Chào các bạn,
Mình vào buôn Khóp đến thăm gia đình em H’Bloen, sau một lúc nói chuyện mình cùng em H’Bloen đến thăm gia đình thầy giáo Y Cương, giáo viên dạy cấp II trong buôn làng. Thầy Y Cương là thầy giáo tốt được anh em đồng bào buôn làng kính trọng và quý mến.
Mình đến nhà đúng lúc thầy Y Cương mới đi ra suối vớt cá về, thầy Y Cương mời mình vào gian phòng khách có đầy đủ bàn ghế, và phía sau có một khoảng trống rộng mát, ở đó kê một bàn học riêng để thầy Y Cương chấm bài và soạn giáo án.
Qua nói chuyện mình biết thầy Y Cương dạy học đã hơn hai mươi năm, hiện nay thầy Y Cương là giáo viên dạy Toán giỏi, thường xuyên bồi dưỡng cho học sinh dự thi Toán giỏi cấp huyện cấp thành phố. Ngoài ra mùa hè thầy Y Cương dạy Toán nâng cao cho một số học sinh thi vào trường chuyên Toán, và đa số các em thi vào đều đậu, nhờ vậy thầy Y Cương được thêm tiếng là giáo viên dạy Toán giỏi. Mình hỏi:
– “Thầy Y Cương đã tự luyện như thế nào để trở thành thầy giáo giỏi?”
– “Thật sự ngay từ đầu khi mới bắt đầu vào học, mình cũng như đa số các em đồng bào sắc tộc bây giờ, nghĩa là đi học nhưng không ý thức việc mình đi học, chỉ đi học vì gia đình muốn hoặc vì các bạn đi mình cũng đi, và mình đã mang não trạng này cho đến khi học xong năm học thứ ba mới ý thức lại, lúc đó mình mới ý thức làm tốt hơn những gì đang có.”
– “Lý do nào đã khiến thầy Y Cương thay đổi được để trở thành một người thầy tốt như hiện nay?”
Nghe mình hỏi thầy Y Cương cười và chân thành chia sẻ:
– “Thời đó mình là sinh viên thời bao cấp được nhà nước nuôi ăn học nhưng rất đói, cơm ăn hằng ngày theo tiêu chuẩn nhưng không ngày nào đủ ăn, ngày nào cũng đói, đói đến nỗi có những sáng đi thực tập phải ra vườn hái những trái ổi non ăn cho qua cơn đói, cho đến khi mình học năm thứ ba trong ngày nhà giáo Việt Nam là ngày Tết của các thầy cô giáo, lúc đó mình cùng năm bạn khác đang thực tập tại trường Trung học phổ thông cơ sở Nguyễn Trãi thuộc Phú Nhơn, dãy nhà ở của các thầy cô đi thực tập là mấy gian nhà ván cũ kỹ muốn sập, còn nhà bếp là một mái nhà tranh xiêu vẹo rất thảm.
Hôm đó ngày nhà giáo nên nhóm mình được nhà trường cho một con gà nấu cháo ăn. Trong khi xuống bưng nồi cháo lên, sẵn trong bếp có cây củi đang cháy dở, mình cầm cây củi dúi vào mái tranh cho nó bốc cháy, mọi người nghĩ là nhóm mình nấu không cẩn thận để xảy ra cháy. Sau khi căn nhà bếp ọp ẹp cháy nhóm mình khổ hơn vì phải che tấm bạt nấu, và thường xuyên ăn cơm sống do tấm bạt không che nổi nắng mưa.
Từ cái khổ hơn này mình mới học được, cũng như tập luyện để biết trân quý những gì mình đang có, dù đó chỉ là những thứ rất tầm thường, cũng như làm chủ không để tự do làm chuyện xấu, từ đó mình đã dần thay đổi thành người tốt hơn.”
Matta Xuân Lành