Người nghèo làm ăn chân thật 

Chào các bạn,

Hôm trước anh Hoành viết một bài về việc nhiều người lấy lý do họ làm  tham nhũng vì họ nghèo, vì lương thấp, vì hoàn cảnh khó khăn… nói  chung là vì nghèo. Và cái biện hộ này cho sự tham nhũng là xúc phạm  nghèo. Đúng vậy! Lấy lý do nghèo để mà tham nhũng thực sự là xúc phạm người nghèo. Mình có vài mẩu chuyện dưới đây để khẳng định lại  điều này. Và mình tin rằng ai cũng ít nhiều trải qua những câu chuyện dưới đây.

Mình ở Sài Gòn, đi xe đạp nên hay bơm xe đạp gần nhà, tuỳ chỗ, có chỗ 1 ngàn, 2 ngàn tới 3 ngàn đồng một bánh xe. Người bơm xe lúc nào cũng đưa tiền thối lại cho mình tử tế dù là 1 hay 2 ngàn. Hồi mới, mình không quen cầm một vài ngàn lẻ thối lại vì lâu rồi không dùng nên không có tiền lẻ đến vài ngàn đồng. Và mình vốn đã không cầm nhiều tiền mặt, dễ bị hỏng, nhàu nát, nhiều khi quăng vô máy giặt. Mỗi lần như vậy, nếu mình không cầm và nói là mình “cho” cô bác bơm xe 1, 2 ngàn thì mình thực sự cảm thấy không tôn trọng họ, nên mình vẫn cầm tiền lẻ thối lại.

Sau này đã quen, khi đi đường mình cố gắng để ý chuẩn bị vài đồng tiền lẻ trong túi để bơm xe. Có khi đang cần đi hoặc người bơm  xe đang bận khách nữa mình thường nói là lần sau quay lại tính bù. Và họ luôn nhớ vì đã quen. Hoặc khi mua rau, còn lại 1, 2 ngàn thì mình sẽ lấy thêm vài quả ớt hoặc vài cọng hành lá.

Rồi mình quen một cô bán bánh mì dạo vui vẻ mà mình có kể chuyện ở hẻm nhà mình. Cô bán lẻ bốn ngàn một ổ, hồi đầu mình không biết giá, có hôm lấy ba cái cô chỉ lấy 10 ngàn, có hôm lấy hai cái, cô lấy 7 ngàn vì lúc đó mình đang có sẵn bấy nhiêu. Khi biết cô bán bốn ngàn một ổ, mình cảm thấy áy náy vì mấy bữa trước cổ bán cho mình rẻ quá. Và từ lần sau tự nhắc mình và để ý sẵn tiền lẻ và trả cho cô đúng giá một ổ.

Có hôm mình mua ba ổ nhưng chỉ còn tờ 20 ngàn, có hôm lấy hai ổ với tờ 10 ngàn và không có tiền lẻ nên nói cô cứ giữ lại, hôm sau mua tiếp vì lúc đó cô có khách nữa hoặc mình đang có việc khác chạy đi. Có mấy lần mình đi vắng vài ngày mới về, và mấy hôm mới mua tiếp, cô luôn luôn nhớ bữa trước còn thừa mấy ngàn chưa lấy bánh mà mình hoàn toàn quên béng chuyện còn tiền thừa đó.

Có lần cả tuần không thấy cô bán bánh  mì, gặp lại chưa hỏi thì cô tự nói là vừa rồi cô bệnh mệt quá, cô phải nghỉ, rồi cô buột miệng than có thằng con trai cờ bạc phá phách quá, điện thoại gọi không thèm nghe.

Vậy đó các bạn, ai nói được là bác bơm xe, cô bánh mì dạo là không nghèo? Chẳng nhẽ đi làm ở ngoài đường ở tuổi 60-70 chỉ để cho vui?

Nhìn lại, có  lẽ người nghèo đầu tiên mà mình học được việc làm ăn chân thật là mẹ mình. Hồi nhỏ, nhà mình ở Hà Nội, thời quanh khu nhà mình còn đất ruộng khi nhà cửa còn chưa xây kín mít như bây giờ nên trước cửa nhà mình vẫn còn có một mảnh ao nhỏ. Mẹ mình tận dụng mảnh ao để trồng rau muống và bán kiếm thêm một ít, vì tiện nhà gần chợ.  Thời đầu, mẹ dạy sớm hái rau, mang chợ bán. Nhưng mẹ mình vẫn còn phải đi làm ở cơ quan, không thể bán rau ở chợ cả buổi nên nhiều khi đến giờ đi làm, mẹ nhờ hoặc cho hàng xóm bán hộ.  Một thời gian, mẹ gặp được cô bán hàng cơm bình dân và cô nhận mua cả rổ rau của mẹ mỗi khi có rau. Như thế mẹ không phải ngồi bán lẻ ở chợ cả buổi.

Mình nhớ hồi đó biết được cô hàng cơm thích mua rau của mẹ là do cô không phải lo đếm lại xem số mớ rau trong rổ có thiếu so với số mẹ nói với cô hay không, và vì mớ rau của mẹ luôn đầy đặn không phải là chỉ đẹp mã vòng ngoài còn bên trong héo nát. Người ta thích mua rau của mẹ chỉ giản dị là mẹ không gian dối một mớ rau nào. Mẹ mình còn buôn bán rất nhiều thứ khác nữa, mình lấy chuyện rau muống làm ví dụ.

Các bạn, mình tin các bạn cũng có vô khối câu chuyện “tiền  lẻ” tương tự như vậy với người lao động nghèo. Mình muốn nói với các bạn, những con người đó: cô bán bánh mì, chú bơm xe, cô bán rau (mẹ mình) là người nghèo và làm ăn thành thật. Họ thậm chí không bao giờ xin thêm một vài  ngàn lẻ chứ đừng nói là tham nhũng, ăn bớt hay lừa đảo khách để có thêm một ít tiền. Tham nhũng khắp nơi là những người có nhiều tiền, rất  nhiều tiền và quyền lực, và họ không hề nghèo.

Các bạn, tham nhũng là một tội, là dối trá, lừa đảo. Tham nhũng cướp đi cơ hội làm ăn của nhiều người, là gây chết người, làm tổn hại trực tiếp tới cơ hội việc làm, miếng cơm manh áo và an sinh an toàn của mỗi người trong xã hội. Tham nhũng trong y tế là thuốc giả, vật tư tồi làm hại người bệnh. Tham nhũng trong xây dựng là cầu sập, đường nát, nhà sập gây tai nạn chết người. Tham nhũng giáo dục là chiếm đoạt ngân sách làm mất cơ hội học tập của trẻ em, ăn bớt lương giáo viên, gây khó khăn cho đời sống giáo viên nghèo… Tất  nhiên đại tham nhũng trong tài chính quỹ bảo hiểm, ngân hàng, bất động sản thì chiếm đoạt tài sản của hàng triệu người mà không có ngày và có cơ hội thu hồi.

Chúng ta hãy gọi đúng tên tham nhũng và chấm dứt xúc phạm người nghèo – những người nghèo làm ăn lương thiện, thành thật từng đồng tiền lẻ.

Chúc chúng ta luôn thành thật.

TH

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s