Trứng mà đòi khôn hơn vịt

Chào các bạn,

Đây là câu nói mỗi khi người thấp hơn biện luận với người cao hơn – như con cái với bố mẹ, học trò với thầy cô – và người cao hơn bực mình và nói: “Trứng mà đòi khôn hơn vịt.”

Dĩ nhiên là câu nói này có thể đúng, nhưng nó thường chấm dứt buổi nói chuyện tức thì – người nhỏ hơn không dám nói, và người cao hơn không có dịp hiểu thêm vấn đề của người nhỏ. Nói chung là communication bị gián đoạn.

Và ý niệm “trứng” và “vịt” này còn đi xa hơn gia đình và học đường. Trong các công ty, các lãnh đạo và quản lý có thể có thái độ “vịt” với nhân viên và lao động. Quan chức nhà nước có thái độ “vịt” với người dân. Và các quý vị có bằng cấp cao có thái độ “vịt” với tất cả mọi người có bằng thấp hơn. Hệ thống communication giữa mọi người, do đó, có thể bị gãy gọng toàn diện. Và đó là vấn đề văn hóa rất lớn cho một quốc gia hay một nền văn hóa.

Chúng ta có thể có thái độ rộng mở hơn và bình đẳng hơn trong communication được không? Người cao hơn không cần phải lấy thịt đè người để bịt miệng người thấp. Người thông thái luôn tìm cách hiểu mọi vấn đề một cách sâu sắc – ít nhất là tìm hiểu xem tại sao người đối diện có một thái độ gì đó về một vấn đề gì đó. Tại sao người đó có ý kiến khác với ý kiến của mình? Có một góc cạnh nào đó mình chưa thấy hay sao? Hay là người kia đã có một kinh nghiệm không tốt về vấn đề đó? Nói chung là người thông thái sẽ tìm hiểu nguyên nhân vì sao hai người có ý kiến khác nhau, và nhờ đó mà người thông thái thường có dịp hiểu các vấn đề một cách sâu sắc, hiểu mọi quan điểm đối nghịch nhau, và nhờ đó mà có thể tìm ra những cách giải quyết sâu sắc cho nhiều vấn đề, và được nhiều người ủng hộ.

Communication thường không để tìm ra đúng và sai, mà để tìm ra những góc cạnh của vấn đề mà một người chưa thấy. Mỗi vấn đề có rất nhiều góc cạnh để nhìn vào, và càng nhìn vào từ nhiều góc cạnh, chúng ta càng hiểu vấn đề sâu sắc hơn. Cho nên người thông thái thường khuyến khích communication, thay vì tìm cách ngắt ngang.

Thiên hạ thường nghĩ rằng khi ta lớn và ta cố gắng lắng nghe người nhỏ hơn nghĩa là ta đang cho người nhỏ hơn một cơ hội để giải thích sự việc. Nhưng nghĩ như thế là hơi kiêu căng đấy. Ta lắng nghe mọi người – cả lớn lẫn nhỏ – là vì ta muốn chính ta hiểu được vấn đề một cách sâu sắc từ mọi góc cạnh khác nhau. Chẳng phải là ta muốn giúp người nhỏ hơn, mà ta đang muốn giúp ta mở rộng trí tuệ của chính ta về vấn đề. Ta chẳng làm ơn làm nghĩa gì cho ai cả, ta đang chỉ lo bồi dưỡng kiến thức của chính ta.

Các bạn, nếu bạn tôn trọng communication, bạn sẽ thấy mọi người đều có thể chỉ cho bạn một vài điều các bạn chưa biết, chưa hiểu. Communication tốt giúp ta có được nhiều thầy. Thay vì cắt communiation, hãy lắng nghe vì mỗi lần lắng nghe bạn sẽ học thêm được một vài điều quý.

Mình chẳng bao giờ nghĩ rằng mình lắng nghe là để làm ơn cho ai cả. Mình lắng nghe là nghĩa vụ của mình cho chính mình, để mình có thể hiểu vấn đề một cách rất sâu sắc.

Cho nên, các bạn, muốn mở rộng chính đầu óc của mình, thì hãy lắng nghe – mọi người, già trẻ lớn bé, giàu nghèo, khoa bảng hay thất học, mọi người đều có thể cho mình một mảnh kiến thức nếu mình biết lắng nghe.

Chúc các bạn lắng nghe tốt.

Mến,

Hoành

© copyright 2023
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

Một bình luận về “Trứng mà đòi khôn hơn vịt”

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s