Chào các bạn,
Trong việc luyện tâm, điều khó nhất không phải là tập ngồi Thiền, hay ăn chay, hay quán niệm kinh sách. Điều khó nhất là chống lại cám dỗ.
Cám dỗ đến với chúng ta cả chục lần một ngày: Muốn dậy sớm tập thể dục, nhưng bị cám dỗ muốn ngủ thêm; muốn nói một câu dịu dàng, nhưng bị cám dỗ và câu đó ra khỏi miệng thành câu chửi xéo; muốn không giận, nhưng bị cám dỗ nóng như núi lửa; muón bỏ qua, nhưng rốt cuộc vẫn gây lộn…
Cám dỗ đến với chúng ta thường xuyên như thế, nhiều lần mỗi ngày, và rất nhiều khi cám dỗ thắng và ta thua. Chính vì thế mà cả thế giới luôn nói đến ma quỷ cám dỗ ta, vì chúng cám dỗ thật là kỳ diệu, làm ta thất trận thường xuyên. Chúa quỷ!
Gọi đó là Chúa quỷ hay là Chúa ngu thì tùy bạn. Nhưng vấn đề vẫn là “cám dỗ.”
Chính vì vậy mà trong Kinh Lạy Cha (the Lord’s Prayer) – lời cầu nguyện Chúa Giêsu dạy mọi người cầu nguyện – có câu: Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ (Lead us not into temptation).
Câu tiếng Anh rất interesting, dịch chính xác là: “Xin đừng dẫn chúng con vào cám dỗ.” Sao lại “dẫn chúng con”, vậy là God có dẫn chúng con vào nơi cám dỗ hay sao mà phải cầu nguyện như thế? Yes, ít nhất là trong sách Job của Thánh kinh, God để cho Satan (Chúa quỷ) cám dỗ Job bằng đủ mọi điều đau khổ để mong Job tức giận mà chống God. God muốn Satan thấy là Job rất trung chính, không thể bị sa ngã bởi cám dỗ.
Câu chuyện này có ý nói ngay cả các cám dỗ cũng là những thử thách God cho phép xảy ra cho con người, để con người có cơ hội mà tiến lên mạnh mẽ. Kiểu như thi định kỳ cho học sinh. Và nếu đó là kỳ thi, thì điều chúng ta cần là thi đỗ – vượt qua được mỗi kỳ thi.
Vấn đề là những kỳ thi cám dỗ xảy đến cả ngày, mỗi ngày, cho đến khi ta hết bị cám dỗ – tức là đã về với ông bà rồi. Bạn còn thở là còn bị cám dỗ. Nghèo thì bị cám dỗ ham tiền; giàu rồi thì vẫn bị cám dỗ thêm tiền, cộng thêm cám dỗ kiêu căng và cám dỗ danh tiếng; có danh tiếng rồi thì bị cám dỗ muốn thiên hạ tôn mình như vĩ nhân cứu quốc… Chẳng bao giờ ngừng.
Chính vì vậy mà mọi trường phái tâm linh đều nói một điều: Hãy luôn canh giữ trái tim bạn. Chỉ sơ hở vài giây là bạn có thể bị sa ngã tức thì.
Cách canh giữ tốt nhất là nhạy cảm với mọi thay đổi bên trong của bạn. Ai nói một câu, thấy hơi khó chịu một chút thì phải nhận ra ngay là “Mình đang bị khó chịu vì lời anh kia nói.” Nếu chúng ta tập quen nhạy cảm với chính mình như thế, thì thường là có thể chặn đứng được những tiêu cực ngay khi chúng vừa xuất hiện, không cho chúng bành trướng.
Thiền quán nội tâm của mình (Thiền tứ niệm xứ) thường xuyên là cách dễ nhất để tập luyện nhạy cảm với chính mình. (Đọc Biết mình).
Dù sao thì các bạn đừng quên rằng mình còn yếu công lực thì cám dỗ thường là chuyện nhỏ, khi công lực mình thâm hậu thì các cám dỗ cũng mạnh theo và toàn là chuyện rất lớn. Cám dỗ chẳng bao giờ ngừng, bạn lớn mạnh tới đâu cám dỗ lớn theo tới đó.
Chúc mọi chúng ta không sa chước cám dỗ.
Mến,
Hoành
© copyright 2022
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com
Thưa anh,
Anh có thể giải thích rõ hơn về ý “khi công lực mình thâm hậu thì các cám dỗ cũng mạnh theo và toàn là chuyện rất lớn” được không ạ?
ThíchThích
Hi Long,
Trong bài anh đã có ví dụ rồi. Cám dỗ nâng cấp. Em chán tiền cấp xã, thì có cám dỗ tiền cấp tỉnh, chán tỉnh thì lên lên cấp quốc gia, chán quốc gia thì lên cấp quốc tế. Danh tiếng cũng vậy, hết muốn danh tiếng cấp xã thì sẽ có cám dỗ cấp tỉnh, rồi cấp quốc gia, rồi cấp quốc tế… Cám dỗ luôn nâng cấp tùy theo trình độ của mình như thế. Phàm phu thì cám dỗ ăn trộm vặt, người hàng gần thánh thì cám dỗ sẽ thành thánh.
A. Hoành
ThíchThích
Cảm ơn anh Hoành viết bài,
Em vừa được rèn tư duy tích cực vừa được học thêm từ mới: “temptation” và phát hiện ra nó có gốc là từ “temp”, mà “temp” thì chắc chắn nằm trong tập hợp của “mộng huyễn bào ảnh”
Vậy để “thoát” được cám dỗ, cần phải luyện Kinh Kim Cang rồi 🤣
https://dotchuoinon.com/2013/08/07/mong-huyen-bao-anh/
Chúc anh Hoành sức khỏe.
ThíchThích