Không giống ai

Chào các bạn,

Cụm từ “không giống ai” thường có ý báng bổ. Điều này cho chúng ta thấy gì? “Giống ai” là một điều kiện để được “đồng bào” chấp nhận.

Áp lực phải giống mọi người rất lớn trong đời sống của chúng ta.

Trước hết, con người học bằng cách bắt chước nhau – bắt chước người lớn, bố mẹ, thầy cô, hay bạn bè, hàng xóm.

Thứ hai, mọi người tự nhiên áp lực nhau là phải giống nhau. Khác người là “không giống ai”, tức là lập dị, quái gỡ, nực cười, hay gì đó, nhưng chắc chắn không phải là phiếu bầu người đáng yêu nhất nước.

Chính vì vậy mà chúng ta thường giống mọi người xung quanh, và nhìn xung quanh thấy mọi người tham sân si, thì ta thuộc loại người nào, các bạn biết rồi.

Luyện tập để tĩnh lặng, để sống bằng Phật tâm của mình, là không giống ai đó các bạn. Thế có nghĩa là nếu bạn luyện tâm, rất có thể là bạn bị áp lực của vài người ép bạn “đừng có không giống ai.” Có lẽ nhiều bạn cũng đã gặp rồi và đã có kinh nghiệm về điều này. Áp lực này mạnh đến nỗi, nếu đa số mọi người quanh bạn, như là trong một chùa hay nhà thờ, có trình độ đai trắng về luyện tâm (đây là sự thật) và nếu bạn đã có cỡ đai nâu, thì đừng nên nói gì nhiều với các vị, vì các vị đai trắng không hiểu bạn nói gì, họ sẽ xem như là bạn lảm nhảm bậy bạ, và nếu bạn cứ nói mãi, họ sẽ tống bạn ra khỏi nơi đó. Tốt hơn là chỉ nói với người bằng cấp mình, còn nói với người đai trắng thì ừ ừ ào ào kiểu đai trắng để khỏi làm phiền thiên hạ vô ích.

Tuy nhiên, có tin mừng cho bạn, nếu bạn luyện tâm tử tế thì cái “không giống ai” của bạn thường được người ta yêu, vì bạn hiền dịu hơn, nhường nhịn hơn, ít tranh chấp hơn, ấm áp với mọi người hơn. Cho nên, ngoại trừ vài người hiểu lầm bạn lúc đầu nên áp lực bạn, hoặc khi bạn hăng hái “giảng bài” quá (Ghi nhớ: Đừng bao giờ giảng nếu người ta không hỏi, đừng làm thầy nếu người ta không xin làm học trò) , đa số mọi người mến bạn hơn.

Dĩ nhiên, đôi khi sẽ có người không ghét nhưng không đồng ý với thái độ hòa bình nhẫn nhục của bạn, vì thiên hạ quen tranh chấp, đánh nhau, cãi nhau. Thấy bạn lúc nào cũng nín thinh và nhẫn nhục, người ta không ghét nhưng sẽ nghĩ bạn “không xài được”.

Và trong những nhóm, những cộng đồng lấy đấu đá và chửi bới làm văn hóa chính của họ, bạn sẽ thấy lạc lõng.

Ngoài ra, áp lực cuối cùng, rất lớn, là áp lực của mình tự đặt lên mình: Nhiều người ngồi với người tĩnh lặng thì nói chuyện tĩnh lặng, nhưng khi gặp người đấu đá thì hùa theo đấu đá, chỉ để làm vui lòng người ta. Về việc này mình chỉ có một câu để nói: “Don’t be stupid”.

Nói về các điều này để các bạn mới bắt đầu luyện tâm không ngạc nhiên khi tập luyện. Nói chung là kể cả khi bạn cố làm việc tốt cũng có những áp lực từ nhiều góc cạnh đẩy bạn đi đường khác.

Nhưng vì thế ta mới gọi là “tu”, phải không?

Chúc các bạn luôn vững tiến.

Mến,

Hoành

© copyright 2017
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

Một bình luận về “Không giống ai”

  1. Đúng thật anh ạ.
    Ở quê em rất hay lễ bái, lễ giải hạn, hầu đồng hay xem bói. Rất tốn tiền. Em không tin thì bị cả nhà nói nhạo báng thần linh, cẩn thận bị ”quở” chết.
    Tính em không thích tranh đua, nên khi thấy những người xung quanh kiếm tiền bằng cách thỏa hiệp với chính quyền, em không thích và không muốn làm thì cũng bị bảo là không giống ai, xã hội giờ đâu chả thế….
    Em kệ, em chỉ thích sống lương thiện và chính trực.

    Thích

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s