Chào các bạn,
Mình thực sự quan tâm đến tương lai của thế giới vì quá nhiều bất ổn đang xảy ra.
• Về quân sự thì điều lớn nhất là TT Nga Putint cứ nhất định đánh chiếm Ukraine, một quốc gia độc lập, dù rằng cho đến bây giờ thì Nga vẫn không thành công như dự định ban đầu. Đây là vấn đề cực lớn cho tương lai thế giới vì Putin đang cho thế giới biết là cả thế giới và hệ thống luật pháp và trật tự thế giới không có giá trị gì và không cần được tôn trọng, chỉ ý muốn của Putin là đúng. Và đương nhiên là thế giới cũng hiểu trật tự và hòa bình thế giới bị tấn công tận gốc rễ như thế cho nên thế giới sẽ nhất định chống Putin. Và chúng ta có thể mường tượng được mọi người đều có vũ khí hạt nhân trong kho. Putin thì nhất định không bỏ cuộc, nhưng nếu để Putin thắng thì thế giới sẽ hỗn loạn cực kỳ vì đang có hàng trăm ông thần khác ngồi đợi để dùng ý mình đập đầu thiên hạ, theo gương Putin.
• Về văn hóa thì thế giới đang có một cuộc chiến văn hóa cực kỳ lớn về giới tính và những vấn đề liên hệ tới giới tính. Một đằng là đẩy mạnh LGBT đến mức hôn nhân đồng tính, không xác định giới tính của trẻ em khi mới sinh ra để chúng nó lớn lên và tự xác định giới tính chúng nó, phá thai tự do như là một quyền của người phụ nữ… Một đằng là lòng tin tôn giáo không đồng ý rằng LGBT là đúng, và chống phá thai như là một hành vi giết người…
Theo truyền thống thì chúng ta đã có Islam và khối Âu Mỹ không gần nhau và văn hóa hầu như đối nghịch nhau – Islam thì bảo thủ và Âu Mỹ thì tự do. Nhưng thế giới có lẽ đang đi vào giai đoạn tự sắp xếp lại thành hai khối bảo thủ và tự do chống nhau mà không bị giới hạn vào tôn giáo nào.
• Thực sự thì chúng ta vẫn có thể sống chung hòa bình với mọi tư duy khác nhau nếu các quý vị chịu khó làm việc với nhau để tìm ra những phương cách sống chung hòa bình, thay vì cứ tìm cách đập đầu nhau như hiện nay. Và đây có lẽ là lý do nền tảng nhất. Tại sao con người ngày nay đã trở thành quá cực đoan và ai cũng cứ nhất định phải đập đổ và đạp lên đầu những người có tư duy khác mình?
Mình không chắc đó có phải là do kỹ nghệ tin học hay không, nhưng rõ ràng là mọi biến đổi lớn đều bắt đầu cùng thời và cùng vận tốc với sự ra đời và trưởng thành của IT. Khi kỹ nghệ tin học mới bắt đầu phát triển, khoảng đầu thập niên 1980s, mọi người đều hồ hởi chờ đợi một tương lai tươi sáng cho thế giới – bình đẳng, hòa bình và thịnh vượng cho tất cả thế giới. Nhưng bắt đầu sang thế kỷ 21, cuộc tấn công đánh bom của al Qaeda vào Mỹ ngày 11/9/2001 làm sụp đổ mọi chờ mong tốt đẹp đó, và từ đó đến nay thế giới càng ngày càng trở nên mong manh và hỗn loạn.
Mình nghĩ rằng Internet tạo ra hai lực đối kháng nhau trong tư duy con người.
Một lực là tư duy cá nhân: Mỗi cá nhân ngày nay đã có thể đứng ngang hàng với mọi người trên thế giới trong cung cách phát biểu ý kiến mình – mọi người, trên lý thuyết, đều có quyền dùng Internet để nói lên tiếng nói của mình cho cả thế giới nghe. Trước kia thì đa số cá nhân chẳng có một tiếng nói nào. Điều này làm cho tư duy cá nhân trở thành nổi trội và các phe nhóm của đủ mọi chủ nghĩa sống có tiếng nói mạnh hơn và những phương cách làm việc hiệu quả hơn.
Đằng kia là tư duy bảo thủ của rất nhiều người muốn bảo vệ truyền thống cũ, không muốn những tư duy mới làm sụp đổ truyền thống, và do đó chống lại kịch liệt.
Tư duy cá nhân (mới) và tư duy truyền thống (cũ) chống nhau còn thể hiện dưới một hình thức khác: Globalization (toàn cầu hóa), có nghĩa là văn hóa bị toàn cầu hóa làm cho mọi nền văn hóa trở thành giống nhau hơn. Phía ngược lại, chống lại globalization, là luồng sóng bảo vệ văn hóa truyền thống của mỗi dân tộc, không muốn văn hóa truyền thống của mình bị văn hóa thế giới làm chết đi. Nghĩa là chúng ta có cuộc chiến globalization versus localization trong lĩnh vực văn hóa, là lĩnh vực nền tảng của mọi xã hội.
Globalization và IT cũng đưa đến một vấn đề mới chưa có cách chỉnh sửa – đó là một số nhỏ các công ty, đặc biệt là trong lĩnh vực IT, có tiềm năng thống trị mọi hoạt động, tư duy, chính trị và an ninh của thế giới, như là Facebook, Twitter, Youtube…
Trước tình trạng như vậy, chúng ta cần quan tâm hơn đến tương lai thế giới để tìm cách chỉnh sửa. Mình tin rằng mọi vấn đề vẫn đến từ trái tim con người, IT hay là bất kì thứ gì thì cũng chỉ là một khí cụ vô hồn. Trái tim con người sử dụng khí cụ để làm thiện hoặc ác. Vì thế cách giải quyết những vấn đề của thế giới nằm trong trái tim con người – con người học gần nhau và thương nhau hơn thì mọi sự sẽ tốt, con người ghét nhau và thích đánh nhau thì mọi sự sẽ tồi.
Nói đến chuyện thế giới thì nhiều người không quan tâm vì xa xôi quá. Nhưng sự thật là thế giới ngày nay nhỏ xíu, gần như là con người có thể đặt trái đất trên lòng bàn tay mình. Mọi sự ngày nay liên kết với nhau trên thế giới, hầu như chuyện gì xảy ra ở đâu đâu cũng ảnh hưởng đến đủ mọi nơi khác trên thế giới. Ví dụ dễ thấy nhất là một nhóm người ngồi ở bất kì hóc hẻm nào của thế giới cũng có thể tấn công vào các hệ thống computer tại bất kì nước nào, hệ thống ngân hàng, hệ thống tình báo, hệ thống điều khiển hàng không, hệ thống điện nước, hệ thống quốc phòng…
Cho nên mọi chúng ta cần quan tâm đến thế giới và những vấn đề của thế giới, để bảo vệ chính ngôi nhà của mình.
Điều tốt nhất và căn bản nhất để bảo vệ hòa bình và an ninh thế giới là trái tim người. Chúng ta cần tăng tốc thực hành và giảng dạy những đức hạnh căn bản của con người, đặc biệt nhất là đức yêu người. Nếu con người yêu nhau thì thế giới hòa bình, nếu con người không yêu nhau thì thế giới nổ tung. Vấn đề chỉ giản dị đến thế. Có gì phức tạp hơn thế đâu?
Cho nên các bạn, mỗi chúng ta cần nghiên cứu, suy ngẫm và thực hành nghệ thuật yêu người. Và dạy mọi người quanh mình về nghệ thuật yêu người. Vì đó là giải pháp chống lại những lực đang làm thế giới sắp nổ tung.
Và cầu nguyện để thánh thần hỗ trợ chúng ta trong công tác gìn giữ tình yêu và hòa bình cho thế giới.
Chúc mọi chúng ta hoàn thành sứ mệnh.
Mến,
Hoành
© copyright 2022
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com