Chào các bạn,
Ngày xưa cuối tuần chỉ có một ngày, ngày chủ nhật. Nguồn gốc sớm nhất của ngày này có ghi chép hẳn hoi là từ người Do Thái trong Thánh kinh (Cựu Ước): Thượng đế tạo dựng muôn loài trong 6 ngày, ngày thứ 7 Thượng đế nghỉ (không biết có dẫn bồ đi chơi không, vì Thánh kinh không nhắc tới).
Từ đó người Do Thái, và dần dà cả thế giới theo bước tiến của Thánh kinh, học theo Thượng đế để nghỉ một ngày trong tuần. Ngày đó trong Cựu Ước gọi là ngày Sabbath (Sa-bát). Nghỉ ngày Sabbath sau này cũng được ghi như là một trong 10 Điều Răn mà Thượng đế giao cho Moses để dạy lại cho dân Do Thái, sau khi Moses giải phóng được dân Do Thái ra khỏi đế quốc Ai Cập, trên đường tìm về Đất Hứa.
Nhưng nếu ta theo trường phái phân tâm học của Sigmund Freud, thì đa số các lề luật tôn giáo thường có gốc thực dụng. Ví dụ: Người Muslim (Hồi giáo. Mình nghe nói các bạn Muslim Việt Nam thích dùng từ đạo Islam và người Muslim, và không thích từ Hồi giáo. Vậy từ nay mình sẽ cố nhắc mình là dùng Islam và Muslim thay vì Hồi giáo) cầu nguyện 5 lần một ngày, và trước khi cầu nguyện phải tắm rửa sạch sẽ. Nếu không tắm thì ít nhất cũng rửa nhiều bộ phận cơ thể, kể cả các chỗ kín. Chúng ta có thể thấy được người sống trong sa mạc thiếu nước thì có lẽ ngày xưa là không tắm rửa thường xuyên. Đi trong sa mạc thì phải đến ngày có sông hay hồ mới tắm được. Và vệ sinh kiểu đó thì dễ sinh ra bệnh tật. Tắm rửa 5 lần một ngày để cầu nguyện, đương nhiên đó là cách mạng vệ sinh y tế cho sức khỏe.
Ta cũng có thể thấy ngay là ngày Sabbath là ngày nghỉ, rất tốt để sạc điện lại sau 6 ngày làm việc. Áp dụng như một quy luật tôn giáo thì ai cũng phải theo.
Tuy nhiên, điều gì cũng thế, người đầu tiên sáng tạo quy luật thì thông minh, đệ tử sau này thì chậm lụt và hiểu sai ý. Và ngày Sabbath trở thành ngày để thờ phượng Chúa, không thật sự là ngày nghỉ. Người ta thường có ảo tưởng là “thờ phượng Chúa” và “nghỉ” thì như nhau. Điều này còn tùy, nếu bạn ngồi tĩnh lặng tâm sự với Chúa như bạn thân thì đúng đó là “nghỉ” vì rất Thiền. Nhưng sự thật thiên hạ dùng ngày Sabbath để đi nhà thờ, xem lễ, đọc kinh, (bị) nghe giảng, học Thánh kinh, học giáo lý, và nhiều thứ hội hè của nhà thờ. Nói rằng những chuyện đó là nghỉ thì e không chính xác. Nói đó là công việc thì chính xác hơn. Hỏi các quý vị linh mục, mục sư, hay nữ tu rằng ngày Chúa Nhật có phải là ngày nghỉ không, thì có lẽ nhiều vị sẽ nói ngày đó nhiều việc hơn ngày thường.
Ngày Sabbath là ngày cuối tuần, thứ bảy. Nhưng giáo hội Kitô giáo (trước khi Kitô giáo chia thành 3 nhánh – Công giáo, Chính thống giáo, và Tin lành) đổi sang ngày đầu tuần, và gọi là ngày Chúa Nhật (ngày của Chúa, nhưng cụm từ “ngày của Chúa” đã có trong Cựu ước, không phải là phát minh của Kitô giáo). Và nghỉ hay không thì chưa biết, nhưng mất hơn nửa ngày lo việc lễ lạy là chuyện đương nhiên.
Vào khoảng đầu thế kỷ 19, nhiều người Do Thái di cư sang Mỹ và khi đi làm thì xin nghỉ ngày thứ bảy, thay vì chủ nhật, vì thứ bảy là ngày Sabbath. Từ từ hình thức cuối tuần 2 ngày bắt đầu chớm nở.
Cảm ơn Do thái giáo và Kitô giáo cho hai ngày nghỉ. Đúng Thánh kinh thì, cảm ơn Chúa cho hai ngày nghỉ.
(Người Muslim có cuối tuần là thứ sáu: “Thầy Bukhari và tín đồ Islam nói rằng Tiên tri Mohammad (Bình an ở cùng Ngài) đã dạy: ‘Chúng ta (người Muslim) đến sau hết nhưng chúng ta sẽ đứng đầu trong ngày phán xét. Họ nhận Sách trước ta (nghĩa là Cựu Ước và Tân Ước). Chúng ta nhận Sách sau họ (nghĩa là Kinh Qur’an). Ngày thứ sáu đã là ngày họ vinh danh. Tuy nhiên, họ cãi lại điều đó trong khi Thiên Chúa dạy chúng ta vinh danh ngày thứ sáu. Vì vậy họ sẽ đi theo chúng ta. Người Do Thái vinh danh thứ bảy, và người Kitô giáo vinh danh ngày chủ nhật.'” (Nguồn Islam1.org).
Mong cho người Muslim di dân có thêm ảnh hưởng trong các công xưởng Âu Mỹ và các nước, để may ra một lúc nào đó chúng ta sẽ có thêm một ngày cho weekend và bớt một ngày làm việc. Cảm tạ Chúa, Amen).
Theo truyền thuyết thì Henry Ford, chủ hãng ô tô Ford là người đầu tiên chính thức hóa weekend hai ngày, vào khoảng đầu thập niên 1900s. Rất có thể vì Henry Ford thấy công nhân cần hai ngày nghỉ mới đủ. Nhưng có truyền thuyết nói, Henry Ford muốn bán nhiều xe và hiểu rằng công nhân của ông là khách hàng tốt nhất, vậy nên bán nhiều xe cho công nhân. Công nhân chỉ ham mua xe khi có nhiều thời giờ để lái xe đi chơi, cho nên cho thêm một ngày weekend là thượng sách. Mình thấy lý thuyết này không hợp lý, vì thời đó người có ô tô thường vào hàng đại gia, chẳng công nhân nào đủ sức mua.
Đến 1938, thì chính phủ liên bang Mỹ mới công nhận tuần làm việc 40 tiếng. Đó cũng là khởi đầu weekend hai ngày cho chính phủ liên bang. Nhiều công ty tư lớn đã có weekend hai ngày theo gương Ford trước đó.
Các bạn, tóm tắt chút lịch sử weekend như thế để các bạn hiểu weekend là ngày nghỉ, bắt đầu từ ngày Sabbath, mà Thánh kinh gọi là “ngày thánh” (holy day).
Ngày nghỉ là ngày thánh. Chắc chúng ta chưa hề nghĩ đến weekend như thế này. Thường là: weekend là ngày ăn chơi. Well, ăn chơi là nghỉ. Ăn xong rồi chơi, chơi xong rồi ăn. Có phải ăn làm đâu?
Nhưng chúng ta thường chẳng bao giờ gắn kết “nghỉ” và “thánh”, rest và holy.
Nhưng ngày nghỉ cuối tuần là ngày thánh. Chứ chẳng nói ngày làm việc là ngày thánh, mà nói ngày nghỉ là ngày thánh. Ngày làm việc là ngày cày, ngày nghỉ là ngày thánh. Điều này rất sâu, các bạn đừng quên.
Các ngày nghỉ lễ trong năm, dù là lễ gì – Quốc khánh, Tết, Giáng sinh, Phật Đản – đều gọi là holiday, holy + day, ngày thánh.
Ngày nghỉ là ngày thánh. Think about that. Hãy suy nghĩ về điều đó.
Chúc các bạn cuối tuần ăn chơi.
Mến,
Hoành
© copyright 2017
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com
Wiki có trang “Glossary of Islam” (Từ vựng Islam), rất tiện để tham khảo, ở đây:
https://en.wikipedia.org/wiki/Glossary_of_Islam
ThíchĐã thích bởi 2 người
Well, người Việt ta nói đến ăn, là phải kể :ăn sáng,ăn trưa,
ăn chiều, ăn tối, ăn dặm,ăn vặt,ăn học,ăn nằm,ăn nhậu, ăn quịt,ăn xin,ăn bám,ăn lì,ăn vạ, ăn chơi,và ăn cướp.
Chúc anh cuối tuần vui vẽ .
Thuy Pham
ThíchThích
ngày chủ nhật, cuối tuần hay holidays, đều dùng cho Thánh;
theo m nghĩ, Thánh tức là sự bằng an, cả nơi tâm hồn và thể chất;
và vị Thánh đó có quyền và nghĩa vụ tự tại, yên ổn với chính mình,
cho dù thực sự phải tìm khiếm nơi kinh nguyện, tịch lự, hay lăng xăng hưởng dụng đời sống; vì tôn giáo, trước hết làm chúng ta nên Thánh/ Phật bằng chính sự bằng an này;
có được nó, tức là làm cho đời sống trở nên dễ chịu, thú vị, như một cuộc vui 🙂
—
vài lời mạo muội, chia sẻ cảm nhận cá nhân;
m xin cảm ơn tác giả, đã cho m cơ hội nhìn lại ý nghĩa đơn sơ củ nghỉ ngơi này ^^
kính chúc cuối tuần vui khỏe ạh 🙂
ThíchThích
Ngày nghỉ là ngày thánh. – Em cám ơn anh chia sẻ một điều rất có ý nghĩa với con người hiện đại.
Ý nghĩa ở điểm:
Thượng đế đã làm việc liên tục trong sáu ngày và ngày thứ bảy là ngày mà Thượng đế nghỉ ngơi, không làm gì cả.
Chính khoảng thời gian không làm gì cả này, chính khoảng trống này mới có thể giúp con người phục hồi nội lực, tăng tính sáng tạo và giúp con người được trở về với trái tim Tình yêu của mình. Có lẽ chính nhờ những khoảng trống này mà con người dễ nghe được những thầm thì của Thượng đế hơn – những thầm thì nhỏ nhẹ của Tình yêu.
Con người hiện đại thường hay tránh khoảng thời gian này. Họ làm việc không có thời gian nghỉ cuối ngày và ngày nghỉ cuối tuần. Nếu không làm việc thì họ cũng làm điều gì đó để lấp đầy khoảng trống (như là đọc sách, nghe nhạc, xem phim…).
Họ sợ khoảng trống. Họ cảm thấy không thể chịu nổi khoảng trống. Những khoảng trống làm họ bứt rứt không yên.
Con người nên khám phá và đón nhận quyền năng của khoảng trống. Đây là món quà mà Thượng đế đã ban phước ngay từ thuở khai thiên lập địa, để ta có thể nghe Thượng đế thầm thì, hay trái tim ta thủ thỉ, hay âm thanh huyền diệu của thinh lặng.
Em cám ơn anh.
Em Hương
ThíchĐã thích bởi 4 người
Thu Hương nói rất phải. Con người hiện đại sợ khoảng trống. So true, so true.
A. Hoành
ThíchĐã thích bởi 1 người