ngân hàng Saxo (Đan Mạch), nhận định.

Hiện nay một số nước thành viên EU như Ba Lan tiếp tục đòi phương Tây áp mức giá trần thấp hơn nữa với dầu mỏ Nga để gây sức ép lên Matxcơva, nhưng nguồn tin trong nhóm nước G7 tiết lộ mức giá trần hiện tại vẫn không đổi.

Nhiều khách hàng ở Vịnh Ba Tư

Trong bối cảnh Nga lùng sục toàn cầu để tìm khách hàng mua các sản phẩm năng lượng của mình, nước này đã tìm tới một nơi mà nhiều hẳn không nghĩ tới: các quốc gia giàu dầu mỏ ở Vịnh Ba Tư.

Theo báo Wall Street Journal hôm 17-4, các nguồn tin cho biết nhiều công ty nhà nước của Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất đã vào cuộc để tận dụng mức giá rẻ của dầu Nga.

Bất chấp sự phản đối của Mỹ, các quốc gia ở Vịnh Ba Tư đang sử dụng các sản phẩm dầu mỏ giảm giá của Nga, bao gồm cả mục đích tiêu dùng trong nước và đồng thời xuất khẩu dầu mỏ của các nước này theo giá thị trường, giúp tăng lợi nhuận.

Các nước trong khu vực này, đặc biệt là UAE, cũng đã trở thành trung tâm lưu trữ và giao dịch quan trọng đối với các sản phẩm năng lượng của Nga vốn không thể vận chuyển dễ dàng trên toàn cầu.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s