Nắm vững giáo pháp

Chào các bạn,

Trong đời sống tâm linh, số lượng người đi lạc phải là 99, 99%. Con số lớn kinh khủng. Các bạn cứ nhìn vào mọi tôn giáo thì thấy. Những người có một tôn giáo có khác gì những người hoàn toàn không biết gì và không quan tâm đến một tôn giáo nào không? Hay là, không những không khác mà còn tệ hơn người không tôn giáo? Đa số những người không có tôn giáo thường chẳng tốn thời giờ cho rằng đạo mình là nhất. Và nhất định là không dùng thời gian sỉ vả, đánh nhau và tạo chiến tranh với các tôn giáo và nền văn hóa khác chỉ vì chúng nó là “những kẻ lầm lạc.”

Lịch sử thế giới vậy đó. Và đang tiếp diễn.

Và mình suy nghĩ, suy nghĩ, và suy nghĩ, rất nhiều năm, mấy mươi năm, tại sao số người đi lạc của thế giới thật kinh hoàng? Không chỉ là các tín đồ thấp kém ngu dốt, mà thường là lớp lãnh đạo, kể cả hàng giáo chủ mới đi lạc lớn, và kéo hàng triệu người đi theo.

Lý do lớn nhất mà mọi người đi lạc, dù đó chỉ là một người, hay cả một tôn giáo là: Họ không muốn học lời thầy – Phật Thích Ca và Chúa Giêsu – họ thích dùng tên Chúa Phật để làm tiếp thị, và thay lời dạy của các vị thành những giáo lý tràn đầy tham sân si của họ. Nghĩa là họ học đúng zero từ hai Thầy.

Cả Phật Thích Ca và Chúa Giêsu đều dạy “yêu người” với “trái tim tinh khiết” là chính.

1. Phật gia thì cực kì logic, cho nên ta phải logic dài dòng một chút. Phật gia dạy: Khi ta không còn bám vào “tôi” nữa, tức là “vô ngã”, thì ta giác ngộ, thành Bồ tát, thành Phật.

Quán tự tại Bồ tát hành thâm Bát Nhã ba la mật đa thời
Chiếu kiến ngũ uẩn giai Không, độ nhất thiết khổ ách.

Khi Bồ tát Quán-tự-tại thực hành trí tuệ Bát Nhã thâm sâu
Thấy rõ mình [ngũ uẩn] là Không, ngài vượt qua mọi khổ nạn.

Vượt qua được “khổ” tức là đắc đạo. Chúng ta sẽ nói nhanh về “khổ” một chút. Khổ, trong Phật triết, chẳng phải là bị bỏ đói, bị ở tù, bị đụng xe, hay bị bồ đá… Mấy cái này chỉ là đau. Khổ là si mê, ngu dốt, không hiểu về chính mình, đời sống của mình, và đời sống của thế giới. Đó mới là khổ. “Vượt qua mọi khổ nạn” như Bồ tát Quán tự tại, chính là vượt qua được si mê, và hết mê tức là tỉnh – Bồ tát (Bodhisattva) là Người Tỉnh Thức, Phật (Buddha) cũng là Người Tỉnh Thức (the Enlightened – Người Đã Sáng).

Khổ là si mê. Vô ngã (không tôi – tôi là Không) thì vượt qua được mọi si mê. Và trở thành Người Tỉnh Thức (Bồ tát, Phật). Đây là trung tâm điểm của Phật pháp.

Nhưng tại sao “vô ngã” (không tôi) thì vượt qua mọi si mê? Và “vô ngã” chính xác là gì?

Thiên hạ nói đủ kiểu về vô ngã, và đó chính là lý do mọi người (ngoại trừ một thiểu số rất nhỏ) đi lạc.

Đây là những hiểu sai về vô ngã:

– Vô ngã là nhịn ăn, nhịn uống, hành xác.
– Vô ngã là chối bỏ tiền bạc, tài sản, bằng cấp, địa vị
– Vô ngã là chối bỏ tất cả mọi thứ liên quan đến “tôi”.
– Vô ngã là lên rừng dựng am, tu một mình.
– Vô ngã là tu trì nghiêm chỉnh, không vợ con, không gia đình

Các bạn, những thứ trên kia không phải là vô ngã. Và thực ra chúng là điều ngược lại – chúng là “chấp ngã” đến hàng tổ sư. Các bạn đọc lại danh sách phía trên, có phải mỗi hàng đều là nói về “chính mình” hay không? Vậy mà không “chấp ngã” thì còn gì là chấp ngã nữa.

Đây là điều vi tế: Khi ta chối bỏ mình, là chính lúc ta bám vào mình cứng nhất. (Thấy giống Luật Hấp Dẫn không?)

Trong thực hành, chỉ có một cách duy nhất để bạn “không tôi” là bạn yêu mọi người. Khi trái tim của bạn yêu mọi người (vì thấy mọi người “khổ” và bạn muốn giúp mọi người vượt khổ), thì bạn đã rất là không tôi, vì yêu cả 9 tỉ người của thế giới thì đương nhiên là bạn chẳng có thời gian nào để yêu bạn. Nếu tâm trí mình không còn bị bám vào mình nữa thì đó chính là không tôi.

Nhưng, vấn đề vẫn chưa hết. Nếu bạn yêu mọi người và muốn độ mọi người để bạn thành Bồ tát, thì đó lại là chấp ngã hạng tổ sư.

“Yêu mọi người” là yêu mọi người, muốn chăm lo cho mọi người hết khổ, để mọi người tìm được chân lý an lạc, thành Bồ tát, nhưng mình chẳng có một chút gì liên quan đến mình trong tư duy. Yêu người để mình thành Bồ tát, từ ái với mọi chúng sinh để mình được giác ngộ, hay mình phải yêu chúng sinh để tạo nhiều công đức… Nói chung là trong tư duy của mình mà còn câu nào có từ “mình/tôi” là hỏng, vì mình đang chấp ngã hàng tổ sư. Đây là hàng tổ sư vì nó là chấp ngã vi diệu hàng nghìn lần so với ăn cướp đi ăn cướp.

Nghĩa là, yêu mọi người, chăm lo cho mọi người như mẹ yêu các con và chăm lo cho các con. Mẹ yêu các con chẳng vì lý do gì cho mẹ. Mẹ lo cho các con vì mẹ yêu các con và chẳng có gì cho mẹ trong việc yêu đó. Bình thường mẹ cũng chẳng nghĩ là mẹ lo các con – mẹ lo cho các con đến xất bất xang bang, nhưng mẹ chẳng hơi đâu mà nghĩ về việc mẹ lo cho các con, mẹ chỉ làm việc lo cho các con tự nhiên như hít thở hồng hộc của người đang chạy.

Tình yêu mẹ và quan tâm của mẹ chính là điều Kinh Kim Cang nói: Bồ tát diệt độ vô lượng, vô số, vô biên chúng sanh mà thật không có chúng sanh được diệt độ. Vì cớ sao? Vì nếu Bồ tát còn có tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sinh, tướng thọ giả tức chẳng phải Bồ tát. (Kinh Kim Cang, Đoạn 3, Đại thừa chính tông).

Nghĩa là, nếu Bồ tát còn thấy mình (ngã) và thấy người (nhân – tức là những người mình giúp thành Bồ tát) thì đó không phải là Bồ tát.

Ví dụ khác. Anh yêu em. Em bị bệnh. Anh thăm viếng, mua thuốc cho em, giúp em uống thuốc, nấu cháo cho em, đút em ăn cháo, và nhiều việc khác… Nhưng nếu trong lòng anh còn nghĩ đây là anh giúp em, thì có lẽ “tình yêu” đó cần phải được hỏi lại. Nếu anh yêu em thật sự, anh chẳng nghĩ gì hết, chỉ làm là làm, cũng như mình đang cho chính mình uống thuốc, đang tự đút cháo cho mình ăn… không có sự tách biệt giữa mình và người yêu trong tư duy.

Yêu người như thế. Yêu mọi người mà không còn phân biệt mình và mọi người. Yêu đến mức chỉ thấy mọi người cùng mình là một, mọi người cũng là mình, mình cũng là mọi người. Thì đó là “vô ngã”, hoàn toàn không còn tôi, và vượt qua khỏi mọi khổ nạn, vượt qua khỏi vòng si mê và được Tỉnh Thức.

Tóm lại:

– Khi ta “vô ngã” thì ta vượt khỏi mọi si mê (“khổ”) và thành Người Tỉnh Thức, và
– “Vô ngã” có nghĩa là yêu mọi người và chăm lo cho mọi người mà không còn tư duy cách biệt “tôi” và “mọi người”. Mọi người đã là tôi, và tôi là mọi người.

Những điều này nghe đôi khi khó hiểu, nhưng nếu các bạn đã có con và yêu con, thì các bạn sẽ hiểu. Hoặc yêu cha mẹ cũng thế. Hoặc yêu người yêu cũng thế. Rất dễ hiểu.

Và nếu trái tim ta đúng, thì sẽ có lúc ta làm được và cảm nhận được. Mình luôn thấy các bạn là các em của mình, và mình vẫn giúp các bạn hằng ngày, nhưng thật sự mình không hề nghĩ là mình làm gì cho các bạn để mình được gì cả. Anh mà làm gì cho các em là chuyện bình thường mỗi ngày, như là mình rót cho mình một ly nước để mình uống thôi. Tình cảm của mình với các bạn như thế. Như anh yêu các em mà hoàn toàn không thấy cách biệt, không như là “Mình là anh thì phải làm vậy”. Mình là anh nên mình làm vậy, nhưng chẳng có “phải” gì hết. Anh làm vì anh làm.

Loại tình yêu không có tách biệt giữa hai người là rất thường trong đời sống của chúng ta, giữa cha mẹ con cái, con cái cha mẹ, anh chị em, người yêu, vợ chồng… Chẳng có gì bí ẩn như khi ta tưởng tượng lúc đọc kinh sách.

Kinh sách đọc bằng cái đầu thì thường làm cho mọi người rối rắm kinh khủng. Nhưng lấy trái tim và kinh nghiệm sống của mình để hiểu thì cực kì dễ hiểu.

2 – Chúa Giêsu thì còn dễ hiểu hơn: Hãy yêu Thượng đế và yêu mọi người.

Yêu Thượng đế để làm gì: Để trái tim bạn tinh khiết. Nếu bạn yêu Thượng đế thật, yêu như yêu người yêu, thì đương nhiên trái tim bạn tinh khiết. (Đi nhà thờ xin cho không phải là yêu Thượng đế, please). Yêu là cảm xúc yêu, và yêu là không vụ lợi. Bạn nào đã từng có người yêu thì phải hiểu yêu là gì. Cầu nguyện xin cho không phải là yêu. Cầu nguyện và lễ bái công thức không phải là yêu.

Yêu là cảm thấy trái tim rung động mãnh liệt với người mình yêu. Và nếu bạn yêu Thượng đế (Chúa Giêsu) thì tự nhiên bạn sẽ có trái tim tinh khiết.

Rồi bạn sẽ thực sự yêu mọi người với trái tim tinh khiết. Nghĩa là yêu chỉ vì yêu, chẳng vì gì cho tôi, chẳng vì tôi nên giúp đỡ bạn. Anh yêu em và làm gì cho em thì cũng chỉ tự nhiên như hít thở. Chẳng có gì đáng nói, chẳng có gì để bàn.

Các bạn, hai vị Thầy lớn dạy chỉ một điều như nhau. Và điều trung tâm này, cả thế giới chỉ có được vài người muốn thực hành nghiêm chỉnh. Cho nên, tại sao thế giới đi lạc kinh khủng, cả thế giới, cả mọi tôn giáo, cả mọi trường phái tâm linh. Số người không đi lạc chỉ trên đầu ngón tay.

Các bạn, mình chẳng là thánh, cũng chẳng muốn hay cần làm thánh, và có những điều mình vẫn nói hay hơn làm. Nhưng, mình nói với các bạn điều mình hiểu rất rõ trong trái tim mình, chẳng mù mờ gì hết. Mình không bao giờ nói điều gì mình chưa trải nghiệm tốt. Khi mình nói chúng ta yêu mọi người bằng xúc cảm tình yêu mãnh liệt đến mức không còn chia cách trong lòng, như mẹ yêu con, anh em yêu nhau, người yêu yêu nhau, vợ chồng yêu nhau…thì mình đang nói sự thật mình đã và đang trải nghiệm, với các bạn trong lòng mình. Để mình có thể thành thật và nghiêm chỉnh nói với các bạn rằng: Yêu mà không còn phân biệt giữa mình và người mình yêu là chuyện xảy ra rất thường trong đời sống con người, chẳng có gì bí ẩn. Điều khó khăn hơn là, mở rộng ra đến “mọi người.” Nhưng thực sự là đến “mọi người” cũng là điều rất dễ, nếu các bạn thấy được con người cả thế giới khổ/si mê đến thế nào. Thấy được như thế thì yêu là điều cực kì dễ. Đó chính là điều Phật Thích Ca và Chúa Giêsu đã trải nghiệm với cuộc đời và loài người: Vì yêu loài người quá đỗi, nên hai vị tìm cách làm cho loài người bớt khổ.

Ở một mức giới hạn hơn, mình cũng có trải nghiệm về tình yêu như thế.

Các bạn, trái tim tinh khiết, yêu mọi người, đến mức không còn thấy tách biệt giữa mình và mọi người. Đây chính là trung tâm điểm của lời dạy của Đức Phật và của Chúa Giêsu.

Nắm vững điều này, và thực hành, và bạn sẽ không đi lạc.

Cả thế giới đi lạc, làm mình thấy rất nhức nhối. Mình nhức nhối thường trực mỗi khi nói đến thế giới.

Chúc các bạn biết thực hành yêu người trong trái tim mình (Trong trái tim là chính. Bên ngoài thì chẳng nghĩa lý gì).

Mến,

Hoành

© copyright 2019
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

Một suy nghĩ 5 thoughts on “Nắm vững giáo pháp”

  1. Anh Hoanh kinh men,
    Anh vui long cho dich thuat ( vi Anh rat ban ron ) bai viet tuyet voi tren,
    ra nhieu ngoai ngu, de cac Ban chung ta truyen tai den cac Ban Bon phuong ….thong diep vi dieu nay .

    Thích

  2. “Các bạn, trái tim tinh khiết, yêu mọi người, đến mức không còn thấy tách biệt giữa mình và mọi người. Đây chính là trung tâm điểm của lời dạy của Đức Phật và của Chúa Giêsu.”

    Em cảm ơn anh vì những lời giảng luôn đầy sức mạnh. Trong nhà Phật có nhiều người quan tâm đến đường giải thoát, như có một bạn viết “Mình không quan tâm Phật giáo, mình quan tâm về giải thoát, giải quyết vấn đề trong cuộc sống, chấm dứt đau khổ và đạt được hạnh phúc.” Điều này khiến em nhận ra tư duy logic chặt chẽ trong nhà Phật, đề cao trí tuệ giải thoát (trí tuệ Bát Nhã) khiến cho nhiều người đi lạc khỏi trái tim tinh khiết, yêu mọi người này ngày càng xa và vì thế không trực nhận được chân lý trong nhà Phật.
    Em cũng đã trả lời cho bạn: “Đúng là Phật pháp có đường giải thoát, “Khổ là si mê, là tội, là tội nghiệp (hay nghiệp tội), vì không hiểu được chân lý trong Phật pháp”, nên hiểu được chân lý này là hết khổ. Nhưng chẳng ai đến được sự giải thoát này mà không mang trong mình một lòng từ vô lượng, một trái tim vô ngã, và đặc biệt đặc biệt là chẳng ai đến được sự giải thoát này mà mong muốn được giải thoát một mình!

    Chính vì vậy em dần hiểu hơn về cách anh luôn viết hai truyền thống song song. Em sẽ túc tắc viết theo đúng con đường tâm linh mình đã đi dưới sự hướng dẫn của anh và tìm hiểu trái tim của các tôn giáo, mỗi lần chỉ một, đổ sạch tách trà rồi mới đi tiếp 🙂 Để các bạn mới bắt đầu có thể tìm được sự gần gũi và luôn giữ trái tim đúng.

    em Hường

    Đã thích bởi 3 người

  3. Dear anh Hoành,
    Xin cảm ơn những lời tâm huyết của anh. Em đã rõ hơn về “sự chấp ngã hạng tổ sư” đọc tới đây thấy mắc cười, thấy nhiều khi mình đi lạc mà không biết. Nay rõ hơn nhiều! Cảm nhận được traí tim tinh khiết của anh dành cho mọi người. Cảm ơn anh! Biết ơn anh!

    Thích

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s