Chào các bạn,
Đương nhiên hạnh phúc (happiness) là điều mọi chúng ta đều muốn, dù ta định nghĩa hạnh phúc là gì.
Nhưng hạnh phúc là gì?
Hạnh phúc là một cái gì đó ta có thể ôm ấp? Ta có thể cầm hạnh phúc và đưa vào mình, như Adam ăn trái cấm trong Vườn Địa Đàng không? Đương nhiên là không, vì hạnh phúc không phải là một vật.
Hạnh phúc có thể là một ý niệm? Nhưng ta có thể mang ý niệm về hạnh phúc vào đầu và tin rằng ta được hạnh phúc không? Như là, mang ý niệm về cô Thủy vào đầu và tin rằng ta đã hạnh phúc vì có cô Thủy trong đầu? Nếu đây là hạnh phúc thì là hạnh phúc giả tạo và nếu bạn không có đau khổ vì chuyện gì khác, thì e rằng bạn đang có bệnh tâm thần với cô Thủy trong đầu.
Hạnh phúc là một trạng thái tâm lý? Như là say ma túy, cảm như người lâng lâng tuyệt vời, không còn quan tâm đến điều gì khác? Chà, có nhiều người thích ma túy, hay rượu bia, hay những chất hóa học làm say, để mua vài phút “hạnh phúc”, và sau đó thì khốn khổ cả ngày, nếu không là cả đời.
Tình yêu cho ta hạnh phúc? Vâng, tình yêu cho ta hạnh phúc và thiên đàng… cho đến khi cãi nhau và rã đám. Có thể là địa ngục theo sau.
Nhiều chúng ta biết hạnh phúc không có ở ngoài đâu mà tìm. Tất cả mọi thứ ở đời – tiền bạc, địa vị, danh tiếng, tình yêu – đều không mang đến hạnh phúc, vì nếu mang được thì những người giàu có, địa vị cao, danh tiếng lớn, chẳng người nào tự tử. Nhưng thực tế họ tự tử rất nhiều – nhiều người tự tử rõ ràng, nhiều người khác tự tử chậm bằng nghiện ma túy, nghiện rượu, hay hành hạ trái tim mình đến bệnh hoạn.
Hạnh phúc ở bên trong ta? Vậy thì hạnh phúc ở đâu trong ta? Làm sao mà chụp nó được?
Nếu ta tìm, thì cũng chẳng thấy hạnh phúc ở đâu trong ta cả. Và chẳng ai biết hình thù nó thực sự thế nào?
Thế thì làm sao nắm được hạnh phúc?
Chúng ta không thể nắm được hạnh phúc, vì hạnh phúc chẳng là cái gì, như trái cam hay như một ý tưởng, để mà có thể nắm bắt.
Hạnh phúc không phải là điều gì ta có thể có.
Hạnh phúc là KHÔNG CÓ những cái làm ta đau khổ,
như là buồn, lo, sợ, giận, ghét, tham, ganh tị, kiêu căng, ngu dốt…
Nói chung, những điều làm ta mất bình an, mất an lạc (mất an bình và vui vẻ), những điều ta không muốn có mà vẫn cứ đến, những điều đó làm ta đau khổ, không hạnh phúc.
Nếu những điều đau khổ đó không có nữa, thì ta vui vẻ thường trực. Vui vẻ thường trực, mà nhà Phật hay dùng từ “an lạc” để nói, chính là hạnh phúc.
Điều này quan trọng để nhớ: “Hạnh phúc không phải là điều gì để ta có thể nắm bắt. Hạnh phúc là không có khổ.” (Chữ “khổ” đây là từ của nhà Phật trong Tứ Diệu Đế – Bốn Chân lý Vi diệu: khổ, tập, diệt, đạo – khổ, nguyên nhân khổ, khổ có thể diệt, con đường diệt khổ).
Nhưng “khổ” là cái gì, để ta diệt?
Khổ vì tiền, khổ vì tình, khổ vì tài sản, khổ vì sắc đẹp… Vậy bỏ hết các thứ này đi thì hết khổ?
Coi như là đi tu trong chùa nếu ta bỏ hết những thứ đó. Nhưng vào chùa ta vẫn có thể háo danh, ham chức, kiêu căng, si mê, bốc láo…, đây là những thứ làm ta khổ trong đầu. Bỏ chúng đi thì hết khổ?
Chà, ngay cả giáo pháp, lời Phật dạy, quy luật chùa, giới luật tu… cũng có thể làm ta bám vào đó mà si mê và thành vừa kiêu vừa dốt, đó là khổ. Vậy ta phải bỏ luôn cả giáo pháp, lời Phật dạy, quy luật chùa, giới luật tu… để được hạnh phúc?
Bỏ hết thế thì còn gì? Sao mà sống?
Bỏ hết các thứ đó thì ta thành Bồ tát và được an lạc vĩnh cửu của Bồ tát. Nếu ta không chết sớm sau khi bỏ mọi thứ!
Mấu chốt là ở chỗ này. Nhiều thứ trên đời ta cần để sống, như tiền bạc, nhà cửa, áo quần, xe cộ. Nhiều thứ ta phải chấp nhận có dù muốn hay không, như là danh tiếng khi nhiều người biết đến ta, chức vụ khi được mời làm việc quan trọng giúp nước… Bỏ hết mọi thứ này thì e rằng không sống được.
Và đây là tinh yếu của Bát Nhã Tâm Kinh: Bỏ mà giữ, giữ mà bỏ.
Tức là, những thứ gì cần ở đời, hay đời tự đưa đến, thì cứ giữ đó mà dùng để giúp người giúp đời. Nhưng đừng bị dính vào chúng, tức là không bám vào chúng, không khát khao chúng, không chấp vào chúng. Đó là giữ mà bỏ, bỏ mà giữ.
Đó là vô chấp. Không bám vào đâu.
Đó là vô trụ. Cánh chim tự do đậu khắp nơi, nhưng chẳng dính cứng (bám trụ) vào nơi nào, nên cánh chim được tự do.
Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm. Không trụ vào đâu, thì sanh tâm Bồ Đề. (Kinh Kim Cang).
Tóm lại:
– Hạnh phúc không phải là có gì, mà là không có khổ.
– Bám vào điều gì trên đời, từ vật chất đến tư tưởng, đến giáo pháp, giới luật, Bồ tát, Phật… đều là khổ.
– Không bám vào điều gì, thì có mà không có. Có mọi thứ, nhưng không bám, nên có mà không có. “Không có” thì tâm rỗng lặng, giác ngộ, an lạc.
Đó là hạnh phúc trường tồn.
Chúc các bạn luôn hạnh phúc.
Mến,
Hoành
© copyright 2017
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com
Vậy thì làm thế nào để hạnh phúc hả anh Hoành?
ThíchThích
Hi Đính,
Anh có câu trả lời rất rõ trong bài. Nếu em không hiểu, thì anh có giải thích thêm cũng chẳng được gì.
Em đọc lại chầm chậm hoặc nhiều lần thử xem. Nếu vẫn không hiểu, thì có lẽ em nên đọc loạt bài Tư duy tích cực của anh nơi cột trái ĐCN. Đọc lai rai rồi mọi sự sẽ thấm vô từ từ.
A. Hoành
ThíchĐã thích bởi 3 người
Vấn đề là làm sao để không bám hả anh , nếu không bám thì không có động lực , mục tiêu để phấn đấu trong cuộc sống , còn nếu bỏ hết thì cuộc đời ko có ý nghĩa
ThíchThích
Hi babiboreview,
Đó là một câu hỏi rất hay: “Vấn đề là làm sao để không bám hả anh , nếu không bám thì không có động lực, mục tiêu để phấn đấu trong cuộc sống , còn nếu bỏ hết thì cuộc đời ko có ý nghĩa.”
Anh sẽ dùng ngôn ngữ của anh khi dạy Bát Nhã Tâm Kinh để nói, nhưng dùng chữ “bám” của em (chữ “bám” của anh có một nghĩa hơi khác một chút, nhưng đừng quan tâm đến. Lệ thuộc quá nặng vào chữ nghĩa thì luôn luôn ông nói gà bà hiểu vịt).
– Giả sử em là nam, nếu em thích một cô, thì em phải bám cô ấy, nếu không thì chắc em không bao giờ có người yêu.
Nhưng nếu cô ấy có ra nhiều dấu hiệu tế nhị, hoặc nói thẳng ra, cho em biết rằng cô không thích yêu đương chỉ thích làm bạn với em, thì em sẵn sàng làm bạn với cô ấy mà không đá động gì đến yêu đương nữa.
Đó là thái độ tôn trọng bạn. Và đó là “bám” mà không “bám”.
– Nếu em học võ và thi đấu trong trường, hay trên võ đài, đương nhiên là em muốn thắng, vì học thì phải cố thắng mình mới giỏi. Nhưng nếu em không thắng, em vẫn vui với bạn đấu, vì là anh em cùng trường, cùng nghề. Đó là “bám” vào chiến thắng, nhưng không “bám”.
– Nếu em làm kinh doanh, đương nhiên em phải cạnh tranh, vì không thì công ty sẽ sập tiệm, mình và toàn bộ nhân viên sẽ đói. Nhưng em cạnh tranh bằng cách “tự cạnh canh” ngày nào cũng tự làm cho công ty mình hay hơn, người của mình hay hơn. Và em có thể nhìn các công ty khác xem mình cần thay đổi gì một chút trong kỹ thuật hay giá cả để cạnh tranh không. Nhưng em vẫn là bạn tốt của những công ty khác, vì là anh chị em cùng nghề, chia sẻ kinh nghiệm và ý tưởng thường xuyên với họ (ngoại trừ vài bí mật của công ty em), và cùng cộng tác thường xuyên để làm cho ngành nghề mạnh thêm. Thì đó là cạnh tranh mà không cạnh tranh, không cạnh tranh mà cạnh tranh.
Anh nói theo ngôn ngữ Bát Nhã Tâm Kinh là:
“Bám mà không bám, không bám mà bám.” Đó chính là không bám.
Bất Nhã Tâm Kinh:
Sắc bất dị Không, Không bất dị Sắc.
Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc.
Nghĩa là
Sắc chẳng khác Không, Không chẳng khác Sắc
Sắc tức là Không, Không tức là Sắc.
Nói theo cách khác, dễ hiểu hơn:
Có chẳng khác không, không chẳng khác có
Có tức là không, không tức là có.
Hay
Có mà là không, không mà là có.
Đó chính là vô chấp, vô trụ của nhà Phật. Gọi là “không bám”.
A. Hoành
ThíchĐã thích bởi 4 người