Mùa nào cũng đẹp, người nào cũng đẹp

Chào các bạn,

Bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, có lẽ chúng ta đều đồng ý là mỗi mùa có một nét đẹp riêng. Chẳng thể nói mùa nào đẹp hơn mùa nào. Xuân thì bừng sức sống; hạ thì nắng, cây xanh, phượng đỏ, và biển; thu thì sắc màu mờ sương lãng mạn, đông thì lặng lẽ, giá lạnh, áo len và khăn quàng khoe sắc.

Người ta cũng vậy các bạn. Chúng ta có khác nhau thì cũng chỉ như các mùa. Mỗi người có một cá tính riêng, nhưng mọi người đều đẹp ngang nhau, nếu chúng ta có tâm bình đẳng để nhìn. Xã hội tạo tiêu chuẩn đẹp xấu để ta phân biệt – như là chân dài, eo thon, hay nói chuyện có duyên hoặc vô duyên, hay người thông minh hay kém thông minh… Và chúng ta vô tình làm nô lệ cho những chuấn giá trị phần lớn là do Hollywood và các công ty điện ảnh, kịch nghệ và hàng thời trang định ra. Hoặc có thể là do các tổ chức chính trị hoặc tôn giáo định ra. Những chuẩn này nhằm phân biệt người này và người kia, nghĩa là ngược với tâm phân biệt của thánh nhân.

Cái nhìn của thánh nhân khác với cái nhìn của phàm phu. Thánh nhân nhìn một người là nhìn vào hồn họ. Phàm phu nhìn thì nhìn vào bên ngoài của người ta. Sự khác biệt giống như người không sành rượu thì thích chai rượu đẹp, người sành rượu thì chỉ cần rượu ngon, chai thì thế nào cũng vậy.

Nhìn với tâm phân biệt là cái nhìn của một tâm thức vẫn bị giam tù – nô lệ cho đủ thứ chuẩn người đời đặt ra, và cái nhìn cực kỳ hạn hẹp vì nó ngừng ngay ở bên ngoài khi mắt nhìn và tâm trí kết luận tức thì “người này thế này, người kia thế nọ”.

Tâm không phân biệt nhìn vào hồn của mỗi người, và nhận thấy những yêu thương, âu lo, hy vọng, khắc khoải, ước mong, chờ đợi của người đó. Và ở mức đó mọi người rất giống nhau, nhưng cũng khác nhau ở mọi chi tiết – mỗi người có thể yêu một số điều khác nhau, mỗi người có thể bị ảnh hưởng buồn vui bởi những điều khác nhau, mỗi người có những mong ước khác nhau… Cái nhìn như thế thì như nhìn một cánh đồng hoa, với rất nhiều hoa khác nhau, mỗi hoa một vẻ, nhưng tất cả đều là hoa, đều có vẻ đẹp riêng, và đều làm cho lòng mình tươi đẹp. Đó là cái nhìn rất sâu và riêng tư, nhìn mỗi người đến tận hồn người ấy và thấy rõ người ấy là một người đặc biệt khác hẳn mọi người, nhưng tổng thể thì vẫn rất giống mọi người khác trong tư duy, xúc cảm, ước mong…

Đây là cái nhìn của mẹ nhìn các con. Mẹ biết mỗi con rất kỹ, đứa nào có nốt ruồi nào và những cá tính nào mẹ đều biết, và đương nhiên chẳng đứa nào giống đứa nào. Nhưng tổng thể thì các con đều như nhau, đều là con của mẹ, đều có những nét chung của các con của mẹ, và mẹ chẳng thể nói mẹ yêu con nào hơn con nào.

Mẹ có cái nhìn với tâm không phân biệt vì mẹ có tình yêu cho các con. Muốn có tâm không phân biệt chúng ta phải có tình yêu cho mọi người. Nếu ta yêu “người” thì tự nhiên ta chẳng phân biệt người này với người kia, dù ta thấy rất rõ hai người khác nhau trong nhiều chi tiết. Tức là, thấy kỹ đến nỗi thấy từng chi tiết khác nhau, nhưng sâu đến nỗi thấy khác nhau mà yêu như nhau. Đó là khác mà không khác, không khác mà khác, không khác chính là khác, khác chính là không khác. (Bát Nhã tâm Kinh).

Tâm không phân biệt, mới nghe thì tưởng rằng đó là lý trí – cái đầu mình đừng phân biệt ai – nhưng thực ra tâm không phân biệt được sinh ra từ tình yêu. Bạn không thể dùng lý trí để bảo bạn không phân biệt được, nếu bạn không yêu mọi người. Không có tình yêu thì đầu óc bạn nhất định sẽ phải phân biệt người hay người dở, người đẹp người xấu, người thành thật người dối trá, vì không yêu thì chỉ có cách nhìn người để xem mình phải ứng xử hoặc dùng họ như thế nào để tốt nhất cho mình.

Cho nên dù là bài học có vẻ lý trí – hãy có tâm không phân biệt – nhưng nó thực là bài học thực hành tình yêu.

Yêu người, thực sự là chuyện vô cùng dễ, chẳng khó như nhiều người cảm thấy giống như phải leo ngang dãy Hy Mã Lạp Sơn ngập băng và tuyết. Nếu bạn biết là mọi người đều khổ, thì bạn tự nhiên yêu mọi người. Cả thế giới ai cũng khổ – đau vì tình, đau vì tiền, đau vì tiếng tăm, đau vì ganh tị, đau vì thù hận, đau vì giành giật, đau vì si mê, đau vì tham lam, đau vì lo sợ, đau vì đau… Mọi người đều ngụp lặn trong bể khổ. Điều này thì hoàn toàn chính xác, thế cho nên chúng ta luôn luôn thấy đủ thứ xì căng đan, tội phạm, hành vi ngu dốt, tâm trí đau khổ… của những người xem ra là đã có đủ mọi thứ trên đời rồi. Không có một vị trí nào trên đời, một nơi nào ta đứng, một không khí nào ta thở, mà có thể tách rời ta ra khỏi khổ đau của đời sống này. Trừ khi tâm trí ta được giải thoát khỏi tù ngục tư duy để có được tự do hoàn toàn. Tự do hoàn toàn là giải thoát, là giác ngộ.

Chỉ cần hiểu rõ bản chất của khổ đau, thì ta yêu tất cả mọi người, tội nghiệp cho tất cả mọi người, yêu như thế là chuyện tự nhiên, chẳng cần phải cố gắng. Hiểu rõ được bản chất của cuộc đời và của con người – khổ – thì tự nhiên ta yêu mọi người.

Người ta nói rằng thái tử Tất Đạt Đa thấy con người khổ, nên quyết chí tìm học đạo để chấm dứt cái khổ cho người. Và người ta nói đến con đường học đạo của Tất Đạt Đa, nhiều thầy, nhiều đường, cho đến lúc thái tử thiền định và giác ngộ. Nhưng có lẽ người ta không biết, những chặng đường tu luyện đó là phụ. Điều chính đã có từ đầu, đó là thái tử thấy con người khổ và thái tử đau vì cái khổ của con người, và tình yêu lớn dành cho mọi người thúc đẩy thái tử đi tìm giải pháp.

Nào các bạn, đây là điểm lớn, các bạn hãy suy nghĩ: Thái tử đã giác ngộ từ lúc còn ở hoàng cung thấy mọi người khổ và đau cái đau của mọi người và yêu thương mọi người quá đỗi. Tình yêu lớn đó chính là Enlightenment, chính là Giác Ngộ. Mọi thứ giáo pháp khám phá ra sau này dưới cội Bồ Đề chỉ là kết quả tự nhiên của tình yêu lớn đó. Không có tình yêu lớn đó thì chẳng có gì dưới cội Bồ Đề cả. Tình yêu lớn đó chính là đại ngộ. Những điều thấy được sau này, thực là tiểu ngộ, thấy thêm. Ngày nay người ta thường nói: “Thấy được câu hỏi là đã đi hơn nửa đoạn đường.”

Các bạn, đây là điểm quan trọng cho chúng ta. Thấy mọi người và yêu mọi người là đại ngộ. Tình yêu là ánh sáng. Tình yêu lớn là ánh sáng lớn, ánh sáng giác ngộ. Và chúng ta nói đến tình yêu, không nói đến ý tưởng. Yêu là bạn có cảm xúc yêu thương dạt dào, đau lớn với cái đau loài người đang mang. Bạn đã yêu như thế là đã có được ánh sáng giác ngộ, và mọi thứ khác sẽ tuần tự đến với bạn, chẳng có gì phải tìm.

Chúc các bạn biết yêu tất cả loài người, chẳng chừa ai.

Mến,

Hoành

© copyright 2019
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

Một suy nghĩ 2 thoughts on “Mùa nào cũng đẹp, người nào cũng đẹp”

  1. “Thái tử đã giác ngộ từ lúc còn ở hoàng cung thấy mọi người khổ và đau cái đau của mọi người và yêu thương mọi người quá đỗi. …” cám ơn anh đã nói lên điều này, điều em gặp phải khi tập thiền.

    Khi tập thiền Vipassana, em khám phá và tập được rất nhiều điều, ý thức hơn, tinh tế hơn. Nhưng em gặp phải một khó khăn rất lớn là cảm giác khô kiệt, mất sức sống, như một cây khô trên sa mạc vậy. Nên một mặt em tập thiền theo Phật cho tâm trí mình, em vẫn cảm thấy cần Jesus cho trái tim mình tiếp tục đập, yêu thương và hớn hở với con người và cuộc đời, vượt qua mọi sân giận, xung đột với con người. Em nghĩ những người chỉ từ tập theo Phật hẳn phải có tâm từ, tâm bình an rất lớn, ít sân giận. Nếu ko sự khắt khe với mình khi tu tập dễ bị lây thành sự khó khăn, khắc nghiệt với người – có lẽ cho đến khi mình Giác Ngộ hoàn toàn.

    Thích

  2. Quỳnh Linh nói vậy là rất chính xác, và điều đó có nghĩa là em thực hành vipassana rất tốt, vì em quán thấy vấn đề trong mình.

    Đây là một điều sai lầm lớn trong nhiều người tu thiền và thầy dạy thiền. Vì lý do nào đó mà người ta cứ lầm là học tĩnh lặng là con người phải khô khan hay vô cảm. (Xem truyện Thiền Không có từ tâm).

    Ngay cả khi người ta nói về từ tâm và từ bi, thì các từ này rất khô khan và có vẻ rất công thức. Chính vì vậy mà anh thương dùng từ “yêu người” hơn là từ tâm hay từ bi. Và anh luôn nhấn mạnh yêu là xúc cảm yêu, không phải chỉ là một từ hay một công thức làm việc.

    Còn một điều nữa là thiên hạ hay nói đến từ tâm, từ bi ở khúc sau: Vì mình đi đường tâm linh nên mình phải từ tâm, và đó thường có nghĩa là làm việc thiện.

    Anh đặt yêu người là nền móng đầu tiên: Vì yêu người (với cảm xúc mạnh) nên ta đi đường tâm linh. Anh thấy cả Chúa Giêsu và Phật Thích Ca, và những đấng thánh đều sống như thế. Anh cũng cảm thấy rõ ràng trong anh như thế. Tức là, tình yêu là đầu tàu đẩy mọi thứ khác và làm cho mọi thứ khác thành hình.

    Vấn đề là vì khái niệm tĩnh lặng thường làm cho mọi người không dám sờ đến xúc cảm của mình. Nhưng anh nghiệm thấy, người càng tĩnh lặng thì càng nhạy bén về xúc cảm và thường yêu người rất mạnh. Tĩnh lặng là tĩnh lặng trong phản ứng – yêu nhưng làm gì thì cũng tĩnh lặng, biết điều gì nên làm, điều gì không. Đó mới là từ tâm và tĩnh lặng cùng một lúc.

    Anh thấy vấn đề như trong truyện “Không có từ tâm” là vấn đề rất thường gặp phải cho nhiều người học Thiền, và cả những người của các tôn giáo khác.

    A. Hoành

    Đã thích bởi 1 người

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s