Chào các bạn,
Thông tin, kiến thức và trí tuệ là các từ mình dùng cho information, knowlwedge và wisdom. Ngày trước các từ này hay được dùng lẫn lộn và thay cho nhau, nhưng những năm vừa qua sự khác biệt giữa ba từ càng ngày càng lớn và càng rõ ràng, cho nên chúng ta cần nắm vững chúng để hiểu điều gì đang xảy ra cho đầu óc của chúng ta.
Information, thông tin, là sự kiện căn bản nhất. Một sự kiện gì đó đến, đi vào đầu bạn, đó là thông tin. Một người cho bạn biết một người khác vừa bị bệnh, đó là thông tin. Một mảnh dữ kiện nhỏ đi vào đầu mình. Thông tin tự chính nó thường chẳng tạo ra hiểu biết gì nhiều về câu chuyện phía sau thông tin.
Nhiều mảnh thông tin nữa đến sẽ làm cho chúng ta thêm nhiều dữ kiện. Như là bạn đó uống ly nước có chất gì độc hại trong đó, và có người thân đưa vào bệnh viện cấp cứu. Các dữ kiện mới như thế sẽ từ từ cho chúng ta hiểu được câu chuyện (narrative) của bạn này.
Từ từ có nhiều thông tin khác về ly nước và những người ra vô nhà cậu kia, đưa ra nhiều câu hỏi về câu chuyện. Như là ai ra vô nhà đó, ly nước đó ai để đó, ai có thể đến gần nó, chất độc hại trong đó là gì, ai có thể bỏ chất đó vào ly nước… Các thông tin mới này có thể đưa thêm ánh sáng cũng như thêm nhiều câu hỏi cho câu chuyện. Và câu chuyện bắt đầu trở thành rối rắm: Đây là một vụ ám sát? Nếu vậy thì ai chủ mưu ám sát? Ai hành động ám sát? Đây là ám sát thật hay chính cậu bệnh nhân dàn cảnh? Nếu dàn cảnh thì dàn cảnh làm gì?… Thế là vụ việc trở thành 3, 4 câu chuyện có thể, với vài ba lý thuyết khác nhau. Nghĩa là các thông tin đã cho chúng ta vài ba câu chuyện khác nhau, chuyện nào cũng có lý một chút, nhưng chẳng chuyện nào đầy đủ 100% để mọi người đều có thể kết luận: “Đây là câu chuyện đúng, còn các câu chuyện kia là sai.” Và đây là tình trạng cúa cái mà chúng ta gọi là kiến thức (knowledge) ngày nay.
Kiến thức (knowledge) ngày nay thường là những câu chuyện (narrative) chủ quan mà người ta tổng hợp từ các thông tin (information) người ta nhận được. Và mỗi câu chuyện như thế được một nhóm người đưa ra như là “sự thật”, nhưng thật sự có nhiều phiên bản “sự thật” khác nhau của cùng một vụ việc – “sự thật” là gì còn tùy vào bạn nói chuyện với ai.
Nghĩa là kiến thức ngày nay chẳng thực sự là kiến thức mà chỉ là những câu chuyện chủ quan kết hợp thông tin một cách chủ quan, kết luận chủ quan, và được đẩy ra ngoài (trên Internet) thành một kiến thức. Kiến thức đó chẳng là sự thật và do đó chẳng thật là kiến thức.
Nhưng tại sao có tình trạng này?
Điều chính là vì thông tin đi quá nhanh, và người ta không thể chỉ chuyển thông tin rời rạc vô nghĩa lý mà cần cho thông tin có nghĩa, bằng kết hợp thông tin thành câu chuyện tức thì. Nhu cầu vận tốc của người viết/nói lẫn người đọc ép người ta có những câu chuyện rất nhanh, dù chẳng đúng. Và khi câu chuyện được đưa ra, nó thường được chấp nhận như là một sự thật, dù nó có thể chẳng thật chút nào.
Dĩ nhiên, khi một vụ việc có nhiều phiên bản chuyện khác nhau, thì có tranh chấp giữa những phiên bản và giữa những người ủng hộ những phiên bản khác nhau. Cái gọi là kiến thức (knowledge), chẳng những không là kiến thức mà còn là đầu mối của mọi tranh cãi và chia rẽ. Và đa số mọi người bị lạc vào vòng lẩn quẩn – thông tin, phiên bản, và tranh chấp tư duy – vì áp lực biết nhanh biết nhiều mà Internet tạo ra.
Đương nhiên là chỉ có một phiên bản của câu chuyện là đúng nhất và có thể gọi là sự thật (truth). Sự thật (truth) đó là trí tuệ, thông thái (wisdom).
Nhưng vấn đề là wisdom thường rất hiếm, vì chẳng ai làm công việc tìm ra nó. Mọi người chạy theo một phiên bản knowledge, cho rằng mình đúng, người khác sai. Và hết chuyện. Vì còn phải chạy theo một mớ chuyện khác, mỗi chuyện với vài phiên bản khác nhau như thế. Và đó là một thế giới nhiễu thông tin, nhiễu kiến thức, chạy lòng vòng lẩn quẩn, mà chẳng hề có được wisdom (thông thái, trí tuệ).
Đương nhiên cách giải quyết vẫn đề là chậm lại, kiên nhẫn tìm hiểu vấn đề kỹ càng hơn. Nhưng bạn chẳng thể chậm lại và kiên nhẫn nếu bạn đang đứng giữa dòng chảy cả chục vấn đề chảy qua mỗi giây, bạn chẳng thể giữ một vấn đề trong đầu và để hàng nghìn vấn đề vuột mất trong một ngày.
Nói chung, chúng ta đang là nạn nhân của dòng chảy hỗn loạn của thông tin, mất kiến thức, và lạc phương hướng.
Và đó là chúng ta chưa thêm một yếu tố lớn vào vấn đề. Đó là, rất nhiều người dùng thông tin để làm cho mình nổi tiếng, để đẩy tiếng nói của mình theo ý mình muốn, vì lý do chính trị hay kinh doanh, hay chỉ là để nổi tiếng. Những người này không cần sự thật, chỉ cần đẩy đủ thứ tin vịt giật gân để nổi tiếng.
Thế giới tạo ra computer và con người đã thành nạn nhân của computer, vì chưa biết cách vận hành hiệu quả với computer.
Thế thì làm sao chúng ta có được wisdom?
1. Đương nhiên là muốn biết sự thật thì phải kiên nhẫn tìm ra sự thật. Trong một thế giới hỗn loạn chạy theo vận tốc, nếu bạn muốn tìm sự thật thì bạn vẫn phải kiên nhẫn, chậm lại và tìm hiểu cho đến lúc bạn thỏa mãn đã có thông tin đầy đủ để kết luận.
2. Còn nhiều vụ việc khác bạn không thể tập trung vào như thế, thì hãy chấp nhận các phiên bản của một việc tạm thời như chỉ là một phiên bản, mà chưa là sự thật. Ít ra trong rất nhiều trường hợp, bạn sẽ đúng với thái độ đó.
3. Nhạy cảm với thông tin. Nếu bạn thường quan tâm đến thông tin đúng sai, có thông tin gì cũng suy nghĩ một chút trước khi chuyển đi đâu, thì bạn sẽ càng ngày càng nhạy cảm với thông tin, và sẽ cảm thấy thông tin nào đáng tin và thông tin nào không đáng tin, để mà chọn lọc thông tin ngay tức thì, khi vừa mới gặp thông tin. Điều này giúp cho bạn loại rác ra khỏi đầu ngay từ đầu, và do đó có nhiều thời gian hơn để làm việc với sự thật
Các bạn, thông tin (information), phiên bản câu chuyện (narative) và sự thật (truth) là 3 thứ hoàn toàn khác nhau.
Phiên bản câu chuyện (narative) ngày nay thường bị đưa ra là kiến thức (knowledge) hay wisdom (thông thái, trí tuệ). Nhưng thực sự đó chỉ là phiên bản chủ quan của vụ việc.
Sự thật (truth) mới là wisdom (thông thái, trí tuệ) và luôn khó nắm dù ở thời đại nào. Truth ngày xưa là wisdom và cũng là knowledge. Ngày xưa, truth, knowledge và wisdom là một. Ngày nay, knowledge chẳng là truth và chẳng là wisdom, mà chỉ là một phiên bản.
Truth đòi hỏi kiên nhẫn, suy nghĩ và thành thật. Nếu bạn không muốn nói sai cho bạn bè và các em của bạn nghe, thì đó là động lực thành thật, giúp bạn kiên nhẫn thêm để tìm sự thật và không xả thêm rác vào dòng thông tin.
Chúc mọi chúng ta đều thông thái.
Mến,
Hoành
© copyright 2022
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com
‘Chẳng thể chậm lại và kiên nhẫn nếu bạn đang đứng giữa dòng chảy cả chục vấn đề chảy qua mỗi giây’
Cuộc đời vốn chẳng phải thế này sao.
Cảm ơn anh.
ThíchThích
Chúng em cảm ơn anh Hoành đã viết bài đều đặn.
ThíchThích
Chúng em chúc anh và gia đình luôn mạnh khoẻ.
ThíchThích
Dear a Hoành,
Bài này nặng đô đối với cá nhân em quá, làm sao có thể thẩm thấu đây nhỉ?
ThíchThích
Sorry, Phong. Có lẽ mai mốt anh sẽ vòng lại đề tài này và tìm cách viết rõ ràng hơn. Trong thời gian chờ đợi thì đây là tóm tắt đại ý của bài này
– Ngày xưa, thường là, thông tin (information) cho ta kiến thức (knowledge) và trí tuệ (wisdom), vì thông tin thường đầy đủ và chính xác. Mỗi thông tin, ví dụ một bài báo giấy, là một bài đầy đủ thông tin và kiến thức về vấn đề ở trong đó. Và có những phân tích và hướng dẫn chính xác của tác già để người đọc có được trí tuệ (wisom) để biết tốt xấu.
– Ngày nay, thông tin đến rất nhanh và từng mảnh nhỏ. Chẳng đủ để mang theo kiến thức.
Và nhiều mảnh thông tin rời rạc cần có một câu chuyện (narrative) để làm rõ ý nghĩa của thông tin. Các narrative này thường cũng quá gấp, nhiều phỏng đoán, thiếu chính xác và chủ quan. Do đó tạo ra nhiều narratives khác nhau từ cùng một số mảnh thông tin.
Các naratives này, vì chủ quan và thiếu chính xác, chẳng thể là kiến thức (knowledge) được. (Nhưng các tác giả của chúng luôn muốn gọi chúng là kiến thức).
Và đương nhiên là chẳng có kiến thức thì chẳng thể có trí tuệ trong những information hay narratives đó.
Kiến thức (knowledge) và trí tuệ (sự thông thái để phân định tốt xấu) đòi hòi thông tin chính xác, đầy đủ và tạo thành một câu chuyện chính xác để cho người đọc kiến thức về sự thật (truth) của câu chuyện. Sự thật (truth) ít nhất cũng cho người đọc đủ trí tuệ (wisdom) đễ phân định tốt xấu, đúng sai, tức là học được bài học hành xử trong câu chuyện đó. Nếu sự thật (truth) còn đi kèm với khuyên nhủ sáng suốt và tử tế của người viết nữa thì chính người viết cũng cho người đọc thêm trí tuệ sống (wisdom).
Tóm lại, chỉ có thông tin chính xác, tổng hợp thành câu chuyện chính xác, thì thông tin mới trở thành kiến thức. Kiến thức đúng thì mới có thể cho người đọc trí tuệ (wisdom).
I hope this helps a little.
A. Hoành
ThíchĐã thích bởi 2 người
Hi anh,
Anh có thể viết thêm một bài trà đàm (suy nghĩ và góc nhìn của anh) về ứng dụng phần mềm Chatbot có tên là “ChatGPT” đang rất hot thời gian này không ạ?
e. Thắng
ThíchThích
Hi Thắng,
Anh chẳng biết nó là gì cả. Khi nào rảnh anh sẽ tìm xem nó là gì. CÓ lẽ em nên viết về nó.
A. Hoành
ThíchĐã thích bởi 1 người
Dạ, em cũng đang tìm hiểu ạ, khi em hiểu rõ hơn và cảm thấy mình có thể viết một bài về nó thì em sẽ viết.
Em chúc anh tuần mới vui.
e. Thắng
ThíchThích