Chào các bạn,
Những ngày gần Tết người ta làm gì? Trang hoàng nhà cửa, giặt giũ, làm mọi thứ tươi đẹp lên để đón mừng năm mới. Chúng ta luôn chuẩn bị để đón mừng một điều gì mới, dù đó là cô dâu, hay mảnh bằng đại học, hay một phần thưởng cao quý nào đó.
Ngày trước, đọc thấy Gioan tiền hô (John the Baptist) sống trong hoang mạc, ăn cào cào châu chấu và mật, mặc áo lông thú, và rao giảng: “Hãy ăn năn đền tội vì Đấng Cứu Thế đang đến”, mình chẳng hiểu tại sao Đấng Cứu Thế đang đến mà không bảo thiên hạ mừng vui ca hát, mà lại bảo ăn năn đền tội. Ngài đến để xử phạt con người hay sao? Thế thì cứu thế sao được? Cả hơn 90% thế giới, hay có thể 99%, sẽ bị phạt, vì đại đa số con người tham sân si tội lỗi, còn ai sót lại được để mà “cứu”?
Giờ thì mình đã hiểu Đấng Cứu Thế là một đấng vĩ đại, Ngài đến với loài người là một điều vĩ đại, cho nên đón Ngài đến thì dọn lòng ta trang trọng, sạch sẽ, tươi mát để gặp Ngài – ăn năn đền tội là cách để lòng ta được sạch sẽ tươi mát trở lại, không phải ăn năn đền tội để tránh ăn đòn, vì Ngài đến để cứu, không phải để đánh.
Trở về chuyện Tết, chúng ta thường nghĩ đến đầu năm hơn là cuối năm, nhưng trong văn hóa Việt, cuối năm mới là quan trọng và bận rộn: mua sắm, trang hoàng, nấu nướng, tặng quà Tết, tiệc tùng, và quan trọng nhất là trả nợ. Món nợ nào trả được thì cố gắng trả hết, nếu không thì cũng xin phép được khất nợ. Chẳng ai muốn bị đòi nợ đầu năm – thế thì dông cả năm, chỉ có đi ăn mày.
Thường thì mọi điều khác đều dễ làm hơn trả nợ, nhất là nợ tình cảm, còn gọi là nợ ân tình. Bạn làm cho ai đó buồn, nhiều khi cả đời không trả được. Ví dụ: Một cậu hay một cô rời bỏ người yêu để lập gia đình và biết rằng người kia đau khổ. Oh mother, món nợ này thì mình thực là rất sợ, vì chẳng bao giờ trả được. Chỉ biết ăn năn cả đời. Có nhiều người chúng ta làm buồn nhưng chẳng có cách nào trả nợ, như là kiểm sát viên nhà nước phải làm việc truy tố rất nhiều người vào tù. Đó chẳng khác gì đao thủ phủ phải làm việc chặt đầu là mấy. Làm thế nào để trả nợ cho những người bị mình đưa đi nhốt hay đi xử tử? (Hồi học luật mình sợ nhất là làm kiểm sát viên. Rốt cuộc cũng làm một loại kiểm sát viên, vì là luật sư của chính phủ kiện các cá nhân và công ty lũng đoạn kinh tế. Nhưng luật kinh tế thì nhẹ nhàng hơn hình luật rất nhiều, dù thường là phức tạp hơn nhiều).
Có rất nhiều người trong đời bị ta làm buồn, và ta biết cách tốt nhất là chuyện gì đã qua đi thì để nó qua đi, chẳng nên nhắc lại, có xin lỗi thì cũng không được, và đôi khi rất vô duyên. Chúng ta làm buồn nhau rất nhiều và rất thường xuyên, và thường để thời gian qua đi, cuộc đời trôi đi, không trở lại, không nhắc lại. Nói chung là chẳng trả nợ.
Giải pháp của mình là chẳng nhắc lại chuyện cũ. Nếu có dịp gặp nhau thì ứng xử chân tình với nhau, xem như mình đã quên hết mọi chuyện cũ. Nhưng thường là chẳng gặp nhau lại vì cuộc đời đưa mỗi người một ngả xa xôi. Vậy thì, vì mình đã làm nhiều người buồn, bây giờ trả nợ chung bằng cách làm nhiều người quanh mình vui hơn và hạnh phúc hơn. Dùng thời gian ăn năn hối lỗi bằng cách làm những điều lành với những người mình gặp gỡ hay gần gũi hôm nay.
Như thế thì nợ cá nhân cũng chẳng trả được, nhưng nói về tổng thể thì mình cũng có thể tạo ra rất nhiều thiện nghiệp (nghiệp lành) để triệt tiêu những ác nghiệp (nghiệp dữ) mà mình đã tạo ra. Và mong rằng những muộn phiền mình tạo ra trước kia cho ai đó đã được Trời chuyển hóa thành điều tốt cho họ – như là, vì bị mình bỏ, nàng đi lấy người khác và thật là hạnh phúc với người đó (hơn mình rất nhiều, nếu bị lấy mình).
Dù sao thì nợ tình cảm luôn là những món nợ khó trả. Hãy dùng những món nợ đó như là động lực thúc đẩy chúng ta trở thành người trồng nghiệp lành thường xuyên.
Chúc các bạn trả hết nợ nần.
Mến,
Hoành
© copyright 2023
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com