Chào các bạn,
Các bạn thường lo sợ, lo lắng, tức giận, sầu bi… vì nhiều lý do. Sở dĩ như thế vì ta đã quen như thế từ nhỏ tới lớn, luôn phản ứng phản xạ. Ai chửi thì tức giận, ai dọa thì lo sợ, gặp khó khăn thì lo lắng, người khác phiền lòng thì sầu bi, và hàng trăm thứ khác làm ta xung động thường xuyên trong ngày như thế.
Và chắc chắn là các bạn đã biết xung động như thế thì chẳng được gì, chỉ làm cho mình mệt. Tức giận thì được gì, ngoại trừ mình mệt? Nếu cần giải quyết vấn đề thì bình tĩnh vẫn hơn là tức giận. Ai trong chúng ta cũng biết như thế. Xung động chỉ làm cho tinh thần và thể xác của mình mệt, chẳng lợi một điều gì, nhưng chúng ta vẫn bị xung động thường xuyên, một cách phản xạ, và không xung động cũng không được, vì ta đã quen như thế. Vậy mới gọi là “phản xạ”.
Tĩnh lặng là gạt bỏ những xung động phản xạ như thế, không cho chúng ngóc đầu lên được, không cho chúng hiện diện trong ta nữa. Không có xung động là phản xạ. Chúng ta hãy đọc lại truyện Thiền “Vậy À” để hiểu được tĩnh lặng có nghĩa là gì:
Thiền sư Hakuin được láng giềng ca tụng là sống một cuộc đời tinh khiết.
Gần nơi thiền sư ở có một cô gái đẹp con của ông bà chủ tiệm thực phẩm. Đột nhiên bố mẹ cô gái khám phá là cô đang có thai.
Bố mẹ cô rất giận. Cô chẳng thú nhận ai là bố đứa bé, nhưng sau nhiều áp lực, cuối cùng cô khai tên thiền sư Hakuin.
Cực kỳ giận dữ, bố mẹ cô đến gặp thiền sư. “Vậy à.” thiền sư chỉ nói vậy.
Sau khi đứa bé chào đời, nó được mang đến cho Hakuin. Đến giờ này thiền sư đã hoàn toàn mất hết tăm tiếng, nhưng ngài chẳng thấy phiền toái gì, và ngài lo cho đứa bé rất tốt. Thiền sư xin hàng xóm sữa và các thứ mà đứa bé cần.
Một năm sau cô gái mẹ đứa bé chịu hết nổi. Cô thú thật với bố mẹ rằng bố thật của đứa bé là một cậu làm việc trong chợ cá.
Bố mẹ cô gái đi gặp Hakuin ngay và xin lỗi, năn nỉ kể lể dài dòng, và xin đứa bé lại.
Hakuin bằng lòng. Và khi giao đứa bé lại, thiền sư chỉ nói “Vậy à.”
Đối với chúng ta đây là đại họa – mất hết danh tiếng và sự nghiệp tan tành – có lẽ lúc đó Hakuin đã mất hết đệ tử và thính chúng. Chùa chỉ còn thiền sư và em bé, tiền bạc cúng dường biến mất, không ai hỗ trợ, đi xin sữa cho em là phải rồi, tiền đâu mà mua sữa.
Hãy đặt chính mình vào vị thế đó, các bạn sẽ biết chuyện này lớn đến đâu. Hakuin có đủ lý do để tức giận, lo sợ, buồn thảm, tuyệt vọng. Nhưng thiền sư chỉ nói “Vậy à” và bình thản nuôi bé.
Đó là tĩnh lặng.
Nhưng làm sao chúng ta đạt được trình độ tĩnh lặng đó?
1. Nhận thức đầu tiên phải là: Các xung động là phản xạ, vô nghĩa lý, vô lợi ích, chúng ta chỉ là tù nhân của các phản xạ của chúng ta.
2a. Nếu ta có căn cơ cao, thấy được mọi sự điều là “điên đảo mộng tưởng” (Bát Nhã Tâm Kinh) hay “mộng huyễn bào ảnh” (mộng ảo bọt bóng – Kinh Kim Cang), chẳng có gì đáng quan tâm, chỉ có tâm ta là Không – rỗng lặng, hoàn toàn thanh tịnh. Làm được điều này bạn đã đến mức Bồ tát.
2b. Nếu căn cơ không cao được như thế (và có lẽ đa chúng ta đều không cao được như thế), thì tập trung vào cầu nguyện với Chúa/Phật: “Chúa/Phật ơi, con biết các xung động này sóng gió chỉ vì các chuyện mộng ảo bọt bóng. Xin Chúa/Phật giúp con tĩnh lặng với Ngài, cầm tay con giúp con tĩnh lặng, để con cùng trò chuyện với Ngài, hơn là bị xung động bởi các chuyện kia”.
Mình không khuyên các bạn làm điều gì một mình, như là ngồi Thiền và không dựa vào ai, vì mình chưa có may mắn gặp một người nào, dù đã ngồi Thiền cả đời, mà lòng không đầy rẫy xung động. Hay đi nhà thờ nhà chùa, cũng vậy thôi.
Nếu chúng ta không có căn cơ vào hàng Thánh tăng, thì cầu nguyện là cách dễ nhất và hiệu lực nhất.
Nếu bạn là người có thể đi một mình, thì rất tốt, đó là căn cơ Bồ tát. Nhưng với đại đa số chúng ta, mình khuyên các bạn dựa vào Chúa/Phật, cầm tay Chúa/Phật mà đi. Cầm tay Chúa Phật là tập trung vào Chúa/Phật, thầm thì trò chuyện, hay đang làm việc thì ý thức được các vị đang ngồi cạnh mình để làm việc với mình, hỏi ý kiến các vị về việc mình đang làm.
Khi đầu óc ta tập trung vào Chúa/Phật thường trực như thế, ta sẽ tĩnh lặng được dễ dàng, miễn là đừng quên Chúa/Phật. Khi bạn cầm tay Chúa/Phật thì mọi chuyện khác đều như là gió thoảng, chẳng thể làm bạn xung động, lo sợ, tức giận, buồn bã gì cả, vì bạn đã có được sức mạnh vô song trong tay.
Cầm tay Chúa/Phật thường xuyên thì bạn cũng tự nhiên sống khiêm tốn, thành thật, yêu người. mà không cần ai nhắc nhở.
Chúng ta cần dựa vào Chúa/Phật để đủ sức mạnh không cho phản xạ của ta làm chủ ta nữa. Vậy là được tĩnh lặng.
Chúc các bạn mạnh mẽ.
Mến,
Hoành
© copyright 2017
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com
Em cảm ơn Anh đã nhắc nhở ạ. Không biết bao nhiêu lần anh đã nhắc nhở chúng em cầm tay Chúa/Phật. Sự tận tâm của anh lớn quá. Em chúc anh luôn khỏe ạ.
ThíchThích
Cảm ơn em, Nhàn. Em nhớ lời anh dặn là anh vui rồi.
A. Hoành
ThíchThích