Ngũ thường

Chào các bạn,

Ngũ thường (không phải “ngủ thường” là ngủ cả ngày, mọi ngày) là 5 đức hạnh làm người mà Không tử dạy: nhân, lễ, nghĩa, trí, tín. (* Mở ngoặc đơn ở đây, mời các bạn đọc chú thích cuối bài).

Ngũ thường là “năm điều luôn có mãi” – “ngũ” là năm, “thường” là thông thường, bình thường, lúc nào cũng phải có. Mình dịch sang tiếng Anh, lấy ý tưởng cốt lõi của ngũ thường để dịch, nhưng tiếng Anh chẳng lấy hết 100% ý được: Nhân (love/humanity), Lễ (respect), Nghĩa (loyalty), Trí (wisdom), Tín (trust/trustworthiness).

Nhân có nghĩa chính là Người, tức là “đạo làm người”, rất rộng và bao gồm tất cả mọi đức hạnh khác. Humanity là chính xác nhất. Tuy nhiên, mình muốn dùng từ “love” để dịch, vì đọc sách cụ Khổng thì thấy rõ “tình yêu, lòng nhân ái, tính thương người” là trọng tâm của “nhân”, và người Việt hay nói “lòng nhân” – lòng yêu người.

Lễ dịch là respect, nghĩa là tôn kính, tôn trọng.

Nghĩa dịch là loyalty, nghĩa là trung thành.

Trí dịch là wisdom, nghĩa là trí tuệ, khôn ngoan.

Tín dịch là trust hay trustworthiness (lòng tin, đáng tin).

Trong sách Khổng Học Đăng (Đèn Khổng học) của Phan Bội Châu, cụ Phan có nói ngũ thường đi theo thứ tự từ cao đến thấp – nhân cao nhất và tín thấp nhất.

Đầu tiên ta có nhân, lòng nhân (love), đạo làm người, là đủ để làm người.

Nếu mất nhân thì còn lễ (respect) kế tiếp – ứng xử với người khác một cách tôn trọng, tôn kính. Ví dụ: Đánh trận bắt được tướng giặc và dùng “lễ” mà ứng xử, nghĩa là xử với tướng giặc vẫn như là tướng, nói năng lễ độ và tôn kính. Thường là dùng lễ mà xử, để mời tướng giặc về làm tướng của mình.

Nếu mất lễ, thì mức kế tiếp là nghĩa (loyalty), tức là trung thành với nhau. Chúng ta nói nghĩa vua tôi, nghĩa thầy trò, nghĩa cha con (mẹ con), nghĩa vợ chồng, nghĩa huynh đệ (huynh muội), nghĩa bằng hữu (bè bạn)… Điều đó có nghĩa là trong những liên hệ này luôn có trung thành hiện diện – trung thành giữa vua tôi, trung thành giữa thầy trò, trung thành giữa vợ chồng, trung thành giữa bè bạn…

Nếu mất nghĩa, thì mức kế tiếp là trí (wisdom), tức là ứng xử với trí tuệ khôn ngoan. Nghĩa là nếu bạn không tuân theo đạo đức thì ít nhất tuân theo sự khôn ngoan của bạn, ứng xử thế nào để người ta thương mình và kính mình, thì có lợi cho mình hơn là ứng xử để người ta ghét.

Nếu mất trí, thì mức kế tiếp là tín (trust/trustworthy), tức là ứng xử thế nào để người ta tin bạn, tức là bạn đáng tin. Nếu không đủ thông minh để sống khôn ngoan, thì khôn ngoan cuối cùng là sống thành thật, vì thế giới tin và yêu người thành thật.

Nếu mất tín, thì chẳng còn gì, bạn đã mất hết đạo làm người. Điều này rất hợp lý vì nếu bạn không có chữ tín, ai cũng chẳng tin bạn và chẳng dám tin bạn, thì bạn sống với ai trên đời?

Đó là ngũ thường, năm đức hạnh làm người – bắt đầu bằng yêu người và tận cùng là thành thật/đáng tin với người.

Dưới thành thật/đáng tin, bạn chẳng đủ đạo làm người.

Đây chẳng chỉ là đức hạnh khơi khơi. Nếu bạn bỏ ra vài phút để suy nghĩ, bạn sẽ thấy đó là chiến lược sống để thành công lớn trên đời.

Chúc bạn luôn thành công.

Mến,

Hoành

Chú thích:

(*) Vì vấn đề hục hặc Biển Đông, rất nhiều trí thức Việt gạch bỏ Đức Khổng. Mình cho đó là phi lý. Khổng tử là vị thầy lớn của loài người từ 25 thế kỷ trước. Trí tuệ và đạo học của Thầy Khổng đã được nhiều dân tộc Châu Á Thái Bình Đương, kể cả Việt Nam, học và hành nhiều ngàn năm, và đã là một phần văn hóa sâu đậm của văn hóa Việt. Chúng ta hay nghe câu “Tam giáo đồng nguyên – ba đạo cùng một gốc: Khổng, Lão, Phật – là nền tảng văn hóa Việt Nam ngày trước.

Các Thầy lớn luôn vượt biên giới và vượt thời gian, chẳng thuộc về riêng ai mà thuộc về cả thế giới. Chúng ta học điều hay điều tốt của Thầy, dù Thầy da đen hay da đỏ, và ở Châu Á hay châu Phi.

Đó là chưa nói người Việt đương nhiên là có máu người Hoa trộn trong người. Dân Việt phải là dân hải đảo Thái Bình Dương, Melanesian và Indonesian, trộn với người Hoa ở phía nam sông Dương Tử.

Ngoài ra, dù có không ưa chính sách của chính phủ TQ hiện tại, chẳng lý do gì phải ghét người Hoa – mình thực sự rất phục và thương các người Hoa (người Việt gốc Hoa) ở Chợ Lớn (Sài Gòn). Họ làm ăn rất chăm chỉ và chân thật. Và cũng chẳng có lý do để không thương người Hoa ở TQ. Nếu không anh em thì cũng là láng giềng nhiều nghìn năm. Chính trị là nhất thời, láng giềng là ngàn đời. Chống thái độ hung hăng của nhà nước TQ, nhưng vẫn tử tế với người Hoa. Đó mới là công bình và thông minh.

© copyright 2023
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

Một bình luận về “Ngũ thường”

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s