Chào các bạn,
Trong nhà Lưu trú sắc tộc Buôn Hằng trong năm học niên khóa 2012 – 2013, có một em học sinh lớp Mười tên Hồng Lê Kiếm. Mình nhớ lần đầu hai mẹ con em Kiếm đến gặp mình để xin cho em Kiếm vào nhà Lưu trú ở, nhìn tên trong giấy khai sinh mình ngạc nhiên đã hỏi mẹ Kiếm:
– “Gia đình bố mẹ Kiếm người sắc tộc gì?”
– “Cả nhà mình là người đồng bào Sêđăng.”
– “Người sắc tộc Sêđăng sao lại có tên dài giống như tên của người Kinh vậy?”
– “Do khi còn trẻ bố Kiếm đi làm rãy cà-phê tháng cho một gia đình người Kinh, bố Kiếm thấy tên con của người chủ nhà hay nên đã bắt chước đặt cho con của mình.”
Nghe mẹ Kiếm kể mình nghĩ tên con của người chủ nhà là Lê Hồng Kiếm, chứ không phải Hồng Lê Kiếm, bởi người Kinh làm gì có họ Hồng. Vì không phân biệt được đâu là họ đâu là tên, nên bố Kiếm đã không nhớ được đúng theo thứ tự họ và tên của người Kinh. Mình hỏi:
– “Những người em của em Kiếm có tên giống em Kiếm không?”
– “Không, trong nhà chỉ có một mình em Kiếm là có tên dài giống tên người Kinh, còn những người em của em Kiếm được đặt tên của người Sêđăng.”
Qua hỏi chuyện mình nhận và hẹn em Kiếm ngày nhập vào nhà Lưu trú, sau đó hai mẹ con em Kiếm chào mình về. Cầm tờ giấy khai sinh của em Kiếm, tự nhiên mình nhớ đến người con trai con của bố mẹ Phong, em cũng có cái tên rất hay đó là Ayun Thanh Phong. Lần đó mình ghé thăm bố mẹ Phong ở buôn Cuôr Đăng, trong lúc bố Phong tìm giấy khai sinh của em Phong để lên trường nộp bổ túc hồ sơ nhập học của em Phong, khi tìm được giấy khai sinh bố Phong đã cho mình xem, mình ngạc nhiên khi thấy tên em nhỏ là Ayun Thanh Phong, mình nói:
– “Bố Phong đặt tên cho con hay quá, nhưng sao họ lại đứng trước tên trong khi người sắc tộc Êđê của bố Phong họ đứng sau tên?”
– “Mình đặt họ trước tên do mẹ Phong người Kinh. Mẹ Phong với mình cùng nhất trí là các con sẽ mang họ của mình là Ayun và sẽ đặt họ trước theo cách của người Kinh. Do mình đặt họ trước nên em Phong đi học đến trường, nhiều thầy cô giáo thắc mắc không biết em Phong người gì!”
– “Đúng là đọc tên Ayun Thanh Phong mình thấy cứ như tên người nước ngoài vậy!”
Mình đến nhà bố mẹ Phong lần này là lần thứ ba, nhưng chưa lần nào mình gặp mẹ Phong ở nhà, bởi vậy mình không biết mẹ Phong người Kinh, cho đến lần này bố Phong nói mình mới biết và ngạc nhiên với cách đặt tên cho con của bố mẹ Phong. Mình hỏi:
– “Trước đây ở Đăklăk, nhiều gia đình không phải người đồng bào sắc tộc thiểu số nhưng nếu có cơ hội cũng muốn khai là người đồng bào sắc tộc thiểu số, để được hưởng chính sách ưu đãi dành cho anh em đồng bào sắc tộc thiểu số. Còn bố Phong đặt tên cho con như vậy làm sao người khác biết là người Êđê?”
Sau một chút suy nghĩ bố Phong nói:
– “Quan trọng là mình biết mình chớ không phải người khác biết mình!”
Matta Xuân Lành