NN – Thứ Hai 20/03/2023 , 06:01 (GMT+7)
Đất của người chết bao vây đất của người sống
I. Đua nhau an táng ở đất hai vua
Vợ chồng người em họ ở quê mới ngoài 30 đã nhanh chân ‘xí’ được 2 suất đất ngoài nghĩa trang làng khiến cho tôi cũng cảm thấy tiếc khi mình là kẻ chậm chân.
LTS: Loạt bài với góc nhìn bằng flycam từ trên cao đến dưới thấp, từ vùng đồi đến đồng bằng ra biển cả. Khắp nơi đều xảy ra tình trạng bao chiếm đất xây nghĩa trang gia đình rộng như những biệt thự, thậm chí như sân bay trực thăng có cả chòi nghỉ mát, ghế đá, cây cổ thụ trước sự làm ngơ hoặc bất lực của chính quyền.

Quả đồi Áng Độ, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội giờ đã thành một nghĩa trang tự phát trên đất nông nghiệp. Ảnh: Dương Đình Tường.
Du lịch làng cổ Đường Lâm, chỗ nào cũng thấy mộ
Nhưng tâm trạng đó của tôi nhanh chóng trở thành nỗi xấu hổ khi lên Hin Đăm – một bản người Dao ở xã Kiên Mộc (Đình Lập, Lạng Sơn), lên Đèo Mương – một bản người Mường ở xã Thu Ngạc (Tân Sơn, Phú Thọ) không hề thấy bóng dáng một ngôi mộ xây nào mà chỉ là những nấm đất thấp bé hòa cùng với hàng thông, hàng cọ xanh mướt. Khắp Tây Bắc, Đông Bắc có rất nhiều khu “rừng ma” như vậy. Một người dân tộc đã tổng kết ngắn gọn rằng: “Người Kinh chúng mày đi đến đâu là phá rừng, xây mồ mả đến đấy”.
Vì câu nói đó mà tôi đã bỏ công sức suốt 2 tuần đi từ vùng đồi đến đồng bằng và ra biển qua nhiều tỉnh, thành để thấy một thực trạng đáng báo động. Khắp nơi đều xảy ra cảnh bao chiếm đất công để xây nghĩa trang gia đình rộng mênh mông dù chỉ đặt bên trong vài ngôi mộ thậm chí không có. Khắp nơi đều xảy ra tình trạng xây mộ to như những biệt thự, thậm chí như sân bay có cái đủ vườn cây, ao cá và tiểu cảnh. Không hiếm nơi xảy ra tình trạng mua đất nông nghiệp hay dùng chính đất nông nghiệp của nhà để xây nghĩa trang gia đình. Nếu nhìn từ trên cao xuống thì nhiều nghĩa trang, cả trong quy hoạch lẫn tự phát như những thành phố của người chết, đang thu hẹp một cách nhanh chóng các cánh đồng, đang bao vây các làng mạc của người đang sống, tiến sát đến tận nhà dân, trường học.
Clip quay từ flycam trên đồi Áng Độ, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội. Clip: Dương Đình Tường.
Chiếc flycam của tôi cất cánh phát ra những tiếng vè vè rồi bốc lên cao. Chẳng mấy chốc âm thanh của nó chỉ vo ve như tiếng ruồi, tiếng muỗi. Nhìn từ trên cao xã Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội) như một đĩa xôi đậu khổng lồ, trong đó những ngôi mộ là những hạt đậu. Chỗ nào cũng chi chít mộ. Lướt một đường dọc theo quả đồi Áng Độ của làng Mông Phụ, tôi như lạc trên sao Hỏa với đủ khối thiên thạch nhấp nhô là mồ mả, cái tròn, cái vuông, cái nhọn, cái cao, cái thấp, cái to, cái nhỏ. Nhiều khu mộ rộng mênh mông xây cả tường bao trên đất nông nghiệp nhưng bên trong chẳng có ngôi nào hoặc chỉ thấp thoáng vài ngôi.
Anh Đỗ Xuân Nội – chủ HTX xe điện chuyên chở khách du lịch đến làng cổ Đường Lâm, ngán ngẩm: “Trong làng người sống đã phá vỡ hết cảnh quan vì xây dựng lộn xộn, sửa chữa, cơi nới, nhà mới xen lẫn với nhà cổ. Ngoài làng, nếu một người xa quê 2 – 3 năm về sẽ dễ bị lạc, không tưởng tượng ra đây là đồi Áng Độ nữa mà là nghĩa trang, là chung cư mi ni của người âm”.
Cũng theo anh Nội, quả đồi Áng Độ xưa ít mộ, mà có cũng chỉ là mộ đất, thi thoảng mới có mộ xây. Từ khi được công nhận là làng cổ Đường Lâm nơi có hai vị vua, người ta đi du lịch, thấy địa linh, nhân kiệt mới mua đất nông nghiệp làm nghĩa trang gia đình. Dân giờ làm nông không đạt công, cánh đồng nhiều chỗ bỏ hoang, gặp đúng thời kỳ khách thập phương đến hỏi mua thì bán. Giao dịch mạnh nhất là quãng năm 2015 – 2020.

Mộ cùng những nghĩa trang gia đình xây trên đất nông nghiệp ở đồi Áng Độ. Ảnh: Dương Đình Tường.
Cứ cuối năm, vào mùa tảo mộ là từng đoàn người kéo về đây hỏi mua đất. Kênh thứ nhất là họ ra trực tiếp ngoài đồng gặp bà con tưới rau, trồng lạc liền hỏi mua đất, đồng ý là trao tiền, viết giấy tay với nhau. Kênh thứ hai là trước đây có cái quán nước ở gốc đa chuyên môi giới đất cho người chết, giới thiệu được vài miếng, có ít tiền nuôi con ăn học, nay chúng đã lớn thì người chủ cũng nghỉ. Kênh nữa là ra chùa, ra đình, cứ gặp người địa phương là xúm lại mà hỏi. Giá đất chỗ đẹp khoảng 1,5 triệu/m2, chỗ xấu hơn 1 triệu/m2, khu mộ to rộng 150 – 200m2, khu mộ trung bình rộng 70 – 80m2.
“Làng có nhiều họ như họ Đỗ, họ Phan, họ Hà, họ Giang, họ Nguyễn, họ Bùi… Mộ tổ ngày xưa cũng to nhưng chỉ quây bằng đá ong, giờ hầu hết đều xây gạch, có mộ còn đặt gạch tận Bát Tràng về. Các dòng họ là thế, các gia đình cũng đua nhau xây mộ, xây tường bao cho nghĩa trang riêng để chờ. Còn sống chưa gì họ đã lo đến khi mình chết.
Nhiều người địa phương khác cũng về đây mua, toàn thuộc diện khá giả bởi cả đất, cả xây những khu mộ hoành tráng nhất có thể lên tới 500 – 700 triệu, còn không cũng là hàng trăm triệu. Đi từ quốc lộ 32 vào, quê tôi chỗ nào giờ cũng thấy mộ, tạo ra sự phản cảm. Mỗi khi chở khách du lịch ra ngoài đồng, họ thường hỏi tại sao mà lắm mộ thế? Tôi trả lời rằng đây là nỗi đau của làng cổ Đường Lâm vì người Hà Nội, Hải Phòng có tiền mua làm nghĩa trang gia đình. Những dự án nào định quy hoạch về đây mà chủ đầu tư nhìn thấy cánh đồng nhiều mồ mả cũng không dám nữa.
Cứ tình trạng này dân trong làng bán dần ruộng là hết. Mà đã hết ở chỗ đắc địa nhất là đồi Áng Độ sẽ xuống Dộc, suối Mẻ… chỗ xấu hơn người ta cũng chôn rồi hết tất. Đường Lâm phải kết hợp với thị xã, thành phố và Trung ương để dẹp vấn nạn này thì sau này người chết mới có chỗ nương thân”, anh Nội nói.

Chị Nguyễn Thị Phượng đang tưới lạc bên một khu nghĩa trang gia đình lớn nhưng trống rỗng. Ảnh: Dương Đình Tường.
Rời Áng Độ, chúng tôi đến khu suối Mẻ. Trưa mùa xuân, nắng đã hừng hực phả hơi nóng lên khắp cánh đồng. Cái bóng nhỏ bé của chị Nguyễn Thị Phượng xách đôi thùng nước đi tưới lạc như lọt thỏm bên cạnh những khu mộ khổng lồ rộng cỡ 200 – 300m2, nhiều cái chỉ mới xây tường bao ngang ngực mà chưa hề có ngôi nào. Ngưng tay tưới, chị phàn nàn, lắm nhà xây tường bao nghĩa trang gia đình cao đến nỗi mất cả đường vào ruộng: “Toàn là đất nông nghiệp của dân, giờ đã biến thành các nghĩa trang gia đình. Nếu mua qua môi giới phải 1,5 – 1,6 triệu/m2, còn dân làng bán thì chẳng được giá ấy đâu”.
Tôi đi miên man theo bóng những ngôi mộ đang đổ đen sẫm xuống mặt đất đỏ tốt tươi, trên đó có những cái lăng đá chạm trổ cầu kỳ, những cái lăng xi măng đắp nổi hình hoa sen, mây trời, cá nước cùng một chữ thọ ở trung tâm…
Thanh niên giờ ra ngoài làm ăn hết, ở nhà chỉ có ông bà già và trẻ đi học, bán được tí ruộng nào cho người ta làm nghĩa trang gia đình thì thêm vào tiền cỗ bàn, tiền đóng học.

Chị Nguyễn Thị Phượng ngó vào một khu nghĩa trang gia đình còn trống rỗng cạnh ruộng của mình. Ảnh: Dương Đình Tường.
Người toàn ngủ mơ thấy cánh đồng ngày xưa
Nhà văn Hà Nguyên Huyến – một người con của làng Mông Phụ bảo với tôi rằng quê ông có câu “Sống giữa làng, chết Lồ Cang, Áng Độ”. Lồ Cang là đất để chôn người chỉ cỡ 27 tháng thôi là tiêu, cải táng đưa ra Áng Độ là khô khan. Giờ thì trong những “cư dân” của Áng Độ, người làng không đáng kể nhưng người nơi khác “nhập cư” đến là một con số khổng lồ, chưa ai thống kê được khiến quả đồi rộng cả chục ha chật kín, gần như không còn lối lên nữa. Lồ Cang xưa chỉ là đất để ký táng (hung táng) nay người Hà Nội cũng lên mua, cải táng, xây mộ, rồi Mả Tênh cũng thế.
Người toàn ngủ mơ thấy cánh đồng ngày xưa
Ông Hà Nguyên Huyến kể: “Tôi thấy thực trạng này không có lối thoát vì người ta cứ âm thầm mua, âm thầm bán. Mà Hà Nội chỉ cách Sơn Tây vài cái đạp ga ô tô là lên tới. Chỉ cần bỏ ra cỡ 150 triệu là mua được 100m2 đất để làm nghĩa trang gia đình thì rẻ quá đi chứ? Nhà tôi còn 1 sào đất ở trên đồi Áng Độ mà bị người ta gạ suốt nhưng vẫn để lửng lơ vì không thiếu tiền.
Nhiều gia đình nghèo trong làng bán đi một vài mảnh ruộng thế là làm được nhà, cho con cái học hành, mua xe, sắm sửa các thứ. Đất nghĩa trang đã trở thành một món hàng dù chính quyền không thừa nhận. Người Việt (người Kinh) mình có tính khác với các dân tộc khác là giữ mồ giữ mả.

Những khu nghĩa trang gia đình rộng nhưng trống rỗng hoặc rất ít mộ ở khu vực suối Mẻ, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội. Ảnh: Dương Đình Tường.
Xưa toàn là mộ đất nho nhỏ theo kiểu cha tròn, mẹ vuông, nhà có điều kiện thì đào một viên đá ong to để trên đánh dấu mộ. Giờ có điều kiện thì người ta bỏ hết đá ong để xây bằng gạch tây hay mộ đá, lăng đá, tường đá và xây rất lớn, lộng lẫy chứ không có tính chất ghi dấu nữa. Cả một khoảnh đất rộng có khi chỉ để mỗi ông bà.
Thực trạng đó biểu hiện văn hóa của người có tiền. Ở thôn nọ có quả đồi lúc trước hoang vu lắm nhưng giờ cũng mua bán làm mồ mả trong đó có ngôi mộ rất lớn. Một ông người làng giàu có, lúc chết đi con cái còn cãi nhau ỏm tỏi vì chưa chia được số tiền bố để lại. Một người con đã xây cho ông khu mộ rất to trên đồi nhưng lại không có đường vào bởi dân làng họ cùng bảo nhau, nhất định không bán đất cho nhà đó vì ghét”.

Quả đồi Áng Độ, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội giờ đã thành một nghĩa trang tự phát trên đất nông nghiệp. Ảnh: Dương Đình Tường.
Bà Nguyễn Thị Vượt – cựu giáo viên mỹ thuật trường THCS Đường Lâm nói dạo này mình toàn ngủ mê chuyện ngày xưa. Những cánh đồng ngày xưa bờ đất mấp mô đầy hoa cỏ dại, con mương trong xanh uốn quanh, những rặng phi lao rì rào hai bên đường. Giờ thì người ta đã chặt hết cây, nghĩa trang như những thành phố của người chết ngoài cánh đồng.
“Hồi còn đi làm, tôi dạy cho học sinh vẽ bằng cách phác họa lại những khoảng khắc của ngày xưa chứ hiện tại làm gì còn nữa? Ngày xưa ra cánh đồng rộng rãi, đẹp đẽ, thơm tho, cảm thấy rất dễ chịu nhưng nay ra cảm thấy bức bối, khó chịu vì đất đai manh mún, mồ mả lô nhô, các con mương đen xì, bốc mùi. Chẳng bao giờ có thể trở lại ngày xưa nữa rồi thì đành phải chấp nhận thôi. Nhưng đã là gì, những ngôi mộ ở nghĩa trang làng tôi chỉ như cái chung cư mi ni nếu so với một số nơi, chúng còn to như những ngôi biệt thự”, giọng bà giáo Vượt đầy tâm trạng.
Xây tường bao rồi đặt một ngôi mộ xuống một khu đất coi như là đã cắm mốc chủ quyền rồi, trở thành bất khả xâm phạm, chính quyền dù muốn cũng không thể đào lên hay cho xe ủi phá dỡ được.
Dương Đình Tường
***
NN – Thứ Ba 21/03/2023 , 06:30 (GMT+7)
Đất của người chết bao vây đất của người sống
II. Nơi có những khu mộ to như những ngôi biệt thự
Khi thấy chúng tôi lúi húi ngoài đồng với chiếc flycam bay ở trên đầu, ông Trung bỏ dở công việc hỏi: ‘Các cháu đang đi đo đất mua nghĩa trang cho nhà ai đấy?’.
Ông Nguyễn Nhân Trung – người ở tổ 1 phường Trung Sơn Trầm (thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội) đang trồng mướp nhờ ở một khu đất nghĩa trang gia đình còn chưa có một ngôi mộ nào – gần đây đã quá quen với những đám người lạ mặt đến đo đất nên mới tưởng chúng tôi như vậy. Anh cán bộ phường đi theo vội giải thích, chắc là những người của văn phòng công chứng tư nhân nào đó đến đo đất, chứ chính quyền địa phương có ai đến làm việc ấy đâu. Cánh đồng này nằm trong quy hoạch mở rộng nghĩa trang thị xã Sơn Tây lên 14,5ha nhưng chưa xây quây tường bao được nên người ta đã nhanh tay mua để thành lập các nghĩa trang gia đình, dự trữ đất cho nhiều đời.
Ông Trung giơ tay chỉ vào các khu nghĩa trang gia đình mới mọc lên từ đám đất ruộng của làng mà giờ người ta gọi là tổ dân phố: “Anh này là giám đốc ngân hàng. Anh này là bác sĩ. Anh này là lãnh đạo tỉnh Hà Tây cũ. Chị này là chủ siêu thị lớn. Toàn những người còn sống cả. Họ mua mấy trăm m2 để chuẩn bị cho sau này. Mươi năm nay, người ở thị xã Sơn Tây nhưng khác phường về đây mua đất ruộng nhiều lắm, mảnh này mới bán năm ngoái thôi.

Ông Nguyễn Nhân Trung bên một khu nghĩa trang gia đình hình thành trên đất ruộng. Ảnh: Dương Đình Tường.
Có những ngôi mộ ở đây thừa tiền tỉ, ngang giá với một ngôi nhà trong làng vì đất ngoài đồng giờ phải 6 – 7 triệu/m2, trong khi đất ở trong làng chỉ 3 – 4 triệu/m2 mà lại là thổ cư. Hầu hết là người ở địa phương khác đến chứ dân trong làng lấy đâu mà có tiền? Như ông bà tôi để nghĩa trang thôn, mỗi ngôi mộ chỉ rộng 2m2, không phải đóng tiền đất, xây lên hết 5,5 triệu”.
Tôi điều khiển chiếc flycam theo hướng tay ông Trung chỉ. Trên màn hình hiện lên loang loáng những khu nghĩa trang gia đình rất lớn, kín cổng, cao tường. Bên trong chúng được thiết kế cầu kỳ kiểu vườn Nhật với lối đi bao quanh trải sỏi, tiểu cảnh, cùng các hàng cây xanh đứng sừng sững như những hàng vệ sĩ. Trên cái nền xanh ấy nổi bật lên màu xám của những lăng mộ đá trạm trổ mái cong vút như mái đình, những cây đèn đá đục đẽo tỉ mẩn, không quên đề bảng tên, số điện thoại của công ty chế tác. Nhiều khu nghĩa trang gia đình diện tích cỡ 300 – 400m2 mà không hề có mộ hoặc chỉ có một hai ngôi.
Khẽ đẩy cần điều khiển cho chiếc flycam đi ngang, chỉ cách một con đường rộng vài bước chân thôi bên kia là nghĩa trang của thị xã Sơn Tây với bạt ngàn những ngôi mộ được sắp xếp theo hàng, theo lối như những đoàn quân đang duyệt binh. Chúng cùng một kích cỡ như nhau và diện tích chừng bằng 1/100 so với những khu mộ bên này. Sống đã phân biệt giàu nghèo, khi chết cũng vậy.
Những khu nghĩa trang gia đình hình thành trên đất nông nghiệp ở phường Trung Sơn Trầm (phải) và nghĩa trang thị xã Sơn Tây (trái). Clip: Dương Đình Tường.
“Ở tổ 1 hay tổ 5 cũ, nghĩa trang được quy hoạch mỗi ngôi theo cùng kích cỡ, tiền xây chỉ có khoảng hơn 1 triệu, sau đó ốp đá hay ốp gạch gì thì tùy. Còn ở đây kích cỡ đủ kiểu, to bé hay cao thấp đủ cả. Dân làng nhiều người chẳng có tiền mà xây nhà, sửa nhà nhưng người ta xây những ngôi mộ tiền tỉ”.
Rời nghĩa trang khu nhà giàu với toàn là những giám đốc, bác sĩ, chủ siêu thị, lãnh đạo chuẩn bị đất cho mình từ khi còn sống, tôi đến nghĩa trang bình dân hơn của tổ 2. Ở đây cũng có hàng dãy những nghĩa trang gia đình được xây quây lại, có điều không phải mất tiền mua mà là do bao chiếm đất công. Bà Nguyễn Thị Ngọc Trâm – tổ trưởng tổ 2 bảo đây cũng là thực trạng chung ở các tổ dân phố:

Bà Nguyễn Thị Ngọc Trâm – tổ trưởng tổ 2 phường Trung Sơn Trầm. Ảnh: Dương Đình Tường.
“Trước đây quá nhiều đất ngoài nghĩa trang nên không ai nghĩ đến chuyện xây quây, bao chiếm cả. Sau này khi hình thành nghĩa trang thị xã Sơn Tây trên địa bàn, vào đó phải mua đất, việc quản lý chặt dần, khoảng năm 2009 – 2010 người ta mới dần ra chiếm đất ở các nghĩa trang của tổ dân phố, thuộc vào quỹ đất công. Nhà nào có mộ rồi thì xây tường bao rộng ra một khoảnh thành nghĩa trang của gia đình mình không cho gia đình khác đặt xen mộ vào.
Cách đây 4 năm, tổ dân phố chúng tôi đã đi đo, kiểm đếm, có hộ diện tích hơn 150m2, ít cũng 70 – 80m2. Tổng cộng khoảng hơn 30 hộ bao chiếm như vậy trên tổng 323 nóc nhà. Tổ cũng họp bàn để giải phóng các tường bao này nhưng không được bởi đây là vấn đề tâm linh rất phức tạp. Nếu thành lập đoàn giải tỏa, cưỡng chế thì không ai muốn, còn vận động gia đình xây quây thì họ không chịu. Một khi đã xây tường bao như thế, gia đình khác thường có tâm lý không muốn chôn người thân vào nữa vì họ nghĩ đã có chủ rồi.
Không phải đợi đến đời con cháu không có đất chôn mà bây giờ có nhiều người nơi khác đến sinh sống trong tổ mà chưa có suất đất ở ngoài nghĩa trang, khi chết muốn chôn cũng rất khó. Ở tổ tôi có trường hợp người quê Thanh Hóa về sống, có hộ khẩu tại đây, năm 2020 chẳng may mất nhưng lại không có chỗ chôn dù ngoài nghĩa trang đất vẫn còn nhưng mà người ta đã xây quây hết rồi.

Nghĩa trang tổ 2 có khoảng 30 gia đình xây quây tường bao chiếm đất công thành nghĩa trang riêng. Ảnh: Dương Đình Tường.
Chúng tôi phải thành lập đoàn đi xin đất cho trường hợp ấy gồm tổ trưởng, bí thư, nhóm trưởng nhóm tự quản đến vận động nhà một người đã xây quây đất công làm nghĩa trang riêng cho gia đình: “Người ta ở đất khách quê người đến đây, không may mắc bệnh qua đời. Vì tình làng nghĩa xóm, sống thế nào thì chết cũng như vậy, bác tạo điều kiện cho người ta có một chỗ ở”. Họ họp bàn gia đình rồi mới chấp nhận, còn chuyện tiền nong tôi không rõ nhưng cũng có thể nhà kia phải hỗ trợ một khoản”.
Hơn 30 nhà xây quây đất nghĩa trang, tại sao đoàn lại nhằm vào gia đình đó để xin đất? Tôi hỏi. Bà tổ trưởng cười: “Bởi họ dễ tính hơn. Nói đúng ra thì cả gia đình có người chết lẫn gia đình có đất đều dễ tính. Chứ như nhà khác xem hướng, muốn đặt ở chỗ đất của nghĩa trang gia đình này bao chiếm mà nhà có đất không cho cũng đành phải chịu. Trước mắt đã thế, về lâu dài nếu không quản lý được đất nghĩa trang thì các đời sau tôi sợ sẽ không có chỗ chôn”.
Sẽ là cuộc cách mạng nếu…
Mang thực trạng đó tôi hỏi lãnh đạo hai phường, xã có những nghĩa trang gia đình tự phát ấy. Ông Khuất Đôn Quân – Phó Chủ tịch UBND phường Trung Sơn Trầm kể, năm 2008 địa phương lên phường để cho đủ điều kiện thị xã Sơn Tây lên thành phố, sau khi Hà Tây cũ sáp nhập với Hà Nội nó lại trở về thị xã. Diện tích của phường hiện 361ha, dân số hơn 9.000 người. Trước đây khi là xã, Trung Sơn Trầm có 8 thôn, mỗi thôn có 1 nghĩa trang riêng trên diện tích đất công. Giờ thế giới người sống 8 thôn đã sáp nhập thành 5 tổ dân phố nhưng thế giới người chết vẫn giữ nguyên 8 nghĩa trang.
“Nhiều xã xây dựng nông thôn mới dồn điền đổi thửa được, quy hoạch thành một nghĩa trang chung nhưng ở đây vẫn còn chôn theo nếp cũ và tất cả các nghĩa trang đều không có tường bao quanh. Về cơ bản là quản lý tốt, tuy nhiên hiện tượng xây quây thành nghĩa trang gia đình vẫn có, điển hình nhất là ở tổ dân phố số 2. Đó là vấn đề lịch sử để lại”, ông Khuất Đôn Quân chia sẻ.
Theo thống kê trên giấy tờ, diện tích đất 8 nghĩa trang của Trung Sơn Trầm chỉ 16.360m2 nhưng thực tế nó rộng gấp nhiều lần con số đó. Phần lớn là đất nông nghiệp sổ đỏ của dân được mua bán trao tay một cách lén lút.

Đàn bò đi qua một khu nghĩa trang gia đình hình thành trên đất nông nghiệp ở phường Trung Sơn Trầm. Ảnh: Dương Đình Tường.
Còn ông Phan Văn Hòa – Chủ tịch UBND xã Đường Lâm thì cho biết địa phương không có quy hoạch nghĩa trang chung nên mới xảy ra hiện tượng ai có ruộng chỗ nào thì đặt mộ vào chỗ ấy. Mới đây, xã đã ra nghị quyết để tuyên truyền cho dân không được xây tường bao của các nghĩa trang gia đình cao quá bờ ruộng dù rằng theo Luật Đất đai việc xây dựng trên đất nông nghiệp là sai. Xã còn thành lập tổ công tác để ai vi phạm trong xây dựng thì tiến hành tháo dỡ. Còn một số người nơi khác muốn đưa hài cốt về, nếu phát hiện sớm sẽ ngăn chặn được, còn một khi họ đã chôn chui thì xã cũng phải chịu.
“Trước đây khi tôi còn hành nghề thợ xây, từng làm rất nhiều ngôi mộ rồi, kích thước dài nhất là 1,2m, rộng nhất là 80cm. Quy cách đó rất gọn, không bành trướng, nhìn không bị lố. Giờ phú quý sinh lễ nghĩa, điều kiện kinh tế có, vật liệu lại sẵn nên người ta mới xây to. Việc xây dựng như thế không chỉ ảnh hưởng đến canh tác nông nghiệp, mỹ quan mà còn cả du lịch nữa. Nếu được chúng tôi sẽ cho trồng những hàng cây để che khuất đi các ngôi mộ cho du khách đi trên đường đỡ bị đập vào mắt.
Vừa rồi Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây có về làm việc với Đường Lâm. Sau khi đi thị sát tình hình đất đai để bàn cách phát triển du lịch cho xã, ông nói: “Tôi hỏi đồng chí Hòa nếu mà xã quy hoạch một khu nghĩa trang chung để chuyển những ngôi mộ đi có được không?”. Tôi trả lời: “Nếu vừa động viên vừa dùng chế tài, lại có thêm kinh phí hỗ trợ thì chắc chắn được”. Mong muốn của lãnh đạo thị xã là phát triển du lịch nhưng bất cập là muốn quy hoạch một số vùng đất ở Đường Lâm để tạo cơ sở lưu trú cho du khách nhưng chỗ nào cũng bị vướng vào mồ mả cả.
Nếu quy hoạch được một khu nghĩa trang chung rồi di chuyển hết mồ mả về thì đó là một cuộc cách mạng, đời con cháu sẽ thụ hưởng chứ tôi nói thật cũng sắp hưu rồi. Chúng tôi đã tìm ra một quả đồi, chỉ cần đầu tư con đường, hạ tầng cho đẹp sẽ thu hút được người ta vào nhưng cái khó là quy định nghĩa trang phải cách khu dân cư 2km, cả xã không tìm được chỗ nào như vậy”, ông Phan Văn Hòa nói.

Sự phân biệt giàu nghèo thể hiện rõ khi những khu mộ gia đình xây trên đất nông nghiệp (bên phải) ở phường Trung Sơn Trầm rộng gấp hàng trăm lần mộ xây đúng quy cách (bên trái) ở nghĩa trang thị xã Sơn Tây. Ảnh: Dương Đình Tường.
Tôi hỏi ông Hòa, vậy những người đã đầu tư vài trăm triệu cho một khu nghĩa trang gia đình, liệu có thuyết phục được việc di dời mộ không? Ông trả lời dứt khoát: “Chúng tôi chỉ làm việc với dân ở đây, còn những người ở nơi khác đến mua đất thì không có một quyền gì trên đó cả. Người ta toàn mua phủi, mua tay bo, mua thổ phỉ thôi bởi nguyên tắc đất nông nghiệp luật đã quy định khi chuyển nhượng phải là người địa phương, đang trực tiếp sản xuất nông nghiệp, chứ không phải dùng vào mục đích khác. Khi mà dân địa phương thông suốt, thực hiện trước thì người ở nơi khác cũng không thể chống lại được”.
Theo thống kê của xã Đường Lâm, diện tích đất ở đang có 79,9ha, còn đất nghĩa trang 4,6ha. Tuy nhiên thực tế diện tích đất dành để chôn người rộng hơn thế nhiều lần bởi riêng quả đồi Áng Độ đã cả chục ha bị xây quây, nhưng trong hệ thống quản lý nó không phải là đất nghĩa trang nên không được tính…
Khi tôi nắc nỏm kể về những khu mộ rộng như những ngôi biệt thự ở phường Trung Sơn Trầm, một người dân đã bảo chúng chẳng là gì so với những ngôi mộ rộng như sân bay trực thăng ở Hải Phòng.
Dương Đình Tường
***
NN – Thứ Tư 22/03/2023 , 06:25 (GMT+7)
Đất của người chết bao vây đất của người sống
III. Nơi có những khu mộ to như sân bay trực thăng
Chiếc flycam của tôi bay trên những nghĩa trang gia đình rộng mênh mông mà nhiều cái to như sân bay trực thăng nhưng chỉ vỏn vẹn đôi ba mộ, thậm chí là chưa…
Tiện nghi thế ai cũng muốn… chết
Dù đã nhìn trực diện nhưng ở góc quan sát từ trên cao của flycam tôi vẫn cảm thấy ngỡ ngàng đến sửng sốt trước độ hoành tráng của những ngôi mộ hay những nghĩa trang gia đình ở đây. Trong đó có những lăng đồ sộ tạc bằng đá, khuôn viên lát gạch đỏ, dựng chòi nghỉ mát, bày bàn ghế đá, trồng nhiều cổ thụ. Hầu hết chúng đều được xây trên những thửa ruộng mà mới chỉ dăm bảy năm trước dân làng còn cấy lúa hay trồng khoai. Mấy người làng chép miệng chẳng biết thật hay đùa với tôi rằng: “Đầy đủ, tiện nghi như thế này thì ai cũng muốn chết chú nhỉ?”
Ông Trần Văn Giám – trưởng thôn Hạ Đồng ở xã An Hòa, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng nói: “Cánh đồng Trại trước đây có một cái gò lớn, nhiều đời dân làng Hạ Đồng rồi sau là Thượng Đồng dùng để chôn người quá cố”.

Những khu mộ xây quây to như sân bay trực thăng ở thôn Hạ Đồng. Ảnh: Dương Đình Tường.
Bài liên quan
I. Đua nhau an táng ở đất hai vua
II. Nơi có những khu mộ to như những ngôi biệt thự
Ông Giám kể: “Xưa chỉ có mộ nhỏ thôi, nhưng hơn 10 năm gần đây những nhà có điều kiện đã mua gom đất nông nghiệp của dân để làm nghĩa trang riêng. 3 thước rồi 5 thước. 1 sào rồi 2 sào.
Họ chẳng cần biết gì về quy định của Nhà nước (Nghị định 23 năm 2016 về xây dựng, quản lý, sử dụng nghĩa trang trong đó mộ hung táng và chôn cất một lần tối đa không quá 5m2, mộ cát táng tối đa không quá 3m2 – PV) mà cứ đua nhau mở rộng. Nhiều dòng họ cũng đua xây mộ to hơn, cao hơn, rộng hơn, đẹp hơn, đắt tiền hơn, nhất là nếu có con cháu sống ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Nhà chưa có nghĩa trang gia đình thì mua thật to, nhà đã có rồi thì mua mở rộng thêm. Có nhà con mới đẻ ra, còn khóc oe oe đã đóng suất rồi.
Nhu cầu nhiều như thế nên 10 năm trước 1 sào ruộng chỉ bán được 30 triệu, giờ đã 70 – 80 triệu. Toàn mua bán kiểu viết tay, không qua thôn xã, cứ cầm thước đo diện tích rồi về nhà đếm tiền là xong. Khi mảnh ruộng này đã biến thành khu nghĩa trang gia đình, bị xây tường bao quanh thì mảnh ruộng bên cạnh cũng bị ảnh hưởng vì không có lối đi, máy móc không vào được, nước không dẫn đến được. Bởi thế nhà trước bán, nhà sau đành phải bán theo. Thứ nữa là nhiều người cũng cần tiền, muốn bán ruộng để chi tiêu. Nghề nông giờ khó khăn, làng tôi có 70 mẫu ruộng thì đã bỏ hoang hơn 10 mẫu…”.
Những khu mộ xây quây to như những sân bay trực thăng ở Hạ Đồng. Clip: Dương Đình Tường.
Nói rồi ông ngồi bần thần, bấm ngón tay tính nhẩm. Khu mộ đã xây quây rộng từ 1 sào (360m2) trở lên có 14 cái, rộng từ 5 – 10 thước (mỗi thước rộng 24m2) có khoảng 40 cái. Người sở hữu khu mộ to nhất không phải ở tại làng mà trước có bố gốc quê, giờ đã bán đất, cắt khẩu đi làm ăn nơi khác. Về sau phát đạt, anh ta bỏ tiền mua gom của mấy hộ được khoảng 5 – 6 sào ruộng.
Để biến nó thành nghĩa trang gia đình, hàng ngàn m3 đất đã đổ xuống, bê tông đổ trùm lên, rồi cuối cùng lát gạch đỏ, dựng lăng đá, xây chòi nghỉ mát, bày bàn ghế đá, trồng cây cổ thụ mà bên trong chỉ có mấy ngôi mộ: “Làng xóm xì xào nhưng xã lặng ngắt thì thôn làm sao dám có ý kiến? Trước đó, anh ta đã hỗ trợ xây đền bà chúa, nhà thờ thần tổ (thành hoàng làng), tổng cộng nghe đâu khoảng tỉ đồng rồi mới làm nghĩa trang gia đình nên xây công khai như công trình của Nhà nước vậy. Công nhân đông tới hơn 10 người, ăn ở tại nhà con cháu anh ta, ngày ra đồng làm, tối về ngủ nghỉ. Xây hàng năm trời mới xong, rất cầu kỳ, tổng giá trị gồm cả tiền đất lẫn tiền công, vật liệu phải cỡ vài tỉ.

Trưởng thôn Hạ Đồng đang ngồi trong chòi hóng mát của một khu mộ. Ảnh: Dương Đình Tường.
Khu mộ to thứ nhì rộng khoảng 1,5 – 2 sào thuộc về một người gốc ở thôn Thượng Đồng nhưng đi làm ăn xa, mua đất, xây tường bao quanh rồi chuyển 6 – 7 ngôi mộ ở đâu về trong đêm tôi cũng không rõ nữa. Điều đáng nói là trong 14 khu mộ to ấy có một số chủ không phải khá giả gì, chỉ là nông dân nhưng vì đua nhau, xây cố cho bằng anh, bằng em nên phải vay nợ.
Họ đi xem bói, nghe thầy phán ông nọ, bà kia nhà mình thiêng lắm, có mảnh đất phát, nếu mà đặt mộ ở đó sẽ mát mẻ, con cháu làm ăn thành đạt nên bày đặt cúng lễ, xây dựng cho thật to. Thậm chí mộ đang ở chỗ này họ cũng bê sang chỗ nọ vì tin lời thầy bảo “động”. Mộ cũ dù đã phá nóc, lấy tiểu chuyển đi rồi nhưng có 7 – 8 nhà vẫn để nguyên khuôn xây như vậy, thực chất là giữ chỗ nhưng ngoài miệng vẫn nói sợ hồn còn lởn vởn ở đó không dám động vào”…

Bên trong khuôn viên một khu mộ rất lớn ở Hạ Đồng. Ảnh: Dương Đình Tường.
Xây dựng mồ mả to nhưng lộn xộn nên nghĩa trang làng không có hệ thống tiêu thoát nước, hễ trời mưa nước đen dâng lên, xú uế ngập tràn không ai dám lội vào.
Làng của người sống không bằng “làng của người chết”
Ngày nào ông Giám cũng có mặt ở cánh đồng Trại, vừa lấy nước cho ruộng nhà, vừa đề phòng đội rà đồ cổ đến nghĩa trang đào bới, lũ nghiện đến nghĩa trang tiêm chích. Hiện nghĩa trang của làng ông đã mở rộng mênh mông, ước khoảng 20 mẫu trong đó 5 – 7 mẫu vẫn còn đang trống. Chúng được giữ chỗ bằng cách xây tường bao, đổ đất đắp mộ giả, dựng bát hương giả, vờ như bên dưới có cốt, hoặc trồng khoai, trồng rau bên trong giả vờ như đất vẫn còn sản xuất nông nghiệp. Nhưng tất cả làm sao qua mắt được ông?
Ngoài đồng, “làng của người chết” xây dựng sầm uất là thế nhưng trong thôn, làng của người đang sống vẫn còn nhiều thiếu thốn, khó khăn. Ông Giám thống kê Hạ Đồng có 5 hộ nghèo, 7 hộ cận nghèo và hơn 20 người tàn tật, ốm đau cần trợ cấp. Hệ thống điện dây còn lòng thòng, mất an toàn. Hệ thống đường còn 4 đoạn rất xấu. Nhiều gia đình mộ các cụ thì khang trang mà nhà mình đang ở còn tạm bợ, trong đó chừng 40 ngôi đã xuống cấp trầm trọng…

Bà Thám chăm sóc rau trên phần đất thừa trong khu mộ của gia đình mình. Ảnh: Dương Đình Tường.
Buổi trưa nắng gắt, tiếng sáo diều u u trên đầu, cái bóng của nó chao liệng bên trên những khu mộ khổng lồ như một con quạ. Tôi gặp bà Phạm Thị Thám đang lúi húi hái rau trong khu nghĩa trang gia đình được hình thành từ 7 thước ruộng. Nó mới được xây quây lại, bên trong đặt 3 ngôi mộ, phần chưa dùng thì tận dụng để trồng rau vì cấy lúa chuột phá quá.
Để tránh cho nghĩa trang “bò lan” ra cánh đồng thêm nữa, người ta đã đổ một con đường bê tông chạy quanh. Tuy nhiên vẫn còn một số hộ bạo gan xây quây nghĩa trang gia đình ra cả những mảnh ruộng đang trồng thuốc lào bên ngoài. Một số cái đã bị chính quyền đập bỏ, nhưng cỏ bên trong còn chưa kịp mọc xanh, những cái khác đã kịp dựng lên vẫn còn nguyên màu vữa mới. Chúng được cánh thợ của làng xây chỉ trong một, hai đêm là xong.

Trưởng thôn Hạ Đồng chỉ vào một nấm đất, nghi là mộ giả. Ảnh: Dương Đình Tường.
Ông Phạm Văn Đàn – Chủ tịch UBND xã An Hòa phân trần, sở dĩ có tình trạng lộn xộn ở nhiều nghĩa trang, xây mồ mả cả trên đất ruộng hiện nay là do: Thứ nhất, thời kỳ trước khi chia ruộng cho dân lại không quy hoạch nghĩa trang, không quy định diện tích tối đa mỗi ngôi mộ cũng như không cấm mộ chờ. Thứ hai, từ năm 2010 trở lại đây, nhu cầu chôn cất lớn nên dân ngấm ngầm chuyển đổi đất nông nghiệp, không qua chính quyền địa phương, nhất là ở những chỗ gần nghĩa trang. Thứ ba, đội ngũ quản trang thôn có, thôn không.
Xã có tổng diện tích 609ha thì đất ở cho người sống hơn 50ha, còn đất ở cho người chết (đất nghĩa trang) thống kê 2 năm trước là 10,7ha nhưng ước tính hiện phải gấp đôi vì tình trạng bao chiếm, xen kẹt. An Hòa có 8 nghĩa trang to, ngoài ra còn vài chục điểm chôn cất rải rác nên không hiếm những ngôi mộ sát làng, sát đường, sát nhà văn hóa như thôn Nội Tạ có đống Củ, thôn An Lãng có đống Tre, đống Vôi, thôn Kênh Hữu có đống Miễu…

Ông Phạm Văn Đàn – Chủ tịch UBND xã An Hòa chỉ trên bản đồ những khu nghĩa trang. Ảnh: Dương Đình Tường.
“Dân giờ họ cũng khôn lắm, năm nay để mộ xuống không xây ngay khuôn viên, tường bao đâu vì sợ xã lập biên bản, xử phạt, đợi yên yên năm sau đổ thêm ít cát, xây chân móng, năm sau nữa mới xây tường bao, cổng”, ông Phạm Văn Đàn – Chủ tịch UBND xã An Hòa.
Năm 2020 huyện Vĩnh Bảo ra nghị quyết về tăng cường quản lý đất đai, xã cũng ra nghị quyết để thực hiện. Tuy nhiên, nếu xây bao chiếm mà chưa đặt mộ còn tháo dỡ được, nếu đã đặt mộ xuống rồi thì đành bất lực. Chuyện hình thành nghĩa trang kiểu mẫu vì thế mà trở nên xa vời.
“Những ngôi mộ to, nghĩa trang gia đình lớn thường là của những nhà có con em sống ở Hà Nội, Hải Phòng chứ đa số người dân và cán bộ xã rất nghèo, lấy tiền đâu mà xây lớn? Như khu nghĩa trang của gia đình tôi chỉ rộng 15 – 20m2 để ông bà ở ngay lõi của nghĩa trang cổ, chẳng có tường bao gì cả, xung quanh người ta đã xây kín hết rồi.
Trên thành phố đất chật và đắt nên họ mới chuyển bố mẹ về quê, hình thành những nghĩa trang gia đình. Mùa khô, mỗi thôn sang cát cỡ 30 – 40 trường hợp thì bên ngoài cũng khoảng bằng ấy tiểu đưa tro, xương cốt chuyển về. Giải pháp bây giờ theo tôi thứ nhất phải dồn điền đổi thửa, di hết đất 95% của dân gần nghĩa trang ra ngoài, lấy quỹ đất 5% của xã đổi cho họ rồi giao cho xã, thôn quản lý. Thứ hai phải thành lập đội ngũ quản trang để kiểm soát tình hình. Thứ ba phải quy hoạch mốc giới các nghĩa trang”, ông Đàn nói.

Trưởng thôn Hạ Đồng bên một khu mộ lớn của thôn. Ảnh: Dương Đình Tường.
Còn ông Trần Văn Giám – trưởng thôn Hạ Đồng thì khẳng định từ trước đến nay không có cuộc vận động nào về việc không nên xây mộ to cả, bởi thế ai có tiền cứ việc làm. Vừa rồi nghe phong thanh có doanh nghiệp về mở dự án trên cánh đồng làng nên nhiều nhà không có mộ cũng cố xây quây để mà chờ đền bù: “7 thôn trong xã đều chung tình trạng như vậy, có nơi mỗi khẩu phải đóng cả chục triệu để mua chỗ ngoài nghĩa trang. Như bên thôn Nội Tạ, không đủ tiền thì họ cứ mua đất giữ chỗ đã, khi nào có tiền mới xây tường bao quây quanh, có tiền nữa mới xây lăng đá, mộ đá. Chính quyền cấm ngày thì người ta chong đèn xây đêm nên nghĩa trang đã lan ra đến đường cái, vào sát nhà dân rồi”.
Dương Đình Tường
***
NN – Thứ Năm 23/03/2023 , 06:35 (GMT+7)
Đất của người chết bao vây đất của người sống
IV. Nghĩa trang lan rộng ra tận đường cái, vây quanh làng
Khách đến thôn Nội Tạ đều thấy lạ trước cảnh mồ mả lô nhô sát tận đường cái, nhà dân. Đêm ngủ lại lắm người còn không dám ra ngoài một mình vì… sợ ma.
I. Đua nhau an táng ở đất hai vua
II. Nơi có những khu mộ to như những ngôi biệt thự
III. Nơi có những khu mộ to như sân bay trực thăng
Thôn Nội Tạ, xã An Hòa, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng có 407 hộ, 1.350 khẩu nhưng sở hữu tới 6 điểm chôn cất từ xa xưa mà dân làng quen gọi là đống. Tất cả chúng đều hình thành trên đất nông nghiệp. Khi tôi hỏi về quy hoạch nghĩa trang, chỉ mấy phút sau ông Nguyễn Văn Đại – trưởng thôn đã huy động khá đầy đủ đại diện các ngành, hội của Nội Tạ đến nhà mình. Nghe chừng câu chuyện đã đến hồi gay cấn.
Ông giải thích, việc lộn xộn hiện nay là do cơ chế bởi cách đây 20 năm thôn cũng đã quy hoạch một nghĩa trang với diện tích 3 sào (mỗi sào 360m2) ở đống Miễu. Quá trình chôn cất nhiều năm sau, diện tích của nó đã hết, không còn chỗ nữa, khiến cho nhà nào có ruộng ở gần các đống thì tự chôn, nhà không có thì mua ruộng để chôn.

Trưởng thôn (phải) và Chi hội trưởng Chi hội người cao tuổi thôn Nội Tạ (trái) trước một khu mộ lớn của thôn. Ảnh: Dương Đình Tường.
Khởi xướng lên phong trào xây các nghĩa trang gia đình to, rộng bắt nguồn từ những người làng đi làm ăn xa về, có điều kiện kinh tế. 10 năm về trước, khu mộ gia đình nào to cũng chỉ cỡ 2 – 3 thước (mỗi thước 24m2), sau đó vì “con gà tức nhau tiếng gáy” mà mở rộng ra cỡ 3 – 4 thước, trong đó cỡ 20 ngôi hơn 100m2 (lớn nhất khoảng 200m2), còn 60 – 70m2 phải cỡ hàng trăm.
Nghị quyết của Đảng ủy xã, của Chi bộ thôn đều tuyên truyền thu hẹp mồ mả lại để dành diện tích đất cho canh tác nhưng cấm xây ngày thì họ xây đêm, nhiều khi phát hiện ra đã không thể làm gì được nữa. Ông A xây được thì ông B xây được. Ông B xây được thì ông C xây được. Cứ thế tạo thành một tiền lệ xấu cho cả làng, chẳng ai còn bảo được ai nữa.
Ông Nguyễn Xuân Lãi – chi hội trưởng Hội người cao tuổi của thôn thì thủng thẳng: “Người dân cứ nhìn những cán bộ, từ cấp to đến cấp nhỏ, nhiều người về hưu có tiền đã xây mộ sẵn cho mình lớn lắm nên họ tị, cứ thế mà học theo. Cán bộ phải đi tiên phong trong việc hỏa táng, xây mộ nhỏ thì dân mới nghe theo, chứ giữa lời nói và việc làm khác nhau thì họ chẳng nghe đâu. Ngay như chuyện mở đường nông thôn mới, dân cũng xem cán bộ có dám hy sinh, hiến đất của nhà mình không hay chỉ là cứ hô suông thôi. Dân bây giờ thông minh lắm rồi!

Trưởng thôn (trái) và Chi hội trưởng Chi hội người cao tuổi thôn Nội Tạ (phải) trong một khu mộ lớn của thôn. Ảnh: Dương Đình Tường.
Nhà này đua nhà kia, giờ nghĩa trang đã lan rộng ra đến đường cái, đến tận mép làng. Xưa, người ta kiêng đất của người sống chạm vào đất của người chết, nay cứ xây ào ào. Nếu không ngăn chặn tình trạng này đất của người sống mỗi ngày sẽ bị thu hẹp lại một cách nhanh chóng bởi giờ thôn mới có trên 100 hộ xây nghĩa trang gia đình, vẫn còn khoảng 200 hộ nữa chưa làm đâu.
Một số gia đình, ông anh có điều kiện kinh tế hô xây nghĩa trang gia đình thật to, thật rộng, các em nghèo nhưng cứ phải nghe theo. Thôn là cánh tay nối dài của chính quyền, khi phát hiện vi phạm chúng tôi cũng báo lên nhưng trên lại bất lực trước cách đánh “du kích” của dân. Họ đưa tiểu xuống trước, xây mộ xong mới xây quây tường bao, biến thành chuyện đã rồi”.
Tôi được trưởng thôn và chi hội trưởng Hội người cao tuổi thôn dẫn đi thực tế tình hình ngoài nghĩa trang. Nào phải đâu xa, nó ở ngay đầu cổng làng. Chiếc flycam nhấp nháy đèn nhưng tôi không thể ra lệnh cho nó cất cánh, bay lên được. Hỏi ra thì mới hay, chỉ cách Nội Tạ hơn km tính theo đường chim bay có một đơn vị quân đội. Bởi thế tôi phải từ bỏ ý định chụp không ảnh từ trên cao để xem mồ mả đang bao vây làng như thế nào.

Một mảnh ruộng đã bị xây quây lại để sẵn sàng đặt mộ. Ảnh: Dương Đình Tường.
Khá nhiều khu nghĩa trang gia đình ở đây được xây quây lại, kín cổng, cao tường, bên trong không có mộ hoặc chỉ có một hai ngôi rất nhỏ. Một số thì mới chỉ làm xong móng bằng gạch đỏ hay bằng ba banh. Chúng như những lưỡi dao lam khổng lồ, xén ngọt xớt qua cánh đồng, qua những thửa ruộng rau màu tốt tươi, lẹm sát vào các nhà dân, để lại trên thân thể của làng những vết thương vẫn ngày đêm rỉ máu.
“Chúng tôi là người cũng có tuổi rồi, nghĩa là cần “đất” nhất rồi nhưng nhìn thấy cảnh tượng này vẫn rất buồn. Chắc chắn rằng mai sau đất nông nghiệp sẽ bị thu hẹp, rồi đất ở của người sống cũng bị ảnh hưởng theo. Muốn giải quyết vấn đề này phải có kỷ cương, phải cắm mốc giới cho nghĩa trang, khoanh vùng nó lại. Chứ đằng này, nhiều khi chúng tôi phát hiện sai phạm, báo lên xã nhưng họ không xuống ngay, để người ta xây tường bao, chôn cát táng rồi mới tới, mà bới lên thì đánh nhau to”, ông Lãi buồn rầu bảo.

Chi hội trưởng Hội người cao tuổi của thôn Nội Tạ trước cổng một khu mộ. Ảnh: Dương Đình Tường.
Không xuất khẩu nông sản được vì đất có nhiều mồ mả
Tối hôm đó, tôi ngủ tại nhà ông Vũ Mạnh Kha – nguyên Chủ tịch UBND xã An Hòa để sáng hôm sau cùng đi tập thể dục. Mới dạo quanh sân vận động ngay sát làng thôi, đập vào mắt là cảnh mồ mả san sát, cả “xác ướt” (hung táng) lẫn “xác khô” (cát táng, hỏa táng). Khi tôi kể lại cảm giác đó, ông Kha trầm ngâm rồi trải lòng mình:
“Đã ba đời chủ tịch xã trong đó có tôi, gần 20 năm rồi mà An Hòa quy hoạch nghĩa trang nhưng không thực hiện được chú ạ. Không có quản trang nên nhà ai thích hướng nào, miếng đất nào thì tự chôn người thân xuống mảnh mình đã mua hay đã đổi. Có những trường hợp không chôn ở trong đất nghĩa trang đã quy hoạch mà cứ nghe lời thầy cúng, chôn ở ngay ruộng của nhà vì lý do “đất đẹp”.
Thời tôi còn làm chủ tịch xã, cách đây 5 năm đã nảy sinh chuyện người ta tranh đua nhau xây nghĩa trang gia đình rất lớn, dồn tất cả ông bà, bố mẹ vào một chỗ để khi tảo mộ, thắp hương không phải đi linh tinh nữa. Phần diện tích còn trống họ để dành chỗ chờ con, cháu vài thế hệ. Một suất đinh đóng góp xây nghĩa trang gia đình nếu to mà bằng bê tông trung bình phải 20 – 30 triệu, có điều kiện hơn thì 30 – 40 triệu, còn xây đá thường phải có người tài trợ vì rất tốn kém.

Ông Vũ Mạnh Kha – nguyên Chủ tịch UBND xã An Hòa: “Đã ba đời chủ tịch xã mà quy hoạch nghĩa trang nhưng không thực hiện được”. Ảnh: Dương Đình Tường.
Nhiều khi bố mẹ lúc đang còn sống đối xử không ra sao, nhà cửa để lụp xụp, ăn uống không chăm lo. Đến khi chết, nào bia đá, lăng đá, mộ đá tiền tỉ, cúng bái rầm rộ tốn từ vài chục triệu đến cả trăm triệu, voi giấy, ngựa giấy, máy bay giấy, ô tô giấy, giúp việc giấy… đốt đầy đồng. Quá lãng phí mà có khi ngay cả anh em khó khăn, vay mượn một vài đồng họ cũng chẳng cho, hay chuyện học hành của chính con cháu mình cũng chẳng thèm để ý tới.
Trong huyện Vĩnh Bảo này, hầu như địa phương nào tình hình cũng vậy, nó còn lan cả sang tỉnh bạn là Hải Dương. Chỉ một số xã nông thôn nâng cao, kiểu mẫu, đang “vào quy lát” thì đỡ hơn một chút, có quy hoạch nghĩa trang nhân dân nhưng việc quản lý, hướng dẫn vẫn còn lỏng lẻo.
Nếu có quy hoạch nghĩa trang mà không quản lý, không có quản trang thì mãi mãi tình hình vẫn vậy. Tôi nói với chú, nông thôn mình là dòng họ, là anh em, là ruột thịt. Khi có người ra khoanh một mảnh đất rồi chôn xuống đó một ngôi mộ là không thể đào lên, không thể đập đi được. Bởi hễ động vào là động tới cả bốn dòng họ gồm nội ngoại của vợ, nội ngoại của chồng. Bởi thế mà các ông trưởng thôn thường trốn tránh vì còn sống ở làng, các ông chủ tịch xã cũng thường hay ngại chuyện họ hàng, không đập. Mà không đập thì nó như thế thôi”.

Mồ mả đã tiến sát nhà dân ở thôn Nội Tạ. Ảnh: Dương Đình Tường.
“Tỷ lệ nhà có nghĩa trang gia đình của xã An Hòa ước khoảng trên 70% nhưng đã làm cán bộ thì không dám xây quây ra ruộng như dân đâu. Bản thân tôi hề không có nghĩa trang gia đình, không xây quây lại thành một khu riêng dù đang có 4 ngôi của các cụ”, ông Vũ Mạnh Kha – nguyên Chủ tịch UBND xã An Hòa.
Cũng theo ông Kha, việc để nghĩa trang phát triển một cách tự phát, để người dân xây mồ mả, chôn bừa bãi trên đất nông nghiệp hậu quả đã nhãn tiền, chứ không còn là điều xa xôi nữa. Cách đây 5 – 7 năm, khi biết có 2 dự án rau sạch muốn làm mấy chục ha nhà lưới để xuất khẩu, xã có giới thiệu cho Sở NN-PTNT Hải Phòng và các doanh nghiệp về cánh đồng An Lãng.
Nhưng sau khi khảo sát thực tế, đoàn đã từ chối thẳng thừng việc lập dự án ở đây vì có quá nhiều mộ. Ngay khu công nghiệp An Hòa trên địa bàn diện tích rộng 200ha, hình thành đã 15 năm nay nhưng không mấy doanh nghiệp nào dám vào một phần cũng bởi có vài trăm ngôi mộ vẫn còn nằm rải rác ở trong đó, không giải tỏa được.

Mồ mả ngay gần đường chính vào thôn Nội Tạ. Ảnh: Dương Đình Tường.
Đó là ảnh hưởng về kinh tế, còn về dân sinh cũng rất đáng lo. Theo quy định của nhà nước về nghĩa trang hung táng phải cách khu dân cư ít nhất 2.000m, nghĩa trang chôn cất một lần phải cách khu dân cư ít nhất 500m, nghĩa trang cát táng phải cách khu dân cư ít nhất 100m nhưng thực tế không thể thực hiện được. Mồ mả đã tiến sát đến nhà dân, trường học và các công trình công cộng. Mồ mả có thể đã ảnh hưởng đến cả nguồn nước ngầm hay nước mặt mà người dân đang sử dụng hàng ngày…
Trong khi hỏi đường tới xã Hiệp Hòa kế bên, người ta kể rằng ở đó chính quyền tổ chức các cuộc họp với hàng trăm chủ hộ, mời cả luật sư giảng về chuyên đề đất nghĩa trang mà không “dẹp loạn” được, khiến tôi tò mò muốn biết tình hình cụ thể.
Dương Đình Tường
NN – Thứ Sáu 24/03/2023 , 06:30 (GMT+7)
Đất của người chết bao vây đất của người sống
V. Nhiều hội nghị chuyên đề về nghĩa trang nhưng đất ngoài đồng vẫn mất
Anh cán bộ địa chính xã Hiệp Hòa, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng đưa tôi xem một tập thông báo xử lý vi phạm về việc xây nghĩa trang gia đình trên đất ruộng.
Bài liên quan
I. Đua nhau an táng ở đất hai vua
Trong đó ghi rõ: “Kể từ 14h ngày 29/3/2022 hộ ông N phải dừng và chấm dứt ngay việc đã tự ý xây quây mồ mả tại thửa đất số 715, tờ bản đồ số 15, diện tích 220m2 tại xứ đồng Miếu Gà thôn An Bảo, nguồn gốc là đất trồng lúa 95%. Hộ ông N buộc phải khắc phục ngay hậu quả do đã tự ý sử dụng đất sai mục đích và phải tự nguyện tháo dỡ toàn bộ công trình xây quây mồ mả trên thửa đất nêu trên, trả lại nguyên hiện trạng ban đầu.
Thời gian khắc phục, UBND xã giao cho Tổ công tác quản lý đất đai của xã phối hợp với Ban lãnh đạo thôn An Bảo tiếp tục quan tâm, theo dõi diến biến, nắm bắt tình hình, phát hiện nếu hộ ông N vẫn có hành vi cố tình xây dựng sẽ chỉ đạo xử lý theo pháp luật”.
Đã có 5 – 6 trường hợp bị xử lý như thế nhưng ông Nguyễn Quốc Thùy – Chủ tịch UBND xã Hiệp Hòa vẫn than: “Chỉ hạn chế được phần nào, chứ ngăn chặn tuyệt đối là khó vì có khi đêm người ta đã kịp đưa mộ xuống rồi, sáng ra đành chịu”.

Tập thông báo xử lý vi phạm về việc xây nghĩa trang gia đình trên đất ruộng do cán bộ địa chính xã Hiệp Hòa lưu giữ. Ảnh: Dương Đình Tường.
Bài liên quan
II. Nơi có những khu mộ to như những ngôi biệt thự
Cũng theo ông Thùy, xã có hơn 6.000 dân với 7 thôn, xóm và 5 nghĩa trang. Năm 2012 địa phương bắt đầu chương trình nông thôn mới, có quy hoạch một nghĩa trang chung rộng 4ha nhưng khi đưa ra ý kiến người dân không nhận được sự chấp thuận vì truyền thống đã an táng ở các nghĩa trang cũ ở gần, nay phải di rời mồ mả về một điểm xa sẽ khó thăm nom.
Trong khi đó, các nghĩa trang cũ hiện hữu nằm rải khắp đồng không giải phóng được để tập trung cho đất sản xuất đã đành, mà quy hoạch vào đấy để mở rộng ra cũng không xong bởi quy định về khoảng cách với khu dân cư không đảm bảo. Chúng thường ở ngay ven làng. Phần diện tích còn trống, xen kẹt ở các nghĩa trang này đang bị người dân xây bao chiếm khiến cho xã rất khó quản lý:
“Hiện tượng xây quây lại một khu đất để làm nghĩa trang gia đình là điều không thể tránh khỏi, kể cả xây trên đất nông nghiệp 95% đã giao cho hộ sử dụng lâu dài. Nhưng diện tích vi phạm ở đây cũng không quá rộng, trung bình chỉ khoảng vài chục m2 và chúng tôi cũng có nhiều động thái để ngăn chặn.

Mồ mả lấn vào đất ruộng, tiến đến sát nhà dân ở thôn An Bảo. Ảnh: Dương Đình Tường.
Bài liên quan
III. Nơi có những khu mộ to như sân bay trực thăng
Thứ nhất là trong các hội nghị của đảng, chính quyền, đoàn thể của xã, thôn đều quán triệt vấn đề này. Thứ hai là xã mời đơn vị tư vấn pháp lý đến hội trường mỗi năm ít nhất một lần để nói chuyện về chuyên đề quản lý đất đai, trong đó nhấn mạnh những vi phạm liên quan đất nghĩa trang. Mỗi cuộc như thế chúng tôi thường mời trên 100 đại diện hộ, năm nay cũng đã cho đăng ký rồi. Nhiều người dân rất quan tâm dù hội nghị không hề có chi kinh phí.
Thứ ba là xã đã ban hành các thông báo, hướng dẫn, đôn đốc việc thực hiện quản lý đất đai; thành lập tổ công tác chuyên về quản lý đất đai với thành phần có cả công an tham gia để ngăn chặn, cưỡng chế, tháo dỡ, xử phạt các vi phạm. Thôn An Bảo tình hình đang phức tạp nhất, có những khu mộ rộng tới 200m2.
Theo thống kê xã đang có 4,94ha đất nghĩa trang nhưng thực tế lớn hơn thế. Quy định của Nhà nước (Nghị định 23 năm 2016 về xây dựng, quản lý, sử dụng nghĩa trang trong đó mộ hung táng và chôn cất một lần tối đa không quá 5m2, mộ cát táng tối đa không quá 3m2), hung táng thì thực hiện được vì công tác quản trang của các thôn khá tốt, còn cát táng trong khu nghĩa trang có quy hoạch đã dần vào nề nếp, nhưng khu ngoài đang rất vướng. Cán bộ xã chúng tôi gương mẫu, không có trường hợp nào xây nghĩa trang gia đình quá lớn nhưng đảng viên thì cũng có người thấy bà con làm thì làm theo”.

Ông Nguyễn Quốc Thùy – Chủ tịch UBND xã Hiệp Hòa đang chỉ vào vị trí những nghĩa trang trên bản đồ. Ảnh: Dương Đình Tường.
“Trong các hội nghị cũng như trong các văn bản chỉ đạo tôi luôn nói, nếu cứ tự ý mở rộng nghĩa trang ra thế này thì người sống ở ít mà người chết ở nhiều, rất lãng phí”, ông Nguyễn Quốc Thùy – Chủ tịch UBND xã Hiệp Hòa.
Điều băn khoăn của xã nông thôn mới kiểu mẫu
Vợ chồng anh Nguyễn Đức Vương người thôn An Bảo đang cặm cụi trồng dưa trên khoảnh đất nửa sào của đứa cháu bỏ lại, thấy tôi lúi húi cạnh nghĩa trang gia đình mình liền tiến lại. Anh giới thiệu, đây là ruộng của nhà, xưa đã có 4 ngôi mộ, giờ thêm 4 ngôi nữa nên mới xây quây với diện tích khoảng 80 – 90m2. Không như những nghĩa trang gia đình gần đó, trước đây gần như là không có mộ.
“Nói gì thì nói xây như thế này vẫn mất đi một phần đất nông nghiệp nhưng thực tế hiện nay phần đất bỏ hoang còn nhiều hơn thế nhiều. Khu này còn ít, chứ khu trên đống Cao đất hoang mênh mông, cây mọc lên rậm như rừng, rất lắm chuột bọ. Làm nông nghiệp giờ không đảm bảo thu nhập nhưng cũng chẳng lo thiếu lương thực đâu. Mỗi ngày khoa học càng phát triển, năng suất ngày càng cao, nhà tôi cấy 3 sào đủ ăn cả năm chứ trước kia cấy hàng mẫu vẫn còn đói”.
Các khu nghĩa trang gia đình xây rất lớn trên đất ruộng và nghĩa trang thôn An Bảo đang mở rộng ra cánh đồng. Clip: Dương Đình Tường.
Bài liên quan
IV. Nghĩa trang lan rộng ra tận đường cái, vây quanh làng
Từ khu mộ gia đình của ông Vương, tôi cho chiếc flycam cất cánh. Loang loáng trên màn hình hiển thị là những ruộng rau màu xanh mát mắt bị xen kẽ với những khu nghĩa trang gia đình màu xám xịt của bê tông hay gạch, đá ốp. Cái được xây kiên cố với tường bao cao ngang ngực, cái thì chỉ vài hàng gạch vôi thấp lè tè, tạm bợ. Có khoảng hơn 10 khu xây quây như thế trên đất nông nghiệp của làng, nhiều cái đã vào sát nhà dân, độ vài chục bước chân là chạm.
Chỉ cách đó vài trăm mét là nghĩa trang của thôn cũng đang mở rộng ra đồng một cách nhanh chóng. Tôi thấy thấp thoáng bóng những nông dân đang còng lưng làm cỏ lúa hay cỏ rau dưới bóng đổ từ những khu mộ cao to chẳng kém gì một ngôi nhà. Lắm cái trong khuôn viên còn trồng thêm vô số cây xanh, thảm cỏ, tiểu cảnh, trải đá làm lối đi giống như khu resort. Nhiều khu rộng tới 100 – 200m2 nhưng chỉ có 1 – 2 ngôi mộ, còn lại diện tích đất trống là dành để chờ cho nhiều thế hệ.

Bà Nguyễn Thị Hồng – trưởng thôn An Bảo luồn lách trên những lối đi trong nghĩa trang làng. Ảnh: Dương Đình Tường.
Bà Nguyễn Thị Hồng – trưởng thôn An Bảo luồn lách một cách khó khăn trên những lối đi ngoằn nghèo tựa như mê cung trong nghĩa trang làng rồi giải thích rằng: Thực ra người dân cũng không muốn để xảy ra tình trạng này đâu. Ngặt nỗi ngày xưa đất đã chia hết cho dân mà lại chẳng thèm bớt lại một phần để quy hoạch nghĩa trang.
Chỗ cát táng không cụ thể, do đó người dân cứ ruộng của nhà ai thì nhà đó chôn cất, xây mộ, có khu xây quây tới 1 sào (360m2). Nếu không làm quyết liệt, chỉ một thời gian nữa tất cả các ruộng tốt cũng sẽ dần hết. Lắm gia đình, lúc bố mẹ ốm đau thì anh em còn tị nhau chăm sóc đến nỗi xảy cãi vã nhưng khi bố mẹ chết rồi thì xây mồ rõ to, rõ đẹp.
Hiện UBND xã cũng đang quyết liệt trong việc “dẹp loạn” tình trạng mồ mả chôn linh tinh trên đất nông nghiệp. Mùa sang cát hay xây mồ xã vẫn cử đoàn cán bộ ủy ban cùng địa chính xuống kết hợp với thôn, thấy những khu xây quây mới với mộ giả bên trong hay đang dự kiến chôn là giải tỏa.

Một khu nghĩa trang gia đình xây quây rất lớn ở nghĩa trang thôn An Bảo. Ảnh: Dương Đình Tường.
“Người ta mua được mảnh ruộng thường xây quây vào, đắp đất hình ngôi mộ, đặt bát hương rồi thắp hương lên. Làm sao chúng tôi biết được mộ giả? Là bởi nhà ai có cha chú đưa về, dù đêm hôm đi chăng nữa cũng phải mời xóm làng, anh em, họ hàng. Người này nói, người kia nói là cả làng đều biết. Không có những việc như thế thì xác định luôn mộ giả, không cần phải xăm đất để thăm dò làm gì. Năm ngoái dịch Covid 19 nên người ta không sang cát được mấy, năm nay làm rất nhiều. Riêng thôn tôi đã giải tỏa 6 – 7 trường hợp xây quây trái phép như thế”, bà Hồng nói.
Cũng theo bà trưởng thôn, khu mộ đắt nhất của An Bảo vào khoảng 500 – 600 triệu, còn khu mộ rộng nhất vào khoảng 200m2, thực sự vẫn còn khiêm tốn so với bên thôn Hạ Đồng, Thượng Đồng của xã An Hòa kề bên: “Ngày xưa mồ mả ở rất xa, giờ đã tiến vào sát làng, vừa ảnh hưởng đến môi trường, mỹ quan vừa tốn đất. Tôi sợ cứ tình trạng này con cháu sau này muốn làm nông nghiệp cũng không còn ruộng nữa mà làm. Không chỉ có thế, các công ty, xí nghiệp về đây khảo sát để mở nhà máy, tạo công ăn việc làm tại chỗ cho dân làng nhưng họ thấy mồ mả linh tinh thế này đều đã bỏ đi hết.

Một khu mộ rất lớn ở nghĩa trang thôn An Bảo. Ảnh: Dương Đình Tường.
Những nhà đã chôn cất, xây mộ trên ruộng là chuyện lịch sử đã qua rồi, không thể làm lại được nữa nhưng tôi mong muốn Nhà nước, thành phố và huyện quan tâm đến việc quy hoạch nghĩa trang nhân dân và quản lý thật chặt. Xã tôi xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu thì càng phải có chỗ hung táng, cát táng sao cho đảm bảo vệ sinh và đẹp đẽ, gọn gàng. Ở trong đó, mộ hung táng không được quá 5m2, mộ cát táng không quá 3m2 theo đúng quy định của Nhà nước. Nếu quy hoạch được nghĩa trang chung như thế thì tôi tin rằng người dân sẽ dần chấp hành tốt thôi”…
Cách Vĩnh Bảo một con sông, qua cây cầu Nghìn là tỉnh Thái Bình, quê lúa. Tôi nghe nói ở đó, mươi năm trở lại đây, kể từ khi có chương trình nông thôn mới, việc quản lý nghĩa trang nhân dân thuộc vào loại tốt nhất nhì miền Bắc nên mới tò mò vượt sông.
“Chúng tôi hay được người dân báo rằng, mới đây ông A mua miếng đất của ông B, đã đắp lên hai cái mộ giả để chuẩn bị sang năm sang cát cho bố mẹ là đưa về đấy. Thế là thôn báo xã rồi cùng tổ chức ngăn chặn”, bà Nguyễn Thị Hồng – trưởng thôn An Bảo.
Dương Đình Tường
***
NN – Thứ Hai 27/03/2023 , 08:07 (GMT+7)
Đất của người chết bao vây đất của người sống
VI. Bi hài chuyện cưỡng chế ‘nhà của người chết’
Chưa vào cuộc họp, đang uống nước thì bà ấy đập chân, đập tay, mắt long lên sòng sọc, quát: ‘Chúng mày không được phá mộ của tao, nếu cố phá sẽ chết với tao’.
I. Đua nhau an táng ở đất hai vua
II. Nơi có những khu mộ to như những ngôi biệt thự
III. Nơi có những khu mộ to như sân bay trực thăng
IV. Nghĩa trang lan rộng ra tận đường cái, vây quanh làng
V. Nhiều hội nghị chuyên đề về nghĩa trang nhưng đất ngoài đồng vẫn mất
“Hồn” của con “nhập” vào mẹ để cảnh cáo cán bộ
“Giọng của bà lúc ấy đồng bóng nghe không ra nam hay nữ. Nói một hồi thì người bà cứng ra, ngửa cổ, mắt mở trừng trừng lên trên trần, toàn là lòng trắng. Chúng tôi cho Chủ tịch Hội phụ nữ xã vào động viên cũng không thấy tỉnh nên mấy người mới cùng khiêng lên Trạm Y tế. Hôm đó cuộc họp không thành công, đành phải ra về. Cuộc thứ hai, chúng tôi mời ông chồng lên. Cuộc thứ ba, chúng tôi mời cả anh em họ hàng lên, mọi người đều nhất trí với quan điểm xử lý của địa phương”.
Anh Nguyễn Duy Trìu – cán bộ văn hóa xã An Quý, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình kể về chuyện giải tỏa khu mộ xây quây rộng quá quy định mà nghe kịch tính như phim hành động của Hollywood. Đó là một trường hợp chuẩn bị làm “nhà” cho người con trai không may mất sớm, đã sắp tới kỳ bốc mộ, sang cát.
Khi gia đình đổ đất ngoài nghĩa trang làng, trưởng thôn không để ý nên khi họ xây quây ra quá diện tích (Theo quy định của Nghị định 23 năm 2016 của Chính phủ mỗi ngôi mộ cát táng không được quá 3m2 nhưng họ xây quây khoảng hơn 10m2) thì sự đã rồi. Móng đã xong, cái lồng (lăng đá) cũng đã được dựng lên chuẩn bị sẵn sàng đưa tiểu của con mình xuống để chôn thì xã mới phát hiện ra, mời gia đình lên hội trường UBND để cùng phối hợp với thôn và các ban ngành, đoàn thể, vận động tự nguyện tháo dỡ.

Nghĩa trang cũ của làng Sài dù chật chội vẫn có nhiều khoảnh đất còn bỏ trống trong các khu mộ được xây quây trái phép. Ảnh: Dương Đình Tường.
Vậy là xảy ra chuyện “hồn” của người con “nhập” vào bà mẹ để cảnh cáo cán bộ xã nào dám phá mộ của mình. “Sau nhiều cuộc họp thuyết phục có tình, có lý, cuối cùng gia đình cũng hiểu, nhận lỗi trước UBND xã và hứa sẽ tháo dỡ khu mộ xây quây trái phép. Nhưng họ cứ lần lữa, hẹn ngày này đẹp, ngày kia đẹp. Chúng tôi nhận định nếu họ đã đưa tiểu xuống chôn rồi thì rất khó xử lý nên vận động gia đình đã thống nhất, xã sẽ cùng với họ xuống làm một cái lễ rồi chung tay tháo dỡ.
Bản thân tôi cùng với Chủ tịch UBND xã, công chức địa chính xã và đại diện các ban ngành, đoàn thể cầm búa ra làm trực tiếp luôn. Các cán bộ đập, còn gia đình họ đứng đấy, chứng kiến rồi tham gia gom, nhặt gạch, vữa gọn vào một chỗ.
Nếu đúng ra, trường hợp này là phải cưỡng chế, xã thuê máy móc về, gia đình phải trả công nhưng chúng tôi gọi là cùng tháo dỡ cho nó tình cảm. Địa phương không muốn thuê máy móc đến phá bởi còn đang động viên gia đình, bởi chúng tôi làm cán bộ ủy ban nhưng về làng, có khi những người vi phạm kia cũng là họ hàng của mình.
Trước đây, có một trường hợp xây quây khu mộ rộng mấy chục m2 cũng ở nghĩa trang ấy, xã đã cho máy múc xuống phá. Sau khi cưỡng chế như thế, gia đình họ trách xã làm máy móc, không tình cảm nên chúng tôi rút kinh nghiệm không thuê máy để phá dỡ vi phạm kiểu này nữa. Vả lại khi thuê máy nhiều người cũng không dám phá đâu, bởi được trả công nhưng về sau ngại chạm mặt với người chủ khu mộ, lại mang tiếng là tham tiền”, anh Trìu giải thích.

Một người dân đang pha thuốc sâu bên cạnh những khu mộ lớn ở nghĩa trang cũ của làng Sài. Ảnh: Dương Đình Tường.
Người sống tại xã An Quý đang có 45ha đất ở, nhưng người chết chỉ có 4,5ha đất nghĩa trang, trong đó lại xảy ra không ít trường hợp bao chiếm, xây quây to nên diện tích còn lại ít, chật đến mức địa phương này liên tục đề nghị mở rộng nhưng không được chấp nhận.
Ông Nguyễn Văn Đương – Chủ tịch UBND xã cho biết xấp xỉ 5.000 nhân khẩu đang sinh sống ở trong 4 thôn gồm Mỹ, Sài, Lai Ổn, Mai Trang. Xưa hầu như mỗi làng có 1 nghĩa trang, nay làng của người sống đã sáp nhập thành thôn nhưng “làng của người chết” vẫn còn nguyên 5 nghĩa trang như cũ. Đặc điểm chung của chúng là nằm trên quỹ đất công, mồ mả xây dựng rất lộn xộn, không hiếm tình trạng bao chiếm, nhận phần cho gia đình, dòng họ một mảnh riêng từ chục m2 đến vài chục m2.
Từ năm 2016, xã bắt đầu chương trình xây dựng nông thôn mới, có quy hoạch một nghĩa trang chung rộng 5.000m2, quyết định đóng cửa 4 nghĩa trang cũ và tiếp tục sử dụng, mở rộng nghĩa trang của thôn Lai Ổn. Ở khu nghĩa trang mới đã chia hai phần hung táng và cát táng rõ ràng. Phần hung táng làm được theo hàng lối, mộ cách mộ, hàng cách hàng, chiều dài, rộng, cao khá đều nhau nhưng ở phần cát táng thì vẫn tồn tại hiện tượng xây mồ to, mả rộng…
Đất đai vốn dĩ đã phức tạp mà liên quan đến tâm linh lại càng phức tạp hơn nữa. Diện tích đất ở các nghĩa trang cũ bị người ta xí, nhận phần, có khi nhà khác vừa bốc mộ lên, nhà chôn ở gần liền thừa cơ hội mở rộng bằng cách phá bờ bao cũ, xây lấn ra.

Ông Kiều chỉ các khu mộ xây quây rộng ở nghĩa trang mới của làng Sài, đã bị xã đập giờ cỏ mọc um tùm. Ảnh: Dương Đình Tường.
Chiếc ghế “nóng” nhất
Ở xã bây giờ, chiếc ghế “nóng” nhất là địa chính. Trong khi nhiều vị trí khác có thể không bị luân chuyển nhưng địa chính luôn được đảo từ xã này sang xã khác để tránh những rắc rối do quen biết thân sơ, họ hàng. Địa chính cho đất người sống còn có sổ đỏ làm bằng, địa chính cho đất của người chết có khi chẳng biết lấy cái gì để mà bám víu nên ra đụng, vào chạm suốt.
Tôi theo chân anh Nguyễn Văn Vưỡng – cán bộ địa chính mới được luân chuyển về xã An Quý để đi thực tế ở nghĩa trang làng Sài. Nó nằm sát đường nhựa, mật độ mồ mả dày đặc đến nỗi nhiều cái không hề có lối đi vào, nhưng ngược lại, không ít khu vẫn còn trống. Tuy nhiên chúng chẳng hề vô chủ mà đã được xí phần, xây tường bao vây quanh, bên trong cỏ mọc xanh rì.
Ông Nguyễn Công Bình – một người gốc của làng cho biết, sở dĩ đống Gốc Quýt (tên của nghĩa trang thôn – PV) có nhiều ngôi mộ to là do ở sát mép đường, khi sang cát cho các cụ gia đình đã bao chiếm thêm phần đất lưu không hay phần dành để làm đường. Chính vì vậy, gây nên tình trạng những ngôi mộ bên trong không có lối đi vào, khi con cháu đến thắp hương phải trèo cả lên đầu các “cụ” (các ngôi mộ khác).
Từng làm trưởng thôn Lai Ổn trong suốt 20 năm liền, ông chứng kiến cảnh trước đây người ta tranh nhau từng tí đất một để canh tác. Nhưng giờ thanh niên đi ra ngoài làm công nhân hết, ở làng chỉ có ông bà già và đàn cháu nhỏ khiến cho việc cày cấy rất khó. Thêm vào đó, giá bán thóc thì rẻ mà giá thuê nhân công, mua vật tư nông nghiệp thì cao, nạn chuột bọ phá hoại nên người ta dần chán, bỏ ruộng. Nhưng mảnh đất ở ngoài nghĩa trang để chuẩn bị xây cho mình một ngôi mộ ngay từ khi còn đang sống thì không người nào chán cả.
Tôi ra nghĩa trang mới của làng Sài. Những tảng vữa còn khá mới vẫn còn nằm ngổn ngang trên phần đất xây quây trái phép bị đập của bà bị “vong” con trai “nhập” rồi ngất ngay ở hội trường UBND xã. Cạnh đó, một khoảnh đất lớn hơn nhiều đã xây quây, cỏ mọc tốt um, do bị xã tháo dỡ trước đó, giờ chỉ còn lại cái móng gạch.

Bãi rác sát nghĩa trang mới của làng Sài thường bị đốt như thế này. Ảnh: Dương Đình Tường.
Ông Nguyễn Đức Kiều người làng bảo với tôi rằng năm nay mình đã 70 tuổi, cũng nghĩ đến chuyện phải lo một suất đất ngoài nghĩa trang, nhưng không làm sao lo nổi khi người ta cứ lấn chiếm như vậy.
“Ở nghĩa trang cũ, những người có tiền hay làm to đã bao chiếm hết đất, giờ thể không làm gì được nữa bởi họ đã đặt mộ xuống đó rồi, phần còn trống thì chờ để dành cho con cháu đặt sau này. Khi khu nghĩa trang cũ chật, mới hình thành nên nghĩa trang này nhưng vẫn còn xảy ra tình trạng bao chiếm. Đây là phần đất đã nhận rồi, đã đặt một ngôi xuống rồi, còn đây là phần mới xây quây để chờ thế hệ tiếp. Theo tôi xã mạnh tay phá những khu xây quây trái phép là đúng”, ông Kiều chia sẻ.
“Không nên để bãi rác sát nghĩa trang thế này, rất bẩn thỉu đã đành, khói đốt rác ngày đêm còn bốc lên gây ô nhiễm cho cả người sống khi ra làm ruộng hay đến thắp hương lẫn ô uế cho cả người chết”, ông Nguyễn Đức Kiều bức xúc.
Nghĩa trang trước cánh đồng thôn La Vân, xã Quỳnh Hồng, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình chỉ cách một con đường và mấy thửa ruộng là làng. Góc nhìn chéo từ trên cao của flycam đã cho thấy nó đang chiếm diện tích rất lớn và dần trở nên gần cân đối với không gian của những người đang sống ở trong thôn. Lướt qua mắt tôi là những khu mộ xây quây nhận phần, xí chỗ rộng, những lăng xi măng hay đá cao lớn với cái mái uốn cong…
Nghĩa trang trước cánh đồng thôn La vân, xã Quỳnh Hồng đang ngày một lớn. Clip: Dương Đình Tường.
Theo ông Phạm Hồng Vương – Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình, ở các khu nghĩa trang cũ thì chấp nhận hiện trạng lộn xộn, nhưng ở các khu mới phải dần đi vào nề nếp. Theo tiêu chí của chương trình nông thôn mới, mỗi xã quy hoạch 1 – 3 điểm nghĩa trang tập trung cho nhu cầu từ 2 – 3 thôn trở lên.
Việc quy hoạch và làm các thủ tục đất, đảm bảo vệ sinh môi trường thuộc về thẩm quyền của phòng nếu đó là đất ruộng, cần giải phóng mặt bằng, xin phép tỉnh. Việc quản lý nghĩa trang thuộc về Chủ tịch UBND xã. Việc xây mộ theo quy định thuộc về ngành văn hóa trong thực hiện nếp sống văn hóa , cụ thể mộ hung táng không quá 5m2, cát táng không quá 3m2 (Nghị định 23, năm 2016). Hiện diện tích đất nghĩa trang của huyện năm 2021 là 207,6ha, nhu cầu quy hoạch đến năm 2030 là 299,7ha, trong khi đó đất ở cho người sống là 1.512,4ha, quy hoạch đến năm 2030 là 1.944,3ha.

Nghĩa trang trước cánh đồng thôn La Vân, xã Quỳnh Hồng đang ngày một lớn. Ảnh: Dương Đình Tường.
“Chúng tôi muốn xã hội hóa nghĩa trang nhân dân, kêu gọi nhà đầu tư vào kinh doanh lĩnh vực này để quy hoạch gọn gàng, xây tường bao, làm đường đi, sơ đồ mộ chí, phân lô rồi bán như các khu đô thị của người mất vậy. Sở Xây dựng tham mưu tỉnh ra Chỉ thị về khu dân cư kiểu mẫu đi liền với nghĩa trang nhân dân kiểu mẫu, nhưng đều khó. Người dân có tâm lý là phải thông qua chủ đầu tư mới được chôn nên ngại, nhưng đổi lại chủ đầu tư phải có trách nhiệm quản lý, duy tu nghĩa trang đến muôn đời sau. 37 xã, thị trấn trong huyện nhưng chưa một nơi nào làm được như thế cả”, ông Vương cho biết.
Liên quan đến chủ đề nghĩa trang, tôi được nghe chuyện người dân ở một xã tại huyện Đông Hưng, Thái Bình còn kề dao vào cổ cán bộ địa chính, định xin tí máu vì dám can ngăn họ xây dựng tường bao nghĩa trang gia đình, tôi quyết sang để tìm hiểu thực hư.
Dương Đình Tường
***
NN – Thứ Ba 28/03/2023 , 07:54 (GMT+7)
Đất của người chết bao vây đất của người sống
VII. Địa chính xã bị dí dao vì nhắc xây tường bao khu mộ
Ở nghĩa trang thôn, họ đang cải tạo lại khuôn viên khu mộ, chị Lan xuống nhắc nhở không được lấn ra dòng chảy thủy lợi liền bị cầm dao đe: “Tao chém chết mày”.
I. Đua nhau an táng ở đất hai vua
II. Nơi có những khu mộ to như những ngôi biệt thự
III. Nơi có những khu mộ to như sân bay trực thăng
IV. Nghĩa trang lan rộng ra tận đường cái, vây quanh làng
Bị đe dọa, chửi bới là chuyện thường
“Họ còn định đánh, định tát chị nữa cơ, may có đoàn công tác của UBND xã đến kịp để can ngăn. Còn chuyện người dân cho chúng tôi “ăn tiết canh” là rất thường xuyên (tức câu chửi bậy, ăn máu này, máu nọ – PV). Tôi với đồng chí Lan nhiều khi cũng cảm thấy rất khó khăn, vất vả khi phải đương đầu với những vấn đề đất đai ở nghĩa trang”, anh Nguyễn Đình Mạnh – Phó Chủ tịch UBND xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình kể trước khi chị Nguyễn Thị Lan – cán bộ địa chính xã dẫn tôi ra thực địa.
Chiếc flycam cất cánh, bốc thẳng lên trời. Bay trên nghĩa trang Bắc Lạng cho tôi một cảm giác như bay trên một ngôi làng giàu có với “nhà cửa” san sát, mái ngói đỏ au hay là mái đá xanh xám cao hai, ba tầng lầu. Những ngôi mộ cứ trùng trùng, điệp điệp nối tiếp nhau như thế, khoe lên trời xanh những hoa văn được các nghệ nhân đục, chạm, khắc trên đá rất công phu, tỉ mỉ.
Clip nhìn từ trên cao nghĩa trang Bắc Lạng. Clip: Dương Đình Tường.
Lắm cái còn dựng cả cổng hai bên trang hoàng hoành phi câu đối, phía trước trồng những hàng cây đại hay cây cau làm cảnh, nhưng nhiều khu vẫn chỉ là đất hoang, cỏ bên trong mọc xanh rì. Cạnh nghĩa trang, sát với khu hung táng là bãi rác của xã Phong Châu ngày đêm nghi ngút những cụm khói độc bốc lên tựa như đám mây đen của một ngày giông bão.
Chị Lan cho biết, năm 2015 khi xây dựng nông thôn mới địa phương đã kiên quyết đóng cửa 2 nghĩa trang cũ là các gò, đống không đủ theo tiêu chí nên giờ chỉ có 2 cái là nghĩa trang Bắc Lạng và Đà Giang. Việc xây quây thành các khu mộ gia đình diễn ra mạnh dăm bảy năm về trước, trên phần đất nguồn gốc gồm cả của công lẫn của dân. Mỗi khu xây quây như thế rộng trung bình 30 – 40m2, một số 50 – 70m2, thậm chí xấp xỉ 100m2, phần đã đặt mộ, phần còn trống để giữ chỗ chờ cho nhiều đời con cháu trong gia đình hay dòng họ.
Theo quy hoạch, nghĩa trang Bắc Lạng rộng 3ha nhưng thực tế hiện khoảng 5ha hoặc 6ha, còn nghĩa trang Đà Giang quy hoạch 1ha, thực tế rộng hơn 2ha. Việc quản lý là rất khó khăn bởi cán bộ làm trong giờ hành chính nhưng dân thì lén xây vào thứ bảy, chủ nhật, thậm chí cả ban đêm.

Một khu mộ đá ở nghĩa trang Bắc Lạng. Ảnh: Dương Đình Tường.
“Thuê công thợ đêm trả cao gấp rưỡi, gấp đôi ban ngày, cứ soi đèn mà xây. Giờ có dịch vụ bê tông tươi, chỉ đổ một tí buổi đêm là xong móng. Họ lấn từng bước một, khi chuyển từ khu hung táng sang, đặt tiểu xuống họ không xây quây ngay mà đợi yên yên rồi mới hoàn thiện thành khu nghĩa trang gia đình.
Xây thủ công thì lâu, sợ chính quyền đến lập biên bản, xử phạt, nên họ chỉ làm móng xong rồi lắp ráp đá. Những khu lăng mộ lớn bằng đá chuyển từ Ninh Bình sang tuy đắt tiền nhưng hoàn thiện rất nhanh. Xã làm barie ở đầu con đường mới dẫn vào nghĩa trang để chặn xe quá tải, có những cái chở tới vài chục tấn đá thì người dân lại cho rằng chúng tôi đang gây khó khăn.
Nguyên Xá có 461ha đất tự nhiên, trong đó đất ở 38ha, đất nghĩa trang 10ha. Quản lý đất của người chết khó hơn đất của người sống nhiều, bởi khi một ngôi mộ được đặt xuống, dù là trái phép mà cưỡng chế là không thể. Trong khi đó, đất nông nghiệp mà xây dựng nhà ở trái phép thì chính quyền đập luôn được”, chị Lan cho biết.
Cán bộ xã về cơ bản chấp hành tốt các quy định, nhưng người dân vẫn còn có tình trạng bao chiếm đất, xây quây khu mộ của gia đình rộng.

Những khu mộ vây tường bao rất rộng. Ảnh: Dương Đình Tường.
Người sống có gì, người chết có nấy
Ở trong làng phân hóa giàu nghèo của mỗi gia đình thế nào thì ra nghĩa trang hệt như thế. Cách đây ngót 20 năm, hồi kinh tế còn eo hẹp thì Nguyên Xá đã có phong trào “bán lúa non lấy tiền xây mộ”. Nay đời sống phát triển, nhiều nhà đua nhau dựng lăng đá, mộ đá, nghĩa trang gia đình bằng đá, cái xây sau thường không chịu kém cạnh cái xây trước. Trong khi nhiều hộ xây quây được một khu rộng mênh mông thì vẫn có những nhà chậm chân thành ra không có đất, khi người thân khuất núi đành phải làm đơn để xin xã.
Anh Nguyễn Đình Mạnh cho biết làng Nguyễn quê mình là cái nôi sản xuất bánh kẹo với khoảng trên 200 hộ làm nghề. Một phần nhờ đó mà tổng giá trị sản xuất tất cả các ngành nghề năm 2022 của xã ước đạt trên 900 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt 64 triệu. Khi thế hệ con cháu làm ăn phát đạt đều chăm lo tới chuyện tâm linh của các cụ. Những khu mộ xây to, chưa đúng quy định hầu hết là của các gia đình hay dòng họ huy động đóng góp theo đầu đinh, đặc biệt là ở Bắc Lạng:

Anh Nguyễn Đình Mạnh – Phó Chủ tịch UBND xã Nguyên Xá
“Khi thôn phát hiện ra sai phạm, báo cho UBND xã, chúng tôi thành lập ngay đoàn đoàn công tác gồm địa chính, công an, quân sự, tổng cộng 5 – 7 người cộng với trưởng thôn, bí thư thôn đến để lập biên bản vi phạm, đình chỉ. Nhưng có những người dân cố tình không hiểu, bảo rằng họ đã mua đất thì được phép xây. Từ tháng 8 âm lịch đến tháng 1 – 2 năm sau là thời gian chúng tôi bận rộn nhất.
Như cán bộ địa chính đang còn con nhỏ mà thứ bảy, chủ nhật khi có việc khẩn vẫn phải gửi sang bà, vẫn nguyên quần áo ở nhà chỉ khoác tạm áo chống nắng là đi. Mồng 1, mồng 2 vẫn bị ăn chửi, bị đe dọa là chuyện thường. Vất vả quá nên đồng chí ấy xin chuyển sang lĩnh vực khác nhưng chưa được đồng ý.
Do xã làm mạnh, xử phạt hành chính một số trường hợp nên từ năm 2019 – 2020 đã bắt đầu ngăn được việc xây khu mộ lấn rộng ra. Tình hình bây giờ nói chung tạm ổn, không phát sinh thêm những cái mới.

Không ảnh nghĩa trang Bắc Lạng nhìn từ trên cao. Ảnh: Dương Đình Tường.
“Việc tham mưu của cán bộ chuyên môn rất tốt, xã chỉ đạo đúng nghị quyết, chủ trương, cơ sở thôn vào cuộc nhưng một số người dân cố tình không hiểu”, anh Nguyễn Đình Mạnh – Phó Chủ tịch UBND xã Nguyên Xá.
Vấn đề liên quan đến tâm linh nhiều khi chúng tôi rất khó xử lý. Khi họ đặt một ngôi mộ, để một bát hương xuống là không thể làm gì được nữa. Có thể họ đã đưa mộ giả, đặt tiểu giả, thắp hương giả đấy nhưng chúng tôi cũng không xác định được chắc chắn việc đó là có hay không nên không dám cưỡng chế. Mỗi nghĩa trang hiện có một quản trang nhưng do không có chế độ gì nên hiệu quả công việc còn hạn chế.
Những năm trước, lãnh đạo địa phương đã có ý tưởng hỗ trợ 1 triệu/ca hỏa táng để giảm tải diện tích đất chôn cất. Bởi xã không có kinh phí nên phải huy động nhà tài trợ, thực hiện được 1 – 2 năm rồi họ lại thôi. Bài toán nan giải của chúng tôi là có 8.000 dân mà chỉ có 2 nghĩa trang được quy hoạch, quỹ đất rất hạn chế.
Chúng tôi phải động viên, tuyên truyền trong đội ngũ cán bộ, đảng viên khi có người thân qua đời nên hỏa táng để tiết kiệm đất. Như vợ nguyên Bí thư thôn Đà Giang bị đột tử đã được đưa đi hỏa táng là một ví dụ. Dù trên mạng xã hội vẫn đưa tin nơi này nơi kia xây mộ to chúng tôi cũng không để ý. Đất không đẻ ra mà người chết mỗi ngày một nhiều, nếu mỗi trường hợp hung táng thì phải tốn mất mấy m2 đất.
Chúng tôi đang đề xuất trong chương trình nông thôn mới nâng cao, huyện, tỉnh giúp xã xây dựng một nghĩa trang kiểu mẫu, ở đó mỗi ngôi mộ chỉ được xây dựng theo đúng quy định của nhà nước về diện tích, kích cỡ để tiện cho việc quản lý…”.

Những khu nghĩa trang gia đình tại Bắc Lạng được xây quây để chờ nhiều đời thế hệ con, cháu. Ảnh: Dương Đình Tường.
Cũng như nhiều tỉnh ở đồng bằng Bắc Bộ việc tang lễ ở Thái Bình trước đây rất bảo thủ. Truyền thống là hung táng rồi mấy năm sau lại bốc mộ. Truyền thống là mỗi làng một nghĩa trang, thậm chí dân làng này chết không được đưa qua làng khác để chôn. Truyền thống là cứ chọn chỗ gò đất cao mà táng.
Điều đó nảy sinh nhiều hệ lụy. Thứ nhất là mất vệ sinh môi trường vì nhiều nghĩa trang ở gần làng. Thứ hai là không đảm bảo mỹ quan. Thứ ba là tốn diện tích. Cách đây hơn 10 năm Thái Bình đã coi quy hoạch và quản lý nghĩa trang nhân dân là một tiêu chí quan trọng trong đánh giá về đích nông thôn mới.
Chỉ thị của UBND tỉnh đã cụ thể hóa Nghị định 23 năm 2016 của Chính Phủ, trong đó quy định diện tích mỗi phần mộ hung táng và chôn cất một lần tối đa không quá 5m2, phần mộ cát táng tối đá không quá 3m2, chiều cao mộ không quá 2m. Công khai quy hoạch nghĩa trang nhân dân và cắm mốc chỉ giới. Chủ tịch UBND huyện, thành phố chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về việc quy hoạch, xây dựng và quản lý sử dụng nghĩa trang nhân dân trên địa bàn.
Thái Bình cũng là tỉnh tiên phong ban hành Nghị quyết chuyên đề về xây dựng khu dân cư nông thôn kiểu mẫu đi kèm khu nghĩa trang nhân dân kiểu mẫu và hỗ trợ 200 triệu cho mỗi xã để thực hiện quy hoạch. Trên cơ sở đó, các xã xây dựng nội quy, quy chế quản lý nghĩa trang, thành lập ban quản trang. Nhờ đó, có sự chuyển biến tích cực ở rất nhiều xã, huyện nhất là ở những nơi cấp ủy, chính quyền vào cuộc quyết liệt. Tuy nhiên điều tồn tại là tỷ lệ hỏa táng của toàn tỉnh nói chung còn thấp, vẫn còn đây đó một số xã quản lý chưa tốt, để xảy ra bao chiếm, quây khu nghĩa trang gia đình, xây mộ to, cao…
Khi nghe về “cuộc cách mạng mồ mả” tại một giáo họ mà ở đó giáo dân đã thay đổi quan niệm từ nhiều đời rằng “đào sâu, chôn chặt”, tự nguyện di dời toàn bộ mộ của thân nhân mình để chuyển vào chỗ mới theo hàng, theo lối, tôi đã rất tò mò tìm đến.
Dương Đình Tường
***
NN – Thứ Tư 29/03/2023 , 11:44 (GMT+7)
Đất của người chết đang bao vây đất của người sống
VIII. Cuộc ‘cách mạng mồ mả’ ở thôn Giáo Thiện
Khi bay trên nghĩa trang Giáo Thiện, tôi như anh phi công được bay trên gấm vóc bởi nó quá đẹp, xanh như một công viên, mỗi ngôi mộ nhỏ, gọn đến khó tưởng tượng.
I. Đua nhau an táng ở đất hai vua
III. Nơi có những khu mộ to như sân bay trực thăng
IV. Nghĩa trang lan rộng ra tận đường cái, vây quanh làng
V. Nhiều hội nghị chuyên đề về nghĩa trang nhưng đất ngoài đồng vẫn mất

Nghĩa trang thôn Giáo Thiện nhìn từ trên cao. Ảnh: Dương Đình Tường.
2 năm ròng thuyết phục… xuyên lục địa
Những ngôi mộ được quy hoạch theo hàng, theo lối, hệt như một đoàn quân đang đứng nghiêm trang trong buổi lễ duyệt binh. Trên đỉnh mỗi ngôi mộ là một hình cây thánh giá. Cạnh đó là hàng loạt những ô chờ đã được xây sẵn. Tôi thầm nghĩ, hình mẫu về nghĩa trang nhân dân để các nơi học tập chính là ở đây chứ cần tìm xa xôi đâu nữa?
Thấy khách lạ cứ đứng ngơ ngẩn ngắm rồi miệng liên tục suýt soa, ông trùm Nguyễn Trung Riểu (Chủ tịch Hội đồng mục vụ giáo họ) của thôn Giáo Thiện, xã Quỳnh Minh, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình cười và giải thích: “Nghĩa trang của chúng tôi diện tích khoảng 5 mẫu, có từ 128 năm trước cùng với sự thành lập giáo họ. Xưa thú thực cũng chôn chẳng ra hàng, ra lối gì đâu, lộn xộn lắm! Dân công giáo không chọn hướng mà mấy ông đào huyệt thích hướng nào thì đào hướng đấy, người chôn xa, người chôn gần. Hồi xưa cũng chẳng xây mà chỉ đắp đất, trâu bò thả ra đẵm chán rồi lại húc có khi mất cả mả…
Nghĩa trang thôn Giáo Thiện nhìn từ trên cao. Clip: Dương Đình Tường.
Đến năm 2012, cha xứ Nguyễn Văn Lương coi giáo xứ Bồ Ngọc ra thăm nghĩa trang Giáo Thiện rồi bảo: “Làm thế này không có văn hóa gì cả. Phải quy hoạch lại, xây lại cho ra hàng ra lối”. Mà nhiều gia đình lúc đó đã xây mộ rồi, cái cao, cái thấp, cái to, cái bé, không có hàng lối gì, thậm chí ngay đường vào cũng không có nữa.
Họ đã bỏ ra 7- – 8 triệu, số tiền to hồi ấy để xây một ngôi mộ giờ bảo đập ra thì tiếc lắm chứ? Đó là những gia đình có người thân sinh sống ở miền Nam, lắm tiền gửi về, chứ ở quê thì không mấy ai xây nổi. Tôi đã ngồi tính nếu phải đập ra, với hơn 200 ngôi mộ đã xây rồi, nhân trung bình 7 triệu mỗi cái là 1,4 tỉ, ngang 4 – 5 tỉ bây giờ. Những gia đình đã xây mộ rồi xì xào, không biết cha tính kiểu gì chứ làm như thế thì lãng phí lắm! Mà tôi cũng thấy thế”.

Từng hàng mộ rất gọn gàng, trang nghiêm. Ảnh: Dương Đình Tường.
Họ giáo họp, ông trùm Riểu mất ba bốn cuộc bàn cách làm mà vẫn rất căng thẳng, có hơn một nửa giáo dân phản đối. Dân bên giáo khác dân bên lương, không có chuyện hung táng rồi sang cát, bốc mộ mà chỉ đào sâu, chôn chặt vĩnh viễn. Họ tính là đập mộ đi, đào cốt lên, đưa vào tiểu, xây lại mộ mới ở nơi quy hoạch, vừa tốn kém vừa vất vả. Lại thêm tâm lý bây giờ ông bà mình đã yên nghỉ ở chỗ đó rồi thì đào lên làm gì nữa…
Biết được lòng giáo dân đang rối bời, cha xứ tổ chức họp, phân tích tường tận, nếu làm thì được mất như thế nào, nếu không làm thì được mất như thế nào. Được là được đẹp, được thuận tiện khi thăm viếng, được tiết kiệm diện tích đất. Còn mất là mất công, mất của, mất thời gian. Cuối cùng so sánh giữa những cái được và mất cha khuyên nên làm. Thôn Giáo Thiện lúc bấy giờ chia làm hai phe. Phe thứ nhất đồng ý, muốn đi làm luôn, thường thuộc về những người lãnh đạo trong Ban họ giáo, về bảo con em mình thực hiện trước, thậm chí chôn cỡ 3 – 4 năm cũng đào lên. Phe còn lại, chưa làm mà cứ ngồi xem. Họ nghĩ những người miệng nói đồng ý kia chưa chắc đã làm, mà làm chưa chắc đã ra sao nên cứ bình tĩnh, chờ đợi đã.

Ông trùm Riểu (phải) và anh Chương – cán bộ văn hóa xã Quỳnh Minh (trái) đang bàn về tang lễ văn minh. Ảnh: Dương Đình Tường.
Ông trùm Riểu kể tiếp: “Trong thôn lúc đó còn 3 họ to với khoảng 50 ngôi nhất định không chịu di dời vì toàn những mộ đẹp, ốp đá, rất kiên cố. Họ nội nhà tôi có 7 ngôi đã di chuyển hết nhưng họ ngoại nhà tôi có 8 ngôi, mấy ông ấy ngang lắm, dứt khoát không chạy bởi những mộ này nằm ngay gần nhà mồ, trung tâm của nghĩa trang, vị trí đắc địa mà phải di chuyển ra xa thì chẳng ai chịu. Nhà có 3 anh em trai, 2 chị em gái, còn tôi chỉ phận cháu lại là bên ngoại.
Tôi nói với mấy cậu thì các ông ấy khăng khăng: “Không, các cụ đã mất, chôn ở đấy rồi không chuyển đi đâu cả. Ai chạy thì cứ chạy”. Tôi gọi điện thoại cho ông cậu cả, là trưởng họ đang sống ở Mỹ, thuyết phục: “Trong giáo họ chạy mộ hết rồi ông ạ, giờ chỉ còn mấy mộ nhà mình. Người làng mỗi lần ra lễ họ nói xì xèo sau lưng làm con cũng khó mà ngẩng mặt lên nổi, buồn lắm!”. Ông trả lời rằng: “Giờ ông ở xa không quyết được, sẽ nhờ mấy chú ở nhà để chuyển mộ, mai ông gửi tiền về”.
Hứa vậy rồi nhưng mấy ông em ở nhà gọi sang lại bảo: “Không việc gì phải chạy anh ạ, cứ để nguyên các cụ ở đó cho các cụ nghỉ ngơi”. Hôm sau tôi gọi cho ông thì ông trả lời, các chú ở quê bảo không cần chuyển tiền về nữa vì sẽ không di chuyển mộ đi đâu hết.

Ông trùm Riểu chỉ vị trí những ngôi mộ của người thân trước đây, ở sát nhà mồ. Ảnh: Dương Đình Tường.
Vậy là thất bại, phải dừng mất 2 năm rồi tôi lại gọi sang: “Giờ chỉ có 50 ngôi mộ chưa chuyển mà họ nhà mình gần chục ngôi, ông xem chuyển đi cho con chứ giờ ra nghĩa trang họ cứ bảo nhờ ông trùm nói mấy ngôi họ ngoại nhà mình chẳng thấy chuyển gì cả. Con chán lắm ông ạ”. Ông trả lời: “Thôi, lần này hai ba hôm nữa ông chuyển tiền về, cháu giúp ông”.
Sáng tôi nghe ông bảo thế, chiều ở nhà đã cho thợ đào luôn, không cần chờ chuyển tiền về nữa vì sợ đổi ý là lại thất bại. Còn các cao niên khác trong họ thấy thế cũng đành phải đồng ý. Khi họ ngoại nhà tôi chuyển được 8 ngôi mộ đi thì 2 họ còn lại với hơn 40 ngôi mộ cũng lặng ngắt, cứ thế mà ra nghĩa trang chuyển theo. Có trường hợp một bà chôn 12 năm rồi mà khi đào lên xác còn nguyên, phải khiêng cả quan tài đi chôn tiếp ở chỗ đã quy hoạch”.
Anh Phạm Văn Chương-cán bộ văn hóa xã Quỳnh Minh cắt nghĩa những nguyên nhân cuộc “cách mạng về mồ mả” của Giáo Thiện thành công, chưa nơi nào sánh được là nhờ cha xứ uy tín khiến giáo dân nể phục, Ban mục vụ đoàn kết thuyết phục khiến giáo dân nhất nhất nghe theo.
Khu vườn thánh đẹp tựa thiên đường
Vừa đi dạo, ông trùm Riểu vừa giải thích cho tôi rằng, bên công giáo gọi nghĩa trang là vườn thánh. Khu vườn thánh ấy được thôn Giáo Thiện quy hoạch như một công viên với các tiêu chí xanh, sạch, đẹp, có ánh sáng chiếu vào buổi đêm. Các ngôi mộ có danh thì người nhà chịu trách nhiệm xây dựng, còn những ngôi mộ vô danh, mộ hài nhi thì họ giáo xây dựng.
Tất cả đều chung một hình dáng, kích thước, màu sắc. Thường xuyên xây dự trữ 10 phần mộ với quy mô kích thước mỗi mộ chiều rộng là 1,2 m, dài 2 m, cao 0,70 cm, mộ cách mộ là 0,2 m, giữa các hàng mộ có lối đi rộng 1 m, ốp lát đều thống nhất một mẫu gạch. Các phần mộ, đường đi lối lại,tường bao và nhà mồ đã xong. Hàng trăm cây xanh cũng đã được trồng.

Không ảnh vườn thánh Giáo Thiện và cánh đồng kế bên. Ảnh: Dương Đình Tường.
“Tôi vẫn nói giáo họ tôi có sự đoàn kết, cùng chí hướng, quyết tâm mới có thể làm được việc lớn như thế này. Nhiều buổi bà con đi lao động đông đến 50-60 người. Gia đình nào cũng tham gia, kể cả người già cũng đến. Những ai không làm được thì ủng hộ bằng tiền.
Đi thăm một số nghĩa trang, tôi thấy họ xây nhiều ngôi mộ to quá, bao chiếm khiến hết cả quỹ đất. Cứ như vậy thì chẳng mấy chốc hết chỗ để chôn. Ở cấp nào cũng vậy, người cán bộ phải gương mẫu. Khi họp bàn thấu đáo rồi thì mình phải đi trước, làm trước để các thành viên khác học theo. Trong 5.000m2 đất của nghĩa trang thôn chúng tôi chỉ sử dụng gần 1/3 đã chôn được 1.000 ngôi mộ, còn 2/3 thì có thể hàng vài trăm năm nữa mới có thể lấp đầy”.

Ông Nguyễn Trung Sơn đang làm dấu trước mộ người thân. Ảnh: Dương Đình Tường.
Tình cờ, tôi gặp ông Nguyễn Trung Sơn-68 tuổi, trước cũng từng là ông trùm, làm đồng xong tranh thủ vào thăm người nhà đã khuất trong vườn thánh. Cúi đầu dưới cây thập tự trên mộ, ông giơ tay làm dấu rồi nói: “Sau một số đời thì có nhà quên cả phần mộ của cụ kị mình. Lúc vận động quy hoạch lại nghĩa trang, nhiều người bảo rằng không nhớ vị trí mộ cụ kị nên không chuyển. Chúng tôi phải thuyết phục nếu không nhớ thì đưa hết vào mộ vô danh, cũng đều được giáo họ cầu nguyện, chăm lo cả. Nhiều người lại bảo, ki cóp mãi mới có tiền xây mộ, giờ chuyển phải phá đi thì lấy gì mà xây.
Chúng tôi phải thuyết phục, chưa có tiền cứ chuyển lên, đặt đúng vị trí, đắp đất đã, khi nào có thì xây sau. Có hai anh em nọ, ban đầu người anh đồng ý di chuyển mộ của người thân nhưng người em cương quyết phản đối và còn tuyên bố: “Anh mà chuyển là tôi phá. Không ai được đào mộ bố mẹ tôi đi đâu cả”. Các cháu thấy vậy liền xúm vào mà thuyết phục chú: “Người ta đã chuyển hết mộ rồi mà nhà mình thì không”. Nói mãi, ông này mới bảo: “Thôi tùy bố con mày cứ làm thế nào thì làm”. Nhưng ngày hôm sau chuyển mộ, ông lại ra phục vụ nước”…
Thực tế hết đồng bằng, tôi quyết định về vùng biển Kim Sơn, Ninh Bình, mảnh đất mới với những bãi bồi vẫn còn lầy thụt để xem hiện trạng đất của người chết ở đây ra sao.
“Trước hết, chúng tôi xin số liệu và bản đồ của UBND xã về để kẻ, vẽ căn chỉnh trên bản đồ và lên mẫu mã, soạn thảo quy ước. Khi công tác chuẩn bị xong, chúng tôi cùng Ban mục vụ tổ chức họp bà con giáo dân họ giáo phát phiếu, xin ý kiến tới từng hộ. Các ông bà trong Ban mục vụ, các giới trong họ, gia đình có điều kiện thực hiện trước, nhân dân thực hiện sau, di chuyển mộ có chủ trước và mộ vô danh sau. Ngoài nguồn kinh phí của dân thôn còn nhận được sự ủng hộ của cha xứ và bà con xa quê. Đến năm 2019 đã di chuyển được 550 phần mộ vô danh 100% vào vị trí, nâng tổng số mộ được chỉnh trang lên trên 900 ngôi”. Ông Nguyễn Văn Dương-Bí thư thôn Giáo Thiện.
Dương Đình Tường
***
NN – Thứ Năm 30/03/2023 , 08:36 (GMT+7)
Đất của người chết đang bao vây đất của người sống
IX. Nơi vạn người sống ở 53,4ha, vạn người chết ở 28,7ha
Trong suốt 2 tuần đi qua 4 tỉnh, thành để thực tế tình hình nghĩa trang, chưa ở đâu tôi thấy diện tích đất của người chết lại chiếm tỷ lệ lớn như nơi này.
VI. Bi hài chuyện cưỡng chế ‘nhà của người chết’
IV. Nghĩa trang lan rộng ra tận đường cái, vây quanh làng
III. Nơi có những khu mộ to như sân bay trực thăng
I. Đua nhau an táng ở đất hai vua
20 năm nữa đất vẫn còn thoải mái chôn?
Ông Nguyễn Văn Nghĩa – Phó Chủ tịch UBND xã Kim Chính, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình cho biết địa phương đang có khoảng 10.000 dân với 14 xóm và 9 nghĩa trang từ xa xưa để lại. Các ngôi mộ trước đây thường khá nhỏ nhưng 5 – 7 năm nay đã phát sinh ra những khu nghĩa trang gia đình, dòng họ kiểu tự chiếm, tự xây quây trên đất công một khoảnh rộng chừng 50 – 100m2. Sở dĩ có hiện tượng này bởi đất khi đó vẫn để hoang hóa, tuy nhiên chúng vẫn nằm trong quy hoạch bãi tha ma chứ không xảy ra tình trạng mua bán ruộng kiểu trao tay để làm nghĩa trang gia đình như nơi khác.
Trung bình các nghĩa trang thôn rộng khoảng 2 – 3ha, cái lớn nhất thuộc về xóm 3. Địa điểm đầu tiên mà tôi đi chính là nghĩa trang của xóm 3 ấy, nó có mật độ “dân số” rất đông. Chiếc flycam cất cánh bay lên, trên màn hình hiển thị ra những khu mồ mả nằm san sát, ra dáng sầm uất một thị trấn của người chết.
Nghĩa trang xóm 3 xã Kim Chính nhìn từ trên cao. Clip: Dương Đình Tường.
Nhiều cái lăng đá, lăng xi măng cao đến 3 – 4 tầng, xây vây bằng tường để độc quyền bao chiếm hàng trăm m2 đất bên trong. Tường bao của khu mộ này có khi còn “đánh võng” sang tường bao của khu mộ kia, tận dụng triệt để những chỗ đất xen kẹt khiến cho hình dáng của chúng nhìn từ trên cao trông rất buồn cười với đủ vuông, chữ nhật, tam giác, khẩu súng, lá cờ…
Rộng nhất có lẽ là một khu phải cỡ 200m2 bởi cái bóng của ông Phó Chủ tịch UBND xã đang đi bên trong trông rất lọt thỏm. Nghịch lý rằng chưa có ngôi mộ nào ở trên đó mà vẫn chỉ là một bãi đất mới đắp với lối đi ốp gạch hai bên, rải đá mạt ở giữa trải dài ra tận đường chính.

Ông Nguyễn Văn Nghĩa – Phó Chủ tịch UBND xã Kim Chính đang đi trên một khu xây vây làm nghĩa trang gia đình. Ảnh: Dương Đình Tường.
“Cùng là nghĩa trang nhưng bên giáo (Thiên chúa giáo), có phong phần (mộ) riêng hết, chia theo từng dòng họ, rất nề nếp, còn bên lương thì lộn xộn hơn. Có những gia đình lúc bố mẹ còn sống chẳng cho ăn uống gì nhưng khi chết làm đám ma rất to để lấy tiếng. Có những gia đình tiền đóng học cho con còn thiếu nhưng vẫn phải đóng theo đầu đinh để xây khu mộ riêng thật lớn.
Tôi ước tính chỉ khoảng 10 – 20% người chết được hỏa táng, đặc biệt là người già cô đơn, độc thân, không có con trai hay bệnh ung thư. Những mộ kiểu này thường xây luôn, kích cỡ nhỏ hơn các mộ hung táng rồi bốc sang cát táng. Giờ không còn mấy ai còn làm mộ riêng lẻ mà đều muốn ở trong nghĩa trang gia đình. Những nhà có điều kiện còn chuyển sang mộ ghép đá, riêng một tam quan (lăng) có giá khoảng 50 triệu, còn một phong phần có giá khoảng 4 – 5 triệu”, ông Nghĩa giải thích.

Những khu mộ, khu xây quây giữ chỗ rất lớn ở nghĩa trang làng Yên Thổ xã Kim Chính. Ảnh: Dương Đình Tường.
Rời nghĩa trang xóm 3, flycam lại bay trên nghĩa trang của làng Yên Thổ. Mật độ mồ mả ở đây thưa thớt hơn hẳn nhưng lại xuất hiện vô số những khu xây quây rộng 100 – 150m2 với các lăng mộ có mái cách điệu giống ngôi tháp hay ngôi chùa nhiều tầng, thậm chí có cái còn bố trí cả vườn cây, ao cá như nhà một người giàu đang sống ở trong làng vậy. Nhiều cái tuy xây vây nhưng bên trong không hề có mộ, vẫn chỉ là một trảng cỏ xanh rì, dẫu vậy chúng không hề vô chủ dù chẳng được cắm biển hay đề tên.
Phó Chủ tịch UBND xã Kim Chính vừa dẫn tôi đi thực tế khắp nghĩa trang vừa phân trần, tình trạng đó là tồn tại lịch sử từ xã cũ Yên Mật sáp nhập, chuyển về năm 2020. Nơi đó, mỗi dòng họ, mỗi gia đình đều có phần, có suất hết nên cũng không thấy xảy ra việc chồng lấn, tranh giành hay ý kiến gì cả. Không có chuyện người dân nơi khác về đây mua đất nghĩa trang để dành, mà chỉ là những người con xa quê, lúc già muốn quay đầu về núi.
Nghĩa trang làng Yên Thổ xã Kim Chính có rất nhiều khu xây vây, giữ chỗ diện tích lớn. Clip: Dương Đình Tường.
Hàng năm xã đều cho thống kê diện tích nghĩa trang để báo cáo, bổ sung vào hồ sơ chương trình xây dựng nông thôn mới. Trong tổng số 876ha đất tự nhiên của Kim Chính có 53,45ha đất ở cho người đang sống, còn đất nghĩa trang cho người chết là 28,70ha (trung bình gấp 4 – 5 lần diện tích đất nghĩa trang của một xã thuộc tỉnh Thái Bình – PV).
Dẫu vậy, “20 năm nữa đất chôn của xã vẫn còn thoải mái để đáp ứng nhu cầu cho người dân vì có những gia đình chỉ có 1 – 2 ngôi trong khu nghĩa trang riêng. Việc quản lý ngoài nghĩa trang vẫn đang bình thường, không có gì phức tạp cả bởi quỹ đất của chúng tôi còn rộng. Hiện địa phương đang định hướng năm 2023 phải xây dựng nông thôn mới nâng cao, các tiêu chí cơ bản là ổn”, ông Nghĩa khẳng định.

Ông Nguyễn Văn Nghĩa – Phó Chủ tịch UBND xã Kim Chính đi vào một khu mộ có cả ao và cây cảnh ở nghĩa trang làng Yên Thổ. Ảnh: Dương Đình Tường.
“Khi còn sống thì xây biệt thự, biệt phủ, lâu đài, khi chết thì được đặt trong những lăng mộ lớn cũng là một thứ phân hóa giàu nghèo và rất lãng phí đất”, lời một người dân.
Nơi dân tứ xứ tụ về
Chiếc flycam của tôi di chuyển sang xã Lưu Phương cùng huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Có thể nói sự phân hóa về quy hoạch, lẫn ý thức thể hiện rất rõ ở đây khi một nửa nghĩa trang phần mộ của giáo dân gọn gàng bao nhiêu thì nửa còn lại, phần mộ của lương dân lộn xộn bấy nhiêu. Cái to, cái nhỏ, cái vuông, cái tròn, cái cao, cái thấp, xoay hướng Đông, Tây, Nam, Bắc đủ cả nên khi quan sát từ trên cao có cảm giác rất chóng mặt.
Ở đây cũng có không hiếm trường hợp bao chiếm đất công làm của riêng nhưng đất có vẻ chật chội hơn hẳn so với xã Kim Chính. Cuối nghĩa trang là một bãi rác lớn ruồi bay vù vù đông như vãi trấu. Từ đó những đụn khói đen xì, to như đống rạ bốc thẳng lên trời các hóa chất độc hại của quá trình đốt nylon, nhựa ở nhiệt độ thấp. Nghĩa trang và rác thải đang là vấn đề nhức nhối trong xây dựng nông thôn mới ở hầu hết các làng quê hiện nay.
Nghĩa trang xã Lưu Phương nhìn từ trên cao. Clip: Dương Đình Tường.
Tôi gặp ở UBND xã Lưu Phương cả Chủ tịch Phan Văn Lục và Phó Chủ tịch Nguyễn Quốc Việt. Họ giải thích, cái tên Lưu Phương có nghĩa là dân tứ xứ tụ về sau khi hầu hết dân bản địa ở đây di cư vào Nam năm 1954. Theo thống kê, hiện xã có 9.500 dân, diện tích đất ở cho người sống là 69,4ha, diện tích đất ở cho người chết ngoài 3 nghĩa địa là 12,2ha.
Trong nghĩa trang, phần công giáo chia theo giáo họ, từ đó chia cho từng họ nên khá trật tự, nề nếp. 100% các mộ cùng quay về hướng cây thánh giá, kích cỡ mộ nhỏ, phân bố theo ô bàn cờ, đều có lối đi lại thuận tiện, không có hiện tượng xây quây nên không bị lãng phí diện tích. Ngược lại, phần mộ bên lương xoay bốn phương, tám hướng tùy theo ông thầy cúng hay thầy chùa phán vị trí nào là “xấu”, vị trí nào là “đẹp”.

Ảnh chụp từ trên cao của nghĩa trang xã Lưu Phương. Ảnh: Dương Đình Tường.
Trước, ai chết cũng chôn kiểu riêng lẻ, không theo gia đình, dòng họ nhưng khoảng 15 – 20 năm gần đây xảy ra hiện tượng xây quây thành các khu nghĩa trang gia đình. Giờ Lưu Phương là xã nông thôn mới nâng cao, đang có Trung tâm Hành chính mới của huyện đóng trên địa bàn. Cạnh đó, thị trấn Phát Diệm chỗ sống thì có, chỗ chết thì không nên đang phải chôn nhờ cả nghĩa trang cả bên này khiến cho tình hình lại càng thêm phức tạp:
“Nhiều khu mộ xây quây to là của thị trấn Phát Diệm bởi dân họ có điều kiện kinh tế hơn. Chúng tôi đã đi nhiều nơi để học tập về mô hình quản lý nghĩa trang, nhận thấy quy định của nhà nước về mỗi ngôi mộ hung táng chỉ dưới 5m2 có thể thực hiện được, còn cát táng dưới 3m2 mỗi ngôi là khó bởi dân cứ xây quây to theo thói quen.
Đất hung táng chúng tôi tính còn cỡ 10 năm nữa mới hết, nhưng đất cát táng đều đã có chủ, kể cả có tiền cũng khó mà mua được. Hiện mua đất đấu giá ngoài khu hành chính huyện có khi còn dễ hơn mua đất trong nghĩa trang của xã. Bởi thế cần quy hoạch thêm diện tích cát táng cho Lưu Phương nhưng quản lý chi tiết, phân lô cho “các cụ” theo quy hoạch chung, không được chia theo khu gia đình, khu dòng họ, đồng thời làm đường bê tông vòng quanh để “đóng khung” nghĩa trang lại. Chúng tôi đã quy hoạch 1 nghĩa trang mới rộng 10 ha nhưng chưa được trên phê duyệt”. Hai lãnh đạo xã kiến nghị.

Những khu mộ ở nghĩa trang làng Yên Thổ xã Kim Chính. Ảnh: Dương Đình Tường.
Mảnh đất Kim Sơn được hình thành gần 200 năm trước nhờ công cuộc khẩn hoang của doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ khởi dựng. Hiện huyện có 23 xã, thị trấn, hầu hết đều chạy dài hơn 10 km, rộng cỡ 700 – 800 m, với đường trục là quốc lộ 10 chia ra làm hai phần Nam, Bắc. Xưa mỗi làng một nghĩa trang, chúng thường bố trí ở mạn phía Bắc, nơi có phần đất cổ, cao hơn. Ở phía Nam nếu có, nghĩa trang cũng bé, nằm rải rác.
Việc xây quây nghĩa trang gia đình hay xây mộ to thường là tồn tại của những năm trước. Do liên quan đến vấn đề tâm linh, chính quyền cũng không phá đi hay thu hẹp lại được. Giờ mọi thứ dần đi vào nề nếp hơn bởi các xã quản lý từ lúc những gia đình bắt đầu khởi công xây mộ. Theo thống kê của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, diện tích đất cho người sống gồm đất ở nông thôn và đất ở đô thị của Kim Sơn lần lượt là 983,9ha, 62,5ha, còn đất cho người chết, tức nghĩa trang là 318ha. Trong quy hoạch đến năm 2030 đất nghĩa trang sẽ cần thêm 28,5ha nữa.
Huyện có 4 xã vùng biển gồm Kim Đông, Kim Trung, Kim Hải và Cồn Thoi, nơi những hạt phù sa vẫn ngày ngày miệt mài bồi thêm nơi đầu sóng, ngọn gió. Tôi muốn ra tận biển để xem tình hình đất của người sống, đất của người chết cụ thể thế nào.
Huyện Kim Sơn có tất cả 23 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 5 xã nông thôn mới nâng cao, 1 xã nông thôn mới kiểu mẫu; có 33 thôn, xóm đạt chuẩn khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu nhưng chưa ở đâu xây dựng được nghĩa trang kiểu mẫu.
Dương Đình Tường
***
NN – Thứ Sáu 31/03/2023 , 06:15 (GMT+7)
Đất của người chết bao vây đất của người sống
X. Cán bộ địa chính chết rồi, di quan qua nhà vẫn bị dân chửi
Bởi vì khi còn sống cán bộ địa chính này đã xử lý quá nghiêm việc dân bao chiếm đất nghĩa trang nên bị họ ghét cay, ghét đắng, đến chết cũng không tha.
VII. Địa chính xã bị dí dao vì nhắc xây tường bao khu mộ
VI. Bi hài chuyện cưỡng chế ‘nhà của người chết’
III. Nơi có những khu mộ to như sân bay trực thăng
I. Đua nhau an táng ở đất hai vua
Quây xí phần nhầm cả vào mộ của con nhà khác
Chiếc flycam của tôi bay từ trong đồng xuyên qua nghĩa trang xã Kim Hải (huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình). Vun vút dưới tầm nhìn của nó là những trảng cỏ xanh rì hay làn nước bạc loang loáng, đặc trưng vùng cửa sông Càn. Tuy nhiên có điều lạ là chúng đều có những viền chỉ bạc bao quanh, tạo thành những hình vuông hay chữ nhật. Hạ thấp độ cao tôi phát hiện ra đó là những tường bao của các khu mộ gia đình, một số có đã có đôi ba ngôi, nhiều cái vẫn đang còn trống. Ở cái xứ xa xôi như vậy mà “căn bệnh” bao chiếm đất công để làm nghĩa trang riêng đã bắt đầu in dấu.

Không ảnh nghĩa trang xã Kim Hải, nhìn từ trên cao. Ảnh: Dương Đình Tường.
Chị Lưu Thị Phương Thanh – cán bộ địa chính xã Kim Hải có quê gốc ở xã Kim Chính nơi tôi đã đi thực tế hôm trước, so sánh: Ở đây thuận lợi là đất nhiều, không phải đắn đo khi giao vị trí nhưng khó khăn chung là ai cũng muốn chỗ rộng, muốn chỗ đẹp và đo kích thước theo phong thủy. Những khu mộ này họ xí phần trước khi có quy chế quản lý nghĩa trang.
Về sau, tất cả các trường hợp muốn sử dụng đất nghĩa trang đều phải được sự cấp phép của xã, căn cứ vào đó mới được mang vật liệu vào xây dựng, ngôi mộ đầu tiên không được rộng quá 6m2. Theo tôi nên lập quy hoạch chi tiết việc sử dụng đất nghĩa trang và quản lý chặt việc chôn cất và xây mộ, có hồ sơ theo dõi đầy đủ…
Nghĩa trang xã Kim Hải nhìn từ trên cao. Clip: Dương Đình Tường.
Kim Hải thành lập năm 1986, trong 575ha đất tự nhiên có 15,9ha đất ở cho người sống và 6,3ha đất ở cho người chết (nghĩa trang). Ông Phạm Văn Minh – Chủ tịch UBND xã cho hay, do đặc thù xã mới, khẩu ít (3.932 người), dân số trẻ, tỷ lệ chết chưa nhiều nên áp lực về đất nghĩa trang cũng thấp hơn vùng trong đồng bằng.
Cách đây 5 – 7 năm, người dân tìm hiểu ở những miền quê khác, thấy người ta xây quây nghĩa trang gia đình mới nghĩ rằng cơ chế Nhà nước càng ngày càng khó nên về học theo. Để ngăn chặn, xã đã ban hành quy chế quản lý nhưng cũng không thể tránh khỏi chuyện quây chui, quây trộm:
“Khi người ta xác định vi phạm thì làm rất nhanh, huy động lực lượng chỉ thực hiện trong ngày một, ngày hai, thậm chí trong một đêm là xong khiến xã không thể đưa máy móc, nhân công đến phá được. Nhà nước hiện có quy định về diện tích mộ phần của cá nhân (Nghị định 23 năm 2016 quy định diện tích mộ hung táng hay chôn một lần không quá 5m2, diện tích mộ cát táng không quá 3m2) nhưng không có quy định vây lăng mộ gia đình hay dòng họ nên địa phương rất lúng túng trong việc xử lý.
Ở ngoài nghĩa trang, chỉ cần không vướng mộ là người ta xây quây ngay. Có trường hợp còn quây nhầm cả vào mộ con của nhà khác bởi chôn xong, đất vùng biển này chỉ để một năm là cỏ mọc rậm rạp rồi. Mỗi năm trung bình xã có trên 10 người chết. Trước khi chôn, có nhà phải xăm thăm dò để không đào nhầm mộ người khác hay vướng vào “đất xấu”, tức đất đã chôn trước đây”.

Những khu mộ xây quây là lịch sử để lại của mấy năm trước. Ảnh: Dương Đình Tường.
Thực tế khó quản lý nhất là việc quây lăng, xí phần làm nghĩa trang riêng cho gia đình khiến cho diện tích đất bị mất rất nhiều. Có người quê gốc ở xã Cồn Thoi, sinh sống rồi chết trên Hà Nội, hỏa táng mang tro cốt về 6 ngày vẫn để ở nhà chờ vì không tìm được đất ngoài nghĩa trang. Về sau, con cháu phải đàm phán mãi mới lo được một chỗ chôn cho người thân.
Đất của người chết nơi đầu ngọn sóng
Rời xã Kim Hải, tôi cứ men theo bờ con sông Càn đang chảy thao thiết để sang xã Kim Trung. Ông Vũ Trường Thu – Chủ tịch UBND xã cho biết, địa phương mới chỉ hình thành năm 1993 trên cơ sở đất quai đê, lấn biển. Trước đây, việc quản lý nghĩa trang hoàn toàn theo ý thức tự giác nên xảy ra hiện tượng xây quây lại một khu riêng của gia đình rộng trung bình 40 – 50m2, thậm chí hàng trăm m2. Nhiều cái chỉ có 1 – 2 phần mộ, còn diện tích trống dành để phần cho con, cháu.
Từ năm 2018 trở lại đây xã quy hoạch khu hung táng, cát táng riêng và ra quy chế quản lý nghĩa trang nên không còn tình trạng nhận phần nữa: “Dân số trẻ, lại thêm không phải gốc ở đây nên nhiều người có tâm nguyện khi chết muốn về quê, thậm chí một số hung táng rồi cũng đưa về. Số xí phần ước chỉ chiếm 15 – 20% nhưng bất cập là dân vẫn còn tư tưởng thích chọn hướng, muốn con cháu chôn cạnh ông bà nên quây lại một khu để dành…

Khu mộ xây quây năm 2022 đã bị xã thuyết phục gia đình tự phá bỏ (bên phải). Ảnh: Dương Đình Tường.
Nhiều người dân không hề biết đến quy định về diện tích mộ theo Nghị định 23 năm 2016 của Chính Phủ quy định mỗi mộ hung táng hay mộ chôn một lần không rộng quá 5m2, mỗi mộ cát táng không rộng quá 3m2. Còn về cán bộ, kể cả tiền nhiệm tôi chưa ai dám nhận phần đất nào ở nghĩa trang cả. Chúng tôi có nhật ký theo dõi phần mộ và những thân nhân khi đi khai tử được cấp đơn xin đất, được Phó Chủ tịch UBND xã phê vào, chuyển cho quản trang để cấp phần mộ cụ thể.
Khi xây dựng quy chế, chúng tôi bám sát vào Nghị định 23 nhưng có một cái riêng là thu tiền bảo vệ môi trường, tức xử lý rác sau khi bốc mộ. Người ở ngoài xã mà làm việc trên địa bàn, nếu có nguyện vọng chết được chôn tại đây thì đóng 2 triệu gọi là xây dựng nghĩa trang…

Ông Trịnh Văn Tuấn – cán bộ địa chính xã Kim Trung. Ảnh: Dương Đình Tường.
Ông Trịnh Văn Tuấn – cán bộ địa chính xã Kim Trung trước đó đã làm ở xã Kim Mỹ – nơi có 3 nghĩa trang nên áp lực không lớn; nhưng ở Cồn Thoi – nơi chỉ có 1 nghĩa trang, dân số đông, sống lâu đời nên áp lực rất lớn với chuyện xây xí phần: “Dù là công giáo toàn tòng, đối với vấn đề tâm linh như mồ mả cũng rất khó, kể cả cha xứ thuyết phục đi chăng nữa. Có những giáo họ giờ gần như hết chỗ, ví dụ giáo họ của tôi gần như đất ngoài nghĩa trang còn không đáng gì, đến thế hệ mình, con mình không biết nằm đâu, ngược lại có những gia đình xây vây rộng.
Bố mẹ có đất ở trong đó rồi thì cố gắng giữ phần để sau này con, cháu nằm chung với mình cho “đông vui”. Được cái dân công giáo chúng tôi mộ xếp theo hàng, theo lối, không xây to, vượt trội hẳn như bên lương. Quản lý phức tạp nhất là nghĩa trang bên lương. Như ở đây xã đã trao đổi, thuyết phục nhưng nhiều khi người dân vẫn bất chấp, cứ đặt mộ theo hướng, theo ý của họ. Những chỗ xen kẹt hay các mảnh méo, chéo trong nghĩa trang thì tâm lý của người còn sống không muốn đưa người thân vào đó.
Nghĩa trang xã Kim Trung nhìn từ trên cao. Clip: Dương Đình Tường.
Từ năm 2018 trở đi, xã làm đường ngăn trong nghĩa trang để quản lý, không cho xây dựng lung tung nữa. Năm 2022 có xảy ra một trường hợp người ở xóm 2 xây quây lăng quá diện tích, lại cắt ngang qua đường đi của 2 dãy. Khi ông chuẩn bị đưa 2 ngôi của mẹ và vợ xuống thì quản trang báo lên, xã thành lập đoàn gồm Phó Chủ tịch, địa chính ra đình chỉ. Người ta nói rất khó nghe. 5 hội nghị mời gia đình lên UBND xã nhưng họ không chịu phá, cứ đổ quanh là tôi đã già, không ra ngoài nghĩa trang nên con cháu xây thế nào không rõ.
Chúng tôi phải thuyết phục để ông tự phá, chứ cán bộ mà đem búa ra phá thì dân họ oán cho. Người ta sẽ kẻ mặt, chỉ tên, sau này anh em không làm việc nữa mà về làng nghỉ hưu, sống cùng thì họ ghét cay, ghét đắng. Có trường hợp một cán bộ địa chính sau khi về nghỉ hưu, bị bệnh chết rồi, di quan đi qua nhà người ta còn ra chửi vuốt theo cũng vì trước đây có xử lý vấn đề liên quan đến đất nghĩa trang.
Quản lý đất cho người sống giờ đều có sổ đỏ, đo đạc đàng hoàng, thậm chí đo bằng máy chứ không bằng thước, bằng sào như xưa. Quản lý đất cho người chết thì giấy tờ chẳng có gì, còn quản trang chỉ có phụ cấp mấy trăm nghìn/tháng.

Một góc của nghĩa trang xã Kim Trung. Ảnh: Dương Đình Tường.
Như Kim Trung năm 2018 đã họp dân để xây dựng hương ước trong đó có quy định về diện tích mồ mả, họ đồng ý rồi nhưng một số người vẫn không thực hiện, cố tình xây quây to bởi “con gà tức nhau tiếng gáy”. Tư tưởng của dân mình là muốn làm to hơn, hoành tráng hơn người khác mà khi cán bộ không cho là bị ghét thôi”…
Tối, tôi ngủ lại tại nhà ông Phạm Văn Bắc xóm trưởng xóm 5 xã Kim Trung để nghe những tâm sự chuyện làng. Ông kể, ở quê gốc của mình, tình hình đất nghĩa trang ngày nay khan hiếm đến nỗi một mảnh đất đang có mộ hung táng thì nhà khác đã xếp gạch xây ba phía, chỉ chờ nhà kia bốc là vây nốt. Có những đám bốc mộ xong, ở nhà còn đang mải làm cỗ thì ở ngoài nghĩa trang đã có người xếp gạch, quây lại xí phần rồi đổ nước ngũ vị hương, hàn the xuống lỗ huyệt để hoàn thổ. Chẳng còn kiêng “đất sạch”, “đất bẩn” như ngày xưa nữa…
Buổi sáng hôm đó, chiếc flycam của tôi bay lên dưới những cơn gió lộng. Trên màn hình hiển thị hầu như chỉ thấy màu xanh của cỏ và màu trắng xám của những khu mộ, trong đó có cái tường bao còn nguyên màu vữa, mới bị phá nham nhở một phần ở chỗ xây quây lấn ra đường đi. Kế tiếp là những khu đất được vây tạm bằng gạch vôi để giữ phần. Mũi camera hướng chếch ra xa, chỉ thấy những ao tôm, ao cá vuông nối nhau chạy mãi. Và, ở phía cuối chân trời là bao la biển cả.
Văng vẳng bên tai tôi, lời của cán bộ địa chính xã Kim Trung rằng: “Xã có khoảng 300 hộ bên lương, mỗi hộ chỉ cần xây quây 30 – 40m2 là hết nghĩa trang, phải mở nghĩa trang mới. Mà ruộng trong đê này toàn là sổ đỏ của dân rồi, chỉ còn nước tiến ra biển”.
Dương Đình Tường