Chào các bạn,
Vấn đề khó nhất cho học trò là học gì thì cũng phải học công thức trước – từ giản dị đến các công thức khó hơn từ từ. Nhưng trong tất cả mọi loại nghệ thuật, nhất là nghệ thuật sống, thì công thức chỉ có thể học rồi bỏ thì ta mới đạt được đỉnh điểm.
Ví dụ mình thường dùng nhất là viết văn. Mọi người học chính tả và ngữ pháp để biết viết, nhưng để thành nhà văn bạn sẽ phải sáng tạo ra cách viết của riêng bạn, với nhiều thay đổi hoặc đôi khi bỏ luôn một số công thức ngữ pháp, để dùng cách viết sáng tạo riêng của bạn.
Tất cả mọi loại nghệ thuật đều như thế. Công thức là chỉ cho học trò, đến lúc thành thầy bạn phải có rất nhiều sáng tạo – từ nấu ăn, đến hội họa, đến âm nhạc, đến võ thuật… Nghệ thuật sẽ không là nghệ thuật nữa nếu con người chỉ biết làm theo công thức như robot và hoàn toàn không có sáng tạo.
Đời sống tâm linh cho trái tim linh thiêng của bạn thì lại còn đòi hỏi mức độ nghệ thuật cao hơn các loại nghệ thuật khác rất nhiều. Bạn không thể dính cứng vào các công thức của bất kì pháp môn nào bạn học được mà hòng có thể đi đến đỉnh điểm. Tất cả mọi thứ pháp môn – ăn chay, niệm phật, tụng kinh, tham khảo kinh sách, ngồi thiền… đều chỉ là công thức. Và thiên hạ rất thích ôm cứng vào công thức – đó chính là “chấp” – vì công thức thì rất dễ, chỉ làm một lúc là quen và cứ lập lại như thế, và nó cho người ta cảm giác là người ta đã thuần thục, đã “đạt”. Chẳng đạt gì cả, các bạn. Công thức thì chỉ như là vẹt học nói, chẳng có gì để đạt. Bám vào công thức chính là “chấp”, mà Phật pháp là “vô chấp”.
Lấy trái tim của mình làm chính – trái tim tinh khiết, không bám vào đâu, và từ bi, đó mới là điều chính. Tanzan bồng kỹ nữ qua đường – phe lờ “nam nữ thọ thọ bất thân”, uống rượu mỗi ngày, và ban ngày thích ngủ lúc nào thì ngủ. Mọi thứ này đều được xem như phạm luật – phạm công thức thì đúng hơn. Nhưng Tanzan là một thiền sư lớn, dạy triết học trong Đại học Hoàng gia Nhật.
Công thức là chỉ để cho học trò học quen lề lối. Dùng công thức để đến gần được với trái tim mình hơn, tới trái tim rồi thì không cần công thức, như người đã qua được sông thì không còn cần bè.
Đỉnh điểm là trái tim không bám víu vào điều gì, và chỉ đầy vô lượng từ bi cho mọi chúng sinh. Thực sự là nếu trái tim bạn không chấp vào đâu, bạn tự nhiên đầy vô lượng từ bi với mọi chúng sinh, vì từ bi đã có trong gene của mọi sinh vật bầy đàn. Từ bi có thể bị tham sân si che mất, nhưng từ bi, trái tim Phật của bạn, luôn có đó trong bạn.
Cho nên, người học pháp môn gì cũng cần biết mình đang đi về đâu, đỉnh điểm mình nhắm tới là gì, để trái tim minh biết đường mà làm việc. Các pháp môn đủ kiểu chẳng thể đưa bạn đi đâu cả nếu trái tim bạn không hướng về đỉnh điểm bạn muốn.
Đỉnh điểm tu tập là “Phật tâm” – trở về với trái tim Phật của bạn. Trái tim Phật có hai điều chính: không bám vào bất kì điều gì, và luôn đầy yêu thương cho mọi sinh linh.
Lục tổ Huệ Năng, không biết đọc và không biết viết, nghe hàng xóm đọc Kinh Kim Cang đến câu “Ưng vô sở trụ, nhi sanh kỳ tâm” (không bám/trụ vào đâu thì sinh tâm [bồ đề] đó), thì Huệ Năng tức thì giác ngộ. Đương nhiên là vì Huệ Năng đã hiểu sâu sắc ý nghĩa “không bám vào đâu” là gì trong cách sống hằng ngày của chính Huệ Năng. Huệ Năng có lẽ cũng chẳng biết pháp môn nào cho nên chẳng có công thức nào để mà bám.
Bồ đề Đạt Ma nói: “Trực chỉ chân tâm, kiến tánh thành phật” nghĩa là sao? Nghĩa là tâm thật (chân tâm) của mình đã là tâm Phật. Chỉ thẳng vào đó, đi thẳng vào đó (trực chỉ) thì mình thấy được bản tính thật của mình (kiến tánh – và tánh của mình là Phật tánh), thì mình thành Phật, tức là sống lại được với trái tim Phật nguyên thủy của mình.
Vấn đề là đa số mọi học trò khi đã được cho một số công thức thì cứ bám vào đó như em bé ôm cứng bình sữa bú. Chẳng thể trưởng thành được trong đời sống tâm linh nếu bạn sống như robot.
Nắm vững mục tiêu cuối cùng: Trái tim không vướng mắc (không chấp vào đâu) và vô lượng từ bi.
Chúc các bạn luôn hướng lòng về đỉnh điểm.
Mến,
Hoành
© copyright 2022
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com
xin chia sẻ từ góc độ pháp (dhamma):
Tất cả các tôn giáo đều khuyến khích mọi người không làm điều ác, hãy làm điều thiện và sống một cuộc sống thiện lành. Cái gì là thiện là thiện, và cái gì là bất thiện là bất thiện, bất kể tạo bởi ai, theo tôn giáo nào. Tuy nhiên, Đạo Phật khác so với các Giáo lý khác ở cách giải thích nguồn gốc của thiện: chính tâm thực hiện thiện pháp. Đức Phật giảng chi tiết những loại tâm khác nhau cùng các tâm sở sinh kèm với chúng, cũng như các duyên cho sự sinh khởi của chúng. Ngài giúp mọi người biết được đặc tính của thiện và bất thiện. Bằng cách đó các tâm sinh khởi trong cuộc sống hàng ngày có thể được tìm hiểu, và các mức độ khác nhau của thiện và bất thiện có thể được tự mình kinh nghiệm. Khi chúng ta suy nghĩ về thiện pháp như bố thí hay giúp đỡ, chúng ta thường nhìn vào vẻ bề ngoài, chúng ta nghĩ về người làm việc thiện. Tuy nhiên, bề ngoài của sự việc có thể gây hiểu lầm. Liệu có thiện pháp được tạo hay không hoàn toàn tùy thuộc vào tính chất của tâm trong mỗi khoảnh khắc tâm sinh khởi.
Trong Giáo lý của Đức Phật có mô tả nhiều loại thiện pháp và các phẩm chất thiện của tâm tương ứng như quảng đại, chân thật, kham nhẫn, tinh tấn, từ bi ….Như vậy yêu thương hay từ bi là một trong các phẩm chất của tâm có thể được phát triển.
Sự phát triển tâm Từ cần được làm duyên bởi chánh kiến hay hiểu biết đúng. Tâm Từ có thể và cần được phát triển khi ở bên người khác. Cần phải hiểu rõ ràng khi nào có lòng vị tha và khi nào có lòng vị kỷ. Các khoảnh khắc của tâm Từ có thể bị tiếp nối bởi những khoảnh khắc của dính mắc. Hiểu biết đúng về các tâm của mình là điều không thể thiếu trong phát triển phẩm chất này, cũng như đối với sự phát triển của các phẩm chất thiện khác. Thanh Tịnh Đạo (Chương IX, 2) giải thích rằng để phát triển từ tâm, người ta nên suy xét sự nguy hại của ác ý và sự lợi lạc của kham nhẫn. Sách nói rằng, ta không thể từ bỏ mối nguy hại chưa nhận thấy, cũng như vươn tới điều lợi lạc chưa tỏ ngộ. Như vậy chúng ta một lần nữa thấy hiểu biết đúng được nhấn mạnh. Chúng ta có thể không thích một ai đó và thiếu kiên nhẫn về hành vi của họ. Khi chúng ta thấy những bất lợi của các suy nghĩ bất thiện thì có thể có duyên cho những suy nghĩ thiện thay vào đó. Người đó có thể đối xử với chúng ta một cách không thân thiện, nhưng chúng ta vẫn có thể coi họ như một người bạn. Tình bạn thật sự không phụ thuộc vào hành vi của người khác mà phụ thuộc vào tâm thiện. Khi thấy cô đơn do không có bạn bè bên cạnh, chúng ta nên tìm hiểu tâm của mình. Có từ (metta) đi kèm tâm không? Cách nhìn này có thể thay đổi quan điểm của chúng ta về mối quan hệ của mình với đồng loại và kết quả là thái độ của chúng ta có thể sẽ bớt ích kỷ hơn. Tâm từ có thể được mở rộng đến bất kỳ ai, kể cả những người mà chúng ta không biết, người mà mình gặp trên đường. Chúng ta thường có xu hướng thiên vị, chúng chỉ muốn tốt với người mình thích, nhưng đó là một thái độ ích kỷ. Khi có tâm Từ thực sự thì cũng có sự công bằng, không thiên vị. Chúng ta có xu hướng nghĩ về người khác chủ yếu với tâm bất thiện, với tâm có nhân tham hoặc sân. Tuy nhiên, khi chúng ta biết được tâm từ là gì thì sẽ có nhân duyên cho những suy nghĩ thiện thay vào đó. Tâm từ có thể sinh khởi tự nhiên khi có nhân duyên thích hợp. Khi một người quá cố gắng suy nghĩ từ bi để tạo tâm từ thì có tham thay cho từ tâm thực sự, cái cần phải là thiện.
Giá trị và tầm quan trọng của lòng yêu thương đã được nhân loại biết đến từ lâu. Tuy nhiên, trái với cách hiểu của phần đông, Đạo Phật không dừng lại ở tâm từ hay rộng hơn những thiện pháp đã được biết trước khi Đức Phật giác ngộ. Trước Đức Phật, nhiều người đã đi đến tận cùng của vô lượng từ bi và không cần đến một vị Phật ra đời để dạy lại bài học về lòng yêu thương. Mục đích tối thượng của đạo Phật là thoát khổ, thoát khỏi các ràng buộc khiến chúng sinh trôi nổi mãi trong vòng sinh tử luân hồi. Điều đó đòi hỏi không chỉ lòng từ bi ở mức độ cao nhất mà cần phát triển các phẩm chất tâm siêu việt hơn nữa như được mô tả trong Đạo Đế. Trong bài kinh cuối cùng trước khi nhập diệt, Đức Phật đã nói rõ ở đâu không có Đạo Đế thì không thể đạt đến mục đích tối hậu.
Khám phá lớn nhất của Đạo Phật có lẽ nằm ở chỗ này: Tâm từ và các thiện pháp thông thường không diệt trừ được Bất Thiện, Tình yêu ở mức độ cao nhất và rộng lớn nhất của nó không diệt trừ được Tham Sân, chỉ có Trí tuệ mới diệt trừ được chúng. Khó khăn nhất cho phần đông nhân loại hiện tại có lẽ là thực sự tìm hiểu cho đúng những gì Đức Phật đã giác ngộ và căn bản Giáo lý mà ngài đã dạy, bắt đầu từ sự tìm hiểu về các thực tại đang xuất hiện hiện giờ, hay còn gọi là các pháp (dhamma = pháp chân đế = các thực tại tột cùng).
ThíchThích