Xẩm Quyết chí tu thân

Chào các bạn,

Hôm nay các bạn cùng nghe bài hát xẩm Quyết chí tu thân nhé. Đây là điệu hát xẩm Xoan, 1 trong 8 làn điệu hát xẩm chính.

Thật vui khi được biết một giai điệu dân tộc lâu đời với lời hát thú vị!

Dưới đây là các đoạn giới thiệu về nguồn gốc hát xẩm, các làn điệu chính của xẩm, một số bài xẩm xoan và lời bài xẩm Quyết chí tu thân.

1. Nguồn gốc hát xẩm:

Theo “Nghệ thuật hát xẩm” của tác giả Khương Văn Cường (2009), loại hình nghệ thuật này xuất hiện dưới thời nhà Trần. Thời đó, vua cha Trần Thánh Tông có hai hoàng tử là Trần Quốc Toán và Trần Quốc Đĩnh. Toán là anh nhưng lười biếng, còn Đĩnh là em nhưng chăm chỉ học hành, đàn hay hát giỏi nên được vua cha yêu mến.

Một hôm nọ, hai anh em vào rừng săn bắn, Đĩnh thấy viên ngọc quý định đem về dâng vua cha nhưng đã bị anh cướp công và chọc mù mắt rồi đem bỏ giữa rừng sâu. Tỉnh dậy, hai mắt mù lòa nên Trần Quốc Đĩnh chỉ biết than khóc rồi thiếp đi. Trong mơ bụt hiện ra dạy cho ông cách làm một cây đàn với dây đàn làm bằng dây rừng và gẩy bằng que nứa. Ông mò mẫm làm cây đàn và thật lạ kỳ, cây đàn vang lên những âm thanh rất hay hòa quyện với những lời hát đầy tâm sự của vị hoàng tử bạc phước nhưng uyên thâm đó đã khiến chim muông sà xuống nghe và mang hoa quả đến cho ông ăn. (Theo suy đoán thì đây là tiền thân của cây đàn bầu hiện nay.) Sau đó, những người đi rừng nghe tiếng đàn đã tìm thấy và đưa ông về. Tiếng đồn về những khúc nhạc của ông lan đến tận hoàng cung, vua cho gọi ông vào hát và nhận ra con mình.

Trở lại đời sống cung đình nhưng Trần Quốc Đĩnh vẫn tiếp tục mang tiếng đàn, lời ca dạy cho người dân để họ có nghề kiếm sống. Hát xẩm đã ra đời từ đó và Trần Quốc Đĩnh được suy tôn là ông tổ nghề hát xẩm nói riêng cũng như hát xướng dân gian Việt Nam nói chung. Người dân lấy ngày 22 tháng 2 và 22 tháng 8 âm lịch làm ngày giỗ của ông.

Mặc dù chưa tìm thấy một văn bản viết nào xác định nguồn gốc của hát xẩm nhưng từ hàng trăm năm nay người đời vẫn truyền miệng nhau câu chuyện của đời nhà Trần. Như vậy, nếu xét theo sự tích kể trên thì xuất thân của hát xẩm không quá thấp kém như nhiều người trong chúng ta thường nghĩ. Cha đẻ của nó, do đó, là một người có nguồn gốc cao quý và học vấn uyên thâm. Vì lẽ này, tính hàn lâm trong ca từ và sự chặt chẽ trong luật thơ của các bài xẩm xưa, dẫu rằng nó gắng liền với đời sống dân dã bình dị, cũng là không quá khó hiểu.

(các bạn có thể đọc thêm tại đây)

2. Xẩm có 8 làn điệu chính:

    1. Xẩm Chợ
    2. Xẩm Huê Tình (Xẩm Cô Đầu/ Xẩm Nhà Trò/ Xẩm Ba Bậc/ Xẩm Thính Phòng/ Xẩm Nhà Tơ)
    3. Xẩm Xoan (Xẩm Chênh Bong)
    4. Xẩm Tàu Điện (Xẩm Đưa Đò)
    5. Xẩm Thập Ân
    6. Xẩm Sai
    7. Xẩm Hò Khoan
    8. Xẩm Phồn Huê.

Ngoài ra còn có các điệu Xẩm khác như: Xẩm Hà Liễu (Xẩm Hạ Liễu), Xẩm Ngâm, Hát Ai, Xẩm Riềm Huê, Xẩm Thương …

3. Một số bài xẩm Xoan và nghệ sĩ thể hiện:

    – Lơ Lửng Con Cá Vàng: Thanh Ngoan, Thu Huyền, Tô Minh Cường, Thanh Hoài – Đỗ Tùng.

    – Quyết Chí Tu Thân: Xuân Hoạch, Khương Cường, Anh Tú, Đức Huy -Tô Minh Cường.

    – Còn Duyên Chớ Có Làm Cao: Xuân Hoạch, Thu Phương.

    – Sướng Khổ Vì Chồng: Thanh Ngoan – Xuân Hoạch, Thu Phương – Anh Tú, Thu Phương – Tô Minh Cường.

    – Lấy Chồng Già: Thanh Ngoan, Tô Minh Cường.

    – Chơi Khắp Long Thành: Thanh Ngoan, Tô Minh Cường, Tô Minh Cường – Đức Huy – Phương Thanh – Minh Thư.

4. Và đây là bài hát xẩm Quyết chí tu thân:

 

Quyết chí tu thân

(XẨM HUÊ TÌNH CHÊNH BONG)

Đàn bầu và hát: NSND Xuân Hoạch

(TT.ANVN 1/2006)

Quyết chí tu thân

Làm tài giai, quyết chí tu thân

Công danh không vội, nợ nần không lo

Lúc khi nên trên giời giúp công cho – LK

Lúc khi nên trên giời giúp công cho

Làm giai năm liệu bẩy lo mới hào

Giời sinh Giời chả có phụ nào – LK

Giời sinh Giời chả phụ nào

Long vân gặp hội anh hào tới tay

Một trăm trí khôn xếp để dạ này – LK

Trăm trí khôn xếp để dạ này

Có công mài sắt có ngày nên kim

Đấng nam nhi chí ở cho bền – LK

Đấng nam nhi chí ở cho bền

Đời này biết ai sang trọng, khó hèn hơn ai

Chốn nam xuân bách tuế còn dài

Ra tay phỉ chí, ra tay phỉ chí

Dạ này, dạ này mới an.

 

Mời các bạn cùng nghe:

Quyết Chí Tu Thân – Decide to self improve


 

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s