Độ mình và độ người

Chào các bạn,

Chúng ta đang ở ngay giữa mùa lễ hội, bắt đầu từ Thanksgiving Day (Lễ Tạ Ơn, ngày Thứ hai thứ hai tháng 10 ở Canada và ngày Thứ năm thứ tư tháng 11 ở Mỹ 🙂 – the second Monday of October in Canada and on the fourth Thursday of November in the US) kéo dài cho đến Tết dương lịch. Giáng Sinh có lẽ là đỉnh điểm của mùa lễ hội, và Tết dương lịch là màn “finale”. Đối với người Á Đông, có lẽ mùa lễ hội còn kéo dài tới Tết Nguyên Đán.

Đây là mùa có lẽ là vui vẻ, đẹp đẽ và náo nhiệt nhất trong năm. Tuy nhiên, mỗi năm đến mùa này mình lại thường nghĩ đến những người không nhà không cửa, không chốn dung thân, không thân nhân bè bạn, và những mẹ góa con côi không người nâng đỡ. Rất khó mà yên tâm vui chơi khi thế giới còn quá nhiều người đau khổ. Có lẽ đó là lý do chính mà Jesus sinh ra trong cảnh nghèo hèn – để nhắc mọi người trong những dịp lễ hội vui chơi về mặt kia của thế giới.

Các bạn, những ngày lễ kỷ niệm các Thầy lớn, như Giáng Sinh hay Phật Đản, thực sự không phải là ngày vui chơi mà là ngày trầm tư mặc tưởng, suy niệm về những khổ đau của thế giới. Không tự nhiên mà hai Thầy lớn đều lấy “khổ” là điểm chính để khởi hành giáo pháp.

Đời sống của chúng ta thực sự sẽ luôn hời hợt và sáo rỗng nếu chúng ta không thường quan tâm đến người nghèo, người cô đơn cơ nhỡ, người bị áp bức, người bệnh hoạn không ai chăm sóc, và đặc biệt là chiến tranh và chết chóc. Đời sống tâm linh của bạn sẽ không có nếu bạn không quan tâm đến những khổ đau của thế giới. Con người chúng ta chỉ có thể có chiều sâu trong trái tim mình nếu mình quan tâm đến những khổ đau của mọi người quanh mình. Bạn chẳng thể làm gì – thiền định, chay tịnh, lễ lạy, kinh sách – để có thể có chiều sâu cho trái tim, nếu bạn chẳng bao giờ quan tâm đến khổ đau của thế giới quanh mình.

Suy niệm về khổ đau luôn là khởi điểm của hành trình tâm linh.

Và nếu bạn thấy rõ thế giời khổ đau thì bạn làm gì giúp thế giới?

Bạn sống từ ái và yêu thương, không tham sân si, để độ mình (đưa mình vượt biển mê qua đến bờ giác), rồi mình sẽ giúp người khác qua bờ như thế. Đó là Trái tim Bồ tát.

Trước hết mình phải biết cách vượt khổ cho chính mình – hồi đầu thị ngạn, quay đầu là bờ. Chỉ cần quay đầu, rời bỏ tham sân si sau lưng, ta liền đến bờ giác ngộ. Rồi ta có thể dạy mọi người khác như thế, giúp họ vượt biển mê, thoát khổ.

Đã quá lâu chúng ta sống như chúng ta bất lực với cuộc đời này – thiên hạ sống thế nào tôi sống thế nấy, vì tôi chẳng có cách nào khác.

Vâng, bạn có cách khác tốt hơn là cách sống tham sân si rất nhiều, nếu bạn muốn học và thực hành.

Chúng ta thực sự có rất nhiều quyền năng trong tay để thay đổi thế giới, nếu chúng ta muốn giúp thế giới sạch sẽ hơn một chút. Chẳng thể nói “Tôi bất lực”.

Chúc các bạn luôn tràn đầy trí tuệ.

Mến,

Hoành

© copyright 2022
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s